BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 77465)
(Xem: 63329)
(Xem: 40777)
(Xem: 32399)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Thanh Thúy, tiếng hát khói sương

25 Tháng Chín 20186:56 SA(Xem: 1966)
Thanh Thúy, tiếng hát khói sương
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00

Ở một góc độ khác, góc độ thi sĩ và đồng thời là giáo sư triết, nhà thơ Nguyên Sa cũng đã có bài nhận định về trường hợp ngoại lệ của tiếng hát Thanh Thúy.

Mở dầu bài viết, nhà thơ Nguyên Sa nhắc tới bốn câu thơ tuyệt tác của Hoàng Trúc Ly, dành cho Thanh Thúy. Kế tiếp, ông thuật lại cuộc đối thoại giữa ông và tác giả bài “Thanh Thúy, tiếng hát lúc không giờ” của nhà văn Mai Thảo:

“…Tôi hỏi Mai Thảo:

-Tại sao tiếng hát lúc không giờ?

Mai Thảo trả lời bằng những tiếng ngắn:

-Vì muộn.

Tôi biết ngôn ngữ với Mai Thảo, là mật ngữ, lặng im là siêu ngữ, phối hợp mật ngữ với siêu ngữ mới làm mở tung ra được cánh cửa lớn của kỳ ngữ.

Bạn tôi đã cất tiếng:

-Là muộn màng…”

Thanh Thúy
Tiếng hát Thanh Thúy. (Hình: thanhthuy.me)

 

Tác giả “Tuổi Mười Ba” viết, ông hiểu “tiếng hát khói sương” trong ngôn ngữ ẩn và hiện của tác giả “Tháng Giêng Cỏ Non,” có mong manh, có mờ khuất, có âm thanh thực tại bao phủ trong âm thanh phi thực, có nữ ca sĩ và cánh bướm bay chập chờn trong đêm.

Không thể phân định Thanh Thúy đang bằng giọng hát, đang bay đi trong đêm, trở mình, chiếc áo đã thành cánh bướm trong khói, trong sương, hay chính cánh bướm, từ khói, từ sương, đang lần theo hơi thở trở về làm thành tiếng hát tuyệt vời, người nữ ca sĩ tuyệt vời đang lãng đãng trôi.

Một tiếng hát chuyên chở được trọn vẹn cả mộng và thực như thế, tất yếu phải có một thời điểm của nó. Có thời điểm của mặt trời mọc, có thời điểm của mặt trăng lên, có thời điểm của hoa quỳnh, có thời điểm của dạ lan.

Không phải giờ nào ngắm trăng cũng được, không phải giờ nào xem hoa quỳnh cũng được, không phải giờ nào nghe Thanh Thúy cũng được. Phải nghe vào lúc đó, lúc khuya, lúc muộn, lúc thời điểm của “tiếng hát lúc không giờ,” lúc thời gian và không gian gồm thâu trong tà áo và hơi thở của “tiếng hát khói sương.”

Tác giả của “Áo Lụa Hà Đông” kể lại thời ông làm băng nhạc ở xứ người, những năm thuộc thập niên 1980, 1990, với nhạc sĩ Lê Văn Thiện, phụ trách phần hòa âm. Ông nói với họ Lê rằng, ông muốn tiếng hát Thanh Thúy mở đầu cho cuốn băng có nhiều tiếng hát. Mặc dù ông biết, bình thường nhà sản xuất luôn đợi tới khi mọi tiếng hát đã thu xong, đã được nghe đi, nghe lại nhiều lần rồi mới chọn tiếng hát mở đầu cho cả cuộn băng. Ông kể, ông không ngờ, nhạc sĩ Lê Văn Thiện, đồng ý ngay, không chút thắc mắc.

Thanh Thúy 2
Danh ca Thanh Thúy. (Hình: thanhthuy.me)

Với tác giả “Tháng Sáu Trời Mưa” tiếng hát Thanh Thúy là tiếng hát tổng hợp được khói và sương, thực và phi thực, cuộc đời và mộng ảo, hiện tại và sự trôi chảy của thời gian, có và không, còn gì phải nghi ngờ, có gì phải thắc mắc!

Người thi sĩ của chúng ta viết: “Thực mà phi thực. Như khói, như sương. Mong manh như con chim nhạn bay trong dòng sông sương mù, Thanh Thúy mỏng manh, đôi mắt to đen sâu thẳm, mái tóc đen chảy xuống, hai bờ vai chao đảo, giọng hát cất lên mà như nói, ca mà như tâm sự, âm thanh mà như ve vuốt, điệu láy, như đầu đã tựa vào vai, tiếng ngân làm thành sợi tóc lùa vào trên ngực. Chính trong tất cả những ý nghĩa đó, có thêm sự hiện diện của dòng sông đam mê, có cộng với ý thức định mệnh, Nguyễn Văn Trung gọi tiếng hát Thanh Thúy là ‘tiếng hát liêu trai’ Tuấn Huy gọi là ‘tiếng sầu ru khuya’…”

Tiếp tục dòng cảm xúc cực tả, giáo sư triết Nguyên Sa/Trần Bích Lan thấy mái tóc đen, dài, đổ xuống một bên vai như dòng thác lũ. Một đôi mắt mở to hồn nhiên. Một khóe môi cười… Hai bàn tay nâng niu tà áo. Thanh Thúy đó. Người con gái hai mươi mốt mùa xuân đó. Nàng ngồi kia. Lọ hoa cẩm chướng ngăn đôi giữa thi sĩ và ca sĩ. Mùi hoa phảng phất thơm. Không khí mơ màng như có hương trầm…

Thi sĩ ngước lên tấm hình thân mẫu Thanh Thúy. Vòng nhang cuộn tròn… Ông nhớ nhà văn Tuấn Huy, người cũng có ấn tượng mạnh mẽ về vòng nhang cuộn tròn, thắp lên, tưởng nhớ thân mẫu Thanh Thúy qua đời một tháng trước đấy. Cơn đau của bà mẹ hiền đã làm thành động lực đẩy Thanh Thúy ra trước tiền trường sân khấu.

Thanh Thúy nói với thi sĩ rất đơn giản, chân tình: “Em bắt đầu hát ở phòng trà Văn Hoa, trước là Việt Long, cũng gọi là phòng trà Đức Quỳnh, chủ là bà Việt Long, đường Cao Thắng, năm 1959.”

Thi sĩ hỏi: “Năm ấy em bao nhiêu tuổi?”

Cô nói: “Em mười lăm tuổi, anh. Em muốn kiếm tiền để nuôi và lo thuốc thang cho mẹ em… Văn Hoa hồi ấy có Lưu Bình trống. (Sau Lưu Bình lấy con gái bà Việt Long). Ở đó còn có Lê Đô, trompette, có Chấn, piano. Bài hát đầu tiên em hát là bài Nhạt Nắng của Xuân Lôi. Một bài tango…”

Với nhà thơ Nguyên Sa thì, tango hay rumba, bolero, boston hay valse, paso hoặc nhạc khúc miền Trung đều biến giọng hát Thanh Thúy thành “giọng hát ma túy.” Nghe là phải thích. Thích là phải mê, phải ghiền. Ông không biết giữa hai chữ “Ghiền” và “Mê” chữ nào mãnh liệt hơn.

Nhưng, theo giáo sư triết này thì “mê” nhiều phần tâm lý hơn sinh lý, thuộc về tinh thần nhiều hơn phần thân xác. “Ghiền” thuộc về sinh lý nhiều hơn tâm lý, nó nghiêng về thân xác nhiều hơn tâm hồn. Nhiều ràng buộc, nhiều xiềng xích hơn.

Giáo Sư Nguyễn Văn Trung cũng nghĩ đến xiềng xích, ràng buộc, rõ ràng có định mệnh, chắc chắn không thể vượt thoát, lại còn có cả Đông phương huyền hoặc và, siêu nhiên với “tiếng hát liêu trai.”

Thi sĩ của chúng ta cất tiếng hỏi: “Người thanh niên nào không muốn lạc vào thiên đường ấy, thiên đường đột nhiên hiện ra, ghì chặt lấy thân thể, cuốn chặt tứ chi, hút lấy trong rạo rực cả tinh túy của thân xác và linh hồn, cho mà dâng hiến, hân hoan, mộng thôi mà điên cuồng, mà thực không còn thực. Liêu trai. Thiên đường. Thiên đường đó: Tiếng hát liêu trai.”

Trước khi chấm dứt bài viết, nhà thơ Nguyên Sa đã làm một sơ kết về những bài viết, những ngợi ca chưa từng đến với bất cứ một tiếng hát nào khác, ngoài Thanh Thúy. Như Nguyễn Văn Trung, Mai Thảo, Tuấn Huy, Nguyễn Long (không kể các nhạc sĩ)… Vẫn theo ông, hiện tượng này cho thấy Thanh Thúy chính là người yêu trong mộng của cả một thế hệ, cảm xúc của cả một thời đại, phản ảnh cái khách quan mênh mông, trong cái chủ quan riêng lẻ sống thực và, chân thành.

Tác giả bài thơ nổi tiếng “Nga” xác nhận: “Hẳn nhiên những ca khúc viết tặng cho ‘tiếng hát lên trời’ còn nhiều hơn nữa. Trịnh Công Sơn trước những ngày Văn Khoa, trước những ngày Huế, Sài Gòn, Hà Nội, Trịnh Công Sơn những ngày tháng đầu đời, đã viết ‘Ướt Mi’ cho Thanh Thúy. Trịnh Công Sơn nói với Thanh Thúy sẽ tặng Thanh Thúy trước sau hai ca khúc, ‘Ướt Mi’ ca khúc đầu tay của người nhạc sĩ lừng lẫy và ca khúc cuối cùng của đời anh. Tình cảm vời vợi. Tình cảm vời vợi bao phủ cả một thế hệ khi tiếng hát liêu trai, tiếng hát ma túy, tiếng hát khói sương cất lên. Làm sao không vời vợi? Làm sao không yêu?” (Trích Nguyên Sa, “Nghệ Sĩ Việt Nam ở Hải Ngoại,” tập 1)

***

Câu hỏi trước khi ra khỏi bài viết của thi sĩ Nguyên Sa, tới hôm nay, vẫn còn được một số người nhắc tới, về Thanh Thúy, như một hiện tượng gom được cả thực và phi thực. Cả có và không trong một tiếng hát. Một con người…

Du Tử Lê
Nguồn Người Việt

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn