BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73236)
(Xem: 62214)
(Xem: 39393)
(Xem: 31148)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Nhà văn, Tác phẩm, Cuộc đời.

12 Tháng Chín 20197:10 SA(Xem: 5604)
Nhà văn, Tác phẩm, Cuộc đời.
51Vote
40Vote
30Vote
21Vote
11Vote
2.73
(Lê Thy đánh máy lại từ
của tác giả.)

VÀO ĐẦU

Vũ Trọng Phụng, kiệt liệt của Số đỏ. Có thể lộng ngôn mà nói rằng, ông là nhà văn uống hết chất trào lộng của những thế kỷ trước. Và những thế kỷ sau, không ai theo kịp ông. Chẳng có một tác phẩm nào để so sánh với Số đỏ, dẫu chất trào lộng càng ngày càng phong phú. Xã hội Việt Nam, tính từ tiền chiến sang hậu chiến, nỗi đắng cay của thân phận con người cay đắng bội phần, nụ cười khinh mạn, cười ra nước mắt phải kênh kiệu hơn, phải chua xót hơn Vũ Trọng Phụng. Buồn quá và tủi thân quá, ròng rã 50 năm, Số đỏ vẫn đứng nguyên vị trí cũ. Như một dấu mốc rang ngời của văn chương trào lộng. Dấu mốc của thời đại thêm phần lung linh mầu sắc. Nó ngoảnh mặt lại, chờ bạn đồng hành. Chờ đợi hoài. Không thấy. Nó biến thành đại thụ muôn năm. Số đỏ đã đưa Vũ Trọng Phụng lên ngôi vị độc tôn trong văn học sử.

Chúng ta chỉ biết có thế. Để vinh tôn Vũ Trọng Phụng. Những gì tạo nên Giông tố, Lấy nhau vì tình, Vỡ đê, Cơm thầy cơm cô, Kỷ nghệ lấy tây….của Vũ Trọng Phụng, chúng ta không biết, không muốn biết, không thèm biết. Tội nghiệp cho nhà văn! Tội nghiệp cho chúng ta! Khi chúng ta thèm biết, ham biết, khát khao biết về cuộc đời riêng tư gắn bó lấy tác phẩm của Vũ Trọng Phụng…thì đã muộn màng . Sự muộn màng có một nguyên do: Ta quên nhắc nhở các nhà văn ở thế hệ Vũ Trọng Phụng viết về Vũ Trọng Phụng, ta quên đánh thức tâm hồn nhà xuất bản. Nên, nhà văn Vũ Trọng Phụng, tác phẩm Vũ Trọng Phụng bầy ra, nhưng cuộc đời Vũ Trọng Phụng thiếu vắng. Nhà văn, tác phẩm, và cuộc đời dính liền với nhau. Hình như, với độc giả chúng ta đều xa lạ cuộc đời nhà văn, nhà thơ. Hình như, chúng ta chỉ bắt nước mắt rơi vì tiểu thuyết của nhà văn lỗi lạc. Hình như, chúng ta không để nước mắt rơi vì cuộc đời nhà văn thượng thừa. Tôi đã trách sai chúng ta. Có một hồi ký của nhà văn trác tuyệt nào đâu? Nhà văn Việt Nam, lúc đã thành danh, ngại ngần viết hồi ký của mình. Cho nên, chúng ta khó mà đoán được cái cảm hứng vàng mười nào đã đẩy xa Nguyễn Tuân, làm Nguyễn Tuân biến thành người viết tùy bút hay nhất nước, trước kia và bây giờ. Chúng ta khó mà đoán được cái cảm hứng vàng mười nào đã giúp nhà văn sáng tác truyện ngắn để đời. Như Thạch Lam với Đêm ba mươi; Khái Hưng với Dọc đường gió bụi; Bùi Hiển với Nằm vạ; Tô Hoài với Nhà nghèo; Thanh Tịnh với Con so về nhà mẹ; Hồ Dzếnh với Nhà đông con. Và, nhà văn bằng hữu của nhà văn tăm tiếng cũng ngần ngại viết những cuốn sách chân thật về bạn mình. Do đó, chúng ta chỉ mường tượng ra nhà văn, nhà thơ bằng huyền thoại.

 

Rất hiếm hoi nhà văn đã viết về nhà văn lìa đời, trong làng báo Sàigòn, hậu chiến. Chúng ta được đọc Vũ Bằng một bài ngắn ngủi Đốt lò hương cũ, tưởng niệm Vũ Trọng Phụng. Vũ Bằng tự nhận là thân nhất với Vũ Trọng Phụng, Vũ Đình Chí (Tam Lang). Ba chàng họ Vũ đã náo động Hà Nội một thuở. Đọc hết Đốt lò hương cũ của Vũ Bằng, dù là bạn chí thân với Vũ Trọng Phụng, chúng ta ngậm ngùi thấy: Vũ Trọng Phụng nghèo lắm. Ông làm tư chức cho một hãng buôn người Pháp, lương ít ỏi, ông phải viết văn thật nhiều mà không đủ sống. Trên vai ông, có bà nội, mẹ và vợ con.Ông gắng nhiều sức qua, đâm ra bị ho lao. Rồi, chết hãy còn trẻ…Một lần nhà văn Lan Khai mời ông đi ăn cơm Tây, ông đã buồn rầu nói: Đời tôi, giá mỗi tuần được ăn cơm Tây một lần, chắc tôi sẽ không khổ. Chúng ta chỉ biết thế, về cha đẻ của Xuân tóc đỏ, Vạn tóc mai…Ở đâu đó, chúng ta hiểu lơ mơ về Lan Khai, tác giả lịch sử tiểu thuyết Cái hột mận, Ai lên phố Cát…Lan Khai đã làm say mê độc giả thời đại ông, và thời đại chúng ta. Tiếc là ông đã Lạc đường vào lịch sử, theo nhà văn Nguyễn Mạnh Côn, nên ông mới bị học trò ông mê cuồng chủ nghĩa cộng sản, bắt ông bỏ vào rọ đan, dìm ông chết sặc sụa dưới giòng sông. Ô Lan Khai, nhà văn, chỉ vì mơ mộng vào lịch sử tranh đấu cho giống nói mà chết thảm, chết không biết xác tạp vào bãi bờ nào, trong thời gian tranh tối tranh sáng của cách mạng 1946.

khaihungVẫn năm 1946, nhà văn Khái Hưng đã, tay bị trói, chân bị trói, bị đạp xuống giòng sông Nhuệ theo người “phản động” Phạm Thái. Ông cũng Lạc đường vào lịch sử. Tác giả Nửa chừng xuân, Dọc đường gió bụi, Thừa tự, Tiêu Sơn tráng sĩ…đã làm bao nhiêu phụ nữ ngây ngất, đã là cho cả Trương Quỳnh Như – Phạm Thái ngất ngây ở cõi chết. Khái Hưng đã lìa đời không giống đoạn kết Tiêu Sơn tráng sĩ. Phạm Thái thất tình quên luôn hoài Lê, tối ngày say sưa ngâm thơ lảm nhảm: Sống ở dương gian đánh chén chè, Chết về âm phủ cắp kè kè, Diêm Vương phán hỏi mang gì đó,Be! Đến nỗi, đồng chí Quang Ngọc – Nhị Nương lắc đầu chán nản, bỏ đi. Đồng chí Nhất Linh trốn cách mạng, bỏ chức Bộ trưởng Bộ ngoại giao, sang Hồng Kông, bỏ rơi đồng chí Khái Hưng chết tức tưởi dưới giòng sông Nhuệ. Chúng ta chỉ biết thế, về Khái Hưng!

Còn Nhượng Tống bị ám sát ở Hà Nội, vùng Tề, thì sao? Nhà văn Nhượng Tống, tác giả tiểu thuyết Lan và Hữu, dịch giả siêu đẳng Sử ký Tư Mã Thiên, và bộ Nam hoa kinh của Trang Tử. Riêng bài tựa Nam hoa kinh của Nhượng Tống đã bất hủ rồi. Vậy mà Nhượng Tống đã chết dưới lằn đạn oan khiên. Ai giết nhà văn Nhượng Tống? Cộng sản giết Nhượng Tống vì Nhượng Tống có ý là bộ trưởng triều đại quốc trưởng Bảo Đại, hay Vũ Hồng khanh thủ tiêu Nhượng Tống vì chức Bộ trưởng Thanh niên đang nằm trong tay mình sẽ vào tay Nhượng Tống? Thiên hạ còn tù mù chuyện này, huống chi chuyện viết một cuốn sách viết về nhà văn tài hoa Nhượng Tống.

 

Tôi mới nhắc 4 nhà văn, mà cuộc đời của họ tôi biết sơ sơ bằng những Đốt lò hương cũ. Nguyễn Bính, Tô Hoài, Trần Huyền Trân, Thạch Lam, Thâm Tâm, Nguyên Hồng….tôi mù tịt. Trách nhiệm này của tiền chiến, và lỗi lầm này của tiền chiến. Chúng ta không có quyền oán trách, mà chỉ âm thầm tiếc nhớ. Thời đại đã trôi đi, chúng ta có muốn ngược giòng tìm lại cuộc đời của nhà văn đã để lại những bến bờ văn chương cũ, chẳng được. Nhắc lại nhằm mục đích ôn cố tri tân. Có thế thôi.

Thời đại của tôi tính từ 1954, và chấm dứt từ 1975. Nói về văn chương, chỉ nói về văn chương miền Nam, nơi tôi đã trưởng thành cùng những bước leo dốc ngoạn mục của tiểu thuyết, thi ca. Tôi sinh ra ở miền Bắc, viết văn ở miền Nam. Hai mươi năm ngắn ngủi, mà miền Nam đủ thời gian làm văn chương thăng hoa vun vút. Chưa phải toàn thiện, toàn mỹ, vì chưa phải chính văn. Nhưng, nó là văn chương đích thực, muôn mầu muôn sắc, dù ở miền Nam, các chế độ ghét đắng ghét cay văn chương, và chỉ sợ nó phản kháng, ngày nào. Đáng lẽ, văn chương không nẩy nở được ở vùng đất độc tài, quân phiệt diễu hành. Trái lại, như cây muốn trổ bông gấp, văn chương hàng loạt tung ra. Ấy là, nhờ thời tiết lãng mạn, người lãng mạn, mưa lãng mạn, nắng lãng mạn, gió lãng mạn, chim muông lãng mạn…, thành thử văn chương cũng lãng mạn theo, biến vùng đất miền Nam thành vũ trụ văn chương lãng mạn. Nếu nói như thi sĩ Đông Hồ, hôm vua Nguyễn văn Thiệu đãi tiệc văn nghệ sĩ tại dinh Độc Lập, và tuyên bố giải thưởng văn chương đã thành lập, và sẽ phát cho người trúng giải, thời này giống hệt thời thịnh Đường, khi ông ngắt cành hoa đào, khoan khoái mỉm cười, quả thật, thời này như thời thịnh Đường! Vì, ông Đông Hồ già rồi, không viết tiểu thuyết, không làm thi ca, nên không quen biết sở kiểm duyệt, sở phối hợp nghệ thuật! Ông Đông Hồ Lâm Tấn Phát, giá nói, thời vua Nguyễn văn Thiệu hơn thời thịnh Đường, thì đúng nhất. Thời thịnh Đường, vua Đường Minh Hoàng đâu biết làm thơ? Quần thần đâu biết làm thơ? Thời nay vua Nguyễn văn Thiệu không biết làm thơ đã đành, giai cấp thống trị viết văn, làm thơ rất hào hứng. Thi sĩ thủ tướng Trần văn Hương xuất bản thi phẩm Ngồi buồn gãi dái, dái lăn tăn. Thi sĩ tổng trưởng lao động Huỳnh Hữu Nghĩa xuất bản thi phẩm Thơ Huỳnh Hữu Nghĩa. Thi sĩ đổng lý phủ tổng thống Đoàn Thêm xuất bản thi phẩm Nhạc dế . Văn sĩ tổng giám đốc thông tin Nguyễn văn Tạo xuất bản tập truyện Chiếc bong bóng lợn. Vân vân…Ở một thời đại thanh bình toàn diện, thống trị học đòi làm văn nghệ, công việc đáng khen. Ở một thời đại loạn ly tứ phía, thống trị học đòi làm văn nghệ, công việc dẫn đến mất nước. Mà thôi, nhắc tới văn nghệ thống trị, văn nghệ thư lại làm gì? Hãy nói về nhà văn, nhà thơ của chúng ta chắp cánh cho văn chương bay bổng lên cao, cao vút, ở vùng trời miền Nam.

Những nhà văn, nhà thơ của chúng ta hiện diện ở miền Nam 1954, kể luôn nhà văn, nhà thơ vùng Tề, và kháng chiến trở về, thuộc thế hệ văn chương 1954-1975. Chúng ta thấy Sơn Nam chói chang trong Hương rừng Cà Mau, Chim quyên xuống đất; Bình Nguyên Lộc rực rỡ trong Rừng mắm, Đò dọc; Vũ Khắc Hoan kênh kiệu trong Thần tháp rùa, Thành Cát Tư Hãn; Doãn Quốc Sĩ u hoài trong Gìn vàng giữ ngọc, Giòng sông định mệnh; Hoàng Hải Thủy vờn vẽ trong phóng sự; Thanh Nam bồng bế trong tiểu thuyết; Trần Tuấn Kiệt thao túng trong thi ca…Người người, lớp lớp lăn mình vào văn nghệ với tâm niệm làm mới văn chương, làm lạ văn chương, mỗi ngày mỗi đổi sắc.

 

Nếu ở Việt Nam có chu kỳ đẹp nhất, hay nhất, ngoạn mục nhất, lãng mạn nhất cho thi ca và âm nhạc, chúng ta phải hãnh diện tôn sùng chu kỳ 1946-1950, chu kỳ toàn dân kháng chiến chống Pháp. Chúng ta kể sơ qua Bắc Sơn, Sông Lô của Văn Cao; Nhớ thành Tô, Tạ từ của Tô Vũ; Đường về làng tôi, Những hình bóng qua của Việt Lang; Tiếng hát quay tơ của Tử Phác; Ba Vì mờ cao của Quang Dũng; Nụ cười sơn cước của Tô Hải….Đấy là về âm nhạc. Tha La của Vũ Anh Khanh; Thăm đồng của Trần Trung Thông; Nhà tôi của Yên Thao; Mầu tím hoa sim của Hữu Loan; Đôi mắt người Sơn Tây của Quang Dũng; Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm….Đấy là về thi ca. Thì phải tự hào mà tôn sùng chu kỳ 1954-1975, chu kỳ sáng chói của tiểu thuyết của miền Nam. Sáng chói bằng hành văn. Sáng chói trong tư tưởng. Chúng ta viết hoa TIỂU THUYẾT và NHÀ VĂN, để khỏi phụ lòng tiểu thuyết và nhà văn. Đất không lãng mạn, cỏ cây không lãng mạn, người lãng mạn cũng khó viết tiểu thuyết bay bổng. Đất lãng mạn, cỏ cây lãng mạn, người không lãng mạn nếu viết, tiểu thuyết nó chỉ là đà trên mặt đất. Cho nên, muốn viết tiểu thuyết như tiểu thuyết miền Nam chu kỳ 1954-1975, miền Bắc cam đành mất vài chục năm mới học nổi cách hành văn, và tư tưởng bốc khói, trong tiểu thuyết . Người ta chê bỏ nhất thời rằng, tất cả mọi sản phẩm ở miền Nam đều đồi trụy, phản động. Nhất là văn chương. Nhưng, chúng ta đoan quyết, ngày nào đó, tiểu thuyết ướp hương trầm của miền Nam, người ta sẽ gối đầu giường làm kim chỉ nam. Bây giờ tiểu thuyết chu kỳ 1954-1975 đã tạo thành một cõi, bay lên trời như mây xây thành, làm vinh dự cuộc đời chúng ta. Cái gì nặng chĩu như đá tảng, không bay cao, và đi xa được. Chỉ có tiểu thuyết đáng giá mới chắp cánh phiêu bồng vạn ngả.

Tôi đã nghĩ tới những nhà văn, nhà thơ làm giầu cho chữ nghĩa, làm thăng hoa cho văn chương. Và, tôi định viết cuốn sách đầu tiên về nhà văn bình dị, và khả ái Sơn Nam. Nghĩ lại thấy mình không thân thiết với Sơn Nam, nhà văn miền Nam gốc, sợ rằng mình sẽ nhận định văn chương của tác giả Chim quyên xuống đất hơn là gom góp những mẩu đời buồn vui của ông.

Tôi thấy, một nhà văn không bao giờ nên phê bình chủ quan, hay khách quan nhà văn khác. Về tác phẩm. Hãy để cho phê bình gia chuyên nghiệp. Một nhà văn cũng không bao giờ nên viết văn học sử thời thượng. Hãy để cho văn học sử gia đời sau. Trừ phi, nhà văn nóng lòng vào văn học sử, vội viết văn học sử, và cho mình, và bạn bè cùng vào văn học sử! Chuyện ấy chỉ buồn cười, nếu không nhăn mặt giận dữ. Tôi không viết về Sơn Nam nữa.

Năm 1974, nhà văn Nguyễn Mạnh Côn, và nhà văn Chu Tử đã, hình như, gác bút vĩnh viễn. Chu Tử là nhà văn hiện tượng trong văn chương Việt Nam . Tiểu thuyết Yêu là hiện tượng Chu Tử. Nguyễn Mạnh Côn là nhà văn chính trị, rồi triết học. Tập truyện Kỳ hoa tử và tiểu thuyết Mối tình mầu hoa đào là vóc dáng Nguyễn Mạnh Côn. Tôi lại định viết những mảnh đời sầu não, và vui tươi khi hai ông làm báo, viết văn; những nguyên do nào hích đẩy hai ông vào làng văn, trận báo…

Nguyễn Mạnh Côn là nhà văn đầu tiên tôi gặp gỡ, ở mãi trong đời viết văn của tôi. Chu Tử, tôi quen biết tại nhà Nguyễn Mạnh Côn năm 1963, và tôi viết cho Thân Dân, Tranh Đấu, những ngày dài ông thuê măng sét báo, sau khi Sống bị đóng cửa. Trở nên thân thiết hai người, chuyện gì riêng tư hai ông cũng kể cho tôi nghe. Viết về hai ông, tôi thoải mái. Nhưng tôi có hai nỗi sợ. Thứ nhất: Những lời dị nghị của đồng nghiệp, bảo tôi cố bám thần tượng mà leo lên vinh quang. Thứ hai: Trình độ của tôi còn non kém, tuổi đời của tôi vắt ra sữa. Tôi đành bỏ ý định, chờ ngày mai. Ngày mai, 30-04-1975, tôi không có dịp viết nữa.

Tháng 10-1983, tôi vượt biên sang Pháp. Thấy ngay cái nghịch cảnh nhà văn, nhà báo chuyên nghiệp phải chống chọi. Chống chọi và thiếu thốn. Đến năm 1988, nhờ bị xụi chân, liệt tay phải, tôi được chính phủ Pháp nuôi báo cô. Bởi vậy, cảnh thiếu thốn của nhà văn về chiều hết đường đe doạ. Tôi tập viết bằng tay trái, cứ thảnh thơi tôi viết văn theo ý muốn của tôi, mặc kệ đồng nghiệp thị phi. Bây giờ, tôi có ngót nghét 80 tiểu thuyết, 2 tập thơ đã xuất bản. Ngoài ra, tôi còn 4 tiểu thuyết do Belfond và Fayard ấn loát. Tôi đã đủ trình độ viết về Thanh Nam, Hoàng Anh Tuấn, Hoàng Hải Thủy… Nếu cao hứng, viết về Văn Cao, Lam Phương, Lệ Thu, Kim Tước. Cả cuốn. Với xuýt xoát 60 tuổi, tử thần đang đợi ngoài kia, tôi sẽ viết cho cả văn hữu chết rồi và văn hữu còn sống mát ruột. Đọc sách của nhà văn viết về cuộc đời nhà văn bằng hữu, tôi nghĩ, còn rút ra những câu nói. Để nhớ. Mà, hiện nay , trên thị trường chữ nghĩa, nhan nhản hồi ký của cha căng, chú kiết, đời họ chẳng có chi đáng đọc.

Nhà Nam Á muốn xuất bản loại sách tôi đã nói. Để tỏ lòng biết ơn nhà văn, nhà thơ đã cúc cung phục vụ văn chương, để làm mới nền xuất bản, để độc giả vui thích và tưởng niệm, để nhân gian hết cho nhà văn, nhà thơ vào huyền thoại. Nam Á phát biểu thế. Không hiểu tai sao, tôi và Nam Á cùng chung một tâm sự. Tôi đồng ý ngay.

Tác phẩm Nguyễn Mạnh Côn, người đi đâu? là tác phẩm thứ nhất trong tủ sách Nhà văn, Tác phẩm, Cuộc đời. Tôi được vinh dự vén màn. Sau tôi, các nhà văn khác sẽ tiếp tục làm công việc này. Một cách hứng thú.

Le Plessis Robinson
23-9-1993
chukyduyenanh-da_signature
Nguồn : https://duyenanhvumonglong.wordpress.com/2019/05/01/nha-van-tac-pham-cuoc-doi/#more-1655
Ý kiến bạn đọc
19 Tháng Hai 202311:24 CH
Khách
Loi phi lo tuyet voi. Hay hon ca "qua hay ".
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn