BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72632)
(Xem: 62055)
(Xem: 39153)
(Xem: 31020)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Tuổi Ngọc - Tuần Báo Của Tuổi Vừa Lớn

14 Tháng Chín 20187:31 SA(Xem: 2478)
Tuổi Ngọc - Tuần Báo Của Tuổi Vừa Lớn
529Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
529
Nhớ lúc đó ở nhà in Nguyễn Đình Vượng số 38 Phạm Ngũ Lão Q1 Sài Gòn thật nhộn nhịp. Dưới đất là tòa soạn tạp chí Văn, bước vào đã thấy lù lù ông Gia Tuấn ngồi sửa mo-rát, kề bên là TKTS báo Văn là Trần Phong Giao mập mạp, đẫy đà, giọng nói rít rít hơi ẻo lã giống con gái, kế đó nữa là ông chủ nhà in, kiêm chủ nhiệm báo Văn, Giám đốc NXB Nguyễn Đình Vượng, người gầy gò, ít nói. Thế thôi mà làm thành một thương hiệu tạp chí Văn hay còn gọi Bán nguyệt san Văn nổi tiếng trước 1975 quy tụ nhiều cây viết tên tuổi.

tuoingocso17

Đi vào bên trong là chỗ đặt máy in của ông Vượng già (tên gọi thân mật của nhà văn Duyên Anh gọi ông Nguyễn Đình Vượng). Muốn lên căn gác nhỏ, dùng làm kho chứa báo cũ đồng thời là tòa soạn tuần báo Tuổi Ngọc phải đi qua cái nơi ồn ào tiếng máy in chạy, dưới chân lem luốc mục in, giấy báo in thử bị vứt bừa bãi rồi lên cầu thang gỗ bé tí. Vẫn chưa tới tòa soạn Tuổi Ngọc đâu. Phải đi qua phòng sắp chữ của nhà in, toàn là hộc chữ chì cao nghệu chất hai bên, chỉ chừa một lối đi nhỏ hẹp, giữa những người thợ sắp chữ xoay trần, tay bốc nhanh những con chữ trong từng cái ngăn để chữ nhỏ xíu... đây khâu đầu tiên trong nhiều công đoạn để ra một trang báo, một tờ báo như tờ Văn, tờ Tuổi Ngọc.

tuoingocso18

Qua hết lối đi nhỏ hẹp, hôi hám mùi mực in thì tới cái phòng nhỏ tí bên trong căn gác, đó là "Tòa soạn Tuổi Ngọc" giống như bụm tay, trần thấp lè tè, nóng bức (vì không có máy lạnh), chỉ vừa đủ kê một cái bàn tròn, hai cái bàn viết nhỏ, đủ cho 5 người ngồi nhưng không bao giờ có mặt cùng lúc. Đó là Duyên Anh, Từ Kế Tường, Đinh Tiến Luyện, Nguyễn Mai, Đặng Xuân Côn (Hồi này chưa có Phạm Chu Sa). Thỉnh thoảng nhà văn Nguyễn Đình Toàn ôm một xấp bài của Văn lên ngồi ké (vì dưới trệt hết chỗ ngồi) để đọc và chọn bài.

tuoingocso19

Tôi nhớ nhất là mấy con thằn lằn sống đâu đó trên la-phông cũ kỹ hoen ố màu thời gian của căn gác. Bởi lẽ mỗi buổi trưa, tới cữ, cụ Ký, người quản gia của ông Nguyễn Đình Vượng với thân thể gầy gò như bộ xương cách trí, lọ mọ ôm cái bàn đèn hút thuốc phiện lên nằm khễnh, vắt chân chữ ngũ hít thuốc phiện ro ro thì mấy con thằn lằn nghiện khói thuốc phiện cũng bò ra, thân thể trắng bệch, tranh thủ... ngửi sái khói do cụ Ký thổi ra "không trung" căn gác.

tuoingocso20

Lúc đó tôi phải lập tức chuồn khỏi căn gác gỗ, nồng nặc mùi thuốc phiện để chạy xuống dưới nhà, ra một quán cà phê nào đó để lánh nạn vì không thể chịu nổi. Tôi cứ thắc mắc hỏi Nguyễn Mai, sao thuốc phiện nghe mùi đã muốn xỉu rồi mà lại có người ghiền được mới lạ?

Và đây là chuyện bây giờ mới tiết lộ: tại sao mấy cô bé ngày đó muốn tới thăm Tuổi Ngọc, muốn gặp mấy anh nhà văn mà chúng tôi luôn kiếm cách từ chối là vì chúng tôi không muốn các cô gái ngây thơ, trong sáng hồn nhiên biết chỗ chúng tôi làm việc nó "kinh hoàng" như vậy. Nếu có cô nào dũng cảm xông đại vào thì gặp ngay ông Gia Tuấn khó như bà mẹ chồng chặn lại (chúng tôi có dặn trước), rồi thông báo lên. Khách của ai người ấy tiếp bằng cách mời ra quán cà phê bên kia đường, gần chợ Thái Bình, hay góc rạp xi nê Khải Hoàn gần đó. Thế mà hồi đó có cô không hiểu trách Từ Kế Tường là "chảnh", may là chưa có tiếng của thời @ ngày hôm nay là "chảnh chó". Sau vài lần không gặp được thì... giận luôn, nghỉ chơi cho tới bây giờ không biết đã đi đâu, về đâu.

Ấy thế căn gác đó lại là tòa soạn của tờ Tuổi Ngọc, tờ tuần báo dành cho "tuổi vừa lớn" nổi tiếng trước 1975. Tờ báo văn chương dành cho những cây bút trẻ là học sinh, sinh viên lúc bấy giờ với lực lượng cộng tác viên nặng ký gồm những nhà văn, nhà thơ, nhà giáo tên tuổi. Và cũng từ đó những cây viết mới có đất dụng võ nổi lên, sau này trở thành những nhà văn, nhà thơ, nhà báo tên tuổi hiện đang làm nghề.

Từ Kế Tường
Nguồn Facebook Từ Kế Tường

Ghi chú: cám ơn bạn Trang Trần độc giả của Tuổi Ngọc thế hệ thứ hai, đã lưu giữ và gửi tặng cho Từ Kế Tường 4 hình bìa báo Tuổi Ngọc đã khởi đăng 4 truyện dài: Ngựa chứng trong sân trường (Vũ Mộng Long-tên thật của Duyên Anh), Huyền Xưa (Từ Kế Tường), Áo tiểu thư (Duyên Anh), Trong nhật ký của quỳnh (Đinh Tiến Luyện).

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn