BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76262)
(Xem: 62980)
(Xem: 40385)
(Xem: 31984)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Lá thư cho Ba

09 Tháng Mười 201012:00 SA(Xem: 1733)
Lá thư cho Ba
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Ba thân yêu,

Tính đến hôm nay thắm thoát Ba đã ra đi được hơn một tháng; hơn một tháng trời trôi qua với tràn đầy nhớ thương của má và tất cả anh chị em chúng con cùng các cháu nội ngoại của ba.

Tối nay, lại thao thức không ngủ được, vào bàn thờ con thắp nén hương trầm dâng lên Ba. Nhìn di ảnh Ba, ánh mắt thật oai nghi trung trực, khuôn mặt đầy bao dung nhu hậu, biết bao nhiêu kỷ niệm buồn vui lại trở về trong ký ức con. Một trong những kỷ niệm mà con không bao giờ quên được là ngày con gặp lại Ba sau những tháng đợi năm chờ với những ưu sầu lo lắng mà má và chúng con chỉ còn biết bấu víu vào nguyện cầu Trời Phật...

Với ngòi bút vụng về, con chỉ muốn ghi chép lại đây ngày con đi thăm nuôi Ba, chuyến đi từ Sài Gòn ra miền rừng núi Bắc Việt để được gặp ba tại trại cải tạo Thanh Hoá vào năm 1979. Chuyến thăm nuôi đó, con còn nhớ rõ là với nét mặt can đảm Ba đã giấu đi hai hàng nước mắt để nhường lại cho những nét đăm chiêu nhưng thật bình tĩnh, và những lời Ba nói cho con nghe, ... tất cả là một cuốn phim dĩ vãng được quay lại rất rõ nét.

Trên chuyến xe lửa Sài Gòn - Thanh Hóa, con ngồi giữ chặt hai chiếc giỏ mây bên trong chứa đầy ấp tình thương và quà đem đi thăm Ba. Tối hôm trước, Má đã cẩn thận ngồi gói ghém thức ăn và các vật dụng cần thiết; trong đó có cả chai dầu khuynh diệp cho ba. Với ánh mắt xa xăm, Má đã kể cho con nghe câu chuyện mà lần đầu tiên trong đời con được nghe đến.

Một buổi sáng năm xưa, khi Má chuyển bụng sinh con, Ba đã đưa Má vào nhà hộ sinh Cô An ở Đà Nẵng; xong rồi Ba trở về nhà để lấy thêm vài thứ cần dùng cho Má. Khi Ba đang loay hoay xếp các thứ vào giỏ thì vú Xà chạy về báo tin rằng Má đã sinh CON GÁI, mẹ tròn con vuông. Ba mừng quá! Thay vì lấy chai Eau de Cologne rắc vào đầu, ba đã lấy nhầm chai dầu khuynh diệp rắc khắp người. Xách giỏ vào nhà hộ sinh thăm hai má con, ba sung sướng bế con nựng nịu. Má bảo mùi dầu khuynh diệp trên người Ba đã bám vào người con mãi đến mấy ngày sau mới hết! ... Câu chuyện dễ thương chứ ba nhỉ! Nhưng cũng dễ làm con khóc vì ngày trước ba đã rắc dầu khuynh diệp vào người chạy đi thăm con, cái ngày con mới cất tiếng khóc chào đời, thì nay con lại là người đem chai dầu khuynh diệp đi tiếp tế cho Ba, để phòng trong chốn lao tù Ba có mà dùng những khi trái gió trở trời ...

Chiếc xe lửa cứ ì ạch. Trong gió, mùi dầu khuynh diệp như cũng đang phảng phất đâu đây với hình ảnh Ba bế nựng con năm nào ...

Con còn nhớ rõ những ngày Má và con trông chờ tin tức Ba. Ngày rồi lại ngày, Má và con như đứng đống lửa, như ngồi đống than. Không đợi chờ được nữa, hai mẹ con đã liều đi kiếm Ba ở khắp các trại tù. Mỗi buổi sáng, con và Má ra chợ, mua nải chuối và đòn bánh tét cho vào chiếc bao ni lông nhỏ; xong con lấy giấy ghi tên Ba cho vào đó. Từ trại này qua trại khác, từ khám Chí Hoà, trại giam tù chính trị Phan Đăng Lưu ở Gia Định, Bùi Gia Mập, ... đến trại tù Suối Máu tại Biên Hoà, Kà Tum gần núi Bà Đen, trại giam Bình Dương, ... Cứ đến mỗi trại, hai mẹ con lại năn nỉ tên công an gác cổng đem chuối và bánh vào tìm đưa cho Ba. Má và con đợi truớc cổng trại nhiều khi đến sẫm tối tên cán bộ mới trở ra, thẩy chiếc bao lại cho má và lạnh lùng bảo: "Ở đây không có tên này!"

Sang ngày hôm sau, hai mẹ con lại dắt nhau đến trại giam khác, đợi cả ngày trời. Trưa đến, đói bụng hai mẹ con mở cơm nắm hoặc bánh mì khô ra ăn. Con có đem theo chiếc chiếu cói nhỏ, khi trưa đến má nhọc quá, con tìm một bóng cây bên kia đường đối diện với trại tù và trãi chiếc chiếu ra cho má nghĩ. Tuổi già sức yếu, Má co quắp nằm thiếp đi dưới ánh nắng gay gắt lúc nào không hay. Nhìn khuôn mặt xanh xao và thân thể gầy gò của má, lòng con đớn đau, và lại càng uất nghẹn khi nghĩ đến Ba, không biết hiện có còn sống hay thân xác đã bị vùi dập tại một xó xỉnh nào đó? Hình phạt dành cho người mẹ già của chúng con thật nặng nề và tàn nhẫn quá! Nỗi trông chờ sầu thảm đã giết lần giết mòn Má. Ai đã ác độc và nham hiểm dùng sự chia cách đó để làm ngón đòn đánh vào thân xác tiều tụy của các bà mẹ và các bà vợ Việt Nam sau mùa chiến chinh?

  "Giết nhau chẳng phải dao Cầu,
 Giết nhau bằng cái ưu sầu gớm chưa?"


Có lần, Má và con đợi từ sáng đến tối, có tên cán bộ từ xa tiến lại gần, đi hai tay không. Con mừng quá, ngỡ rằng quà đã được giao cho Ba rồi. Gặp Má và con, hắn chỉ lạnh lùng bảo: "Về đi, không có ở đây!". Để niú kéo nguồn hy vọng, con hỏi theo vớt vát: "Còn bánh và chuối ... " Hắn đã cắt ngang lời con trả lời cộc lốc: "Ăn rồi!" Hai mẹ con lại thất vọng, dắt díu nhau ra bến xe đò, đón xe về nhà để chuẩn bị cho cuộc tìm thăm ngày hôm sau ...

Một buổi sáng, vì má quá mệt nên con muốn má nghỉ ở nhà một ngày. Con đi một mình đến trại giam Bình Dương. Đang lang thang trước cổng trại thì tình cờ gặp anh Thọ, cháu ruột của Ba, đi ngang qua. Lúc ấy anh Thọ làm nghề sửa khóa và bơm mực vào viết Bic cũ. Anh Thọ chạy đến, con cho biết là ba đã bị bắt và bị giam ở đâu thì không được biết nên đang đi lùng kiếm Ba. Anh Thọ òa lên khóc, nghĩ đến người chú ruột đã thương mình như con. Trưa hôm đó, anh Thọ dẫn con về nhà; nơi anh ở cách trại tù Bình Dương không bao xa. Anh Thọ quậy nước chanh cho con uống. Chị Thọ thổi thêm cơm mời con ăn. Buổi ăn trưa ấy, ôi chao ơi thật là tràn đầy tình thương. Cái ngày hôm ấy, tuy bị công an ghẻ lạnh trước trại giam, nhưng với cái tình nghĩa ruột thịt trong hoạn nạn mà anh chị Thọ bù đắp, con cảm thấy được an ủi rất nhiều.

Người hàng xóm lắm lúc ái ngại đã nói khéo với Má rằng: "Chắc bà vào Chùa xin lễ Cầu An cho ông nhà đi ..." Má vờ như không nghe thấy, đi quay vào nhà trong; Má không dám đối diện với một sự không biết là có thật hay không.

Tuy thất vọng nhưng Má và con không tuyệt vọng ba ạ. Ròng rã sau những năm tháng biền biệt, má và con nhận được lá thơ đầu tiên Ba gởi về từ chốn lao tù. Cầm thơ ba, con không biết thật sự là mình mơ hay tỉnh. Hai mẹ con đọc đi đọc lại bao nhiêu lần, đọc đến thuộc lòng. Nhìn tuồng chữ viết nghiêng nghiêng, đều đặn và rắn rỏi của Ba con mừng lắm vì thấy nó chứa đựng tất cả một sự bình tĩnh của tâm hồn Ba. Má đã dán thơ ba lên tường, để hằng ngày hãnh diện nhìn thấy sức sống của ba ...

Sau ba ngày đêm lặng lẽ trầm tư, tiếng hú inh ỏi của còi xe lửa khi đến nhà ga đã đánh thức con về thực tại. Cảnh và vật trên sân ga Thanh Hóa trông thật điêu tàn. Đang bỡ ngỡ thì nghe tiếng gọi tên con, với giọng run run: "Cháu Nguyệt ơi !" Con quay lại thì thấy Bác Phiên, Bác đã được con báo tin là sẽ đi thăm Ba nên Bác đã ra nhà ga đón con để đi cùng.

Đêm hôm ấy, con và Bác Phiên tạm trú tại nhà Ga Thanh Hoá để sáng hôm sau tiếp tục cuộc hành trình. Con trần trọc, chỉ mong trời mau sáng để được đi gặp Ba. Mưa khuya rả rích, tiếng gió hú trong đêm, mang đến cho con cái lạnh buốt ruột và càng cào xé cho nỗi buồn thêm thắm thía. Bác Phiên cũng thao thức. Hai Bác cháu tâm sự rất nhiều. Bác kể lại những ngày xa xưa khi Bác làm chủ sự phòng bưu điện bên Lào, Bác thường xuyên nhận được thơ của Ba viết từ trường học tại Hà Nội gởi đến. Bác Phiên, Bác Toàn và Ba, mồ côi cả cha lẫn mẹ từ tấm bé nên rất thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Ngày cưới của Ba Má, Bác về dự và đem theo một bức tranh sơn mài trên có hình đôi chim non và lời chúc: "Sắc cầm hòa hợp" để làm quà cưới cho Ba Má. Bác cũng đã tặng riêng Ba một cây bút máy trên có khắc chữ "QT". Bác Phiên đã kể cho con rằng vào năm 1954, trước khi tấm màn sắt kéo xập xuống để chia đôi đất nước Việt Nam tại vĩ tuyến thứ 17; từ Đà Nẵng Ba đã vội vàng ra tận miền Bắc kiếm Bác để đón Bác vào Nam. Thật là không may, lúc ấy Bác bị kẹt bên Lào không về kịp điểm hẹn là cầu Thê Húc, nơi mà Ba đã đợi Bác cho đến ngày cuối cùng của hiệp định Genève. Bác đã ân hận rất nhiều khi bị kẹt ở lại miền Bắc, để rồi Bác đã làm nhân chứng sống cho thời cuộc. Bác nào ngờ có một cái chế độ khốn nạn và bất nhẫn như thế!

Từ ga Thanh Hoá đến trại tù giam Ba thì chỉ có một phương tiện duy nhất là xe đạp, nếu không muốn cuốc bộ. Bác Phiên cho biết ô-tô chỉ dành riêng cho cán bộ nhà nước. Bác Phiên đã thuê được cho con chiếc xe đạp chiều hôm qua. Sáng sớm, hai bác cháu lên đường, cột chặt hai giỏ quà nặng trĩu cho Ba sau xe đạp. Đường đi gập ghềnh sỏi đá, đâu đâu cũng là rừng, là "hình khe thế núi gần xa, dứt thôi lại nối thấp đà lại cao". Dọc đường là những đồi lim, là những dẫy soan mà những thân lim thì lạnh lùng đứng sững, còn những cánh hoa soan trắng thì tơi tả rơi. Con thầm nghĩ, nếu đây là một cuộc du ngoạn của Ba thì chắc là hồn thơ của Ba sẽ phong phú lắm! Nhưng than ôi, Ba đã trở về đất Bắc trong hoàn cảnh éo le và gian khổ quá. Những thân cây lim trước mắt con lúc bấy giờ chẳng khác gì những tháp canh chót vót của trại giam mà kẻ thù dựng lên để vây bủa và kiềm tỏa Ba cùng những người tù cải tạo khác. Những cánh hoa tơi tả kia, trong lòng con, là những giọt nước mắt khổ đau của đồng bào đang tuôn trào trước những hành hạ đủ điều của chế độ mới.

Khắp nơi là những con đèo, con dốc, khi thì vồng lên cao, khi nhào xuống thấp. Xe đạp của hai bác cháu bị xóc mạnh, nhồi lên nhồi xuống, đường đi thật gian nan vất vả. Rồi trưa đến, nắng gay gắt, không một cơn gío thoảng. Thiên nhiên cứ như là một bức tranh thủy mạc đứng lặng chết. Mồ hôi vã đầy, nhưng con và Bác Phiên cứ lặng lẽ cố gắng đạp xe đi.

Đến một nhánh sông nhỏ, có chiếc cầu treo băng ngang. Con và Bác Phiên xuống xe, thận trọng từng bước dắt xe đạp qua cầu. Khi sang được một nữa cầu thì vài song tre của chiếc cầu ẻo lã bị gãy, kêu lên răng rắc! Nhìn nước chảy xiết dưới kia, con lo sợ cho hai giỏ quà của Ba, nếu chẳng may bị rớt xuống thì đau lòng quá! Tiến thoái lưỡng nan, con và Bác Phiên đã để hai xe đạp nằm xuống, cẩn thận gỡ giây cột của hai chiếc giỏ mây ra. Con và Bác Phiên lấy giây buộc chặt giỏ vào lưng, mỗi người cõng một giỏ quà. Một tay với ra sau giữ lấy giỏ, còn tay kia bám lấy giây treo, và thấp người xuống từ từ, rồi con và Bác Phiên lết bò đi chầm chậm như hai con sên. Đem được hai giỏ quà trọn vẹn sang cầu bên kia, hai bác cháu nhìn nhau thở phào nhẹ nhõm. Sau đó, Bác Phiên và con lại phải trở lại giữa chiếc cầu để cũng lại rất cẩn thận lết đẩy xe đạp qua cầu. Con mừng thầm đã thuyết phục được Má ở lại nhà. Biết trước đường đi đầy khổ cực, mặc dầu Má cứ khăng khăng đòi ra tận trại tù miền Bắc để thăm Ba, con đã nhất định không muốn Má đi nhất là bấy giờ cái bịnh đau thấp khớp xương đang hành hạ Má. Quay đầu lại nhìn chiếc cầu treo rung rinh, con càng thấm thía hơn cái ý nghĩa của câu "Đoạn trường ai có qua cầu mới hay"... Con lại càng thấy thương Ba Má hơn vì với biết bao khó khăn, nhọc nhằn và hy sinh, đã nuôi anh chị em chúng con lớn lên qua biết bao nhiêu năm Việt Nam khói lửa ...

Để lấy sức, hai bác cháu giở cơm nắm muối vừng ra ăn và uống vội ngụm nước vối xong thì lại tiếp tục đi cho kịp giờ thăm nuôi. Dọc đường, đang đạp xe, con gặp một cụ già gánh miá ngang qua. Những thanh miá mới đốn trông lá còn xanh tươi quá. Con biết xưa nay ba vẫn thích miá, có lần Ba kể rằng hồi còn đi học ở Hà Nội, lúc đi Lào thăm Bác Phiên Ba đã được ăn miá Thanh Hoá, rất ngọt, ngon và nhiều nước. Thư gởi về nhà Ba nói răng Ba còn tốt nên khi thăm nuôi khỏi lo thuốc đau răng. Con chua chát nghĩ rằng sau bao nhiêu năm trong cái trại tù khổ sai, tuy tuổi đã gần bảy mươi, nhưng răng Ba đã nhiều lần cắn chặt để chịu đựng sự đọa đày nên có lẽ vì thế mà răng của Ba nay vẫn còn chắc để nhai những lóng miá mà Ba vẫn thích năm xưa. Tuy xe đã nặng hành lý, con vẫn dừng lại, mua cho được miá của cụ già. Con lựa những thanh miá ngon nhất, chặt thành từng khúc nhỏ, khệ nệ ôm cột vào xe.

Trên đường vào trại giam, gần một chân núi, con thấy có tên công an cầm súng đứng canh hai người tù đang hì hục đào một cái lỗ sâu hình chữ nhật. Gần bên là một xác người hình như được bó vào mảnh vải bố và đặt nằm trên một chiếc ki bằng tre. Hai người này đang sửa soạn nơi an nghỉ cuối cùng cho một người bạn tù cùng trại giam đã không may lià đời hay là đã may mắn xa mãi cái chốn kiếp đọa đày ... Lác đác gần đấy là những nấm mộ có đất phủ lên cao trông hãy còn mới, trên có cắm chiếc cọc. Chắc tên của người quá cố đã được anh em bạn tù khắc vội vào chiếc cọc đó. Cảnh thật là tang thương và lòng thật là tê tái ... Con nghe tiếng Bác Phiên, đạp xe phiá trước ngoái đầu lại, với giọng thật là nghẹn ngào và an ủi "Thôi cháu Nguyệt ạ, đừng nhìn nữa ..."

Khi đến trại thì trời đã quá ngọ, tim con đập mạnh, mắt con đảo quanh nhìn tứ phía. Lảng vảng gần xa là những tên cán bộ ... Trời ơi, con thấy ba đang lao động đằng kia. Mắt đẫm lệ, con muốn gào kêu, nhưng con cố nén vì sợ phạm nội qui trại sẽ không được thăm gặp Ba. Thân hình tiều tụy, áo quần tả tơi, tóc bạc phơ, Ba đang cùng với hai người tù khác kéo chiếc xe bốn bánh cọc cạch mà trên đó là những tảng đá thật lớn. Con đã thầm hỏi, giữa trưa nắng gắt, chân đạp đất, đầu đội trời, Ba và những người bạn tù chuyển đá đi đâu và để làm gì? Nhưng liền sau đó con liếc mắt thấy một đống đá rất lớn trước cổng trại. Thì ra kẻ thù đã dùng nước sông công tù để xây dựng trại tù, để chúng sẵn sàng giam cầm tất cả những ai chống lại cái chế độ bạo tàn của chúng. Sau nhiều năm sống dưới chế độ mới này, chính mắt con đã thấy, tai con đã nghe rất nhiều chuyện thâm độc phi nhân mà con không thể tưởng tượng rằng có thể có được.

Bác Phiên giữ xe và quà trước cổng trại, con bình tĩnh vào trong trình giấy. Thấy mặt con đọng đầy nước mắt, tên cán bộ nhe răng cười nham nhở: "Kià chị, được đi thăm người nhà thì chị phải vui chứ sao lại khóc thế kia?" Con lấy tay áo chùi, gạt nước mắt và chỉ bình thản trả lời: "Cơn gió thổi nhiều bụi quá!" Tên cán bộ hách dịch bảo con là đã trễ giờ thăm nuôi rồi nên con và Bác Phiên phải đợi đến sáng ngày hôm sau mới được gặp Ba.

Tối hôm ấy, con và Bác Phiên đã ngồi bó gối trong nhà đợi. Nhà đợi được chống lên bằng bốn đà lim, mái thì lợp bằng nứa với những tấm vách đánh bằng cỏ tranh, nền đất sét đắp bằng phẳng, có bàn và ghế dài làm bằng cây rừng trông rất ngăn nắp. Chắc chắn cái nhà này do chính bàn tay các người tù cải tạo dựng lên. Co ro người trong chiếc áo tơi và trong đêm con đã chập chờn ngủ. Những cơn gió khuya giữa rừng núi thổi lạnh thấu tim gan. Văng vẳng chung quanh con, trong vách là tiếng dế than, trên ngọn cây là tiếng cú kêu đêm và chốc lát thì lũ chim bìm bịp trên sông Mã gọi nhau nghe thật não nùng ...

Sáng hôm sau, có tên cán bộ đi kèm, giải Ba ra nhà thăm nuôi gặp con và Bác Phiên. Sau mấy chục năm xa cách, nay hai anh em ruột được gặp lại nhau, tại đất Bắc, trong một hoàn cảnh thật oái ăm! Tình huynh đệ ôm ấp bấy lâu nay, Bác Phiên ôm chầm lấy Ba, lòng nghẹn ngào quặn thắt. Lúc gặp con, ba ghì con thật chặt, nhưng Ba không khóc. Nét mặt của Ba đăm chiêu và thật bình tĩnh. Con đoán là Ba đã cố gắng ngước mắt lên cao để ngăn lại tất cả xúc động.

Ba dồn dập hỏi tin má và cả nhà. Có tên quản giáo đứng gần ngay đấy, nên con không trả lời sự thật được. Con đã kiếm cách nói quanh co cho Ba hiểu là có một số anh em từ ngục tù về, đã vượt biên đến được bến bờ tự do. Mắt Ba sáng lên, tràn đầy mừng rỡ. Nhưng khi nghe đến Má đang trông chờ Ba từng giờ phút, ba nhìn xa xôi buồn vời vợi ..
iây phút được gặp Ba thật là ngắn ngủi. Lúc tạm biệt, con trao Ba hai giỏ quà mà mắt con ứa lệ. Con còn nhớ mãi ánh mắt long thần can đảm của Ba lúc bấy giờ.

"Cầm tay con xiết nhẹ, Ba khẽ nói,
Can đảm lên con, Ba hứa sẽ về."


Viết đến đây, con xúc động quá Ba ạ. Nước mắt con đã làm hoen ố nhiều trang giấy. Ghi lại trang nhật ký này mà con có cảm tưởng như đang sống lại ngày đi thăm nuôi Ba năm nào. Chỉ khác một điều là bây giờ Ba không còn nữa, và nhất là không còn bị hành hạ giam cầm trong cái trại tù dã man kia. Trong cuộc hành trình bằng giấy bút ngày hôm nay, con được quyền khóc, được quyền tự do nói lên những điều mà con muốn nói chứ không cần phải e ngại và dè dặt như ở giữa cái địa ngục đỏ năm xưa ...

Có tiếng Má lục đục ngoài bếp, chắc Má đang sửa soạn nấu cơm và luộc trứng để cúng cho Ba ...
 

Con gái của ba,

Minh Nguyệt

Ý kiến bạn đọc
16 Tháng Mười 20107:00 SA
Khách
Nỗi lòng của Minh Nguyệt,lời thơ thật mộc mạc đầy cảm súc,thật xúc động,tôi cảm nhận với tất cả tấm lòng,nó thật gần gủi và tuyệt vời vì nó chứa đựng đầy đủ con tim và khối óc,tình thương và bộ mặt xấu xí của một chế độ.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn