BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73466)
(Xem: 62247)
(Xem: 39438)
(Xem: 31182)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Doãn Quốc Sĩ

28 Tháng Ba 20171:13 CH(Xem: 4018)
Doãn Quốc Sĩ
51Vote
40Vote
30Vote
21Vote
13Vote
25
Hưng Việt đăng lại bài viết của Thạch Phương đả kích nhà văn Doãn Quốc Sĩ để độc giả hiểu thêm về một thời khốn nạn của những nhà văn, nhà báo miền Nam Việt Nam sau 1975.

Bồi bút - dư luận viên Thạch Phương là ai ? Có người cho rằng đó chính là bút hiệu của ông Trần Văn Giàu ?

***


Trả lời phỏng vấn của tạp chí Bách Khoa về chủ đề Sống và viết, Doãn quốc Sĩ nói về chủ nghĩa cộng sản như sau : "Tai ách cộng sản vò nát tự do, tàn phá nhân phẩm, chính là mũi thép nhọn sắc mà nhân loại dùng để tự điêu khắc lên khuôn mặt mình theo một lý tưởng mà mọi người hằng mơ ước" (1). Sau này, trong truyện ngắn Chiếc bình (2), một truyện chống cộng sặc giọng côn đồ mà dư luận lúc bấy giờ cho rằng tác giả viết là để đền đáp lại cái ân huệ được người Mỹ cho đi tu nghiệp dài hạn tại Hoa-Kỳ. Doãn quốc Sĩ "tiên đoán " rằng những kẻ cầm bút chống cộng như y sẽ dần dần "biến thành kim cương, răng cộng sản không sao nhá được". Những lời lẽ huyênh hoang một tấc đến trời như thế - kể riêng trong đám bồi bút - đâu phải chỉ có một mình Doãn quốc Sĩ, mà có đến hàng lô hàng lốc. Cho đến những ngày sát gần chiến thắng lịch sử 30 tháng 4, khi mảnh đất dưới chân lũ bán nước đang sụt lở dần từng mảng, báo hiệu ngày diệt vong đã kề bên, mà trên các cơ quan ngôn luận ở tận sào huyệt của chúng là Sài Gòn, người ta thấy không hiếm những lời hùng hổ, ồn ào kêu gào "chống cộng tới cùng", "kiên quyết bảo vệ phần đất tự do còn lại", "quyết tâm chiến thắng cộng sản", v.v... và v.v...

doanquocsy-242x300Doãn quốc Sĩ viết khá nhiều. Không kể những năm bỏ kháng chiến về thành cộng tác với các báo trong vùng giặc Pháp chiếm đóng, chỉ tính từ ngày di cư vào Nam đến khi đất nước hoàn toàn giải phóng, Doãn quốc Sĩ đã viết trên 20 quyển sách, gồm nhiều thể loại. Trong số đó, hơn một nửa là sáng tác. Phần còn lại là sách biên khảo, tiểu luận văn học. Đáng chú ý về truyện ngắn có nững tập : U hoài (3), Gánh xiếc (4), Cánh tay nối dài (5), Trái đắng tràng sinh (6), về kịch có : Trái cây đau khổ (7), Giấc mộng sầu (8), về truyện dài có Dòng sông định mệnh, Đốt biên giới, Sầu mây, về tiểu thuyết có bộ "tiểu thuyết tràng giang" gồm 3 cuốn Ba sinh hương lửa, Người đàn bà bên kia vỹ tuyến, Tình yêu thánh hóa (9), truyện cổ tích có Hồ thùy dương (10), Sợ lửa (11). Đó là chưa kể một số sách giáo khoa do tác giả biên soạn, hoặc cùng biên soạn với vài người khác như Văn học và tiểu thuyết (12), khảo luận về Đoạn trường tân thanh, về Nguyễn Công Trứ, Trần Tế Xương, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Tản Đà, về Tự lực văn đoàn... và một số sách viết cho nhi đồng mà động cơ cũng không ra ngoài cái việc "chuẩn bị cho một thế hệ chống cộng tương lai" - cái thế hệ mà Duyên Anh mơ ước : "thế hệ xăm mình để chống lại miền Bắc xã hội chủ nghĩa".

Tuy cùng một cốt một đồng với Nguyễn Mạnh Côn, Chu Tử, Lưu Kiếm, Tô Văn, Mai Thảo, Phạm Duy... những kẻ đã từng bỏ nhân dân, bỏ cách mạng "dinh tê" về thành từ trong những ngày kháng chiến chống Pháp, sau đó di cư vào Nam sống bằng nghề bồi bút, nhưng Doãn quốc Sĩ không hoàn toàn giống họ. Nếu về mặt ý thức chống đối cách mạng và hận thù giai cấp, Sĩ có nhiều mặt tương đồng, thì về mặt thủ đoạn, bản lĩnh, Sĩ tỏ ra có nhiều mánh lới xảo quyệt và "khôn khéo". Chính nhờ những thủ đoạn tinh và và "khôn khéo" này mà Sĩ đã gây nên một số ngộ nhận về y trong một bộ phận độc giả, nhất là ở một số độc giả trẻ, kinh nghiệm sống chưa nhiều.

Trong những năm đầu của chế độ Diệm - Nhu, phụ họa cho chính sách tố cộng, diệt cộng điên cuồng, có biết bao nhiêu tên bồi bút trong các nhóm Tin Bắc, Bông lúa, Sống, Sáng tạo, Văn nghệ tự do, Phổ thông, v.v... đã bộc lộ hết tính chất điên cuồng, nô lệ : người thì hò hét "Bắc tiến", lấp sông Bến Hải, kẻ dọa kéo quân về chiếm lại thành Thăng Long, người thì thề nguyền với chủ "sẵn sàng có mặt khắp nơi để chống cộng", kẻ khác hết lời xỉ vả những người cầm bút yêu nước là những kẻ "ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản", cần phải tiêu diệt...  Doãn quốc Sĩ vẫn tỏ ra khá "nhũn nhặn". Không một lời hò hét công khai, lớn tiếng, không có tuyên ngôn tuyên bố ồn ào như bọn Vũ Bắc Tiến, Thần Đăng, Cô Thần,... Sĩ thực hiện cái khẩu hiệu "đánh giặc cộng sản bằng vũ khí nghệ thuật", do Ngô Trọng Hiếu, bộ trưởng "Bộ công dân vụ" lúc bấy giờ đề ra, theo một cách riêng. Y làm nhiều hơn nói.

Ngoài việc sáng tác và biên khảo, Sĩ còn chủ trương nhà xuất bản Sáng tạo, và một nhà xuất bản sách nhi đồng. Y còn là sáng lập viên của tờ Người Việt và tạp chí Sáng tạo. Là một bồi bút, Sĩ đã sớm tỏ ra như một tên đầu bếp khôn ngoan, biết pha nấu những món ăn hợp với khẩu vị của chủ trong từng giai đoạn. Chẳng thế mà Doãn quốc Sĩ được bọn cầm đầu chế độ Diệm chọn cho khoác áo sinh viên đi dự hội nghị Liên hoan thanh niên sinh viên quốc tế. Và sau này, trong những ngày phong trào nhân dân chống Mỹ - ngụy dâng lên sôi sục trong các thành phố, thì cơ quan J.U.S.P.A.O đã chọn Sĩ đưa đi "tu nghiệp" dài hạn ở Hoa-Kỳ, nhằm đào tạo thành một thứ "lô cốt tinh thần trên mặt trận đấu tranh ý thức hệ với cộng sản" trong tương lai xa hơn.

Tư tưởng chống cách mạng, chống lại sự nghiệp giải phóng dân tộc quán triệt trong các tác phẩm của Sĩ, dù đó là truyện ngắn hay truyện dài, là kịch tượng trưng hay truyện cổ tích, là "tiểu thuyết trường giang" cả nghìn trang (như Khu rừng lau) hay một vở kịch ngắn viết để "phục vụ kịp thời" trên vô tuyến truyền hình (như Giấc mộng sầu). Doãn quốc Sĩ "lý luận" rằng trong lịch sử hiện đại, dân tộc ta gặp hai cái họa lớn, đó là "họa thực dân" và "họa cộng sản". Nhân danh người cầm bút, y tuyên bố phải "chống hai cái họa  lớn" đó. Nhưng rồi cũng giống như hành động của chủ xướng ra cái khẩu hiệu bịp bợm "đả thực, bài phong, chống cộng", Doãn quốc Sĩ chỉ tập trung mũi nhọn đả kích cùa ngòi bút y vào những ngưới cộng sản và chủ nghĩa xã hội. Có một điều là cây bút chống cộng cộng cột trụ này đã biết ngụy trang ngòi bút một cách khéo léo. Nói một cách khác, phương pháp chống cộng của Doãn quốc Sĩ vừa xảo quyệt, vừa tinh vi. Y biết sử dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật khác nhau để thể hiện ý đồ đen tối chống phá cách mạng của mình. Lúc thì y lợi dụng tính chất châm biếm, hài hước của văn học dân gian để xuyên tạc, bôi đen cách mạng một cách bóng gió, xỏ xiên như truyện Sợ lửa (13), Con mèo trèo lên cây cau (14). Lúc thì y khoác áo một môn đồ Khổng Mạnh, nấp dưới nước sơn triết học Đông phương để luận về "đạo sống", "đạo làm người", biện hộ cho hành động của những nhân vật "lý tưởng", hay để lý giải cho những quan điểm chính trị, quan điểm văn nghệ như trong Dòng sông định mệnh, U hoài, Ba sinh hương lửa, Chiếc bình. Lúc thì Sĩ sử dụng hình thức kịch tượng trưng, truyện cố tích, lối biểu tượng hai mặt, trộn lẫn thực và hư, lập lờ đánh lận con đen để vu khống, đả kích cách mạng một cách cau độc, nhằm gieo rắc những hoài nghi và oán thù trong lòng người đọc nhu Trái cây đau khổ, Con thuyền ma (13), Truyện con tinh đời Trần Phế Đế (14). Lúc thì Sĩ vay mượn đề tài nước ngoài lấy khung cảnh, sự kiện cửa địa bàn đó để nói về vấn đề thời sự - chính trị nóng hổi trong nước như Gánh xiếc (15), Tiếng đàn của người sinh viên Budapest (16). Và, cũng có khi từ những sự kiện nhỏ nhặt trong cuộc sống, từ một vài chi tiết tình cờ, bất chợt (thường được bịa đặt một cách giả tạo, phi lý), tác giả cường điệu, thổi phồng nó lên, biến thành nguyên nhân chủ yếu tạo nên những bước ngoặt chuyển biến quan trọng của những nhân vật từ trận tuyến cách mạng sang phía thù địch chống lại nhân dân. Có những nhân vật hôm qua còn yêu nước hết mình, hôm sau trờ thành tên phản bội. Đó là trường hợp những nhân vật trong Tiếng địch quê hương, Trăng sao, U hoài, Gìn vàng giữ ngọc (17). Ở đây nhân vật phản động của Doãn Quốc Sĩ được khuôn vào những định đề có sẵn, để phục vụ cho mục đích chính trị đen tối, nên thường là phát triển thiếu lô-gích, phi thực tế. Và điều này cũng tương tự như chuyẹn "nói phét" của Doãn Quốc Sĩ khi trả lời tạp chí Bách khoa : "Kháng chiến, tôi kháng chiến hết mình. Tôi từng là anh hùng lao động của cơ quan tôi (?). Nhưng đến khi giã từ thiên đường đỏ, thì cũng giã từ quyết liệt, dứt khoát" (18). Chính Nguyễn Nhật Duật trong bài phê bình Trái đắng tràng sinh (19) đã có nhận xét : "Tác giả quá bộc lộ rõ lập trường chính trị... nên thường có tác dụng xấu đến truyền cảm", đó là "một thứ chống cộng rẻ tiền và lộ liễu" (20).

Doãn Quốc Sĩ thường mượn chiêu bài "cán bộ kháng chiến" để tạo những huyền thoại về mình, đánh lừa người đọc. Y thường khoe là mình am hiểu cộng sản, một thứ "chứng nhân", một kẻ "đã từng nằm trong chăn", rằng "đoạn trường ai có qua cầu mới hay" (!) Cái luận điệu này đã từng lừa bịp một số người, nhất là số bà con thị dân chưa có điều kiện sống ở vùng kháng chiến, hay gần gũi với cách mạng.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, qua những cuộc điều tra, tiếp xúc với các đối tượng thanh niên, học sinh, sinh viên và trí thức trẻ, mà sau này đa số đã tham gia vào phong trào yêu nước trong các đô thị miền Nam, chúng ta thường gặp một câu trả lời khá giống nhau. Trong những năm dưới chế độ Diệm, họ đã đọc Doãn Quốc Sĩ, Nguyễn Mạnh Côn, Chu Tử, Võ Phiến, Đinh Hùng, Đỗ Tấn,... Và đương nhiên, những tác phẩm của những cây bút trên đã cung cấp cho họ những hình ảnh méo mó, hoàn toàn sai lệch về người cách mạng và cuộc kháng chiến chống Pháp mà cha anh họ đã tiến hành. Một lần nữa, những kiến thức văn học, lịch sử dân tộc vốn đã bị bọn cầm quyền cắt xén, xuyên tạc một cách có dụng ý, lại được các cây bút trên phụ họa và tô đậm thêm.

Điểm qua các tác phẩm của Doãn Quốc Sĩ, ta thấy nổi lên hai tuyến nhân vật khá rõ nét phản ánh quan điểm chính trị và quan điểm nghệ thuật của tác giả. Tuyến thứ nhất, tạm gọi là nhân vật "lý tưởng" của Doãn Quốc Sĩ. Ở đấy, tác giả đã dồn tất cả công sức để ngợi ca, tô vẽ. Tuyến nhân vật thứ hai là đối tượng đả kích của ngòi bút Doãn Quốc Sĩ. Đó là hình tượng những người cộng sản, người vệ quốc đoàn, người cán bộ quần chúng được tác giả xây dựng hoàn toàn chủ quan, xuất phát từ một động cơ đen tối với nhiều dụng tâm hiểm độc.

Có thể nói Doãn Quốc Sĩ là cây bút xuyên tạc, phỉ báng cách mạng và cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc thuộc loại "có hạng" trong đám bồi bút. Về những năm cuối cùng của chế độ Mỹ-ngụy, ngòi bút của Sĩ có xu hướng thô bạo và lộ liễu hơn trước, nhưng nhìn chung cách thức bội lọ kháng chiến, đả kích xã hội chủ nghĩa của y thường bằng những lập luận lắt léo, gian xảo bằng cách "đánh tráo khái niệm" và thường được khoác bên ngoài lớp áo nghệ thuật khá bóng bảy. Hầu hết những nhân vật chính trong các tác phẩm của Doãn Quốc Sĩ được miêu tả như những con người nhiệt tình yêu nước, yêu dân, đối với cha mẹ hết lòng hiếu thảo, với bạn bè thì thủy chung, biết chịu thương chịu khó và mang nhiều hoài bảo lớn lao. Họ yêu từng ánh trăng sao, từng tiếng địch quê hương, từng con đường, khúc quanh của dòng sông, chiếc ao làng mờ sương, đến cả cánh đồng chiêm khê mùa thối. Họ là những anh chàng tiểu tư sản say mê nghệ thuật, biết nâng niu từng câu ca dao, tục ngữ hư họa sĩ Huy trong U hoài, có tâm hồn nhạy cảm như Tùng trong Chàng nhạc sĩ (21), hay Thiệu trong Dòng sông định mệnh. Cũng có con người trí thức thuộc tầng lớp trên, con một chủ đồn điền, từng đi học ở Pháp, rồi về nước tham gia kháng chiến như Hãng trong Ba sinh hương lửa. Những nhân vật phụ nữ như Miên và Thi (Ba sinh hương lửa), Vân (Người đàn bà bên kia giới tuyến) là những con người có học vấn, có nội tâm phong phú, hiền dịu theo kiểu Đông phương. Những nhân vật nói trên lúc đầu tham gia kháng chiến rất hăm hở, nhiệt tình, nhưng về sau, tất cả đều bỏ cuộc. Tệ hơn, những con người đó đều bước qua trận tuyến đối lập với nhân dân. Nói một cách khác, họ đều phản bội, đầu hàng. Thâm ý Doãn Quốc Sĩ muốn nói với người đọc rằng những con người giàu nhiệt huyết như thế, tài hoa như thế, nhưng lại bỏ cách mạng và kháng chiến ra đi là không phải tại họ muốn vậy, cũng không phải vì họ xấu, mà là vì những người lãnh đạo kháng chiến đã đối xử tệ bạc với họ, đã ức hiếp, "đấu tố" họ, "thanh trừng" họ, v.v... Họ bỏ kháng chiến ra đi là việc nằm trong cái thế "chẳng đặng đừng", là chuyện bắt buộc, tất yếu. Theo cách diễn đạt của tác giả thì họ bước qua trận tuyến đối lập là để "bảo vệ" một lý tưởng nào đó chứ không phải là theo giặc. Nhân vật Quân trong kịch Trăng sao, lúc đầu tham gia kháng chiến rất hăng hái, sôi nổi, chấp nhận mọi thiếu thốn hy sinh. Bỗng một hôm mẹ ốm, Quân được tin, từ cơ quan băng hơn một trăm cây số đường rừng ở Việt Bắc để mang thuốc về cho mẹ. Qua chuyến đi báo hiếu đầy gian truân đó, trong đầu óc Quân lóe lên nhiều điều hoài nghi về cách mạng mà lâu nay còn tiềm ẩn trong lòng. Quân chợt "khám phá" ra được những "lý thuyết khô cằn và hệ thống vay mượn của Kháng chiến" (!). Từ đó, hắn thấy rằng "quê hương đích thực" của hắn không thể ở bên này, mà là ở bên kia, "bên miền quốc gia". Thế là Quân cùng vợ con trốn khỏi vùng kháng chiến trở về Hà Nội sống với giặc. Nhân vật Ba và Sơn trong Tiếng địch quê hương phải bỏ nơi chôn rau cắt rốn, di cư vào Nam chỉ để tránh "cái gai" trước mắt là cô cháu ruột của mình, từ một cô gái nghèo khổ được cách mạng đào tạo, giáo dục thành một cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở địa phương. Huy (U hoài), Tùng (Chàng nhạc sĩ), Thiệu (Dòng sông định mệnh), ở chặng đường cuối, đều đi ngược lại con đường mà dân tộc đang đi.

Nhưng đáng chú ý hơn cả là những nhân vật trong tiểu thuyết Khu rừng lau. Đây là những nhân vật "lý tưởng" mang những nét điển hình được Doãn Quốc Sĩ đầu tư tất cả tâm não vào đó. Cho nên chẳng phải ngẫu nhiên mà Tiểu Dân, trong bài phê bình tập Ba sinh hương lửa (tức Khu rừng lau I), đã cho rằng "những nhân vật ấy chính là hình bóng của Doãn Quốc Sĩ" (22). Và Tràng Thiên (tức Võ Phiến) trong bài điểm sách trên tờ Bách Khoa cũng đã hạ bút khen rằng "Tác giả và nhân vật giống nhau quá !". Tràng Thiên còn viết : "Đọc Ba sinh hương lửa, người ta thấy tâm hồn mình ấm áp thơm tho hơn lên" (23). Có lẽ, hãy khoan vội phân tích những lời bốc thơm kệch cỡm của một bồi bút đối vối một bồi bút khác - cái hiện tượng nhàm chán thường xảy ra trong xã hội thực dân mới - mà chúng ta hãy tìm hiểu sâu chủ đề của tác phẩm cùng lý tưởng mà tác giả gửi gắm vào đấy. Kha, Hiển, Miên, Hãng, Tâm,... là những nhân vật chính trong số hơn 80 nhân vật của bộ tiểu thuyết Khu rừng lau. Hầu hết họ thuộc tầng lớp tiểu tư sản trưởng thành trong giai đoạn đất nước đang trải qua nhiều biến động lớn lao. Đó là những năm nhân dân ta lâm vào cảnh "một cổ hai tròng" - họa thực dân Pháp và phát xít Nhật - tiếp đến cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, rồi kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Cũng như hầu hết những người thuộc thế hệ trẻ lúc bấy giờ, họ bị cuốn hút vào cơn lốc lịch sử. (Sĩ gọi giai đoạn này là thời Pháp thuộc, Nhật thuộcViệt minh thuộc). Có người tham gia vào hàng ngũ cách mạng trong những ngày tiền khởi nghĩa như Tân. Khi giặc Pháp gây hấn, họ đều có mặt trong hàng ngũ kháng chiến. Kẻ cầm súng giết giặc, tham gia chiến dịch Trung du, Đông Bắc, Tây Bắc, người thì tình nguyện  gia nhập đoàn quân Nam tiến, chiến đấu rất gan dạ trên các mặt trận Nam Bộ, Tây Nguyên, người thì làm công tác địch vận, phục vụ ở quân y viện, kẻ khác đi tổ chức lãnh đạo sản xuất ở hậu phương, hay hoạt động các đoàn thể cứu quốc, v.v... Từ nguời phụ nữ như Miên đến anh sinh viên "Tây học" về như Hãng, họ đều hăng say, tận tụy với chức trách của mình. Phải nói rằng, qua những trang viết, Doãn Quốc Sĩ đã dựng lại không khí sôi động, hào hùng của đất nước ở giai đoạn này tương đối chân thật. Nhưng rồi trong những năm tháng sống với kháng chiến, những bi kịch cá nhân dần dần xuất hiện và mâu thuẫn giữa họ với tổ chức cách mạng ngày một trở nên gay gắt. Và cuối cùng, những nhân vật trên không một ai "sống nổi với cộng sản", nên đều bỏ kháng chiến ra đi. Họ đi đâu ? Không giống một số nhân vật của Nguyễn Mạnh Côn, khi bất mãn với cách mạng thì bỏ về với gia đình "trùm chăn", nhân vật của Doãn Quốc Sĩ đều chạy về thành, nương bóng kẻ thù. Ngay cả con người như Hãng, lăn lộn hầu khắp các chiến trường, có nhiều thành tích chiến đấu, trở thành đảng viên cộng sản, cũng bỏ đơn vị trốn về Hà Nội. Nói cho đúng, những nhân vật "lý tưởng" của Doãn Quốc Sĩ, khi rời bỏ hàng ngũ nhân dân, cũng có nhiều băn khoăn, trăn trở, nhưng thực ra những do dự, những dằn vặt nội tâm của họ chỉ là những băn khoăn, dằn vặt giả tạo. Vì rằng, qua những ngỡ ngàng buổi ban đầu của bước "dinh tê", những nhân vật đó đều lao vào con đường ăn chơi, hưởng thụ, nếu có người nào chí thú làm ăn thì cũng chỉ lo vun đắp cái mộng giàu sang của một cuộc sống cá nhân vị kỷ, trưởng giả như Hãng, như Kha. Kẻ trước tìm cách qua Tây để tiếp tục con đường cũ bỏ dở, người sau săn đuổi đồng tiền bằng nghề bồi bút, đi biểu tình thuê cho Diệm chống Ủy hội quốc tế, bằng những hoạt động "áp phe" với bọn ngoại quốc. Tệ hơn như Tân, người vệ quốc đoàn ấy sau khi rời bỏ đội ngũ, "dinh tê" về thành, cũng lao ngay vào cuộc sống hưởng thụ ở các phòng trà, tiệm nhảy, quang chiếc bàn đèn, thậm chí hắn còn đứng ra lĩnh thầu xây lô-cốt cho giặc Pháp chống lại quân cách mạng ở vùng Nam Định. Sau trận Điện Biên Phủ thì toàn bộ bọn họ đều theo chân giặc, cuốn gói vào Nam. Pháp đi Mỹ đến, họ lại tôn thờ chủ mới không một chút băn khoăn thắc mắc. Theo dõi bước đi của họ, người đọc không hề thấy lóe lên từ tâm hồn họ một chút băn khoăn, hối tiếc, hay một hoài niệm, một tia hồi quang nhỏ về những kỷ niệm của những năm tháng hào hùng mà họ đã từng chia ngọt sẻ bùi với nhân dân ở vùng kháng chiến. Và trong những năm đồng bào cả nước dốc toàn lực vào cuộc chống Mỹ cứu nước, thì họ quanh quẩn trong thành phố Sài Gòn, đầu cơ xương máu của nhân dân, sống no nê phè phỡn. Hãng, sau khi tốt nghiệp ở Pháp về, trở thành trùm đại lý Âu dược vùng Đông Nam Á, lương cao, nguồn lãi dồi dào. Tân kinh doanh ngân hàng, còn Miên, cô y tá quân y của thời kháng chiến chống Pháp, nay trở thành một mệnh phụ sống bằng lợi tức của nhà bảo sanh Hồng Đức. Trong lúc đó, Quỳnh Hương hết làm vợ tên thủ hiến bù nhìn Bắc Việt, lấy một tên com-măng-đô, di cư vào Nam làm nghề bán "bar", gái nhảy, rồi lấy một người Đức, được mời đi đóng phim ở Áo, ở Tây Đức. Một con đĩ thập thành đã trở thành một "nghệ sĩ thượng thặng" (?). Cuộc sống của những nhân vậ đó nay ở Vũng Tàu, mai ở Đà Lạt, Nha Trang. Họ bù khú với nhau, ngụp lặn, ăn chơi trong các tầng cao "tửu lầu" Chợ Lớn, làm tình trong các khách sạn tân kỳ, trong những "khu thanh lịch" mà thực chất là những "tổ quỷ", những sào huyệt của bọn chính khách xa-lông, bọn chính trị xôi thịt, bọn con buôn chiến tranh, những khuôn mặt bự của xã hội phồn hoa thực dân mới.

Không khí chung của quyển Tình yêu thánh hóa (tức Khu rừng lau III) là không khí áp-phe, sa đọa với những cơn khát tình và khát tiền, trong đó quay cuồng những nhân vật "lý tưởng" của Doãn Quốc Sĩ. Hình tượng những nhân vật đó chứng minh một cách sống động và hùng hồn thực chất cái "lý tưởng tự do" mà bọn họ đã đi tìm, đã ra sức tô son trát phấn, cái "đất đứng" mà họ chọn lựa và cái "chủ nghĩa quốc gia" mà họ tôn thờ. Suy cho cùng, tất cả cũng không ra ngoài cái quỹ đạo của cái "chủ nghĩa đớp" mà Chu Tử đã từng một thời quảng cáo rùm beng trên tờ báo Sống của y. Cũng cần nói thêm rằng tiểu thuyết Khu rừng lau là một tác phẩm tồi về mặt nghệ thuật. Cốt truyện rời rạc, tính cách nhân vật mang nhiều nét giả tạo, phát triển thiếu lô-gích, nhiều chương đoạn được lắp ghép vào một cách tùy tiện, lại kéo dài lê thê trên môt nghìn trang sách.

Trong khi đó, ngòi bút của Doãn Quốc Sĩ vẫn tập trung đả kích liên tục vào cách mạng vô cùng cay độc, bằng văn chính luận, bằng kịch tượng trưng, bằng những hình tượng nhân vật bị xuyên tạc méo mó thảm hại. Làm văn hóa - theo Sĩ - cũng là một cách để "chửi cộng sản cho đã ngòi bút" (Người đàn bà bên kia vĩ tuyến, tr.414). Do vậy, y không từ một cơ hội nào, một từ ngữ nào có thể dùng để tiến công vào người cách mạng. Sĩ nguyền rủa họ là "lũ cờ gian bạc bịp và lũ ăn cướp, cũng giống như Mã Giám Sinh và Sở Khanh" (Người đàn bà bên kia vĩ tuyến, tr.302). Chủ nghĩa xã hội dưới ngòi bút của Sĩ là "Một thế giới không có tình thương", "một thế giới không có trái tim", "phi dân tộc", "chỉ có căm thù ngự trị" (!)

Doãn Quốc Sĩ viết : "Tôi căm thù cộng sản với một sự cuồng nhiệt man rợ" (Tiếng địch quê hương). Cho nên Sĩ chống lại một cách có ý thức tất cả những gì ma người cộng sản và Đảng cộng sản Việt Nam đã làm trong mấy chục năm qua cho dân tộc và đất nước như một phản xạ có điều kiện. Từ việc đả kích, phủ định từng đường lối chính sách của D(ảng, đến việc vu khống, công kích lãnh tụ, bôi đen người cán bộ, bộ đội cách mạng, biện hộ cho tội ác kẻ thù..., y không bỏ qua một việc nào. Y gọi đó là "hành động theo lương tri của người cầm bút", là một cách "lọc lấy những thớ thịt nhiễm độc cộng sản trong toàn bộ cơ thể đất nước" (Người đàn bà bên kia vĩ tuyến, tr.259).

Doãn Quốc Sĩ cũng là cây bút sử dụng lối viết biểu tượng hai mặt vào loại thành thạo nhất để đả kích cách mạng. Trong lúc các nhà văn yêu nước tiến bộ trong các đô thị miền Nam trước đây, vì để "lách" khỏi lưỡi kéo kiểm duyệt và chính sách khủng bố của địch, phải mượn những điển tích xưa, những đề tài thần thánh, hay câu chuyện nước ngoài để tố cáo hiện thực bất công thối nát đương thời, nói lên tiếng nói chính nghĩa, chống lại ách chuyên chế của họ Ngô, thì Sĩ dùng phương pháp biểu tượng hai mặt trong sáng tác như một thứ công cụ được ngụy trang khéo, rồi nấp trong đó, bắn những mũi tên độc về phía trận tuyến chính nghĩa.

Hắn dựng lên câu chuyện loạn luân trong Truyện con tinh đời Trần Phế Đế và những cảnh giết chóc khủng khiếp trong Pho tượng thần đâu phải để nói chuyện đời Trần hay một câu chuyện dân dã nào của thời xa xưa, mà nhằm xuyên tạc những hoạt động yêu nước, minh họa cho cái thuyết "tam vô" mà bọn chiến tranh tâm lý thường dùng để xuyên tạc chủ nghĩa cộng sản bằng hình tượng nghệ thuật.

Nếu hầu hết những truyện "cổ tích" trong hai tập Hồ Thùy DươngSợ lửa là những sáng tác mang tính chất xỏ xiên, hai mặt, xuất phát từ một động cơ chính trị thâm độc, thì Con thuyền ma chính là đỉnh điểm. Truyện này được in bằng chữ nghiêng duy nhất trong tập Sợ lửa, điều đó cũng đủ cho người đọc thấy rõ thâm ý của y. Con thuyền ma là "bài chốt" của tập truyện chống cộng Sợ lửa. Trong truyện này, Sĩ không chỉ bộc lộ lòng căm ghét cộng sản cao độ mà còn nhằm kích động nhân tâm, kêu gọi mọt sự "nổi dậy" bên phía cách mạng. Nội dung câu chuyện như sau : Một đoàn người gồm 30 tráng sĩ mang hoài bão được đi thăm nhiều miền xa lạ. Đến một vùng biển nọ, họ gặp một con thuyền. Viên thuền trưởng nói với họ là có thể đáp ứng được yêu cầu ấy và sẵn sàng "đưa họ đến thăm miền cực lạc". Các tráng sĩ đồng tình gia nhập miền cực lạc. Cuộc "phiêu lưu" ấy đã liên tiếp gặp đá ngầm và bão tố, nhiều người chết vì thiếu thốn, gian khổ. Xác của mỗi người chết được viên thuyền trưởng dung bùa chú biến thành chất keo để gắn vào những chỗ thủng do đá ngầm gây ra. Qua mỗi lần sóng lớn, bão to, người chết lại tăng lên. Số người còn lại bắt đầu nghi vấn và đặt câu hỏi : "Hay chính con thuyền đó đã được làm bằng xác người xấu số trước họ ?" Chết chóc nhiều, thủy thủ đoàn còn ít dần, hận thù còn nặng, nhưng họ không còn con đường nào khác là phải gắn bó với con thuyền. Họ tự an ủi : "Mai đây, đến lượt ta, chắc các bè bạn còn lại sẽ luôn luôn nhắc đến tên ta". Thiên truyện kết thúc bằng một ước mơ "nổi loạn" của những người còn lại (!) Cái câu "Tiếc thay đoàn người phiêu lưu ngồi trên con thuyền ma, bị yêu khí che lấp, nên không ai nhìn thấy gì" được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong truyện như một điệp khúc nhằm xoáy sâu và ý thức người đọc. Biểu tượng "con thuyền ma" ở đây chính là nhằm ám chỉ con thuyền cách mạng, và "thủy thủ đoàn" không phải ai khác hơn là những người yêu nước. Thái độ đả kích xỏ xiên, bóng gió những người đem xương máu ra bảo vệ nền độc lập tự do của Tổ quốc kiểu trên được Sĩ thể hiện trong hàng loạt truyện khác. Y còn gọi đồng bào yêu nước là "những con vật u mê mù quáng", là "những trâu , bò, ngựa, chó săn... con nào con nấy được chủ che hai mắt. Cuộc đời hai bên chúng không biết, cuộc đời phía sau chúng không hay, chúng chỉ biết chăm chăm nhìn về phía trước, tiến theo đường roi" (Dòng sông định mệnh). Thật là một thái độ xấc láo hết chỗ nói, không còn tý liêm sỉ của người cầm bút. Nhưng mỉa mai thay, có kẻ lại ca ngợi y là "một ngọn bút của dân tộc" (24). Dân tộc hay phản dân tộc ? Xét một cây bút không thể vin vào tuyên ngôn này, tuyên bố nọ của người đó, lại càng không thể căn cứ vào đôi lời "bốc thơm", thổi phồng tùy tiện của bè bạn để thẩm định được, mà phải căn cứ vào những gì họ viết ra trên giấy trắng mực đen, hệ thống hình tượng nhân vật mà tác giả đã xây dựng cùng lý tưởng thẩm mỹ được gửi gắm vào đó, tấm lòng của họ đối với đồng bào, Tổ quốc và cả nhân cách sống hằng ngày của họ.

Một thực tế lịch sử mà mọi người đều công nhận là dưới ách thống trị của thực dân Pháp, hơn chín mươi phần trăm dân ta mù chữ. Chính sách cai trị của hai tên đế quốc và phát xít đã đưa đến hậu quả hai triệu người chết đói năm 1945.

Chính Mặt trận Việt Minh đã phát động quần chúng nổi dậy phá kho thóc của Pháp, Nhật, để lấy thóc cứu đồng bào. Những điều ấy, một em học sinh cấp một cũng đã hiểu được. Thế nhưng, "nhà văn" Doãn Quốc Sĩ lại đổi trắng thay đen, đổ vấy cho Đảng Cộng sản Đông Dương đã gây ra nạn chết đói khủng khiếp năm 1945, đã thi hành một "chính sách ngu dân" để "phá hoại xã hội và tình thương gia đình" (Kịch Trái cây đau khổ).

Chiến thắng Điện Biên Phủ vang động khắp năm châu bốn biển đã đem lại cho dân tộc một niềm tự hào vô hạn, thế nhưng Doãn Quốc Sĩ lại cho đó là "một cái tang đau đớn", một "nỗi tủi nhục" (?). Rõ ràng là giọng lưỡi tôi tớ đế quốc. Một tướng Pháp thất trận ở Điện Biên Phủ đã chẳng viết trong các hồi ký của ông ta than phiền rằng "Điện Biên Phủ là cái tang đau đớn của nước Pháp", "là nỗi nhục lớn của một cường quốc" đó sao? Vậy thì thử hỏi Doãn Quốc Sĩ đã đứng trên lập trường nào để viết lên những ý nghĩ lạ lùng như thế ? Lập trường "dân tộc" của ông ta đấy chăng?

Sĩ còn vẽ lên hình ảnh người chiến sĩ Điện Biên Phủ đã chết từ năm xưa, nhưng vì còn "thèm máu", "khát máu", nên đã "hiện hồn, chống nạn trở về nhà", đánh đứa con mình một cách tàn nhẫn đến gẫy răng, đứt lưỡi, chảy máu (kịch Giấc mộng sầu). Một thủ pháp mà Sĩ thường hay dùng là đem gắn liền nhân vật "người kháng chiến" và "người cộng sản" với máu. Máu ướt đẫm dao găm giết người. máu biến thành "gia vị thức ăn" trong Trái cây đau khổ, máu trộn lẫn thuốc độc, thuốc mê và ruột gan quần chúng trong Pho tượng thần, máu biến thành keo gắn xác chết vào "con thuyền ma" trên con đường đi đến "đảo Cực lac" (Con thuyền ma), máu đọng thành vũng trong Truyện con tinh đời Trần Phế Đế, máu chảy thành hồ, thành sông, lênh láng trên những "khẩu hiệu cứu quốc" trong Giấc mộng sầu, máu chảy thành dòng ở những cuộc "đấu tố", "ám sát", v.v... trong Khu rừng lau. Sĩ viết về tổ chức cách mạng : "Guồng máy của chúng đặc quánh những máu, nghiền nát tự do, nghiền nát lương tri, nghiền nát danh dự làm người" (Khu rừng lau, tập III, tr. 282).

"Lạm phát hình tượng máu", Doãn Quốc Sĩ nhằm tô đậm thêm những điều vu khống, bịa đặt mà vốn dĩ trước đây bọn phản động quốc tế hạng xoàng thường nhai đi nhai lại đã mòn nhẵn để nhằm gây một ấn tượng ghê rợn về chủ nghĩa cộng sản và người cộng sản.

Tưởng cũng cần nói thêm rằng trong suốt hai mươi năm thống trị của chủ nghĩa thực dân mới, máu của đồng bào yêu nước miền Nam đã chảy thành sông, thành suối. Những cảnh thuốc độc độc trộn cơm giết một lúc nghìn người ở nhà giam Phú Lợi, những "chuồng cọp" Côn Sơn mà Đông Luy-xơ (Don Luce) đã phanh phui trên báo chí, những hầm a-xít giết người của tên bạo chúa miền Trung Ngô Đình Cẩn, những máy chém và "luật  10/59", những vụ thảm sát Mỹ Lai, Công Hơ Rinh do bọn hung nô của thế kỷ hai mươi gây ra... Trước những tội ác tầy trời đó, Doãn Quốc Sĩ với tư cách người cầm bút đã nói lên được lời nào, viết được dòng chữ nào để vạch trần chân tướng của bọn chúng trước công luận ? Hay y chỉ mặt ngơ, tai điếc ? Cái lương tri lấm láp bùn đất ấy làm sao có đủ tư cách để lớn tiếng nói về "nghệ thuật tự do", nghệ thuật chân chính", "nghệ thuật chính nghĩa" ?

*

**

Trong suốt chặng đường cầm bút, Doãn Quốc Sĩ luôn luôn tỏ ra là tên lính xung kích ngona cố trên mặt trận tư tưởng và văn hóa, bám rất chắc từng thời kỳ đường lối chính trị phản động của Mỹ-ngụy. Ngay từ những ngày chân ướt chân ráo vừa di cư vào Nam, còn phải sống trong các trại tạm cư, Doãn Quốc Sĩ đã chủ trương tờ Lửa Việt, dùng cơ quan này để tập hợp lực lượng sinh viên, trí thức, tuyên truyền gây một sự "xác tín" đối với đồng bào miền Bắc di cư về việc rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn của họ vào miền Nam là "tuyệt đúng", "tuyệt đẹp", vừa cổ vũ tư tưởng chống lại cách mạng. Truyện Sợ lửa, một truyện mang chủ đề chống cộng nấp dưới dạng truyện cổ tích, được đăng từ số ra mắt của tờ báo này. Tờ Sáng tạo mà Doãn Quốc Sĩ là một trong những người sáng lập ra nó trong những năm sau đó cũng không đi ra ngoài quỹ đạo chống cộng của tờ Lửa Việt. Có khác chăng là ở tạp chí này, ý đồ sử dụng vũ khí văn nghệ được bộc lộ công khai và cụ thể hơn, tham vọng của họ cũng to lớn hơn so với buổi ban đầu.

Năm 1955, trong lúc Ngô Đình Diệm thực hiện khẩu hiệu :giết lầm hơn bỏ sót", đã mở những chiến dịch "tố cộng", "diệt cộng" vô cùng khốc liệt nhằm đánh một "đòn tử thương" vào lực lượng cách mạng để sớm "bình định" được miền Nam, thì Sĩ cho ra đời tập Trái cây đau khổ. Ở tác phẩm này, Sĩ đã vẽ lên hình ảnh người cộng sản hoàn toàn bị xuyên tạc. Hình tượng người cộng sản ở đây chẳng khác gì những tên ác ôn, những trùm du đãng mà Mỹ-ngụy dung dưỡng trong trong bộ máy kềm kẹp của chúng. Sĩ không tiếc lời vu khống, xỉ vả họ : nào là "một thứ hung đồ võ trang bằng con dao chuyên nghiệp nhọn hoắt, sống dài và khỏe, hai bên có khía lõm xuống để thoát máu ra", nào là "một con vật muôn phần ghê tởm, một con vật nói tiếng người... một giống chó ngao hung dữ lấy máu, nước mắt đồng loại làm gia vị...". Viết vở kịch Trái cây đau khổ, Sĩ nhằm phục vụ cho một âm mưu chính trị sâu độc mang tính thời sự nóng bỏng lúc bấy giờ. Dựng lên những nhân vật "cai ngục", "đao phủ" quỳ xuống xám hối dưới chân "Ngọc hoàng Thượng đế" ăn năn về những lỗi lầm bằng những lời bi thiết của "con chiên bị lạc nẻo tình thương", cũng như để cho những nhân vật "Âm hồn anh", "Âm hồn em", những "Nghệ sĩ I", "Nghệ sĩ II" nói những lời xảo trá điêu ngoa, lập lờ hai mặt, chính là y muốn đóng vai cò mồi tác động tinh thần, hòng quyến rũ những ai đang giao động hoang mang trước bạo lực phản cách mạng quay vào con đường đầu hàng phản bội. Ôi ! những kẻ đã cam tâm bán linh hồn cho quỷ, một khi được nhào nặn bằng những con chim mồi thuần thục, thì có việc gì mà họ từ nan, không nhúng tay vào ! CHúng ta còn nhớ lúc này Diệm đang dùng mọi thủ đoạn bạo lực để cưỡng bức quần chúng "ly khai cách mạng", đảng viên "ly khai đảng", vợ làm giấy ly dị người chồng còn đi tập kết, con từ bỏ cha mẹ để khỏi bị "liên quan",... Lưỡi lê, máy chém, nhà tù của Mỹ-ngụy và ngòi bút của Sĩ về bản chất chỉ là một.

Sau vụ bạo loạn của lực lượng phản động Hung-ga-ri xảy ra, Doãn Quốc Sĩ viết truyện ngắn Tiếng đàn của người sinh viên Bu-đa-pét (25). Đây là loại "truyện có luận đề". Thông qua cuộc đối thoại giữa người sinh viên lưu vong Hung-ga-ri như một "cuộc nổi dậy của quần chúng thợ thuyền" chống lại chính quyền cách mạng. Để cho có vẻ khách quan, Sĩ vừa đả kích chủ nghĩa thực dân vừa đả kích chủ nghĩa cộng sản. Nhưng thực ra thái độ "đả thực" của tác giả ở đạy chỉ là sự chê trách một vài biểu hiện ngay thơ, ngu dốt của bọn thực dân "nên bị mắc mưu cộng sản", chú không phải "đả" vào những nét cơ bản của nó như xâm lược, nô dịch và phản động. Trong lúc đó mũi dùi công kích của Sĩ vẫn tập trung vào cái mà y gọi là "Thiên đường đỏ" của nước Hung-ga-ri dân chủ.

Truyện Chiếc bình (26) sáng tác năm 1967, kịch Giấc mộng sầu (27) ra đời năm 1969 đều là những tác phẩm phục vụ rất sát sườn đường lối chiến tranh tâm lý của Mỹ-ngụy thời kỳ này. Truyện thứ nhất tập trung xuyên tạc khẩu hiệu cách mạng "củng cố miền Bắc, chiếu cố miền Nam", một khẩu hiệu có tính chất chiến lược lúc bấy giờ, vừa biện hộ cho tội ác của đế quốc giữa lúc cao trào chống Mỹ, bài Mỹ ở các đô thị dâng lên cuồn cuộn. Sau khi đả kích lãnh tụ dân tộc bằng những ngôn từ hỗn láo, y đã ra mặt bênh vực quan thầy : "Xin đừng nói đến quan đội đồng minh, ông giết đồng bào miền Nam bằng súng Tiệp, súng Nga... Xin đừng nói vì có quan đội đồng minh" (!) Truyện thứ hai viết theo "com-măng" của cơ quan chiến tranh tâm lý của đài truyền hình Sài Gòn nhằm hạ uy tín của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam sau cuộc tổng tấn công và nổi dậy đầu xuân Mậu Thân.

Điều đáng chú ý là ở những tác phẩm này, Doãn Quốc Sĩ thay đổi hẳn bút pháp. Người đọc không còn thấy những lập luận quanh co, những biểu tượng xa xôi bóng gió, mượn điển tích xưa, lời sấm cũ, v.v... để mỉa mai, châm chích cách mạng một cách sâu cay. Tư tưởng chống phá cách mạng, lòng căm ghét chủ nghĩa cộng sản đã bộc lộ một cách trâng tráo. Dường như không còn kìm chế được nữa, Sĩ tuôn ra những lời nguyền rủa cách mạng và chủ nghĩa cộng sản một cách điên cuồng, lắm khi bằng những lời lẽ vô liêm sỉ. Đúng là một kẻ vì hốt hoảng quá nêm đâm ra mất trí, tối tăm. Việc đóng vai thầy cãi và tung hô ca ngợi bọn xâm lược của đám bồi bút xưa nay theo kiểu "cha hát con khen hay" đâu phải là chuyện lạ. Nguyễn Mạnh Côn chẳng gọi những tên Mỹ cướp nước là "những người bạn vàng" và Hồ Hữu Tường trong Thư tràng giang gửi cho Stên-bếch đã chẳng ngượng mồm khi ca ngợi "những chàng G.I. túi có nhiều đô-la rủng rẻn" chứ không nghèo mạt rệp như nhũng tên lính viễn chinh dòng giống Gô-loa ngày nào đó sao ? Nói chung, họ đều chấp nhận sự hiện diện của người Mỹ trên đất nước này như "điều kiện thiết yếu để chiến thắng cộng sản". Nhưng đối với Doãn Quốc Sĩ hiện tượng phơi bày lòng dạ một cách bộc trực, đôi khi thô lỗ trên trang giấy trắng, là một dấu hiệu chuyển biến khá bất ngờ về mặt bút pháp.

Nếu trước đây sự "khôn khéo" của Doãn Quốc Sỹ có gây nên một sự ngộ nhận nào đó về bản chất của y thì giờ đây nhiều người đã vỡ lẽ. Nhất là khi y nguyền rủa một cách thậm tệ những nhân sĩ, trí thức thế giới vì lẽ phải, vì lương tri nhân loại  đã đứng về phái chính nghĩa của cuộc chiến đấu giành độc lập của nhân dân Việt-Nam.

"Tôi nghĩ đến những tên mang danh đại trí thức, đại triết nhân, đại chính trị gia quốc tế, mỗi khi họ mở mồm ra phát biểu ý kiến về cuộc chiến tranh bẩn thỉu này mà chúng ta phải gánh chịu, giọng lưỡi của họ bất nhân, vô ơn và ngu xuẩn" (Giấc mộng sầu) (28). Đó là lời thóa mạ của y đối với tòa án quốc tế B.Rút-xen. Liệu kẻ đi bù lu bù loa rằng người khác là "ngu xuẩn" thì kẻ ấy sẽ chẳng bao giờ là tên "ngu xuẩn" sao ? Điều đó, thiết tưởng không cần phải bình luận.

Chưa hết. Tính chất "xung kích" của ngòi bút Doãn Quốc Sĩ không chỉ được thể hiện ở thứ "văn chương liều lĩnh cố đấm ăn xôi" nói trên mà còn được chứng minh bằng sự hiện diện của y trong cái "chợ trời văn học đồi trụy" nữa. Doãn Quốc Sĩ đã góp mặt vào cái "vũng bùn sa đọa và bẩn thỉu" này bằng tác phẩm Sầu Mây(29). Đây là một tác phẩm tiêu biểu của Sĩ kết hợp đầy đủ hai yếu tố phản động và đồi trụy, là sự triển khai ở một bước cao hơn cái chủ nghĩa hưởng thụ được thể hiện trong tập cuối của Khu rừng lau tức là tập Tình yêu thánh hóa. Tác giả đã quảng cáo công khai và trắng trợn lối sống hưởng thụ kiểu Mỹ : từ những cuộc làm tình, những trò quần thảo xác thịt của đôi trai gái Việt - Mỹ (nói cho đúng hơn không chỉ có cặp Huy và Crys - hai nhân vật chính của Sầu Mây - mà còn có hàng chục nhân tình là gái Mỹ với sinh viên, phi công, sĩ quan người Việt được đưa qua đào tạo ở xứ sở chú Sam để biến họ thành công cụ tay sai của chủ nghĩa thực dân mới) đến tốc độ ô-tô một trăm dặm/giờ, từ những xa lộ thênh thang đến những tiện nghi đầy sức "hấp dẫn" của một xã hội tiêu thụ. Cái "thế giới tự do" ở đây được biểu thị bằng những cách ăn chơi bừa bãi, bằng bếp "ga", "ti-vi", "giường nằm tự động", băng nhạc, máy lạnh,... nằm trong tầm tay với. Và mùi trứng "Sunny side up" ngầy ngậy, mùi cà-phê, ly nước cam vàng óng và da thịt đàn bà Mỹ..., tất cả được Doãn Quốc Sĩ miêu tả một cách tường tận, si mê.

Hãy nghe con người thường nói rất nhiều về "quê hương", về "đạo đức Khổng Mạnh", về "tình tự dân tộc", miêu tả về thứ "hạnh phúc" sa đọa của chủ nghĩa hưởng thụ : "Khi siết chặt vòng tay, hai người sẽ được hưởng tự do tuyệt đối như con đại bàng thần thoại mặc sức tung mây, lướt gió coi khinh núi, rừng, sông, biển biên giới, thì đó là đạt tới tuyệt đ3inh hạnh phúc (...) Huy thấy cần được sống như vậy để quên biết bao sượng sùng, tủi nhục hằng ngày chàng phải cố xua đuổi sau mỗi lần đọc báo hay xem ti-vi về tình hình đất nước". Ở đây, Sĩ không chỉ bộc lộ tư tưởng hưởng thụ cực đoan, mà còn phơi cả con người vong bản của hắn.

Nếu nhân vật trong tiểu thuyết Loạn(30) của Chu Tử, trong khi làm tình "vừa cắn, vừa hôn..." lại còn biết chửi thề "tiên sư anh, tiên sư tôi" v.v... thì nhân vật của Doãn Quốc Sĩ trong khi vùi đầu vào cơn hưởng thụ vật chất, lòng căm thù cộng sản vẫn không chút nguôi ngoai. Huy - nhân vật trung tâm của truyện - căm ghét đến cả chiếc ảnh của các lãnh tụ cách mạng. Đang ân ái với Chrys - cô nữ sinh người Mỹ - bỗng nghe đài phát thanh báo tin Sài-Gòn bị quân giải phóng tấn công, hắn lồng lộn lên. Nhất là khi nghe đoạn băng nhựa phát lại tiếng đại liên và tiếng hô xung phong của quân cách mạng vào tòa đại sứ Mỹ, hắn không cầm lòng được nữa, thốt lên : "sự phản bội tâm linh truyền thống đất nước của họ đến như vậy là vô tiền tuyệt hậu rồi" v.v...

Sầu mây, một tác phẩm vừa phản động vừa đồi trụy, đánh dấu bước đường đi xuống trong những ngày ăn chơi sa đọa của Sĩ trên đất Hoa-Kỳ. Nếu lần này đọc xong Sầu mây ta có thể nhại lại câu nhận xét của Võ Phiến khi phê bình tập Ba sinh hương lửa "Tác giả và nhân vật giống nha quá", thì điều ấy vẫn hoàn toàn đúng. Trước : những Kha, Tâm, Hiển (của Ba sinh hương lửa) là hình bóng của một Doãn Quốc Sĩ bỏ cuộc nửa chừng, đầu hàng và phản bội. Sau : Huy (trong Sầu mây)
 là bản sao của một Doãn Quốc Sĩ đang trên đà đồi trụy, sa đọa. Cả tâm hồn lẫn thể xác y đã bị bọn xa-tăng của Ngũ giác đài biến thành một tên lính canh chừng giấc ngủ cho chúng. Chỉ khác là tên "lính canh trên mặt trận tư tưởng", nó không cầm súng mà cầm bút.

*
**

Đối với Doãn Quốc Sĩ có vấn đề cần được phân tích rạch ròi hơn để nhằm thanh toán một ngộ nhận còn rơi rớt lại trong một số độc giả. Đó là vấn đề Sĩ có phải là một "người cầm bút rất thiết tha với quê hương, đất nước", "một nghệ sĩ dân tộc", "một ngòi bút mang cái cốt cách truyền thống : ôn nhu, hiền hòa",... như một số báo chí vùng Mỹ-ngụy trước đây đã hết sức đề cao không ?

Sự ngộ nhận về Doãn Quốc Sĩ thực ra không phải do bản thân những tác phẩm của y trực tiếp tạo nên, mà là do những lời tâng bốc, đề cao vô tội vạ của những kẻ đồng hội đồng thuyền với y như Võ Phiến, Thanh Tâm Tuyền, Minh Đạo, Đỗ Tấn, Nguyễn Sĩ Tế và những cơ quan ngôn luận do y chủ trương, hoặc chi phối.

Nếu có ý kiến ca ngợi y như một "chiến tướng chống cộng trên mặt trận văn hóa", đã góp phần quan trọng "tạo bờ đê tinh thần ngăn ý thức hệ vô sản từ phía Bắc xuống"(31) thì lại có người đã viết ngược lại, cho rằng Sĩ là cây bút vô tư : "Doãn Quốc Sĩ không thuộc văn phái nào cả. Doãn Quốc Sĩ là ngọn bút của dân tộc"(32). Thậm chí có người ca ngợi y với niềm tự hào lố bịch như Thanh Tâm Tuyền : "Tôi còn một Doãn Quốc Sĩ sạch và trong hơn ngọn suối của những chuyện thần tiên"(33). Cách tâng bốc này chẳng khác gì đi ca ngợi sự trinh tiết của một gái lầu xanh. Lại có người đứng ra biện hộ cho Sĩ rằng những nhân vật của y đều "ra đi, bỏ kháng chiến vì họ không tìm thấy tình thương trong thế giới đó... Họ nhận thấy rằng trong thế giới cộng sản tình thương bị hủy diệt, nên họ lắc đầu từ chối"(34)v.v...

Những cây bút trên thường vịn vào những chủ đề, những đề tài mang triết lý Á Đông hoặc căn cứ vào những hình ảnh của nông thôn miền Bắc đượm chất ca dao, tục ngữ cùng các phong tục tập quán cổ truyền được trở đi trở lại trong các tác phẩm của y, rồi từ đó gán cho y là "cây bút có tinh thần dân tộc", "một tấm lòng ưu ái với quê hương". Thực ra những "triết lý", những tập tục, đạo đức truyền thống (trong đó có nhiều cái đã lỗi thời) hay những hình ảnh khá quen thuộc như chiếc áo dài bà mẹ Việt Nam, tiếng trống hội đình làng, những sinh hoạt thấm đượm màu sắc thôn dã của vùng đồng bằng sông Hồng được tác giả sử dụng như một thứ vỏ bọc ngoài, một loại áo khoác để "gói" một lập trường chính trị phản động bên trong, hay để chuyên chở những vấn đề thời sự có tính mục đích rõ rệt.

Lòng yêu nước bao giờ cũng gắn chặt với những cái rất cụ thể từ những vấn đề thiệng liêng, lớn lao nhất đến những cái tư tưởng tầm thường bé nhỏ nhất, và nó phải được thể hiện bằng tình cảm, bằng ý thức chiến đấu và bảo vệ những cụ thể ấy. mà thử thách cao nhất là thái độ của mỗi người cần có trước họa xâm lăng. Nỗi "u hoài" của Sơn trước những biến đổi trọng đại của làng quê hắn (U hoài), ánh "trăng sao" đằm thắm của quê hương Việt Bắc kháng chiến đối với Quân và Liên (Trăng sao), và đôi bờ thơ mộng của con sông chảy qua vùng quê đất Quan họ đối với Thiệu (Dòng sông định mệnh), v.v... đâu có giữ chân được những con người ấy lại để cùng sống chết với mảnh đất sinh thành ra họ.

Doãn Quốc Sĩ "lý luận" : "Ai mà không yêu Tổ quốc, yêu nhân loại vô điều kiện" (Dòng sông định mệnh). Câu nói lập lờ đó ẩn tàng một dụng ý gì ? Phải chăng tác giả muốn đánh đồng kẻ yêu nước và người bán nước đều như nhau ? Và thái độ sống của các nhân vật "lý tưởng" của Sĩ cũng đều là những con người "yêu Tổ quốc, yêu nhân loại vô điều kiện" (!) Không thể có một nhân loại chung chung, lại càng không thể có một Tổ quốc chung chung cho những người đang đem cái quý giá nhất của cuộc đời là mạng sống của mình để bảo vệ nó, với những kẻ đang rước voi về giày xéo mồ mả tổ tiên. Hiện thực trước mắt chúng ta đang có một nhân loại cụ thể của đại đa số những con người bị áp bức, đè nén đang đấu tranh quyết liệt với một thiểu số nhân loại thống trị muốn ngồi mát ăn bát vàng. Cái nhân loại ấy đang ngày càng có ý thức về vai trò và vận mệnh của mình một cách sâu sắc, và chính họ đang quyết định chiều hướng bước đi của lịch sử. Và cũng chỉ có Tổ quốc cho những ai thực tâm yêu nước thương nòi. Đối với người Việt-nam hiện tại, đó là cái Tổ quốc đang chiến đấu ngoan cường ròng rã mấy mươi năm qua, hết tên đế quốc này đến tên đế quốc khác, dưới sự lãnh đạo của Đảng cách mạng tiền phong là Đảng cộng sản Việt-nam. Đó là cái Tổ quốc được gắn liền với khẩu hiệu chiến đấu thiêng liêng có sức vang động sâu xa : Độc lập hay là chết ! Đương nhiên, cái Tổ quốc ấy quyết không phải là cái "quốc gia" được đánh bóng mạ kền và được che chở dưới bóng cờ quân xâm lược. Thực ra, những tên bán nước và những kẻ theo đóm ăn tàn làm gì có Tổ quốc để mà yêu. nói chi đến việc "yêu... vô điều kiện" như kiểu nói của Doãn Quốc Sĩ. Cái gọi là yêu nước của Sĩ, nếu có đi nữa, , thì đó cũng là một thứ yêu nước "có điều kiện" chứ không phải "vô điều kiện".  Điều kiện ấy là phải có bơ có sữa, phải được ăm mặc sung sướng, nói tóm lại là phải có đầy đủ tiện nghi, phải được ăn trên ngồi trốc, dù có cúi đầu, gọi dạ bảo vâng. Chính vì mắc vào cái "điều kiện" ấy mà Doãn Quốc Sĩ đã bị loại ngay vòng đầu của cuộc chiến đấu. Y đã chẳng đả kích vào cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ của đồng bào ta qua hình tượng trên chiếc dây phơi áo quần của một gia đình công chức cũ đi theo kháng chiến ngày càng vơi đi những chiếc áo màu và cái mâm cơm của họ ngày càng đạm bạc hơn, chỉ có rau dưa, để rồi tố cáo sự "bất nhân của "Đảng cộng sản" đối với con người đó sao ? (Ba sinh hương lửa). Cứ theo cung cách ấy thì cái gọi là "Tổ quốc", "dân tộc", "yêu nước",... được trình bày một cách tràng giang đại hải ấy của Doãn Quốc Sĩ chẳng qua chỉ là một trò giả mạo, "treo đầu dê bán thịt chó".

Có một lô-gích thông thường mà bất cứ đầu óc bình thường nào cũng đều chấp nhận là : Không thể có con người yêu dân tộc, quê hương mà lại đi ôm chân kẻ đang giày xéo lên đất nước và dân tộc mình. Vậy thì làm sao một cây bút đã từng lăng mạ các anh hùng liệt sĩ đã đem xương máu mình ra bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc một cách hỗn láo lại có thể là người yêu nước ? Làm sao một kẻ đã từng phản bội nhân dân lại có thể nói đến dân tộc, chính nghĩa, tự do ?

Từ xưa đến nay, bọn trí thức bán nước nào mà chẳng che đậy dã tâm và hoạt động của mình bằng những lời hoa mỹ : "đồng bào", "dân tộc", "yêu nước", "thương nòi" ? Lịch sử đã cho chúng ta quá đủ về những bài học loại này. Doãn Quốc Sĩ không ra ngoài thông lệ đó. Y đã từng giải thích về hành động quá khứ  của mình như sau : "Về với quốc gia (tức là bỏ kháng chiến dinh tê về thành - T.P.) thì đụng đầu với thối tha mục nát, nhưng ở thế giới này, dầu có thối tha mục nát đến đâu thì cũng còn đất đứng..."(35) Vậy cái "đất đứng" dưới bóng lũ bán nước là gì, nếu không phải là "điều kiện" cho sự dung thân của một kiếp tôi đòi. Lập luận ấy thực chất chỉ là trò biện hộ vụng về cho hành động ươn hèn của kẻ ngụy biện mà thôi.

Cũng cần nói thêm khi toàn dân kháng chiến cứu nước thì Doãn Quốc Sĩ làm gì để thấy rõ nhân cách con người này hơn. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Doãn Quốc Sĩ cùng gia đình tản cư từ Hà Nội lên vùng Vĩnh Yên, Phú Thọ. Sau đó y xin vào trường lục quân ở Việt Bắc. Ra trường, y được điều về nhận công tác ở một đơn vị quân đội thuộc tuyến sau lúc bấy giờ. Một thời gian sau, vì không chịu nổi gian khổ của cuộc kháng chiến, y bỏ trốn cùng gia đình về Hà Nội đầu thú giặc. Đấy, thành tích "kháng chiến" của Doãn Quốc Sĩ chỉ có bấy nhiêu. Có thể nói rằng tuyệt đại đa số thời gian sống ở vùng tự do, Doãn Quốc Sĩ chỉ ngồi trên ghế nhà trường, hết trường này đến trường khác. Y chưa hề làm ra được hạt gão, củ khoai để nuôi thân lấy mọt ngày, đừng nói đến việc đóng góp công lao cho kháng chiến. Thế nhưng khi nói về kháng chiến, thì Sĩ đả kích, chửi bới hết lời rằng những người lãnh đạo kháng chiến là "độc tài", "phi nhân", không biết ưu đãi những người "trí thức" như y. Sĩ còn miệt thị một cách xằng bậy những người nông dân đã từng làm ra cơm gạo để đóng góp cho kháng chiến và nuôi cả bản thân hắn hàng bao nhiêu năm trời với những lời lẽ vô cùng bạc bẽo. Thật là một sự vong ân bội nghĩa hết chỗ nói.

Đấy, cái "tâm hồn nghệ sĩ đã được miễn dịch" ấy là như thế. Và con đường "nghệ thuật chân chính", "nghệ thuật phục vụ chính nghĩa" mà Doãn Quốc Sĩ đã mang cả tinh thần và nghị lực ra để phục vụ trong suốt hơn 20 năm qua vẫn còn nguyên vết tích trên giấy trắng mực đen. Làm sao có thể một sớm một chiều xóa sạch những chứng tích đó.

THẠCH PHƯƠNG

Trích Những Tên Biệt Kích Của Chủ Nghĩa Thực Dân Mới Trên Mặt Trận Văn Hóa - Tư Tưởng
       Nhà Xuất Bản Văn Hóa - Hà Nội 1980 (Trang 77 - 105)


(1) Báck khoa số 192; 1-5-1964.

(2) Báck khoa số 246; 1-9-1967.

(3) U hoài, tập truyện, NXB Sáng Tạo, S. 1957.

(4) Gánh xiếc, tập truyện, NXB Nguyễn Đình Vượng, S. 1958.

(5) Cánh tay nối dài, tập truyện, NXB Sáng Tạo, S. 1966.

(6) Trái đắng tràng sinh, tập truyện, NXB Sáng Tạo, S. 1971.

(7) Trái cây đau khổ, tập kịch, NXB Sáng Tạo, S. 1963.

(8) Giấc mộng sầu, kịch, Văn số 126, 15-3-1969.

(9) Tiểu thuyết mang tên chung là Khu rừng lau, 1037 trang. Sáng tạo xuất bản từ 1962 đến 1965.

(10) Hồ Thùy Dương, truyện cổ tích, NXB Sáng tạo, S, 1960.

(11) Sợ lửa, truyện cổ tích, NXB Sáng tạo, S, 1956.

(12) Văn học và tiểu thuyết, NXB Sáng tạo, S, 1973.

(13)  (14) Tập truyện cổ tích Sợ lửa.

(15) (16) Trong tập truyện Gánh xiếc.

(17) Tập truyện Trái đắng trường sinh, Nhà xuất bản Sáng tạo, S. 1971.

(18) Sống và viết; Bách khoa số 192; -5-1964

(19) Trái đắng tràng sinh; Nhà xuất bản Sáng tạo, S. 1971.

(20) Tuần báo Khởi hành số 108, 10-6-1971

(21) Tập truyện U hoài, NXB Sáng tạo, S. 1957.

(22) Tạp chí Văn hữu số 21.

(23) Bách khoa, số 139, 15-10-1962

(24) Minh Đạo : Lời giới thiệu mở đầu tập truyện Đoàn người hóa khỉ, tạp chí Người Việt số 2, 15-9-1955.

(25) Tập truyện Gánh xiếc, NXB Nguyễn Đình Vượng. S. 1958

(26) Bách khoa số 246, 1-9-1967

(27) Văn, số 126, 15-3-1969

(28) Văn, số 126, 15-3-1969.
(29) Truyện đăng nhiều kỳ trên tạp chí Văn, sau được Nhà xuất bản Sáng tạo in thành sách, 1971.
(30) NXB Đường Sáng, S. 1964.
(31) Văn nghệ và đời sống, Văn đàn, số 5, 30-11-1961.
(32) Minh Đạo : Bài giới thiệu mở đầu truyện Đoàn người hóa khỉ. Người Việt số 2, 15-9-1959.
(33) Thanh Tâm Tuyền : Trưởng thành (thơ), Người Việt, số 3, 29-2-1956
(34) Tràng Thiên : Bài điểm sách Ba sinh hương lửa, Bách khoa, số 139, 25-10-1962
(35) Sống và viết, Bách khoa số 1-5-1964.

Ý kiến bạn đọc
31 Tháng Mười 20172:30 SA
Khách
Xin hỏi có ai có bản dịch Con kỳ lân cuối cùng của Doãn Quốc Sỹ không ?
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn