BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76377)
(Xem: 63036)
(Xem: 40426)
(Xem: 32020)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Nhãn Tiền

02 Tháng Mười 201012:00 SA(Xem: 1991)
Nhãn Tiền
50Vote
40Vote
30Vote
21Vote
10Vote
21
Chiều nào cũng vậy, cứ cơm nước xong là nó vượt tường nhảy sang khu A của tù cải tạo, hết buồng này đến buồng nọ cho tới lúc kẻng « vô chuồng » mới chịu trèo trở về khu B của tù hình sự. Trước kia, khu A và khu B trại Hà Tây cách nhau một khoảng sân rộng mà đằng đầu là phòng trực trại có cửa sổ nhìn ra sân. Dưới cái nhìn giám sát gần như thường xuyên của cán bộ trực trại, tù loại nào ở khu nấy không làm sao qua lại « liên hệ linh tinh » được. Từ lúc hai khu nằm lẫn lộn trong thế « da beo » - vì sau khi Trung Quốc tấn công biên giới phía Bắc, tù cải tạo đổ về quá đông - nó bắt đầu leo tường sang tiếp xúc với tù cải tạo, chủ yếu là để mua bán đổi chác, một sinh hoạt mà trại tuyệt đối không chấp nhận. Thế nhưng, thói thường những gì bị cấm kỵ rất được người ta phạm phải, như sức hấp dẫn của Trái Cấm đối với « Người-Con-Gái-Đầu-Tiên » trong vườn Eden vào thời Sáng Thế.

Cùng đi lao động bên ngoài nhưng tù cải tạo luôn bị cai tù canh chừng gắt gao không thể liên lạc với dân chúng quanh trại như tù hình sự được. Những sự giao dịch như vậy rất cần thiết vì nhờ đó thỉnh thoảng có thể mua thứ này, vật nọ để cải tiến bữa ăn với số tiền mặt chui giấu qua tiếp xúc với gia đình đến thăm nuôi. Nhưng, đối với tù hình sự thì những liên lạc kiểu đó không bị cấm đoán. Do đó mà nó mới có thể đóng một vai trò gạch nối thiết yếu, dĩ nhiên là có lợi, giữa kẻ bán và người mua.

Là một người tù nhiều thâm niên lao lý - do đó quá quen thuộc với trại - nó được bố trí vào công tác thu gom và tích lũy phân Bắc, chất thảy của tù sau khi tiêu hóa. Nhiệm vụ này của nó quan trọng hàng thứ nhì đối với việc trồng tỉa rau xanh của trại trong khẩu hiệu canh tác rất phổ biến ở xã hội cộng sản là « nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống ». Mỗi sáng, sau kẻng thức, trực trại ưu tiên mở cửa buồng giam cho nó ra lấy chiếc « xe cải tiến » dành riêng, chở hai thùng thiếc to đi từng buồng góp nhặt sản phẩm của các nhà vệ sinh. Sau đó đem đổ vào một hố phân thiết lập tại một khu vực bảo đảm của trại bên ngoài vòng rào trại và giữa địa bàn canh tác. Phải đặt hố phân đó vào một nơi an toàn vì nếu không thì có thể bị mất cắp ! Toàn trại có mười sáu buồng giam, chưa kể những « biệt thự » giam tù cấp tướng và loại tù phải canh giữ đặc biệt, mỗi « biệt thự » năm ba người. Do đó mỗi sáng nó phải đi ít lắm từ bốn đến năm chuyến. Được coi như là một loại tù không thể mà cũng không cần trốn trại, nó làm công việc đó một mình và từ sáng tinh mơ, trước khi các tổ đội tù xuất trại đi lao động.

Lợi dụng tình hình, nó phát minh ra cung cách làm ra tiền theo kiểu những người đi buôn đường dài, chuyến đi chuyến về đều có hàng. Chở phân ra nó đổ một phần xuống hố, phần còn lại đổ vào « hộp thơ chết » cho một nhà trồng rau xanh bí mật đã thỏa hiệp trước. Hàng đi đổi lấy hàng về, hôm trước nó đưa nhu cầu - tổng hợp những mặt hàng của tù cải tạo - ngày sau khách hàng kiêm nhà buôn bí mật kia sẽ giao ở điểm hẹn nói trên, dĩ nhiên là thầm lén. Giao phân xong, nó lấy hàng đã đặt đem vào bán lại cho tù cải tạo. Để có thể lọt qua mắt kiểm soát của trực trại khi vào cổng, nó đặt hàng hóa lượt vào bên trong những thùng chứa phân và ở dưới lớp mạt cưa đem vào trại phân phát cho các buồng lót thùng hứng phân ở hố tiêu.

Từ công tác đó, nó mang bí danh là « thằng Quang Phân », gọi tắt là «thằng QP», kết hợp danh tánh và chức vụ của nó. Theo lời kể của « thằng QP » - tin được hay không là chuyện khác - thì nó là một bộ đội bị « lột áo » đi tù vì những tội từ « ăn cắp tài sản xã hội chủ nghĩa » đến « giết người để trấn lột » kể cả « hãm hiếp phụ nữ trong các chiến dịch ». Nếu kiên trì thi hành cho bằng được những bản án tổng hợp chồng chất thì, nếu may ra còn sống sót, khi ra khỏi trại tù nó sẽ khòm lưng chỏi gậy về quê để phũ phàng nhận thấy rằng nơi chôn nhau cắt rún của nó đã hoàn toàn xa lạ. Như Từ Thức về trần sau thời gian du ngoạn cõi Thiên Thai ! Trong bối cảnh như vậy, nó đành coi nhà tù là môi trường sinh sống cho cuộc đời. Gia đình nó không còn đủ kiên nhẫn để chờ đợi mà cũng không có khả năng để tiếp tế cho nó. Vì vậy ngoài việc bám vào cơm trại, rau tù và nước uống nhà lao, nó phải tự lực cánh sinh kiếm chút tiền còm để đài thọ những nhu cầu lẻ tẻ.

Như một hệ thống tiếp liệu hữu ích và cần thiết đối với tù cải tạo, có tiền túi lại cần dinh dưỡng mà không thể mua bán với dân thường ngoài trại, nó được khá nhiều người tù cải tạo chiều chuộng và săn đón để đặt hàng. Thậm chí một vài tù cải tạo còn đẩy mạnh mức độ mua chuộc đối tượng bằng cách nhận nó làm « nghĩa tử » với hy vọng là thằng con nuôi kia sẽ chiếu cố dành ưu tiên cho hàng của mình dù rằng lúc nào cũng bị nó « chém đẹp » ! Một đứa con nuôi như vậy ở đời thường chắc là các « quan ngụy » ngày trước không thể và cũng không muốn chấp nhận. Nhưng, trong cảnh tù đày, bị miếng ăn khống chế, quý ông rất bạo gan quyết định. Tính khôn lỏi của con người trật đời « bán trời không mời Thiên Lôi » ở « thằng QP » đã dạy cho nó xử sự như một kẻ hiền từ dễ thương, lúc nào cũng xưng hô « ba, ba, con, con » rất là dịu ngọt. Nó rất tâm lý trong chuyện trò, biết được từ nào thông dụng của tù cải tạo là nó sử dụng không chút đắn đo. Trong giao dịch buôn bán này, nó còn thêm được một cái lợi khác. Từ khi được gia đình tiếp tế đầy đủ, kể cả gạo ngon, một số tù cải tạo chê phần cơm tiêu chuẩn của trại và đưa cho nó. Nhiều hôm, một mình nó mà nhận ba bốn phần cơm dư thừa. « Thằng QP » bèn nảy sanh ra sáng kiến làm ăn mới. Cơm mang về, phần nó ăn, phần nó chia cho bọn « đầu gấu » buồng giam của nó và phần còn lại thì trao đổi với những tù hình sự thiếu đói và háo ăn khác, lấy thuốc lào, lấy quần áo hay những mặt hàng khác mà nó có thể đem đi bán lại lấy tiền. Một loại « tư sản mại bản » trong trại tù !

Tuy nhiên theo đà thời gian, hành tung của nó bị cán bộ trực trại bắt được và muốn yên ổn làm ăn thì phải thu xếp. Thay vì bị trừng phạt, tội lỗi của nó được vun vén trong phạm vi hai người. Người cán bộ cộng sản coi tù, cũng đói rách không kém, nếu không muốn nói là hơn tù cải tạo, nên ông ta cũng học thói làm ăn của « thằng QP ». Từ đó về sau, nó phải tiếp nhận hàng của cán bộ trực trại vào hệ thống « hậu cần » của nó dù đôi khi hàng của cán bộ cao giá hơn. Do đó, giá thành của hàng nhập trại cao hơn trước kia, khi hàng được thu thẳng từ người dân. Nhưng, đó đâu phải là vấn đề của nó vì chung cuộc thì người tiêu thụ ở cuối đường dây là tù cải tạo phải gánh chịu hết.

Công cuộc buôn bán làm ăn như vậy tưởng đâu là êm xuôi, tốt đẹp. Nhưng, trâu buộc ghét trâu ăn, bạn bè cùng buồng theo dõi kín đáo, báo cáo lên cán bộ giáo dục của trại. Một lần nữa nó áp dụng phương pháp lót tay, thoa mỡ nhưng không ăn thua gì. Hơn nữa, dù được nó cầu cứu, lão cán bộ trực trại cũng không dám can thiệp cho nó còn đe dọa để cho nó đừng khai ra việc lão ta có dính phần. Lần này « thằng QP » đụng đầu vào vách đá vì cán bộ giáo dục lại kiêm bí thư chi bộ loại trung kiên nên không sao chạy chọt được. Thế là, phen này nó đành chịu lọt hố sâu, cỡ hố bom B-52 ! Kết quả là nó bị hạ tầng công tác, trở về tổ đội đi lao động như những tù hình sự khác. Nhìn qua người thay thế « thằng QP », dư luận trong trại tìm ra được chẳng mấy khó khăn đáp số của tai biến xảy đến cho nó. Kẻ thay thế nó không ai khác hơn là tên hình sự vừa chuyển buồng sang mấy hôm, bị những người trong buồng nghi là « ăng-ten » cho trại. Tù hình sự trong buồng chưa có đủ yếu tố xác quyết nên chưa tìm cách trừng trị tội « chó săn » của nó thì công ăn việc làm của « thằng QP » bị đổ bể. Hơn nữa, theo gã « đầu gấu » của buồng cho biết thì hắn ta là người cùng quê với lão cán bộ giáo dục. 

Ăn quen, nhịn không quen, « thằng QP » thấy bức rức khó chịu lúc nào cũng mưu đồ kiếm tiền hoặc tìm phương tiện mua bán đổi chác. Nó vẫn quen thói vượt tường sang các buồng khu A như trước nhưng dĩ nhiên là nó chạm phải những thực tế phũ phàng. Không còn công dụng nữa, quan hệ « nghĩa tử và bố nuôi » lần hồi đứt đoạn. Năm thì mười họa nó mới nhận được nắm cơm thừa của « bố nuôi » và thỉnh thoảng lắm mới xin được bi thuốc lào của những khách hàng xưa cũ. Thấy bóng dáng nó ai cũng tìm cách lảng tránh và nếu không né được thì phải thận trọng canh chừng tài sản riêng tư của mình vì tù hình sự nào cũng nhám tay. Không như trước kia chỉ trèo tường vào lúc chiều để nhận đặt hàng, nó bắt đầu sang khu A cả những lúc nghỉ trưa kéo dài vào những ngày hè. Không có mục đích gì rõ rệt, chỉ la cà, lang thang, tiếp cận với những thái độ thờ ơ lạnh lùng, nặng tính nghi ngờ, dè chừng vì, ở trại nào cũng vậy, tù hình sự là một nguy cơ mà tù cải tạo rất ngại, cần phải tránh xa. Thuộc diện « cháu không ngoan của Bác », họ là những kẻ đầu trộm đuôi cướp ngoài xã hội bị bắt mới phải vào « nằm ấp ». Họ thường choáng ngộp trước những của cải vật chất, thực ra chẳng là gì hết, của tù cải tạo khi họ đã quen với nếp sống trơ trọi của xã hội xã hội chủ nghĩa mà tính « ưu việt » là đêm ngủ không cần cày cửa, vì chẳng có gì để bị mất cắp. Tù hình sự thường quan niệm rằng : « Của tôi là của tôi, của các anh cũng là của tôi.» Một quan niệm khi đã được kết hợp với mối hận thù giai cấp nữa thì họ chôm chĩa tài sản của tù cải tạo một cách không nương tay và vô tội vạ !

Vào một ngày nắng ấm giữa đông, nhân cơ hột tốt, những chiếc áo len nặng mùi được tuông ra phơi nắng để tẩy trùng theo kiểu « giặt khô », chờ đến hết đông mới có thể đem giặt giũ. Chỉ một phút lơ đểnh thôi mà chiếc áo ấm đẹp nhất sào phơi không cánh lại bay đi đâu mất dù trời không gió ! May mắn thay, khổ chủ phát hiện được sự vắng mặt của chiếc áo không bao lâu sau đó và báo ngay với trực trại. Người cán bộ, từng có đi có lại sâu đậm với khổ chủ, khi mấy lạng cà-phê, lúc dăm ba lạng trà móc câu Bắc Thái và vài điếu thuốc có cán và đeo nhẫn... nên rất sốt sắn phát lệnh truy tìm. Cán bộ trực trại hiểu rất rõ những đối tượng hình sự nhiều thành tích vì mỗi lần trong trại có chuyện thì cũng chỉ ngần ấy mặt thôi. Giống như cảnh sát dung dưỡng bụi đời để lập thành tích, khi cần, để có thể trổ tài bắt kẻ cắp trong khu vực hành sự của mình khi có lịnh triệt để của thượng cấp.

Trước kẻng thức sau giờ nghỉ trưa, lịnh cấm trại trăm phần trăm khu B được ban hành. Buồng nào ở buồng nấy, mọi đi lại đều nghiêm ngặt cấm chỉ. Cán bộ trực trại và anh tù cải tạo được chỉ định làm nhiệm vụ trật tự khu A đi lùng sục những chỗ khả nghi. Vừa bước vào buồng bị nghi ngờ, họ đã được ăng-ten cơ sở ra hiệu cho biết chiếc áo len đang nằm đâu và thủ phạm là ai. Họ đi ngay đến chỗ nằm của một anh tù hình sự khai bịnh nằm nhà, lật chiếu lên lôi chiếc áo ra và người bịnh đành phải khai thật ai đã đem giấu ở đó. Thế là « thằng QP » phải vào phòng kỷ luật và một thời gian sau bị chuyển đi trại khác, nhân một cuộc « điều quân » của tù hình sự để lấy chỗ trống chứa tù cải tạo từ các trại miền Thượng Du chuyển xuống phía Nam, khi « quân bành trướng bá quyền Trung Quốc tiến công miền biên giới phía Bắc nước ta ». 

Vài năm sau, tù cải tạo Hà Tây bị chuyển về Nam Hà trong dợt « chuyển trại gom bi » đưa toàn thể tù cải tạo về một trại duy nhất ở miền Bắc, trại Ba Sao. Khoảng một tháng sau - không hiểu theo tiêu chuẩn nào - một số đông đảo tù cải tạo « được chọn » đưa về các trại trong Nam. Sau gần mười năm hốt « ngụy quân ngụy quyền » đưa ra cái nôi « dân chủ cộng hòa », rắp tâm tẩy não, rửa hồn để gọi là dạy dỗ nên người theo ý muốn của Hà Nội và đồng thời khai thác sức lao động rẻ mạt nhưng, buồn thay, cuối cùng tính lại thì thu chẳng bù chi mà gánh nặng nuôi ăn thêm chồng chất. Mưu đồ lợi dụng lực lượng « ngụy quân, ngụy quyền » đổ vỡ, làm ăn thua lỗ, Hà Nội đành phải trả « lũ ăn hại » về nơi xuất xứ, giữ lại một số làm tẩy để mặc cả với Hoa Kỳ, trong đó thành phần chính là sĩ quan cấp tướng quân lực Việt Nam Cộng Hòa.

Về trại Ba Sao được mấy hôm thì người ta lại thấy « thằng QP » lò dò sang khu tù cải tạo vì nó biết được tù Hà Tây chuyển về nên xâm nhập khu A để tìm « bố nuôi » của nó. Vào thời điểm này công tác tẩy não « ngụy quân, ngụy quyền » thấm mệt thấy rõ chớ không như những năm đầu khi mà các cán bộ giảng viên cứ thao thao bất tuyệt là : « Cải tạo các anh có được không ? Được lắm chứ ! Đảng đã làm là phải được... ». Hơn nữa, kinh tế khó khăn, chế độ cung cấp đã giảm đi nên cán bộ quản lý tù bắt đầu kiếm sống, lơ là nới rộng vòng tay kềm kẹp trong tinh thần « dễ người, dễ ta » để móc ngoặc kiếm chác với tù cải tạo, thậm chí với tù hình sự. Do đó, kỷ luật trại Ba Sao cũng lỏng lẻo, nhứt là đối với tù cải tạo vì trại không sợ họ trốn nữa. Thế nhưng, huy chương nào cũng có mặt trái của nó, do chỗ bỏ ngỏ các khu nên tù hình sự lan tràn tạo thêm nhiều nguy cơ trộm cắp đáng ngại. Vì vậy sự giao dịch giữa hai loại tù A và B không còn khăn khít như thời trại Hà Tây vì lúc nào cũng phải cảnh giác cao độ, đề phòng các « cháu ngoan của Bác » chôm chĩa rất tài tình. Hơn nữa, ở trại mới này việc tự túc cải tiến chế độ ăn uống đã công khai được trại chấp nhận vì trại cũng mở quày hàng bán cho tù và cho phép tù dựng bếp cá nhân. Trong tình hình đó, sự hiện diện không mong muốn của tù hình sự là điều đáng ngại và khu A tự ý ngăn cấm hình sự vào khu của mình.

Trại tù Ba Sao nằm trong lòng một vùng đồi núi và rừng cây giữa Phủ Lý và Thái Bình trong nội địa, trên đỉnh vòng cung Vịnh Bắc Việt nên sẵn sàng hứng lấy phần lớn những cơn bão từ số 1 đến số cuối cùng trong năm. Núi ở đây thuộc loại núi đá vôi, độ đá không đủ cứng, dễ bị xói mòn nên đa số bị xẻ dọc xẻ ngang thành nhiều phiến đá tai mèo dễ gãy đổ. Núi không được nhiều đất bao phủ, cây cối chỉ xơ rơ như mái đầu hói nhẵn thín, còn lại dăm ba sợi tóc lưa thưa. Lao động chính của tù ở trại là khai thác đá tu bổ các con đường trong trại và cung cấp cho nhà máy sản xuất vôi ở đầu dốc phía dưới, từ thị xã Phủ Lý đi vào.

Vào mùa giông bão cuối hè sang thu năm đó, trong một ngày đẹp nắng cả trại đang nỗ lực lấy đá tối đa trong đợt thi đua chào mừng hai ngày lễ lớn, Cách mạng tháng 8 và 2 tháng 9. Tưởng đã hết mùa bão vì bấy giờ tên gọi cho bão đã lên đến số 11, thế nhưng vào khoảng xế chiều, một đám mây đen nghình nghịt nặng nề từ hướng Đông bay vào. Thế là giông to, gió giựt ào ào kéo đến như một đoàn quân đang hăng hái xung phong mà mục tiêu là trại Ba Sao. Không mấy lúc mà mưa nặng hột đã ập xuống, đoàn tù lao động mạnh ai nấy chạy tìm chỗ tránh mưa. Cơn mưa cứ thế tung hoành, hòa nhịp cùng với từng cơn gió to hết đợt này đến đợt khác. Một vài mái nhà tranh ở dưới nương phía xa bị cơn lốc cuốn đi lăn lóc trên cánh đồng như những chiếc lá vàng bay sang tận bên này vùng lau sậy, qua trên hai cây số khoảng cách. Gần nửa giờ mưa giông mà nước trên trời cứ ầm ầm trúc xuống lại còn có chiều hướng kéo dài. Đoàn tù nóng lòng, xôn xao vì căn cứ theo « đồng hồ bụng » thì đã quá tầm lao động buổi chiều. Họ đang ngó quanh ngó quẩn tìm cai tù xin phép rời hiện trường lao động đội mưa kéo về trại thì ầm một tiếng như bom nổ xa xa hay tiếng gầm bên kia núi. Nhưng không, vì toán tù hình sự núp mưa dưới hốc đá, nơi phát ra tiếng động, đổ xô chạy túa ra như đàn kiến bị động. Phiến đá tai mèo làm mái che mưa đã sập. Công an cai tù vội vàng chạy lại xem tình hình và ngay sau đó là lịnh tập hợp tù « khẩn trương » để về trại. Đoàn tù vừa vào trại, cơn mưa bắt đầu yếu lần để rồi tạnh hẳn khi bóng tối đã phủ lên vùng lòng chảo Ba Sao. 

Dư luận phối hợp trong ngày hôm sau cho biết là vụ đá lở chiều qua làm bị thương gần chục tù hình sự trong đó có một người gánh chịu nặng nhứt đang nằm bịnh viện Phủ Lý. Tin tức nói rằng nạn nhân chạy không thoát bị đá đè giữ lại một cánh tay. Tảng đá khá to, sức người dù đông mấy cũng không làm sao nâng lên nổi, ngoại trừ vận dụng đến cần trục cỡ lớn. Lấy đâu ra dụng cụ loại đó ở giữa vùng núi rừng của địa phương nặng về nông nghiệp này ? Trạm xá trại lấy xe chạy cầu cứu bịnh viện Phủ Lý, một bịnh viện thị xã nghèo nàn về phương tiện lẫn nhân sự. Giải pháp tối ưu cuối cùng là đành « bỏ của chạy lấy người ». Thiên hạ lăng xăng chạy đi chạy lại mất hơn tiếng đồng hồ trong khi nạn nhân người ướt như gà mắc mưa nằm dưới đá, dưới mưa lạnh rên la thảm thiết trong tinh thần « khắc phục » ! Nạn nhân ngất xỉu khi đoàn quân áo trắng ngã màu cháo lòng của Phủ Lý đến nơi. Bịnh viện cũng không có dụng cụ y khoa thích hợp nên đành vận dụng cưa thợ mộc giải quyết khó khăn nghề nghiệp ! Tác dụng của thuốc gây tê mê không đủ, nạn nhân đột nhiên bừng tỉnh vì cơn đau, kêu la chói lói vang dội núi rừng ! Trời ! Người ta đã cưa cánh tay tụ máu sưng vù kia bỏ đi, như cưa một cành cây ! Thà bỏ cánh tay vô duyên kia mà cứu được con người, « vốn quý của xã hội xã hội chủ nghĩa » ! Thật tuyệt vời, phương pháp y khoa của một chế độ anh hùng từng kháng Tây, dẹp Nhựt, chống Mỹ và chận Tàu ! ! !

Hơn một tháng sau, nạn nhân cũng sống còn và được trả về trại Ba Sao. « Thằng QP » giờ đã trở thành « Quang Cụt ». Thiên hạ suy ra luận vào cho đó là quả báo nhãn tiền, cánh tay ăn cắp sớm muộn gì cũng phải bị chặt đi. Tin hoặc không tin chớ không sao giải thích được.

Thanh Dung
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn