Chỉ còn hơn hai tuần nữa là Tết Mậu Tuất. Thời gian này trong nước là thời gian cả dân tộc rộn ràng chuẩn bị mừng xuân với lời nguyện bình an, thương yêu cho năm mới, như câu hát “mừng Xuân quên hết những chuyện buồn năm đã qua.” Trong không khí đó, đảng và nhà nước Cộng Sản Việt Nam bỗng dấy lên một chiến dịch mừng 50 năm chiến thắng Mậu Thân 1968. Thiệt tình tôi kinh hoảng. Sau bao nhiêu năm nắm độc quyền cai trị đất nước, đảng Cộng Sản Việt Nam cho thấy họ vẫn tiếp tục tìm kiếm thứ “vinh quang” xây trên xương máu.
Năm đó, khoảng quá 10 giờ đêm Mùng Một Tết, tôi nghe hàng tràng tiếng nổ rền vang từ nhiều phía, thoạt đầu cứ ngỡ là tiếng pháo. Nhà tôi ở cư xá Lữ Gia, Sài Gòn cạnh bên trường đua Phú Thọ, gần chung quanh có những trại gia binh dọc theo đường Nguyễn Văn Thoại, tiếng nổ càng lúc càng vang dội thôi thúc. Có lẽ do linh tính, hay cũng vì đã nghe quen bom đạn, chỉ hơn mười phút sau tôi cảm được chiến tranh đã vào thành phố.
Thế là cả đêm chập chờn. Chừng hơn tiếng đồng hồ, khoảng quá nửa đêm rạng Mùng Hai Tết, có tiếng đập cửa, nhìn qua song tôi nhận ra những người lính với đồng phục quân đội quốc gia. Họ hỏi tôi có thấy Việt Cộng qua đây không, có bị ai uy hiếp gì không. Sau khi dặn dò chúng tôi nên cài chốt và không mở cửa cho bất kỳ người lạ nào, họ tiếp tục cuộc tuần tra trong cư xá.
Rạng sáng, khi tiếng súng vẫn còn râm rang, tin từ radio cho biết quân đôi Cộng Sản đã vi phạm thỏa thuận ngưng bắn dịp Tết, mở cuộc tấn công trên nhiều thành phố, kể cả Huế, Sài Gòn. Tôi phóng vội xe ra phố, tìm đến những bạn bè Hướng Đạo của tôi. Thời đó ở Sài Gòn điện thoại chưa phổ biến rộng rãi trong dân chúng, tìm kiếm nhau chỉ có cách chạy xe hai bánh.
Góc đường Nguyễn Văn Thoại và Trần Quốc Toản, một chiếc xe Jeep trúng đạn B40 đã cháy rụi, tài xế có lẽ là một quân nhân Mỹ, thân xác xém đen gục trên tay lái. Dọc đường, xác đặc công Việt Cộng bị bắn chết trong những tư thế khác nhau, y phục xác xơ, thịt da tơi tả. Lớn lên trong chiến tranh, nhưng đó là lần đầu tôi nhìn tận mắt cái thảm khốc do nó gây ra.
“Tìm nhau trong bom lửa
Tìm nhau trong mưa bão
Tìm nhau trên kinh đô xây trong xương máu…”
Cảm giác trong tôi lúc ấy là như thế. Những ngày kế tiếp, trong lúc cùng anh em Hướng Đạo làm công tác cứu trợ, dọn quang, tôi nghe thêm tin tức về những vụ thảm sát tập thể ở Huế, những chết chóc xảy ra mọi nơi, trên mỗi xóm thôn, từng thành phố. Lại thêm xương máu Việt Nam đổ ra để vun bồi cho vinh quang của đảng Cộng Sản.
Ngược dòng lịch sử, Hồ Chí Minh là một kẻ cuồng say quyền lực. Phong trào Cộng Sản quốc tế đã trao cho Hồ cái quyền lực đó. Súng đạn ngoại bang mang về giết người thân, giết đồng bào. Cải cách ruộng đất, Nguyễn Thị Năm, Nông Thị Xuân, Mâu Thân, Huế, Cai Lậy… chỉ là số nhỏ trong những biến cố, những địa danh, những tên người đã làm nên lý lịch máu của Hồ.
Rồi biến cố 1975, cả nước gom về một mối oan khiên. Sau khi những Xuân Khu, những hoạn lợn hoàn tất công trình cướp bóc, giam cầm, đảng dùng kèn đám ma để thổi bài nhân nghĩa. Nào là hòa giải dân tộc, nào là khúc ruột ngàn dặm… đủ thứ ngôn từ hoa mỹ.
Tưởng sau bao nhiêu năm sống trên vàng son nhung lụa, người Cộng Sản cũng học được chút khoan thứ thương yêu; nào ngờ giờ đây, đảng Cộng Sản lại hiện nguyên hình của một lũ sài lang khát máu. Nguyễn Phú Trọng trâng tráo cầm B40 chụp ảnh, Nguyễn Thiện Nhân đọc lời đại cáo ca ngợi chiến công. Bầy dã thú vô tâm tiếp tục nhe răng múa vuốt trước những oan hồn của quá khứ.
Luật Sư Lê Công Định, người tranh đấu và người tù nhân lương tâm lên tiếng: “Tôi thấy thật sự là vô lương tâm và không thể hiện lương tri của con người bình thường, cho thấy họ không hoàn toàn có một ý định nào gọi là hòa giải và hòa hợp dân tộc cả. Bởi vì dù cho biện minh dưới bất kỳ gốc độ nào, thì lẽ ra họ cũng nên thấy rằng việc tổn thất nhân mạng rất là lớn trong một trận đánh như vậy. Tất nhiên là họ không bao giờ nhận lỗi về phía mình, nhưng lẽ ra họ cũng nên tổ chức một buổi lễ nào đó, gọi là cầu siêu cho các oan hồn bị chết một cách rất là đau xót trong bối cảnh chiến tranh.”
Một cư dân mạng xã hôi phát biểu: “Tết ở Huế không bao giờ vui cả. Chỉ là hào nhoáng bên ngoài thôi, chứ bên trong rất là buồn… Chính quyền vinh danh và ăn mừng chiến thắng Mậu Thân thì quá là bất nhẫn. Điều đó là điều không thể nào chấp nhận được”
Nghe Luật Sư Lê Công Định nói về lương tri của lãnh đạo Công Sản Việt Nam, quả là họ không bao giờ có ý định hòa giải và hòa hợp dân tộc. Sau hơn 40 năm, dân tộc Việt Nam muốn xóa đi những dấu vết tang thương của cuộc chiến, nhưng bản chất háo thắng cuồng sát của đảng Cộng Sản Việt Nam khiến họ điên rồ xé toạc những vết thương vẫn chưa liền máu thịt.
Bỗng dưng nhớ Nguyễn Chí Thiện:
SẼ CÓ MỘT NGÀY
Sẽ có một ngày con người hôm nay
Vất súng, vất cùm, vất cờ, vất Đảng
Đội lại khăn tang, đêm tàn ngày rạng
Quay ngang vòng nạng oan khiên
Về với miếu đường, mồ mả gia tiên
Mấy chục năm trời bức bách lãng quên
Bao hận thù độc địa dấy lên
Theo hương khói êm lan, tan về cao rộng
Kẻ bùi ngùi hối hận
Kẻ bồi hồi kính cẩn
Đặt vòng hoa tái ngộ lên mộ cha ông
Khai sáng kỷ nguyên tã trắng thắng cờ hồng!
Tiếng sáo mục đồng êm ả
Tình quê tha thiết ngân nga
Thay tiếng “Tiến quân ca”
Và Quốc tế ca
Là tiếng sáo diều trên trời xanh bao la!
Miên man nghĩ đến đây, nhìn lên màn ảnh truyền hình là lễ khai mạc Thế Vận Hội Mùa Đông tại Bình Xương, Nam Hàn. Một điều tưởng chừng không thể lại đang xảy ra trước mắt: Lực sĩ Hàn Quốc của hai miền Nam Bắc đang diễn hành chung dưới một màu cờ. Thật không vậy? Tệ như Kim Jong Un mà vẫn chìa bàn tay thân ái với miền Nam? Dĩ nhiên ít ai ngây thơ để nghĩ rằng phép lạ sẽ xảy ra nay mai cho bán đảo Triều Tiên, nhưng rõ ràng hai miền dân tộc ấy đang nỗ lực tìm nhau. Con đường vạn dặm nào chẳng bắt đầu bằng những bước chân nhỏ bé?
Trông người lại nghĩ đến ta. Kim Jong Un mang danh tàn bạo, nhưng hình như chưa chà đạp những tình tự thiêng liêng của dân tộc Triều Tiên. Trong khi Hồ Chí Minh giết người ơn, ám sát người tình, ra lệnh giết dân để cướp đất. Đàn em của Hồ cũng theo gương “Bác,” luôn bầy cuộc tàn sát vào những ngày lễ Tết khi mọi người ít cảnh giác nhất; họ pháo kích vào trường học, tấn công vào nhà thương. Rồi khi cuộc chiến nồi da xáo thịt tưởng chìm vào lãng quên, họ lại khơi dậy để được chút thỏa mãn đê hèn của cái gọi là bên thắng cuộc.
Những phản ứng dữ dội mấy ngày qua về sự vô tâm xuẩn ngốc của Nguyễn Phú Trọng và đàn em dù sao cũng cho tôi một niềm tin nho nhỏ. Tôi tin dù bị cai trị bởi ngu dốt và hận thù, người dân Việt vẫn tìm đến nhau.
Tìm xem trong kinh sử
Tìm tương lai sáng tỏ
Tìm nhau khi nhân loại được trùng tu.
(Phạm Duy)
Ngày nhân loại trùng tu sẽ là ngày rụi tàn của những con tim chai đá.
Nguyễn Hoàng Duyên
Nguồn Người Việt