Ngay sau khi kỳ 2 của loạt bài “Vụ Nexus - Việt kiều hối lộ quan chức Việt Nam” được phổ biến, chúng tôi nhận thêm được biên bản một phiên điều trần tại tòa ngày 14 tháng 12 năm 2009, ghi lại những tranh cãi giữa hai bên công tố và luật sư bào chữa cho anh em nhà họ Nguyễn, về việc bên bị cáo cho rằng danh sách các quan chức Việt Nam do bên công tố đưa ra không rõ ràng.
Biên bản phiên điều trần ngày 14 tháng 12, 2009, tiết lộ nhiều chi tiết mới. (Hình: Người Việt)
Để hiểu được tại sao đây lại là một biên bản quan trọng, chúng ta phải đặt mình lại bối cảnh của vụ án trong phiên ngày 14 tháng 12 đó.
Vào khoảng thời gian đó, ba anh em họ Nguyễn vẫn còn theo đuổi chiến thuật “thách thức chính quyền Hoa Kỳ” về định nghĩa của những chữ “Government Officials” (viên chức nhà nước), và luật sư biện hộ cho họ xin tòa bãi nại vì “danh sách chính quyền đưa ra về những quan chức nhà nước Việt Nam nhận tiền hối lộ không rõ ràng.”
Trong biên bản này, phía công tố nói với tòa rằng họ đã không nhận được sự hợp tác từ phía Việt Nam. Trong một đoạn tranh cãi, luật sư của bị cáo yêu cầu bãi nại vì họ không thể biết được thân chủ của họ đang bị tố cáo đã hối lộ cho ai.
Luật Sư Catherine M. Recker (đại diện cho bị cáo Nguyễn Quốc Nam): “Thưa quan tòa, ở thời điểm này, chúng tôi yêu cầu tỏa bãi nại, vì chính quyền thừa nhận là họ không biết rõ danh tánh của những quan chức Việt Nam nhận tiền hối lộ, vì thế chúng tôi không thể chuẩn bị cho vụ xử án.”
Thẩm Phán Timothy J. Savage (nói với bên công tố): “Hãy cho tôi biết, tại sao chính quyền không biết rõ tên những quan chức này”?
Luật Sư Charles Duross: “Mặc dù chính quyền không biết chi tiết về một số người, nhưng chúng tôi biết đích xác ‘Viên chức A’ (ông Nguyen Van Tam, giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn T&T). Còn với những người khác, chúng tôi gặp phải nhiều giới hạn trong việc điều tra.”
Thẩm phán: “Chính quyền đã gặp phải những giới hạn gì?”
Luật Sư Duross: “Giới hạn nằm ở hai chỗ. Thứ nhất, chính quyền bị giới hạn về chứng cớ nào từ chính phủ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Thí dụ, như chúng tôi đã trình bày kỹ trong tài liệu tuyên án, tiền hối lộ được chuyển từ một nhà băng ở Philadelphia, đến một nhà băng ở Hồng Kông, rồi từ đó chuyển vào nhà băng tại TP. Hồ Chí Minh. Khi chuyển vào tài khoản của ‘Viên chức A’ thì chúng tôi biết, nhưng khi chuyển đến TP. Hồ Chí Minh rồi bị cáo rút tiền mặt để trả ra thì chúng tôi không biết sẽ vào túi ai.”
Vài phút sau đó, Luật Sư Duross trở lại đề tài này và nói:
“Không phải chúng tôi không cố gắng nhưng chúng tôi không thể xác định thêm danh tánh, hay họ tên đầy đủ... Một giới hạn liên quan đến việc tìm bằng chứng từ một nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa. Theo chỗ tôi biết, chúng tôi chưa hề nhận được giấy tờ nào từ nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Vì vậy, không có tài liệu ngân hàng ở TP. Hồ Chí Minh không phải vì chúng tôi không có khả năng, mà vì không có cơ hội.”
Ông so sánh với Hong Kong:
“Chúng tôi nhận được giấy tờ ngân hàng ở Hong Kong, điều đó chứng tỏ là không phải chúng tôi không chịu khó đi nửa vòng trái đất.”
Trong một đoạn khác của biên bản, Luật Sư Charles Duross, đại diện bên công tố cho biết nhờ sự cộng tác của ông Joseph T. Lucas, một nhân viên cũ của Nexus, sau khi ông ta nhận tội vào tháng 6 năm 2009, chính quyền đã có thêm tên của quan chức Việt Nam liên quan khác.
Những quan chức Việt Nam đã nhận tiền hối lộ mà ông Lucas nêu danh là các ông (biên bản không có dấu): Le Minh Son, Nguyen Duc Nam, Tuan, và Duong Quoc Ha.
Riêng về ông Nguyen Duc Nam, giám đốc về mua sắm (Director of Purchasing Department) của sân bay Vũng Tàu, Luật Sư Duross tiết lộ rằng trong một email bị cáo Nguyễn Quốc Nam viết cho ông Lucas để báo cho Lucas biết là dù cấp trên của ông Nguyen Duc Nam sẽ phải phê chuẩn mọi hợp đồng, nhưng ông ta vẫn là người chính để liên lạc.
Một email khác cũng từ bị cáo Nguyễn Quốc Nam gửi cho Lucas nói rằng “phần hoa hồng của ông Nguyen Duc Nam là 10%” và ông Nguyen Duc Nam đòi hỏi thẳng là tất cả những món hàng bán cho sân bay Vũng Tàu đều phải trả khoản “hoa hồng” này.
Để có được một số chứng cớ có thể buộc tội, Luật Sư Duross cho biết điều tra viên phải đọc qua hơn 10,000 emails của ông Lucas, đọc 35 thùng tài liệu, 9 ở cứng, và hàng loạt CDs.
Trịnh Hội & Hà Giang/Người Việt
25-09-2010
Theo Người Việt
Gửi ý kiến của bạn