Mọi nguồn tin về Hồ Hải, đến nay vẫn quá ít ỏi. Không gì hơn ngoài mấy dòng "thông báo bắt" trên website Công an TP HCM. Sự lên tiếng ủng hộ anh, cũng là quá ít ỏi và trầm lắng, so với Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và các trường hợp trước.
Nguyễn Ngọc Già cũng vậy. Sau những dòng tin ít ỏi về phiên toà, dường như không biết gì hơn.
Không thấy sóng, không biểu ngữ băng rôn, không thấy ai xuống đường, không nghe những cuộc bão giông mang tên Hồ Hải, Nguyễn Ngọc Già.
Luật sư Lê Công Định gọi đó là "những người tù cô đơn". Chữ "cô đơn" nghe đau quá. Vâng, đành rằng cô đơn. Nhưng tôi muốn gọi sự "cô đơn" ấy là thầm lặng- những tù nhân thầm lặng. Nghe nó nhẹ nhàng và - bớt đau hơn.
Có thể, vì Nguyễn Ngọc Già chọn cách náu mình. Hoặc một Hồ Hải hay đụng chạm, "gây thù chuốc oán" quá nhiều, với chính giới tranh đấu. Nhưng suy cùng, dù phương cách nào, lặng im náu mình như Nguyễn Ngọc Già hay sùng bái cuồng dại thờ tôn cả "thằng X" khốn kiếp như Hồ Hải, thì mục tiêu, cái đích các anh vươn tới cũng cùng với lựa chọn của chúng ta.
Cũng như đốn ngã gốc cây, cần những nhát dao từ nhiều phía.
Có thể, chính họ đã chọn cách "thầm lặng" cho mình. Nhưng chúng ta không được phép lặng im. Cũng như Lê Công Định, tôi hiểu và thấu cay sự cô độc trong tù. Nhất là thời đoạn biệt giam, một mình trần trũi trên bệ xi măng với 4 bức tường bịt bùng xám xịt. Bạn để chơi, để trò chuyện không gì ngoài mấy con thạch sùng, cùng đám kiến.
Thông tin, may mắn cũng chỉ đoán định bằng cách đọc báo Nhân Dân, dăm hôm vài bữa quản giáo nó nhét cho một tờ, xem rồi suy ngược. Trang 8, mục "bình luận - phê phán", thấy báo Nhân Dân chửi đánh cái gì thì cứ suy ngược lại để đoán tình hình thế sự bên ngoài.
Không gì hơn. Tù lâu như Hải Điếu Cày, phải nhờ đến khi tôi vào Trại 6 truyền lại mới biết "đồng chí X" là ai, "một bầy sâu" là lũ nào và "Bên thắng cuộc" viết cái gì, ai viết, tác giả Osin là ai...
Cũng may, Hải Điếu Cày và tôi là những trường hợp biết làm thông tin, dù đã trong tù. Còn không, coi như bịt bùng, cô độc.
Nói vậy, để hiểu và thấm hơn cái khao khát tiếp nhận, dù chỉ là một nguồn tin nhỏ nhoi từ bên ngoài. Nhớ khi còn biệt giam ở trại B14, có cậu Khánh (người Hải Phòng) buồng sát bên. Nó kể, mỗi sáng thứ Bảy, dịp trại cho người nhà tiếp tế thức ăn, cứ áp tai vào tường nghe tiếng những bước chân vọng bên ngoài rồi đoán mong tiếng chân mẹ mình. Hơn năm trời, không người thăm gặp, không quà không tin (chẳng hiểu vì sao). Có hôm, mưa bão quá, nghe nó đọc thơ vầy:
"Lá rơi thôi cũng ngờ tiếng chân mẹ
Mưa bão thế này chắc mẹ chẳng đến đâu..."
Đại khái thế, tôi không nhớ nhiều.
Một sự ngóng chờ, như không gì có thể cô độc hơn.
Nhớ hôm nghe tôi nhận thư con gái, nó gõ tường gọi bảo "anh đọc cho em nghe với, em thèm nghe ai đó đọc thư, dù không phải thư của mình". Hình như, tôi đọc mà run cả môi. Nó áp tai vào tường nghe, rồi nhẩm đến thuộc lòng. Buồn cười, nó bảo "con gái anh viết như thơ, em phổ nhạc nhé". Rồi nó xịch xình tính tang hát như nhạc thật. Hình như nó vui lây. Mấy dòng giản đơn của đứa con gái viết cho mình cũng khiến nó như thêm... sức mạnh. Chả là mấy hôm trước, nó bảo sốt, cảm ho nằm lì suốt tuần.
Vâng. Những sợi dây gắn kết ấy, không chỉ làm chức phận truyền tin, cho những tù nhân như chúng tôi ít nhiều đoán định được thế cuộc bên ngoài, mà hơn cả - nó cho chúng tôi thêm sức mạnh, thêm niềm tin.
Dấn thân là chấp nhận. Cái giá cô độc ấy, đâu phải không lường đoán được. Nhưng họ vẫn lựa chọn và chấp nhận cho mình.
Ngoài Nguyễn Ngọc Già, Hồ Hải, còn thêm những ai?
Tôi, Lê Công Định, Hải Điếu Cày, và nhiều, rất nhiều những bạn tù khác... có được cái may mắn không đến nỗi cô độc thế. Nhưng sự cô độc ấy, không phải là chúng tôi không ngấm. Ngược lại, càng vậy, nhìn số phận và tấm gương những tù nhân thầm lặng càng khiến mình đau.
Có thể, họ chọn cách thầm lặng. Có thể, con đường và phương cách họ chọn khác chúng ta. Cứ giả vậy đi. Nhưng vì mục tiêu và đích đến chung, không ai trong chúng ta được phép im lặng. Đặc biệt, khi họ đã rơi vào chốn ngục tù cô độc ấy.
Sự lên tiếng của chúng ta nhiều khi cũng chẳng thay chuyển được gì, không cứu được các anh. Nhưng nó cho các anh, cho thân nhân của họ, và cho cả những người đang tranh đấu đang dấn thân hiểu rằng: Họ không cô đơn. Đó là sức mạnh, cho họ, và cho chính chúng ta.
Trương Duy Nhất
Nguồn Blog Trương Duy Nhất