BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72632)
(Xem: 62055)
(Xem: 39153)
(Xem: 31020)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Nhìn Lại Tết Thuở Nhỏ

27 Tháng Giêng 20228:50 SA(Xem: 4287)
Nhìn Lại Tết Thuở Nhỏ
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
biasachduyenanh-thanggiengngonnhucapmoiganTôi có một ước vọng là khi nào thật nổi tiếng, sẽ viết một cuốn hồi ký về tuổi thơ ảm đạm của tôi và một lá chúc thư. Hồi ký để tặng những đứa trẻ bất hạnh trong cuộc đời và bảo cho chúng nó biết rằng, trái chín hoang thường khác trái chín rấm, càng không bao giờ giống trái chín cây ở vườn rào kỹ được chăm sóc, vun tưới. Giá trị của trái chín hoang vô cùng, nhờ mầu vàng của tủi cực, do nắng gió của đọa đầy. Nếu đứa trẻ nghèo khổ giầu tâm hồn, biết chịu đựng, nó sẽ vươn lên tìm bằng đươc một chỗ đứng dưới ánh mặt trời. Nó sẽ không bị chìm đi, quên lãng và nối tiếp cuộc đời của nó bởi đơn độc, thảm sầu. Nổi tiếng thì nói mới có người tin, dù chỉ cần nói về nỗi hẩm hiu, sự lép vế, vế đói rách và thèm muốn đủ điều. Những kẻ đã leo lên địa vị nào đó trong xã hội và rất ghét ai nhắc nhở dĩ vãng tối tăm của mình không ưa tôi. Vì tôi thích phô hết những gì thuộc về tôi và yêu dấu quá cái khứ ảm đạm của mình như yêu dấu đời mình, yêu dấu người thân yêu mình. Lá chúc thư của một người nổi tiếng, một nhà văn được quần chúng công nhận, được ngưỡng mộ cho đến lúc chết, quan trọng lắm.

Trước hết, tôi dặn vợ con tôi phải chôn tôi ở một nghĩa địa phước thiện luôn luôn buồn quạnh. Chôn tôi ở đó, độc giả ái mộ tôi sẽ chịu khó tới thắp hương tưởng niệm tôi. Và nhờ tôi, nghĩa địa phước thiện ấm áp, thơm tho. Những người vô phúc phải gửi xác nơi đây sẽ bớt đơn độc. Nếu chôn tôi ở nghĩa địa Mạc Đĩnh Chi, chả có gì đặc sắc. Thứ đến, cấm chỉ những anh đem bội tinh này nọ đến truy tặng tôi và nghiêng mình trước quan tài tôi, nhi nhô đọc vài câu văn chương thư lại, văn chương công văn. Bọn đó không xứng đáng gì cả. Và huy chương, bội tinh chẳng mang ý nghĩa chi cho người chết. Chết là thoát khỏi cuộc sống trình diễn, hình thức, thủ tục hành chánh! Sau chót, cấm chỉ những anh văn nghệ đố kỵ, ghen tài khi tôi còn sống thực hiện những số báo tưởng niệm vào ngày giỗ tôi để bán báo và ra cái điều giúp đỡ vợ con tôi tí tiền còm. Vợ con tôi sẽ đi ăn mày chứ không thèm nhận của bố thí văn nghệ đăng báo hô hào cưu mang, đùm bọc. Các con tôi không được tái bản sách của tôi. Rán làm việc, tự mình làm mà mưu sinh. Những cuốn sách chưa bán dứt bản quyền cho bọn lái in sách, sẽ biếu bản quyền đời đời cho cơ quan từ thiện. Lời cuối cùng: Độc giả của tôi còn thương mến tôi, dịp giỗ tôi hãy tới nghĩa địa Phước Thiện thắp lên mỗi nấm mồ hoang một nén hương. Những người đó mới cần hương đốt. Và họ xứng đáng được tưởng nhớ. Bởi họ sinh ra đã gánh chịu mọi thiệt thòi cho ta sung sướng, đầy đủ, phè phỡn. Họ sống, ta hắt hủi, bạc đãi. Họ chết, ta nên gần gũi, tỏ tình.

Nhưng tôi chưa nổi tiếng và chưa biết bao giờ mình mới thật sự nổi tiếng. Thành thử, ước vọng chỉ là ước vọng. Sợ rằng nó sẽ phôi pha. Vậy thì tôi chưa thể viết hồi ký, chưa thể nhìn lại đời mình một cách trung thực và chưa thể thản nhiên phóng bút trên vài trang chúc thư dặn vợ con, đề phòng chết bất ngờ không kịp giăng giối. Tuy thế, tôi vẫn có quyền viết dăm ba kỷ niệm về một cái tết thuở nhỏ của tôi. Một cái tết hay một phấn đấu liên tục của đời người? Khi tôi thấy lòng mình rộn ràng nhìn mọi người sửa soạn đón xuân, là lúc gia đình tôi sa sút. Dưới bẩy tuổi, cậu bé nào cũng giống tôi. Chỉ vui thôi. Thiếu buồn. Không buồn. Và cậu bé nhìn niềm vui chứ không cảm nổi niềm vui. Bởi đó, những mùa xuân cũ, mẹ tôi bảo vui lắm, cả nhà về quê nội ăn tết, bố tôi xông nhà bằng những bánh pháo nổ giòn, tôi biết là vui lắm và không làm sao hồi tưởng được. Tôi còn nhỏ, đôi cánh mơ mộng chớm nhú, chưa đủ sức lãng du về vùng trời kỷ niệm. Cho nên, cái vui lắm đã gợi thêm cái buồn lắm ở năm tôi tám tuổi. Năm ấy thật buồn. Bố tôi bảo năm nay không về quê nội chúc tết ông bà tôi trước tết như năm ngoái. Tôi hiểu ngay tâm sự của bố tôi. Người Việt Nam nào cũng nặng tình quê hương. Bỏ quê hương đi nơi khác mưu sinh, tết nhất phải trở về. Và phải trở về với manh áo, tấm quần mới, với túi tiền rủng rỉnh, với bộ mặt rạng rỡ. Với những bánh pháo nổ lớn, xác pháo đỏ ối ngập sân nhà mình. Quê tôi nghèo khổ từ thuở khai thiên lập địa. Ít gia đình dám đón xuân bằng một bánh pháo dài. Pháo ông lệnh càng hiếm. Những bánh pháo của bố tôi làm hãnh diện cho ông bà tôi. Bố tôi thường mua để dành tự hôm Táo Quân lên chầu trời. Năm ấy, tới ba mươi tháng chạp, bố tôi vẫn không mua pháo. Người nói: Mình về chúc tết ông bà sáng mồng ba rồi mồng bốn đi ngay. Tôi hỏi: có đốt pháo không hở, bố? Bố tôi lắc đầu: Năm nay bố hết tiền mua pháo. Tôi buồn ghê quá. Tôi buồn thật sớm. Nỗi buồn đến với tôi vào mùa xuân tám tuổi và đồn trú mãi ở hồn tôi tận hôm nay. Tôi nghĩ phải có một bánh pháo nhỏ đốt giữa sân nhà ông bà nội. Và tôi nhập bọn với đám trẻ con nghèo khổ, liều lĩnh đi vồ pháo, tự kiếm cho riêng mình niềm vui thơ ấu.

Nơi gia đình tôi sinh sống, người ta đốt pháo đón xuân từ hai mươi tám tháng chạp. Hai ngày mồng một, mồng hai, pháo nổ giòn giã. Người ta đốt những dây pháo dài chấm đất lên tới gác ba tầng. Người ta châm ngòi từng bánh pháo, vất ra vỉa hè. Bọn trẻ con nhà nghèo thường “bông nhông” xuống, dùng lưng dập tắt các ngòi pháo để vồ những chiếc pháo chưa kịp nổ. Tết nhất ai cũng dễ dãi. Và bọn trẻ con được “mừng tuổi” xứng đáng bằng sự gan dạ, liều lĩnh của chúng. Có thằng can đảm còn dám giẵm chân không lên ngòi pháo ông lệnh. Chậm một cái tính chất tuổi thơ nghèo khổ, còn là một đam mê. Mùi thuốc pháo quyến rũ. Tiếng pháo nổ gợi mạo hiểm. Tôi có thể hít hà mùi khói pháo cũng như mùi khói ô tô không biết chán. Ngày xưa, đứng nhìn những đứa bằng tuổi tôi nhào vào tràng pháo đang nổ tóe lửa, tôi phục … lăn. Những thằng nhút nhát chỉ làm công việc mót pháo. Nghĩa là, đứng xa, chờ im tiếng nổ mới dám tới kiếm xem còn sót chiếc pháo nào câm vì ngòi tắt hoặc chiếc pháo thối, cháy hết ngòi vẫn không nổ. Pháo câm giá trị hơn pháo thối. Nén hương đốt sẵn cầm tay châm tiếp vào cái ngòi ngắn, pháo nổ đùng. Pháo thối đành cắt đôi cái thân cho lòi thuốc pháo, dí đầu hương, thuốc pháo cháy xòe! Mót pháo giống mót lúa, hôi cá. Phải vồ pháo mới là đánh cá và chụp được nhiều pháo đốt. Tôi không thích mót pháo. Tôi thích vồ pháo và hy vong vồ thật nhiều. Sáng mồng một, tôi dậy thật sớm, chờ nhà mở cửa, lẻn ra đường. Ngoài bộ quần áo tết, tôi đã mặc lót bộ quần áo ngày thường. Tôi lên phố chính, cởi phăng bộ đồ hộp, cắp nách. Ở đâu pháo nổ, ở đó có tôi. Không chỉ có một mình tôi mà có quá đông trẻ con chơi trò vồ pháo. Bánh pháo đốt cháy vất ra vỉa hè y hệt những khúc ngô luộc, những nắm bỏng, những khẩu mía, những cái bánh rẻ tiền trong nia cúng rằm tháng bảy. Trẻ con nhào tới vồ pháo cơ hồ trẻ con đứng chầu rìa trước cửa đền đợi lệnh “tung hê” là nhào tới cướp đồ phát chẩn. Một thằng “bông nhông” đè bánh pháo. Thằng khác sợ bạn cướp hết, “bông nhông” theo đẩy bạn ra. Còn chiếc pháo chưa kịp tắt ngòi, nổ tung và châm ngòi cho những chiếc pháo kế tiếp. Thằng khác nữa đóng vai ngư ông thủ lợi, “lông nhông” xuống vỉa hè xi măng. Nó nằm ngửa một lát rồi xoay người úp bụng đè pháo. Những thằng khác xông vào. Thằng đè pháo cố bảo vệ chiến thắng của mình. Nó chịu đựng hàng chục thằng nắm đầu, kéo tay, giẫm lưng đòi chia phần. Cuối cùng, nó kêu ơi ới. Bạn bè nó giãn ra. Nó lồm cồm bò dậy. Bạn bè nó nhẩy vô giành giật. Mỗi đứa được vài chiếc. Tôi cũng tích cực tham gia vào việc giành giật tuyệt thú này. Và rồi, để công bằng thụ hưởng, chúng tôi thay phiên nhau “bông lông”, thay phiên nhau làm anh hùng vồ pháo. Hai ngày liền, tôi chỉ biết tết ở vỉa hè những nhà thừa pháo đốt. Bấy giờ, tôi không suy nghĩ, vì chưa biết suy nghĩ. Nhưng, bây giờ, biết suy nghĩ, tôi lại không nhớ hết quang cảnh đám vồ pháo. Tôi cố hình dung bằng hồi tưởng. Và tôi thấy, dường như, đứng trên gác cao, những kẻ đốt pháo ném xuống vỉa hè đã vui tết hơn chúng tôi vui vồ pháo. Hình dung thế, tôi cảm giác những vết phỏng má, phỏng tay, những sợi tóc bị cháy đau đớn vô cùng. Và rồi, không đời nào tôi có thiện cảm với bọn giàu có, với bọn quyền quý trong xã hội loài người. Tại sao những người nghèo khổ cứ phải giành giật đồ phát chẩn nhỉ? Một lần, tôi “lông nhông” đẹp quá, bánh pháo mới nổ hai chiếc đã câm liền. Tôi cầm bánh pháo, đưa trước mặt ngắm nghía. Mầu pháo hồng cảm khái lạ lùng. Đôi mắt tôi hẳn sáng rực. Nhưng một thằng hét inh: Sắp nổ! Tôi hoảng hốt tung bánh pháo ra xa. Thằng đó bước tới, nhặt cả bánh pháo, co cẳng chạy. Tôi quỳ lặng người trên vỉa hè, trông theo, tiếc ngẩn ngơ. Tuy thế, hai ngày vồ pháo, tôi cũng có gần một trăm chiếc pháo lẻ. Tôi mua vài sợi dây pháo kết thành một tràng pháo tám mươi chiếc. Số lẻ, tôi đốt từng chiếc, vui sướng đến quên cả những vết phỏng trên tay, trên má đã mọng nước và sắp ri rỉ chảy.

Mồng ba, gia đình tôi về làng chúc tết ông bà tôi. Những đứa trẻ con họ hàng, như mọi năm, kéo nhau sang nhà tôi xem đốt pháo để bịt tai thích thú. Sân nhà tôi chưa có lấy một cái xác pháo. Tôi lẳng lặng kiếm cái sào, lôi tràng pháo của tôi, buộc vào đầu sào rồi châm ngòi pháo. Tôi giơ cao cái sào. Pháo của tôi nổ giòn. Mùi thuốc pháo thơm lừng, đượm lấy hơi lạnh phảng phất quanh sân nhà ông tôi, phảng phất trong tâm hồn tôi, phảng phất suốt cuộc đời tôi. Bọn trẻ con reo hò. Ông bà tôi vui cười. Bố tôi nhìn tôi không nói. Có lẽ, bố tôi đã biết tại sao má tôi bị phỏng. Tràng pháo duy nhất của một cái tết. Niềm kiêu hãnh của thời thơ ấu của tôi. Để có nó, má tôi đã bị phỏng lửa pháo, tay tôi đã sước da. Tết thuở nhỏ của tôi. Nó đấy. Bùi ngùi biết bao!

Như niềm kiêu hãnh thơ ấu, tôi đã tạo cho tôi niềm kiêu hãnh khi bước xuống cuộc đời bằng những trò chơi vồ pháo. Không sai mảy may. Trò chơi vồ pháo còn tiếp diễn. Và chỉ chấm dứt ngày tôi thoát khỏi vùng trời đầy đặc phiền muộn này.

Duyên Anh

1972
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn