BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76640)
(Xem: 63104)
(Xem: 40499)
(Xem: 32118)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Nhớ anh Cao Thế Dung

22 Tháng Mười Một 20177:04 SA(Xem: 2786)
Nhớ anh Cao Thế Dung
59Vote
40Vote
30Vote
21Vote
10Vote
4.710

Tôi nhận được tin từ Canada nói anh Cao Thế Dung mất ngay ngày 31 tháng 10 năm 2017. Lúc đó tôi đang ở quê nhà mình, Phú Xuyên, Hà Nội. Tôi về “nhà mình” từ ngày 25 tháng 10 ngay sau khi nhận được tin báo của các cháu “Mẹ con đau nặng. Xin cậu về ngay”. Một lát sau, giọng một cháu nữ tu lại gọi “Ông về ngay, nếu trễ thì chỉ thấy xác bà nội con thôi!” Giọng nó có vẻ giục giã. Vậy là tôi về.

Ngày 30 tháng 10 năm 2017, chị tôi qua đời trong vòng tay của con cháu, người thân và xóm giềng. Bà đi nhẹ nhàng, êm ái, thánh thiện, tôi ít thấy.

Tôi ở lại “nhà” đúng một tuần lễ. Tâm trí tôi lúc nhớ về người chị vừa mất, khóc hoài với các cháu của tôi. Có lúc như lạc mất trí, bồng bềnh, viễn du. Lúc tỉnh thì lại nhớ đến anh Cao Thế Dung, người có nhiều kỷ niệm để lại trong tôi. Cho nên, về tới nhà trong Sài Gòn tôi chưa thể làm việc được ngay, phải mất hơn một ngày, tôi mới mở hộp thư đến. Các bạn ở bên này gửi tin về cho tôi, rồi viết một bản Phân Ưu của các bạn phụ trách hoặc ít nhiều có bài đăng trên Bán Nguyệt san QUẦN CHÚNG từ 1968-1970, bao gồm bộ cũ và mới.

Có một điều khá đặc biệt về anh Dung qua đời. Đó là Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn, 38 Kỳ Đồng Quận Ba, đã viết một bảng thông báo: Nhà văn, Nhà giáo Cao Thế Dung đã từ trần tại Hoa Kỳ…Tấm bảng này dựng ngay bên trong cổng ra vào, sáng ngày 13-11-2017 mới cất đi. Thay vào Thông báo là bài của Phạm Trần: “Cao Thế Dung và cuộc thảm sát TT Ngô Đình Diệm và ông Ngô Đình Nhu”.

Hoài niệm

Khoảng năm 1956 hay 1957 gì đó, căn gác trọ của tôi tại đường Nguyễn Thông, gần cổng vào ga xe lửa Hòa Hưng, bỗng có hai thanh niên xách túi quần áo bước lên gác. Trong hai người, chỉ một người nhìn tôi hơi mỉm cười, còn người kia dáng gầy, nét da tái xanh thì không, anh ta lặng lẽ và cũng ít khi có mặt ở căn gác đó suốt thời gian hai anh ở đây, khoảng một hay hai tuần gì đó. Trước ngày dọn đi, người thanh niên lâu lâu nhìn tôi cười, mở ví rút ra một tấm hình, đưa tôi xem, hỏi: “Cậu có biết ông này là ai không?” Tôi thoáng nhìn, trả lời: “Nguyễn Thái Học”. Anh ta nói: “Cậu có con mắt tinh đời”, rồi tự giới thiệu là Đỗ Tất Phú, người kia là Cao Thế Dung.

Mấy năm sau, tôi bỏ căn gác này, lên sống ở Ban Mê Thuột rồi mấy năm sau lại trở về. Lần này, tôi cũng thuê được căn gác ở đường Nguyễn Thông nối dài, gần cống Bà Xếp, nhỏ và lẹp xẹp hơn căn gác trước kia. Một chiều tối, tôi xuống đường đi ăn cơm, tình cờ gặp Đỗ Tất Phú đang đạp xe đi về phía căn gác tôi đang ở. Tôi gọi: “Anh Phú, đi đâu thế?” Anh nói ngay: “Mình không có tiền trả tiền nhà, họ đuổi đi”- “Đến ở với tôi”, rồi tôi dẫn anh vào nhà để cất xe, sau đó hai chúng tôi ra ngoài quán ăn cơm. Đêm hôm đó hai chúng tôi gần như thức trắng nói nhiều chuyện, về văn nghệ, thời sự. Anh nói về Cao Thế Dung. Ngày hai anh đến ở trên gác trọ với tôi, anh Dung nói với Phú: tôi là người Bắc mà lại dạy kèm trẻ người Nam. Nên nghi tôi là VC nằm vùng !

Về tờ Bán Nguyệt san Quần Chúng

Từ ngày Đỗ Tất Phú đến ở với tôi, dần dà tôi gặp lại anh Dung và những thành viên khác trong hệ phái Yên Bái VNQDĐ. Trong số này có anh Đỗ Đình Duyệt, Đỗ Đức Thịnh, vợ chồng Nguyễn Cái Thế-Nguyễn Tường Uyển v.v…Sau đó, tôi gặp anh Nguyễn Công Luận (tức Lữ Tuấn) rồi anh Trần Quốc Minh. Riêng anh Minh thì đã giúp tôi vào Không Quân, công tác tại BTL/KQ, ngành BTV sau khi qua một kỳ thi tuyển (năm 1967). Sau đó, anh trao cho tôi làm tờ BNS Quần Chúng (Bộ mới). Lúc này, anh Cao Thế Dung còn dạy học trên Ban Mê Thuột, trường Lasan K’Buôn Banmêthuột. Sau ngày trở về Sài Gòn, anh Dung nhận chân Quản nhiệm BNS Quần Chúng. Chủ nhiệm là chị Nguyễn Thị Bảo Kim. Còn chân chủ bút thì có kỳ để tên anh Bùi Đức Uyên (Bùi Phổ), rồi anh Cao Thế Dung. Mấy số cuối trước khi báo bị tịch thu thì đề tên Khải Triều. Mặc dù thế, mấy anh em chúng tôi không có ý tưởng gì về vị trí trong tờ báo. Tất cả đều làm việc chung, đều tin tưởng vào lập trường và quan điểm của nhau, ngay cả các bài của thân hữu. Về mặt này, hai anh Cao Thế Dung và Bùi Đức Uyên phụ trách. Riêng số báo Xuân Canh Tuất 1970, gồm 2 số (21 và 22 tháng 1+2-1970) thì tôi đứng tên Chủ bút. Báo bị tịch thu. Báo giới tại Sài Gòn ngày đó xôn xao về vụ này. Họ chờ xem tờ tạp chí của chúng tôi vi phạm vào điều khoản nào của luật kiểm duyệt để có thể biết số phận tờ báo. Chẳng hạn, chúng tôi phải ra tòa để chịu một hình phạt nào đó, như tạm thời đình bản có thời hạn hoặc vĩnh viễn. Nhưng sau một tuần hồi hộp và lo lắng, anh Cao Thế Dung lặng lẽ gõ cửa một vị tướng (hình như vị này là cố vấn của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu).

Chúng tôi thoát một bản án.

Dù tờ Quần Chúng bị tịch thu đã xa rồi, từ 1970 đến nay là 2017, gần nửa thế kỷ, nhưng có một bài viết của Đan Hồ, một bút hiệu khác của Cao Thế Dung, in ở đầu tờ báo bị tịch thu. Bài báo có tên: “Hòa bình-Liên hiệp-Trung lập-Chống Cộng theo kiểu Mỹ”. Trước khi đưa ra quan điểm về một nền hòa bình cho Việt Nam, tác giả Cao Thế Dung cho biết cần có một cuộc vận động. Như: thức tỉnh toàn bộ các khối quốc gia trong cộng đồng dân tộc; thức tỉnh lương tâm các tôn giáo trước sự tồn vong của dân tộc; kêu gọi và vận động tích cực toàn thể lớp người trẻ trong và ngoài quân đội quyết tâm đứng lên đòi quyền sống và quyền tự quyết cho dân tộc…Phát động phong trào vạch mặt chỉ tên bọn tay sai ngoại bang dưới chiêu bài chống Cộng (vì quyền lợi địa vị) hay bọn chủ trương liên hiệp, trung lập do ngoại bang giật giây chỉ đạo.

Sau đó, Đan Hồ (Cao Thế Dung) cảnh cáo: “Một điều dễ hiểu, ta chỉ trông cậy vào Mỹ có ngày ta bị tận diệt.”

Đó là một lời tiên tri!

Liền sau bài của Đan Hồ là bài của hai tác giả: Hoàng Văn Đức (Bác sỹ) và Trần Minh Tiết (Chủ tịch Tối cao Pháp viện, nhiệm kỳ 1968-1974). Tựa đề bài báo: “Con Đường Hòa Bình Của Việt Nam Trong Thế Quân Bình Mới Của Thế Giới Và Đông Nam Á”. Hai bài báo đều nói đến hòa bình cho Việt Nam trái ý người Mỹ, vì mãi hai năm sau đó, 1972, Mỹ mới ký được một Thông cáo tại Thượng Hải. Mỹ đã có “Hòa bình” cho Việt Nam trong cái cặp mà Nixon-Kissinger mang về từ Hoa lục.

Sau trận Việt Cộng tổng tấn công vào dịp Tết Mậu Thân 1968, tôi phải ở lại trong đơn vị. Sau khỉ “xả trại”, tôi về nhà trọ ở khu Vườn Chuối thì chủ nhà đã xóa tên tôi trong sổ gia đình. Tôi trở thành kẻ vô gia cư. Anh Cao Thế Dung giới thiệu tôi với Sư huynh Tiến sĩ Mai Tâm, tên thường gọi trong dòng là Frere Gagelin, giúp ông trong việc làm tờ NS Giáo Dục, nhận bản thảo từ tay ngài, rồi đem xuống nhà in Xây Dựng do ông Đinh Minh Ngọc quản lý, sửa bản vỗ rồi ký tên để đưa lên máy in. Anh Cao Thế Dung không phải là người có thể làm những việc như thế này. Cho nên anh nhờ tôi làm. Từ chỗ này, Sư huynh Mai Tâm dành cho gia đình anh Cao Thế Dung và tôi, mỗi người một phòng trong trường của ngài, là Viện Khoa học Giáo dục, góc đường Nguyễn Tri Phương-Hùng Vương, quận 5. Sau này đổi thành Đại học Thành Nhân. Gần 10 năm gia đình anh ở tại đây. Mãi về sau, trước ngày Sài Gòn mất khoảng 1,2 năm gì đó, gia đình anh mới dọn ra ngoài. Còn tôi thì vẫn ở lại cho tới năm 1981, sau khi một nhân viên Sở Giáo dục thành phố, hình như là một anh “cách mạng 30” dùng súng nhỏ dọa tôi, nếu không dọn đi thì…

Về quyển sách: “Làm Thế Nào Để Giết Một Tổng Thống”

Tôi có đọc một số bài ở ngoài viết về tác phẩm này. Ở đây tôi chỉ nói đến việc Bác sỹ Trần Kim Tuyến có viết gì trong quyển Làm Thế Nào Để Giết Một Tổng Thống hay không. Hiện tôi đang ở Sài Gòn nên cũng không mấy có hào hứng để nói về tác giả Lương Khải Minh đóng góp bài cho BNS Quần Chúng. Còn anh Cao Thế Dung lúc còn sống, tôi không thấy anh có ý kiến gì về việc tác giả Lương Khải Minh viết trong tác phẩm này. Nhưng chắc là anh biết và tôi cũng biết. Biết rõ nữa. Những ý kiến bảo ông Tuyến đã không viết một chữ nào trong sách này, là chủ quan. Không đúng. Những trang bản thảo ông Dung trao cho Nhật báo Hòa Bình có lẽ không có một trang nào viết tay của ông Tuyến thực. Nhưng khi Cao Thế Dung nhờ tôi mang tất cả những gì đã đăng trên tờ Hòa Bình xuống nhà in Xây Dựng để xếp chữ, thì có mấy trang viết tay của Bác sỹ Trần Kim Tuyến. Chữ của ông rất nhỏ.Việc này nói lên điều gì? Phải chăng, Bác sỹ Tuyến thấy cần bổ sung ở một đoạn nào đó mà sau khi đăng trên tờ Hòa Bình ông thấy anh Dung chưa nói đến. Tôi còn nghe, đấy là mấy trang ông viết khi ở trong tù.
Bìa sách “Làm thế nào để giết một tổng thống” của Cao Thế Dung và Lương Khải Minh

Công việc của tôi mà anh Dung nhờ, là tôi phải sắp xếp thành chương, mục từ báo Hòa Bình rồi trao cho Xây Dựn gvà tôi sửa bản vỗ toàn bộ quyển sách này.

Cao Thế Dung với quyển sách của tôi xuất bản tại Hoa Kỳ năm 1988

Tháng 9 năm 1983 tôi viết xong quyển Công Giáo Miền Nam Việt Nam sau 30-4-75, nhằm nói lên thực trạng lúc giao thời của Giáo hội Công giáo miền Nam, thẳng thắn đưa ra trước dư luận một vài linh mục và giáo dân, nấp bóng chế độ mới dưới danh nghĩa những người công giáo yêu nước, để bôi nhọ giáo hội, chống phá giáo hội, phản đối những giám mục nào không ủng hộ họ. Điển hình là hai trường hợp: trục xuất Tổng Giám mục Henri Lemaitre, Khâm sứ Tòa Thánh tại Sài Gòn, buộc ngài phải rời khỏi Việt Nam. Thứ hai: chống đối Đức cha PX Nguyễn Văn Thuận trong chức vụ Tổng Giám mục phó với quyền kế vị tại Tổng Giáo phận Sài Gòn. Nhóm này còn kết án ngài là cháu của Tổng thống Ngô Đình Diệm, một lãnh tụ chống Cộng cực kỳ mãnh liệt. Kết cuộc, Đức cha Nguyễn Văn Thuận phải biệt gam suốt 13 năm. Bây giờ, chúng tôi tự hỏi: những giáo dân có cái nhãn hiệu Trí thức Công giáo của Sài Gòn ngày ấy, hiện nay ở đâu? Vì họ đã vội vã chạy khỏi Sài Gòn khi bóng dáng những quân lính Cộng sản còn lảng vảng ở cửa ngõ Sài Gòn!

Sách viết xong, nhưng khó khăn nhất là việc chuyển ra ngoài. Lúc này, người Cộng sản đang còn say chiến thắng, cực kỳ ngạo mạn, cực kỳ khó khăn. Tôi mang bản thảo sách lên Trung tâm Hành hương Fatima ở Bình Triệu dâng cho Đức Mẹ, thưa với Mẹ: việc của con tới đây là xong. Con chỉ là một dụng cụ của Chúa. Còn việc nó sẽ ra sao là việc của Mẹ. Con tin Chúa sẽ thực hiện theo ý của Người. May mắn cho tôi là, chị Ngô Thủy Tiên, vợ anh Cao Thế Song là em trong họ của anh Cao Thế Dung, nhận giúp tôi vô điều kiện. Tôi trao toàn bộ tập sách cho chị. Địa chỉ nhận là gia đình Nguyễn Tấn Khang ở Canada. Vợ anh Khang là em gái út của vợ tôi. Khoảng một tháng sau, chị Ngô Thủy Tiên cho tôi hay: sách đã chuyển xong, tôi nên hỏi anh Khang xem thế nào. Anh Khang nói là nhận đủ.

Cái may thứ hai là sau ngày ở tù về, anh Nguyễn Công Luận giới thiệu cho tôi một sĩ quan trẻ, là Nguyễn Thanh Vân. Vân vượt biên, trước khi có chương trình H.O. Anh qua được, lên trại tạm trú ở Malaysia, viết thư về cho tôi liền. Rồi anh vào đất Mỹ, cũng lại viết thư về cho tôi ngay. Tôi nhờ anh giúp cho quyển sách đang ở nhà Nguyễn Tấn Khang. Tôi viết thư cho anh Khang, xin gửi tập sách cho anh Thanh Vân. Nhận được sách, Thanh Vân đánh máy rồi mang đi các nhà xuất bản. Nhà nào cũng chê. Có lẽ do tác giả lạ hoắc, lại có cái tựa đề sách là Công giáo. Rồi tình cờ Thanh Vân gặp Cao Thế Dung ở California. Anh Dung đón nhận sách trong hoan hỉ, sau khi biết nó là đứa con tinh thần của tôi.

Rồi một ngày, tôi nhận được lá thư đầu tiên của anh Dung kể từ sau ngày anh rời Việt Nam, gửi về địa chỉ của anh Thanh Vân trên đường Lê Văn Duyệt. Anh cho biết, hôm lễ rửa tội cho cháu (tức buổi ra mắt sách), cả chục cha đến dự lễ thực là cảm động. Cháu đã được Linh mục Joachim Nguyễn Đức Việt Châu, SSS, Giám đốc cơ sở xuất bản Dân Chúa, đã đưa cháu đi Rôma vào dịp lễ phong thánh (Lễ Phong Thánh 117 vị tử đạo Việt Nam hôm 19-6-1988, do Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô 2 cử hành tại Tòa Thánh Vatican) để xin ban phép lành cho cháu. (Tấm hình Đức Giáo Hoàng ban phép lành, có hình cha Việt Châu, được in trong sách Công Giáo Miền Nam Việt Nam sau 30-4-75, sau Lời nói đầu).

 Kết

Còn một việc gắn chặt tình thân giữa anh Dung và tôi là, sau khi tờ Tuần báo Diễn Đàn Chính Đảng tự đình bản. Trước khi báo nghỉ, tôi và luật sư riêng của cụ Chủ Nhiệm Trương Vĩnh Lễ phải ra Tòa. Quan Tòa nói vài câu nghe câu được câu chăng. Luật sư ngồi bên tôi nói vài câu, rồi quan Tòa lui vào trong, tôi và luật sư lặng lẽ ra về. Vì Nguyễn Văn Thiệu phá quá đỗi, báo liên tục bị tịch thu, nhằm đẩy liên danh ứng cử Tổng thống, Phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ-Trương Vĩnh Lễ vào thế phải rút lui để ông ta “độc diễn”, anh Cao Thế Dung và anh Nguyễn Công Luận đứng ra cưới vợ cho tôi. Trong ngày cưới thì anh Phạm Kim Vinh (Trương Tử Phòng), làm chủ hôn. Chính Sư huynh Mai Tâm lái xe của ngài chở cô dâu chú rể đến nhà thờ Đồng Tiến làm lễ cưới, linh mục cử hành thánh lễ hôm ấy, lại là bạn cùng trường Latinh Hoàng Nguyên (địa phận Hà Nội) với chú rể. Sau lễ, Sư huynh Mai Tâm lại chở đôi vợ chồng về trường của ngài: Viện Khoa học Giáo dục Sài Gòn. Về sau đổi là Đại học Thành Nhân.

Tôi nhận được mấy tấm hình chụp trong thánh lễ an táng anh Cao Thế Dung tại nhà thờ, ấm cúng, thiêng liêng, có nhiều người tham dự. Trên bàn thánh, tôi thấy có 5 cha đồng tế, thì đối với người tín hữu bình thường, điều này không thể có được. Vậy, anh Cao Thế Dung phải là người có những công trình rất lớn đối với Giáo hội. Tôi thấy điều này trong bài của Vĩnh Liêm về các công trình nghiên cứu học thuật, cách riêng là Thư viện có tên Nam San của ông. Một đoạn trong bài của Vĩnh Liêm nói đến điều này: “Công phu sưu tầm tài liệu của ông đã giúp ông thành lập được Thư viện Nam San mà các đại học nổi tiếng như Cornell và Georgetown đã đặt cọc. Nếu ông chấp thuận, họ sẽ dành cho ông cái tên là Cao Thế Dung Section trong thư viện đồ sộ của họ”. Riêng tôi, thú thực, khi tôi thấy bộ Việt Nam Công Giáo Sử Tân Biên  (3 cuốn, mỗi cuốn dầy cả hơn nghìn trang), và cuốn Công Giáo Việt Nam Trong Giòng Sinh Mệnh Dân Tộc, tôi sửng sốt và ngạc nhiên. Vì đây là lần đầu tôi nhìn thấy công trình của anh đã thực hiện ở nước ngoài. Thời trước, anh không hề đả động đến những dự định của mình trong lãnh vực lịch sử của Giáo hội Công giáo Việt Nam. Tôi cũng rất thích anh dùng chữ “Việt Nam Công Giáo Sử”. Tôi viết thư cho anh và anh trả lời: trong bộ 3 cuốn về Việt Nam Công Giáo Sử, anh đã viết xong cuốn thứ 4 đề cập đến văn học Công Giáo Việt Nam…Đấy là những công trình lớn đóng góp cho Giáo hội Công Giáo chẳng riêng cho Công Giáo Việt Nam mà còn cho cả Công Giáo hoàn vũ. Cho nên, một thánh lễ đồng tế cho Cao Thế Dung, là một cử chỉ cho thấy Giáo hội trân trọng những công trình của ông. Xét cả về mặt đời sống công khai, anh Cao Thế Dung là một người Công Giáo đức hạnh. Anh không lừa lọc, hãm hại ai. Anh sống thực với mình. Và hiện nay, những đức tính này đã truyền sang cho các con của anh. Chúng đang phục vụ Giáo hội cách âm thầm.

Tôi cũng muốn nói đến một vài đức tính khác nữa của anh Cao Thế Dung, nhưng trước tôi, ông Vĩnh Liêm (https:vietbao.com ngày 9-11-2017) đã nói rồi, nên tôi nghĩ không còn gì để nói thêm. Tôi chỉ ghi lại ở đây lời một người bạn, trong lần về Việt Nam sau 40 năm, đã cùng tôi đi Hà Nội, nói rằng : Có lần anh Dung nhắc đến Đỗ Tất Phú, Nguyễn Văn Tuy và mình, chỉ ba người thôi, rồi khóc. Mình cũng khóc !

Khải Triều

(Sài Gòn, 16-11-2017)

 

 

TỪ VỰC SÂU

Để nhớ Tiến sĩ Mai Tâm

và Cao Thế Dung

KT

 

Đêm mưa trong khuôn viên

Ánh đèn soi tượng đá

Chừ cũng thấy ưu phiền

Cô đơn, người xa lạ

 

Ánh đèn soi ánh nước

Cây lặng thinh nguyện cầu

Côn trùng lên tiếng hát

Nỉ non gọi đêm thâu

 

Tí tách giọt mưa rơi

Như tiếng chuông gọi hồn

Từ vực sâu, vực sâu

Lòng buồn nhớ cố nhân

 

Năm xưa còn quỳnh hoa

Trạng nguyên còn đua nở

“Thành Nhân” đứng hiền hòa

Giờ tan hoang gẫy đổ!

 

Tôi mơ đời tượng đá

Để dù người đi qua

Lòng vẫn thấy yên hàn

Trong mắt người xa lạ.

Khải Triều

(Đêm mưa tại Đại học Thành Nhân)

Sài Gòn 5-1976

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn