BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76794)
(Xem: 63140)
(Xem: 40542)
(Xem: 32170)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Chuyện để ngẫm : Chuyện 3: Hoà giải

30 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 1032)
Chuyện để ngẫm : Chuyện 3: Hoà giải
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
11Vote
44
Ở cái làng quê yên tĩnh này, có đôi vợ chồng đã luống tuổi, ông chồng năm nay đã bảy mươi sáu, bà vợ đã bảy hai.

Trước đây hai vợ chồng này được tiếng sống hạnh phúc, từ việc nhà cho đến việc đồng áng lúc nào cũng thấy hai vợ chồng quấn quýt bên nhau. Vợ chồng nhà nào có điều qua tiếng lại, thường người ta đều lấy gương của hai vợ chồng này ra để khuyên nhủ con cháu.

Bỗng nhiên mấy năm gần đây, không hiểu ma xui, quỷ khiến làm sao mà hai vợ chồng già này bỗng đổi tính, đổi nết. Cứ năm bữa nửa tháng lại xảy ra cãi cọ, mắng chửi nhau. Nhiều lần ông cầm gậy đuổi đánh bà, hỏi nguyên nhân thì nó chẳng ra đâu với đâu cả. Các con cháu khuyên giải nhiều lần nhưng vẫn chứng nào tật nấy, cứ vài ngày là có chuyện. Nhà chỉ có hai anh em trai, còn lại là mấy chị em gái, ai có phận đấy cả rồi, chỉ còn cậu con trai út, ông bà cũng đã lo nốt cái việc dựng vợ cho nó. Nghĩa vụ của bố mẹ đối với con cái đã xong, vào cái tuổi như ông bà này không phải ai cũng được trọn vẹn như vậy.

Các cụ nói: nhà nào cũng có lọ mắm, quan trọng là biết đậy khéo để khỏi phát mùi ra ngoài. Đúng vậy, ở cái cảnh như vợ chồng ông thì quả là hạnh phúc: tuổi già nhìn con cháu trưởng thành, làm ăn chăm chỉ, các cháu nội, ngoại của ông bà chúng nó đều ngoan, chăm học, vậy mà chính ông bà lại làm cho chúng nó buồn phiền, nhiều khi xấu hổ với làng xóm vì bố mẹ của mình.

Cậu con trai út ra ở riêng, cụ bà dọn luôn xuống ở. Quá hợp lý vì đứa nào cũng là con, già rồi không làm việc đồng áng thì ở nhà trông nom nhà cửa, con cái cho chúng nó cũng là việc quan trọng. Các con của ông bà mừng lắm vì đây là giải pháp để tách hai ông bà ra, chấm dứt cảnh suốt ngày gần nhau, chấp nhau từng câu nói, để ý nhau từng cử chỉ, nhìn thấy mọi thói hư, tật xấu của nhau sinh sự lắm chuyện.

Bẵng đi một thời gian được vài tháng, hàng xóm, láng giềng không thấy cảnh ông bà gằm ghè nhau, ai nấy đều mừng. Nhưng rồi bỗng một hôm ông nổi khùng. Sáng sớm, khi các con của ông bà vừa ra đồng, ông cầm gậy đi sang nhà cậu con trai út cách đó chừng trăm mét, ông quát to:

- Hôm nay tao phải đánh chết con mụ già này!

Cụ bà liền nhanh chân tháo chạy tắt đường sau nhà. Ông tìm khắp nhà trên, nhà bếp chẳng thấy bà đâu, ông gọi to:

- Con mụ già đâu rồi? Ra đây ngay!

Cái làng bé nhỏ náo loạn, mọi người dừng cày cuốc, đổ xô về xem sự thể thế nào. Mấy đưa con trai, con gái, con dâu của ông bà nghe tin vội chạy vềc cứu nguy cho bà cụ.

- Làm sao hả mẹ? Một cô con gái của bà hỏi.

- Bố mày dở tính, dở nết chứ sao. Bà cụ thản nhiên trả lời như chẳng có chuyện gì xảy ra.

- Dở cái gì mẹ nói con nghe xem? Tại sao già rồi mà suốt ngày đi đánh nhau? Con cháu xấu hổ với xóm làng, Xem nhà người ta có như nhà mình không!

- Đã bảo không có gì! Bố mày tự nhiên hấp hơi lên chứ có gì đâu! Đi làm đi! Mặc cho ông ấy chửi mắng đủ thì khắc ở chứ sao.

- Nhưng mà làm náo loạn cả làng xấu hổ lắm! Đã tách ra mỗi người ở một nhà rồi mà vẫn không xong, càng già càng hư đốn!

- Tất cả là tại cái thằng bố nhà mày!

- Đi báo cáo chính quyền, nhờ chính quyền can thiệp! Anh con trai cả của ông bà tuyên bố, rồi đích thân anh ta đi tìm gặp trưởng thôn.

- Việc này tốt nhất là trong gia đình bảo ban nhau, nếu không được thì gặp tổ hoà giải của thôn để họ tổ chức hoà giải. Chính quyền không can thiệp việc này được. Trưởng thôn phân tích.

Anh lại tức tốc đến gặp trưởng ban mặt trận của thôn, người phụ trách công tác hoà giải của thôn. Sau khi nghe báo cáo, ông trưởng ban mặt trận thôn quyết định tổ chức hoà giải ngay trưa nay tại nhà anh con trai cả của ông bà.

Trưa hôm đó sau khi cơm nước xong, tổ hoà giải của thôn bắt đầu kéo đến.Vẫn như thường lệ, tổ hoà giải bao gồm: trưởng ban mặt trận kiêm tổ trưởng, các tổ viên bao giờ cũng gồm có các lãnh đạo ban ngành, đoàn thể ở thôn: phụ nữ, thanh niên, cựu chiến binh, hội nông dân, hội người cao tuổi. Và một nhân vật cũng nằm trong thành phần của tổ nhưng có vai trò vừa là cố vấn, vừa là người quyết định cuối cùng vì người này nắm quyền lãnh đạo tối cao nhất. Đó là người bí thư chi bộ đảng của thôn. Người này tuy đã gần bảy mươi tuổi đời nhưng ông vẫn giữ chức bí thư chi bộ đảng của thôn gần chục năm nay. Dân làng ở cái thôn này ai cũng hiểu rõ về ông. Ông là người tuy trình độ, năng lực có hạn nhưng ông là người hiền lành, thật thà chất phác. Người dân cả cái xã này phần đông rất quý ông. Ông đã từng làm chủ tịch rồi bí thư đảng uỷ của xã trong nhiều năm, được tiếng là người cán bộ trong sạch. Cũng phải thôi, thời bao cấp lấy gì mà tham ô với móc ngoặc, nên cả đời ông chẳng hề có tiếng lợi dụng chức quyền dù chỉ là bàn tán. Người dân ở đây nói mẫu hình của người cán bộ như ông nay biến đi đâu hết, chỉ thấy mọc lên những mẫu hình cán bộ suốt ngày nhậu nhẹt, hơi men mặt đỏ như vang, thái độ hống hách quan liêu, cửa quyền, có cơ hội là vơ vét. Chả thế mà cán bộ xã bây giờ ít có ai giữ nổi đến khoá thứ hai, có khi nửa khoá là bị kỷ luật. Ấy thế mà chẳng có tay nào biết sợ, ngay cả rút kinh nghiệm cũng không.

Người bí thư chi bộ thôn này sau khi nghỉ hưu ở xã về, mấy đảng viên ở thôn lại ép ông làm bí thư chi bộ, cực chẳng đã ông phải nhận. Ông dự định chỉ làm một khoá hai năm rưỡi rồi ông sẽ rút lui, bởi trong hơn hai năm nhất định ông sẽ đào tạo bọn trẻ để nó vững vàng lên thay thế. Khổ nỗi suốt trong thời gian đó ông không tìm được ai vì bọn trẻ những thằng tốt nó không chịu vào đảng, nó chỉ lo toan việc làm ăn. Bọn trẻ bây giờ nó chỉ nghĩ đến tiền là trên hết. Cũng phải thôi, xã hội phát triển, nó biết lo làm giàu chính đáng là tốt. Giá những thằng như thế nó có thêm được cái lý tường cách mạng cộng sản nữa có phải tốt không? Còn những thằng thích vào đảng thì lại toàn là những thằng nhìn lấc ca lấc cấc, không dính trộm cắp thì cờ bạc, đua đòi rượu chè, trai gái nhố nhăng... Động cơ của nó ông biết thừa, nó chỉ muốn vào để cho oai, rồi có cơ hội thăng tiến mà mục đích thăng tiến của nó là để vơ vét của dân.

Cứ nhìn vào gương mấy thằng cán bộ xã mà chính ông dìu dắt chúng nó trưởng thành đã đủ thấy rồi. Chẳng cần ở đâu xa, cứ sơ hở là vơ vét, nó vơ vét cả từ miếng ăn, từng cân sắt, cân xi măng của các công trình cỏn con của thôn, của xã, từng đồng bạc của dân đóng góp... Mà cũng chẳng riêng gì ở cái xã này. Chỉ nghe đài, báo chính thống đã thấy ghê rợn. Càng chức to càng đục khoét của dân nhiều. Ngay cái chuyện ở tỉnh ta mới đây thôi, cái cơ quan mặt trận tổ quốc tỉnh cũng đã đục khoét, làm thất thoát tiền của đồng bào quyên góp ủng hộ đồng bào lũ lụt miền trung đến gần hai tỷ đồng. Thanh tra nhà nước nhảy vào làm ra có kết luận rồi mà đã có ai phải ngồi tù đâu! Thật càng nghĩ càng đau lòng. Chả trách được dân nói chế độ thối nát rồi, nghĩ ra cũng thấy phải.

Trở lại câu chuyện hoà giải. Lúc này mọi thành phần đã đông đủ. Hai cô con gái sang nhà cậu con trai út kéo bằng được bà mẹ lên để hoà giải. Trưởng ban mặt trận kiêm tổ trưởng tổ hoà giải tuyên bố lý do, giới thiệu các thành phần tham dự rồi quay sang hỏi hai vợ chồng ông bà già:

- Nào bây giờ có gì ông bà giãi bày với chúng tôi? Chúng tôi vừa là hàng xóm, láng giềng, tối lửa tắt đèn có nhau, vừa là những người có trách nhiệm chung của cái thôn này. Ông bà không có gì phải ngại, càng không phải lo sợ gì hết.

- Chẳng có gì hết! Ông cụ nói.

- Không có gì đâu! Bà cụ nói.

- Không có gì là thế nào! Tại sao hai ông bà lại đi đánh nhau? Mẹ đã làm gì sai cho bố mà bố đuổi đánh mẹ? Anh con cả lên tiếng.

- Đã bảo không có gì là không có gì! Các ông giải tán đi cho tôi nhờ! Ông cụ nổi khùng.

- Chúng tôi đến đây là có việc cả đấy! Thứ nhất thể theo yêu cầu gia đình. Thứ hai ông bà đã làm mất trật tự an ninh thôn xóm, mà đây không phải là lần đầu. Bây giờ chúng tôi yêu cầu ông bà trình bày nguyên nhân gì mà vợ chồng hay xích mích, cãi cọ, đánh nhau? Bà nói trước đi xem nào!

- Đã bảo không có gì đâu. Bà cụ vừa ho lụ khụ vừa trả lời.

- Ông nói rõ xem nào! Vì sao ông hay gây gổ đánh bà? Vị tổ trưởng tổ hoà giải quay sang chỗ ông cụ hỏi lại.

- Nói thật là chẳng có chuyện gì to tát đâu! Cái chuyện ấy ấy mà! Ông cụ do dự khá lâu rồi quyết định trả lời.

- Chuyện ấy là chuyện gì nói rõ xem nào? Người tổ trưởng truy hỏi.

- Đã bảo là cái chuyện ấy ấy! Cái chuyện vợ chồng của nhà tôi ấy mà.

- Đề nghị ông nói rõ hơn cho chúng tôi nắm! Người tổ trưởng tiếp tục truy.

- Cái chuyện quan hệ, cái chuyện sinh hoạt của vợ chồng tôi ấy mà.

Mấy cô con dâu, con gái, của ông bà xấu hổ đỏ mặt tía tai, bỏ đi ra ngoài. Cậu con trai cả chịu không được mắng chửi bố:

- Già rồi còn đú đởn! Không biết xấu hổ với con cháu, với xóm làng!

- Chúng mày thì biết cái gì! Tối đến, cơm nước xong chúng mày lên giường ôm nhau cả đêm, chúng mày còn biết đến ai! Còn tao đây có vợ cũng như không. Một tháng muốn dăm ba lần cũng không được, bây giờ chúng mày bàn nhau ly gián vợ chồng tao, chúng mày mới là thủ phạm, biết chưa?

Ra thế! Mọi người nhìn nhau vừa xấu hổ, vừa buồn cười. Tổ trưởng tổ hoà giải tiếp tục:

- Sự thể thế nào mà sáng nay ông tìm đánh bà?

- Vợ chồng tôi đã thống nhất là vợ tôi nằm ở buồng riêng, đi vào bằng cửa nách ở cái gian thò nhà thằng út đó. Mọi lần tôi muốn, tôi gõ cửa nhẹ bà ra mở. Tối qua tôi gõ mãi mà chẳng thấy đâu. Tôi tức lắm, phải dạy cho vợ tôi một bài học để nhớ đời.

- Hai ông bà đã thống nhất với nhau rồi sao hôm qua bà lại không mở cửa cho ông?

- Tôi nghe rồi nhưng mà tôi ốm lắm. Bà cụ vừa đáp vừa ho làm người nghe phải chắp nối các câu lại mới hiểu ý.

- Mệt thì phải nói trước chứ sao lại để tôi chầu chực mãi ngoài cửa!

- Thế bây giờ ông bà định thế nào? Một là hai ông bà về ở chung với nhau một nhà, hai là vẫn ở mỗi người một nhà, tối đến hai ông bà về ở chung với nhau được không? Người tổ trưởng hoà giải đưa ra giải pháp.

-Không! Không được đâu! Tôi già yếu lắm rồi, tôi ở riêng thôi.

Lúc này mọi người thấy bí, tìm đâu ra được cách vừa đảm bảo nhu cầu sinh hoạt của ông, vừa đảm bảo được sức khoẻ của cụ bà. Chỉ có cách đó mới hy vọng được êm ấm gia đình. Người bí thư chi bộ đảng từ nãy chỉ ngồi nghe, bây giờ mới lên tiếng:

- Tôi đề nghị thế này: cứ đến ngày phiên chợ, tức là năm ngày một lần, vào các ngày năm, mườì, mười lăm, hai mươi, hai lăm và ba mươi hằng tháng, mỗi tháng có sáu tối ông bà gặp nhau được không?

- Không! Không được đâu, dày lắm, tôi không chịu được! Bà cụ hốt hoảng từ chối.

- Vậy vào các tối Thứ Bảy, mỗi tháng có bốn lần ông bà gặp nhau được không?

- Tôi người dân tôi chẳng biết cái Thứ Bảy, Chủ Nhật gì hết. Ông cụ phản bác.

- Thôi thế này đi: Ông cũng nên thương bà một tí, vì sức bà yếu hơn ông nhiều, nên theo tôi cứ vào các tối mồng mười, hai mươi, ba mươi âm lịch, vào các tối đó bà để cửa để ông tự nhiên vào gặp bà. Cũng cần công khai với con cháu để nó biết, có gì mà phải xấu với hổ, chuyện sinh hoạt vợ chồng chứ có gì đâu. Vào cái tuổi như ông bà đây người ta muốn cũng chẳng được. Sống khoẻ, sống có ích thế là tốt rồi. Con cháu cũng phải thấy thế là mừng mới phải, đừng có đay nghiến bố mẹ, ông bà mình. Hiểu chưa! Ý ông bà thế nào?

- Thôi bác là người lãnh đạo cao nhất ở cái thôn này, bác nói sao tôi nghe vậy. Bà cụ nói.

- Sao đảng lại đi làm cái việc này nhỉ! Ông cụ có lẽ không hài lòng với phán quyết của người bí thư chi bộ đảng.

Người tổ trưởng tổ hoà giải liền phúc đáp:

Bác quên đảng ta lãnh đạo toàn diện rồi sao?

Vi Đức Hồi
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn