Sau khi xem qua clip do ông Hoàng Dũng đăng tải trên facebook cá nhân, ghi hình lại việc công an phường đòi vào nhà Ông để kiểm tra hộ khẩu vào lúc 23h30 ngày 25/10, nhưng Ông đã không chấp hành cho việc kiểm tra này, vì theo như ông nói, việc kiểm tra hộ khẩu theo Luật Cư trú cần phải xuất trình “Quyết định kiểm tra của Chủ tịch Quận”.
Trước tiên, tôi xin được chia sẻ với Ông là không có quy định nào như thế cả.
Quy định hướng dẫn về việc kiểm tra hộ khẩu, đăng ký lưu trú, tạm trú theo Luật Cư trú thì công an khu vực có thẩm quyền kiểm tra hộ khẩu, đăng ký lưu trú, tạm trú vào bất kỳ lúc nào. Thẩm quyền này được quy định trong khoản 4, điều 26, Thông tư 52/2010/TT-BCA là “cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân được giao quản lý cư trú tại địa bàn có quyền kiểm tra trực tiếp việc chấp hành pháp luật về cư trú đối với công dân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức thuộc địa bàn quản lý."
Cũng theo khoản 1, điều 26 của Thông tư này quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cư trú thì “hình thức kiểm tra cư trú được tiến hành định kỳ, đột xuất, hoặc do yêu cầu phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự”.
Vì vậy, việc ông Hoàng Dũng yêu cầu công an phường xuất trình Quyết định của Chủ tịch Quận khi họ đòi vào nhà kiểm tra hộ khẩu, tạm trú, lưu trú là không có cơ sở pháp lý.
Và theo điểm d, Khoản 1, điều 11, Nghị định 73/2010/ND-CP nếu không chấp hành cho việc kiểm tra này thì sẽ bị phạt từ 100 đến 200 ngàn đồng. Tuy nhiên, may mắn cho ông Dũng là công an khu vực có vẻ thuộc dạng “lơ tơ mơ” không vững về Luật cư trú, các Thông tư hướng dẫn, cho nên dù Ông đã viện dẫn không chuẩn xác về quy định kiểm tra việc cư trú, nhưng những công an này vẫn không biết viện dẫn lại cho đúng luật để đối đáp, giải thích cho Ông Dũng hiểu, mà họ chỉ im lặng.
Thứ hai, Thông tư nêu trên đã trao cho công an khu vực có thẩm quyền “gõ cửa nhà người dân” lúc nửa đêm, và vào nhà kiểm tra mà không cần bất kỳ một lệnh kiểm tra, khám xét nào thì là đó là văn bản Vi hiến và vi phạm quyền con người. Cụ thể là vi phạm Điều 22 của Hiến Pháp 2013 quy định “mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý. Việc khám xét chỗ ở phải do luật định.”
Nếu không muốn chấp hành trong trường hợp này, ông Dũng nên lập luận cho hành vi kiểm tra này là vi hiến thì sẽ hợp lý hơn. Tuy nhiên, dù bất kỳ một văn bản dưới luật nào mà ta đánh giá là vi hiến, nhưng chưa bị bãi bỏ thì nó vẫn còn có hiệu lực pháp lý và người dân cần phải chấp hành.
Lúc này, cũng sẽ có người hỏi lại rằng, nếu thấy nó vi hiến, vi phạm quyền con người mà vẫn chấp hành thì có phải là “đồng lõa hoặc dung thứ” với những vi phạm đó không? Hay là nên chọn thái độ bất tuân, vi phạm vào nó như là cách để phán kháng, qua đó tìm kiếm sự thay đổi nó?
Đây là một câu hỏi kinh điển trong giới luật học. Trải qua nhiều cuộc tranh luận bất tận với kết quả rút ra là mỗi người có quyền lựa chọn thái độ cho mình trong vấn đề này tùy theo khả năng và dũng khí của mình.
Trở lại vấn đề của ông Dũng, dưới quan điểm cá nhân của tôi, tôi chọn cách chấp nhận trước vì tinh thần thượng tôn pháp luật. Nhưng như vậy là vẫn chưa đủ, vì một công dân nếu chỉ biết chấp nhận và tuân thủ luật lệ một cách hồn nhiên, mà không biết phán xét đúng ai để phản kháng lại nó trong sự hợp pháp, thì không phải là một công dân tốt-công dân mạnh, mà chỉ là một công dân yếu-công dân thụ động.
Vì vậy tôi xin phép đưa ra vài tư vấn cho trường hợp cụ thể của Ông Dũng, để giúp Ông giữ tinh thần thượng tôn pháp luật và sau đó là tìm cách thay đổi nó.
“Tiếp khách trong toilet”
Nếu công an có đến nhà ông Dũng để kiểm tra lại, thì hãy mở cửa cho họ vào kiểm tra.
Ông chỉ nên cho những người mặc sắc phục có số hiệu, bảng tên đường hoàn vào nhà Ông, và số lượng bao nhiêu công an được phép vào nhà mình là tùy ở Ông. Vì không có quy định nào buộc Ông phải cho cả đoàn công an vào nhà kiểm tra, mà Ông chỉ cần chấp hành cho việc vào kiểm tra, tốt nhất Ông chỉ cho tối đa là 2 viên công an. Còn những ai mặc thường phục, Ông cứ đuổi thẳng cổ, ngoại trừ Tổ trưởng dân phố.
Khi cho họ vào nhà, Ông không tiếp họ theo truyền thống ở phòng khách, mà hãy tắt đèn phòng khách đi, dẫn họ xuống nhà bếp, xếp bàn ghế chỗ ngồi của họ nhìn thẳng vào cái toilet trong nhà.
Và Ông cứ thẳn thắng nói với họ lý do Ông tiếp họ chỗ này là vì Ông không hoan nghênh họ vào nhà Ông để “dựng Ông dậy”vào giờ này, và Ông coi đây là hành vi sách nhiễu cuộc sống và giấc ngủ người dân lúc nửa đêm, và hãy phân tích về Thông tư mà họ được trao thẩm quyền đã vi hiến như trình bày ở trên.
Sau đó tiếp tục nói cho họ biết rằng, vì đây là lần đầu tiên, nên ông cũng thông cảm cho nhiệm vụ của họ, nên còn tiếp họ dưới nhà bếp. Nếu còn bất kỳ một buổi kiểm tra nào nữa trong thời gian tới thì nơi tiếp họ sẽ là ở ngay trong cái toilet của nhà Ông. Lúc này Ông có thể đứng lên tắt luôn đèn của nhà bếp, nháy nháy cái đèn trong toilet cho họ thấy, và thò đầu vào trong toilet nói vu vơ: “chà, chà… cái nắp đậy bồn cầu này mà kê viết biên bản cũng tốt nhỉ!”.
Ông cần ý thức rằng, ngôi nhà đó là nhà của ông và Ông là chủ ngôi nhà đó, Ông tiếp họ ở đâu trong ngôi nhà đó là thẩm quyền của Ông.
Và tất nhiên, Ông có quyền dùng điện thoại để ghi hình cuộc kiểm tra trong nhà của ông, để vừa giúp Ông có thể giám sát “những người thi hành công vụ” và có chứng cứ pháp lý sau này.
Tôi có thể đảm bảo với Ông là họ sẽ không còn dám mò vào nhà Ông lần thứ hai, nếu họ đã có “trải nghiệm” cho lần đầu như trên. Còn người nào còn muốn “liều mạng” vì “sao và vạch” trên ve áo, bất chấp cảnh báo lần đầu của Ông, mà tiếp tục vào nhà Ông kiểm tra thì bị “ôm nhục” ráng chịu.
Tuy nhiên, theo đánh giá của tôi, cuộc kiểm lần hai sẽ khó xảy ra, vì theo quy định việc kiểm tra này phải có sự tham dự của Tổ trưởng khu phố. Tổ trưởng khu phố thường là những người có tuổi, không còn gì để phấn đấu, không có “sao và vạch” hay còn lợi ích chi phối, cho nên nếu được bên công an phường gọi điện bảo đi kiểm tra nhà Ông lần nữa, tôi tin là họ sẽ xin thôi làm Tổ trưởng ngay lúc đó. Đó là chưa kể đến phía công an, dù cấp trên ra lệnh thi hành, nhưng họ cũng phân biệt được nhiệm vụ nào nên gắn sức làm và nhiệm vụ nào nên né.
Như vậy, qua cách thức này vừa giúp ông chấp hành đúng quy định pháp luật, nhưng vừa có sự phản kháng hợp pháp, buộc những người thi hành nhiệm vụ này phải xem xét lại hành vi của mình, và nhiệm vụ mà họ đang là. Nếu không hủy bỏ được Thông tư quy định cho việc kiểm tra này ngay lập tức, thì trước mắt họ cũng không còn dám áp dụng nữa. Nếu làm được như vậy thì Ông mới được xem là một công dân tốt-công dân mạnh, vì vừa giúp Ông chấp hành đúng quy định, giữ vững được tinh thần thượng tôn pháp luật, và vừa giúp Ông có được hành động góp phần xóa bỏ những văn bản dưới luật đã vi hiến, đã vi phạm quyền tự nhiên rất cơ cản của con người là quyền được ngủ vào đêm khuya.
Lưu ý, đây chỉ là “tư vấn” của tôi đối với ông Hoàng Dũng, cũng như có thể áp dụng cho các nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền khác, vì họ là những người đấu tranh. Đối với các cá nhân, hộ gia đình, các cơ sở kinh doanh phòng trọ không phải là giới đấu tranh thì nên thật sự cân nhắc khi áp dụng theo lời tư vấn này, vì hệ quả của nó là bạn có thể bị “hành cho ra bã” trong những việc khác về sau.
Phạm Lê Vương Các
Nguồn Dân Luận
Gửi ý kiến của bạn