BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73479)
(Xem: 62247)
(Xem: 39438)
(Xem: 31182)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Quan chức Việt Nam ra nước ngoài

16 Tháng Mười 201512:00 SA(Xem: 1333)
Quan chức Việt Nam ra nước ngoài
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51


Ảnh minh họa


Trong thời gian ở Seattle tôi hay ghé một quán phở gần khách sạn tôi ở trên đường số Sáu. Qua trò chuyện cùng người chạy bàn và ông chủ, tôi nghe được nhận xét của họ về các quan chức VN kể ra cũng thú vị.

Hôm đầu tiên gặp tôi và nghe nói tiếng Việt, anh chàng chạy bàn liền nấn ná làm quen. Anh hỏi tôi đến từ VN, và tôi chưa kịp trả lời, thì anh nói luôn: “Dân Sài Gòn hả?” Sẵn dịp, tôi đóng vai Anh Hai Sài Gòn luôn, để nghe anh nghĩ gì về người Việt trong nước.

Anh chạy bàn nói lâu lắm mới gặp người Nam sang đây công tác. Anh cho biết quán này phục vụ cho rất nhiều khách từ VN sang, nhưng đa số là người Bắc. Rồi để như không hiểu lầm, anh nói “Bắc Kì 75, chứ không phải Bắc Kì 9 nút đâu nghen”. Lần đầu tiên tôi nghe đến khái niệm “9 nút” (chắc là 54). Nghe kiểu minh bạch của anh làm tôi phì cười trong bụng, vì nghĩ bắc hay nam thì cũng là Việt Nam cả thôi.

Tôi tò mò hỏi chắc là họ là quan chức, cán bộ; anh ta nói không biết rõ, nhưng chắc làm lớn lắm và giàu lắm. Anh chạy bàn nghĩ một hồi rồi đoán rằng họ là đoàn đi mua máy bay, hoặc đi họp hội ở đây. Họ đến đây gọi rất nhiều món ăn và uống bia như nước lã! Tôi hỏi là anh có nói chuyện với họ không, anh nhún vai nói “Họ nói chuyện gì đó tôi đâu có hiểu. Mà, họ khinh người lắm.”

Hôm sau tôi lại ghé quán này ăn trưa, và lần này gặp ông chủ quán. Ông chủ có lẽ được anh bồi bàn báo cáo tôi là Anh Hai Sài Gòn, nên ông kéo ghế hỏi chuyện bên nhà. Ông là người Việt gốc Hoa, nhưng ông chỉ biết nói tiếng Việt và tự nhận mình là người Việt. Ông từng có căn nhà trên đường Nguyễn Trãi, nhưng sau 1975 thì vụ đánh tư sản của bác Đỗ Mười làm nhà của Ba ông bị cán bộ cướp lấy. Ông dùng chữ “cướp” hai lần với giọng thản nhiên, không tỏ ra giận dữ. Cả nhà ông vượt biên, sang Mã Lai, và đến Mĩ định cư vào năm 1985. Đã 30 năm qua, ông chỉ về Sài Gòn 2 lần, và lần nào cũng buồn nhiều hơn vui. Ông mở quán này và một quán khác nữa, như là tiếp nối truyền thống bán quán ăn từ trước 1975 của gia đình. Ông nói mướn mặt bằng cho cái quán ngay tại trung tâm Seattle này, mỗi tháng (hay mỗi tuần — tôi quên) ông phải trả tiền thuê lên đến 12000 USD! Đại khái là giá rất đắt. Và, cách nói đó gần như là một biện minh cho tô phở giá 10-11 USD của ông.

Tôi hỏi rằng nghe nói quán ông hay tiếp khách quan trọng từ VN sang, ông gật gù. Ông cho biết có nhiều đoàn từ VN sang đây, nhưng đa phần là người Bắc chứ không thấy người Nam như tôi. Ông nói thẳng là ông không thích cách đối xử của các quan chức VN, vì họ lúc nào cũng vênh mặt “ta đây”, hách dịch với những người chạy bàn của quán, và lần nào cũng phí tiền. Ông cười nheo mắt nói, họ phí tiền thì quán ông có lợi, nhưng ông nghĩ đó là tiền họ ăn cắp của dân qua tham nhũng mà thôi, và do đó ông không vui.

Điều làm tôi ngạc nhiên là ông nhất định bảo vệ quan điểm cho rằng VN vẫn là hai nước: bắc là cai trị và nam là bị trị! Ông chỉ nhìn vào hải quan thành phố HCM, nơi tôi đoán là ông có những trải nghiệm xấu, nên mới nghĩ thế. Cũng có thể ông chỉ thấy các quan chức VN sang đây toàn là Bắc kì 75 nên nghĩ thế. Tôi nói rằng ông Ba Dũng có thể là tổng bí thư tương lai đấy, và quan điểm của ông không hẳn đúng với thực tế đâu. Nhưng ông nhất quyết bảo vệ cái nhìn bi quan của ông.

Nói chuyện một lúc, tôi mới thấy đây là một người rất Việt Nam, dù đã trải qua đau khổ với chế độ, nay đã thành đạt và xa quê 30 năm trời, nhưng lúc nào cũng đau đáu nhìn về quê nhà. Người Việt mình dù đi đâu cũng vẫn nhìn về quê nhà với nhiều trăn trở, mà nếu không trò chuyện với họ, thì rất dễ hiểu [lầm] rằng họ chỉ biết phê phán quê hương

Nguyễn Văn Tuấn

Nguồn facebook Nguyễn Văn Tuấn
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn