BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73458)
(Xem: 62247)
(Xem: 39438)
(Xem: 31181)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Nhà tôi qua vụ Tết Mậu Thân đợt hai 1968

05 Tháng Ba 20187:20 SA(Xem: 2276)
Nhà tôi qua vụ Tết Mậu Thân đợt hai 1968
512Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
512

Miền Bắc truyền lệnh tổng công kích và tổng khởi nghĩa trong dịp Tết Mậu Thân 1968 cho bộ đội hợp lực với quân du kích thuộc lực lượng giải phóng miền nam tổng nổi dậy, tổng công kích miền nam trong khi hai miền đã có ký kết hưu chiến trong dịp Tết.

Nếu đánh thắng được miền nam thì tốt, nếu không được thì cũng gây tiếng vang quốc tế nói chung và Hoa Kỳ nói riêng. Bởi vì năm đó bên Mỷ có cuộc bầu cử tổng thống, các ứng cử viên và dân chúng rất nhạy cảm chuyên chiến tranh, chuyện đem con dân Hoa Kỳ sang VN tham chiến. Thêm nhóm phản chiến quậy tưng nước Mỷ.

Trong đợt một 1968 (31/01/1968) họ không có ý định chiếm đóng khu vực nơi tôi ở mà mục tiêu là đánh đài phát thanh Sàigòn. Quân của họ được ém trong một căn nhà trong một hẻm nhỏ nằm trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nếu tôi nhớ không lầm thì con hẻm số 109 mà ngay ngoài đường là một nhà thuốc tây và đối diện bên đường xéo xéo một tí là nhà giặt ủi Mai Lan.

Trước khi quân họ xuất phát nơi con hẻm thì có một số người trẻ ăn mặc như sinh viên học sinh xuất hiện ngay đầu đường Tự Đức, nơi có phông tên nước, ngay góc nhà bào chế thuốc tây Nguyễn Chí Nhiều. Hình như họ di chuyển từ hướng cầu Phan Thanh Giản (Điện Biên Phủ) đi vào. Họ kêu gọi mọi người tổng nội dậy với quân cách mạng, họ dùng loa như hình cái phểu nhưng không có điện để tăng thêm tiếng nói cho lớn hơn và họ nói "đồng bào có giáo có mác hảy cùng chúng tôi nổi dậy tham gia cách mạng......) nhưng không một ai ủng hộ và tham gia. Mọi người đều sợ sệt vì lần đầu tiên thấy mấy ảnh vào ngay SG, ai cũng hải hùng, lo âu. Tết đó Ba của tôi về phép và ở trong nhà hôm đó, hai cha con đứng trên lầu bên trong phòng nhìn xuống đường qua cánh cửa sổ mở hé một tí. Hai người đều lo âu và Ba tôi suy nghỉ thế nào tôi cũng không rỏ nhưng thấy khuôn mặt lo âu lung lắm.

Sau đó họ di chuyển đi nơi khác, đến sáng chúng tôi mới biết là đánh nhau bên khu đài phát thanh.

Tôi xin kể đợt hai 68 vì nó liên quan đến nơi tôi ở. Vào sáng sớm ngày 5/5/1968 thì họ tổng tấn công trên nhiều vùng lảnh thổ miền nam trong đó có một vụ ngay khu vực gần nhà chúng tôi, đó là cầu Phan Thanh Giản bên phía quận nhất nay là cầu Điện Biên Phủ nơi giáp giới quận Bình Thạnh và quận nhất.

Họ từ bên phía Bình Thạnh Gia Định sang phía Q1 SG giựt xập một đầu cầu PTG rồi đóng chốt tại đó. Phía VNCH cho cảnh sát dã chiến và CS thường phục đến hiện trường truy kích và có giao tranh với họ. Sau đó có thêm tiếp viện từ lính bộ binh tác chiến BĐQ và Mỷ.

Mậu Thân Sài Gòn 1968 - Trên cầu Phan Thanh Giản giao tranh với Việt Cộng -1
Trên cầu Phan Thanh Giản giao tranh với Việt Cộng
Mậu Thân Sài Gòn 1968 - Trên cầu Phan Thanh Giản giao tranh với Việt Cộng -2
Trên cầu Phan Thanh Giản giao tranh với Việt Cộng

Phía họ rút sâu vào bên trong khu nhà dân chúng dọc theo rạch Thị Nghè và vào đến cuối đường Tự Đức (nay là Nguyễn Văn Thủ) và đóng chốt tại một tòa nhà kiên cố nơi đây là một trường Anh Văn (London school) hay còn gọi trường Anh Văn Tự Đức.

Nhà chúng tôi số 9A nằm đối diện với ngôi trường và tôi có thấy ít nhất 7,8 anh VC trong căn nhà đó (cũng hên ngôi nhà này lúc đó không có ai ở vì là trường học). Ngay cửa chính là 3 anh đứng chốt với hai cây AK hai bên, một anh cầm B40 đứng giữa. Trên lầu và những cửa sổ chung quanh tòa nhà đều có người đứng lấp ló với súng chĩa ra ngoài.

Tại thời điểm đó tôi chưa biết nhìn và phân biệt súng nào ra súng nào, chỉ khi tàn cuộc chiến năm đó rồi xem báo chí mới biết súng nào là AK, B40. Âm thanh của súng AK, B40 thiệt khiếp, cướp tinh thần, làm hoang mang bà con nhiều hơn là nghe tiếng súng Carbin, Garant.

Chủ của ngôi building này mà chúng tôi thường gọi là Bà Huyện vì chồng bà ấy ngày xưa là quan Huyện. Họ cho thuê một phần của tòa nhà dùng làm trường học. Bà Huyện này cũng là giám học của trường Gia Long, hàng ngày tôi vẩn thấy xe van con heo đến đưa đi rước về nhà. 

Chúng tôi nằm trong nhà lo sợ chưa biết tính sao và tính thế nào? Chỉ nghe âm thanh của tiếng súng tạch tạch vài tràng của AK rồi đùng đùng thật lớn của B40. Cả đời chưa biết chưa thấy chiến tranh thật sự là gì hay thế nào? Chưa biết súng đạn bắn chết người thế nào? Cho dù có đọc qua báo chí hay thấy hình ảnh chết người thì biết vậy thôi nhưng không hình dung nó khủng khiếp khi mình bị rơi vào hoàn cảnh như bây giờ.

Ba tôi thì không có ở nhà, ông đang làm việc trên Đà Lạt cũng bị họ tấn công vào một căn nhà dân sự dùng làm nơi ở và làm việc. Ba tôi phải quăng ra cở một thùng lựu đạn rồi bỏ chạy ra sau nhà qua lối ty CS Đà Lạt.

Trong nhà tôi lúc đó toàn đàn bà và con nít gồm có Má, một bà Dì của Má tôi và 6 anh em chúng tôi mà tôi là lớn nhất (12t). Cả nhà nằm dưới gầm giường chứ không dám chạy đi đâu, ra ngoài thì sợ vì không nghe tiếng người dân chung quanh, thật quá yên tỉnh chỉ nghe đạn bắn lung tung, đụng tôn, đụng tường kêu rền vang. Ngó ra ngoài thì thấy mấy ảnh đứng chần dần trước nhà mình.

Chúng tôi vẩn cứ nằm trong nhà, sau buổi trưa chiều thì Má tôi ngửi được mùi cháy khét và tiếng nổ lốp bốp của gổ cháy. Chúng tôi xem thì thấy cháy trên nóc nhà trường Anh Văn. Má tôi hoảng quá nên kêu thu dọn hành trang gọn nhẹ và nói là phải chạy thôi. Cũng không rỏ chuyện cháy lớn nhỏ nhiều ít thế nào?

Rồi cũng phải ra đi thôi, với hai ba giỏ quần áo, đồ ăn rồi kéo nhau chạy ra ngoài. Má tôi và bà Dì cùng mấy đứa em ra trước, tôi đi sau bọc hậu với bịch đồ và đóng cửa sắt phía trước. Lính VC nhìn gia đình tôi mặt lầm lì, lăm le súng trên tay, không cười không nói, ghê chết mẹ. Sự sợ hải khi nhìn thấy họ làm tôi hoảng quá nên không dám đứng lại lâu để khóa cửa nên chỉ khép hờ thôi rồi cúi mặt, chậm chạp mà đi, không dám chạy rủi nó hoảng nó làm mình một tràng thì mệt chứ không chơi.

Lý do sao tôi nói như vậy vì nhóm lính VC này toàn là dân người miền nam Bình Dương xấp xỉ 17/18 tuổi thôi, thậm chí còn trẻ hơn nên mình sợ nó cũng hoảng chứ! Sau này đọc báo mới biết là nhóm này thuộc đơn vị Bình Dương.

Chạy đến nhà số 18A có con hẻm nhỏ (vị trí ở giữa hẻm 28 Nguyễn Bỉnh Khiêm và đường Tự Đức) thì có môt vài gia đình bên trong hẻm gọi chúng tôi vào. Không hiểu sao Má tôi và cả nhóm lại dừng lại và vào đó.

Nói chung họ cũng sợ như mình, không dám chạy nên thấy có ai chạy ngang thì kêu vào cho có bạn.

Sau đó chúng tôi cũng phải đi tiếp chứ đâu ở đó được. Hàng xóm bảo mang thêm áo quần vào cho nhẹ xách tay, chúng tôi cũng làm theo rồi đi ra ngoài. Lớ quớ đứng ngay đầu hẻm mà không đi vì cứ chờ đợi làm mấy anh VC tại trường London School trước nhà tôi cảm thấy không ổn nên làm một tràng vài viên AK về phía chúng tôi. Không biết bắn chúng tôi thiệt hay là dọa nhưng đạn trúng vào vách tường sau lưng chúng tôi. Cả nhà dọt lẹ thôi và họ không bắn theo nữa.

Chúng tôi chạy đến cuối con hẻm 26 Nguyễn Bỉnh Khiêm nơi đó là phía sau của tòa nhà USOM thì thấy một anh VC nằm chỏng gọng ngay đơ, khiếp thiệt vì lần đầu tiên thấy xác chết.

Quẹo phải ra hướng đường NBK khoảng 100 thước ngay chổ nhà bảo sanh Kim Ngọc trên lối ra đường Nguyễn Bỉnh Khiêm thì tôi gặp một vài anh lính mặc đồ rằn ri BĐQ thì mình báo vị trí họ chốt tại đâu. Ra đến đường NBK ngay cây xăng đầu hẻm thì quẹo phải về hướng Tự Đức là đình Tân An. Thấy nhiều lính các loại sắc phục đứng bắn vào trong, tôi cũng góp chuyện họ bên trong chốt ở đâu.

Nhiều người hướng dẩn nhà chúng tôi lên trường tiểu học Lê Văn Duyệt trên đường Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu) tạm trú ở đó. Thế là cả nhà kéo nhau đến đó, đây là ngôi trường tiểu học mà tôi vừa học xong lớp nhất vào năm ngoái.

Mậu Thân Sài Gòn 1968 - Ngay ngả tư Nguyễn Bỉnh Khiêm & Tự Đức bắn vào ngôi trường Anh Văn ngay đầu đường Tự Đức
Ngay ngả tư Nguyễn Bỉnh Khiêm & Tự Đức bắn vào ngôi trường Anh Văn ngay đầu đường Tự Đức

Con hẻm nhỏ dọc kinh Thị Nghè theo hướng từ cầu Phan Thanh Giản đi vào đường Tự Đức. Nhà có lá cờ Phật giáo, với mái tôn
Con hẻm nhỏ dọc kinh Thị Nghè theo hướng từ cầu Phan Thanh Giản đi vào đường Tự Đức. Nhà có lá cờ Phật giáo, với mái tôn dốc xuống là căn số 8A, bạn tôi là Hồng chết trong căn nhà này. Căn có lầu kế bên là nhà tôi.

Mậu Thân Sài Gòn 1968 - Góc Tự Đức & Nguyễn Bỉnh Khiêm
Góc Tự Đức & Nguyễn Bỉnh Khiêm

Mậu Thân Sài Gòn 1968 - Bà con trong xóm tôi đang tản cư, bên trái chổ xe màu vàng là trước cơ sở làm thuốc Nguyễn Chí N
Bà con trong xóm tôi đang tản cư, bên trái chổ xe màu vàng là trước cơ sở làm thuốc Nguyễn Chí Nhiều, ngôi nhà giữa và ngay đầu đường là số 6-7A, cách nhà tôi hai căn.

Mậu Thân Sài Gòn 1968
Sau khi tàn cuộc, hình ảnh khác với tấm trước.

Mậu Thân Sài Gòn 1968 - Trước hẻm số 8 đường Tự Đức, chủ nhà có cửa sắt màu xanh mà Ba tôi quen, tôi cũng quên tên, sau
Trước hẻm số 8 đường Tự Đức, chủ nhà có cửa sắt màu xanh mà Ba tôi quen, tôi cũng quên tên, sau 1975 căn nhà đó là Công An phường 7

 Mậu Thân Sài Gòn 1968-2

Tôi nhớ là ở đó được 3/4 ngày gì đó thì tàn cuộc chiến, nghe tin mọi người bảo là hết đánh nhau rồi nên hai má con về thăm nhà xem thế nào? Từ đầu đường Tự Đức càng vào bên trong thì gạch vụn xếp lớp, lổn ngổn đầy trên đường đi. Hởi ơi nhà cửa xập hết chỉ còn hai vách nhà và hai cây cột trước nhà với cái cửa sắt màu xanh, chiếc xe Vespa của Ba tôi văng sang nhà đối diện hơi xéo một chút khoảng trên 10 thước ngay trước nhà Bà Huyện bị gạch đá đè lên. Cái Tivi bị úp xuống đất không bể kính hay thiệt và vẩn xài được.

Theo tôi biết là sau nhiều đợt tấn công của lính miền nam vẩn không giải tỏa được vì tòa nhà rất chắc chắn vì xây vào thời Pháp, gạch dày 2,3 lớp. Mấy anh VC chiến đấu dử lắm, khiếp lắm vì bị cột dây thừng vào súng và vào khung cửa sổ. Chắc người chỉ huy phải chạy lòng vòng tiếp đạn và đồ ăn, không biết chuyện vệ sinh thì sao? chẵng lẻ làm tại chổ luôn hay sao?

Cộng thêm thuốc hăng máu là một loại thuốc viên màu hồng, uống vào giúp lên tinh thần, hưng phấn hay sao đó.

Tôi không nói ngoa hay đặt điều mấy chuyện này vì chính tôi thấy tận mắt và rỏ ràng. Đó là khi chúng tôi về nhà thì gặp lính VNCH đang bắt tù binh trong tòa nhà, tôi thấy trên tay bị cột dây thừng lòng thòng, trong áo ngực của họ thì lính vnch lấy ra mấy viên thuốc. Trước khi chạy khỏi nhà tôi cũng thấy họ bị cột tay vào cửa.

Vài ngày sau tôi và vài người lính cũng nghe tiếng kêu từ dưới đống gạch vụn và binh lính moi lên được hai anh VC. Hay thật nhịn đói dưới đó hai ngày để chờ dịp dọt nhưng chịu không nổi phải lên tiếng kêu cứu. Cũng vậy tay anh nào cũng có dây thừng nơi cổ tay.

Vài ngày nữa cũng bắt thêm một anh nấp dưới sông, anh ấy bắt cái võng nằm dưới đó mấy ngày.

Chắc chờ đợi đơn vị đến cứu hay sao? Một nhà hàng xóm (nhà số 5A, chủ nhà giặt ủi Mai Lan) khi đi vệ sinh thì nhìn xuống thấy anh đó nằm chần dần trên vỏng mặc bộ pijama. Lính miền nam hỏi ông nằm đó rồi lấy gì ăn. Anh VC nói là chúng tôi có bánh tét chôn dấu ở dưới sông nhiều ngày trước khi tham gia trận chiến.

Như vậy tổng cộng lớp bị bắt lớp chết cũng xấp xỉ 10 mạng. Hàng xóm nhà tôi căn số 8A có một cô bạn ngang tuổi bị đạn M79 câu vào ngay trong nhà nên miểng dính vào đầu và chết sau đó. Cô bạn tên Hồng cùng tuổi cùng học chung luyện thi đệ thất, sát một bên nhà và chúng tôi thường chơi chung những trò chơi con nít ngày xưa. Trong đợt hai 1968 chỉ có mình cô bạn bị chết vì đạn tại khu Tự Đức.

Nhà của tôi được nhóm hướng đạo VN giúp dọn dẹp phá bỏ những đổ vở, làm gọn gàng sạch sẽ, xin cám ơn nhóm hướng đạo nào đã đến giúp khu Tự Đức những ngày đó.

Vài ngày sau Ba tôi về và xin nghỉ dài hạn, toàn gia đình dọn về trú tại nhà bà chị họ nhà số 3A (căn này không bị thiệt hại phần chánh). Khu chúng tôi chỉ có vài căn phải xây lại đó là nhà tôi, căn số 6-7, 8, 10, 11. Sau khi xây nhà mới xong thì Ba tôi mới trở về đơn vị.

Sau nhiều cách thức quân VNCH đánh vào không được như là bộ binh tùng thiết và bao vây mọi hướng thì tướng Lê Nguyên Khang có ý định cho máy bay thả bom nhưng có nhiều người không bằng lòng cách đó vì sợ còn dân trong khu đó. Cuối cùng họ phải cho cảm tử vào tòa nhà đặt mìn để đánh xập tòa nhà thì mới có cơ hội dẹp được mấy anh VC. Họ tổ chức người men theo lối vào nhà kế bên, leo lên nóc rồi trèo qua vào đặt mìn.

Trong trận này có tướng Nguyễn Ngọc Loan cũng bị thương ở đây. Không biết bị đạn của VC hay của ai mà thiên hạ đồn là ông tướng bị nhóm khác trừ khử. Nhiều sắc lính tham chiến ở đây gồm có lính Mỷ, Cảnh sát dã chiến và thường phục, bộ binh tác chiến, BĐQ, thiết giáp và sau đó có TQLC.

Cuối cùng tòa nhà xập sau 3/4 ngày giao chiến. Ngôi trường đó sau khi xập cũng phải một vài năm sau mới xây lại. Bà Huyện có người con gái nuôi và gả cho Bác sỉ Nguyễn Văn Mẩn làm việc tại bệnh viện Sùng Chính và cho hai vợ chồng và gia đình được xây nhà và ở trên miếng đất đó.

Trước đây ông Bác sỉ này từng là Thị trưởng Đà Nẵng thời biến động miền trung năm 1966 và chính tướng Nguyễn Ngọc Loan ra dẹp loạn và bắt ông Bác sỉ về nhốt ở Cục ANQĐ.

Bao nhiêu năm tưởng đã quên chuyện Mậu thân, mọi ký ức từ từ lãng quên, nhờ có internet nên tôi tìm được hai tấm ảnh trong cuộc chiến tại khu Tự Đức và sau đó em trai tôi tìm thêm nhiều hình ảnh khác nửa cũng từ một ông ký giả người Ý chụp khi làm nhiệm vụ ký giả chiến trường tại khu này năm 68. Đó là ông Angelo Cozzi.

Sở dỉ bây giờ mới được thấy những hình ảnh này là vì ông ấy không thích nói chuyện về công việc chiến trường. Có sự đau nhức, chua sót gì đó khi kể và nhớ về nó. Ông ấy nói tiếp là bất cứ cuộc chiến tranh nào xãy ra thì con nít là nạn nhân đầu tiên. Mổi tấm hình ông chụp các trẻ em ông đếu cố gắng chùng thấp xuống ngang với các em để lấy được góc độ, ánh mắt nhỏ nhưng luôn mở rộng, ngơ ngác vì hoang mang v..v..

Nói thế nào thì bây giờ ông ấy cho chúng ta xem những hình ảnh cuộc chiến do ông ấy chụp mà nhiều năm trước chúng ta không thấy. Xin cám ơn ông ký giả.

Tàn cuộc chiến, nhà cửa đổ nát, trong đống gạch vụn bên trái, hai ngày sau bắt được hai anh VC, đối diện là nhà của tôi có cửa sắt màu xanh còn dính vào tường, toàn bộ phần lầu bị bay mất phần tôn, ngói, trong nhà nát hư hết , thấy lan can gạch màu trắng.

Angelo Cozzi.

Mậu Thân Sài Gòn 1968-3

Mậu Thân Sài Gòn 1968 - Một tù binh bị bắt đang giải ngang qua hẻm 18A, chổ chúng tôi khi chạy nạn ghé vào. Phía sau là
Một tù binh bị bắt đang giải ngang qua hẻm 18A, chổ chúng tôi khi chạy nạn ghé vào. Phía sau là tòa nhà bị xụp đổ. Một căn nhà kế bên còn nguyên vẹn, có anh lính đứng phía trên gần nóc nhà. Căn nhà này lính miền nam dùng để leo vào đặt bom phá ngôi trường.
Mậu Thân Sài Gòn 1968 - Bà con tạm trú tại trường Tiểu học Lê Văn Duyệt
Bà con tạm trú tại trường Tiểu học Lê Văn Duyệt
Mậu Thân Sài Gòn 1968 - Một vài em nhỏ trên đường về nhà, ngang qua nhà tôi có cửa sắt màu xanh và nhà Hồng, con cô Thu

Một vài em nhỏ trên đường về nhà, ngang qua nhà tôi có cửa sắt màu xanh và nhà Hồng, con cô Thu và cháu Bà Phán.

Mậu Thân Sài Gòn 1968-4

Mậu Thân Sài Gòn 1968 - Quân lính bắt tên lính VC ngay dưới kinh của nhà số 5A và đang dẩn ra chổ Đình Tân An (bên trái)
Quân lính bắt tên lính VC ngay dưới kinh của nhà số 5A và đang dẩn ra chổ Đình Tân An (bên trái), Một anh bị bắt bên hẻm 26 Nguyễn B Khiêm, chổ sau lưng USOM.

Mậu Thân Sài Gòn 1968-5

Mậu Thân Sài Gòn 1968-6

Mậu Thân Sài Gòn 1968-7

Tôi ghi chép vài dòng kèm theo những tấm hình để hiểu được trận đánh ở đó thế nào chứ không có ý nghỉ căm thù gì. Mọi chuyện là quá khứ là cuộc chiến của những giới chính trị, là ý thức hệ chủ nghĩa của họ.

Nguyễn Sơn
10/01/2016

email - snguyen56@gmail.com

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn