BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73479)
(Xem: 62247)
(Xem: 39438)
(Xem: 31182)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Tưởng Nhớ Nhà Văn Nguyễn Đức Lập

03 Tháng Ba 201612:00 SA(Xem: 1382)
Tưởng Nhớ Nhà Văn Nguyễn Đức Lập
537Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
537
Nhà văn Nguyễn Đức Lập sinh ngày 21 tháng 9 năm 1945 tại Tư Nghĩa, Quảng Ngãi. Thứ nam của nhà báo Hồng Tiêu Nguyễn Đức Huy (1902-1985) và nhà văn Bà Tùng Long (1915-2006) trong gia đình có 9 anh chị em. Cựu học sinh trung học Pétrus Ký, cựu sinh viên đại học Luật Khoa Sài Gòn, nguyên Luật Sư Toà Thượng Thẩm Sài Gòn. Bút hiệu: Hương Giáo, Ngô Phụng Anh, tên Rừng là Sóc Vui Vẻ.

Theo lời nhà thơ Trạch Gầm Nguyễn Đức Trạch, anh ruột NĐL, lúc mới sinh ra trái tim của NĐL có một lỗ thủng vì vậy ốm yếu và thở không nổi, nuôi nấng rất khó nhưng không tìm được nguyên do. Khi NĐL học năm thứ hai ở trường Luật gặp BS Huy chuyên khoa về tim ở Pháp về chẩn bệnh có tật trong tim. Hồ sơ bệnh lý chuyển vào bệnh viện Cộng Hòa để được miễn dịch vĩnh viễn nên NĐL tiếp tục con đường học vấn.

Sau khi Cộng Sản cưỡng chiếm miền Nam VN, chàng luật sư trẻ, ốm yếu “trói gà không chặt” không còn đất dung thân nên tháng 9 năm 1975, làm rẫy ở ấp Phước Lập, xã Phú Mỹ, tỉnh Đồng Nai. Vượt biên tháng 8 năm 1980, ở trại tỵ nạn Palawan, sau đó đến trại chuyển tiếp Bataan, Philippines. Định cư tại Hoa Kỳ năm 1983 trải qua các tiểu bang North Carolina, Virginia và California.

Năm 1999, anh cùng nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, nhà báo Du Miên, giáo sư Trần Lam Giang, nha sĩ Võ Trọng Di thành lập Thư Viện Việt Nam, tại Nam California.

Cách đây khoảng mười năm, bệnh tim bị nguy ngập, phải giải phẫu và từ đó sức khỏe anh sa sút nhưng vẫn sáng tác đều đặn và sinh hoạt trong Thư Viện Việt Nam.

Nhà văn Nguyễn Đức Lập là một Trưởng Hướng Đạo Việt Nam đam mê thú tiêu khiển sưu tầm những món đồ cổ ở chợ trời, garage sales… Căn nhà của anh không còn lối đi vì sách báo và đồ cổ ngổn ngang.

Năm 2015, anh em Hướng Đạo ở Texas mua căn mobile home và mời anh sang vì nơi thiên nhiên vắng vẻ nầy hợp với anh và có anh em chăm sóc. Thế nhưng sức khỏe ngày càng yếu kém, sau thời gian nằm bệnh viện, Nguyễn Đức Lập đã từ giã cõi trần vào lúc 1 giờ 55 phút trưa Thứ Hai, ngày 29 tháng Hai, 2016, tại bệnh viện Clear Lake Weber Texas, thành phố Houston, hưởng thọ 71 tuổi.


Nhà văn Nguyễn Đức Lập và tác phẩm.



Nguyễn Đức Lập sống như vị thiền sư, tuy bệnh hoạn nhưng tâm hồn lúc nào cũng lạc quan vì không vướng bận chuyện vợ con.

*Tác Phẩm Đã Xuất Bản

- Thơ: Những Đêm Không Ngủ, 1986

- Truyện Ngắn:

Cuộc Chiến Tàn Chưa, 1987

Cặp Mắt Quay Lại, 1992

Khung Rào Hẹp, 1992

Lớp Trước, Lớp Sau, 1994

- Truyện Dài:

Kiếm Đạo 1, Bảo Kiếm Tặng Anh Hùng, 1987

Kìếm Đạo 2 Thần Thư Trao Hào Kiệt, 1987

Ngắn Cổ Khó Kêu, 1989

Nhứt Biết Nhì Quen, 1990

Phong Vũ Tiêu Tiêu, Lôi Vũ Động, 1991

Giàn Đậu Mưa Rung, 1992

Trần Ai Khoai Củ, 1994

Mảnh Vụn Một Đời, 1999

Đi Trước Về Sau, 2009

Hương Giáo Đề Thơ, 2016 (Tập đầu tiên ấn hành năm 1990 gom những bài viết trong 5 năm đăng trên tờ Bách Khoa, sau đó Mục Hương Giáo Đề Thơ đăng đều đặn trên tờ Thời Báo của Du Miên). Thay Lời Tựa trong tập I nầy anh viết: “Đây là tập thư của vị thầy giáo làng gởi cho đứa học trò (Lê Văn Cui) cả đời không học hết được túi khôn của thánh hiền…”.

Sẽ Xuất Bản:

Truyện Dài: Người Sau Cùng

Tuyển Tập Truyện Ngắn Nguyễn Đức Lập (Theo lời anh Nguyễn Đức Trạch thì trong những ngày cuối đời anh nằm ở bệnh viện, đồng ý cho thân nhân xuất bản tuyển tập dày cả nghìn trang).
***

Ngoài những tác phẩm đã ấn hành, anh Nguyễn Đức Lập đã sáng tác nhiều thể loại được phổ biến trên các tờ báo.

Nhà tư tưởng Pháp Blaise Pascal (1626-1662) cho rằng “Con người chỉ là một cây sậy yếu ớt nhất trong thiên nhiên, nhưng đó là một cây sậy biết suy nghĩ” thì Nguyễn Đức Lập là cây sậy biết suy nghĩ để trang trải qua các tác phẩm. Anh là nhà văn đích thực nhưng rất khiêm nhượng. Trang bìa sau tác phẩm Giàn Giậu Mưa Rưng, ấn hành năm 1992, anh nói: “Tôi không phải là nhà văn, và cũng chẳng bao giờ muốn trở thành nhà văn cả”.

Hầu hết tác phẩm của anh đề cập đến nhân sinh quan, con người, xã hội và cuộc sống. Anh viết về thân phận hẫm hiu con người nhược tiểu của đất nước, nhất là giai đoạn Cộng Sản thống trị từ Bắc chí Nam. Trong quyển Cuộc Chiến Tàn Chưa, xuất bản năm 1987 trong phần Thay Lời Tựa anh đã tiên đoán hậu quả của dân tộc VN mà bây giờ thấy rõ đang diễn ra: “Cuộc chiến ngưng, cũng lúc dân tộc Việt Nam nhận thấy tất cả những lọc lừa, những dối trá mà họ đã phải gánh chịu, cũng là lúc mà đồng bào biết rằng họ đã lọt vào một cuộc xâm lược mới và họ đã cảm nhận một cách chua xót thân phận trâu cày ngựa cởi”! Hai thập niên sau, cuộc xâm lược mới của Trung Cộng quá lộ liễu trên Biển Đông mà nguy cơ đang rình rập đất nước.

Có lẽ ảnh hưởng từ thân mẫu đã hy sinh một đời cho con cái, anh ca ngợi hình ảnh người Mẹ Việt Nam “Mơ ước bình thường của những bà Mẹ Việt Nam lại chính là cái ước mơ vĩ đại nhất của nhân loại”. Bàng bạc trong tác phẩm của anh khi đề cập đến người đàn bà VN là hình ảnh cao quý, nhẫn nhục, hy sinh trong mọi hoàn cảnh nghiệt ngã! Đau thương quá! Bất hạnh quá trong một đất nước ngục tù, đen tối!

Qua những gì Nguyễn Đức Lập trang trải qua ngòi bút mới nhận chân được vì sao khi định cư tại Hoa Kỳ, anh không tiếp tục theo đuổi ngành học trước kia mà dấn thân vào nghiệp cầm bút. Lý tưởng chân chính cao đẹp của nhà văn là viết ra những gì để thức tỉnh lương tâm con người trong xã hội và đời sống.

Nói về nhân cách thì Nguyễn Đức Lập thì tấm gương, nói như R. Poel “Chính nhân cách làm thành con người” thì Nguyễn Đức Lập xứng đáng cả hai.

Nguyễn Đức Lập đã ra người thiên cổ, tuy anh không thừa nhận mình là nhà văn nhưng trong bốn thập niên qua ở hải ngoại có bao nhiêu người như anh?

Vĩnh Biệt Nguyễn Đức Lập! Vĩnh biệt vì sao trong Văn Học Việt Nam Hải Ngoại!

Vương Trùng Dương

Little Saigon, March 01, 2016

Nguồn Việt Báo

.

GHI CHÚ:

Mời đồng hương dự lễ tưởng niệm lúc 4:00PM Thứ Bảy 5-3-2016 tại Thư Viện/Bảo Tàng VN, 10872 Westminster Ave., #214 & 215, Garden Grove, CA 92843. Ban Sáng Lập/Điều Hành Thư Viện/Bảo Tàng Viện VN: BS Võ Trọng Di, Ký giả Trần Lam Giang, nhà báo Du Miên, Bùi Đắc Danh, Hoàng Quốc Phong, Bùi thế Phát.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn