BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76797)
(Xem: 63141)
(Xem: 40542)
(Xem: 32170)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Ba Trái Thúi

13 Tháng Mười Một 20187:00 SA(Xem: 16689)
Ba Trái Thúi
58Vote
41Vote
30Vote
20Vote
10Vote
4.99
Giữa năm 1974, Tiểu Đoàn 4 TQLC được lệnh rời vùng biển Mỹ Thuỷ, Quảng Trị chuyển quân bàn giao vị trí phòng ngự ở vùng núi rừng ở phía Tây Quốc Lộ 1, dưới chân rặng Trường Sơn với căn cứ Hoả lực "Barbara" do TQLC Hoa Kỳ giao lại sau cuộc giao tranh đẫm máu giữa lực lượng Nhảy Dù và quân Cộng Sản Bắc Việt vào mùa Hè năm 1972, trên đường tiến quân tái chiếm Quảng Trị.

Từ Quốc Lộ về phía Tây, những ngọn núi cỏ trọc, nằm nhấp nhô bên bờ Bắc sông Mỹ Chánh nối liền vào chân dãy núi Trường Sơn với rừng cây rậm rạp nay đã trơ trụi vì thuốc khai quang do quân đội Mỹ rải xuống để tránh bị địch xâm nhập đột kích, Tù căn cứ Hoả lực "Barbara" nhìn về hướng Tây là con đường dọ quân Cộng Sản mới khai mở sau năm 72 nằm vắt vẻo, uốn khúc nối liền trục xâm nhập với tên gọi là Đường mòn Hồ Chí Minh. Ở đây, quân lính TQLC ngày và đêm nhìn từng đoàn xe chở lính và đại pháo của Cộng quân lũ lượt xuôi Nam, ngang nhiên dưới bóng tàng của Hiệp Định Đình Chiến Paris ký kết giữa Mỹ và Hànội năm 73. Người lính nào cũng biết sẽ còn ít nhất một trận đánh long trời lở đất nữa mới mong hết chiến tranh. Thuỹ Quân Lục Chiến là lực lượng Tổng Trừ Bị của miền Nam, trước đấy đã nhẩy vào các trận địa nóng bỏng trên khắp các mặt trận từ Mũi Cà Mau lên Pleiku, Kontum ra tận Bồng Sơn, Tam Quan, Huế, Quảng Trị, nay đã trở thành lính địa phương chống giữ phần đất địa đầu giới tuyến của Miền Nam.

Ngày và đêm, ngoài các cuộc tuần tiễu, phục kích chống xâm nhập còn tự đặt ra các chương trình huấn luyện, thao dượt để luôn sẵn sàng ứng chiến. Việt Cộng cũng không ngừng luồn người vào trong các địa bàn hoạt động, móc nối sơ sở cũ và quấy rối trị an như pháo kích, gài mìn, bắn tỉa. Thậm chí, có khi chúng bất thần đánh thốc qua tuyến phòng ngự của TQLC để thăm dò. Quân Đoàn I lại càng chắc mẩm xin giữ giữ chân TQLC tại Quảng Trị để "bảo toàn lãnh thổ".

Tuy vậy, công việc giữ đất dành cho TQLC ngày càng nhàm chán. Hầu hết quân lính vốn quê ở tận trong Nam. Mỗi ngày một chuyến bay liên lạc C. 130 của Không Quân cho người đi phép, tiếp tế, bổ sung cũng không đủ khoả lấp khoảng trống của người lính xa nhà. Được một tuần lễ sau, khi cuộc điều quân đã ổn định, một buổi chiều mưa dầm ở Quảng Trị, Thiếu Tá Nguyễn Tri Nam, Sĩ quan Hành quân của Tiểu Đoàn, nguyên xuất thân khoá 22 Võ Bị, đã mời vị Tiểu Đoàn trưởng vào ỏõ hầm hành quân ỏõ để tiếp chuyện với ỏõ Đại Bàng Thái Dương ỏõ. Thạch vừa chui ra khỏi cửa hầm ngủ vừa lẩm bẩm :

- Không hiểu có chuyện gì nữa đây?

Cái thằng "Thày Đồ tẩm ngẩm" này! "Đại Bàng Thái Dương" là Trung Tá Đỗ Hữu Tùng quyền Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 147 (LĐ147) TQLC. "Cái thằng Thày Đồ" là bạn cùng khoá Võ Bị với Thạch, ra trường về cùng đơn vị và trải qua cuộc chiến 10 năm nay lại gặp nhau. Tùng là cấp chỉ huy của Thạch.

- Tuyên Đức tôi nghe Thái Dương.

- Qua tần số cùi nhỏ, tao có chuyện muốn nói với mày.

- Cùi nhỏ, năm trên năm. Dứt.

Ở vùng hành quân, qua hệ thống máy liên lạc vô tuyến AN/PRC25, đám bạn cùng khoá Võ Bị của Thạch ở các đơn vị đã nghĩ ra hai hệ tần số liên lạc riêng dựa vào Khu Bưu Chính (KBC) 027 của Trường Võ Bị ngày xưa, cùi nhỏ là 4025 và cùi lớn là 4030. Thạch chuyển qua máy dự bị vặn cần vào tần số 4025.

- Thái Dương đây Tuyên Đức.

- Một chút nữa sẽ có trực thăng "Slick" vào đón mày ra ngoài này ăn tối chung với tao và thằng Tây Sơn. Có cả Kilô ở Saigon mới ra nữa.

- Nhận rõ. Còn gì tiếp.

- Gặp mày sau. Dứt.

"Thằng Tây Sơn" là Trung Tá Nguyễn Đằng Tống, Lữ Đoàn phó LĐ 147 TQLC và cũng là bạn cùng khoá Võ Bị với Thạch, ra cùng đơn vị từ đầu năm 1963 đến nay. Tống, Tùng và Thạch là 3 Thiếu Uý vừa ngoài 20 tuổi, tốt nghiệp khoá 16 của Trường Võ Bị Đà Lạt, tình nguyện về TQLC sau ngày mãn khoá. Hai ngày sau khi trình diện Bộ Tư Lệnh Liên Đoàn TQLC ở Thị Nghè, cả ba được phát quân trang rằn ri của TQLC, rồi được đưa thẳng ra bến Bạch Đằng xuống tầu Hải Quân HQ 401 để đáo nhậm đơn vị lúc ấy đang hành quân ở vùng Năm Căn, Cái Nước ở Cà Mau. Tống sinh sau Thạch một ngày ở tại Nha Trang, nên khi đổi sang số quân Hải Quân cả hai đã mang hai con số khít nhau là 701.162 và 701.163. Ông Cụ của Tống là một thâm nho, từ Quảng Nam vào Nha Trang để dạy học và sau đó được đổi vào Sàigòn làm cho Bộ Giáo Dục chuyên về cổ học Hán Nôm. Tống có khá đông anh chị em, vốn dòng dõi hoạt động yêu nước trong các Chi bộ Quốc Dân Đảng. Anh Chị của Tống khá lớn tuổi đã làm việc và dạy học, lập gia đình khi mẹ của Tống đã mất sớm. Sau Tống, còn có một cô em gái và một người em trai. Tống học ở trường Trung Học Võ Tánh tại Nha Trang. Sau khi đỗ Tú Tài, Tống đã tình nguyện vào trường Võ Bị. Khi tốt nghiệp vào cuối năm thứ 3, Tống là một trong mười người đứng đầu của một khoá với 226 sĩ quan ra trường.

Với vóc người cao tầm thước, ứng biến nhanh lẹ và mau mồm mau miệng, Tống đã thành công trong việc lãnh đạo chỉ huy đơn vị từ một Trung đội trưởng với hơn 40 người lính lên đến một Tiểu Đoàn TQLC với quân số gần 900 tay súng thiện chiến. Năm 65, khi hành quân ở Điện Bàn, Quảng Nam, Tống bị trúng đạn vào bụng được chuyển về Quân Y Viện Qui Nhơn. Khi gặp lại Thạch, Tống kể: "Lúc tao bị trúng bụng, ngã xuống, không cục cựa gì được, chợt nhớ đến mày bị ba phát đạn ở Bình Giã còn bò mấy ngày mấy đêm được". Thạch bị đạn vào đùi và bắp chân. Còn viên đạn thứ ba cháy xém ngoài da ngực trái. Đạn vào bụng như Tống gây phá nguy hiểm hơn, thường dễ bị lưu huyết nội mà chết. Tống sống sót trở về trình diện Bộ Tư Lệnh lúc ấy đã dời về trại Lê Thánh Tôn, sau lưng bến Bạch Đằng. Thạch bị lõm thịt đùi ở Bình Giã nên được đi học khoá 3 Sĩ Quan Căn Bản Quân Cảnh ở Vũng Tàu rồi về làm Đại Đội Trưởng Đại Đội 202 Quân Cảnh của Binh chủng TQLC. Trong lúc ấy còn dưỡng thương, Tống được vị Tiểu Đoàn trưởng cũ là Thiếu Tá Nguyễn Kiên Hùng, nguyên tham dự đảo chánh 11/11/60, thất bại chạy sang ẩn náu ở Cao Miên rồi trở về thay Thiếu Tá Lê Hằng Minh làm Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 4TQLC. Thiếu Tá Hùng được bổ nhiệm ra làm Tỉnh Trưởng Nha Trang đã đem Tống theo, lúc ấy Tống còn là Trung Uý, ra làm Quận Trưởng Quận Ninh Hoà. Vốn là Sĩ quan Tác chiến kiên cường và liêm chính, Thiếu tá Hùng không ngồi lâu ở nơi "xôi thịt" đã bị trả lên Quân Đoàn II và sau đó ông xoay sở về làm Huấn Luyện Viên cho trường Chỉ Huy và Tham Mưu. Còn Tống từ đơn vị 2 Quản trị đã nhất quyết đòi về lại TQLC và cuối cùng được toại nguyện. Dù trên da bụng của Tống còn dấu vết con rết dài sau cuộc giải phẫu, Tống nói đùa với Thạch : "Bụng tao có cái Fermeture để lâu lâu mở ra coi". Hồi Tống đi làm Quận Trưởng ở Ninh Hoà, do quân số còn ở TQLC nên đã uỷ nhiệm cho Thạch hàng tháng đến phòng Quân lương lãnh tiền gửi ra cho Tống. Tống viết thư bảo: "Mỗi tháng tao cho mày một ngàn xài chơi, còn bao nhiêu gửi ra cho tao".

Làm Quận Trưởng chỉ vài tháng với tuổi trẻ độc thân lại khẳng khái, Tống chẳng dư dả được bao nhiêu. Vốn tính gan lì và dũng lược, Tống cầm sự vụ lệnh đi Tiểu Đoàn TQLC trở lại làm Đại Đội Trưởng. Với các công trận lừng lẫy trên khắp các mặt trận từ Miền Tây ra Miền Đông lên đến Đức Cơ, Pleime, Tống đã từng bước lên cho đến ngày được bổ nhậm làm Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 1/TQLC. Năm 68, Tiểu Đoàn của Tống đã vây bắt được 120 tên Việt Cộng xâm nhập vùng Ngã Ba Cây Thị, cầu Bình Lợi. Tống được đi học khoá Amphibious Warfare ở Quantico, Virginia, Hoa Kỳ rồi trở lại đơn vị hành quân tái chiếm Quảng Trị. Bị thương lần thứ hai, Tống được kéo về làm Chánh Văn Phòng cho Thiếu Tướng Tư Lệnh Sư Đoàn TQLC. Vẫn thích cười cợt, vui đùa, Tống bảo: "Bây giờ tao làm Skinman tức là gia nhân đó!". Người hùng coi thường tử sinh đó cuối cùng đã trở ra đơn vị tác chiến và làm Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 4/TQLC, lên cấp Trung Tá với Đệ Tứ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương sau cuộc hành quân tái chiếm Quảng Trị năm 72.

Lúc ba Thiếu Uý trẻ măng xuống tàu HQ.401 trực chỉ Cà Mau, leo lươí xuống tàu LCU đổ bộ lên Rạch Ông Năm với quân phục mới tinh chưa cắt chỉ, balô đời Pháp từ trường Võ Bị mang theo cồng kềnh đủ thứ trên lưng và hai bàn tay không, cúi đầu chạy theo đám lính TQLC râu tóc xồm xoàm, chiến phục bạc màu nước muối, đổ bộ lên bờ sông nhão nhoẹt sình lầy với rừng cây Đước, cây Mắm xoải rễ dài chằng chịt như muốn níu kéo đôi chân người lính vốn đã trơn trợt. Trình diện Đại Uý Bùi Thế Lân, Tiểu Đoàn Trưởng xong, cả ba được lãnh ba cây súng Shotgun với dây đạn như phim cao bồi và được phân ra đi theo Ba Đại Đội tác chiến để "quan sát". Nhờ đã trải qua khoá Rừng Núi Sình Lầy của Biệt Động Quân ở Dục Mỹ nên cả ba đều thích ứng nhanh chóng. Chấm dứt cuộc hành quân gần một tháng sau, đơn vị được rút trở về Hậu cứ ở Vũng Tầu. Ba người bạn lại càng khắng khít với nhau hơn, dù ở ba Đại Đội khác nhau, đi đâu cũng như hình với bóng. Khi được cấp giấy phép một tuần lễ, cả ba cùng rủ nhau đi chung xe đò về Sàigòn. Đầu tiên ghé thăm nhà ông Cụ của Tống đang ở trong một hẻm nhỏ bên Đakao. Gặp cô em gái của Tống là Trúc, Thạch đã ngã lòng. Trúc lúc ấy đang học ở Gia Long, vừa đẹp, vừa thuỳ mị, hiền. Về lại đơn vị, Thạch mới nói vài câu ý muốn xin bàn tay cô em gái của Tống. Tống đã giẫy nẫy la lối: "Thôi đi mày. Mày bê bối, chơi bời bừa bãi. Không được đâu!". Thạch không vừa đáp lại: "Từ hồi nào tới giờ, tao đi đâu cũng có mày mà, làm gì nói tao bê bối, chơi bời bừa bãi". Ở tuổi mới lớn, thấy cô gái đẹp nào cũng mê. Anh Chị lớn bận bịu gia đình riêng, nên Trúc vừa đi học vừa lo chăm sóc Cha già và đứa em trai không Mẹ. Còn Thạch lặn lội hành quân. Khi trở về hậu cứ nghỉ quân, bô ba Thạch, Tống và Tùng đi đâu cũng dắt díu nhau như anh em ruột thịt, luôn cả xóm Ngã Ba nước mắm ở Vũng Tàu. Đi ăn uống, nhảy đầm cả ba gom chung tiền túi giao cho một người giữ trả. Lúc lãnh tiền "rappel" Thiếu Uý được 7, 8 ngàn, Thạch và Tùng mua hai chiếc Vélo Solex để đèo nhau đi chơi chung. Có khi vào quán Càphê có người đẹp. Lúc lại thả rong theo chân mấy cô bé Trung học Vũng Tàu. Lúc nào Thạch cũng tỏ ra nhường nhịn hai bạn, nếu chỉ có hai người đẹp phải theo. Từ đó, mấy cô gái mới lớn ở Vũng Tàu mới đặt cho ba anh chàng Thiếu Uý nhỏ tuổi có tên cùng vần chữ T. là "Ba Trái Thúi" trong lúc ba chàng tự nhận mình là "Ba Chàng Ngự lâm Pháo Thủ".

dohuutung
Đỗ Hữu Tùng xuất thân trong gia đình gia giáo, đông anh em ở Đà Nẵng, lớn hơn Thạch và Tống, một tuổi, dáng vẻ thấp bé hơn nhưng thâm trầm, kín tiếng với nét đạo mạo "Cụ Non", nên bị hai người bạn đặt tên là "Thày Đồ". Tùng ít nói nhưng khi mở miệng thì tuôn ra câu cú văn hoa ý nghĩa thâm thuý. Lại còn có tật để bụng không thích nói ra. Khi cần chàng lôi cuốn sổ tay ra có ghi chép mọi "sự việc" đầy đủ, đâu ra đó. Với nước da ngăm ngăm, Tùng có nét mặt và dáng vẻ thư sinh hơn là võ biền, khoan thai và từ tốn. Mãi một năm sau, khi đến đơn vị, hai người bạn mới phát giác ra Tùng đã có người yêu từ hồi còn ở Trung học, khi nàng bất chợt ghé xuống Vũng Tàu. Người thiếu nữ tên Lan còn giữ nguyên dáng vẻ, giọng nói và cử chỉ của một cô gái Huế, dù lớn lên ở Đà Nẵng với Tùng. Hồi mới ra trường, sau cuộc hành quân "thử lửa" ở Cà Mau trở về, Tống và Tùng đều được các Đại Đội Trưởng lo chu đáo từ việc sắp xếp đặt phòng ngủ bên cư xá Sĩ Quan độc thân trước mặt doanh trại. Riêng Tùng có được một căn phòng riêng rẽ nằm kín đáo phía sau. Thấy Thạch chưa có chỗ tạm trú, Tùng rủ bạn cho ở cùng phòng. Tính Thạch lại bừa bãi, cẩu thả nên ngày nào nghỉ ở hậu cứ Tùng cũng lo dọn dẹp gọn gàng sạch sẽ cho bạn. Thậm chí còn đi mua sắm khăn phủ giường, gối và mền cho Thạch "Đâu phải ra đó như hồi còn trong trường Võ Bị". Khi Lan đến thăm với quà cáp tươm tất và thức ăn, bánh trái đầy giỏ, Tùng chia phần cho hai bạn rất đồng đều và không quên nhắc khéo Thạch.

- "Tối nay, mày có quyền ở nhà chị Ba Cây Dừa qua đêm được rồi".

Chị Ba Cây Dừa nuôi nhiều em út. Có một em chừng 17, 18 tuổi tự khoe mình là tay đã tạt át xít vào mặt cô Cẩm Nhung là người tình của Trung Tá Trần Ngọc Thức năm 61, 62 gì đó. Sau lần gặp đầu tiên, cô nàng bảo Thạch: Anh không cần cưới em đâu. Chỉ khi nào hành quân về ghé ở lại với em là được rồi. Thế cũng đỡ phiền lòng và mất thì giờ theo tán tỉnh mấy cô học sinh Trung học trong trắng. Ở đơn vị tác chiến đâu biết số Ông chết ngày nào. Thạch vui vẻ đáp ứng ngay yêu cầu của Tùng trước cặp mắt dò hỏi của Lan. Đã thế, Tống còn bồi thêm một câu:

- "Thằng này chỉ giỏi ăn chơi trác táng".

Làm cho Lan càng thêm thắc mắc. Hết hy vọng "cua" em gái của Tống rồi. Lần sau hành quân trở về hậu cứ, Tùng vọt ngay về Sàigòn thăm bạn gái. Nên khi có lệnh cấp tốc đưa quân lên SàiGòn chống đảo chánh của Tướng Lâm Văn Phát chỉ có hai Đại đội của Thạch và Tống lên máy bay Air Viet Nam từ phi trường Vũng Tàu về Tân Sơn Nhất. Dù vậy, khi Tiểu Đoàn lên nằm ứng chiến ở Thị Nghè, Tùng cũng theo hai bạn đi ăn và đi nhảy đầm ở Tour D'Ivoire. Dưới thời Tổng Thống Diệm, lương Thiếu Uý khá dư dả đối với ba chàng tuổi trẻ độc thân. Chẳng bù sau này lên đến cấp Tá với phụ cấp này nọ cũng không dám ghé vào nhà hàng Tây. Do hành quân liên miên sau ngày đảo chính 1/11/63, "Ba Trái Thúi" dù có những ngày về nghỉ ở hậu cứ theo đuổi cô này, cô nọ nhưng chẳng đâu vào đâu cả. Cuối cùng chỉ ghé thăm chị Ba Cây Dừa rồi lại lên đường ra "biên ải".

Ở mặt trận Bình Giã, khi Tùng được lệnh đem Đại Đội vào rừng cao su Quảng Giao tìm xác chiếc trực thăng và phi hành đoàn 4 người của Mỹ, Thạch và Tống lo lắng dặn dò bạn phải cẩn thận, Tùng bảo:

- "Tin tức mấy ngày nay đã rõ là quân số Việt Cộng tập trung lên đến cả Trung Đoàn. Nếu tụi nó còn quanh quẩn tại đây, Đại Đội của tao vào là bị tụi nó nuốt chững. Lệnh của cấp trên ra là tao phải vào thôi" !

Thạch nói như an ủi bạn :

- "Thôi được, có gì tao với thằng Tống sẽ nhào vô ngay"!

binhgia2Chỉ một tiếng đồng hồ sau, Thạch đã nghe tiếng súng nổ ran ở phía Đông của làng Bình Giã, tức tốc ra lệnh cho Đại Đội của mình ra quân tiếp cứu sau khi đã gọi máy cho Tống bên Đại Đội 4. Cuối cùng, Tống và Tùng thoát về làng không hề hấn gì sau cuộc giao tranh đẫm máu trong vườn cao su Quảng Giao. Là Đại Đội tiến sâu vào vùng địch nhất, Thạch bị kẹt lại, bị thương với ba phát đạn trên người, bò xuyên rừng với khẩu AR15 trọn hai ngày ba đêm mới đến cổng làng Bình Giã. Trong khi ấy, Tống và Tùng gom quân phòng thủ chờ tiếp viện. Mỗi đêm, cả hai thắp nhang đứng ngoài trời cầu nguyện xin nếu Thạch có chết linh thiêng nằm ở đâu về báo cho bạn biết để lấy xác. Đến ngày thứ Ba, khi dẫn quân cùng với Tiểu Đoàn Nhảy Dù vào trận địa thu lượm xác quân bạn, Tống và Tùng đã gặp lại người bạn sống sót với hai vết thương đã thối rữa và chiến phục rách tã tơi.

Từ đó, những biến đổi đã xảy ra theo thời gian. Ba người trôi nổi theo định mệnh, nhưng vẫn còn chung trong một binh chủng. Hễ có dịp họ lại tìm thăm nhau. Tình bạn ngày càng bền chặt, Tống bị thương hai lần, nhưng Tùng không một mảy may thương tích, rời Tiểu Đoàn 4 qua Tiểu Đoàn 5, rồi làm Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 6/TQLC. Vốn tính cẩn trọng, điềm đạm và kiên cường, Tùng nối dài bước đường hành quân suốt từ ngày ra trường với bao nhiêu chiến công tích luỹ và thăng cấp ngoài mặt trận từ Đại Uý lên đến Trung Tá. Năm 1972, khi hành quân tái chiếm Quảng Trị, Tiểu Đoàn của Tùng là một trong nỗ lực chính đã thanh toán tên địch cuối cùng để dựng lại lá Quốc Kỳ trên đỉnh Tháp Cổ Thành giữa cảnh khói lửa còn nồng nặc mịt mù. Trong cuộc khao quân mừng Chiến Thắng Quảng Trị tại Huế, Tùng đã gặp " KI LÔ" trong buổi tiệc khoản đãi. Lửa tình đã bùng cháy không có gì dập tắt được. "KiLô" đã nổi danh từ những dòng nhạc khắc khoải và lời ca như tiếng thơ của Trịnh Công Sơn. Người lính trận kiệt xuất Đỗ Hữu Tùng đang khát khao trong sâu kín niềm an ủi, vỗ về sau những ngày tháng dài ngụp lặn trong gió mưa bom đạn, khói lửa binh đao. Bất chấp hoàn cảnh nghiệt ngã, cả hai đã sôi nổi trong lửa tình nồng cháy. Tùng đã kết hôn với Lan từ sau ngày Lan tốt nghiệp và được làm việc ở Bệnh Viện Từ Dũ Sàigòn.Chẳng có đám cưới linh đình, vì từ năm 65, phép tắc ở đơn vị tác chiến như một món xa xỉ phẩm. Đứa con đầu long của Tùng ra đời khi người Cha đang lặn lội hành quân dẹp giặc Tết Mậu Thân từ Sàigòn, Chợ Lớn rồi ra đến Huế. Tùng cứ miệt mài hành quân. Sau này, khi gặp nhau lại ở vùng địa đầu giới tuyến Quảng Trị, Tùng có nói với Thạch đã gặp Lan đang tình tứ với một Bác Sĩ trực Bệnh viện, khi Tùng bất chợt trở về sau cuộc hành quân ghé tìm Lan ở Từ Dũ, rồi im lặng bỏ về lại doanh trại của đơn vị.

Sau khi bị thương được đưa về phục vụ ở hậu tuyến, Thạch lẽo đẽo theo chân hai người bạn qua nhiều chức vụ. Cho đến lúc du học từ Hoa Kỳ trở về, Thạch bướng bỉnh không chịu ở lại đàng sau làm Chánh Văn Phòng cho vị Tướng Tư Lệnh, cuối cùng đã chấp nhận trở ra đơn vị tác chiến, dù chân bị thương còn tập tễnh vì mất thịt đùi. Tống nói: "Thôi kệ nó. Bây giờ đang đình chiến, mày cứ ra nắm chức vu chỉ huy với tụi tao cho vui".

Lúc ấy, trong binh chủng TQLC, đám bạn cùng khoá Võ Bị của Thạch có Tùng làm Quyền Lữ Đoàn Trưởng, Phúc giữ chức Lữ Đoàn Phó LĐ 258, Hiển nắm TĐ6, Kim ở TĐ 7, Để ở TĐ9, Sắt ở Tiểu Đoàn Yểm Trợ Thuỷ Bộ, Cảnh coi TĐ3, Tống làm Lữ Đoàn Phó cho Tùng. Mỗi lần có buổi họp hành quân, bạn bè túm tụm lại với nhau vui vẻ như một đại gia đình. Cấp bậc gì không cần biết. Mày tao chi tớ um sùm. Tất cả thân thiết với nhau đến nỗi bên ngoài có dư luận chê bai đám sĩ quan khoá kỳ thị phân biệt Đà Lạt, Thủ Đức. Điều tiếng xấu ấy không khuất lấp được sự thực đã xảy ra ở các đơn vị do các sĩ quan này chỉ huy.

Khi trời đã chạng vạng tối và sương mù lãng đãng dưới chân những ngọn núi cỏ trọc mấp mô quanh khu vực đóng quân của Bộ Chỉ Huy TĐ 4/TQLC, chiếc trực thăng từ hướng Đông tà tà đáp xuống trên đỉnh núi. Tiểu Đoàn Trưởng Thạch lom khom chạy ra leo lên hàng ghế vải phía sau lưng phi công. Chỉ trong vòng phút sau phi cơ đã đáp xuống Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn ngay phía bên kia cầu Mỹ Chánh. Tùng đứng tười cười đón bạn rồi đưa vào căn hầm dựng bằng bao cát. Tùng cười mỉm nhìn bạn nói:

- "Thằng Tống đang đấu láo trong đó. KíLô nói biết mày từ hồi còn ở ĐàLạt. Đúng không?".

Thạch nhìn thấy hạnh phúc như bao trùm lên gương mặt của Bạn, gật đầu đáp:

- Ừ, từ hồi ở La Tulipe Rouge trên ĐaLạt kìa. Lúc ấy KiLô chưa nổi tiếng.

- Thôi được, nếu vậy tao khỏi giới thiệu.

- Cô nàng ra hồi nào vậy.

- Hôm qua. Theo máy bay của Không quân.

Thạch suy nghĩ rồi ngập ngừng nhìn bạn, hỏi:

- Thế chuyện mày với Lan ra sao ? Còn thằng con của mày nữa.

Tùng im lặng không trả lời. Tính vẫn thế. Chỉ để bụng thôi.

Mấy tháng sau Tùng bị mất chức vì khi về phép ở Sàigòn đã đụng chạm với người chồng cũ của Kilô, khiến báo Trắng Đen chạy tít lớn ngay trang đầu. Tùng âm thầm về làm Lữ Đoàn Phó cho bạn cùng khoá là Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Á Khoa của khoá 16 Võ Bị, xuất thân từ Tiểu Đoàn Trâu Điên. Cho đến ngày 29/3/75, cả Phúc và Tùng ngồi trên chiếc trực thăng di tản bị bắn rơi, đã đền nợ nước trong cảnh chết chóc tang thương của đồng đội.

Tống lên làm Lữ Đoàn Trưởng LĐ 468/TQLC những ngày tháng cuối cùng của cuộc chiến kẹt lại với người vợ đang mang thai đứa con trai đầu lòng. Khi bị đưa ra một trại tù cải tạo ở Yên Bái, Tống đã bị vết thương cũ ở bụng làm độc, không được chữa trị đã vong mạng giữa rừng thiêng nước độc Thượng Du Miền Bắc Việt Nam. Người vợ trẻ của Tống đã lặn lội ra tận nơi hốt cốt hoả táng cho vào bình lọ mang theo tận Mỹ với đứa con Tống chưa hề gặp mặt.

"Ba Trái Thúi" nay chỉ còn lại một mình Thạch lưu lạc xứ người, ôm mộng trở về quê hương vinh danh những người bạn chiến đấu đã nằm xuống cho đất nước, những đồng đội và chiến hữu đã ngã gục tức tủi cho cuộc chiến bảo vệ Miền Nam và đòi lại DANH DỰ cho những người đã cầm súng giữ quê hương ở Miền Nam.

TRẦN NGỌC TOÀN
Nguồn Hội Quán Phi Dũng
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn