Các cụ nói thế và tôi cũng từng có kinh nghiệm hai điều này. Với bạn bè trong đời thường, đã hơn một lần tôi bị đòn đau. Từ năm 2006 tôi loại bỏ hầu hết quan hệ đời thường, tìm kiếm bạn bè cùng lý tưởng nên nhận được nhiều quả ngọt.
Lúc rỗi, lục lại những tấm hình chụp chung với anh chị em thời đó, lúc chụp với người này, lúc chụp với người kia mới thấy rơi rụng đi nhiều. Đã ít lại còn rơi rụng ai không tiếc! Kỹ sư xây dựng Bạch Ngọc Dương (Người HP), Nguyễn Văn Hòa (Người Quảng Ninh) đã tị nạn tại Mỹ qua đường Căm pu chia,; Trần Khải Thanh Thủy chọn trục xuất thẳng từ nhà tù qua Mỹ; Ls Lê Chí Quang, người viết bài luận: "Đông hay Tây" nổi tiếng thời đó ra tù rồi bỏ cuộc.( Nghe đồn đã thành tiểu đại gia, có xe hơi riêng.) Không còn thấy kỹ sư Nguyễn Phương Anh sau vài xì xèo tai tiếng, Lê Trí Tuệ (người Hp) phải chạy sang Căm pu chia, nghe đồn ANVN sang căm bắt cóc trở lại, từ đó mất tích một cách bí ẩn, đến giờ đi vào quên lãng.
Thời tôi, ở vài tỉnh phía Bắc (trước sau một vài năm) ở các độ nóng khác nhau, bây giờ chỉ còn lại: Nguyễn Vũ Bình, Phạm Hồng Sơn Nguyễn Văn Đài, Lê Quốc Quân, Lê Thị Công Nhân, Vũ Hùng, Phạm Văn Trội, Phạm Thanh Nghiên, Trần Anh Kim, Lê Thanh Tùng, Vi Đức Hồi. ( tôi xin lỗi ai rút vào hoạt động bí mật mà tôi nghĩ là bỏ cuộc. Có thể lắm!)
Một trong số người còn tồn tại đến nay, tồn tại một cách bất khuất, tôi đang nói đến là Ls Nguyễn Văn Đài.
Thực ra trước khi bị bắt, tôi không được tiếp xúc nhiều với Ls Đài. Năm 2006 một lần và 2007 hai lần. Đã bố trí ăn với Đài một bữa cơm vào tết năm 2006-2007 tại nhà tôi nhưng Đài bị nhỡ.
Đài bị bắt trước tôi hơn năm (Đài đầu năm 2007, tôi giữa năm 2008), Đài bị kêu án ít hơn tôi nên khi Đài ra thì tôi vẫn trong tù. Tháng 9/2014 tôi ra tù thì Đài vẫn còn lại mấy tháng quản chế cuối cùng. Đài hết quản chế thì tôi đang quản chế. Lần đầu tiên gặp lại Đài sau khi ra tù là ngày tôi chuẩn bị vài kiến thức để gặp ông trợ lý bộ trưởng bộ ngoại giao Hoa Kỳ phụ trách lao động và nhân quyền Tomanovski, Đài và Phạm Văn Trội đã vượt qua quản chế bí mật gặp tôi trao đổi những điều tôi cần nói trong cuộc gặp (được cho là quan trọng). Lần cuối cùng tôi gặp Đài trong hôn lễ con tôi. Vài tháng sau Đài bị bắt trở lại.
Chính ra, người tiếp xúc với Đài nhiều hơn tôi là... vợ tôi.
Tôi bị chuyển vào trại Thanh Chương Nghệ An ( cùng Trội, Trần Anh Kim...) đúng ngày 8/3/2011.
Khi tôi còn ở trại Nam Hà, việc thăm nuôi tương đối thuận lợi. Vợ tôi đi thẳng từ Hải Phòng đến Phủ Lý (hơn 100 Km). Từ Phủ lý đi xe ôm vào trại (10 Km).Tôi vào Thanh Chương Nghệ An bà xã phải đi 2 chặng xe dài. Hải Phòng-Vinh (280 Km và Vinh-Thanh Chương (70Km).
Ở trại 6 Thanh Chương có một gia đình quản tù kiêm nghề chạy xe khách.
Khách của họ là thân nhân người tù đi thăm nuôi tù trong trại 6. 6 h sáng hàng ngày họ đón khách từ bến Nước Ngầm-Hà Nội, chạy thẳng vào trại 6 Thanh Chương-Nghệ An. 5 giờ chiều, họ đón thân nhân tù trở ra bến xe Nước Ngầm -Hà Nội.
Vợ tôi chọn hành trình bến Nước Ngầm-Hà Nội- trại 6 Thanh Chương.
Để thực hiện theo hành trình này, vợ tôi phải lên Hà Nội từ chiều hôm trước. Tức phải ăn, ngủ tại Hà Nội một đêm đi và một đêm về.
Không phải đại gia để không tiếc số tiền 300-400 nghìn đồng ăn hàng, ngủ trọ bên ngoài phải chi thêm mỗi chuyến thăm nuôi ngoài quà cáp cho chồng. Bà xã chọn gia đình 2 thân hữu của chồng nhờ tá túc: Thạc sỹ Phạm Hồng Sơn và Ls Nguyễn Văn Đài.
Tá túc tại nhà vợ chồng Phạm Hồng Sơn thoải mái không kém nhà vợ chồng Nguyễn Văn Đài. Tất cả đều là người nhà: Người nhà lý tưởng, người nhà tù tội.
Hình: Ls Nguyễn Văn Đài, thạc sỹ y khoa Phạm Hồng Sơn và bà xã trong lễ kỷ niệm 40 năm quan hệ Việt- Đức & 25 năm thống nhất nước Đức tại ĐSQ Đức.
Nhưng vì từ nhà Phạm Hồng Sơn ra bến xe Nước Ngầm không thuận tiện bằng từ nhà vợ chồng Ls Nguyễn Văn Đài. Bà xã nhận ra điều này nên chỉ làm phiền vợ chồng Phạm Hồng Sơn một lần, sau đó bắt vợ chồng nhà Ls Nguyễn Văn Đài chịu hết.
Có ai tốt bụng đến nỗi tiếp ngủ trong nhà cho một người không họ hàng, thân thích mỗi tháng một lần kéo dài trong gần hai năm, tức 20 lần, đặc biệt người khách lại hơi bị phần nhếch nhác, lỉnh kỉnh với nhiều túi tắm, mỗi túi một mùi vị: Cá kho, cá khô, ruốc thịt, mắm tôm, gà luộc, muối vừng...
Một câu chuyện kể lại rằng: Bà mẹ nọ từ nhà quê lên thành phố thăm con. Mới ăn ngủ nhà con được hai hôm con dâu đã kêu mất cái nhẫn vàng. Thực hư không biết, chỉ biết bà mẹ gạt nước mắt ra về.
Vợ tôi đã ngủ nhà Đài & Khánh 20 lần trong gần 2 năm, kết thúc ở tháng 11/2013-tháng tôi bị chuyển vào trại An Điềm-Quảng nam, sau vụ tuyệt thực của Hải Điếu Cày.
Nhiều lần tôi trách bà xã không biết viết, không biết kể ra thái độ ân cần của vợ chồng Ls Nguyễn Văn Đài với bà trong những lần tá túc ở nhà hai người. Bà xã nói: Tin chắc vợ chồng Đài không thích nghe vài chuyện nhỏ mọn kia. Bởi vậy xin cho miễn kể lại những điều "bình thường" như nước nôi, chuẩn bị giường chiếu, đón và tiễn ra bến xe với những túi tắm lỉnh kỉnh, hôi hám từ tầng 3 xuống... mà vợ chồng Đài đã làm trong những lần vợ tôi lên dù sớm hay đã khuya... Cũng xin cho không kể lại những lần Đài đưa bà xã tôi đến gặp các tổ chức, cá nhân ngoại giao quốc tế để kêu cho chồng.
Những điều ấy tôi đã nghĩ là quá nhỏ so với sự hy sinh, mất mát của chúng tôi, lớp người đi trước...
Nhưng giờ đây, khi Đài trong lao tù lần thứ 2 và thân phụ của anh mất mà anh không được về chịu tang- bỗng trở lại, ý nghĩa vô cùng.
Nguyễn Xuân Nghĩa