BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73466)
(Xem: 62247)
(Xem: 39438)
(Xem: 31182)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Giáo hội Việt Nam: Đối thoại và Đối đầu

08 Tháng Mười 201012:00 SA(Xem: 1113)
Giáo hội Việt Nam: Đối thoại và Đối đầu
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Cám ơn bác Tiền Hô đã đưa lời phát biểu của Đức Hồng Y Giuse Trần nhật Quân lên mạng cho bà con được thấy khí phách của một vị chủ chăn, dù đã về hưu mà còn “già gân” lắm. Nhỏ tới lớn tôi sống tại miền Nam nên rất “chịu” khí phách của vị Hồng Y “già gân” này, vì nó giống y chang tính cách của người dân Nam Bộ nghĩ sao nói vậy và nói thẳng re không cần rào trước đón sau. Ai mà không biết đối thoại là tốt là đẹp là ý nghĩa, là hợp Phúc Âm, là tinh thần công đồng Vatican II, là hợp thời đại mới … vân vân và vân vân. Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân là người hiểu rõ điều đó hơn ai hết, nhưng rồi ngài cũng đành phải chịu mang tiếng đối đầu, vì biết rằng không thể đối thoại. Vấn đề đối thoại mà cha Jeroom đặt ra cho Giáo hội Trung quốc chẳng khác chi vấn đề tại Việt nam và hiện nay nhiều bậc vị vọng muốn viện dẫn đủ các lý chứng khuyên Giáo hội Việt nam nên đối thoại với chính quyền, tuy nhiên phản ứng của Đức Hồng Y Giuse Quân khiến người ta phải suy nghĩ để có thái độ đúng đắn trong đối thoại và thái độ của Đức Hồng Y khuyến khích mọi người nhất là người miền Nam hãy giữ lấy phong cách Nam Bộ “nói thiệt tình”, “có sao nói dzậy”.

Cũng giống như nhiều từ ngữ khác chịu tác động biến đổi của thời gian, của không gian và của các nhóm nhỏ sống thân tình, từ “đối thoại” không khỏi chịu nhiều biến đổi, chịu nhiều “cưỡng bức” đến nỗi những ai đã có kinh nghiệm đều phải dè dặt khi dùng từ ngữ đẹp hết biết này, vì “rằng hay thì thật là hay, nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế này”. Để khỏi mất nhiều thời giờ lý luận lòng dzòng vốn không mấy thích hợp với dân Hai Lúa nói thẳng ruột ngựa, tôi xin được nói dzô ngay các sự kiện đã được trải nghiệm, chứng nghiệm và đã trở thành kinh nghiệm đắng cay và khi nhắc lại những sự kiện này không có ý phê phán ai vì đã thuộc về quá khứ, chỉ mong qua những kinh nghiệm đau thương đó rút được những bài học hữu ích cho Giáo hội Việt nam trong những “đối thoại” sau này, nếu có.

Sự kiện 1 : NHỤC MẠ VÀ XUA ĐUỔI ĐỨC KHÂM SỨ H. LEMAITRE KHỎI SÀI GÒN

Tôi sống ở miền quê, đâu được biết những việc diễn ra tại Sài gòn thời đó là thủ đô của miền Nam. Nghe thuật lại rằng sau ngày 30-04-1975, một nhóm linh mục và giáo dân “tiến bộ” có thể “đối thoại” với chính quyền cách mạng đã đến Tòa Khâm Sứ đặt tại Sài gòn nhục mạ và xua đuổi Đức Khâm sứ Henri Lemaitre ra khỏi Việt nam. Nghe nói một linh mục đã nắm áo kéo lê kéo lết ngài ra khỏi Tòa Khâm Sứ gì đó. Hỏi lý do tại sao làm như dzậy thì ra đó chỉ vì cách mạng thường kết án “đạo công giáo là đạo Tây”, “theo công giáo là theo Tây”, là “lệ thuộc ngoại bang”, là theo “thế lực thù địch nước ngoài chống phá cách mạng”, những người đến nhục mạ và xua đuổi Đức Khâm Sứ nghĩ rằng xua đuổi Đức Khâm Sứ là xua đuổi “thế lực nước ngoài” là chứng tỏ mình “không đi với ngoại bang” và như thế để dễ nói chuyện với cách mạng, dễ “đối thoại” với cách mạng.

Tôi không được chứng kiến, nhưng chỉ nghe thuật lại đã thấy nóng máu rồi, nóng máu muốn khùng luôn, thiệt là ác đức sao vụ này diễn ra ngay tại thủ đô miền Nam mà đó đâu phải tính cách của người miền Nam vốn trọng chữ tín, chớ đâu phải như mấy người đến xua đuổi Đức Khâm Sứ là những người bất tín, họ nghĩ rằng mình đang tiến hành đối thoại, nhưng đó là cuộc đối thoại bất tín, không phải chỉ bất tín với bạn bè mà còn bất tín cả với niềm tin mà họ đang tuyên xưng nữa. Mấy cha nội này nghĩ gì mỗi khi đọc kinh Tin Kính: “Tôi tin Hội thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền”? Xua đuổi Đức Khâm Sứ là bất tín. Để đối thoại mà thành kẻ bất tín như thế là tự phản bội chính mình, hành động đó bị chi phối bởi chính trị chứ không theo niềm tin, mà nếu không còn tin vào điều mình tuyên xưng thì đâu còn ở trong Giáo hội nữa.

Người miền Nam thường mềm dẻo hơn so với người miền Bắc vì thế người ta dễ kết án người miền Bắc là cứng rắn và thích đối đầu, nhưng nếu mềm dẻo mà trở thành bất tín thì tôi phản đối kịch liệt. Nên nhớ cách mạng tiến hành ở miền Bắc trước miền Nam và trong thời cách mạng tại miền Bắc, chính quyền cũng đã tuyên truyền “theo đạo là theo Tây”, là “theo ngoại bang”, là “dựa vào thế lực nước ngoài chống phá cách mạng”, vậy mà giáo sĩ và giáo dân miền Bắc đâu có ai ngán lời kết án của cách mạng, nên cứ việc tin vào Thiên Chúa và trung tín với Giáo hội. Năm 1959, khi Nhà Nước ra lệnh trục xuất hết các vị thừa sai nước ngoài, trong đó có Đức Khâm Sứ Dooley, nhưng thái độ của giáo sĩ và giáo dân miền Bắc đối xử với vị đại diện Tòa Thánh khác hẳn so với mấy ông cấp tiến trong Nam. Khi Đức Khâm Sứ Dooley bị trục xuất, hết thảy giáo dân đến tiễn đưa ngài, cảnh tượng càng thê thảm và xúc động vì ngài đã mệt đừ phải nằm cáng mà đi khiến người ta có cảm tưởng đó là một đám tang, cũng đúng thôi, vì chia ly này còn trông mong gì tái hợp, còn buồn thảm hơn đám tang là khác. Đức Hồng Y Khuê dẫn đầu phái đoàn tiễn đưa mà tất cả mọi người, kẻ đi, người ở đều bùi ngùi xúc động không cầm được nước mắt. Trước khi ra đi, ngài còn viết thư cám ơn Đức Hồng Y Khuê vì đã cho ngài mượn cơ sở của tòa giám mục và đồng thời bàn giao những đồ đạc hiện có trong Tòa Khâm Sứ. Cuộc tiễn đưa tưởng không thể nào chấm dứt vì cha con bạn bè bịn rịn thương mến trong tình hiệp nhất khắng khít khiến Nhà Nước tức giận kết án giáo sĩ và giáo dân Hà nội là theo Tây, vọng ngoại, nhưng Đức Hồng Y Khuê và giáo dân Hà nội đâu có ngán gì lời kết án của Nhà Nước nên vẫn hiên ngang sống và diễn tả niềm tin vào Chúa, lòng trung tín với Giáo hội, với Đức Thánh Cha qua việc bày tỏ tình cảm gắn bó mật thiết với Đức Khâm Sứ là đại diện của ngài. Lòng trung tín càng qua gian nan thử thách càng sáng tỏ, đúng là qua gian nan thử thách mới biết vàng thiệt vàng giả, bạn thiệt, bạn hờ.

Sự kiện 2 : VIỆC TÔN PHONG CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM.

Một sự kiện khác om sòm hơn vì được truyền thông Nhà Nước đưa lên báo đài nhiều lần, đó là sự kiện Phong Thánh Tử Đạo năm 1988, một chiến dịch công kích các vị thánh trên các phương tiện báo đài, ở mọi cấp độ, trong mọi cơ quan, kéo dài nhiều ngày tháng đã khiến cho một số người, trong đó có cả những vị chức sắc cao cấp, chao đảo, bàn tới rồi “Bàn Lui”, đề nghị xét lại để “đối thoại” với Nhà Nước qua trung gian Ủy ban Đoàn Kết và báo Công giáo và Dân tộc là những cơ quan luôn sát sao thực hiện chỉ thị của Đảng với lập luận cơ bản trích dẫn lý luận của Nhà Nước: có nhiều vị tội lỗi không xứng đáng được phong thánh. Không biết nền tảng thần học của những vị này thế nào và đức tin của những vị này ra sao mà để cho những kẻ vô thần hướng dẫn một việc thuần túy đạo giáo lại thuộc phạm vi đức tin như thế. Họ cũng nghĩ rằng mình đang đối thoại, nhưng đó cũng là cuộc “đối thoại” bất tín. Để đối thoại mà phải chối bỏ đức tin của mình thì có khác gì bước qua thập tự trong thời cấm đạo đâu. Tôi buồn nhứt là mấy vụ này xảy ra trong Nam nhiều hơn ngoài Bắc.

Trong khi đó ngoài Bắc có thái độ khác hẳn: Đức Cố Hồng Y Giuse Maria Trịnh văn Căn, sau khi làm đơn thỉnh nguyện phong thánh cho các vị tử đạo tại Việt nam, bị chính quyền hạch sách đêm ngày rất mỏi mệt, thế nhưng ngài vẫn kiên cường giữ vững lập trường. Đức cha F.X Nguyễn văn Sang kể lại: “Số là trong cuộc xáo động cách đây mấy chục năm về viễn tượng Giáo Hội Công Giáo Rôma sẽ phong 117 Á Thánh Tử Đạo Việt Nam lên hàng Hiển Thánh, các cuộc hội họp diễn ra khắp nơi trong đấu nước, lời qua tiếng lại khen chê đủ kiểu. Chúng tôi-Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (lúc đó tôi đang làm tổng thư ký) được triệu tập ra cơ quan để nghe một vị có trách nhiệm thuyết trình. Vị đó nói rất hùng hồn và lôi cuốn, nhưng đa số những lời đó là để chỉ trích bôi nhọ các Thánh Tử Đạo Việt Nam là những người bán nước, đầu trộm, gian thương, xấu nết…

Đột nhiên tôi thấy Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh văn Căn quỳ xuống ôm mặt khóc ầm lên và lớn tiếng kêu: “Xin thôi, xin thôi! Ông không có quyền thóa mạ, bôi nhọ cha ông chúng tôi là những người chúng tôi yêu mến và kính trọng”. Nói đọan, ngài lại lớn tiếng khóc hu hu…

Các Giám Mục thấy sự việc như vậy, yên lặng rút lui ra khỏi căn phòng, và cuộc họp tự động được kết thúc không kèn không trống”. (ĐC FX Nguyễn văn Sang, Giũ bụi trần ai, lưu hành nội bộ, 2010, tr.224-225).

Đó mới thực là đối thoại vì đối thoại mà vẫn giữ được lòng trung tín, giữ được đức tin của mình, dù phải than van khóc lóc, dù bị vùi dập, qua vụ này tôi thấy miền Bắc cứng rắng thì có nhưng đối đầu thì không, nhưng tôi “chịu” nhứt là Đức Hồng Y Căn, khóc lóc như thế, nhưng lại rât kiên quyết, rất gần với tính cách người dân Nam Bộ, dầu chết, dầu thiệt thòi vẫn chịu chớ không chịu đánh mất chữ tín.

Sự kiện 3 : XUA ĐUỔI ĐỨC CỐ HỒNG Y F.X NGUYỄN VĂN THUẬN.

Mỗi lần nhắc đến Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận tôi không khỏi ngậm ngùi xen lẫn với mắc cở vì mình là người miền Nam mà sự việc lại diễn ra tại thủ đô miền Nam. Khi nhóm linh mục và giáo dân cấp tiến Sài gòn đến xua đuổi ngài ra khỏi Sài gòn, Đức Cố Hồng Y hỏi họ: Tôi có tội gì mà phải ra đi, một linh mục trả lời: Đức Cha tròn trịa quá nên không ai bắt được tội gì, nhưng Đức Cha nên ra đi thì có ích lợi cho Giáo hội; Đức Cố Hồng Y nói: Tôi chỉ vâng theo ý Chúa, vâng lệnh Tòa Thánh chứ không vâng lệnh “người khác”. Tưởng gì té ra là tại vì chính quyền cách mạng đã chống đối tổng thống Ngô đình Diệm là cậu ruột của ngài, kết án ngài thuộc bè lũ Mỹ - Diệm, nên mấy cha nội tự xưng là “cấp tiến” đó nghĩ rằng xua đuổi ngài ra khỏi Sài gòn là họ không thuộc bè lũ Mỹ - Diệm, thì họ dễ sống hơn, dễ “đối thoại” với Nhà Nước hơn.

Những người ấy nghĩ rằng mình đang đối thoại với Nhà Nước, nhưng đó là cuộc “đối thoại” bất nghĩa. Những người ấy chính là anh em với ngài trong Giáo hội, trong tình nghĩa linh mục, là cha con trong tình nghĩa giám mục vậy mà khi gặp nguy nan đã quay mặt phản bội, vì một chút lợi lộc nhỏ nhoi khi muốn đối thoại với Nhà Nước họ đã cắt đứt tình nghĩa với anh em, phản bội và bán đứng người cha của mình, không xứng đáng với tính cách của người dân Nam Bộ chúc nào. Hỏi ra mới biết trong số này không thiếu những người thân thiết gần gũi với ngài, khi ngài gặp nạn chẳng dám hó hé một câu, dù những người này xưa kia rất thân cận với Nhà Nước, chưa hết, thời cuộc biến đổi, thì trơ trẽn thay, khi ngài được vinh thăng hồng y thì cũng chính những người này lại rêu rao khắp nơi là bạn của ngài, thiệt là hết biết mấy ông này, đổi trắng thay đen, bất nhơn bất nghĩa đến thế là cùng.

Tôi đau đớn mắc cở hơn nữa vì miền Nam là nơi Đức Cố Hồng Y làm việc và sinh sống, chẳng ai nói gì bênh vực che chở cho ngài, Tổng Giáo Phận Sài gòn là nhiệm sở của ngài, nhưng chính một số người trong giáo phận đó đã có sáng kiến xua đuổi ngài. Tôi hết sức “chịu” người miền Bắc vì giáo dân miền Bắc yêu mến ngài, có Đức Cha đã làm đơn xin Tòa Thánh bổ nhiệm ngài làm việc cho miền Bắc dù ngài chỉ ở miền Bắc một thời gian ngắn, thực là “một ngày nên nghĩa, chuyến đò nên quen”, dù làm như thế là trái ý Nhà Nước, lập tức bị kết tội là đối đầu, phải chăng cứ nói và làm thuận theo Nhà Nước là đối thoại, nói và làm khác ý Nhà Nước là đối đầu, dù bênh vực anh em mình một cách chính đáng, với tình nghĩa ít ra là của bằng hữu bình thường chứ chưa nói đến tình bác ái huynh đệ phải có giữa những người môn đệ của Chúa?

Trong nhiều vụ khác như vụ Vinh Sơn, vụ các nhà dòng bị bắt người và tịch thu nhà cùng của cải, thiệt đau lòng là những người anh em linh mục, tu sĩ đứng lên tố cáo, kết tội anh em của mình, đau đớn nhứt là dòng Đồng Công, một người anh em cựu tu sĩ của Đồng Công nay đứng về phía Nhà Nước dõng dạc kết tội anh em với một thái độ rất trí thức và rất “đối thoại”, ngược lại thì cũng mau lẹ quá, khi cố Thủ tướng Phạm văn Đồng vừa nằm xuống đã lập tòa phong ngài Thủ Tướng làm thánh vì là “người công chính”, chẳng biết sau khi đọc công hàm bán nước do ông này ký vào năm 1958, ngòi bút này phải bẻ cong thế nào cho phù hợp?

Trong vụ Tòa Khâm Sứ, khi nghe tin Nhà Nước muốn trục xuất Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô quang Kiệt, toàn thể các vị trong HĐGM đã phản đối, nhưng cũng có vài người tuy không ở trong HĐGM vẫn tự xưng là cao trọng và quan trọng trong Giáo hội đã mau chóng “đối thoại” với Nhà Nước, xun xoe tuân hành “thánh chỉ” của Nhà Nước, chạy đôn chạy đáo vận động trừng phạt Đức Tổng Kiệt, sắp xếp đưa ngài đi nơi khác và quà cáp nịnh bợ người mà họ nghĩ sẽ thay thế ngài tại Hà nội (tiếc là người này không biết Đức Tổng Nhơn được Tòa Thánh chọn nên đã vận động sai chỗ), trong số đó có người lúc nào cũng tự xưng là thân hữu yêu mến Đức Tổng Kiệt, chịu hết nổi bộ mặt không những giả nhơn giả nghĩa mà còn tệ hơn thế, bất nhơn và bất nghĩa này rồi.

Trong khi đó tại Hà nội, nơi Đức Tổng Kiệt làm việc, tính cả thời gian làm giám quản, chỉ mới 7 năm, thế mà hầu hết giáo sĩ và giáo dân sẵn sàng chết vì ngài và với ngài và bằng mọi cách anh em bênh vực ngài, bảo vệ ngài với tình nghĩa gắn bó dám cùng sống cùng chết với nhau và như thế bị kết án là đối đầu, đúng là vì nghĩa quên mình. Thiệt đúng với phong cách Nam Bộ: “kiến nghĩa bất vi vô dõng giả, lâm nguy bất cứu mạc anh hùng”. Tôi khoái giáo dân miền Bắc rồi đó.

Sự kiện 4 : VẤN ĐỀ TÀI SẢN CỦA GIÁO HỘI

Tôi không có ý đề cao tiền của, càng không có ý vận động đòi đất, tuy có lúc cũng cần phải lên tiếng đòi. Như bàn dân thiên hạ đã thấy trong vụ Tòa Khâm Sứ đòi đất chỉ là cái cớ, chỉ là một cơ hội cho những người bị bịt miệng bấy lâu được lên tiếng, bằng cớ là sau đó Nhà Nước quảng đại đề nghị đổi lấy miếng đất khác nhưng đâu có ai chịu đổi. Trong cuộc đời cũng như trong Giáo hội, tiền của là một dụng cụ tốt để thử thách phẩm giá, đức hạnh của con người. Sau năm 1975, tuy không phải là hết thảy nhưng có một số nơi kia đã làm giấy hiến tài sản cho Nhà Nước để được yên thân, việc này ngày nay vẫn còn ray rứt lương tâm nhiều người, vẫn còn đó câu hỏi: người ta có quyền sang, nhượng, hiến những tài sản của Giáo hội không? Những ai được Chúa đặt để coi sóc gia sản Giáo hội làm như thế có phải là thái độ của người quản gia trung tín và khôn ngoan không.

Điều đáng nói ở đây là thái độ của người trách nhiệm đối với những con người và tài sản thuộc phạm vi trách nhiệm của mình: Tỉ dụ khi nhà mình bị cướp, người nhà mình bị oan ức, hành hạ, đã chẳng dám lên tiếng thì chớ, lại còn chối bỏ những người thuộc về mình, chối bỏ tài sản Giáo hội giao cho mình trông coi gìn giữ, tệ hại hơn, sau đó lại thơn thớt nói cười, bắt tay bắt chân với những người đã từng cướp của nhà mình, giết người nhà mình, làm như là bạn hữu nghĩa thiết lắm, tồi tệ nhứt khi gặp họ vẫn phải nói những lời tâng bốc quá đáng mà kẻ nói lẫn người nghe đều biết là không thật sự và không thật lòng, khiến người có lương tri và lòng tự trọng cảm thấy có cái gì đó không ổn của một con người không biết tự trọng, thiếu trách nhiệm và tự làm mất phẩm giá mình trước mặt đối phương, khúm núm là một thái độ không xứng đáng với một con người nhất là người trí thức, giả dối lại càng không xứng đáng với người tu hành chuyên dạy chân lý. Tóm lại đó là thái độ của người quản lý bất trung, có người cho rằng như thế để dễ “đối thoại”, phải rồi đối thoại thì có nhưng đó là cuộc “đối thoại” bất trung.

Nói nữa e rằng quá đáng, tôi lại “chịu” thái độ của miền Bắc, vì tại miền Bắc có thể có vài trường hợp cá biệt còn hầu hết không một nơi nào và một người nào đã làm giấy hiến tài sản của Giáo hội, chỉ có Nhà Nước đã ngang nhiên chiếm đọat, thái độ đó làm nổi rõ hành vi cướp bóc của kẻ chiếm đọat, ngược lại hiến tài sản không những đồng lõa mà còn hợp thức hóa tội phạm cướp bóc đó.

Sự kiện 5 : ĐỐI THOẠI GIỮA TÒA TGM VÀ UBND TP HÀ NÔI

Dầu cho hầu hết thảy mọi người ở khắp mọi nơi đều biết được cuộc đối thoại thời danh giữa Tòa Tổng Giám mục và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà nội ngay sau vụ đập phá Tòa Khâm Sứ, tôi cũng xin tóm tắc sơ lược như sau: Ủy ban Nhân dân thành phố Hà nội mời Đức Tổng Kiệt và Tòa Tổng Giám mục Hà nội “đối thoại” về vụ Tòa Khâm Sứ, Văn phòng Tòa TGM thông báo sẽ có một đoàn gồm 20 người tháp tùng Đức Tổng Kiệt và UBND nhất trí. Đến thời điểm đã hẹn, đoàn Tòa TGM ra thì đã thấy cổng UBND có barie sắt ngăn chặn, người gác cổng chỉ đồng ý cho một mình Đức Tổng vào, Tòa TGM nói đã nhất trí là đoàn gồm 20 người, sau khi người gác cổng vào thỉnh ý cấp trên lại ra mặc cả: Chỉ cho 10 người vào, Tòa TGM vẫn nhắc lại thỏa thuận đoàn gồm 20 người, cuối cùng cũng nhất trí như đã thỏa thuận ban đầu, nhưng không được mang máy quay phim, chụp ảnh, Tòa TGM phản đối: Tại sao các ông có nhiều máy quay phim chụp ảnh thế kia mà bên tôi lại không được, nếu không đồng ý cho quay phim chụp hình vào, chúng tôi sẽ ra về, sau cùng rồi cũng được. Nhưng khi loan tin về cuộc đối thoại, các phương tiện thông tin của Nhà Nước đã cắt xén và xuyên tạc lời phát biểu của Đức Tổng và một chiến dịch công kích Đức Tổng được phát động trên tất cả các phương tiện truyền thông, trong các cơ quan của Nhà Nước, lan rộng tới cả các đoàn thể, thậm chí cả các địa phương. Thật là gian dối, bẩn thỉu và trắng trợn, mèng đéc ơi như dzậy mà gọi là đối thoại hay sao? Có chăng một cuộc “đối thoại” bất minh và bất chính.

Sự kiện 6 : ĐỐI THOẠI GIỮA HĐGM VỚI THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG

Sau khi vụ Tòa Khâm Sứ nổ ra, các vị đại diện trong Hội đồng Giám mục đã ra Hà nội gặp Thủ Tướng, hi vọng có một cuộc đối thoại chân thành cởi mở để giải tỏa vấn đề và bênh vực cho Đức Tổng Hà nội là người anh em của mình, nhưng trong suốt buổi gặp gỡ, Thủ Tướng đã cướp hết lời, không những không để cho các vị trong Hội đồng Giám mục được phát biểu, mà còn lên lớp dạy dỗ các ngài và qua các ngài dạy dỗ Đức Tổng Kiệt.

Đó là một cuộc đối thoại cay đắng, “đối thoại” bất tương kính. Ông Thủ Tướng không kính trọng người đối thoại, dù đó là những vị chức sắc cao cấp nhất trong Giáo hội Công giáo tại Việt nam, đại diện cho cơ quan cao cấp nhất của Giáo hội Công giáo Việt nam, rõ ràng không có đối thoại mà chỉ có truyền lệnh và buộc vâng lời. Tuy nhiên cuộc đối thoại bất tương kính bộc lộ ai mới là người đáng kính và đây đúng là một đối thoại theo kiểu Nhà Nước đúng nghĩa “đối thoại là vâng lời”.

Sự kiện 7 : ĐỐI THOẠI GIỮA TÒA TGM SAIGON VÀ UBND TP HỒ CHÍ MINH

Khi biết tin UBND thành phố Hồ chí Minh phát mãi khu nhà tập thể số 11 đường Nguyễn Du, vốn là tài sản của Tổng Giáo phận Sài gòn, Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm minh Mẫn đã có văn thư phản đối từ đó đưa đến một cuộc đối thoại giữa Tòa Tổng Giám mục và UBND thành phố Hồ chí Minh mong tìm được giải pháp tốt đẹp. Tại cuộc họp này, Tòa TGM cho rằng UBND thành phố đã làm sai, UBND thành phố trả lời: Biết là sai nhưng không sửa, cuộc đối thoại bất thành vì đó là cuộc đối thoại bất tri lý.

Hai Lúa trong cơn bức xúc chỉ muốn nói vài lời không ngờ lại thành “dài lời” mà trong trí nhớ còn quay cuồng vô vàn sự kiện khác, nhưng có lẽ chỉ cần 7 sự kiện nói trên cũng đủ để hiểu thực chất cuộc đối thoại lâu dài giữa Giáo hội Việt nam với Nhà Nước này đã từng diễn ra thế nào và như thế có thể hiểu từ ngữ “đối thoại” đã từng có nhiều nghĩa như thế nào và vì thế “đối thoại” là không đơn giản như tính cách người Nam Bộ ăn ngay nói thẳng.

Có những danh từ đẹp ơi là đẹp, mới nghe đã thấy mê, đó là những mỹ từ, nhưng thực chất của những mỹ từ đó là gì, muốn có thực chất phải được kinh qua lịch sử, qua thực tế mà qua lịch sử thực tế đã có những cường quyền cưỡng từ đọat lý, thu nhận cho mình tất cả những từ ngữ, những phẩm chất đẹp đẽ nhất trên đời, chỉ sau một thời gian dài người ta mới hiểu rõ ý nghĩa thực sự ẩn đàng sau những mỹ từ đó. Có cần trích dẫn vài mỹ từ thường được xã hội sử dụng không? Cho tôi thử vài từ nghe.

Thiên đường. Thiên đường là nơi ai cũng mơ ước. Vì thiên đường là nơi hạnh phúc tràn đầy, có đầy đủ mọi thứ con người mơ ước. Lý thuyết cộng sản cũng đã tự hào đã tạo nên “thiên đường cộng sản”, nhưng sau khi bộ mặt thật của các chế độ cộng sản được phơi bày, ai cũng sợ phải sống trong thứ “thiên đường” ấy, bằng chứng là các nước Đông Âu đã phải tự nguyện phá bỏ “thiên đường cộng sản” mà họ dầy công xây dựng trong vòng gần một thế kỷ, vì thiên đường đó là thiếu ăn, thiếu mặc, và nhất là thiếu tự do, thiếu công bằng, thiếu văn minh, thiếu dân chủ. Thực tế trong suốt lịch sử cộng sản, ít thấy ai từ “địa ngục tư bản” trốn sang “thiên đường cộng sản”, trái lại chỉ thấy bà con nườm nượp tìm đường ra khỏi “thiên đường”, thà chịu chết trên biển cả, thà chịu nguy hiểm trong rừng sâu, thà chịu bỏ hết của cải trong “thiên đường”, rồi cho đến nay thiệt động trời, Fidel Castro, một lãnh tụ cộng sản tầm vóc của một trong những nước cộng sản cuối cùng, người anh em thân thiết của Việt Nam, người có nhiệm vụ “canh giữ hòa bình” khi Việt Nam ngủ, đột nhiên “đào ngũ” không những từ bỏ nhiệm vụ “canh giữ hòa bình cho thế giới” mà còn từ bỏ luôn cái “thiên đường” đã bao năm tốn hằng núi xương sông máu để xây dựng, khi thú nhận là hệ thống này không còn thích hợp nữa (Tin BBC ngày 10/09/2010).

Dân chủ. Dân chủ là niềm mơ ước của con người nên bao thế hệ đã phải tiến hành đấu tranh, đổ bao xương máu đổ ra để tìm dân chủ tức là tìm quyền làm chủ của dân, để người dân có tự do, hạnh phúc, có quyền đi tìm hạnh phúc. Chế độ cộng sản tự cho rằng “dân chủ gấp triệu lần” chế độ tư bản, và tư bản là “kìm kẹp” dân chủ, nhưng thực tế cho thấy tại đất nước triệu lần dân chủ ấy còn thiếu quá nhiều tự do, cho đến một quyền tự do cơ bản là được phát biểu cũng không có. Hãy nhìn vào thực tế tự do ngôn luận, điển hình là báo chí, ông Thứ Trưởng công an tuyên bố đã đánh sập 300 blog cá nhân, ông Thủ Tướng đã chỉ thị không được có báo chí tư nhân và báo chí phải đi theo lề phải, những ai lên tiếng phê phán chế độ phải vào ngồi tù, thậm chí phê phán chế độ của Trung quốc thôi cũng phải vào tù, nay lại đến chỉ thị không được khiếu kiện đông người, còn hơn thế nữa, Đảng đã minh định: phương tiện truyền thông là để phục vụ quyền lợi của Đảng. Dịp tổng thống George Bush thăm Việt nam, Việt nam tự hào là không hề có biểu tình, trái lại khi ông sang nước láng giềng Việt nam, đã có biểu tình chống ông, nhưng ông thản nhiên phát biểu: biểu tình là bình thường của một xã hội lành mạnh. Ai đã có kinh nghiệm, đã từng nếm mùi “dân chủ gấp triệu lần”, chỉ mong được sống trong một nền dân chủ một phần triệu như thế này, chỉ mong được sống trong “kìm kẹp” để có thể được lên tiếng, được phát biểu tư tưởng và chỉ được đơn sơ bày tỏ lòng yêu nước, được chống xâm lược thôi.

Sự thật. Ai cũng muốn tìm sự thật. Chúa Giêsu đã dậy: “Sự thật sẽ giải phóng anh em”(Ga 8, 32). Liên xô xưa kia có báo Pravda, Việt nam có hẳn một nhà xuất bản “Sự Thật”, nhưng ai đã được chứng kiến và đã được nếm mùi “sự thật” của các chế độ cộng sản rồi thì phải giật mình kinh hãi, chắc chắn Đức Tổng Kiệt đã hiểu thế nào là “sự thật” theo báo đài Nhà Nước rồi, đối với chế độ cộng sản sự thật không phải là những gì phù hợp với chân lý khách quan, nhưng “sự thật là những gì có lợi cho Đảng”. Sự thật chỉ do Đảng xuất bản ra, đó là một lôgích khác với thế giới hay nói đúng hơn thuộc về một thế giới khác, đó là sản phẩm quan niệm của “người ngoài hành tinh”.

Sau “dài lời” như trên xin để độc giả tự nhận xét và quyết định xem có thể tiến hành đối thoại với chế độ cộng sản hay không? Đối thoại mà bất tín, bất nghĩa, bất trung với Chúa, với Giáo hội và đánh mất chính mình thì có xứng đáng không? Dầu ta táng tận để sẵn sàng bất tín, bất nghĩa, bất trung thì liệu ta có thể đối thoại với những người bất minh chính, bất tương kính và bất tri lý hay không, dầu ta có nhịn nhục để đối thoại với những người bất minh chính, bất tương kính và bất tri lý thì liệu có thể tiến hành đối thoại trong một chế độ “dân chủ gấp triệu lần” chế độ tư bản và trong “sự thật” của “người ngoài hành tinh” hay không? Đối thoại, tôi hoan nghinh hết mình, nhứt là tôi khoái tính cách dân Nam Bộ vốn hiếu hòa, nhưng với những thực tế nhiều khi quá đau thương trong quá khứ, biết phải đối thoại sao đây, tôi thấy mình “khờ” nhiều rồi bây giờ cần bớt khờ hơn một chúc, xin các bậc tiền bối cao minh chỉ giáo.

Xin bác Tiền Hô vui lòng cho trích lại từ bài của bác, lời của Đức Hồng Y Giuse Trần nhật Quân, người đã có nhiều kinh nghiệm trong chế độ cộng sản Trung quốc, phản bác luận điệu của cha Jeroom Heyndrickx, một linh mục người Bỉ, khuyên Giáo hội công giáo Trung quốc nên đối thoại với chính quyền:

“Cha Heyndrickx có nhiều cơ hội để đối thoại: với những người bạn Công giáo của mình tại Trung Quốc, với ông Liu Bai Nian, với những người trong Chính phủ Trung Quốc, với Thánh Bộ Truyền giáo (cha có đi hai hàng?). Tuy nhiên, các giám mục của chúng tôi ở Trung Quốc có bất kỳ cơ hội nào để đối thoại không? Ai trong số họ có? Không hề! Chính phủ duy trì một sự giám sát chặt chẽ để ngăn cấm họ làm như vậy. Đối thoại với Chính phủ ư? Chắc chắn không! Họ chỉ biết lắng nghe và tuân lệnh. Họ được tấn phong để phục vụ cho những lợi ích mà họ không hay biết. Họ được triệu tập tham gia các cuộc họp mà không biết chương trình nghị sự. Họ được dọn sẵn bài diễn văn để đọc mà họ đã không viết ra và thậm chí còn không được xem nó trước.

Cha Jeroom chẳng biết rằng các vị giám mục của chúng tôi, ý tôi là những người trong cộng đoàn chính thức (hầm trú), bị đối xử như nô lệ, hoặc thậm chí tệ hơn, như là con thú bị xiềng xích. Trong lá thư của Đức Giáo Hoàng gửi cho Giáo Hội tại Trung Quốc có nói rằng, đấng bản quyền giám mục đang bị làm nhục ("phỉ báng") ở Trung Quốc.

Còn đối đầu thì sao? Ai đang phải đối đầu với ai? Con cừu có phản ứng được gì trước khả năng tấn công của con sư tử không? Nếu chúng tôi bảo cừu "Hãy chạy trốn đi!" thì chúng tôi lại bị quy kết là kích động đối đầu?”.

Vì thế ngay từ đầu, Đức Hồng Y đã phải thanh minh: “Tôi ý thức được mình là một tội nhân. Tôi không có tư cách để xét đoán người khác. Nhưng tôi không muốn thêm một tội nữa vào nhiều tội lỗi của tôi, đó là làm một con chó câm khi mà nó cần phải sủa” (Vietcatholic News 9 Sep. 2010). Chúng ta có thể hơn Đức Hồng Y Giuse được không?

Đọc trên website của Hội đồng Giám mục, tôi khoái cách hành xử của Đức Ông Giuse Đích Nguyễn ngọc Oánh khi ngài trả lời cho công an Hà nội

Ngài vừa khiêm tốn vừa cương quyết trong thái độ đối với chính quyền. Khiêm tốn nên không bao giờ chống đối hay có ý tưởng oán thù, trái lại luôn chấp hành mọi chỉ thị của Nhà Nước. Nhưng cương quyết thi hành nhiệm vụ linh mục, không công nhận chế độ cộng sản, không tán thành Ủy ban Liên Lạc Công giáo và không bao giờ chịu tố cáo những người xưng tội, những người con linh hướng của ngài. Ngài đã viết trong bản tự kiểm: “Tôi nhiệt liệt ca ngợi những công trình xây dựng làm cho dân giầu nước mạnh. Còn chủ nghĩa xã hội xây dựng trên nền móng duy vật, tôi nhận thấy điều đó không hợp với tín ngưỡng của tôi tin có một Thiên Chúa sáng tạo vạn vật, có linh hồn bất tử và có thưởng phạt đời sau”. “Đối với các linh mục trong Ủy ban Liên Lạc, tôi mến trọng các ngài… nhưng đứng về phương diện Giáo Hội, tôi không đồng ý với các ngài được”. “Chính quyền có nhắc đến tên những anh Đông, Hùng, Hưng, Bích, Thành, Tiến hiện đang bị bắt giữ. Tôi biết những người đó vì họ có đến với tôi về việc đạo, thuộc phạm vi lương tâm liên quan đến linh hồn thiêng liêng của họ. Nói về họ ngược với lương tâm tôi là một người cha thiêng liêng, là một linh mục của các linh hồn, không hợp với luật đạo chúng tôi”. “Tôi kính nể và tôn trọng chính quyền. Tôi cũng muốn làm đầy đủ nghĩa vụ thiêng liêng của một linh mục đối với Thiên Chúa và đối với các linh hồn” (Tự kiểm ngày 05-04-1965 tại Sở Công an Hà Nội). Ngài đúng là mẫu gương linh mục đáng cho mọi người noi theo cả trong đối thoại với nhà cầm quyền này.
Trần Dũng Lạc
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn