BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73502)
(Xem: 62250)
(Xem: 39444)
(Xem: 31185)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Chuyện kể mua vui

01 Tháng Mười 201012:00 SA(Xem: 2574)
Chuyện kể mua vui
52Vote
40Vote
30Vote
21Vote
10Vote
43
Mấy lời cùng độc giả

Đây là truyện ngắn được lấy làm tên cho cả tập truyện mới nhất của nhà văn Tạ Duy Anh, gồm 11 truyện (9 truyện đã in trên các báo trong nước, trong đó có “Thi tuyển khùng”, “Cổ tích mới” được nhiều độc giả coi là những truyện ngắn hay nhất trong vài năm trở lại đây), khoảng gần 300 trang, dự định ra mắt bởi Nhà xuất bản Hội Nhà văn và nhà sách Bách Việt vào tháng 4 năm 2010, hoạ sĩ Lê Thiết Cương vẽ bìa. Nhưng khi tập sách chuẩn bị xuống nhà in thì nhà văn giám đốc Trung Trung Đỉnh (mới trúng Ban Chấp hành Hội Nhà văn), bất ngờ cử người đến gặp ông Lê Thanh Huy rút lại giấy phép mà không giải thích lý do. Vậy là cùng với tiểu thuyết Sinh ra để chết, lại có thêm một tập sách nữa của Tạ Duy Anh không thể in được trong nước (trớ trêu thay tác giả của nó đang là biên tập tại một nhà xuất bản có tiếng là mạnh mẽ và luôn được nghe ông Chủ tịch Hội – cơ quan chủ quản hô hào: phải viết hết mình, đừng tự biên tập). Nhân dịp toàn Đảng toàn quân toàn dân đang rầm rộ kỷ niệm Đại lễ ngàn năm Thăng Long tốn bạc tỷ Mỹ kim và được nhà văn Tạ Duy Anh cho phép (theo kiểu của ông: muốn in chỗ đéo nào cũng được), chúng tôi quyết định gửi truyện ngắn này đến talawas.

Vũ Hữu Sự

_________



Thân tặng Phan Thế Hải

Chuyện này tác giả có chủ ý rõ ràng là chỉ để mua vui cho những người lao động chân tay (dân gian quen gọi là Cửu vạn, còn thuật ngữ chính trị thì gọi là Vô sản) ngồi, nằm ngổn ngang chờ tương lai trên cầu Mai Động, lối rẽ về đường Lĩnh Nam, nơi tác giả ngày ngày qua lại và được tận mắt chứng kiến.

Và cũng để kỷ niệm 1000 năm Thăng Long của nước Đại Việt.

Một hôm, trong lúc ngồi uống trà và ngẫm ngợi, Thượng Đế bèn liếc xuống hạ giới, nơi từ lâu ngài chả muốn ngó ngàng vì có quá nhiều chuyện làm ngài ngứa mắt. Ngài bỗng bắt gặp cảnh tượng lạ: Hàng ngàn hàng vạn người cứ ken vào nhau thành một dòng dài vô tận, y như đàn kiến. Chỉ khác kiến là dòng người ai nấy đều đầy vẻ bực bội, gườm gườm nhìn nhau. Thượng Đế bèn cho gọi thư ký đến để hỏi cho rõ chuyện gì đang xảy ra. Thư ký lôi ra tấm bản đồ, rê tay tìm vị trí rồi nói:

“Muôn tâu Thiên Vương, cứ theo như trên bản đồ thì điểm đang xảy ra sự việc là Hà Nội và ở đó đang xảy ra một vụ tắc đường.”

“Việc đó có thường xuyên không?”

“Dạ thưa, đó là việc diễn ra hàng ngày.”

“Có nguy hại gì không? Là ta muốn biết, việc đó tốt hay xấu?”

“Đương nhiên không ai muốn việc đó xảy ra cả.”

“Nghĩa là việc không hay rồi. Thế tại sao lại cứ để ngày nào cũng xảy ra?”

“Dạ thưa, chuyện đó thì chỉ có thể hỏi những người làm quản lý giao thông thôi ạ. Như chúng thần được biết thì họ cũng làm hết cách mà việc ùn tắc không giảm, thậm chí ngày một gia tăng. Nếu không có biện pháp thì hậu quả rất khó lường.”

“Theo các ngươi thì nên làm thế nào? Chả lẽ hết cách. Thôi thì bọn người trần mắt thịt không nghĩ ra, nhưng chả lẽ đến thần thánh như các ngươi cũng bó tay sao?”

Nghĩ một lát, mọi người bảo:

“Cách thì cũng có nhưng hơi nhiêu khê, chả biết Thượng Đế có ân chuẩn cho không?”

“Các ngươi cứ trình bày ta xem.”

“Thượng Đế nên mở một cuộc sát hạch, gồm toàn những kẻ đang quyết định tốt hoặc xấu đến vận mạng của cái đám chúng sinh dưới trái đất. Làm thế là làm một công đôi việc. Thứ nhất có thể ai đó sẽ có giải pháp thì coi như nạn tắc đường ở Hà Nội và các nơi khác không còn là vấn đề nghiêm trọng làm bẩn mắt ngài. Nhưng cái đích thứ hai là nhân đây ngài có thể biết cái đám tự coi mình là tinh hoa có thực sự là tinh hoa hay không?”

Thượng Đế trầm ngâm một lát rồi bảo:

“Ta cũng đang muốn có trò gì hứng thú một chút đây chứ cứ uống trà mãi, nghe tâu bẩm mãi cũng chán. Được, ta đồng ý, cũng là dịp ta bí mật quay lại thế gian xem công cuộc giáo hoá của ta đến đâu, trước khi ta đưa ra quyết định có nên xoá sổ cái đám ấy lần nữa không? Cho tiến hành khẩn trương.”

Ngay lập tức giấy triệu tập được gửi cho 5 thí sinh theo danh sách trích ngang như sau. (Để có cái danh sách này, ban tham mưu của Thượng Đế đã phải họp lên họp xuống khá căng thẳng mới đi đến thống nhất):

1. Mr Gioóc, có biệt danh là Cao Bồi, Chúa đảo.

2. Tào Khôn Nản, hậu duệ 888 đời của Tào A Man, thường gọi là Tào Xếnh Xáng, lái buôn.

3. Cùn (dịch nghĩa ra tiếng Việt), chưa rõ quốc tịch, nghiên cứu sinh đề tài “hiện đại hoá mô hình V.A.C”.

4. Papai, biệt danh Pốp, cựu chuyên gia quy hoạch.

5. Dici K, cán bộ Ban Phi Vô.

Trừ thí sinh thứ năm vốn là dân bản quốc không nói làm gì, còn lại bốn người kia, đều là dân ngoại, sở dĩ được Ban tham mưu của Thượng Đế chọn vì họ đều đã từng đến Hà Nội, từng có nhắc đến chuyện đi lại ở đây, nghĩa là có liên quan ít nhiều đến giao thông ở Hà Nội, nơi sẽ diễn ra cuộc sát hạch.

Đề bài của cuộc sát hạch như sau: Hãy giải toả một cuộc ùn tắc giao thông ở Hà Nội được in bằng 5 thứ tiếng mặc dù hình như điều đó không cần. Điều kiện đi kèm: Thí sinh có toàn quyền đưa ra các giải pháp, được hỗ trợ tối đa, có quyền đem theo tham mưu hoặc người thân trong gia đình.

Các thí sinh, người trước người sau, đã nhanh chóng có mặt ở Hà Nội và đều trong tình trạng sức khoẻ tốt.

Bây giờ, trước khi xemThượng Đế tiến hành cuộc sát hạch, ta hãy điểm mặt qua các thí sinh.



Trước tiên là Mr Gioóc.

Với đường phố Hà Nội thì ít nhất đã một lần lão thong thả tản bộ cùng vợ và được hít thở thoải mái nên không sợ bị dị ứng mùi khiến có thể ảnh hưởng đến cuộc thi như Ban tổ chức luôn lo ngại. Hôm đó lão và vợ vừa đi vừa ngắm cảnh vừa thưởng thức món kem trộn cốm Vòng và trao đổi với nhau về đủ thứ chuyện mà không sợ bị quấy rầy. Lão hoàn toàn hài lòng khi nhẹ nhàng hỏi vợ:

“Em thấy cái xứ này thế nào, có vừa ý mình không? Nếu mình không vừa ý thì anh cũng biến ngay.”

Không đợi vợ lên tiếng, lão nói tiếp:

“Anh thì thấy hoá ra mọi việc cũng tốt đẹp. Cứ tưởng đá phải tới tấp choảng về phía anh – bét ra thì cũng là trứng thối và nghe nói thứ đó ở đây sẵn lắm - đến nỗi anh đã thủ sẵn cả cho em một cái mũ bảo hiểm loại tốt, tức là chả may có bổ xuống đường thì xốp vẫn còn nguyên. Thực lòng anh nghĩ, nếu điều đó xảy ra anh cũng không oán trách họ vì ông cha mình ăn mặn, mình khát nước là luật đời. Nào ngờ anh đã lo hão, không cần dùng đến mũ và anh đã bí mật gửi ở phòng lễ tân khách sạn Sheraton. Đã thế bọn họ còn mỉm cười với vợ chồng mình nữa kìa, em xem đấy, bất cứ ai cũng tỏ vẻ như chờ vợ chồng mình từ lâu, điều mà anh đã chẳng thấy ở đâu trong suốt cả tuần qua. Bọn Tuốc chết tiệt, quân ăn cháo đá bát còn giở trò phù thuỷ định dùng bùa ngải nguyền cho anh chết nữa mới thật là tệ. Một thằng cha ba hoa dám khẳng định anh sẽ không thể thoát tay ông ta. Nhưng em thấy đấy, Chúa luôn ở bên anh. Mấy con mụ lắm mồm, ếch ngồi đáy giếng ở Nam Dương thì chả chấp làm gì. Cơm chả đủ ăn lại cứ chõ vào chuyện chính trị, rõ chán! Nhưng ngay như tại những nơi anh thật tình muốn mọi điều tốt cho họ mà chúng nó cũng la ó anh, em bảo có bất công không? Có lẽ khá nhiều kẻ muốn anh chết nhưng mà đã thế thì còn lâu nhé! Anh mà chết thì lịch sử cũng đứt đoạn, đừng có đùa với Cao Bồi nhé. Thế mà” – lão tự dưng nói lắp vì xúc động – “tại cái nơi anh ngại nhất, thật tình anh ngại quá đi mất chỉ có điều anh phải làm ra bình thường để em bớt căng thẳng, thì hoá ra mọi sự cứ mát như thạch ấy em nhỉ. Ai gặp vợ chồng mình cũng toét miệng ra cười, mà không hề là cười mỉa đâu nhé, về chuyện đó thì em tin anh đi. Xem ra mọi người quên chuyện cũ rồi. Biết thế này anh đã đến và ở tịt đây suốt chuyến xuất ngoại, vừa được nghỉ ngơi, chả phải nghĩ ngợi quái gì, không lo khủng bố mà lại vừa được thưởng thức món càng cua bách hoa ngon thế không biết. Lạ nhỉ, không ai nghĩ người ta có thể vừa tạo ra phở phoóc môn, nem bì lợn thối, quẩy chiên mỡ cặn… vừa tạo ra loại thức ăn thuộc hàng cao lương mỹ vị thực sự. Họ có vẻ hay đấy. Anh đâm phải lòng cái xứ này rồi. Nói đổ xuống sông xuống biển nếu chả may anh bị bắt buộc phải đi tị nạn thì Hà Nội sẽ là nơi đầu tiên anh nghĩ đến. Vợ chồng mình chỉ cần một căn nhà bên Hồ Tây, ngày ngày ăn xong đi dạo, ngắm hoa lục bình, chả sướng lắm sao, cần quái gì phải nhà cao cửa rộng, trang trại này nọ. Ăn hết nhiều chứ ở là mấy.”

“Phỉ phui cái miệng anh đừng có nói gở thế. Nhưng đúng là em cũng thấy bất ngờ” – vợ lão chia sẻ – “có điều anh yêu này, em hỏi thật, anh cũng phải nói thật, từ trong sâu xa anh có còn ý định dòm dỏ cái mảnh đất lam lũ nhưng thanh bình này không? Hoặc cụ thể hơn, anh có còn ý định chôm chỉa của họ cái gì nữa không?”

“Chôm chỉa thì không nhưng nhòm ngó thì thực lòng anh cũng không biết trả lời em thế nào. Nhiều khi nó là sứ mệnh của những người như anh. Nói trắng ra thì đến đâu anh cũng phải nhòm ngó. Nhưng nhòm ngó đâu phải là tội. Và từ hôm ở đây anh đã nhìn thấy khối món sộp rồi đấy.”

“Ví dụ?”

“Chỉ ví dụ thôi nhé. Món cá da trơn của họ được đấy chứ. So với mặt bằng giá cả ở mình thì rẻ quá đi mất, rẻ hơn cho. Chỉ vài hào bọ là mâm cơm của người Mỹ đã đủ đạm. Để hôm nào anh thử liều ăn một miếng xem sao. Bọn lười chảy thây nhà mình cứ cả vú lấp miệng em, cậy mạnh mà lu loa lên để ăn vạ chứ cá của họ ngon hơn của mình là cái chắc. Mà anh tin là sạch. Ít nhất thì cũng sạch như cá nuôi bên mình. Dựa trên những tin tức tình báo tối mật, anh có cơ sở để đảm bảo với em là cái thời họ cho cá ăn cứt qua lâu rồi.”

“Anh đúng là nhà chính trị chuyên nghiệp, giỏi né tránh lắm. Cứ nói béng ra là anh thèm cái đất nước này. Nhưng thôi, em là đàn bà, em sẽ không thóc mách nữa, em chỉ khuyên anh, làm gì cũng phải suy tính cho kỹ. Đúng là mọi thứ ở đây thật tuyệt, em đã muốn nói với anh từ hôm đặt chân xuống sân bay và chứng kiến quang cảnh xung quanh kia. Tuyệt nhất là không ai đốt hình nộm anh. Cứ thấy hình chồng mình bốc cháy đùng đùng, đành rằng còn lâu mới động được đến một sợi lông của anh, nhưng là vợ nên em vẫn cứ thấy ghê ghê.”

“Loại người như anh đâu phải ai muốn mà cũng được đám đông đốt hình nộm. Chưa bị đốt hình nộm thì còn oắt con trong nghề lắm nhé.”

“Bọn đàn ông các anh thì thấy thế, còn bọn em, cứ thấy chồng mình không bị ném đá là sung sướng nhất rồi. Đúng là xứ này tuyệt thật. Nhưng sao em cứ thấy khó thở thế chứ?”

“Ừ, anh cũng thấy thế. Sao thế nhỉ? Trời cao rộng thế kia, nhiệt độ rất vừa phải, mọi người ai cũng cười toe toét, tức là thân thiện quá mức” – lão Cao Bồi đưa tay vuốt ngực – “nhưng mà đúng là khó thở quá. Hay tại không khí ở đây ít ô xi.”

“Làm gì có chuyện đó.”

“Có lẽ mọi người thi nhau hít thở nên gây tình trạng thiếu nguồn cung em ạ.”

“Thực ra trong đầu anh có nghĩ như vậy không?”

“Chà, em đúng là… Thôi, không thể giấu được em điều gì. Đúng là anh đang nghĩ khác…”

“Anh không phải nói ra ý nghĩ ấy. Sở dĩ ban nãy em hỏi anh có định nhòm ngó xứ sở này không là đã sẵn có lời khuyên với anh: Đừng có dây vào, chỉ riêng cái việc sắp xếp trật tự giao thông đã không cho anh còn một chút thời gian nào để lo trăm ngàn việc khác chứ nói gì đến thưởng thức món càng cua bách hoa. Anh có rút cả trăm ngàn quân ở nơi này nơi kia về rồi đưa sang đây làm hướng dẫn giao thông cũng không thể dẹp được nạn ùn tắc đâu. Anh tưởng em không chịu quan sát sao: Ở đây chỗ nào cũng tắc. Vợ chồng mình không sớm trở về khách sạn sẽ không có lối mà về bây giờ. Anh thấy không, hình như họ coi tắc đường là niềm tự hào hay sao ấy.”

“Thế em nghĩ từ mấy hôm nay anh chỉ nghêu ngao đi dạo và thưởng thức sự ngưỡng mộ hay sao? Việc họp hành đương nhiên là không quan trọng nhưng việc anh có mặt ở đây không chỉ là vãn cảnh. Anh đã thử đưa ra vài giải pháp chống ùn tắc rồi nhưng chưa thật đắc ý với giải pháp nào nên chưa nói ra. Giao thông mà tắc thì còn nói chi đến những thứ cao siêu khác? Mà họ cứ tắc mãi thế này thì lợi ích của mình cũng không rõ ràng em ạ.”

“Anh muốn đưa ra giải pháp nào là quyền của anh nhưng em muốn trong đó có yếu tố đảm bảo tự do đi lại đấy nhé. Đừng có gom tất cả vào một chỗ.”

“Em yên tâm, giải pháp của anh bao gồm cả yếu tố địa lý, lịch sử, nhân chủng học, văn hoá, thói quen cướp thời gian chỗ này để la cà chỗ khác, như là một thứ bản sắc, rồi là thói quen chen lấn, đặc tính khôn lỏi, hay ăn vạ… và một khi nó được thực hiện thì đường thông, hè thoáng, mọi thứ có luồng có lạch. Bí quá thì gọi Tony, tay ấy hơi hấp tấp nhưng thành thật. Anh ta mà giúp thêm vào thì việc gì cũng xong. Em có biết mấy hôm ở đây anh học được ở họ điều gì không?”

“Anh học được điều gì?”

“Về nước rồi anh sẽ thực hành, khi đó em sẽ thấy chồng em cũng tinh quái lắm. Anh cũng sẽ không cho cái đám hỗn hào nhà ta nghĩ linh tinh nữa. Anh sẽ kiểm soát ý nghĩ của chúng nó. Hỗn, nghĩ linh tinh rồi nói linh tinh. Lộn xộn! Đầu mối của hoạ là ai cũng có thể nghĩ linh tinh. Tất nhiên anh cũng sẽ quăng ra một cục nuôi họ như nuôi lũ vẹt ấy. Mà rẻ hơn nhiều, kể cả hàng ngàn đứa. Em hãy hình dung ngày ngày nằm dài trên chiếc ghế mát sa hảo hạng, vừa nhấm nháp ly Whisky 42 tuổi theo kiểu on the rock, vừa nghe từng con vẹt véo von đọc thơ ca ngợi mình, thì anh tin là Hoàng đế Trung Hoa cũng chưa có tay nào được hưởng. Ở đây người ta có hẳn một bộ phận quản lý ý nghĩ có ghê không. Thành thử họ cứ nhàn tênh. Được thua một đối thủ sành sỏi như vậy cũng đáng để thua lắm.”

“À, thôi, em hiểu rồi.”

“Nhưng anh tin là em không thể biết anh học được một câu thành ngữ từ đám thợ ngoã tuyệt như thế nào đâu?”

“Chứ không phải từ đám tinh hoa của họ?”

“Thế em nghĩ thợ ngoã là loại người nào? Là tinh hoa đấy chứ nào phải ai khác. Ở xứ này lạ lắm, sáng kiến, sáng chế toàn từ đám thợ ngoã như em nghĩ thôi… đừng có một là một, hai là hai…”

“Anh mau nói cho em cái câu anh thích đi.”

“Câu ấy thế này: Đâu có đó, thịt chó có lá mơ. Ngẫm kỹ ra thì thấy đó là phương châm hành động của chúng ta trong mọi trường hợp. Tới đây khi bọn Cựu lục địa già nua và đa nghi, một bọn công thần từ trong máu, chất vấn anh bất cứ điều gì, anh cũng sẽ bảo: Đâu có đó, thịt chó có lá mơ. Đúng là lịch sử của họ bốn ngàn năm thật em ạ. Bây giờ thì anh tin. Ngay đến đám thợ ngoã chỉ tay bay tay thước, ráo mồ hôi là hết tiền còn nghĩ ra câu tuyệt như thế cơ mà. Này nhé, vế trước giống như lời trấn an, lời hứa, lời cam kết ha ha. Thế giới ngày nay tồn tại dựa trên những lời cam kết. Đâu có đó, quá đủ về mặt nghĩa, lại đủ để chắc nịch… còn vế sau chính là điều kiện để có cam kết đó. Muốn tôi hứa, muốn tôi cam kết, muốn tôi đảm bảo thì anh cũng phải có động thái tương ứng. Ông mất chân giò thì bà phải thò ra chai rượu chứ. Đừng có mà nóng tính ăn người, mấy ông bạn khôn lỏi. Tuyệt quá là tuyệt. Đúng là cái câu anh đang cần. Nó súc tích đến độ không thể hơn được nữa. Tối nay mình làm tình nhé. Chả mấy khi anh lại có hứng thế này. Rồi thì anh sẽ lại đánh một giấc đẫy như đêm qua. Dễ thường vài năm nay anh mới ngủ ngon thế, cấm có mộng mị linh tinh. Sáng dậy đầu óc nhẹ bẫng. Hay là về già mình xin sang đây nghỉ hưu hả em? Lương hưu của vợ chồng mình, cộng với khoản lợi tức hàng năm… mang sang đây tiêu thì nhất em ạ.”

Gioóc vốn có tính hài hước nên nói xong nháy mắt về phía vợ.

Như vậy là Gioóc đã hoàn toàn sẵn sàng cho cuộc sát hạch. Thậm chí lão ta còn tếu khi mượn một câu trong Truyện Kiều: Kể chi những chuyện dọc đường để tự trấn an mình trước khi vào cuộc.



Người thứ hai là Cùn.

Cùn cũng có tên tuổi hẳn hoi, nhưng vì tính tình không giống, hay cà khịa, đại ngôn, nuốt lời trong nháy mắt nên mọi người gọi như vậy. Cùn không làm nghề gì cố định, có lẽ cũng không biết làm gì nhưng món ngon gì trên đời cũng thích và cũng biết, tuy rằng là sinh viên nhưng có cả bầy gia nhân đi phục vụ. Cùn có tật nói lùng bùng trong miệng vì thế môn tiếng Anh là kẻ thù số một của Cùn. Nghe nói sau mấy năm học như đánh vật Cùn chỉ phát âm rõ nhất từ rocket. Với Cùn thì Hà Nội như là nhà mình. Cùn sang Hà Nội để học cách làm mô hình V.A.C, dự tính sẽ cải biên, hiện đại hoá bằng cách hạn chế tối đa việc ỉa của lợn để nhanh tăng cân. Cùn vẫn thường thích chơi theo kiểu dân anh chị, ngẫu hứng tuyệt đối. Có vài tuyệt chiêu, Cùn thường đem ra kiếm ăn và cũng khá hiệu quả. Phần vì xung quanh họ ngại Cùn liều, phần vì chính họ cũng thương đám gia nhân gầy còm của Cùn chịu đói lây do cái tính không giống ai của chủ. Thành thử mỗi khi Cùn giở rói mấy bảo bối ra, lập tức mọi người bảo nhỏ nhau: Thằng Cùn lại lên cơn thèm thuốc rồi, tống cho nó vài liều để nó yên đi cho. Cùn coi đó như một thứ mưu kế sinh nhai và luôn lên giọng đắc thắng. Mới đây ông bạn hàng xóm, tức là trọ cùng trong một khu, con nhà đại gia, đồng hương với Cùn, có biệt danh là Xe Tăng, do cứ bị tống tiền mãi liền cáu tiết bảo: “Thôi nhé, anh bạn lùn hư hỏng và lười nhác, tiền của không phải là thứ cứ thò tay ra là vơ được. Phải lao động vã mồ hôi ra đấy. Thây mặc anh bạn với ba cái trò dọa dẫm. Có giỏi thì cứ làm tới đi, đây không ngán. Nhưng mà một xu cũng đừng hòng. Ăn boóng thế đủ rồi.” Nghe nói bị đứt bữa, Cùn lồng lộn đi lại và gào lên chửi rủa chua ngoa y như đàn bà. Gào mãi cuối cùng chỉ để chính mình nghe, sợ mất thể diện với đám đàn em vô gia cư, thỉnh thoảng Cùn lào khào dọa: “Ông mà có trong tay một đùm cứt bọc giấy báo thì chúng mày biết tay”. Cùn không mấy khi ra khỏi nhà vì luôn nghĩ có kẻ rình mình ngay đầu ngõ. Trong ý nghĩ của Cùn thì xung quanh Cùn toàn kẻ thù. Trước đây ít giờ, khi Cùn và đám gia nhân chưa đăng ký có mặt, Ban tổ chức vẫn rất lo chẳng hiểu Cùn sẽ đến tham gia cuộc sát hạch như thế nào đây? Hơn nữa, dạo này trông Cùn lại ốm yếu hom hem quá, đít rúm cả lại như gái đẻ bị băng huyết, nghe nói bị bệnh liên quan đến phòng the. Lần xuất hiện gần đây trước đám đông trong một tiệc sinh nhật, Cùn giơ tay lên chào cũng còn khó, cổ ngẳng ra trong khi thở rất khó khăn. Bạn đến thăm cứ ngày một thưa dần – bạn Cùn chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay, xem ra chỉ vờ vịt tỏ ra thân tình chứ trong thâm tâm cũng rất chán Cùn. Họ ngán cái tính cùn của Cùn thì đúng hơn. Bất ngờ nhất với hầu hết mọi người chính là Cùn đăng ký dự thi cuộc thi do Thượng Đế tổ chức. Thường ngày Cùn vẫn chửi Thượng Đế nham nhảm trước mặt đám đàn em.



Người thứ ba là Tào Xếnh Xáng.

Ngài là lái buôn đích thị. Vì ngài luôn Nỉ Hảo với đám thảo khấu – dựa trên quan điểm tiền nào cũng mua được vàng – nên mọi người còn gọi ngài là Tào Hảo Hảo. Ngài bỏ ngoài tai nhận xét rằng, ngài Hảo Hảo xuất hiện ở đâu là ở đó trước sau cũng bất hảo. Ngược lại, với phương châm Hảo Hảo, ngài được mong đợi ở nhiều nơi. Ngài có bộ mặt của một viên thư lại, tướng vô nghì, thâm từ trong ra ngoài, thâm từ dái thâm lên – nói như các cụ xứ Giao Chỉ – nhưng lại không tỏ ra như vậy. Tào Xếnh Xáng không quan cách như đám tiền bối của ngài thường bắt chước tổ tiên coi thiên hạ là phên giậu ngồi xổm ngay cả khi tiếp khách, mà luôn cho thấy ngài là bạn. Nếu cần ngài sẵn sàng đến cả những xó khỉ ho cò gáy, miễn là đắc lợi. Trộm vía vợ ngài không được trẻ đẹp nên ít khi ngài cho đi đâu cùng. Bù lại ngài có mấy gã thủ hạ khá giỏi dịch số. Đến đâu trước hết bọn họ hẵng xem long mạch, tranh thủ yểm được chỗ nào thì yểm luôn, còn lại về nhà nghiên cứu tiếp. Xếnh Xáng đã từng ăn vạ nằm vật ở một nhà khách tại phố Cầu Gỗ nên ngài rất hiểu tình hình giao thông ở Hà Nội. Nếu ngài ra tay dẹp tắc đường thì bài quen thuộc của ngài sẽ là: Gây tắc ở một chỗ nào đó để giải toả chỗ đang tắc. Thế là chỗ đang tắc thì có cảm giác được thông thoáng, còn chỗ mới tắc thì chưa kịp cảm thấy bí bách. Bài đó ngài áp dụng ở mọi nơi và đều rất thành công. Lần gần đây nhất Xếnh Xáng dùng cơm tối ở nhà hàng Đại tửu lầu có món cháo bao tử chuột bạch là thứ dân ngài rất thích. Ngài vừa ăn vừa bàn bạc với đám thủ hạ và nội dung câu chuyện lọt ra và đến tai đám tài xế xích lô như sau.

Mở đầu Tào Xếnh Xáng hỏi đám thủ hạ:

“Các ông thấy mọi người ở đây nhìn tôi thế nào?”

“Rất khó đoán ạ. Chỉ cứ thấy họ cười cười…”

“Họ lúc nào mà chả cười. Nhưng cười có Tam thập lục kiểu…”

“Họ cười đểu là chính.”

“Ấy đấy, thế mới gọi là quan sát chứ. Các ông còn biết thì tôi sao lại không biết điều đó. Nhưng cũng phải thôi, là lái buôn, đã bao giờ bọn mình không đểu với họ đâu. Chỉ riêng việc mình luôn coi họ như đám trẻ con, nay xoa đầu, mai dạy bảo nhưng hở cái gì ra là chôm mất, đã cóc tử tế gì. Nhưng tử tế thì chúng ta đã không là Xếnh Xáng và chả đến đây làm gì ha ha… Ngay như chuyến đi này, nói nhỏ nhé, cũng nhằm đánh quả đấy. Chỉ có điều không buôn vàng buôn bạc, những thứ vớ vẩn, mà là buôn vương.”

“Ngài đã có kế hoạch gì chưa?”

“Về chuyện gì?”

“Về mọi chuyện.”

“Tôi mới chỉ có kế hoạch về chuyện tắc đường. Nhưng tôi hỏi thật, các ông có để tâm đến chuyện đó không?”

“Tắc đường là chuyện của họ, đúng ra là chuyện của mấy cái đô thị tí hon nhếch nhác của họ, bận tâm làm gì cho mệt ạ.”

“Không có chuyện gì ở cái xứ này mà chỉ là chuyện của họ – tôi nhắc các ông lần này thôi đấy nhé. Nếu thế thì tôi và các ông có mặt ở đây làm gì, để hít bụi chắc. Chúng ta không được lơi lỏng mục tiêu mà cha ông chúng ta đặt ra, cho dù việc của chúng ta chỉ là kiếm tiền. Nhưng sẽ phải đồng hoá họ kiểu khác. Vài hôm nay tôi hay lang thang không phải là do tôi rỗi việc đâu. Tôi lúc nào cũng khối việc. Tôi quan sát cách mọi người ở đây chen lấn trên đường. Họ có vẻ rất thích chen lấn. Tức là còn ở giai đoạn vị thành niên, tuổi dễ sa ngã và chúng ta có lợi về điều đó. Thú vị nhất là lọt vào giữa đám tắc đường. Khi đó thứ nực cười nhất là lòng ái quốc. Anh nào hâm hấp mà nói ra điều đó thậm chí có thể ăn đòn hoặc bị mỉa mai cho đến bẽ mặt. Khi đó mọi người hành xử y như đang chạy trốn ngày tận thế. Chen lấn nhau từng xen ti mét. Đèn đỏ đèn xanh cóc có ý nghĩa gì. Tôi còn phát hiện ra khá nhiều điều thú vị khác. Chẳng hạn dân ở đây rất dễ bị vón cục. Họ tôn thờ sự khôn lỏi. Họ rất thích làm rối mọi chuyện lên. Họ thích thú được thấy mọi người cùng khốn khổ như mình. Nhưng điều quan trọng nhất tôi ‘săn’ được là họ rất sợ ma. Hình như với mỗi người ở xứ này luôn luôn tồn tại vài ba bóng ma.”

“Vậy thì chúng ta lợi dụng được gì ở điều đó?”

“Chúng ta, về bản chất, là những nhà thiết kế trò chơi, chúng ta mong điều khiển cả thiên hạ, biết được những điều đó chả tốt lắm ru… ha ha…”

Khi Xếnh Xáng cười trông miệng ngài như miệng một con trăn đang nuốt mồi. Bỗng một quân sư của ngài hỏi:

“Thưa Xếnh Xáng, lúc nãy vô tình ngài nói đến chuyện tắc đường, nếu được nhờ giúp giải toả, thực lòng ngài có định giải toả thật không?”

“Ông biết rồi mà, sao phải hỏi.”

“Tôi biết, ngài biết, trời biết, đất biết, ma quỷ cũng biết… đều không vấn đề gì. Nhưng ngộ nhỡ họ cũng biết nốt thì sao? Hoặc chỉ cần một số trong bọn họ biết…? Đáng ngại nhất là mấy gã trí giả ẩn danh mà ở xứ này họ bị coi là những kẻ khí khái dở hơi. Nguy hiểm nhất là không dùng bất cứ thứ gì để mua được bọn này.”

“Ông làm khó cho tôi rồi, giả thiết của tôi là họ không biết… Còn nếu ông thực sự chưa biết thì tôi nói cho mà nghe, chúng ta chỉ có lợi chừng nào họ còn tắc đường, thậm chí tôi còn đi xa hơn, muốn cho họ tắc tị luôn. Các ông phải ra sức giúp tôi. Chúng ta là lái buôn, cứ cái gì có lợi là cái đó tốt, các ông không được quên điều đó.”

Hôm ấy Tào Xếnh Xáng quyết định dùng bún chả quạt than hoa bất chấp cảnh báo có phoóc môn và phẩy khuẩn tả, uống bia hơi Hà Nội và hát Quan họ. Nghe nói khi về khách sạn thì ngài lại móc ra bằng hết. Ngài mang đến cuộc thi cả một đoàn tuỳ tùng đông đảo và rất thông thạo địa lý.



Người thứ tư là Papai, hay còn gọi là Pốp.

Về Pốp thì không cần phải nói nhiều. Thứ nhất Pốp quá thông thuộc Hà Nội từ thời còn chế độ tem phiếu, ăn tập thể ỉa hố xí hai ngăn. Chính Pốp từng phải dậy sớm xếp hàng ở một quầy thực phẩm phố Cửa Nam để mua cá đông lạnh, cắt ô số 10 trong phiếu hạng E của cô bạn gái là cán bộ địa chính. Nhưng từ khi Hà Nội đông đúc xe cộ, hay xảy ra nạn tắc đường thì Pốp ít đến nên hiểu về tình trạng này có thể còn kém cả lão Cao Bồi. Sở dĩ Pốp cũng có tên vì Thượng Đế cho rằng trong vô số nguyên nhân của nạn ùn tắc, có cả nguyên nhân người ta gán cho là tại Pốp, hy vọng Pốp đưa ra giải pháp khả dĩ theo kiểu người trong chăn biết rận ở chỗ nào. Pốp kiên quyết bỏ ngoài tai chuyện đó. Bỏ ngoài tai lời của người khác là khả năng trội nhất của Pốp. Lần gần đây nhất ở Hà Nội, Pốp giữ bộ mặt khinh khỉnh. Pốp công khai nói chỉ cần tiền, còn lại là vớ vẩn hết. Mọi học thuyết đều là giấy lộn – Pốp khùng lên bảo vậy khi có ai đó chọc tức hỏi rằng, ngài có đọc sách không. Điều Pốp bực mình nhất khi ở Hà Nội là thấy còn khá nhiều người vẫn nhớ và quý Pốp thật sự. Họ vồn vã gọi tên Pốp, cứ như ruột thịt vậy. Rách việc quá! Quý nhau, ôm ấp nhau rất khó nói chuyện tiền bạc. Thà họ cứ đốt hình nộm Pốp cháy đùng đùng có khi lại hay. Sẽ chẳng còn nể nang nhau trong mặc cả. Khi đám phóng viên quây lại phỏng vấn Pốp đem gì đến cuộc sát hạch, Pốp trả lời rất kiêu: Bản thân tôi đã đủ là một giải pháp.

“Ngài thấy Hà Nội thế nào?”

“Tôi thích nhất những pha đánh võng của đám nhuộm tóc xanh đỏ bằng xe máy trên đường, thật là du côn. Thời tôi còn ở đây có mơ cũng chả thấy được. Thay đổi mà các bạn tạo ra ngoạn mục quá.”

“Nhưng chính đó là một trong những nguyên nhân của nạn ùn tắc.”

“Thưa bạn, hai việc khác nhau. Tôi còn kịp biết mỗi năm các bạn có 13 ngàn người sức khoẻ loại một chầu ông bà ông vải, nói theo ngôn ngữ của chính các bạn, thứ ngôn ngữ tôi rất thích, vì giao thông nữa kia. Tôi tự hỏi ngành thống kê của các bạn đã phát triển đến mức ấy rồi cơ à, có thể thống kê đến từng người rồi cơ à, thật ấn tượng. Vì nếu không lầm thì tôi vẫn được biết là các bạn chỉ mới dừng ở hàng con số ngàn.”

“Thống kê thì liên quan gì đến vấn đề chúng ta đang quan tâm?”

“Nếu cứ phải liên quan đến nhau thì tôi xin được nói thẳng, chúng ta liên quan gì đến nhau? Nhưng bạn đã muốn biết thì tôi cũng sẽ nói, chúng ta giống nhau nhất ở ngành thống kê. Chúng tôi từng làm cho cả thế giới ngỡ ngàng từ hơn 40 năm trước, cũng là nhờ thành tựu của ngành thống kê đấy. Khi đó chúng tôi khiến cả thế giới tin rằng, chúng tôi chỉ còn cách Thiên đường khoảng một bước chân nữa thôi.”

“Thế còn bây giờ?”

“Chúng tôi vừa thoát lên từ địa ngục. Nhưng xin bạn đừng đi quá xa thế. Tôi đến đây để tham gia cuộc sát hạch về nạn ùn tắc giao thông, chúng ta vẫn là những kẻ cùng cánh hẩu, đủ chưa?”



Người cuối cùng là Dici K.

K.. là chuyên viên của Ban Phi Vô. K. vốn chẳng có nghề nghiệp gì cụ thể, như phần lớn những nhân viên đồng nghiệp được nhặt về từ khắp nơi. Về mặt văn bằng thì K. là cử nhân. Nhưng từ lâu rồi K. là tiến sĩ và rất có thể, như khá nhiều sếp của K.., đã có hàm giáo sư. Do không có tài liệu nên chúng tôi bỏ ngỏ phỏng đoán này. Vì vậy ta cũng không nên mất thì giờ về bằng cấp của K.. Khi còn ở tỉnh lẻ, K. làm chân loong toong. Vào thời đói kém, K.. kiếm ăn bằng buôn đi bán lại tem phiếu thực phẩm. Sau đó nhờ một bài viết về văn hoá Ngồi xếp bằng của người Việt – trong đó K. chứng minh đó là cách ngồi lịch sự nhất thế giới – mà K. được một đại nhân nhấc lên làm chuyên viên của một Bộ. Tại đây K. vẫn làm chân điếu đóm là chính. Vẫn làm dịch vụ đổi chác cho cán bộ cơ sở về họp hành tập huấn là chính. Rồi không ai nhắc đến K. nữa cho đến khi ông trở thành chuyên viên cao cấp và được biết đến nhờ ở nỗ lực tự học. K. có khả năng diễn xuất vào loại rất tốt, khá thuận lợi với nghề nghiệp hiện tại. Khi cần nghiêm trang thì không ai nghiêm trang hơn K..

Tìm hiều về K. ta không thể lướt qua xem nơi ông ta làm việc, là Ban Phi Vô.

Theo dã sử thì phía Bắc thành Thăng Long có một nơi mấy trăm năm bị bỏ hoang vì nghe đâu vào thời Lý tại đó xảy chuyện loạn luân giữa những người trong hoàng tộc. Vì bị nguyền rủa nên không cây cỏ gì mọc lên bình thường được. Phần lớn chúng có những hình thù rất kỳ quái. Những căn phòng đổ nát tạo nên một vẻ hoang tàn u ám. Cầy cáo, thú bỏ nhà đi hoang, những con vật phản chủ bị tống khứ khỏi cửa mau chóng tìm đến khiến khu đất càng trở nên bị xa lánh. Tại đây luôn luôn xảy ra những chuyện rất bí ẩn. Khá nhiều cơ quan được phân cho miếng đất đó nhưng đều phải xin đổi. Khi Ban Phi Vô được thành lập với chức năng thu nạp những công chức bị các nơi khác đẩy ra nhưng chưa đến tuổi về hưu, rồi tuỳ từng trường hợp sẽ dùng vào việc, theo tinh thần không không thành có, (vì thế mới có tên Ban Phi Vô) cấp trên bèn giao khu đất đó cho Ban Phi Vô để xây trụ sở. Khi bàn đến việc này cũng cãi nhau chán nhưng khi ông phụ trách tặc lưỡi nếu ma quỷ có bắt cả cái đám ấy đi thì càng đỡ cơm nuôi, đỡ đất chôn mới đi đến nhất trí. Nhiều người kể lại, ngôi nhà dựng lên sau này, theo kiến trúc Pháp dành cho Ban Phi Vô, cứ phải thay thợ liên tục vì mỗi tốp chỉ làm một thời gian lại bỏ. Nghe đồn đại khi động thổ cuốc vừa bổ xuống thì thấy phun lên toàn máu là máu. Đêm đêm đám thợ cứ thấy những hình nhân đi lại vật vờ, miệng nhe nanh trắng ởn, ư ử ngâm thơ. Đám trước bỏ đi, đám sau đến cũng lại thấy đúng như vậy. Lại có anh thợ xây tận mắt trông thấy một người mặt to như cái mâm, đỏ như bôi tiết, cổ có yếm. Về sau một cai đầu dài nghĩ ra cách dùng tiết chó tưới đều lên diện tích căn nhà mới không xảy chuyện lạ. Ngôi nhà hoàn thành sau 3 năm. Nó được chia làm rất nhiều ô nhỏ, mỗi ô có đánh số theo lối mật mã. Ngay cả những người thường xuyên ra vào cũng không biết bên trong những căn phòng ấy chứa gì. Phần nhiều đoán là nó chả chứa gì nhưng chính vì thế mà nó thành ra quan trọng. Nhân viên của nó đều được gọi bằng tên các chữ cái và cũng mặc nhiên quan trọng. Vì thế tuy K. không lộ ra khả năng gì đặc biệt, cũng không có ưu thế gì ngoài kinh nghiệm đã làm việc trong ngôi nhà đã kể nhiều năm, mà được trọng vọng ở khắp nơi. Nhiều giai thoại về K. đã giúp ông có tên tham gia cuộc thi với những nhân vật sừng sỏ.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn