BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 77536)
(Xem: 63340)
(Xem: 40788)
(Xem: 32420)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Đối ngoại, dân chủ và đại hội 12: ‘Tứ trụ’ có chuyển biến gì?

02 Tháng Mười 201512:00 SA(Xem: 1131)
Đối ngoại, dân chủ và đại hội 12: ‘Tứ trụ’ có chuyển biến gì?
50Vote
40Vote
30Vote
21Vote
10Vote
21
Chẳng cần chờ đến “năm bản lề” 2016 để đại hội đảng cộng sản lần thứ 12 kết thúc, năm 2015 đang trở nên chứng quả về một sự đổi thay vừa âm thầm vừa lộ diện nơi “tứ trụ - cỗ xe tứ mã đang đưa triều đình Việt Nam về vùng chân trời còn lâu mới định hình.



Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

Tái hiện hình ảnh Chủ tịch nước Trương Tấn Sang được Tổng thống Obama đón tiếp ở Tòa Bạch Ốc vào tháng 7 năm 2013, nhưng tổng bí thư cầm quyền đảng cộng sản Việt Nam còn làm nhiều hơn hẳn thế hai năm sau đó: hào hứng và yên tâm về việc phía Mỹ công khai tuyên bố ‘tôn trọng triết lý chính trị của Việt Nam’, ông Trọng đã mang sang Washington một món quà cực kỳ đặc biệt: Công đoàn độc lập.

Cho dù vẫn bận tâm với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội cho Việt Nam đến tận cuối thế kỷ 21, không thể nói là toàn bộ thời gian nhiếp chính của TBT Trọng là vô nghĩa: nếu Công đoàn độc lập rất thường bị giới quan chức tuyên giáo và công an Việt Nam đánh đồng với tiền lệ Công đoàn Đoàn kết ở Ba Lan, việc xuất hiện nhiều dấu hiệu cho thấy Hà Nội về cơ bản chấp nhận định chế công đoàn cực kỳ mới mẻ và sáng tạo này ở Việt Nam chính là sự phủ định không tuyên bố về một phần lớn rường cột ý thức hệ xã hội chủ nghĩa đã không còn thực tế, nếu không nói là hoang tưởng tính đến giờ phút này. Tính hoang tưởng như thế càng trở nên khó dung hòa hơn khi Việt Nam liên tiếp chiếm giải quán quân từ dưới đếm lên của nhiều tiêu chí quốc tế về tính minh bạch, hiệu quả kinh tế công, niềm tin dân chúng và quyền con người.

Duy nhất có lẽ một tiêu chí mà Việt Nam thuộc tốp xếp đầu thế giới: nạn tham nhũng quan chức.

Nếu vào năm 2011, TBT Trọng lần đầu tiên phải buột miệng tán thán về nạn tham nhũng có thể làm tổn hại đến sự tồn vong của chế độ, tình thế chính trị quá ư khốn khó vào năm 2015 là gấp bội so với bốn năm trước, buộc nhân vật “đập chuột sợ vỡ bình” rốt cuộc đã phải tìm lối thoát ở phương Tây, thay cho hình tượng một Bắc Kinh đã làm tan nát trái tim kỳ vọng còn rơi rớt nơi những người “thân Trung”.

Và nếu TBT Nguyễn Phú Trọng - người bị xem là bảo thủ và giáo điều đến mức không thể thay đổi - mà còn tự đổi khác bằng hành động mang tên “Công đoàn độc lập” - dù chỉ mới trên cam kết chứ chưa phải triển khai, chẳng lẽ đó không phải là một kỳ tích chưa có tiền lệ để những nhân vật còn lại trong “tứ trụ” noi theo?

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Có thể cách nào đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã không muốn mình bị lu mờ trước TBT Trọng. Đồng thời với chuyến công du Hoa Kỳ “thành công vượt cả mong đợi” của ông Trọng, một sự đổi thay vừa kín đáo vừa lộ liễu đã diễn ra trong khối lực lượng vũ trang Việt Nam, ít ra trên phương diện chữ nghĩa và quan niệm - điều mà ở Trung Quốc hiện thời có nằm mơ cũng không thấy.

Ngày 1/7/2015, tại Đại hội thi đua quyết thắng toàn quân lần thứ IX và trùng với sự kiện Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh bị xem là “mất tích”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bất ngờ nêu ra khái niệm Quân đội "trung thành với dân tộc và Hiến pháp", mặc dù có thêm bổ đề Quân đội Nhân dân Việt Nam cần “nghiêm túc chấp hành sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước”.

Đến đầu tháng 8/2015, Thủ tướng Dũng lại nêu ra một quan niệm rất đáng chú ý: “Lực lượng Công an Nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Đảng và nhà nước” trong bối cảnh Đại hội Thi đua vì an ninh Tổ quốc lần VII do Bộ Công an tổ chức.

Với phát biểu này, Thủ tướng Dũng đặt Tổ quốc lên vị trí đầu tiên, khác với ưu tiên "phải trung với Đảng" luôn được đặt ở tiền phương trong các bài diễn văn, nghị quyết và trong hệ thống tuyên truyền của khối đảng lẫn giới tuyên giáo.

Sau bản thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng Dũng với nội dung đáng lưu tâm nhất về “nắm chắc ngọn cờ dân chủ” tuy cho tới nay chưa có hành động nào được cụ thể hóa, có thể cho rằng việc hoán đổi vị trí trong yêu cầu lực lượng vũ trang “phải trung thành với Tổ quốc và nhân dân” là một sự thay đổi đáng kể về não trạng của một bộ phận trong giới lãnh đạo cao cấp ở Việt Nam, dù chỉ mới trên phương diện lý thuyết chứ chưa có chút nào thực tiễn. Tuy nhiên thay đổi này có thể mang tính tham khảo khi xuất phát từ chính Thủ tướng Dũng - đang được xem là người có ảnh hưởng chi phối mạnh mẽ đối với Bộ Công an.

Trên bình diện khách quan, trong những năm gần đây, ngày càng xuất hiện nhiều dư luận trong trí thức và nhân dân cho rằng đã đến lúc lực lượng vũ trang, đặc biệt là quân đội, phải thể hiện lòng trung thành với Tổ quốc và nhân dân, thay vì bị chi phối quá nhiều bởi ý thức hệ chính trị độc đảng; không để bị biến thành công cụ cưỡng chế chiếm đất của nông dân thay cho việc ra mặt trận đối đầu với kẻ thù.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng

Hai tháng sau sự kiện TBT Trọng đi Washington, đến lượt Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đáp xuống New York. Ngay sau khi trở về Việt Nam, ngày 14/9/2015, ông Hùng đã bất ngờ nêu ra vài quan điểm cởi mở và có vẻ tiến bộ hơn tại phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội thảo luận về Bộ luật Hình sự (sửa đổi).

Ông Hùng nêu ra thí dụ về tội “tuyên truyền chống phá nhà nước” và yêu cầu phải nói rõ các hành vi thế nào là chống phá nhà nước?

“Tôi nói thật là ta phát biểu nhiều khi cũng vi phạm, bắt cũng được đấy. Nói như vậy để thấy là không thể để một cái tội chống nhà nước quy định chung chung như vậy, muốn bắt ai thì bắt, đâu có được” - ông Hùng “nhấn” thêm.

Chi tiết đáng lưu tâm là phát ngôn mang tính thể hiện quan điểm trên đã chưa từng được lộ ra bởi giới quan chức đảng, quốc hội và chính phủ từ trước tới nay. Phát ngôn này của ông Nguyễn Sinh Hùng được ông bộc lộ sau những cuộc gặp quan trọng của ông với giới nghị sĩ Hoa Kỳ và Bộ trưởng Ngoại giao John Kerry.

Cần nhắc lại rằng cho tới nay, chính quyền Việt Nam vẫn chưa hề có được “những tiến bộ có thể chứng minh được” về mặt nhân quyền, khi chỉ làm phép đánh bùn sang ao, liên quan đến hành động “sửa đổi” nhưng lại giữ nguyên nội dung mà chỉ thay đổi cách đánh số các điều 79, 88, 258 trong Bộ luật Hình sự - vốn bị cộng đồng quốc tế và dư luận dân chủ trong nước đánh giá là "mơ hồ, thiếu minh bạch" nhằm "bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận và chống lại những người ủng hộ sự thay đổi chính trị ôn hòa”.

Cách nào đó, có thể cảm thông với hoàn cảnh của ông Nguyễn Sinh Hùng. Vào tháng 10/2014, người được xem là “doanh nhân thành đạt mang gen đột biến” Hà Văn Thắm - chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng Đại Dương - thình lình bị Bộ Công an bắt khẩn cấp. Ngay sau đó, trên mạng xã hội xuất hiện vài cuốn băng được cho là lời của Hà Văn Thắm có liên quan đến ông Nguyễn Sinh Hùng, gây ra rất nhiều dư luận đồn đoán về “sân sau” của vị chủ tịch Quốc hội này. Tuy nhiên, cho tới nay vẫn chưa có bất cứ tờ báo nhà nước hoặc một kênh tuyên giáo nào đứng ra thanh minh cho Chủ tịch Hùng.

Sinh năm 1946, ông Nguyễn Sinh Hùng sẽ đạt 70 tuổi tại thời điểm đại hội đảng 12 vào năm sau và đương nhiên không còn hy vọng tiếp tục ngồi lại, xét theo “trần tuổi” 67 tại thời điểm này. Gần đây, xuất hiện một luồng dư luận cho rằng tiếp bước người tiền nhiệm - cựu chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An với hai tiết lộ về “lỗi hệ thống” và “vua tập thể” - ông Hùng cũng muốn làm một vài cử chỉ “nhân văn” nào đó trước khi về hưu, cũng là một cách để lấy lòng dân chúng trước tương lai chính trị lẫn xã hội đều mịt mù, mà nói theo văn phong của một số quan chức là “chẳng biết đâu mà lần”.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang

Trở thành nhân vật đầu tiên tiền trạm ở Washington vào năm 2013 khi Việt - Mỹ “tái bình thường hóa”, nhưng hóa ra ông Trương Tấn Sang lại là người tụt hậu so với 3 lãnh đạo khác trong “tứ trụ”. Ngoài thành tích chỉ có một ngôi nhà nhỏ ở TP. Hồ Chí Minh và chưa ai công bố được bằng chứng về ông Sang có những ngôi nhà khác, hoặc thành tích phát ngôn chống tham nhũng toàn bằng ẩn từ như “bầy sâu” và “cán bộ hai đê” (đất và đô), cho tới nay giới trí thức và người dân chưa thể chứng nhận bất kỳ một phát ngôn hoặc hành động nào khác “vượt trên chính mình” - điều mà các nhân vật Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Sinh Hùng đã nói được dù ít nhất và Nguyễn Phú Trọng đã làm được dù tối thiểu.

Một cử chỉ hiếm hoi có tính toát lộ chỉ mới được thể hiện gần đây nơi ông Trương Tấn Sang: lên tiếng về việc Trung Quốc bồi đắp đảo nhân tạo tại Biển Đông và xem đấy là những hành động vi phạm luật pháp quốc tế và đe dọa an ninh hàng hải. Cử chỉ này được đưa ra trong dịp ông Sang đến New York tham gia khóa họp thường niên của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào cuối tháng 9/2015. Tuy nhiên như một hãng truyền thông phương Tây nhấn nhá, phát ngôn của chủ tịch nước Việt Nam chỉ là “bên lề Liên Hiệp Quốc”, tức trong một cuộc trả lời phỏng vấn của hãng tin Mỹ AP, chứ không được chính ông phát ra tại diễn đàn chính thức quốc tế. Cũng cần nói thêm là phát ngôn này đã chỉ được bộc lộ khi cuộc gặp Obama - Tập Cận Bình đã trôi qua với kết quả giữa Mỹ và Trung Quốc không những không “đi đêm” với nhau mà còn nguyên mối xung đột về Biển Đông.

Với tư duy và tư thế quá đỗi thận trọng như thế, mặc dù còn tuổi để ứng cử vào chức vụ tổng bí thư cho nhiệm kỳ tới và còn có tin cho biết ông Trương Tấn Sang từng nhận được tỷ lệ phiếu thăm dò ủng hộ cao thứ hai tại hội nghị Trung ương 10 vào đầu năm 2015, chẳng có gì chắc chắn là khái niệm “nhân dân” - hậu phương lớn nhất của ông Sang - sẽ bớt tính trừu tượng hơn để được cụ thể hóa bằng những lá phiếu bầu cho ông vào đầu năm 2016.

Người ta đang chờ đợi một tín hiệu tự thân nào đó chợt hiện ra nơi nhân vật chủ tịch nước sau chuyến công du Hoa Kỳ vào cuối tháng 9/2015 - như đã từng xảy ra với Chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

Dù gì ông Sang vẫn chưa rời “tứ trụ”…

Phạm Chí Dũng

Nguồn Blog Phạm Chí Dũng
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn