BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73546)
(Xem: 62255)
(Xem: 39451)
(Xem: 31188)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Tổng Y Viện Duy Tân – QLVNCH

13 Tháng Mười Một 20186:44 SA(Xem: 3299)
Tổng Y Viện Duy Tân – QLVNCH
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Về tới Sài Gòn khoảng giữa trưa, không khí thành đô vẫn tưng bừng nhộn nhịp như bao giờ, người xe lúc nào cũng tấp nập ồn ào. Tôi chỉ có chút thời giờ tạt ngang ghé thăm gia đình, ăn vội bữa cơm với người thân rồi liền lật đật lên trình diện Nha Quân Y. Mấy ngày đầu tạm làm việc trong Tổng Y Viện Cộng Hòa với bác sĩ Nguyễn Đức Tiến, Trưởng Khoa Gây Mê Hồi Sức trong thời gian chờ đợi Sự Vụ lệnh chính thức bổ nhiệm về Tổng Y Viện Duy Tân, Đà Nẵng.

Chuyến bay của hãng Hàng không dân sự Việt Nam hôm đó chở tôi nhận nhiệm sở mới hạ cánh xuống phi trường Đà Nẵng vào buổi trưa. Cùng chuyến bay có một nhóm đông ca sĩ trẻ thuộc đoàn Tâm Lý Chiến ra lưu diễn miền Trung, nên khi thấy tôi bước xuống phi trường một tay xách đờn Guitare, một tay xách cây vợt tennis, nhiều người lầm tưởng tôi là nhạc sĩ của đoàn nếu không nhìn bộ quân phục ka-ki vàng nghệ với phù hiệu con rắn quân y thêu màu đỏ trước ngực và 3 bông mai vàng nở trên cổ áo. Những khi nhàn rỗi tôi thích chơi đàn Guitar nên đi xa thường mang đàn theo, tuy chưa bao giờ đàn được một bản nào cho ra hồn, đúng cách. Cây đàn luôn theo tôi khắp mọi nơi, là bầu bạn tuyệt vời và chưa có lần nào hân hạnh được bỏ quên ở hàng cà phê nào đó như trong một bài hát trữ tình.

Các anh trong Tổng Y Viện Duy Tân ra đón tôi hôm ấy đủ mặt bạn bè thân quen như Thiếu tá Nguyễn văn Thọ (Y sĩ trưởng) mà sau này tôi có gặp lại ở CA, Trung úy Trương Minh Tiến (Trưởng Khoa Ngoại), Trung úy Trần Phước Thọ, Trung úy Tăng Triệt Phú, Trung úy Âu Nhật Chương, Trung úy Tôn thất Cần, trưởng khoa sản… Hầu hết đều là đàn anh trong nghề, học trên tôi nhiều lớp, chỉ có anh Chương là bạn cùng khóa mà thôi. Đáng lý tất cả các anh ở đây đã được thăng cấp từ lâu nhưng thường thì mai vàng Quân Y ở hậu phương nở chậm, phải mất từ 5 năm trở lên mới thăng được một bậc trong khi mai vàng ngoài chiến tuyến lại nở nhanh hơn nhiều. Giống như phù dung thân phận mỏng manh sớm nở tối tàn, binh lửa càng khốc liệt thì nhiều khi mai búp chưa kịp nở đã tan tác rụng ngoài biên ải. Tôi vượt cấp mau hơn các anh cũng do công tác ngoài mặt trận, chưa chết là may rồi.

Anh Trương Minh Tiến là một bác sĩ nhiệt tình, tay nghề cứng cỏi, tôi được biết anh khi hai anh còn làm nội trú giải phẫu tại bệnh viện Chợ Rẫy, làm việc dưới quyền của hai bậc thầy nổi tiếng là Giáo sư Trần Quang Đệ và Giáo sư Đặng văn Chiếu, anh Tiến là người đầu tiên hướng dẫn tôi cách cột gút thẳng trong việc băng miệng vết thương khi tôi mới là sinh viên Y khoa năm thứ nhứt.

Tổng Y Viện Duy Tân là nơi chăm sóc cho thương binh ngoài mặt trận từ Quảng Trị phía Nam bờ sông Bến Hải đến Quảng Ngãi, được đưa về đây bằng trực thăng, bãi đáp nằm ngay phía sau Viện. Sau khi về đến nơi, thăm hỏi nhau xong là chúng tôi bắt tay ngay vào công việc. Anh Tiến dẫn tôi đi một vòng thăm phòng mổ, phòng hồi sức, các trại bệnh thuộc khoa Ngoại, giới thiệu tôi với tất cả bác sĩ, nhân viên. Buổi chiều hết giờ làm việc, các anh đưa tôi về Câu Lạc Bộ sĩ quan ở số 4 đường Quang Trung, gần bờ sông Hàn và Tòa Hành Chánh Tỉnh sau khi cả bọn kéo nhau đi ăn món cháo gà ở Ngã Năm nổi tiếng là ngon tuyệt.

Ngày đầu tiên nhận nhiệm sở mới của tôi như vậy cũng tạm xong, nhưng đêm đến, nằm suy nghĩ lại mới thấy có điều gì đó không ổn. Ôn lại những mẩu chuyện nghe được trong ngày, tôi mới nhớ ra nét mặt trầm ngâm của anh Đơn vị trưởng khi gặp tôi ngoài phi trường. Hình như anh cảm thấy khó xử khi thấy tôi mang cấp bậc Đại úy trong khi các anh chuyên nghiệp làm việc lâu năm vẫn còn mang Trung úy. Hệ thống chỉ huy nhà binh dựa trên cấp bậc, tôi về làm việc trong phòng mổ, với cấp Đại úy thì đương nhiên tôi phải là y sĩ trưởng khoa.

Nói về chuyên môn thì tôi cũng từng là thường trú giải phẫu trong bệnh viện Chợ Rẫy và với thời gian tu nghiệp ở Hoa Kỳ làm việc suốt ngày trong phòng mổ, tôi cũng có nhiều kinh nghiệm về thực tế cũng như kiến thức ngoại khoa. Phân tích lại vấn đề thì bác sĩ Trương Minh Tiến là người giỏi về chuyên môn ngành giải phẫu, anh lại là người đức độ được lòng kính trọng quý mến và phục tài của nhân viên, trong đó có cả tôi.

Sáng hôm sau tôi quyết định đến gặp riêng anh để trình bày những suy nghĩ của mình trong việc nhận công tác mới ở đây. Thật lòng tôi không muốn có sự xáo trộn nào khiến anh em phải bận tâm lo nghĩ, tôi yêu cầu giữ nguyên tổ chức trong khoa, anh vẫn làm Trưởng khoa Ngoại, chỉ đề nghị lập thêm ngành Gây Mê Hồi Sức, tôi xin phụ trách phần hành chuyên môn này để huấn luyện thêm cho nhân viên Y tá phòng mổ và Phòng Hồi Sức, đồng thời tôi là người sẽ sẵn sàng tăng cường phụ mổ khi cần thiết.

Ý kiến của tôi được chấp thuận và giải quyết thỏa đáng. Không khí trong khoa Ngoại từ đấy thật vui vẻ, không có gì lợn cợn giữa anh em cùng ngành nghề. Khi số lượng thương binh tăng, chúng tôi cùng nhau làm việc tới khuya trong tinh thần tương trợ hợp tác. Việc làm đều đặn như vậy kéo dài gần hai năm, đến giữa năm 1964, Bác sĩ Trương Minh Tiến vì nhu cầu công vụ quan trọng, được Thủ tướng Trần văn Hương gọi về Sài Gòn tôi mới lên thay thế anh. Thời gian này thỉnh thoảng tôi cũng được mời ra bệnh viện Dân Y phụ mổ thịt dư cho trẻ em cùng với bác sĩ Đinh Văn Tùng. Hai bên Quân và Dân Y cộng tác mật thiết để hoàn thành việc chung.

Vài Chuyện Nhỏ Ở Địa Phương :

Cá Thần Trong Quận Điện Bàn.

Tôi về công tác được hơn tuần thì nghe nhiều tin đồn từ ngoài phố lan vô tới bệnh viện rằng giữa rừng núi thâm u thuộc xã Đại Lộc, quận Điện Bàn, trong một cái hồ lớn nọ có một con Cá Thần tu luyện ngàn năm, thân hình to lớn, màu da đen sậm, đuôi dài có hai ngạnh, thỉnh thoảng nổi lên mặt nước bơi lội tung tăng cho người ta chiêm ngưỡng. Tin đồn còn quả quyết rằng có nhiều người đã thấy rõ ràng… Huyền thoại về Cá Thần này được đồng bào quanh vùng tin tưởng, họ lặn lội đến tận nơi để thắp hương cầu khẩn, vái van, mong ước điều gì đó tốt đẹp cho mình hay cho gia đình.

Thiên hạ cũng nhấn mạnh rằng nước trong hồ Cá Thần trị được bá bệnh, như nước thánh trong thành Lourdes bên Pháp, hay nước dưới chân tượng Phật Thần Y bên Nara Nhật Bản… Những người từng du lịch đó đây cũng nhắc đến tên một Động Đình Hồ rất linh thiêng trên dãy Hy Mã Lạp Sơn huyền bí bên Tây Tạng, chưa bao giờ có dấu chân người lai vãng, trong hồ có nhiều sinh vật kỳ lạ sống qua nhiều thế kỷ, ai có duyên may gặp được thì cầu gì cũng đều như nguyện…

Lòng hiếu kỳ khiến tôi cũng muốn đến tận nơi để xem thực hư ra sao. Nhất là nội dung tin đồn không phù hợp với khoa học là điều nghề nghiệp tôi lấy đó làm căn cứ. Hỏi thăm đường lần hồi cũng đi đến được Điện Bàn. Quả thật nơi đây lúc này người xe đông đúc không thể tưởng nổi, đoàn xe nối đuôi nhau rồng rắn trên quốc lộ, dân chúng các nơi xa xôi như Huế, Đông Hà, Quảng Trị, Quảng Ngãi cũng tìm đến. Mọi người, ai cũng mang theo thùng bộng, chai lọ lỉnh kỉnh, trước xem Cá Thần, sau lấy nước hồ về để uống với suy nghĩ đơn giản, có bệnh thì hết bệnh, không bệnh thì cũng khỏe mạnh trường thọ.

Cuối cùng thì đoàn người xe cộ cũng đến địa điểm nổi tiếng đó. Phải đi bộ thêm một đoạn độ một giờ nữa mới tới hồ Cá Thần, hồ rộng cỡ bằng cái sân banh, chung quanh lau sậy um tùm, có nhiều góc cạnh khuất trong lùm cây rậm rạp. Vì hồ nằm giữa một cánh rừng thâm u vắng vẻ nên càng làm tăng thêm sự huyền bí và kích thích trí tò mò của những người tham dự. Thiên hạ đứng từng nhóm nhỏ dọc theo bờ hồ, thắp nhang khấn vái, quỳ lạy sì sụp, khói bay nghi ngút. Tôi cũng mon men đứng dưới một tán cây gần bờ chờ đợi, hàng trăm cặp mắt chăm chú ngó xuống mặt hồ với hy vọng thấy được “Ông” nổi lên… Nắng lên cao khỏi đầu, rồi nắng xế, nắng xiêng… Đám đông cũng tan hàng nhanh như khi đến, họ mong gặp Cá Thần chớ đâu ai muốn gặp Việt Cộng phục kích trong rừng. Trên đường về xe nào cũng quá tải với số lượng nước chứa đầy óc ách.

Tình cờ tôi gặp ông Trung úy trưởng đồn đóng chốt trên đỉnh đồi gần đó, qua vài câu thăm hỏi, ông khuyên tôi nên lo liệu về sớm vì đây thuộc khu vực bất an. Nói về chuyện Cá Thần ông cho biết là nơi này có nhiều tài nguyên thiên nhiên và khoáng chất, có cả thảy sáu cái hồ lớn nhỏ chung quanh, nhưng chưa bao giờ dân địa phương trông thấy Cá Thần như người ta đồn đại. Ông nhấn mạnh không biết tin đồn từ đâu mà có. Tôi đi vì tò mò muốn biết thực hư ra sao, nhưng suy cho cùng có thể đây chỉ là những chuyện bịa đặt của mấy ông tài xế xe đò ế ẩm muốn câu khách mê tín. Dân chúng Việt Nam ta hầu hết đều nghèo khổ thất học, đã chịu đựng chiến tranh quá lâu nên mệt mỏi, cảm thức bất an trước hiện tại họ dựa vào những thế lực siêu nhiên nào đó để bám víu tin cậy. Câu Chuyện Cá Thần chỉ là đức tin của họ trước sự khó khăn của cuộc đời mà thôi. Ờ mà cũng biết đâu lời đồn đãi trên kia cũng phát sinh từ phía Việt Cộng theo một kế hoạch nào đó có lợi cho họ khi dân chúng nhộn nhịp, khi xe cộ bỗng nhiên chật ních ở vùng heo hút này.

Một Trường Hợp Em Bé Bể Lá Lách.

Sáng nay Chủ Nhật một ngày cuối Thu trời đẹp, sân quần vợt nằm trong Câu Lạc Bộ Đà Nẵng cạnh sông Hàn đông người hơn thường lệ, tôi cũng có mặt từ sớm để chơi vài sec với bạn bè. Đang ngồi nghỉ mệt chợt ngó ra cây dừa cao mọc de ra bờ sông thấy một bé trai chừng 12, 13 tuổi đang nghịch ngợm đu mình leo, chồm ra dáng vẽ rất khéo léo. Bỗng em trợt tay rớt người xuống thềm xi măng, hông bên trái va mạnh vào trụ lan can, em nằm im ru. Mọi người hốt hoảng xúm lại đỡ em lên, quan sát, cố tìm cách săn sóc. Mặt em tái nhợt đau đớn. Lúc đó có chiếc xe Jeep vừa chạy ngang qua, tôi vội chận lại nhờ chở tôi và em vô bệnh viện Duy Tân gấp.

Sau khi khám lâm sàng, thấy máu chảy đầy trong xoang bụng, áp huyết em xuống thấp, mạch thiệt nhanh và hơi thở cạn, tôi chẩn đoán biết em bị dập lá lách. Lá lách là bộ phận dự trữ máu trong cơ thể, giúp cho cơ thể chống nhiễm trùng bằng cách bài tiết ra chất kháng thể để đối phó và tiêu diệt các vi khuẩn có hại cho cơ thể cũng như những vi sinh vật nằm trong máu. Màng bọc chung quanh lá lách rất mỏng, không có lớp cơ nhưng có thể giãn nở để chứa cùng một lúc lượng máu khoảng vài trăm phân khối dùng phân phối cho các bộ phận khác trong cơ thể. Một khi lá lách bị rách, dù là rất nhỏ cũng không thể may dính lại được, máu từ chỗ rách sẽ rỉ ra ngoài xoang bụng mãi cho đến khi bệnh nhân phải chịu tử vong.

Không có lá lách vi trùng sẽ dễ xâm nhập vào cơ thể, nhất là đối với trẻ em dưới hai tuổi. Trường hợp em này, đã trên 10 tuổi, dù muốn dù không vấn đề cắt bỏ lá lách bị rách do tổn thương là điều khẩn cấp hầu cứu mạng sống của em. Gia đình em hiểu lời giải thích của tôi và đồng ý cho giải phẫu, tôi vội đưa em lên phòng mổ, chuyền nước biển, cắt bỏ nguyên lá lách bị dập trong thời gian ngắn nhất… Áp huyết em dần ổn định. Ca phẫu thuật thành công và tôi cũng thở phào nhẹ nhõm khi xong nhiệm vụ. Em không thuộc gia đình quân nhân, nhưng vì mới mổ cấp cứu, tình trạng sức khỏe còn yếu, cần được theo dõi thêm nên tôi cho em nằm lại Phòng Hồi Sức trong trại để người nhà chăm sóc cho đến khi lành bệnh mới được xuất viện.

Dường như con người có duyên phận do Trời định sẵn. Người chị thường vô bệnh viện chăm sóc cho em được một anh y tá trẻ của Phòng Hồi Sức phải lòng, hai người cảm mến nhau và chẳng bao lâu Phòng Hồi Sức nhận được thiệp mời đi dự lễ thành hôn của họ. Quả là tin vui đến như chuyện “Tái ông mất ngựa” trong cái rủi cũng có cái hên. Đứa em mất đi một lá lách nhưng người chị nhận được một trái tim! Tôi nhiều khi thắc mắc không biết có phải mình là ông mai gián tiếp hay không khi mình chứng kiến đứa nhỏ té và đã đem em về ở Tổng Y Viện để săn sóc. Cho đến nay, nhiều khi ngồi nhớ lại chuyện cũ, tôi thầm mong ước cặp vợ chồng trẻ ngày trước có được một đời hạnh phúc bên nhau, “Mai nhân” nào lại chẳng ước ao như vậy!

Những Bác Sĩ Quân Y Hy Sinh Vì Công Vụ.

Súng đạn vô tình có chừa ai đâu? Nhưng súng đạn của quân thù thì cố tình để giết người hơn nữa. Trong nghiệp lính, anh em hay nói Quân Y mang chữ thọ trên ngực nên không chết, tôi cho rằng mỗi người đều có số mạng. Chiến trường hiểm nguy ai biết trước được.

Giữa năm 1964, Bác sĩ Đoàn Mạnh Hoạch, thuộc một Liên Đoàn cơ giới nặng đang hành quân ở Quảng Tín thì bị nạn do cứu một thương binh đang oằn oại bên lề đường. Anh bị một viên đạn bắn từ sau lưng trổ ra trước bụng, làm vỡ động mạch chủ ở háng, máu ra không cầm được mà lúc đó chiến trường đang sôi động, không có phương tiện tải thương tức thì.

Điều đáng buồn cho anh là đã có Sự Vụ lệnh đổi về làm việc ở Quân Y Viện Nguyễn Huệ, Nha Trang nhưng vì trục trặc sao đó nên vẫn còn ở lại đơn vị gốc thêm một thời gian để chờ đợi giải quyết. Và tai nạn đã xảy ra. Có thể anh là Bác sĩ Quân Y đầu tiên hy sinh ngoài chiến trường Miền Trung.

Xác anh được mang về Tổng Y Viện Duy Tân, Đà Nẵng, được ướp bằng trà xanh và quàn tại hội trường lớn, chờ người thân từ Sài Gòn ra đem về mai táng.

Một năm sau, năm 1965, tôi được chỉ định đi thành lập Quân Y Viện Đoàn Mạnh Hoạch, một quân y viện khang trang gồm 400 giường xây cất trên một ngọn đồi, sát bờ biển ở Phan Thiết. Tôi nghĩ đó là một hân hạnh, anh xứng đáng được tôn vinh khi hy sinh trên chiến trường.

quanyviendoanmanhhoachngayxua-2-phanthiet
Ngày 31 tháng 3 năm 1965, anh Đỗ Vinh, Y sĩ Trưởng của Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù bị tử thương ngoài mặt trận Thăng Bình, tỉnh Quảng Tín. Xác của anh cũng được đưa về Tổng Y Viện Duy Tân. Nơi đây các đồng nghiệp và đơn vị Quân Y tẫn liệm cùng canh gác chu đáo, đúng lễ nghi quân cách. Tinh thần anh em bác sĩ đồng đội rất nhiệt tình: Bác sĩ Đoàn Bửu đích thân vô tận làng Thanh Bồ tìm một cỗ quan tài bằng gỗ quý cho Bác Sĩ Vinh, Y sĩ Đại tá Văn Văn Của, Y sĩ Trung tá Hoàng Cơ Lân và cô trợ tá nhảy dù Võ Thị Vui đã từ Sài Gòn ra Đà Nẵng để đưa quan tài anh Vinh về Sài Gòn cho gia đình.

Bác sĩ Đỗ Vinh là bác sĩ của Binh chủng Nhảy Dù đầu tiên bị tử thương ngoài trận tuyến. Tên của anh về sau được đặt cho bệnh viện Nhảy Dù ở Sài Gòn tức là bệnh Viện Đỗ Vinh nằm ở Ngã Tư Bảy Hiền, Gò Vấp.

saigonxua-benhviendovinhtrongtraihoanghoatham

Cũng năm 1965 Bác sĩ Lê Hữu Sanh, Y sĩ trưởng Tiểu Đoàn 5 Thủy Quân Lục Chiến cũng hy sinh tại chiến trường ở núi Thiên Ấn, gần sông Trà Khúc, tỉnh Quảng Ngãi. Lúc đó đơn vị của anh bất thần bị Việt Cộng tấn kích dữ dội. Anh bị thương nặng ở đùi và được một Y tá dìu núp trong một lùm cây hơi xa xa chiến trường. Tuy nhiên anh bị giặc phát giác và chúng đã nhẫn tâm bắn một viên đạn vào đầu người bác sĩ đương bị thương không một tấc sắt trong tay này.Than ôi!

Di hài anh được đưa về bệnh Viện Dã Chiến Quảng Ngãi, lẫn lộn với xác các quân nhân khác, may nhờ Bác sĩ Võ Thường nhận ra thi thể anh nên đứng ra lo tẫn liệm và đưa về cho gia đình anh.

Về sau, bệnh xá Cửu Long của binh chủng Thủy Quân Lục Chiến ở Thị Nghè được đổi tên thành bệnh viện Lê Hữu Sanh để vinh danh người Y sĩ của binh chủng đã hy sinh. Năm 1970, bệnh viện này được chỉnh trang lại, phát triển lớn hơn, rộng rãi với 250 giường và một nhà hộ sinh.

Trên đây là một vài trường hợp nằm xuống của người Y sĩ trên chiến trường Miền Trung mà tôi biết. Trong cuộc chiến vừa qua, trên toàn quốc có biết bao nhiêu người Y sĩ đã bỏ mạng vì lý tưởng của mình, vì sự cố gắng làm tròn trách nhiệm của người thầy thuốc trên mặt trận. Chiến tranh thật tàn nhẫn khi mang lại bi thương bất kể người đó là ai…

Người Lính Mỹ Sắp Chết Đuối Trên Sông Hàn.

Năm 1965 tôi đang làm Y sĩ Trưởng Khu Ngoại tại Tổng Y Viện Duy Tân, Đà Nẵng. Một hôm vào khoảng 9 giờ đêm tôi lái xe Jeep xuống quán Bamboo cất gie ra sông Hàn để ăn cơm tối do đi làm về trễ. Đang lúc ngồi chờ nhà hàng dọn thức ăn, tôi lơ đãng ngó dòng sông chảy mạnh từ trên nguồn ra cửa biển Sơn Trà thì giật mình đánh thót vì nghe giọng kêu cứu bằng tiếng Anh vẳng lại từ xa trên sông mờ tối. “Help… help.”

Ánh đèn của tiệm ăn quá xa chỗ phát ra tiếng kêu nên tôi chỉ thấy thấp thoáng một cái đầu người nhấp nhô trên sông rồi trôi giạt từ từ gần tới ngang chỗ tiệm ăn.Thực khách trong tiệm nhốn nháo bàn tán là có người Mỹ sắp bị chết đuối. Ai cũng băn khoăn lo lắng nhưng không ai có cách thế gì để cứu người, có lẽ vì trời tối và họ sợ dòng nước chảy mạnh của sông Hàn.

danang-songhan
Với phản ứng tự nhiên, không tính toán gì, tôi lật đật cởi phăng bộ đồ trận và giày vớ phóng xuống nước lội nhanh ra giữa sông, người bị nạn bây giờ hình như đuối sức không còn kêu cứu nữa mà đang sặc sụa và sắp chìm.Tôi chộp được cánh tay anh ta và choàng qua cổ mình, cố bơi vào bờ nhưng hơi khó khăn vì anh ta nặng quá. Vừa lúc đó một người Mỹ khác cũng kịp lội tới. Cả hai chúng tôi hì hục lắm mới đem được nạn nhân vô bờ. Tôi đặt anh ta nằm ở giữa tiệm ăn, giúp anh ói bớt nước và tỉnh lại bằng phương pháp hô hấp nhân tạo. Đó là một thanh niên Mỹ, trẻ tuổi, người tầm thước, mặc đồ dân sự… Tôi giới thiệu với mọi người về mình và nhờ mấy người Mỹ phụ tôi đưa anh ta lên xe Jeep của tôi để đem về Tổng Y Viện Duy Tân săn sóc tiếp.

Tại đây tôi cho anh thở thêm dưỡng khí, khám tim phổi, chích thuốc khỏe đề phòng cảm lạnh và ngồi chờ anh tỉnh hẳn lại. Chừng một giờ sau thì có xe Quân Cảnh Mỹ chở hai quân nhân đội nón MP đến làm biên bản để nhận anh ta và lấy chữ ký của tôi. Qua chi tiết họ cho biết thì thanh niên này là binh nhì Thủy Quân Lục Chiến Mỹ, đóng quân ở Huế, nhân khi nghỉ phép đã vào Đà Nẵng chơi. Anh quen với vài cô Việt Nam và vô tình bị lọt vào mỹ nhân kế của Việt Cộng, họ dụ anh xuống xuồng tính chở về sào huyệt ở đâu đó bên kia sông Hàn. May mắn cho anh là khi biết mình sắp nguy hiểm anh chống cự kịch liệt nên bị đập đầu văng xuống nước. Nếu anh ngoan ngoãn theo họ thì chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra.

Câu chuyện tôi tưởng chừng đã đi vào quên lãng thì bốn năm sau, năm 1969 bất ngờ tôi nhận được huy chương Nhân Dũng Bội Tinh là huy chương dành cho ai cứu nguy người bị nạn trên sông biển. Đại tá Lưu Yểm, Tỉnh Trưởng Phước Long và Đại tá Cố Vấn Trưởng tỉnh Phước Long cho tôi biết nhận được huy chương này là do Tòa Thị Trưởng Đà Nẵng làm tờ trình lên Quân Đoàn I, có thông báo cho cơ quan Quân Sự Hoa Kỳ về việc tôi cứu người trên sông Hàn bốn năm về trước.

Điều khôi hài là sau này khi tôi bị bắt đi học tập thì cũng chính vì cái huy chương Nhân Dũng này mà tôi bị hành hạ, bị đưa đi nhiều nơi từ Trảng Lớn, Xuân Lộc, qua Suối Máu, Sóng Thần… Những người thắng trận đã kết tội tôi giúp đỡ kẻ thù và cộng tác với đế quốc Mỹ xâm lược. Cùng một hành động mà có hai cách nhìn, ôi chuyện đời thật quá bi hài!

Ngày nay mỗi lần đi ngang qua Camp Pendleton thì ký ức của tôi lại nhảy về cái đêm tôi lội trên sông Hàn kéo người thanh nhiên nọ. Thời gian qua đã gần nửa thế kỷ rồi. Chiến tranh cũng đã kết thúc lâu rồi, tôi đã già, người thanh niên kia chắc chắn cũng thế. Không biết anh ta có còn tại thế, có khỏe mạnh hay không? Tôi không biết tên anh ta, gương mặt anh qua thời gian bây giờ thật mù mờ trong tâm trí nhưng trong lòng tôi vẫn nhớ hình ảnh anh sặc sụa trên nền quán ăn và cử chỉ ngỡ ngàng của anh khi đi theo hai người Quân Cảnh.

Cầu mong anh được nhiều may mắn trên đời và mong anh có dịp xả thân cứu người khác.

Nguyễn Duy Cung
Nguồn Hội Quán Phi Dũng

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn