BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76243)
(Xem: 62975)
(Xem: 40381)
(Xem: 31976)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Tháng Tư, nhớ Khoa Hữu

09 Tháng Tư 20187:03 SA(Xem: 1899)
Tháng Tư, nhớ Khoa Hữu
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
11Vote
32
Nhà thơ Khoa Hữu. (Hình Thư Quán Bản Thảo)
Nhà thơ Khoa Hữu. (Hình: Thư Quán Bản Thảo)
Nhà thơ Khoa Hữu qua đời Tháng Tư, 2012. Đã được 6 năm! Nhân Tháng Tư, đọc lại anh như một tưởng niệm. Mà cũng là một nhắc nhở.

Thơ Khoa Hữu nói chung, mang một phong cách và tâm cảnh khá đặc thù, tạo nên một chất thơ riêng biệt, rất khó nhầm lẫn, nhất là trong thế thơ “thất ngôn tứ tuyệt.” Trong một số bài, chúng mang âm hưởng của “Mùa Hạn,” “Tàu Đêm” hay “Ta Về” của Tô Thùy Yên.

Nhưng khác với thơ Tô Thùy Yên, ngoài tính cách bi phẫn, thơ Khoa Hữu phảng phất nét u hoài, man mác rất cổ điển, cứ như đọc một bài cổ thi hay một bài văn thời xa xưa nào mà nhà văn Nguyễn Mộng Giác, trong lời tựa cho tập thơ Khoa Hữu, gọi là bàng bạc “không khí thơ biên tái.”

Trước hết, có lẽ là cách dùng chữ của Khoa Hữu. Trong thơ anh, những từ ngữ và hình ảnh cổ điển được sử dụng trở đi trở lại nhiều lần: vầng dương, nhật nguyệt, niên sử, bóng hạc, gươm báu, trăm họ, mài gươm tạo hóa, anh hùng mạt lộ, thân phơi bóng núi, trang sách ước, chiến bào, vong quốc, mảnh áo bào, chiếu hoa, gió bạt oán cừu, thiên tử, thứ dân, hưng phế, cõi vô lượng, tà dương, nhà nghiêm, da ngựa bọc thây, bẻ bai…

Không lạ gì, một số câu thơ đượm mùi Đường thi:

“Đêm gối đầu đất Sở
mai thức về đất Yên”
“Cởi chiến bào súng trận
trải vầng trăng Xuân Thu”

Và có những câu khiến ta sống trong khung cảnh “Chinh Phụ Ngâm” hay “Cung Oán Ngâm Khúc:”

“Đồng trụ chiết, rung chiều cổ độ”
“Vó ngựa sắt tung mùi thư sử”
“Người đi tủi giấc mơ kinh sử
một hồn trăng treo bóng giang đầu”

Nói chung, hầu như toàn bộ những bài thơ của Khoa Hữu là một chuỗi dài những tiếng kêu bi phẫn. Có thể nói, chúng là một trường ca bi phẫn. Một bi phẫn không cạn, không ngưng nghỉ, không mệt mỏi. Trong anh là sự hội tụ đến cực điểm của tâm thức người lính bại trận, của người tù chung thân, của người mất quê hương. Và bàng bạc tình đồng đội. Theo tôi, những bài thơ nói về lính nằm trong số những bài thơ hay nhất của Khoa Hữu, chẳng hạn: “Sự Yên Lặng Của Cát Bụi,” “Tượng Lính,” “Qua Đất Quân Trường Vạn Kiếp”…

Sau Tháng Tư, 1975, ở lại trong nước, anh đi thăm nghĩa trang quân đội, thăm những chiến trường xưa như Cổ Thành, Củ Chi hay các quân trường.

Trong chất ngất tủi hờn, trong ngập ngụa kỷ niệm, anh vẽ lại một cách sống động cuộc chiến tranh tàn khốc mà anh và đồng dội anh đã từng tham dự.

Hết chiến trường này đến chiến trường kia: Khe Sanh, An Hạ, Trảng Bàng, An Lộc, Ba Thu, Creck, Snoul… Hết người bạn này đến người bạn kia nằm xuống giữa chiến trường.

“Lên Creck, Snoul chiều vĩnh biệt
xác tăng, thép súng cháy thành than
xuống Ba Thu, đạn còn người hết
tiếp máu ta rửa sạch chiến trường”
“Cây súng trận trả về hậu cứ
phòng xác Tổng Y Viện lạnh nằm
tấm ảnh bóc từ quân bạ cũ
dán lên tường hẹn chuyến lại thăm”

Trong anh, chiến trường xưa và đồng đội vẫn tươi rói kỷ niệm. Những người lính ấy “chất ngất đời hai vai trận mạc,” với “chiếc nón sắt quên đời lăn lóc” và “tấm thẻ bài đây lời đính ước,” để rồi:

“đất nghĩa trang chung ngày hạnh ngộ
mộ mộ bia lớp lớp bảo tàng”

Kẻ còn sống thì trở thành những người thua cuộc, lận đận, ly tán, mất mát, tha hương, tù ngục.

“Ta làm thơ gửi thằng cầm súng
hơn triệu thằng bỏ súng đi đâu
đưa đến quê người đời lận đận
ta quê nhà nhức vết thương sâu”

Có lẽ đó chính là lý do sâu xa nhất khiến Khoa Hữu bất chấp tất cả để làm thơ:

“Đất ấy của ta ta còn hiểu
đồng đội của ta ta còn đau
giấy mực đời chép ra, ví thiếu
lấy da này viết để tạ nhau”

Vâng, “đất ấy của ta.” Anh ở lại trên quê hương – một quê hương đã thống nhất, đã ngưng tiếng súng – nhưng khốn nỗi trong tâm thức của một kẻ lưu đày. Sống trong quê hương, nhưng như người biệt xứ. Quê nhà anh bị “người ta phá ngôi đền họ,” “đòi nợ sống, đòi da người chết,” nên chỉ còn là nỗi nhớ vì “cá chậu chim lồng nhốt lịch sử.” Anh “nghe sấm truyền kinh ngọn gió rung.” Bởi thế mà:

“Ta đi trăng huyết ràn rụa máu
tối đất oan khiên đỏ hận thù”
“Ta đã sống khác gì thú vật
trả sưu thân trả thuế linh hồn”

Quê hương, cái thực thể ấy, với Khoa Hữu, chỉ chứa đựng toàn những mất mát, hoang vu và thù nghịch. Trong lòng anh, quê hương chỉ còn là một mong ngóng vu vơ, một trông chờ bất tuyệt, một quê hương mà lịch sử bốn ngàn năm chỉ tóm lại trong một ngày với hình ảnh xác xơ, rách nát “ách bần cùng lũ lượt qua đây.” Tất cả chỉ là một cõi chết. Sài Gòn, nơi anh ở toàn là “những dấu chân nằm chết… những chiếc lá nằm chết… gạch ngói cũng nằm chết… lịch sử cũng nằm chết,” để chỉ còn trong anh:

“trái tim phẫn nộ
thở cùng hơi thở Sài Gòn ơi”

Anh tự hỏi:

“Về ư? ví còn nơi về được
ví ta quên hết chuyện đau lòng
xin làm con dế mèn hóa kiếp
chốn bụi bời cất tiếng hát rong”

Thơ Khoa Hữu, nói chung, như đã đề cập ở trên, “cũ càng” nhiều chỗ: cấu trúc, vần điệu, từ ngữ. Có nhiều bài thơ, anh đã dùng cả điển cố như đất Sở, đất Yên, Nhạn Môn Quan, đồng trụ chiết… Đã thế, nỗi buồn của anh, tâm sự của anh, nỗi bi phẫn của anh nào có gì mới đâu.

Ai trong chúng ta chẳng kinh qua vô vàn đau đớn của cuộc phế hưng trong mấy chục năm rồi. Ấy thế mà, đọc thơ anh, ta vẫn cảm thấy có cái gì khác sâu hơn, xa hơn, tái tê hơn, ngậm ngùi hơn, thê thiết hơn những gì ta vẫn thường biết, thường nghe, thường cảm giác. Dường như thơ của anh đã làm mới lại cảm xúc, mài nhọn thêm nỗi bi thiết, đẩy cao thêm nỗi oan khiên, khoét sâu thêm niềm tủi nhục.

Tuy thế, ngôn ngữ cũng như tư tưởng anh không có gì cầu kỳ, bí hiểm. Bằng tài năng, bằng sở hứng của mình, anh đưa thêm ý, thêm tình vào những điển cố, ngôn ngữ cũ, hiện đại hóa những hình ảnh, biểu tượng xưa, và ngược lại, “biên tái hóa” những tình, những cảnh hiện nay. Chúng pha trộn, lẫn quất, hòa vào nhau tạo nên những câu thơ, đoạn thơ rất thấm, rất đậm khiến ta ngẩn ngơ:

“Đêm đã trắng sao ta còn thức
nhớ quân đi gió bạt oán cừu
bỏ áo trận xanh trời Vạn Kiếp
xếp ngọn cờ vàng áng mây thêu”

“Đất báo oán người gây chinh chiến
thay áo bào, súng trận, ta đi
thiên hạ tứ phương thù, dấy loạn
trăng chiêm bao đưa bóng ta về”

Trong nỗi bi phẫn triền miên ấy, thỉnh thoảng, tôi bắt gặp những dòng thơ nhẹ nhàng, nhắc nhở về những kỷ niệm đẹp ngày ấy, một “ngày ấy” chẳng biết bao giờ trở lại:

“Em yêu, tóc dài thêm độ ấy
tiếng gà trưa dậy chỗ em nằm
thiếu thời em là hoa là trái
cỏ trầm hương mắt lá đăm đăm
Những cánh mai tung trời thân thuộc
vụt thời gian con én bay về
nắng xé lụa phơi mùa hạ trước
gốc phượng tàn còn đẫm tiếng ve”

***

Khoa Hữu, tên thật Ngô Đình Khoa, sinh 1938 tại Kim Anh, tỉnh Phúc Yên, Bắc phần, nhưng vào sinh sống ở miền Nam từ năm 1953. Sau khi tốt nghiệp Cao Đẳng Bách Khoa, anh đi dạy học rồi nhập ngũ, làm lính tác chiến 10 năm, bị thương hai lần.

Trước 1975, có thơ và truyện ngắn đăng trên tạp chí Bút Hoa, bán nguyệt san Văn và tuần báo Khởi hành. Sau Tháng Tư, 1975, sống ở Sài Gòn, anh vẫn âm thầm sáng tác và chỉ gửi ra đăng ở các tạp chí hải ngoại như Văn Học, Văn, Thế Kỷ 21, Hợp Lưu, Làng Văn, Sóng, Tin Nhà.

Đã xuất bản: “Tập thơ Lục Bát,” nhà xuất bản Trình Bày, Paris,1994. “Thơ Khoa Hữu,” tạp chí Văn Học (California), 1997. “Nửa Khuôn Mặt,” tập thơ, Thư Ấn Quán, Hoa Kỳ, ấn hành.

Trần Doãn Nho
Nguồn Người Việt

———
Tài liệu:
-“Thơ Khoa Hữu,” nhà xuất bản Văn Học (California), 1997.
-“Khoa Hữu, Nỗi Bi Phẫn Bất Tận,” tạp chí Văn Học 1998.
-Trang mạng Bạn Văn Nghệ.
-Thư Quán Bản Thảo.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn