Đó là những hình ảnh phản cảm mang danh lòng tốt. Có trăm ngàn cách trao. Đâu cứ nhất nhất phải kéo những đứa trẻ đầu vấn khăn tang ra xếp hàng trước bàn thờ nghi ngút khói hương để trao tiền và quay phim chụp ảnh.
Việc UBND huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam thẳng thừng từ chối nhận 180 tấn gạo cứu trợ vì chất lượng gạo có vấn đề đang là câu chuyện nóng. Nóng bởi đây là lần đầu tiên, người dân đang đói, cần được cứu trợ, nhưng họ vẫn sẵn sàng nói không với những tấn hàng từ thiện kém chất lượng.
Trước đó, không ít chuyến hàng cứu trợ khi về đến dân đã thành hàng thiu thối. Năm trước có nơi (cũng tại Quảng Nam) nhận được hàng xe tải thịt hộp cứu trợ, nhưng khi mở ra thì toàn những hộp thịt quá đát, bốc mùi phải vứt chôn.
Những câu chuyện trên liệu đánh động được điều gì nơi các nhà thiện nguyện?
Hình ảnh những doanh nghiệp, những ca sĩ, người mẫu, diễn viên, hoa hậu, những tổ chức đoàn thể và kể cả các đại gia quyên góp tiền hàng về cứu dân kịp thời trong những con bão lũ, thiên tai hoạn nạn… là đáng quí, đáng trân trọng và luôn tạo nhiều ấn tượng xúc động. Lá lành đùm lá rách- cái nghĩa đạo ấy đã thành như một nét văn hóa đậm chất nhân văn của người Việt.
Tuy nhiên, lòng tốt nhiều khi đã được PR quá lố.
Dư luận chưa quên vụ gần 200 ca sĩ tên tuổi khắp 3 miền tụ hội về miền Trung trong một sô ca nhạc lớn mang tên “Ngày hội ca sĩ - Nối vòng tay lớn” với mục đích quyên tiền giúp đỡ người nghèo miền Trung bị bão lũ. Hát xong, chính quyền địa phương tặng bằng khen và bảng vàng bảng bạc ghi danh, tấm lòng hảo tâm của nhiều ca sĩ, nhiều doanh nghiệp, nhiều đại gia được xướng danh và đài đọc báo đăng suốt mấy kỳ. Nghe hô quyên được hơn 19 tỷ. Vậy mà đằng đẵng từ trước Tết năm ngoái đến nay số tiền đó vẫn còn… treo nợ! Địa phương phải nhiều lần phát công văn “nhắc nhở” đòi nhưng nhiều vị vẫn biệt tăm. Thậm chí có “nhà hảo tâm” khi đó đã hô mua một chai rượu 295 năm tuổi nhưng đến giờ vẫn … trốn đâu không thấy!
Hiệu quả PR cho “lòng tốt” của các danh ca, các đại gia thì quá rõ. Nhưng người nghèo thì vẫn quanh năm ngóng cổ chờ.
Tôi cũng đã trực tiếp chứng kiến nhiều cuộc… cứu trợ rất hài! Có đoàn kéo về hơn chục người, vị nào vị nấy áo vét cà vạt bóng loáng, tiền cứu trợ có… vài triệu, nhưng cứ ngồi mãi ở hội trường để chờ truyền hình đến quay. Có sao này, hoa hậu nọ, người mẫu kia kéo cả đoàn nhà báo hùng hậu hơn chục tay máy ảnh và camera về làng, lôi hết các cụ già đến những đứa trẻ còn đang chít vành khăn tang trắng trên đầu ra dàn hàng ngang trước bàn thờ nghi ngút khói hương để trao phong bì và quay phim chụp ảnh.
Đó là những hình ảnh phản cảm mang danh lòng tốt. Có trăm ngàn cách trao. Đâu cứ nhất nhất phải kéo những đứa trẻ đầu vấn khăn tang ra xếp hàng trước bàn thờ nghi ngút khói hương để trao tiền?
Nực cười đến mức năm rồi có đến gần chục sao gồm các hoa hậu, người mẫu, diễn viên, ca sĩ… nổi hứng nghĩ ra trò cởi áo tụt quần chụp ảnh nuy để làm… từ thiện!?
Choáng! Sau những màn nuy gây sốc mang danh từ thiện ấy, dường như các sao có vẻ nổi tiếng hơn, các sô biểu diễn, quảng cáo dồn dập hơn. Chỉ có số tiền mà họ tuyên bố “từ thiện” không ai biết thực tế là bao và nó có thật đến với người nghèo?
Lòng tốt thì chẳng nên phô khoe. Từ thiện mà cứ hô toáng lên, cứ trống giong cờ mở thì có khi phải ngoái nhìn lại xem cái gì đang che núp sau những tấm áo mang danh thiện nguyện. Một xã hội mà ngay cả lòng tốt cũng bị nghi ngờ, cũng bị diễn trò thì hình như loạn mất rồi.
Người dân nghèo khó đã cần được cứu trợ, giúp đỡ sẻ chia, nhưng đừng biến họ thành những đối tượng để diễn trò PR lòng tốt!
Trương Duy Nhất
04-10-2010
Theo Blog Trương Duy Nhất
Việc UBND huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam thẳng thừng từ chối nhận 180 tấn gạo cứu trợ vì chất lượng gạo có vấn đề đang là câu chuyện nóng. Nóng bởi đây là lần đầu tiên, người dân đang đói, cần được cứu trợ, nhưng họ vẫn sẵn sàng nói không với những tấn hàng từ thiện kém chất lượng.
Trước đó, không ít chuyến hàng cứu trợ khi về đến dân đã thành hàng thiu thối. Năm trước có nơi (cũng tại Quảng Nam) nhận được hàng xe tải thịt hộp cứu trợ, nhưng khi mở ra thì toàn những hộp thịt quá đát, bốc mùi phải vứt chôn.
Những câu chuyện trên liệu đánh động được điều gì nơi các nhà thiện nguyện?
Hình ảnh những doanh nghiệp, những ca sĩ, người mẫu, diễn viên, hoa hậu, những tổ chức đoàn thể và kể cả các đại gia quyên góp tiền hàng về cứu dân kịp thời trong những con bão lũ, thiên tai hoạn nạn… là đáng quí, đáng trân trọng và luôn tạo nhiều ấn tượng xúc động. Lá lành đùm lá rách- cái nghĩa đạo ấy đã thành như một nét văn hóa đậm chất nhân văn của người Việt.
Tuy nhiên, lòng tốt nhiều khi đã được PR quá lố.
Dư luận chưa quên vụ gần 200 ca sĩ tên tuổi khắp 3 miền tụ hội về miền Trung trong một sô ca nhạc lớn mang tên “Ngày hội ca sĩ - Nối vòng tay lớn” với mục đích quyên tiền giúp đỡ người nghèo miền Trung bị bão lũ. Hát xong, chính quyền địa phương tặng bằng khen và bảng vàng bảng bạc ghi danh, tấm lòng hảo tâm của nhiều ca sĩ, nhiều doanh nghiệp, nhiều đại gia được xướng danh và đài đọc báo đăng suốt mấy kỳ. Nghe hô quyên được hơn 19 tỷ. Vậy mà đằng đẵng từ trước Tết năm ngoái đến nay số tiền đó vẫn còn… treo nợ! Địa phương phải nhiều lần phát công văn “nhắc nhở” đòi nhưng nhiều vị vẫn biệt tăm. Thậm chí có “nhà hảo tâm” khi đó đã hô mua một chai rượu 295 năm tuổi nhưng đến giờ vẫn … trốn đâu không thấy!
Hiệu quả PR cho “lòng tốt” của các danh ca, các đại gia thì quá rõ. Nhưng người nghèo thì vẫn quanh năm ngóng cổ chờ.
Tôi cũng đã trực tiếp chứng kiến nhiều cuộc… cứu trợ rất hài! Có đoàn kéo về hơn chục người, vị nào vị nấy áo vét cà vạt bóng loáng, tiền cứu trợ có… vài triệu, nhưng cứ ngồi mãi ở hội trường để chờ truyền hình đến quay. Có sao này, hoa hậu nọ, người mẫu kia kéo cả đoàn nhà báo hùng hậu hơn chục tay máy ảnh và camera về làng, lôi hết các cụ già đến những đứa trẻ còn đang chít vành khăn tang trắng trên đầu ra dàn hàng ngang trước bàn thờ nghi ngút khói hương để trao phong bì và quay phim chụp ảnh.
Đó là những hình ảnh phản cảm mang danh lòng tốt. Có trăm ngàn cách trao. Đâu cứ nhất nhất phải kéo những đứa trẻ đầu vấn khăn tang ra xếp hàng trước bàn thờ nghi ngút khói hương để trao tiền?
Nực cười đến mức năm rồi có đến gần chục sao gồm các hoa hậu, người mẫu, diễn viên, ca sĩ… nổi hứng nghĩ ra trò cởi áo tụt quần chụp ảnh nuy để làm… từ thiện!?
Choáng! Sau những màn nuy gây sốc mang danh từ thiện ấy, dường như các sao có vẻ nổi tiếng hơn, các sô biểu diễn, quảng cáo dồn dập hơn. Chỉ có số tiền mà họ tuyên bố “từ thiện” không ai biết thực tế là bao và nó có thật đến với người nghèo?
Lòng tốt thì chẳng nên phô khoe. Từ thiện mà cứ hô toáng lên, cứ trống giong cờ mở thì có khi phải ngoái nhìn lại xem cái gì đang che núp sau những tấm áo mang danh thiện nguyện. Một xã hội mà ngay cả lòng tốt cũng bị nghi ngờ, cũng bị diễn trò thì hình như loạn mất rồi.
Người dân nghèo khó đã cần được cứu trợ, giúp đỡ sẻ chia, nhưng đừng biến họ thành những đối tượng để diễn trò PR lòng tốt!
Trương Duy Nhất
04-10-2010
Theo Blog Trương Duy Nhất
Gửi ý kiến của bạn