BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73457)
(Xem: 62247)
(Xem: 39438)
(Xem: 31181)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Xin Rút Tên Ra Khỏi Văn Đoàn Độc Lập

25 Tháng Chín 201512:00 SA(Xem: 1276)
Xin Rút Tên Ra Khỏi Văn Đoàn Độc Lập
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Đọc được trên http://vanviet.info, trang mạng chính thức của Ban Vận động (BVĐ) Thành lập Văn đoàn Độc lập (VĐĐL) thông báo sau đây:

Vừa qua, Ban Vận động Văn đoàn Độc lập Việt Nam nhận được thư của Tạp chí Harper’s đề nghị các thành viên Ban Vận động trả lời lý do gia nhập tổ chức này.

Cũng theo Văn Việt, Harper’s Magazine là tạp chí lâu đời nhất và có uy tín hàng đầu của Mỹ.

Đây là một tin vui, đã có khá đông thành viên đương nhiệm của BVĐ đáp ứng đề nghị của tạp chí Harper’s, và phần trả lời của họ được phổ biến trên Văn Việt. Chúng ta chờ đọc câu trả lời của các thành viên còn lại trong những ngày sắp tới để có được một nhận thức trọn vẹn hơn về cái tập thể đa dạng và khá mới mẻ này.

Các thành viên nhóm Văn đoàn Độc lập Việt Nam tại Sài Gòn.


Có kẻ vào thì cũng có người ra. Trong quá khứ, kể từ khi chính thức ra mắt vào tháng 3 năm 2014, danh sách thành viên BVĐ đã không ít lần phải cập nhật cũng vì chuyện người ra kẻ vào. Có trường hợp đặc biệt như của nhà văn Bùi Ngọc Tấn, tác giả Chuyện Kể Năm 2000, người đã cỡi hạc về trời vì bệnh tật. Tuy vậy, BVĐ đã quyết định tiếp tục giữ tên ông trong danh sách thành viên. Những chỉ trích nếu có nhắm vào BVĐ về việc không lấy tên nhà văn Bùi Ngọc Tấn ra khỏi danh sách này sẽ khiến cho người hiểu biết không khỏi buồn cười. Nếu có điều gì không thể tranh cãi thì đó chính là việc nhà văn Bùi Ngọc Tấn không bao giờ muốn ra khỏi BVĐ, sống hay chết, cho đến khi tổ chức này hoàn thành nhiệm vụ của mình. Về những trường hợp khác, người thì lý do này người lý do khác, mỗi người một vẻ nhưng không nhất thiết mười phân vẹn mười, và phản ứng của giới quan sát đối với hành động rút lui của họ cũng không giống nhau. Hầu hết những người xin rút tên ra khỏi VĐĐL đã có cơ hội trình bày lý do của mình một cách công khai. Thử điểm qua một vài trường hợp đáng chú ý.

Đỗ Minh Tuấn

Nhà đạo diễn tăm tiếng Đỗ Minh Tuấn xin rút khỏi VĐĐL vào tháng 8 năm 2014. Tôi e rằng hành động này không giúp gì nhiều cho ông trong việc quảng bá thanh danh của mình. Có hại là đằng khác! Đọc thư gửi BVĐ của ông, người viết có cảm giác như thể ông đang than thở rằng mình đã trao duyên lầm tướng cướp. Dưới đây là vài đoạn văn trích từ chính lá thư gửi BVĐ Văn đoàn Độc lập của đạo diễn Đỗ Minh Tuấn. Những phần in đậm là do người viết nhấn mạnh để lưu ý bạn đọc,

  • Khi biết tin về việc thành lập Ban Vận động thành lập Văn đoàn độc lập, tôi nghĩ đây là một hoạt động dân sự lành mạnh, có ích cho xã hội và hợp pháp trong bối cảnh nước ta đang ngày càng hội nhập vào thế giới nên đã gửi thư xin tham gia và đã được các anh chị chấp nhận.

  • Tuy nhiên, thật không ngờ, sau khi ghi tên vào danh sách Ban Vận động, tôi đã nhận được rất nhiều phản ứng tiêu cực từ các tổ chức, cơ quan, gia đình và bè bạn như thể tôi đang tham gia vào một tổ chức phản động, đối lập thậm chí còn nguy hiểm hơn cả Nhân Văn Giai Phẩm ngày xưa.

  • Từ trước đến nay tôi chưa bao giờ tham gia tổ chức chính trị nào kể cả Đảng CSVN, nay gặp những đe doạ quyết liệt mang tính chất sống còn giành cho những người tham gia tổ chức chính trị đối kháng như vậy, tôi rất bất ngờ, hoang mang và lo lắng, không biết nên xử lý ra sao.

  • Không làm được gì cho Văn đoàn mà lại làm cho những người thân bạn bè và xã hội lo lắng, hồ nghi và xa lánh. Mặt khác, cũng đã có nhiều anh chị em tâm huyết và có vai trò tích cực hơn tôi đã xin rút tên do nhiều lý do khác nhau.


Tôi thật sự không nghĩ rằng đạo diễn Đỗ Minh Tuấn đọc kỹ bản tuyên bố của BVĐ. Ông “tưởng rằng” VĐĐL [sẽ] là một tổ chức hợp pháp do một số người có danh phận dựng nên, và ông “cho rằng” mình cũng nên nhảy vào cho nổi đình đám, hoặc ít nhất cho vui cửa vui nhà. Dè đâu, chuyện kiết thành hung, “tôi đang yên lành, chỉ vì dây với cái hội phản động của quý ông quý bà mà thành ra như thế này!” Nói chung, ông đạo diễn tạo cho người đọc cái cảm tưởng là ông thích ăn cỗ (dọn sẵn) nhưng không thích ngay cả lội nước vì sợ ướt chân.

Không hiểu BVĐ VĐĐL “đọc” thư của đạo diễn Đỗ Minh Tuấn ra làm sao, nhưng phản ứng của họ có hơi… cứng, vạch ra rằng Đỗ Minh Tuấn chỉ có tên trong danh sách những người hưởng ứng và đăng ký tham gia VĐĐL chứ không hề là thành viên của BVĐ. Nói tóm lại, ông Đỗ Minh Tuấn chưa là cái gì hết của cái văn đoàn còn chưa thực sự hiện hữu, và như vậy, thật là oan ức nếu ông phải chịu đựng “những đe doạ quyết liệt mang tính chất sống còn giành cho những người tham gia tổ chức chính trị đối kháng” như ông than thở. Việc ông quyết định cắt đứt liên hệ với VĐĐL là một lựa chọn có thể thông cảm được dựa trên đánh giá của ông về những đe dọa này. Cần nói thêm là vào thời điểm đạo diễn Đỗ Minh Tuấn xin rút, vấn đề có nên ra khỏi hội Nhà văn Việt Nam (HNVVN) chưa được công khai đặt ra bởi công luận, cho nên sẽ là bất công nếu đặt nghi vấn về chuyện ông đã không đả động gì đến các hội Nhà văn Việt Nam, hội Nhà văn Hà nội, hội Điện ảnh Việt Nam, toàn những hội nghệ thuật quốc doanh mang tính chính trị-nghề nghiệp mà ông là đang hội viên.

Bài học rút ra ở đây là có khi sự lặng lẽ, âm thầm… lại là một phương án không tệ để giải quyết nhu cầu vào ra ra vào!

Dạ Ngân

Giống như trường hợp đạo diễn Đỗ Minh Tuấn, người đã xin rút khỏi VĐĐL vì nỗi bất an khi phải đối diện với áp lực chính trị và xã hội, cuộc chia tay đẫm lệ của nữ sĩ Dạ Ngân với BVĐ cũng dựa trên cảm tính, và theo các dữ kiện do Dạ Ngân cung cấp, chính là vì tình yêu trời biển của bậc làm cha làm mẹ. Tuy vậy, không có nhiều tương đồng giữa hai cuộc chia tay của Đỗ Minh Tuấn và Dạ Ngân. Trước hết, nữ sĩ Dạ Ngân chấp nhận ném bỏ tấm thẻ hội viên HNVVN mà bà có được từ năm 1987. Kế đến, thay vì chỉa mũi dùi vào VĐĐL, Dạ Ngân nhẩn nha kể lại mối quan hệ hơn một phần tư thế kỷ giữa bà và HNVVN như lột củ hành và phô bày quá trình suy thoái của giới lãnh đạo hội mà theo Dạ Ngân, chính là cái nguyên cớ đã cuối cùng đẩy bà đến với VĐĐL.

Ở một góc độ khách quan, có thể thấy rằng tầm hoạt động của HNVVN, hoặc của bất cứ hội đoàn quốc doanh nào khác, không thể đi xa hơn độ dài của sợi dây cột chân nó vào chiếc cọc tuyên huấn của chế độ. Nếu hội không thể thỏa mãn nhu cầu chính đáng của hội viên thì không phải lúc nào cũng do lỗi của người lãnh đạo. Nếu nhà thơ Hữu Thỉnh hoặc bất cứ ai khác ở vị trí của ông thật sự muốn đáp ứng nguyện vọng có được tự do sáng tác và tự do ấn/phát hành tác phẩm của hội viên, liệu có bao nhiêu phần trăm cơ may cho điều này trở thành hiện thực?

Nhưng câu hỏi đã không có cơ hội được đưa ra. Không ai trong chúng ta có đủ can đảm để làm khó nữ sĩ Dạ Ngân với một câu hỏi vô duyên như thế khi Dạ Ngân đang phải “mỗi ngày, nuốt nước mắt vào trong và cân nhắc, lựa chọn” và cuối cùng phải bỏ cuộc chơi vì “không người mẹ nào cầm lòng được khi con mình khóc…”

Và như vậy đó, chúng ta ngậm ngùi dõi theo hình bóng yêu kiều của nữ sĩ Dạ Ngân, như cánh cô phàm, mất hút vào cuối chân mây trong lần chia tay rất đẳng cấp và đầm đìa nước mắt. Rồi ngay lập tức chúng ta quay lại, giận dữ trút hết mọi tội lỗi lên đầu ông chủ tịch HNVVN, và nhân tiện, lên cả hệ thống quyền lực đứng sau lưng cái hội quốc doanh này.

Rồi ngay lập tức chúng ta lại ước gì có thêm nhiều Dạ Ngân!

Đỗ Lai Thúy

Nhà nghiên cứu văn học Đỗ Lai Thúy không dựa vào cảm tính để giải quyết mối quan hệ của mình với HNVVN và VĐĐL. Ông “lý luận” mình ra khỏi sự vướng víu lằng nhằng với hai cái hội đoàn này. Thất vọng và băn khoăn về những giới hạn của HNVVN trong hơn hai thập kỷ, Đỗ Lai Thúy tìm đến VĐĐL với cái hy vọng văn đoàn này sẽ là một “đối trọng” [chỉ riêng] về mặt học thuật và nghệ thuật của HNVVN. Tôi e rằng cái hy vọng đẹp đẽ của Đỗ Lai Thúy đã sớm biến thành ảo vọng bởi vì làm thế nào VĐĐL có thể là một đối trọng “cân xứng” khi nó bị tước đi phần chính trị vốn là một yếu tố không thể tách rời của HNVVN như Đỗ Lai Thúy đã nhận xét? Có lẽ vì sớm nhận ra việc tránh né chính trị trong một hoàn cảnh éo le như thế là điều bất khả, nhà nghiên cứu văn học Đỗ Lai Thúy đã sau cùng chọn “làm nghề một cách độc lập” bằng cách xin rút ra khỏi HNVVN và VĐĐL cùng một lúc vào thời điểm các quan chức của HNVVN bắt đầu dán nhãn “bất hợp pháp” lên cái tổ chức chưa thực sự ra đời VĐĐL.

Cũng nên nhìn qua khái niệm “độc lập” trong bối cảnh chúng ta đang bàn luận. Bằng cách chối bỏ mọi quan hệ hội đoàn, liệu một nhà văn có đủ độc lập để theo đuổi sinh hoạt sáng tạo theo ý mình? Viết những gì mình muốn viết? Quảng bá tác phẩm của mình bằng bất cứ phương tiện nào do mình chọn lựa? Nói cách khác, liệu người ta có thể thật sự độc lập mà không cần đến tự do? Ngay cả Hồ Chí Minh cũng không thể chỉ dựa vào “Độc lập” một cách riêng rẽ mà phải kèm theo “Tự do” trong lời tuyên bố rất nổi tiếng của ông để cho nó trở thành có ý nghĩa. Bạn đọc thử đưa mình vào vị trí phải chọn lựa giữa “Không có gì quý hơn Độc lập” và “Không có gì quý hơn Tự do” xem sao.

Tuy vậy, có thể Đỗ Lai Thúy chỉ muốn nói đến sự độc lập tương đối của cá nhân trong một xã hội còn rất nhiều giới hạn, và điều này hoàn toàn có thể thông cảm được. Chúng ta nên chúc ông nhiều may mắn trong môi trường sinh hoạt mới và hy vọng nơi đó sẽ không có cặp mắt cú vọ nào rình mò từ phía trên bàn viết của ông.

Vẫn còn một điều muốn nói. Suốt 23 năm làm hội viên của HNVVN, canh cánh nỗi băn khoăn về sự xung đột không thể hóa giải giữa nguyện vọng phục vụ nghệ thuật của mình và mục tiêu chính trị qua văn chương của hội, vậy mà cái quyết định chia tay với HNVVN đã chưa từng được Đỗ Lai Thúy đặt ra. Và không riêng gì Đỗ Lai Thúy, có không ít các hội viên khác cũng chỉ làm thinh ôm mối bất bình. Tại vì sao? Tại vì họ không có lựa chọn nào khác! Cái thể chế hiện hành, trong hơn nửa thế kỷ, không cho người cầm bút quyền được lựa chọn. Cho đến khi Ban Vận động Thành lập Văn đoàn Độc lập ra đời!

Chỉ riêng việc này, sự lựa chọn có được sau bao nhiêu năm mong đợi, không phải là một điều đủ trân quý để người ta không nên quay lưng lại với nó hay sao?

Phùng Nguyễn

Nguồn Blog Phùng Nguyễn
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn