Nhạc sĩ Tô Hải đã từ trần sau nhiều năm bị bạo bệnh. Có thể ông sẽ còn sống lâu hơn, nếu ông không từng bị bệnh viện từ chối chữa trị chỉ vì ông là một người "đã hết hèn".
Ngày ông từ biệt thế giới này cũng là ngày nhà báo, nhà văn Bùi Tín về trời.
Hai con người ấy dù ở hai phương trời nhưng có những nét tương đồng: là trí thức thực sự, giỏi ngoại ngữ, có nhiều tài năng, đều có khát vọng xây dựng một Việt Nam với lý tưởng công bằng bình đẳng bác ái, đem lại ấm no hạnh phúc cho mọi người và vì thế họ đã đi theo đảng cộng sản từ thời chống Pháp. Họ không tiếc thân mình hy sinh cho lý tưởng mà họ theo đuổi, cũng như nhiều trí thức nhân sĩ khác, thời mà đảng cộng sản và nhà cầm quyền chưa đủ thời gian để bộc lộ bản chất của họ.
Và một ngày, khi thế giới thông tin mở ra, khi được tiếp cận với sự thật lâu nay bị bưng bít, họ đã nhận ra sự thật và dám dũng cảm thừa nhận sai lầm của mình, dũng cảm nhận lấy thiệt thòi, cô đơn và ngay cả sự khủng bố, vu cáo, mạ lỵ lâu dài từ phía những tay sai của nhà cầm quyền để viết nên những bài báo, hồi ký, những bài trả lời phỏng vấn nhằm đưa sự thật đến cho công chúng.
Họ đã lên tiếng thức tỉnh, cảnh báo những sai lầm của nhà cầm quyền và thể hiện những khát vọng cháy bỏng và hành động cho mục đích cuối cùng là thay đổi thể chế độc tài cộng sản sang thể chế dân chủ, đa nguyên, công bằng và tự do cho người Việt Nam.
Khi con người dám sám hối và hành động bền bỉ để cứu chuộc, con người được đã tự rửa tội và từ giờ phút đó họ được nhận lại sự trong trắng.
Hôm nay, tại Sài Gòn, đám tang của người nhạc sĩ- nhà văn đã dũng cảm viết "Hồi ký của một thằng Hèn" ấy, sẽ diễn ra khá lặng lẽ.
Sẽ chỉ có những người có lương tâm, những người dũng cảm dám đến viếng ông, và đương nhiên, sẽ có rất nhiều công an chìm và cả côn đồ sẽ canh giữ đám tang ông và có thể sẽ giật băng tang, giật vòng hoa của ông, phỉ báng mạ lỵ vong linh người đã khuất. Bởi vì, đó là điều đã xẩy ra và vẫn còn xảy ra ở Việt Nam lâu nay. Và chính vì điều đó, phàm là con người, phải hành động cho một nền công lý và tự do theo lương tri.
Có sao đâu. Bùi Tín, Tô Hải, dù các ông sống hay chết ở đâu, dẫu có bị giày xéo thế nào thì, bằng sự thức tỉnh của họ, bằng lương tâm và trách nhiệm của họ đối với đồng bào Việt Nam mà họ đã làm, cố hết sức mình, vượt cả bệnh tật và tuổi tác, sẽ không một sự bôi nhọ nào xúc phạm đến họ được.Hai con người ấy, vì đã hành động theo lương tri, bằng những tác phẩm của họ, sẽ còn trường tồn với thời gian và càng ngày sẽ càng có nhiều người Việt Nam thương yêu và tạ ơn họ.
Con người rút ruột nhả những dòng tơ dâng cho đời ấy đã dùng cảm chiến đấu với nỗi sợ hãi và viết cho đến những năm tháng bệnh tật cuối đời, dù phải nằm trên giường mà viết và viết giữa những cơn đau.
Đáng kính thay, con người đã dám thừa nhận cái hèn của mình và lên tiếng vì "Tôi đã hết hèn, Không thể chết trong im lặng, Cuộc đời tủi nhục của tên bồi bút, 5 năm đóng kịch và dối trá..." (Tên một số chương trong "Hồi ký một thằng Hèn" của Tô Hải).
Hôm nay, ngày lớn ngày chia phôi.
Người Việt Nam yêu nước, yêu sự thật và công lý sẽ còn nhớ mãi đến nhà báo- nhà văn Bùi Tín và nhạc sĩ Tô Hải trong những giai điệu đẹp.
Nỗi tiếc thương thật lớn. Nhưng giai điệu dịu dàng và ủi an. Vì họ đã đến cuộc đời này, đã sống hết thiên mệnh và đã chiến đấu cho sự thật đến hơi thở cuối cùng.
Cỏ cây hoa lá, thương nhớ mãi người đi
và dâng sầu lên mi mắt người về...
Ai về sau dãy núi Kim Bôi,
nhắn rằng tim tôi chưa phai mờ...
Người ơi, tôi đã rút tơ lòng
Dệt mấy cung yêu thương
Gửi lòng trong trắng
Của mấy bông hoa rừng
Đời đời không tàn với khúc nhạc lòng tôi"
(trích từ nhạc phẩm "Nụ cười sơn cước" của nhạc sĩ Tô Hải).
Võ Thị Hảo
Nguồn BBC