BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73537)
(Xem: 62253)
(Xem: 39449)
(Xem: 31186)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Trại Giam Kim Sơn

07 Tháng Mười Một 20177:41 SA(Xem: 4314)
Trại Giam Kim Sơn
52Vote
40Vote
30Vote
21Vote
10Vote
43
hinhanhtu-traicaitao
Ảnh minh họa

Chiếc xe Motolova của Liên Sô cũ kỹ đến mức không còn diễn tả nỗi vì chỉ có khung sườn bằng sắt gỉ gắn trên sàn xe chế bởi gỗ thùng đạn ráp với bốn bánh xe cao su đã bị lớp bùn phủ dày không nhận ra “made in” từ đâu. Ba mươi bảy người tù gồm hầu hết là chính trị phạm cùng vài ba người tiểu tư sản hành sự được lệnh chuyển trại trước khi điểm danh. Sáu giờ lẽ năm phút sáng ngày mười tám tháng sáu năm một chín bảy sáu, cái ngày mà anh Châu, quê quán tại Sơn Hà nói với một đồng tù khác mà Ninh được nghe, rằng hôm nay là sau ngày quốc tang Yên Bái và lại trước ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, sau cái tử, trước cái sanh biết đi đâu đây nhỉ ? chính cái điểm trọng đại đáng nhớ này mà có lẽ trên ba thập niên trôi qua, đến những dấu mốc của thời gian này thì y như rằng, Ninh không sao quên được. Cả gần bốn chục mạng người đầy ghẻ chốc, đói và mệt nhọc mang theo những vật dụng cá nhân bằng vải và nhựa sắp hàng trước chiếc bàn giám thị ký tên bàn giao tài sản giữa hai cơ quan, dĩ nhiên có chữ ký mà vật dụng như xe đạp, nhẫn, giây chuyền hay tiền bạc là những dòng chữ nhảy múa trên cuốn sổ đen sì chứ có ai trông thấy được những cái sở hữu đơn sơ của mình đâu. Trại cải huấn Quy Nhơn, hàng chữ khắc trên bờ tường đá loang lổ đã cho Ninh biết địa dư nơi này trải suốt bốn tháng miệt mài trong xà lim tối om. Dù sao, buổi bình minh hôm ấy cũng ưu ái cho buồng phổi chút khí trời dịu mát, hai líp rau dền màu tím sẩm tưới bằng nước tiểu và phân xanh của tù nhân vươn chiếc lá mướt rượt bên bàn tay khúc khuỷu đầy ghẻ lở, trong thoáng nghĩ sai lầm nào đó Ninh muốn ngắt một đọt xanh mỡn kia, nhưng kịp dừng lại.

Hai chàng bộ đội mắt còn ngái ngủ, vai đeo AK47 mệt mõi tiến về chiếc bàn, nơi có anh quản giáo đang lom khom mở túi hành lý của một thường phạm để kiểm tra. Nghe bước chân tiến tới, anh Quản giáo ngẳng đầu ra lệnh gì đó mà hai chàng bộ đội giật mình, quay vội vào trong. Năm bảy phút sau, mỗi chàng một balô hì hục bước ra, nét mặt đầy nghiêm trọng hất hàm ra lệnh:

-“Các anh đứng dậy, sắp hàng một, tiến ra phí cổng trước, không được quay đầu nhìn lại”.

Dãy trại nữ đã bắt đầu điểm danh, khoảng này hơn bảy giờ của ngày thứ sáu, vài gia đình xa xôi đã đến trước cổng trại xin thăm nuôi; dáng dấp lấp ló, sợ sệt nhìn đờ đẫn vào phía hàng rào kẽm gai B40, Ninh có cảm giác chính họ là những người thất thần!

Ninh tưởng mình trẻ nhất trong đám, mười sáu tuổi đã bị gần năm tháng xà lim, ai ngờ có một chú bé non choẹt lót ngót theo sau, thằng Trân, vụ án Đồi Non Hoa Sen xấp xỉ mười lăm.

Chiếc Motolova nổ máy, mùi dầu khét nghẹt, khói tỏa ùn cục phía sau, đoàn tù phạm điểm danh lần thứ hai trước khi leo lên sàn xe, vài sợi dây dù buộc một đầu vào cabin, khoảng còn lại buộc cứng vào từng cổ tay trái của tù nhân; điểm danh lần nữa, hai chàng bộ đội lên đạn kêu răn rắt để ra oai rồi lớn giọng thông báo:

“-Ai bỏ chạy sẽ bị bắn chết!”; sợ tù nhân nghe chưa rõ, chàng bộ đội thứ hai nhắc lại bằng giọng đanh đá hơn:

“-Các anh không được yêu cầu gì trong suốt chặng đường, ai bất tuân sẽ bị bắn bỏ”.

Mặt trời lên cao hắt sức nóng chảy mỡ vào từng tấm thân ốm nhom, gầy gò và bịnh tật. Ninh bị siết vào dây dù chặt cứng nên bàn tay cảm thấy tê dại, máu đã đọng giữa cổ tay khiến bàn tay tím ngắt, nhức nhối. Những cái ghẻ mọc trong lòng bàn tay ươm mủ trắng như những hạt cơm vãi trên nền gạch, Ninh cử động khó khăn trong không gian chật hẹp, đã vậy chiếc xe gập ghềnh qua những ổ gà, ổ trâu làm cho những tù nhân chao đảo, mỗi lần ngả nghiêng như thế thì cái dây lòi tói có dịp siết chặt thêm vào, trời nóng ở nhiệt độ kinh hồn của dải đất Đồ Bàn mà Ninh cảm thấy nhức buốt, lạnh toát mồ hôi. Vâng, đến độ lạnh toát mồ hôi thì đó mới thật sự của mồ hôi nhớt, còn lúc nóng mà chảy mồ hôi thì chỉ là những giọt nước có chứa muối mặn qua những động tác bình thường. Anh Châu ngồi đối diện với Trân, thỉnh thoảng nhìn tôi với ánh mắt an ủi; dường như mọi người khát khô cổ họng nhưng không ai lên tiếng than van.

Dừng lại ở ngã ba Phú Tài, xe quẹo vào quốc lộ số 1 hướng ra Tam Quan, ông Trạng chu đôi mày nói nhỏ vào tai anh Châu như tự vấn, chạy ra Bắc ư?. Anh Châu suy nghĩ một lác rồi lắc đầu nói nhỏ:

“-Không đâu, xe ọo ẹp này làm đách gì bò ra tới Bắc”. Vâng, anh Châu đoán đúng, quá xế trưa xe rẽ vào đường núi tiến về hướng Bình Khê, qua con đường đất đỏ dọc theo bờ sông lồi lõm suốt tháng năm. Mưa lũ và đất chuồi đã tạo cho con lộ những lỗ hổng khổng lồ và bụi đất mịt mùng cứ xoáy theo bánh xe phủ đầy đầu cổ tù nhân. Mỗi lần xe xuống hố, chiếc giây dù căng ra, Ninh nghe tiếng rên nho nhỏ, tiếng hít hà đớn đau của những người ngồi cuối sàn xe. Mãi sau này Ninh nghe kể lại, kết quả của vụ chuyển trại này, một thường phạm bị y sĩ cắt mất bàn tay trái bởi không còn khả năng hoạt động.

Sáu giờ bốn mươi phút tối xe nhập trại. Cây bằng lăng phủ kín cả một khoảng trời hạ đến nỗi hơn sáu giờ mà trông như sắp đêm đông. Chàng bộ đội khi sáng còn hí háy dương oai, ra lệnh, sau  hơn mười tiếng đồng hồ ngất ngư trên cabin đã không còn đủ sức để nạp đạn lên nòng, ngồi xụi lơ dưới gốc mù u phía mép rừng mặc kệ cho chàng bộ đội còn lại tháo gỡ dây dù. Đúng là những đỉnh cao trí tuệ thực hiện, thay vì gút thòng lọng theo cách hướng đạo sinh thực tập để dễ tháo, đằng này chúng cột thắc theo lối thiến heo nên muốn mở từng người là cả một kỳ công. Anh chàng bộ đội cũng thông minh đáo để, tìm một cái đinh mười rồi cứ khạy tới khạy lui đến nỗi trượt vào cổ tay anh Châu, đau điếng!. Ninh ngồi chờ đợi tháo dây trói đến mụm cả người, tay càng thêm tê buốt, ruột gan đói xo và cổ họng khô khát tột cùng…

Những dãy nhà sàn hiện ra, cứ mười người nhập vào một đội, Ninh, Trân và ông Trạng được đưa vào lán trại gần khu biệt giam của những phạm nhân đã hơn một lần trốn thoát, ấn tượng rổn rảng vang lên trong đêm đầu tiên làm Ninh liên tưởng đến khu xà lim ở trại cải huấn Quy Nhơn khi những tù nhân bị giam cầm trước giờ hành quyết. Trong thinh lặng âm u, tiếng xích xiềng cọ xát nghe tê lạnh tưng tưng trong sâu kín của lòng người, nỗi hoang mang, ngờ ngợ, buồn buồn với bao nhiêu phần tê dại cứ chực dâng ra khóe mắt cho một vị thành niên chưa một lần ghi danh vào lính.

Năm giờ sáng hôm sau, thứ Bảy mười chín tháng Sáu năm Một chín bảy sáu, nơi hoang vu này được đặt cho mỹ danh là “trại cải tạo Kim Sơn” có thêm ba mươi bảy mạng người cùng với hàng vài ngàn người hiện diện trước đây bị bắt buộc cầm cuốc, cầm xẻng, cầm rựa để thay thế trâu , bò, máy ủi, máy cày…phá núi làm trại giam, phá rừng làm nương rẫy, xuống vùng trũng làm ruộng lúa, lên đồi nương trồng sắn mì và cuộc đời của những thằng bé vị thành niên như Trân, như Ninh đã có một khúc quanh đáng nhớ bằng câu khẩu hiệu “lao động là vinh quang!”.

Bình minh hôm đó, sau tiếng kẻng báo thức, cửa buồng giam được mở ra điểm danh và phát khẩu phần ăn sáng, những tù nhân lâu hơn dặn dò người mới đến những việc quan trọng đại khái rằng, trước tiên để một chiếc tô hay cái ca nhựa trước ngạch cửa buồng giam, sau đó xách cái lon guigoz chạy xuống giếng nước xin một gáo để đánh răng , súc miệng và phải về lại trại sau mười lăm phút. Lấy khẩu phần ăn cho lẹ để khi nghe một hồi kẻng thì lập tức sắp hàng trước sân đất chờ Quản giáo chia cắt việc làm theo từng đội một.

Vát một cây cuốc, đeo một lon guigoz nước lạnh theo đoàn người rồng rắn ra khỏi trại giam tiến về phía ruộng dưới khe núi, lần đầu tiên Ninh biết mùi lao động khổ sai. Đôi giày sandal bằng da không thể mang được ở vùng này, thiếu chiếc mũ che nắng nên ánh thái dương cứ như là lò lửa hắt vào mặt. Bốn năm tháng ở trong biệt giam nên da mặt xanh như tàu lá gặp ánh mặt trời tháng hạ thiêu đốt thì từng mãng da từ từ bỏng cháy, rát như xát muối. Cuốc đất, cuốc đất và cuốc đất ròng rã sáu ngày một tuần, bàn tay chai lì, đen đúa và gầy đét. Sức sống mãnh liệt của tuổi thơ với bo bo và khoai sắn đã làm cho Ninh nhìn thấy cả một thế giới mà trong đó con người đày đọa con người, cuộc sống với nỗi đắng chát, não nề để lê kiếp sống. “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, đúng tới nhiều trăm phần trăm ở các nước nghèo, lạc hậu, kém phát triển và chốn tù tội, vì những nơi đây chẳng bao giờ có được độc lập và tự do. Chỉ khi nào không có nó mới cho ta cảm giác trân quý thật sự.

Chiều hôm đó, khi lao động trở về và mỗi người được phát hai suất sắn cục, Ninh phân vân tự hỏi thì ông Trạng tựa cửa bước ra tỏ vẻ buâng quơ hỏi người chia phần, ủa hôm nay là tất niên chỉ có thế sao? Ấy là chiều hai mươi chín tháng chạp, khẩu phần được nhân đôi. Cầm tô sắn trên tay, ông Trạng vừa đi vừa ngâm nga:

“Một thương sắn luộc trắng ngà

Hai thương canh sắn mộc mà ngon ghê!

Ba thương sắn cục hết chê

Sắn dui nấu sống đêm về bốn thương

Năm thương đọt sắn chấm tương

Sáu thương dưa sắn còn vươn mùi nồng

Bảy thương bánh sắn nướng hồng

Tám thương nhưn sắn trong lòng bánh chưng.

Chín thương chè sắn bỏ gừng

Mười thương ngày tết tưng bừng sắn không!!!”

***

Tết năm đó được miễn một ngày lao động, các chính trị phạm và thường phạm được lệnh tập trung lên hội trường lớn để nghe chính trị viên Hồ Cầm chúc tết. Sau hơn hai mùa lao động khổ sai, đây là dịp đầu tiên Ninh được nhìn thấy những tù nhân từ các trại lao động chung quanh “bị triệu tập” nghe chúc xuân. Trong những đoàn người bất đắc dĩ phải bước vào đây, Ninh nhận ra ngay bao người thân, các vị thầy giáo và những công chức trong tỉnh thành ngày nào. Trước tiên là Chú Điệp, Xây Dựng Nông Thôn quận Nghĩa Hành rồi tới Thầy Hiệu trưởng trường Tiểu học Xuân Vinh Nguyễn Thanh, Giáo sư Cao Kính, Giáo sư Nguyễn Cao Can, Thầy Hiệu trưởng Quảng Ngãi Nghĩa Thục Nguyễn Liệu, chú Nguyễn Diêu xã trưởng v.v. những khuôn mặt thân quý này mà Ninh được nghe kể rằng, họ đã bị du kích sát hại sau khi mất Quảng Ngãi ngày Hai mươi sáu tháng Ba năm Bảy lăm. Như một giấc mơ hoa, nỗi vui mừng khôn tả của Ninh tràn ngập trong lòng khiến muốn chạy ra chào kính những người xương thịt mà bấy lâu những tưởng vĩnh biệt thiên thu, dù vậy kỷ luật trong nhà giam không được liên hệ, Ninh đành ngồi nghe ông Nguyễn Quảng, Giám thị trại cải tạo Kim Sơn nói không ra hơi những chuyện trời ơi đất hỡi!.

***

Ninh bị ở tù vì tội tham gia phản cách mạng, nói theo lối hỏi cung của công an chấp pháp. Mười sáu tuổi biết quái gì mà phản, bởi Ninh có theo cách mạng hồi nào để rồi tạo phản. Năm mười bốn tuổi, vì thấy gương anh hùng Nguyễn Thái Học đã oai phong trong lúc thực dân Pháp dẫn ra pháp trường xử chém còn hô vang “Việt Nam Vạn Tuế” nên tìm đọc vài tài liệu về Việt Nam Quốc Dân Đảng. Chú Cẩn, thân phụ của Mục Sư Nguyễn Hồng Quang hồi ấy làm cán bộ Việt Quốc giảng giãi rất kỹ cho lớp hậu sinh về tinh thần dân tộc, vì thế mà Ninh đã lớn lên trong ý hướng của một thiếu niên Thanh Việt, đoàn sinh trước khi gia nhập Việt Nam Quốc Dân Đảng. Chưa đầy một năm sau thì cao nguyên trung phần lọt vào tay Cộng quân, kéo theo sự bỏ ngõ của nhiều tỉnh miền duyên hải. Đêm tối ngày Hăm sáu tháng Ba năm Bảy lăm, chú Cẩn, chú Nhung và một số đảng viên Việt Quốc khác, tổng cộng mười tám người đã bị chôn sống trong cái giếng hoang thuộc xã Hành Phước, Quận Nghĩa Hành, Tỉnh Quảng Ngãi. Sự tàn ác, man rợ, bất nhân của lũ người lòng lang dạ thú đó đã hằn sâu trong lòng Ninh một sự kinh tởm đáng nguyền rủa, tác nhân cho những năm tù đày tại trại giam Kim Sơn…

Anh Châu trốn trại !!! tin loang nhanh như hỏa tiển. Chưa đầy một canh khuya, anh bị bắt dẫn về. Hai tay bị trói ké, áo quần rách mướt, những trận đòn vô tiền khoáng hậu đã nện xuống đầu, xuống cổ đến mức thân anh không còn di động. Chàng bộ đội tên Tình (quê tại Nghĩa Hành) đã dùng khẩu AK 47 đâm vào be sườn, vào lưng, vào bụng đái như động tác giã lúa đêm trăng. Máu me từ đầu, từ miệng, từ những lỗ chân lông bắn tung ra. Anh không thể sống được. Ban mai đầy kinh hoàng với hình ảnh người vượt ngục quằn quại trên vũng nhầy, những nhác cuốc khô khan làm lòng Ninh rớm máu. Đã hơn một tuần lễ thằng Trân bị kiết lỵ, trước khi vượt ngục, anh Châu ân cần hái cho Trân một mớ lá ổi, nhưng vô vọng, Trân chết tức tưởi trong đói khác và thiếu thốn thuốc men khi mẹ Trân chưa kịp lên thăm và lá ổi chưa kịp sắc thuốc. Ngày hôm sau người ta khiêng anh Châu đi chôn cạnh xác thằng Trân!!! Đêm đó Ninh thức suốt, miệng thầm niệm Nam Mô A Di Đà Phật để cầu xin ánh sáng mầu nhiệm của đức Phật tiếp dẫn anh Châu và thằng Trân về nơi lạc cảnh!. Ông Trạng năm đó đã trên sáu mươi, quê quán tại Bình Sơn nhưng lưu lạc vào nam từ thập niên năm mươi. Ông xem Ninh như một đứa cháu hơn là đứa con, biết khó có cơ hội trở về với cuộc sống dân dã, ông thường kể cho Ninh nghe những mẫu chuyện khá ly kỳ. Có lần ông nói, lớp thanh niên của tao hồi đó mà không theo Việt minh là không có trái tim. Nhưng mười mấy năm sau mà bám vào Việt minh là kẻ đó không có cái đầu. Tao có cái đầu còn minh mẫn nên đã xa chạy cao bay, tiếc rằng thời thế khốn nạn đã đóng khung trong không gian vô vọng mà phải đưa lưng với trời, bán mặt cho đất, không còn đường ra. Ông nói tiếp, cỡ như tao thời ấy không có con đường nào lựa chọn; các anh hùng như Nguyễn Thái Học, rồi Hoàng Hoa Thám, rồi Nguyễn Trung Trực v.v. đều bị thực dân Pháp sát hại khi cuộc khởi nghĩa chưa thành; ông Ngô đình Diệm thì chưa có công lao gì với đất nước bao nhiêu mà tình trạng kỳ thị tôn giáo lại phát sanh quá lớn, một Thượng thư Bộ Lại  thời phong kiến nhờ Hồng Y Spellman từ Mỹ đưa về thay thế Bảo Đại trong bối cảnh vừa Phong kiến, Thực dân, vừa Quốc gia, Cộng Sản mù mờ. Chính trong khoảng trống mênh mông vô vọng đó thì Việt Minh xuất hiện qua chiêu bài dân tộc, có cuộc chiến chống Pháp bằng xương máu hẳn hòi mà chứng tích là Điện biên phủ đã làm Pháp đầu hàng, thanh niên tụi tao nức lòng theo Hồ Chí Minh chống Pháp là lý tưởng thời đại, lúc đó thật đáng khen!

-Còn bây giờ thì sao thưa cụ?

Ninh buộc miệng nhanh nhẩu hỏi thêm!

-Bây giờ ư? đất nước còn gì là chủ quyền khi mọi điều phải răm rắp theo ý ngoại bang. Nga, Tàu giúp cho Bắc Việt xâm lược miền nam đến thắng lợi cuối cùng là một sự đổi chác trắng trợn trên bình diện quốc gia, mà đảng Cộng Sản Việt Nam như một con cờ, như một món hàng để trao đổi mỗi khi cần thiết. Là món hàng thì phải trả giá, được thua tùy chủ nên quyền độc lập, tự do chỉ là cái bánh vẽ khổng lồ. Đứa nào lên làm Tổng bí thư, Chủ tịch nước hay Thủ tướng chính phủ mà không được cái đầu của đám Tàu Nga gật gật thì đố ai leo lên đỉnh cao danh vọng ấy cho được. Bọn chúng là những bào thai của Lã Bất Vi cơ mà.

Ninh sốt ruột hỏi lại, Lã Bất Vi là ai hở cụ? Ông Trạng gục gật cái đầu đã sói hết hai phần ba tóc bạc từ từ nói tiếp:

-Đó là chuyện Trung quốc năm xửa năm xưa khi có một anh buôn tơ giàu sang nghĩ đến chuyện mua vương, bán chúa dễ kiếm lời nhất trong thiên hạ. Họ Lã đến nước Triệu gặp được Tử Sở là Thái tử của Tần quốc đang bị bắt làm con tin, tuy nhiên nước Tần đang phát triển hùng mạnh nên khả năng Tử Sở làm vua là chuyện dễ dàng. Lã Bất Vi vội lập cơ mưu để đầu tư vào món hàng độc nhất vô nhị này bằng cách dâng tặng người vợ nhỏ xinh đẹp của mình là Triệu Cơ đang mang bầu cho Thái tử Sở. Y như rằng, mấy năm sau Tử Sở lên ngôi hoàng đế, phong cho Lã Bất Vi làm thừa tướng, con của Triệu Cơ là Doanh Chính, đích thật là con của họ Lã đương nhiên làm thái tử. Vài năm sau Tần vương băng hà, Doanh Chính kế nghiệp ngai vàng lấy hiệu là Tần Thủy Hoàng, phong cho Lã Bất Vi làm trọng phụ, điều hành cả quốc gia. Cũng như vậy, Nga Tàu giúp cho Cộng Sản bắc Việt chiếm trọn miền nam, trên thực tế là ai thắng đây? Nga Tàu thắng đó, chỉ có dân tộc mình là thua lỗ mà thôi, rồi đây chống mắt mà xem, những nơi giàu đẹp, béo bở, rừng vàng, biển bạc là của ngoại bang chứ không chắc gì có được độc lập, chủ quyền, bình đẳng bất tương xâm!”

…Trên ba mươi năm trôi qua…một buổi chiều tại trường đại học Maryland, cạnh thủ đô hiệp chủng quốc Hoa Kỳ khai mạc hội nghị về khoa học nhân văn. Giáo sư Nguyễn Như Ninh tháp tùng phân khoa tự nhiên thuộc đại học California State University of Hayward (CSUH) từ miền tây sang miền đông phó hội. Đề tài hội thảo đầu tiên nói về việc xây dựng kim tự tháp Ai Cập do giáo sư khảo cổ học bang Pennsylvania, Tiến sĩ Donald Redford thuyết trình. Ông nói rằng, “người Ai Cập cổ chọn kiểu dáng khác biệt cho những ngôi mộ Pharaoh vì họ tôn thờ thần mặt trời. Thần mặt trời của người Ai Cập được coi là đấng sinh thành các Pharaoh. Thần đã tự tạo ra mình từ một ngọn đồi nhỏ có hình kim tự tháp trước khi tạo ra các vị thần khác. Hình dáng của kim tự tháp tượng trưng cho các tia sáng mặt trời chiếu xuống trần gian. Có lẽ người Ai Cập bắt đầu xây dựng các kim tự tháp khoảng năm 2700 trước công nguyên, thời đại hoàng kim của các kim tự tháp dành cho hoàng tộc kéo dài khoảng 1000 năm, đến năm 1700 trước công nguyên. Kim tự tháp đầu tiên được hoàng đế Djoser triều đại Ai Cập thứ ba xây dựng. Kiến trúc sư của kim tự tháp đầu tiên là Imohtep. Ông đã xây dựng một kim tự tháp hình bậc thang bằng cách chồng sáu ngôi mộ hình chữ nhật của các đời vua trước đó. Lớn nhất và nổi tiếng nhất là các kim tự tháp tại thành phố Giza, trong đó bao gồm kim tự tháp Giza của Pharaoh Khufu. Phần trung tâm của các kim tự tháp thường được xây dựng từ đá vôi lấy trong vùng. Đá vôi có chất lượng tốt hơn được dùng để xây lớp ngoài của kim tự tháp khiến chúng toát một màu trắng lấp lánh có thể nhìn được từ cách xa hàng dặm. Đá đặt trên đỉnh thường là đá granit, bazan hoặc bất kỳ loại đá cứng nào khác có thể mạ được vàng, bạc hoặc electrum, hợp kim vàng và bạc. Đặc biệt những viên đá đó phải phản chiếu tốt ánh sáng mặt trời…”

Sau phần thảo luận trong nhóm CSUH với các thành viên khác, Ninh có cơ hội chung group với giáo sư Holly Trần, tức là Trần Ngọc Minh Hoa, người Việt Nam duy nhất trong cuộc hội nghị khoa học nhân văn tại Maryland. Vài phút tự giới thiệu qua loa, Ninh biết giáo sư Hoa phụ giảng ở đây khá lâu. Trong dạ tiệc liên hoan với sự xuất hiện của viên chức cao cấp bộ giáo dục liên bang Hoa Kỳ tại phòng khánh tiết Hay-Adams Hotel, Ninh bất ngờ biết thêm giáo sư Hoa là cháu ngoại của cụ Trạng, một người đáng kính đã qua đời cách đây trên hai mươi năm trong rừng núi hoang vu vì sốt rét.

 

Đốt nén nhang thắp lên bàn thờ cho cụ trong phòng khách của giáo sư Holly Trần nằm trên đường Moron, thành phố Silver Spring, Ninh quay qua nói với Giáo sư rằng, ba mươi mấy năm trước Ninh có cơ hội sống gần cụ Trạng chừng mười bốn tháng trước khi cụ chuyển lên trại Nước Nhóc, một địa phận giáp ranh Komtum độc địa vô cùng. Giáo sư biết không, người dân Ai Cập dù là tù binh, nô lệ hay thường dân thì ít ra cũng để lại cho nhân loại một kỳ công hùng vĩ nhất thế giới. Họ tự hào về nó!. Riêng cụ Trạng và những người tù Kim Sơn ngày nào đã lấy máu, mồ hôi và nước mắt để tô thêm nổi oan nghiệt của dân tộc, khắc đậm mối thù hận giữa kẻ được, người thua khi thế giới nhìn vào nồi da xáo thịt trong ánh mắt kinh hãi, chê trách cung cách đối đãi giữa người và người. Giá như cái chết của cụ Trạng, cái oan khiêng tức tưởi của anh Châu hay bệnh kiết lỵ quái ác giết chết đời thằng Trân đem lại cho thế gian một chút bùi ngùi hoài cổ thì cũng xứng đáng, an ủi những linh hồn vất vưởng chốn nhân sinh.

Sáng hôm sau đi viếng cảnh chùa Giác Hoàng trên đại lộ Sixtenth, Washington DC  tình cờ gặp lại người cựu tù Kim Sơn, Thượng tọa Thích Quảng Ba viện trưởng tu viện Vạn Hạnh, Úc châu, mới bay sang Hoa Thịnh Đốn trong cuộc điều trần về tự do tôn giáo tại Việt Nam. Mừng rỡ sau bao năm xa cách, Ninh thuật lại câu chuyện cụ Trạng, anh Châu đã vùi thân nơi biên địa, Thượng Tọa chấp tay niệm Phật rồi thanh thản góp lời, “-Đáng thương cho những người cộng sản lòng đầy thù hận, nhưng cụ Trạng hay anh Châu chắc đã tha thứ những gì cần được thứ tha để thong dong nơi miền lạc cảnh.” Liền đó, Thượng tọa chỉ lên bức tường có treo bài kinh phúc lạc viết bằng lối thư họa của Vũ Hối, Ninh ngước mắt đọc chậm rãi từng câu:

“Vui thay không oán thù

Giữa não phiền oán giận

Ta sống không hiềm hận

Giữa những kẻ hận thù

Vui thay đời lành mạnh

Giữa bệnh hoạn trần gian

Ta sống đời bình an

Giữa nhân thế tật nguyền

Vui thay lòng thanh thản

Giữa cuộc sống rộn ràng

Ta sống đời tịnh an

Giữa bôn ba tế toái.”

 

Kỷ niệm Ngày Quân Lực VNCH, San Jose, USA.

Nguyễn Hồng Dũng

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn