BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73458)
(Xem: 62247)
(Xem: 39438)
(Xem: 31181)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Tu là Phúc hay Họa ?

02 Tháng Mười 201012:00 SA(Xem: 1241)
Tu là Phúc hay Họa ?
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
 Người xưa hay nói: tu là cội phúc. Nói thì vậy, nhưng muốn tìm ra nguồn hạnh phúc bằng cách đi tu thì không phải là chuyện đơn giản.

 Theo đạo Phật thì người tu sĩ muốn đắc đạo phải từ bỏ tham, sân, si. Bên Kitô giáo thì mọi người đều biết Chúa đã dạy rằng không ai có thể phục vụ hai người chủ: không thể vừa làm tôi tớ của Thiên Chúa mà lại làm tôi tớ tiền bạc. (Matthew 6:24). Từ nguyên lý đó, linh mục và tu sĩ thuộc nhiều dòng tu trong giáo hội Công giáo La Mã bắt buộc phải có lời hứa sống trong sự nghèo khó (vow of poverty) theo đúng luật nhà dòng.

 Nói chung, người đi tu trong đạo nào cũng phải từ bỏ vật chất thế tục thì mới mong tìm được cội phúc như ông bà mình thường nói. Trái lại, đi tu mà còn vương vấn chuyện tiền bạc hay của cải thế gian thì chẳng những không hy vọng gì tìm được hạnh phúc, mà không chừng lại gây họa cho bản thân và cho kẻ đồng tu, điển hình như trường hợp của Linh mục Nguyễn Thuận thuộc Dòng Đa Minh, hiện là chánh xứ nhà thờ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam thuộc giáo phận Phoenix, Arizona.

Qua truyền thông của người Việt ở hải ngoại, nhiều người khắp nơi gần đây chắc đã nghe biết vụ Lm Thuận đang bị một số giáo dân và đồng hương Việt Nam tại Phoenix chống đối dữ dội vì đã cấm treo cờ Việt Nam Cộng Hòa trong khuôn viên ngôi nhà thờ đồ sộ được tạo dựng bởi công sức của giáo dân Việt Nam tị nạn cộng sản, vừa được khánh thành hồi tháng Tư vừa qua. Quá phẩn nộ vì chuyện này, một số giáo dân sau đó đã bất ngờ khui ra chuyện Lm Thuận đi tu mà vẫn còn vương vấn quá nhiều bụi bặm của thế gian, nào là mua bán nhà đất, nuôi chim, nuôi chó để bán cho giáo dân (!?), tiền bạc chi thu không hề báo cáo, đặc biệt trong các chi phí xây cất nhà thờ, thường xuyên đi về Việt Nam mỗi năm nhiều lần suốt tám năm qua để mua bán, v.v… cùng với vô số chuyện phàm phu tục tử khác. Trong lúc nhiều người tố cáo Lm Thuận thì một số khác lại bênh cho ông. Tình trạng này khiến cộng đoàn người Công giáo Việt Nam tại Phoenix đang lâm cảnh phân hóa trầm trọng, gây ảnh hưởng rất bất lợi cho đời sống tâm linh của mọi người. Các cấp bề trên thẩm quyền cũng đã được thông báo tự sự, nhưng cho đến nay chưa thấy có biện pháp cụ thể gì để giải quyết vấn đề.

Linh Mục Nguyễn Thuận là Ai ?

 Linh mục trong đạo Công giáo La Mã (Roman Catholic) gồm hai nhóm: Nhóm thứ nhất gồm những linh mục đặt dưới sự cai quản của giám mục tại các giáo phận, còn được gọi là linh mục Triều (diocesan priests), thường phụ trách công việc của những nhà thờ trong giáo phận. Nhóm thứ hai là linh mục trực thuộc những dòng tu, còn được gọi là linh mục Dòng (religious order priests), có thể hoạt động khắp nơi theo nhu cầu và sự chỉ đạo của bề trên nhà dòng. Một phần ba số linh mục Công giáo tại Hoa Kỳ và Canada hiện nay là linh mục Dòng. Vì nhu cầu mục vụ, nhiều linh mục Dòng cũng được nhà dòng gửi đi phụ trách các họ đạo nếu có sự yêu cầu của Giám Mục tại các địa phương. Trong trường hợp này, linh mục Dòng sẽ vừa trực thuộc nhà dòng và cả giám mục nơi phục vụ.

 Lm Nguyễn Thuận thuộc Dòng Đa Minh (Order of Preachers/Dominicans), là một dòng tu Công giáo được thành lập từ thế kỷ thứ 13 tại Pháp. Tổng Quyền (General Curia) của Dòng Đa Minh có trụ sở tại Roma, là cơ cấu tối cao quản trị các Tỉnh Dòng (Provinces) tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Tỉnh Dòng tại Việt Nam. Mỗi Tỉnh Dòng có thể thành lập các Phụ Tỉnh theo nhu cầu phát triển. Bề trên Tổng Quyền (Master of the Order) Dòng Đa Minh được bầu lên bởi một đại hội quy tụ các Bề Trên Tỉnh Dòng (Prior Provincials) từ khắp thế giới, phục vụ với nhiệm kỳ 9 năm.

 Khi cộng sản chiếm miền Nam vào năm 1975, một nhóm các linh mục thuộc Tỉnh Dòng Đa Minh Việt Nam ra đi tị nạn và định cư tại Bắc Mỹ. Nhóm này muốn tiếp tục đời sống tu trì nhưng không muốn đặt mình dưới hệ thống các Tỉnh Dòng tại Mỹ và Canada, đã được Tổng Quyền cho phép sinh hoạt như một Phụ Tỉnh Miền (Regional Vicariate) lấy tên là “Phụ Tỉnh Miền Thánh Vinh Sơn Liêm” (Phụ Tỉnh Miền) trực thuộc Tỉnh Dòng ở Việt Nam, với trụ sở tại Calgary, Alberta, Canada.

 Đầu thập niên 1990, Lm Thuận (lúc bấy giờ chưa được thụ phong) đến Canada và gia nhập vào nhóm Phụ Tỉnh Miền tại đây. Ông được thụ phong linh mục dòng Đa Minh vào năm 1993, cùng với Lm Trần Trung Liêm, nay đang giữ chức vụ bề trên của Phụ Tỉnh Miền. Vài năm sau khi thụ phong, Lm Thuận được cử đến làm việc cho giáo phận Phoenix tại Arizona, và từ đó đến nay phụ trách mục vụ cho giáo dân người Việt ở đây theo một hợp đồng dài hạn ký kết giữa giáo phận Phoenix và Phụ Tỉnh Miền.

 Chuyện Cấm Treo Cờ Vàng

 Trang web bằng Anh ngữ của Phụ Tỉnh Miền trong phần giới thiệu nguồn gốc hình thành, có đoạn ghi rằng cả hai Lm Nguyễn Thuận và Trần Trung Liêm là “…tu sĩ Đa Minh người Việt Nam đã rời quê hương và đến đây như là những người tị nạn, làm tăng thêm con số linh mục của Phụ Tỉnh Miền” (nguyên văn: “…Vietnamese Dominicans who had left the country and came here as refugees, also added to the numbers of friars of the Vicariate”).

 Sự thể trên đây cho thấy Lm Thuận đã từng là người tị nạn, và khi đến Bắc Mỹ đã gia nhập nhóm các tu sĩ Đa Minh thuộc Phụ Tỉnh Miền, vốn được hình thành bởi các linh mục Đa Minh đã bỏ Việt Nam ra đi tị nạn cộng sản. Dầu vậy, không biết có phải do hậu quả của hàng mấy chục lần đi về Việt Nam trong suốt những năm vừa qua, hay vì một động lực thầm kín nào khác, Lm Thuận đã đành đoạn chối bỏ căn cước tị nạn cộng sản qua việc cấm treo lá cờ vàng ba sọc đỏ trong nhà thờ, khinh rẻ biểu tượng thiêng liêng của người Việt yêu chuộng tự do trên khắp thế giới.

Tuy nhiên, mặc dầu đang bị giáo dân chống đối dữ dội vì cấm treo cờ Việt Nam Cộng Hòa trong nhà thờ, hành động này của Lm Thuận thật ra không có gì là sai trái trên bình diện pháp lý lẫn giáo luật Công giáo. Chỉ e rằng Lm Thuận sẽ rất khó mà làm sáng tỏ trước luật đạo và luật đời về một số sự kiện liên quan đến cá nhân ông mà giáo dân vừa mới khui ra gần đây.

 Luật Đạo

 Như đã đề cập ở đầu bài, nhiều dòng tu trong giáo hội Công giáo bắt buộc các linh mục trong dòng phải nhận lời hứa sống trong sự nghèo khó (vow of poverty). Cũng cần biết rằng những linh mục Triều thì không buộc phải có lời hứa này. Nhưng lời thề hứa sống trong sự nghèo khó là một điều kiện rất quan trọng mà linh mục Dòng thuộc các dòng tu đều phải có, và phải giữ trong suốt đời sống tu trì theo đúng luật của nhà dòng.

Một linh mục Dòng khi đã có lời hứa sống trong sự nghèo khó thì sẽ trở thành một cá nhân vô sản, không được phép làm chủ bất cứ thứ gì riêng cho mình. Tất cả tiền bạc nếu có được do đi làm việc hay do ai biếu tặng, đều phải nộp cho nhà dòng. Đổi lại thì nhà dòng sẽ lo hết những gì cần thiết cho đời sống tu trì của các linh mục trong dòng. Mọi thứ vật chất từ nhà ở cho đến xe cộ dùng làm phương tiện di chuyển của các linh mục trong dòng, tất cả đều là tài sản do nhà dòng làm chủ.

Lm Thuận thuộc Dòng Đa Minh và bắt buộc đã có lời hứa sống trong sự nghèo khó. Bản Hiến Chương áp dụng cho các linh mục Dòng Đa Minh trên toàn thế giới (Book of Constitutions and Ordinations of the Friars of the Order of Preachers) có đoạn ghi rõ rằng các linh mục Dòng Đa Minh phải hứa với Chúa không làm chủ và giữ quyền sở hữu bất cứ thứ gì, nhưng mọi thứ phải là của chung và được dùng dưới dự chỉ đạo của bề trên cho lợi ích của nhà dòng và của giáo hội. Không ai được giữ lại cho mình bất cứ thứ gì, hoặc tiền bạc hay thu nhập có được dưới mọi hình thức, nhưng phải giao nộp tất cả cho nhà dòng. (Chapter I, Art. IV – On Poverty – 32-I, II). Khi nhận tiền của giáo dân để cử hành các Thánh Lễ, Linh mục Dòng Đa Minh cũng bắt buộc phải trao hết những số tiền đó lại cho người quản lý tài chánh của nhà dòng để ghi vào sổ sách. (Chapter I, Art. V – On Mass Stipends – 593).

Qua sự tố cáo của giáo dân người Việt tại Phoenix cùng với các chứng từ pháp lý lưu trử tại văn phòng định thuế bất động sản của quận Maricopa (County Assessor) tiểu bang Arizona, quả thật từ nhiều năm qua Lm Thuận với tư cách cá nhân, đã và đang đứng tên giữ quyền sở hữu rất nhiều nhà đất trong vùng Phoenix. Khi bị giáo dân khui ra, chính Lm Thuận đã xác nhận sự kiện này với đại diện tòa Giám Mục Phoenix trong phiên họp hồi đầu tháng Chín vừa qua, nhưng nói rằng ông đã không dùng tiền của giáo xứ để mua những bất động sản đó.

 Là một linh mục Dòng Đa Minh mà lâu nay dùng tên cá nhân để mua và giữ quyền sở hữu riêng một số nhà đất trị giá hàng trăm ngàn đô la, Lm Thuận rõ ràng đã công khai phản lại lời hứa sống trong sự nghèo khó, vi phạm luật của nhà dòng, cũng có nghĩa là Lm Thuận đã phản bội lời hứa thiêng liêng của ông với Đức Chúa Trời.

 Giáo dân Việt Nam tại Phoenix cũng tố cáo những vụ mua bán nhà đất, chim chó, và vấn đề tiền bạc không minh bạch của Lm Thuận trong việc xây cất nhà thờ. Những chuyện này hiện nay còn đang chờ phối kiểm, và sự thật rồi sẽ được phơi bày trong nay mai. Nên biết rằng Điều 286 của Bộ Giáo Luật Công giáo (Code of Canon Law) cấm các giáo sĩ không được đích thân hoặc nhờ người khác kinh doanh mua bán nhằm kiếm lợi cho mình hoặc cho người khác, khi không có phép của giáo quyền hợp pháp. Luật này áp dụng cho cả linh mục Triều và linh mục Dòng.

 Luật Đời

 Luật thuế vụ Hoa Kỳ ngoài việc cho các cơ sở tôn giáo được hưởng quy chế miễn thuế (tax exempt), còn có điều khoản cho phép tu sĩ trực thuộc các dòng tu đã có lời hứa sống trong sự nghèo khó, cũng được quyền miễn khai thuế lợi tức nếu chỉ làm các công việc liên quan đến tôn giáo. Đây cũng là điều hợp lý vì sở thuế IRS tin rằng khi đã có lời hứa sống trong sự nghèo khó, và nếu giữ đúng luật đạo, tu sĩ đâu có tài sản hay lợi tức riêng cho mình mà phải khai thuế. Tuy nhiên, khoản đặc miễn này chỉ áp dụng cho những tu sĩ thật sự trung thành với lời hứa sống trong sự nghèo khó theo đúng luật của nhà dòng. Và sở thuế IRS luôn có những đơn vị đặc nhiệm sẵn sàng điều tra và truy tố những cá nhân lạm dụng luật này để trốn thuế.

 Tóm lại, Lm Thuận là tu sĩ dòng Đa Minh đã có lời hứa sống trong sự nghèo khó mà còn đứng tên chủ quyền một lô nhà đất thì không những đã phạm luật đạo, mà có thể sẽ bị truy tố và nghiêm trị bởi luật pháp nếu đã lợi dụng lời hứa sống trong sự nghèo khó của nhà dòng để hưởng quyền được miễn khai và đóng thuế.

 Con Sâu trong Nồi Canh

 Đạo Công giáo trong thời gian qua đã bị tai tiếng xấu vì nhiều bề trên cố tình che dấu cho các linh mục bị tố cáo có hành động sai trái. Tuy nhiên, đến một mức nào đó thì cấp thẩm quyền trong giáo hội cũng đã phải trực diện và giải quyết vấn đề, vì đó là cách tốt nhất để tránh cảnh “con sâu làm sầu nồi canh.” Trường hợp Lm Thuận cũng không nên và không thể là một ngoại lệ.

 Giáo dân Việt Nam tại Phoenix đang trông đợi các cấp bề trên trong cuộc sớm làm sáng tỏ vấn đề của Lm Thuận, hầu tìm lại sự ổn định cho cuộc sống tâm linh. Như đã trình bày ở phần trên của bài này, Lm Thuận là thành viên của nhóm Phụ Tỉnh Miền có trụ sở tại Canada, được cử đến phục vụ tại giáo phận Phoenix. Vì vậy, người trực tiếp có trách nhiệm kiểm soát các việc làm của Lm Thuận là Lm Trần Trung Liêm, hiện là bề trên của Phụ Tỉnh Miền. Dầu rằng Lm Trần Trung Liêm và Lm Thuận rất thân thiết với nhau vì cùng thụ phong hồi năm 1993, mong rằng Lm Liêm sẽ sáng suốt để chu toàn trách nhiệm và bổn phận đúng theo lời mà ông đã hứa với Chúa khi nhận nhiệm vụ bề trên của Phụ Tỉnh Miền hồi đầu tháng Bảy, 2008.

 Ít ai biết rằng các linh mục trong Phụ Tỉnh Miền lâu nay sinh hoạt ở Mỹ và Canada như một nhóm tự trị và không bị kiểm soát bởi bề trên các Tỉnh Dòng tại địa phương. Tỉnh Dòng mẹ ở Việt Nam thì đang phải đối diện với nhiều khó khăn dưới chế độ cộng sản, làm sao dám kiểm soát những linh mục trực thuộc đang sống ở Mỹ hoặc Canada và được giáo dân nuôi bằng đô la? Vì vậy, mọi sinh hoạt cũng như tiền bạc chi thu của Phụ Tỉnh Miền đều do các linh mục trong nhóm tự quyết định với nhau, và chức vụ bề trên Phụ Tỉnh Miền cũng là do vài chục linh mục trong nhóm họp nhau lại để bầu ra. Trong môi trường quá tự do như vậy, linh mục thiếu Đức Tin bị vật chất cám dỗ rồi phạm luật đạo, luật đời thì cũng không có gì lạ, vì linh mục chẳng qua cũng là xác phàm. Chỉ mong rằng trường hợp Lm Thuận là chuyện có một không hai trong hàng ngũ các linh mục và tu sĩ của Phụ Tỉnh Miền. Và nếu thật là vậy thì bề trên Trần Trung Liêm cần sớm “đóng cửa dạy nhau” để khỏi gây phương hại đến uy tín và công việc mục vụ của các linh mục trong nhóm Phụ Tỉnh Miền nói riêng, và dòng Đa Minh Việt Nam nói chung.

 Điều mà Lm bề trên Trần Trung Liêm cần lưu ý là vấn đề của Lm Thuận tại Phoenix hiện nay vẫn còn là một xì-căn-đan giới hạn trong cộng đồng người Việt ở Phoenix, nhưng nếu không sớm được giải quyết thì sẽ có cơ trở thành đề tài cho giới truyền thông người Mỹ khai thác, tạo dư luận rất bất lợi cho Phụ Tỉnh Miền mà ông đang giữ chức bề trên. Trong mấy ngày qua, phóng viên của báo Arizona Republic cũng đã bắt đầu liên lạc với một vài giáo dân Việt Nam tại Phoenix để tìm hiểu về những lời tố cáo liên quan đến Lm Thuận, và đang theo dõi sát vụ này.

 Nếu vấn đề của Lm Thuận không được sớm giải quyết thỏa đáng, chắc chắn là còn thêm rất nhiều chuyện sai trái của Lm Thuận sẽ được giáo dân tiếp tục khui ra. Và khi sự thể này trở thành đề tài cho giới truyền thông Hoa Kỳ khai thác, vấn đề của Lm Thuận cũng rất có thể sẽ là lý do chính đáng để các Tỉnh Dòng Đa Minh của Mỹ và Canada phải lên tiếng. Từ đó, Tổng Quyền tại Roma cũng có thể phải xét lại sự hiện hữu của nhóm linh mục Việt Nam lâu nay sinh hoạt riêng rẽ ở Bắc Mỹ dưới cái gọi là Phụ Tỉnh Miền của Tỉnh Dòng Đa Minh tại Việt Nam. Cũng nên biết rằng vào 1985, các Tỉnh Dòng Đa Minh tại Hoa Kỳ, Canada và Mexico đã từng cùng nhau đệ đơn yêu cầu Bề Trên Tổng Quyền giải tán Phụ Tỉnh Miền, với lý do sự hiện diện của nhóm này là không cần thiết.

 Thật ra, các linh mục người Việt thuộc Dòng Đa Minh, và các Dòng tu khác ở hải ngoại, vẫn có thể tiếp tục cuộc sống tu trì để phục vụ Thiên Chúa và tha nhân bằng cách đặt mình trong hệ thống các Tỉnh Dòng tại nơi cư trú, không nhất thiết phải lập nhóm riêng rẽ và tự trị. Và đó có thể cũng là cách hữu hiệu giúp cho giáo dân tránh được cảnh hoang mang, phân hóa như tình trạng của Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam tại Phoenix từ suốt mấy tháng nay.

Phải chăng qua vụ Lm Nguyễn Thuận tại Phoenix, người ta sẽ thấy ứng nghiệm lời Chúa Kitô trong Thánh Kinh: “Hãy trả lại cho Caesar những gì của Caesar, và trả lại Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa.” ( Matthew 22:21).

 Tom Huỳnh, J.D.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn