BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73174)
(Xem: 62202)
(Xem: 39377)
(Xem: 31130)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Chặng đường nối tiếp

28 Tháng Tám 201512:00 SA(Xem: 2573)
Chặng đường nối tiếp
55Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
55

Một ngày đầu năm 1986 vào lúc chạng vạng tối , trên đoạn đường ngoằn ngoèo của Quốc lộ 20, chiếc xe chở đầy nẹp ì ạch bò lên dốc. Thảo ghì chặt càng xe, mấy ngón chân bấu mạnh xuống đôi dép bằng nhựa đã được chế biến lại không biết bao nhiêu lần. Thảo dùng hết trọng lượng của mình cùng với sức mạnh tạo ra từ đôi dép hút vào mặt đường và nhờ sức đẩy của hai người từ phía sau, xe lăn bánh lên đến đỉnh dốc rồi quẹo vào cổng căn nhà bên trái. đây là vựa thu mua nẹp, mun, lọn...của vùng xã Madagui .


Từ Sàigòn theo quốc lộ 1 đến ngả ba Dầu Giây rồi quẹo trái theo quốc lộ 20 lên tới Định Quán, xe chở hành khách thường dừng lại nghỉ đôi chút cho mát máy xe, và cũng để khách dốc hết bầu tâm sự. Như giao ước ngầm, các chủ quán ở đây bao ăn cho người tài xế, nghĩa là khi xe ghé vào, chẳng những được ăn uống no nê, người tài xế và anh lơ xe phụ tài xế lại còn được tiền huê hồng trên số tiền khách tiêu xài tại quán. Rời Định Quán sẽ đến thị xà Phương Lâm. Trước kia đây là một họ đạo của những người dân miền Bắc trốn chạy Cộng Sản di cư vào Nam năm 1954. Sự siêng năng của người dân đi lập nghiệp với tinh thần chống Cộng triệt để, xã đã phát triển nhanh chóng thành thị xã và đây cũng là cứ điểm bảo vệ an ninh cho trục lộ trước năm 1975. Tại đây có một vùng trồng cây Giá Tỵ, một loại gỗ tốt. đặc biệt loại gỗ nầy được dùng làm báng súng. Từ khi Cộng Sản cưỡng chiếm miền Nam, chúng đã đẩy người dân vào sâu trong núi với danh từ mỹ miều " đi kinh tế mới". Sơn lam chướng khí, một số người chết,một số bịnh không phương tiện y tế, thiếu thốn mọi bề phải bỏ trốn về, trở thành những người vô gia cư sống lây lất trên đường phố.


Giống như Gò Vấp, thuốc lá ở Phương Lâm được hái và phơi vào những ngày cận Tết. Thuốc lá ngon được các hãng thuốc nổi tiếng ký hợp đồng. đây cũng là nguồn thu nhập của người dân xóm đạo. Ra khỏi thị xã Phương Lâm khoảng 12 cây số sẽ tới con dốc cao mà phía bên dưới là trạm kiểm soát cùng kiểm lâm của tỉnh Đồng Nai.


Chánh quyền Cộng Sản Việt Nam chủ trương các Tỉnh tự quản lý, vì thế mỗi tỉnh đều đặt những trạm kiểm soát để chận bắt và thu thuế hàng hoá trên các trục lộ chính vào ranh giới tỉnh cũng như rời khỏi tỉnh. Người bạn hàng của Xã hội Chủ Nghĩa bị bóc lột tận cùng vì phải nộp thuế cho các tỉnh nằm theo tuyến đường.


Con dốc cao mà thợ rừng thường xuyên lui tới được người dân địa phương gọi là dốc bà Hai nước mía. Người đàn bà tuổi xấp xỉ ngũ tuần, chủ căn nhà ngay đỉnh dốc, phía trước có xe nước mía quay bằng tay. Bên hông nhà chứa hàng thu mua như nẹp, lọn, mun .v.v.... Chỉ biết bà nầy thứ hai và bán nước mía nên mọi người gọi bà là bà Hai nước mía. Những món hàng bà thu mua thuộc về tài sản của nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa nên chắc chắn bà Hai đã mua và lo lót hai trạm kiểm soát Madagui và Đồng Nai.


Thảo cúi mình để hai càng xe xuống đất, bàn tay vuốt những giọt mồ hôi lấm tấm trên mặt, hít vào thật dài rồi từ từ thở ra. Không khí mát mát nên cơn mệt vơi đi nhanh chóng.
Cô gái đẩy phía sau xe mở dây cột các bó nẹp, nói với cậu em trai:
- Dũng nầy! Hôm qua mình chở ít nẹp hơn mà chị cảm thấy mệt thật nhiều.
- Chị Loan, hôm nay nhờ có chú nầy kéo xe lên dốc đấy. Cậu trai hóm hỉnh chỉ ngón tay về Thảo.
Thảo quay nhìn hai người mĩm cười, gật đầu chào thân thiện.
Ba người chuyển từng bó nẹp vào vựa xếp đặt thật gọn gàng.
Thời gian cuối năm 1985, Chính quyền Cộng Sãn Việt Nam cho phát hành thật nhiều giấy bạc 500 đồng, những tờ bac 10 , 20 và 50 đồng rất hiếm, tình trạng nầy gây nhiều phiền toái cho sự buôn bán lẻ.
Bà Hai đưa tận tay cô gái 4 tờ giấy 500 đồng, tiền 20 bó nẹp trên xe.
Cô gái tên Loan nhìn Thảo hỏi
- Chú có tiền lẻ không?
- Tôi chỉ có 100 đồng, phần tôi hai bó nên không đủ để thối lại cho cô! Thảo nhìn Loan trả lời
- Xin chú trên đường về ghé ngang vào nhà, Bố Mẹ cháu sẽ đưa tiền cho chú .
- Vâng, tôi sẽ đến gặp bố mẹ cô.
Người nhà Loan dùng xe đạp kéo chiếc xe đẩy về sau khi ngã giá. Loan dáng người to khoẻ, áo sát cánh đẩm ướt mồ hôi ôm sát thân hình, cùng Dũng, cậu em trai bước đi nhanh nhẹn trước Thảo một khoảng xa.
Đêm nay trời trong xanh, chị Hằng chưa thức giấc, các vì sao sáng nhấp nháy trên bầu trời. Thảo bước đi thong thả nhìn cảnh vật hai bên đường, nhớ lại những chuỗi ngày sau khi rời trại tù Bình Điền Huế.
.....
Thảo được phóng thích vào cuối năm 1982 trong sự kinh ngạc của mọi người, nhất là những người đã trót tin vào lời tuyên truyền của cán bộ miền Bắc. Cộng Sản mưu mô quỷ quyệt, lợi dụng một số anh em mong muốn sớm trở về với gia đình, buổi tối trong khi chờ đợi để đón giao thừa của mùa Xuân đầu tiên trong tù, các anh em có bà con ruột thịt đi tập kết hay theo bộ đội giải phóng miền Nam được các quản giáo tập trung lên hội trường. Thảo nhận thấy các bạn đó trở về láng với gương mặt vui tươi và đều nói một câu giống nhau “máu loãng còn hơn nước lã”. Câu nầy cán bộ Cộng Sản ám chỉ, các bạn nầy có thân nhân theo Cộng Sản là máu loãng, còn những người không có liên hệ gì cà như là nước lã Kể từ đó Thủy Quân Lục Chiến được các bạn nầy gọi là ác ôn và sẽ ở tù mút chỉ. Một điều mà Thảo không bao giờ nghĩ đến. Trên tờ giấy lệnh tha Thảo thấy ghi Sĩ quan huấn luyện Tiểu Đoàn 5 Thủy Quân Lục Chiến. À ra thế! Lúc còn quân đội Cộng Sản quản lý, với chức vụ Sĩ Quan Hành Quân Huấn Luyện (Operation and trainning officer) của Tiểu Đoàn 5 Thủy Quân Lục Chiến, bọn cán bộ Cộng Sản thường bảo Thảo là thằng ác ôn vì đã vẻ kế hoạch hành quân tìm và tiêu diệt chúng. Không hiểu sao hai chữ "Hành Quân" đã biến mất, âu đó cũng là may mắn. Anh nào khai chức vụ Trưởng Ban 3 Tiểu Đoàn lảnh đủ mười năm tù thật đau (Thật ra cấp Tiểu Đoàn không có "Ban" do đó có thể bị hiểu lầm là phục vụ cấp Trung Đoàn hoặc Lữ Đoàn)


Với chủ trương tìm đường vượt biên, Thảo làm nghề tự do sinh sống. Bản tính phiêu lưu mạo hiểm, Thảo chọn nghề nhảy xe lửa Thống Nhất. Mỗi ngày phải lên ga Hoà Hưng xem giờ xe lửa từ Hà Nội vô. Dự định xong kế hoạch, ba lô trên vai lên đường hành quân. Cái ba lô cũ kỹ của bộ đội Thảo mua ở vệ đường. đeo ba lô trên vai bước lên tàu chợ(*) ở ga Phú Nhuận đi Biên Hoà. Người kiểm soát tàu chợ nhìn hành trang biết ngay đây là bạn hàng nhảy tàu nên không bao giờ hỏi vé.


Bên cạnh ga Biên Hoà có mấy căn nhà của nhân viên hoả xa, Cộng sản gọi là đường sắt, những người nhảy tàu nghỉ tạm giây lát hoặc qua đêm với giá 10 đồng cộng sàn năm 1983. Nếu bị bố ráp sẽ được người chủ nhà thông báo trước mà lẫn trốn. Khi tàu Thống Nhất sắp đến sẽ được báo thức, mỗi bạn hàng đóng 25 đồng cộng sản, số tiền nầy dâng biếu người cầm đèn hướng dẫn cho tàu chạy qua ga. Người nầy sẽ làm làm đèn hiệu cho tàu giảm bớt tốc độ rồi trao nhanh cho người lái xe lửa cái dấu hiệu thông đường kèm theo ít tiên hoa hồng của nhóm bạn hàng nhảy tàu. Xe vừa hãm ga, nhóm nhảy tàu phải chạy theo bên hông, khi nắm được tay vịn nơi cầu thang và phóng người lên. Nghề nầy thật nguy hiểm. Thím Hai người Tàu bị nghiến đứt hai chân khi nhảy lên tại ga Dĩ An. Anh Phát mất bàn chân lúc nhảy xuống ga Thủ Đức. Thảo may mắn bị bầm tím cả đùi khi phóng người lên nhưng bàn chân trợt trên cầu thang vì mưa ướt, anh còn giữ chặc tay vịn nên thoát khỏi cơn nguy. Có hôm lời nhiều vì người bán mới đi lần đầu tưởng đường còn dài nên giữ giá cao tại các chặng đường trước, nay phải bán cho xong nếu không muốn bị phiền toái với công an cộng sản tại ga Bình Triệu. Gặp khi hàng thưa thớt, Thảo phải gạ mua vài bao tạ khoai tây, khi tàu tới cống Bà Xếp gần ga Hoà Hưng quăng các bao hàng xuống đất rồi nhảy theo.


Đã mấy phen Thảo về Hộ Phòng để chờ cá (tàu) tìm cách vượt thoát, nhưng kế hoạch cứ bị trở ngại phải quay về. Ở bến bắc Cần Thơ, trên chiếc bắc F10, chiếc phà chở 10 chiếc xe một bên, Thảo thấy vài người lính cũ như Hạ sĩ nhất Thanh ở trung đội 2, dáng người cao, ở sau lưng xâm hình cái đầu lâu có lưỡi kiếm xuyên qua. Mặt trông lì lợm, xung phong vào mục tiêu bất chấp hoả lực quân cộng sản. Một lần Thảo gặp Hạ sĩ Quang tại chợ Sóc Trăng, Quang đạp xe lôi đang chạy đến một chiếc xe đò vừa đổ bến. Quang bổ sung về đại đội Thảo tháng 10 năm 72 tại Nại Cửu. Một số vỏ trái bả đậu trong ba lô mà Quang khắc hình rất đẹp trong thời gian ở trung tâm huấn luyện Rừng Cấm. Thảo hỏi xin Quang một vỏ. Quang tò mò hỏi:
- Ông thầy xin để làm gì đây?
- Thấy anh khắc đẹp nên tôi xin để làm thử chơi!
Quang đưa cho Thảo hai miếng. Ngày hôm sau Thảo cho lại Quang với hình khuôn mặt cô gái.
- Trời! Ông Thầy !


Với tâm trạng người vượt biên phải tránh né nên Thảo không gọi và đến với anh em đó nếu không bị họ nhận diện trước.
Thảo bị bắt trong chuyến tàu vượt biên tại Rừng Sát. Nói cho đúng là bị bán độ. Chủ tàu khi đi chiêu mộ khách thường quảng cáo nào là máy đầu bạc, sáu lốc, bảo đảm thành công vì đã mua các trạm Công An kiểm soát đường sông và đồn Công An biên phòng. Hai cây vàng, chồng trước một cây, khi có điện tín phải nộp cây còn lại cho đủ. Mẹ Thảo tìm được đường giây tổ chức. Điểm hẹn là bến xe buýt trước cổng nhà thờ Thị Nghè. Cô gái lái xe Honda Dame chở Thảo đi ém quân trong khoang tàu tối tăm, nóng bức. Thỉnh thoảng người thủy thủ mở nắp hầm xịt nước xuống khoang, toàn thân ướt đẫm nhưng cơ thể cảm thấy dễ chịu hơn. Buổi ăn là bánh mì ổ, vài miếng thịt heo ram khó nuốt, khói thuốc lá trong khoan tàu tù túng làm hơi thở thêm ngột ngạt. Vệ sinh thực hiện ngay trong thùng và được chuyền ra ngoài. May mắn trong khoang toàn là nam giới. Thảo thấm thía trải qua hai ngày trong cảnh sống tối tăm, nóng nực giửa lòng tàu chật hẹp với lượng người đến tăng dần lên.


Trước giờ nổ máy, người chui vào khoang dồn dập, hàng trăm người phải ngồi bó gối, lưng tựa sát vào nhau. Khi tàu chạy, gió mát từ mặt sông về đêm len vào khoang như đem luồng sinh khí mới cho những người đi tìm tự do.


Tàu vượt qua trạm Nhà Bè mới biết đường giây bị bể, nếu cho tàu quay trở về thì lổ mất vốn liếng, hai người con chủ tàu làm tài công tiếp tục đi để rồi bị chận bắt ở trạm Rừng Sát. Đây là một trong những thảm trạng vượt biên đầy máu và nước mắt. Hàng trăm ngàn người bị bắt, hoặc đắm tàu chết đuối ngoài biển khơi.


Kinh nghiệm đau thương về thực thà khai báo của năm 1975. Trên đường bị giải giao, Thảo đã ngụy tạo một lý lịch giả cho mình : Nguyễn văn Châu, một nông dân ở xã Trường Tiền, huyện Cái Răng, tỉnh Hậu Giang. Vùng đất Thảo còn nhớ rõ tên từng con rạch trong các cuộc hành quân sau Tết Mậu Thân 1968.


Thảo khai báo và trả lời thật rõ ràng những câu chât vấn của Công An chấp pháp tại trại Phan Đăng Lưu bên cạnh trường trung học Hồ ngọc Cẩn tỉnh Gia Định cũ. Ba lần bị kêu lên làm việc Thảo vẫn giữ y nguyên một lời khai.
Tuần lễ sau, Thảo bị chuyển về khám Chí Hoà.


Trong lúc chiếm cứ Đông Dương, Nhựt Bổn đã cho xây nhà tù nầy ở Chí Hoà thật kiên cố theo mô hình bát quái. Ngôi tháp canh cao nằm gần giữa trung tâm hơi chếch một bên. Theo người am tường dịch lý, tháp nầy chính là lưỡi gươm yếm trận đồ, hủy diệt tinh thần yêu nước của sĩ phu Việt Nam. Trong tám cung có một cung đầy âm khí, dãy nhà nằm trong cung nầy thường hay bị sét đánh. đêm về tiếng kêu cấp cứu từ các phòng giam như tiếng vọng vang lên từ địa ngục âm u.


Khám Chí Hoà được bao bọc bằng hệ thống song sắt to. Mỗi lần bước lên thang lầu cũng như khi ra khỏi đều có cửa song sắt với ổ khoá to kiên cố. Dung dịch muối làm sắt rỉ sét, do đó người tù tuyệt đối không được cất giử muối, vì sẽ bị qui vào tội âm mưu vượt ngục. Trốn thoát ở đây là chuyện không bao giờ xảy ra nếu không có người bên trong sắp đặt trước.


Phía dưới sân có mấy bồn nước dành cho người tù tắm. Tuần tự các phòng mỗi tuần chỉ có được 20 phút. Phần đông tắm vội vàng mà phơi nắng là chủ yếu. Giờ phút nầy mới thấy giá trị quí báu của tia tử ngoại từ ánh sáng mặt trời. Người người đều có chung một màu da trắng xanh xanh mét.


Phòng giam các tù nhân chính trị bên cạnh phòng của Thảo. Cha Lộc ở Kiên Tân Rạch Giá và các Cha xứ Tân Mai, Tam Hiệp có mặt trong đó. Thảo biết Cha Lộc qua các bài viết đấu tố Cha là kẻ chống phá cách mạng xã hội chủ nghĩa. Mỗi lần kiểm soát, Công An Cộng Sãn quăng mùng của các Cha ra ngoài. Giây mùng được các Cha cột gút lại làm hột chuổi Mân Côi. Người nào đó trong hàng ngủ quốc gia đã tố cáo lập công. Thảo nhìn các Cha qua song của sắt trong những lúc được ra ngoài hành lang khoảng 15 phút. Cha Lộc dáng người cao, chân mày bạc trắng, ba Cha đăm chiêu cầu nguyện.


Một người có tuổi bị đưa vào nhốt chung phòng với Thảo: Bác sĩ Trí nhà ở gần rạp hát Long Vân với tội danh:hoạt động chánh trị chống phá Cách Mạng. Trong thời gian ngắn ngủi nhiều cơ duyên, Thảo học được căn bản về châm cứu và Yoga.Thảo học cách cứu tỉnh người ngất xỉu trong đám đông bằng thủ thuật, đây chính là điều Thảo thường thấy xảy ra trong các cuộc hội họp đông người, ở chùa, nhà thờ trong các dịp lễ quan trọng.


Bác sĩ Trí còn giải thích khi xoa huyệt cứu tỉnh một người yếu, theo khoa học tự nhiên nội lực của người mạnh khoẻ sẽ bị hút vào người yếu. Do đó mỗi đêm Thảo cùng bác sĩ Trí ngồi luyện khí. Nói thì có vẻ ghê gớm lắm, nhưng thật sự chỉ là phép thở và vận chuyển hơi thở theo đường Nhâm mạch và Đốc mạch. Ngồi theo kiểu thiền, mắt nhắm, hít hơi vào thật đầy. Trong lúc hít hơi vào tưởng tượng không khí tập trung vào huyệt Ấn Đường cuộn tròn thành một vòng lửa, rồi trong lúc nín thở vận chuyển cuộn lửa đó đi qua Bách Hội, các huyệt đạo của Đốc mạch như Thân Trụ, Mạng Môn vòng lên Nhâm mạch qua Khí Hải, Thần Khuyết, Cự khuyết rồi trở về Ấn Đường. Tùy theo thời gian tập luyện, số vòng vận chuyền trong một lần thở tăng dần lên. Lúc thở ra thật chậm và tưởng tượng cuộn lửa đó tan ra và toả rộng khắp cơ thể. Có ở tù Cộng Sản mới biết được tâm trạng sợ bị bịnh, vì không có thuốc chữa. Biết được bất cứ sự tập luyện nào có thể duy trì được sức khoẻ là một điều đáng quí.


Thảo còn nhớ một đêm sau khi tập xong Yoga, Thảo bắt đầu tập luyện chân khí. Vì chỉ cần tập vài lần thở là có thể ngả xuống nằm ngủ yên lành. Sau lần thở đầu bình thường, Thảo hít vào, cuộn lửa to dần và bừng sáng. Thảo hoảng hốt, mở mắt ngưng ngay tập luyện. Sáng sớm hôm sau khi diễn tả cho bác sĩ Trí, ông nói:
- Như vậy là anh đi quá nhanh, có thể bị tẩu hoả nhập ma thôi ngưng tập một thời gian nhé!
Vài hôm sau Thảo rời Chí Hoà chuyển về trại lao động khổ sai giửa khu rừng già đường về Phước Long.
Trong chiếc xe bít bùng chở tù từ Chí Hoà hướng về Phú Giáo, nam nữ ngồi sát cánh, không khí ngột ngạt khó thở. Bổng có người gọi Thảo
- Anh Châu! Cứu giùm cô nầy!
Một nữ can phạm ngất xỉu.
Mọi người trên xe ép mình lại cho Thảo bò tới gần cô gái
Thảo hỏi các cô bên cạnh
- Có chị nào biết rõ cô nầy không?
Có tiếng trả lời ngắn gọn
- Có! Tôi biết
- Xin lỗi tôi phải hỏi, cô nầy có thai hay không? Vì cách chữa nầy không tốt cho thai nhi
Vẫn âm thanh trước
- Không! Tôi biết rõ.
- Xin nhờ các chị phụ giúp tôi.


Các bạn gái đồng cảnh đở cô gái trong thế ngồi, Thảo dùng hai ngón tay của bàn tay trái bấm mạnh hai huyệt đạo Thủy Cấu của Đốc Mạch và Thừa Tương của Nhâm Mạch. Thảo nhờ cô gái ngồi cạnh vuốt mạnh hai bên cổ để khích động kinh mạch Tam Tiêu Kinh. Thảo nắm bàn tay phải, dồn sức mạnh vào phần của ngón trỏ gỏ nhẹ vào đốt xương sống phía trên huyệt Thân Trụ. Thảo khấn nguyện cùng Thánh Martin De Porres dùng bàn tay mình chữa cho cô gái. Khi gỏ tới lần thứ 40 thì cô gái tỉnh dậy.
Xuống xe ở trại Bến Cát, cô gái ngỏ lời cám ơn và vẫy tay chào Thảo.


Vào trại Đồng Phú lao động khổ sai, ở trong láng trại luôn luôn đếm số, mọi cử động đều bị kiểm soát nên Thảo không còn tập Yoga hay luyện khí, nhưng Thảo vần dốc tâm tìm học châm cứu.


Qua kinh nghiệm trong cuộc sống những gì xảy ra đối với Thảo là những chặng dường nối tiếp ít nhất cũng giúp cho Thảo một phần nào may mắn trong cuộc đời.


Cuộc sống đặt vào tay kiểm soát của các đại bàng, diều hâu, se sẽ trong láng trại, lao động khổ sai nhưng ăn uống thiếu thốn, suy dinh dưởng, thêm vào bọn Công An canh gác đánh đập làm một số người sinh ra buồn chán, yếm thế. Nhờ sự hiểu biết, Thảo được về đội mộc và dần dần lên được vai trò Trưởng Toán Kỹ Thuật xây dựng, nghĩa là vẽ và cắt đặt các nhóm từ lúc cưa cây đục lổ cho đến lúc dựng xong sườn nhà. Ban chỉ huy trại đã phá các dãy nhà cũ và thay thế vào những nhà hai tầng. Làm công việc nầy Thảo có thì giờ đọc sách giải thích và hướng dần về Châm cứu. Thảo thường trò chuyện cùng Mục Sư Hiệp, đội trưởng đội bệnh tật. Anh Hiệp bị bắt trên Taxi (danh từ ám chỉ ghe nhỏ chở người vượt biên ra tàu lớn) tại Nhà Bè. Anh đã dùng kim châm chữa trị giúp một số anh em trong láng, Thảo đã sao chép toàn bộ quyển sách châm cứu của anh Hiệp trong hai tháng. Sách in bằng giấy bồi, các tờ dính vào nhau, rất mất thì gi để giỡ từng trang một, chữ in mờ khó đọc.


Trong thời gian nầy có bầu người đại diện xã huyện của tỉnh Sông Bé, Ban chỉ huy Công An trại tập họp tất cả các láng để hướng dẫn mọi người cách thức bỏ phiếu đồng thời công bố danh sách ứng cử viên. Trung úy chánh trị viên công an ( người tù ở đây gọi các sĩ quan công an là Chú) tên Diễm nói:
- Chúng ta sẽ bỏ phiếu để nói lên tính Dân Chủ của Xã Hội Chủ Nghĩa. Tuy nhiên chúng ta phải chọn người xứng đáng để hợp tác với nhà nước. Trong danh sách nầy có người là phó tiến sĩ, giáo sư, cũng tốt thôi, nhưng có bà Hằng nầy là đảng viên kỳ cựu thời kháng chiến đáng được chúng ta chiếu cố.
Nói quanh co một hồi, chú Diễm quả quyết:
- Vậy tất cả anh em chúng ta chọn bà Hằng. Ngày mai mọi người phải bỏ phiếu cho Nữ đồng chí Đảng viên nầy.
Đề khỏi quên chú Diễm còn hỏi lại lần chót
- Ngày mai các anh em chọn ai?
Phía bên dưới đồng thanh đáp lớn
- Bà Hằng. Tiếng vổ tay rộn rã nổi lên.


Mĩa mai thật, Thảo ở Bình Điền về chưa có quyền công dân, nay ở tù với cái lý lịch giả, được coi là công dân của nước Việt Nam Xã Hội Chũ Nghĩa, lại được đi bầu cử đàng hoàng.
Sáng ngày bấu cử, từng láng một xếp hàng tuần tự bước vào nhận danh sách ứng cử viên rồi bước vô phòng kín để chọn người. Cho chắc ăn, tại đây có một anh công an cầm cây viết chì đen hướng dẩn là phải gạch bỏ bốn người kia và chừa lại hình bà Hằng. Trước khi bỏ phiếu vào thùng, người tù phải cho anh công an thấy mình đã làm đúng lời dặn. Kết quả toàn bộ huyện, bà Hằng đã được nhân dân ủng hộ 99%. đó là tính chất thật dân chủ về tự do bầu cử của xã hội Cộng sản!


Lao động nặng nhọc, đa số anh em hay bị đau lưng vì khuân vác. Thảo đã thực tập châm cứu và kết quả ngày càng làm Thảo ham thích. Mỗi buổi chiều đi làm về tới láng đã thấy anh em chờ đợi sẳn.
Bác sĩ Trí dạy Thảo dùng ánh lửa nơi đầu điếu thuốc, hoặc nhang để hơ nóng huyệt đạo như là Cứu vậy. Bác sĩ Trí truyền cho Thảo nhiều về khẩu quyết như "Hư bổ mẩu, thực tả tử", điều nầy có nghĩa là nếu căn bệnh mới phát, tức là Thực, bệnh trầm kha lâu ngày nghĩa là Hư. Trong cách châm khi thì tả, lúc thì bổ tùy theo vận chuyển kim. sự giải thích về hai chử bổ Mẩu và tả Tử, bác sĩ Trí đã đưa Thảo vào mê hồn trận. Phải nói rằng Thảo thích thú, say mê khi được nghe về Ngũ hành tương sanh và tương khắc.
Về tương sanh ta thấy Thủy sinh Mộc, trong giai đoạn nầy Thủy là mẹ, Mộc là con. Mộc sinh Hoả, lúc nầy Mộc là mẹ, Hoả là con, cứ thế mà suy ra, rồi Hoả sinh Thổ, Thổ sinh Kim, Kim sinh Thủy.
Trong Ngủ Hành, hành Thủy là quan trọng vì có nước mới có sự sống. Trong lục phủ ngủ tạng, Thủy là bộ phận Thận, Bàng quang, Mộc là Gan, Mật, Hoả là Tim, tâm bào lạc, ....


Mỗi cơ quan trong lục phủ ngủ tạng, mỗi kinh mạch, mỗi huyệt đạo đều là một hành trong ngũ hành (kim, mộc, thủy, hoả, thổ). Châm cứu trên thực tế chỉ là cách lấy lại sự cân bằng, vì cân bằng sẽ đem đến hoàn thiện nhất trong vũ trụ. Sự cân bằng của các cơ quan sẽ tạo hàng rào phòng thủ chống lại mọi xâm nhập từ bên ngoài như vi trùng.


Thời gian ở Đồng Phú, Thảo đã dùng quan niệm nầy để tìm huyệt đạo chữa trị. (Rất tiếc nếu học được cách bắt huyệt đinh bệnh thì công việc chữa trị sẽ hửu hiệu hơn), nên khi bệnh thuyên giảm, Thảo cho đó là phước chủ, may thầy. Thảo đã thành công khi giúp một em hình sự chận đứng được căn bệnh hoạt tinh.Theo em Hải tâm sự đôi lúc em chán đời muốn treo cổ tự tử vì căn bệnh làm mất sức không kham nổi công việc lao động khổ sai. . Thảo dò dẫm thay đổi huyệt đạo theo từng thời gian. Một ngày tinh khí không xuất, rồi lần khác hai ngày, ba ngày, rồi sau đó một tuần. hai tuần. Việc làm kiên trì đã tròn hai tháng và Thảo cảm thấy cần tiếp tục cho đến khi em trở lại bình thường. Hải có vẻ yêu đời trở lại.


Như thường lệ sau ngày được thăm nuôi, Thảo mời Tiến, người bạn tù hình sự đến chung vui. Nói là tù hình sự có vẽ quan trọng hoá chứ thực tế, Tiến buôn bán chui hàng hoá mua được trên tàu Thống Nhất. Công An đã tịch thu hàng lại còn đánh Tiến. Bản năng tự vệ Tiến chống đỡ bằng ghế để tìm cách chạy trốn . Sau trận đòn nhừ tử, nằm khám Chí Hoà rồi bị gán cho tội hình sự hành hung nhân viên nhà nước bằng vũ khí. Tiến sống lẽ loi không sao hoà đồng được với đám tù hình sự đích thực.. Ban đầu Thảo mời Tiến điếu thuốc rê Gò Vấp, sau biết được hoàn cảnh và bản tính của Tiến, Thảo thường trò chuyện những lúc sau giờ làm việc khổ sai.
Một ngày đẹp trời Tiến bảo:
- Anh Châu à! Anh có nhớ ngày sanh tháng đẻ để em coi tử vi cho .
- Tiến biết coi tử vi hả! Sao lâu nay em không ra nghề. Thảo nhìn Tiến thắc mắc
- Em chỉ coi khi cảm thấy hưng phấn trong tâm hồn thôi
Sau bửa ăn chiều vỏn vẹn củ khoai mì luộc to hơn trái bắp, Tiến hỏi Thảo:
- Anh Châu! Theo ngày dương lịch anh cho, em chấm lá số nầy. nhưng nhìn gương mặt anh cũng như tướng người thì không hợp với lá số Thiên Đồng. Anh có nhớ ngày sinh âm lịch mình không?
- Anh còn nhớ, đây nầy.
Thảo hình dung quyển sổ tay nhỏ mà Mẹ của Thảo cất trong ngăn kéo bàn máy may Singer với khung gỗ mới. Nét chữ của ngòi viết lá tre, Mẹ Thảo đã ghi rõ ngày giờ sanh âm lịch cùng ngày dương lịch của tám người con yêu dấu.
Tiến cặm cụi ghi chép rồi nhìn Thảo :
- Đây mới đúng là lá số của anh. Sát Phá Tham. Tiến cười rồi nói tiếp: Theo lá số nầy thì ngày xưa anh có nhiều đàn em, cũng ngang dọc một thời chớ không có hiền lành gì đâu.
Thảo ngạc nhiên sau lời giải đoán của Tiến, nhưng vẫn phớt tỉnh trả lời
- Tiến coi lại xem, anh thấy không đúng rồi.
- Cũng theo lá số, anh phải có một lần bị thương nơi đầu, không nặng lắm, có chảy máu, hoặc anh bị té đập đầu! Anh Châu thử nhớ lới xem .
Tiến nhìn Thảo như mong đợi một lời xác nhận.
Qua giải đoán của Tiến làm Thảo đề phòng vì mình dùng lý lịch giả, biết đâu Tiến là công an Tình báo của địch dò dẫm thì sao? . Thảo không chút đắn đo trả lời ngay:
- Anh nhớ chưa hề té hoặc bị ai đánh chảy máu đầu cả.
Đêm trằn trọc đầu óc Thảo quay cuồng những hình ảnh tù tội.:


Sau khi làm thủy lợi ở Kim Long, tất cả những tù cải tạo cấp úy chuẩn bị hành trang ra miền Bắc lao động xã hội chủ nghĩa.
Đoàn xe Molotova bịt kín chở các tù cấp đại úy rời trại 1 Ái Tử vào lúc nửa đêm.
Phà Quán Hầu, nơi ngăn đôi Trịnh Nguyễn.
Đây Lũy Thầy lưu chứng tích thuở xa xưa
Tới đèo Ngang cảm hứng khẻ u ơ
Cảnh xơ xác mà Bà (Huyện) làm thành thơ tuyệt tác.

Thành phố Vinh mà đám Bộ đội quảng bá và tự hào một thành phố tân tiến nhất của XHCN nhưng trước mắt người dân miền Nam đó chỉ là những chung cư do Liên Sô xây cất kém xa chung cư Nguyễn Thiện Thuật ở Sàigòn và toàn là xe đạp.


Tất cả các trại tù cấp úy ở Ái Tử lần lượt đến tập trung ở Đô Lương trên quốc lộ 7, nơi Đội Cấn khởi nghĩa chống Pháp, Các đội thi công khác cũng có mặt để vét thượng nguồn kinh Mụ Bà mà hai bên là vách đá. Đội tù Ái Tử thi đua với các đội của làng xã địa phương. Loa phóng thanh phổ biến nào là đội của xã Thuận Thành đang dẫn đầu với bình quân bốn người 1 mét khối một giờ. đây là một hình thức bốc lột sức lao động, các đội trưởng luôn luôn muốn mình được nhất nên đốc thúc các đội viên làm tăng năng suất. Người đội viên phải bới xách cơm nhà, bỏ thời gian cá nhân để đi lao dộng không công được Đảng tô bóng là lao động vinh quang cho xã hôị chủ nghĩa. Chế độ bần cùng hoá, người dân nghèo đói, thiếu thốn mọi thứ. Họ tìm cách lén lút hỏi mua những cục xà phòng cứng như đá của người tù. Loại xà phòng nầy đã biến mất ở miền Nam vào thập niên 50. Quả thật tội nghiệp. Trong việc mua bán nầy người tù còn e ngại vì luật lệ của chế độ tù và ngay trên mảnh đất Xã Hội Chủ Nghĩa, người dân như hiểu được dùng tay lấy cây thánh giá đeo trên cổ đưa ra làm bằng chứng là chúng tôi không có báo cáo đâu.
Thảo còn nhớ gương mặt ngây thơ của hai anh em đang ở trong một nhóm thi đua làm việc trên đường tù hành quân (di chuyển) về ga xe lửa. Nhìn người tù một em nói :
- Anh à! Tội nghiệp họ quá!
Người anh buồn bã
- Họ vậy mà còn sướng hơn mình nhiều! Đi làm đi em.
Xuống ga Thanh Hoá người tù được dân chúng tiếp đón bằng âm thanh thô tục. Người tù bỏ lại phía sau huyện Nông Cống, Nghi Xuân, lầm lũi hướng vào rừng núi sâu. Chánh quyền CS đang hô hào tính chất siêu việt của chế độ là đem cá từ đồng bằng lên núi nuôi. Họ dư đinh ngăn đập ở Sông Mực làm hồ và thủy điện. Người tù phải phá rừng, chặt cây với kỹ thuật gốc còn lại cao hơn mặt đất không quá 5 phân. Nào là làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm. Ăn đói, không khí lạnh của rừng Thanh Hoá, gỗ Lim cứng như đá, tất cả mọi công việc khổ sai đó biến người tù thành những bộ xương còn hơi thở. Chỉ cần vấp vào sợi dây rừng bò sát mặt đất là té nhủi xuống đất vì không còn sức để gượng lại. Khắc phục một sáo ngữ được người CS dùng để trấn an nhân dân. Một anh tù cấp Trung úy hết nghị lực treo cổ chết trên cành Lim.
Gỗ Lim là một danh mộc, cứng và nặng. Ngày xưa dùng làm Gông Cùm và Tù Xa. đặc biệt mọc rất nhiều ở Thanh Hoá. Rừng ở đây có mấy loại cây được nhắc tới như:" Dẽo như Táo, Xoắn quặn như Trường Mật và cứng như Lim"


Mỗi nhóm chia làm 3 toán nhỏ: Toán Rựa để phát dọn bụi rậm chung quanh gốc cây; toán Búa chặc hạ cây trung bình; toán Rìu đốn hạ cây to và đặc biệt cây Lim và Trường Mật. Thảo ở trong toán Rìu. Lưỡi Rìu được anh Bon trui rèn thật tốt. Anh Lô và anh Bon thương Thảo như em ruột. Cứ mỗi buổi chiều, mặt trời vừa gát bóng, đoàn tù từ rừng trở về láng trại, anh Bon đã thấy Thảo ghé vào nhà rèn và dúi vào đống than đỏ một gói lá chuối nhỏ Thời gian ở trại cấm tuyệt đối cải thiện (danh từ Cộng Sản), vì thế Thảo làm rất nhanh để tránh sự dòm ngó của bạn đồng tù và họ sẽ báo cáo lập công gây liên lụy cho anh Bon. Nhìn mớ thịt tái anh Bon hỏi:
- Thảo nướng gì đó?
- Mấy con cóc nhái em bắt được trên đường về.
Trong rừng có nhừng hố đào sâu chừng ba mét tây, Trời mưa cóc nhái nhẩy xuống và không bao giờ lên được. Thảo tìm cành cây có nhánh đẩy vào hố rồi leo xuống bắt lận vào lưng quần. Thảo rất sợ rắn, nhưng qua suy luận nếu có rắn ở bên dưới thì đã ăn hết các chú cóc nhái nầy rồi. Thảo lột da, móc bỏ bộ lòng, rửa sạch sẽ trong vũng nước mưa rồi gói lại bằng là chuối rừng.
- Thảo, em đừng ăn thứ nầy nữa. Có ngày trúng độc, thỉnh thoảng anh lên đoàn sửa xe cho họ, được bồi dưởng đem về cho em.
Anh Lô cũng ái ngại
- Cẩn thận nghe Thảo, phải sống mà trở về
Lời khuyên đầy tình thân của anh Bon, anh Lô làm Thảo suy nghĩ, Trung úy Bàn, ban 4 Lữ Đoàn 369 TQLC ở trại 2 ăn nhầm con cóc có sọc đỏ trên lưng còn gọi là Thiềm Thừ, may mắn thoát chết nhưng người như mất hết nội lực cả tháng dài. Ngày nào đó biết đâu sẽ là mình!
Trong cảnh tù cùng khổ và tại vùng mà người tù phải ăn và uống cái nước đen thui của sông Mực nầy thì những miếng bánh mì khô, đôi khi miếng bột mì luộc mà anh Bon cho Thảo nó thật quí báu. Người ta có thể ước lượng và đánh giá món đồ vật, nhưng chắc chắn không ai có thể định được cái việc làm của anh Bon. Nó quả thật vô giá!
Trong lúc dọn gỗ,anh Lê quang Bút chi khu Hương Trà thấy một con cóc to và lên tiếng gọi Thảo .Thảo mệt nằm nghỉ trên sạp nên không muốn ngồi dậy, anh Lực Thám Sát Sư đoàn 1 làm thịt ăn và anh trúng độc chết mươi phút sau. Anh đã ăn luôn cả trứng của nó.
Qua nhận xét của các bạn, Thảo đồng quan điểm là cái thú vị nhất của người thợ chặt cây là nghe âm thanh răng rắc và cây từ từ ngả xuống sau nhát rìu, búa cuối cùng.
Thảo cố gắng mở miệng vừa đủ để bẻ hướng cây Lim to hơn vòng tay ôm ngả theo ý muốn, Thảo xoay qua dứt gáy. Cây bắt đầu chuyển mình.Thảo hô to
- Cây ngã ! Cây ngã !
Tiếng hô làm mọi người chú ý, nếu cây đổ về hướng mình thì hãy lẹ làng tránh xa ngay. Một hình thức an toàn lao động.
Nhát rìu thật mạnh sau cùng, từng thớ gổ bựt đứt. Thảo say mê nhìn cây từ từ nghiêng rồi ngả nhanh xuống....
Thảo ngạc nhiên thấy mình đang ngồi bên đống lửa.Thảo cất tiếng gọi anh tổ trưởng Đỗ hửu Bê
- Anh Bê! Tại sao tôi lại ở đây?
Anh Bê đến bên Thảo rồi giải thích:
- Anh chặt cây Lim, dây rừng bám vào cành ngã kéo theo cây đã bị đốn hạ từ phía sau lưng đập vào đầu anh. Tôi thấy anh té ngồi xuống. Tôi chạy tới định giúp anh nhưng anh bò ra và đứng dậy đi đến đống lửa, cái nón cối trên đầu bể vụn, máu chảy ướt đầu, tôi đã dùng cả gói thuốc lào để cầm máu cho anh. Anh em bận làm nên không ai giúp gì cho anh được. Anh đã tỉnh rồi và có thể về láng nằm nghỉ.
Lá số ai chấm cũng như nhau, nhưng lời giải đoán của Tiến rất chính xác.
* * *
Qua lá số Tiến còn đoan chắc:
- Qua tháng sau anh sẽ ra trại. Sang năm cung Di có Mã Khốc Khách, nếu anh Châu đi nữa chắc chắn sẽ tơi nơi.
Tiến giải thích thêm:
- Ngựa đã thắng sẳn yên cương, anh chỉ nhảy lên lưng ra roi là tới nơi. Qua đó lập gia đình, hoặc là lập gia đình ở đây, rồi sau đó cũng đi được.
Vài ngày sau Tiến đề nghị
- Anh Châu, em biết Kinh Dịch và nếu anh tin thì xin anh biên cho em vài câu diễn tả những gì trong tâm tư anh, em sẽ đoán cho.
Thật tình Thảo cũng thích lăm, sẵn dịp Thảo đồng ý ngaỵ Trên trang giấy đen thui của xã hội chủ nghĩa, Thảo ghi : "Đời tôi cứ lận đận lao đao mãi, biết bao giờ tâm hồn mới được sung sướng"
Nhìn những dòng chữ, Tiến gật gật đầu có vẽ thích thú. Thảo nhìn Tiến đang vẽ những Cung trong Bát Quái. Sau khi lẩm nhẩm suy tính, nhìn vào mắt Thảo, Tiến nói:
- Sự việc nầy rất tốt cho anh. Sau khi ra tù, nhờ tác động của một trung nữ, anh sẽ lên một vùng có núi, có nước, tới đây anh sẽ cảm nhận được điều nầy.
Tiến cũng đề cập đến việc châm cứu của Thảo.
- Châm cứu cũng giúp anh nhiều trong cuộc sống nhưng chỉ giai đoạn nầy thôi.
Thảo bâng khuâng những điều Tiến nói. Về quá khứ thật đúng dù Thảo đang dùng lý lịch hư cấu. Còn những ngày sắp tới thì sao? Mẹ Thảo dự định khi ra tù, Thảo sẽ về Cà Mau đi Te, danh từ địa phương là đi cào tôm và tìm cơ hội vượt biên. Cơn mệt của lao động khổ sai đem giấc ngủ đến thật nhanh.
Hôm nay Thảo và một số anh em được ở nhà, chuẩn bị hành trang làm thủ tục ra trại. Thảo đi ngang chổ Tiến đang lao động, Hải cầm tay Thảo khóc vì không còn ai giúp em tiếp tục chữa trị trong những ngày còn lại.Thảo an ủi Hải và đưa Tiến gói quà nhỏ rồi bắt tay từ giã mọi người.


Vụ đánh thuốc một cụ bà trên 70 tuổi sống một mình để cướp tài sản ở xã Madagui, huyện Da Huoai tỉnh Lâm Đồng được người dân ở đây bàn tán. Nhờ láng giềng phát hiện kịp thời nên bà được cứu sống Cậu Mười, con trai cụ bà có mảnh vườn ở Madagui cần người quản gia và coi sóc cụ bà đúng vào lúc Thảo vừa mãn tù về. Người Dì tuổi trung niên em gái của Mẹ Thảo đưa Thảo đến gặp cậu Mười. Vài ngày sau con gái Cậu Mười dẫn Thảo lên vùng đất cao xa lạ nầy.

Mảnh đất nằm bên cạnh Quốc lộ 20 Sàigòn Đà Lạt, sườn nhà ba gian bằng cây mới cất chưa hoàn tất, chỉ có phòng ngủ được đóng vách. Bên sau nhà trồng ngủ cốc, dưới có giếng nước ngọt và những cây lôm chôm tróc, nguồn thu nhập đáng kể. Con suối đá với tiếng nước reo đã ngăn cách mảnh vườn và dãy núi. Vượt qua con suối, Thảo leo lên núi thì gặp con đưởng mòn của thợ rừng.
Ngày đầu tiên gặp cô Sáu, chị ruột cậu Mười, cùng anh Đức, chị Nga, cô hỏi:
- Sao Bốn, người Bình Định gọi thứ Tư là Bốn, lên đây ở có chịu nổi không hay lại trở về Sàigòn.
Nhìn ánh mắt cô Sáu và hai anh chị con của cô, Thảo biết rằng mọi người đang nhìn mình để đánh giá khả năng lao động, chắc mình vẫn còn cái vẽ phong lưu.
- Dạ thưa cô, cháu cũng cố gắng, hy vọng không phụ lòng cô, cậu Mười cũng như hai anh chị đây.
Tuần lễ đầu tiên Thảo phụ cô Sáu làm việc ngoài vườn, Thảo thường bắt gặp ánh mắt quan sát của cô và càng lúc càng có vẽ thiện cảm hơn.
Mỗi buổi sáng Thảo phụ anh Đức đẩy xe chở đầy cây mía lên dốc cao gập ghềnh, người mệt lả. Dừng nghỉ thở bên đường, kẻ kéo người đẩy, xe lăn chậm lên dốc nhà thờ. Qua cửa hàng ăn quốc doanh, bến xe đò rồi thẳng vào chợ. Hai anh em để mía xuống đất cho chị Nga , rồi cùng kéo xe về.
- Cô thấy thằng Bốn làm việc tốt có lẽ nhờ đi cải tạo (thật mĩa mai? Ở tù bọn Cộng Sản có dạy chi đâu, dùng lao động khổ sai nhưng ăn đói để giết lần mòn Quân Dân Cán Chính miền Nam) Tuần tới cháu về nhà thằng Mười nhớ chăm sóc dùm cô. Bà thì ở đây với cô cho thật khoẻ . Mỗi tối nhớ về đây ăn cơm.
- Cám ơn cô Sáu.
***
Mãi suy tư, Thảo đã đến nhà bố mẹ Loan.Trong câu chuyện ông Diễm đề cập đến đơn vị mà ông phục vụ : Pháo Binh Phòng Không Sư Đoàn cùng cấp chỉ huy của ông : Đại úy Mai mà Thảo quen biết lúc phòng thủ Động Ông Đô tức căn cứ Anne năm 1970 và tại cổng Nam căn cứ Ái Tử năm 1972.
Thảo làm quen nhanh chóng với những thanh niên thợ rừng, sáng giúp đẩy xe lên con dốc, rồi vác rựa lên rừng chặt mun. Ngày qua ngày Thảo đã chiếm được cảm tình hầu hết người dân. Tư Thảo là tiếng xưng gọi thân mật của người dân dành cho Thảo.vì Thảo thứ tư trong gia đình.


Ngày đi theo Phúc, Tạo lên dãy núi cao bên kia Quốc lộ chặt mun, hoặc theo Phát, Mai vượt suối sau nhà, leo núi chặc nẹp. Người sanh quán Sàigòn mà cô Sáu lúc mới gặp mặt tưởng chừng vài hôm bỏ về thành phố giờ đây đã dầy dạn như những người thợ rừng chuyên nghiệp.


Đôi khi theo ông Chánh Trương giúp việc nhà thờ, lúc thì đi châm cứu. Nhờ may mắn chữa hết bịnh ăn không tiêu cho cô Sáu và vợ của Trung Úy Mai Sư Đoàn 22 BB vào dịp Tết năm đó, Thảo được giới thiệu đến chữa giúp anh trưởng Tập đoàn 10 bị cứng lưng vì lao động thi đua vượt chỉ tiêu cuối năm. Lưng anh trở lại bình thưng sau ba lần châm cứu . Từ đó tiếng lành được đồn xa.
Vào mùa hái thuốc lá, người trồng thuốc ở Phương Lâm thường đặt mua nẹp ở Bà hai nước mía. Một hôm Thảo vừa thả bó mun xuống đất, một người dừng xe đạp đến bên hỏi
- Chào anh, Mun nầy có bán không
- Nếu anh mua, tôi bán cho. Thảo nhìn khách trả lời.
- Tôi muốn nẹp bằng loại mun già, tôi mua mun rồi anh chẻ nẹp, tôi trả thêm công.
Thảo nghĩ đến việc khỏi phải đẩy hàng đến bà Hai nước mía nên ưng thuận ngả giá ngay với người khách. Trọn tuần nhà Thảo rộn rịp. Mấy anh bạn Phát, Mai, Phúc, Tạo và Thảo lên rừng thật sớm để trở về trước ngọ với mỗi người ba bó mun lớn. Cơm nước xong là ra nẹp đến xế chiều. Buổi tối đèo nhau trên xe đạp ra chợ uống cà phê và nghe những bài Thánh Ca của Hoàng Oanh từ hải ngoại.
Xong mùa nẹp, Thảo theo ông Chánh Trương vào sóc người Coho làm thợ mộc, dựng nhà. Một người sơn cước dáng to khoẻ bước đến chào, ông Chánh giới thiệu:
- Đây là ông Trùm họ đạo, anh Y Brok
- Còn đây là anh Thảo, đại úy Thủy Quân Lục Chiến đi cải tạo về
Ông Trùm Y Brok ôm chầm lấy Thảo, nắn vai, nắn tay Thảo, nói giọng lơ lớ:
- Chào đại úy, tôi là chuẩn úy trưởng ty sắc tộc trước kia của tỉnh Lâm Đồng .


Người Coho rất chân thật và hiếu khách, lần đầu tiên trong cuộc đời được thưởng thức rượu cần hảo hạng. Thảo cảm thấy mỗi bước đi như dài ra và như được chấp cánh bay trên đoạn đường về 5 cây số,
Nhà Thảo có giếng nước ngọt nên mỗi chiều bà con chòm xóm thường vào gánh nước. Hai thằng bé trai áo hở rún vào tìm Thảo mỗi khi mẹ gánh nước đi qua. Bảo 5 tuổi và Khánh 4 tuổi, cha cháu làm công nhân ở trong Huyện thỉnh thoảng về thăm nhà. Tết nhứt sắp tới mà hai đứa cũng vẫn quần áo cũ. Làm nghề rừng vất vả, Thảo mua rất nhiều kẹo ăn và cho các em bé vùng quê hẻo lánh.
Mỗi chiều xuống suối Thảo thưng gặp Đăng, anh chàng đặc công phục viên (danh từ Cộng sản dùng nói là mản nhiệm kỳ quân dịch) cộng sản. Sanh quán Quảng Nam, dáng người trung trung nhanh nhẹn với màu da sốt rét. Chủ nhân căn nhà lá, hai sào đất trồng khoai mì, khoai lang, con trai nhỏ còn bú, thằng trai lớn thường nhìn Thảo qua hàng dậu nơi vườn lôm chôm.
Con chó nhỏ của Đăng phá hàng rào bằng thân cây khoai mì vào nhà Thảo đã mở đầu câu chuyện. Tuấn, thằng trai đẹt con 12 tuổi dẫn Thảo về nhà, nhà Đăng trống vắng, đứa cháu gái 8 tuổi đang lên cơn sốt, chị Đăng càm ràm giọng Quảng với chồng
- Nó đoán bịnh và bán thuốc uống không hết, bác sĩ gì đâu.
Đăng im lặng, mặt có vẽ bất mãn
Thảo về nhà lấy vài viên thuốc trị sốt đưa cho Đăng và chỉ dẫn cách dùng. Vợ chồng đưa tiền, Thảo không nhận và dặn cho cháu uống thật nhiều nước đun sôi.
Đăng ghé nhà Thảo lúc trời mờ sáng, cám ơn Thảo và rủ Thảo cùng đi làm lọn. Đăng vui vẻ cho biết cơn sốt đã hạ bé gái đã ngồi dậy, bụng biết đói đòi ăn.
Trong những lần tiếp chuyện với Đăng, Thảo vần giữ tư thế im lặng và lắng nghe. Đăng bất mãn về chế độ, con nhỏ giao liên học băng bó làm y tá, nay trở thành bác sĩ trưởng trạm xá, nhà gạch, ngói đỏ, mấy mẩu đất màu mỡ. Thằng đặc công đánh sập cầu Nam Ô Đà Nẵng lúc phục viên chỉ được hai sào đất. Nhà tranh, gió luồn, ăn độn sắn khoai. Xả thân cho Đảng để rồi khi gọi là đã chiến thắng hoàn toàn, cuộc sống càng tàn tệ hơn, chỉ đổi khác ở đám người chóp bu trong mọi cấp. Họ giàu có bằng đút lót. Mĩa mai nhứt là câu nói thủ tục "đầu tiên" mà người dân nói lái từ chử "tiền đâu" Thằng Lính Thủy Đánh Bộ Ngụy mà Đảng và Nhà Nước Cộng Sản lên án ác ôn dưới mắt Đăng chính thực là người láng giềng tốt. Tề Ngụy, sự nhồi sọ bôi sơn trát phấn tuyên truyền láo khoét. Thảo đã nghe những lời nói trung thực từ miệng Đăng trong lần đi làm lọn.
Đăng hân hoan chuẩn bị cho Thảo dây gùi và vài vật lỉnh kỉnh rồi cùng đổ dốc đèo Chuối vào đến Suôi Tiên. Thảo học cách chặt và kéo lồ ồ. Cưa những ống dài tối thiểu 9 tấc, gom lại một chổ, chẻ làm đôi, xếp cho thật khéo, cột vào dây gùi đòi hỏi phải nhiều kinh nghiệm để cho sự di chuyễn nhanh và lọn không rơi rớt. Khi dừng nghỉ phải dùng cây chống dưới gùi lọn. Vượt qua suối Tiên rộng khoảng 20 thước, nước xấp xỉ đầu gối nhưng chảy thật xiết đoạn đường nầy gay go nhất. Lở trợt té, dùng cả hai tay kéo giây gùi cho bung ra thật nhanh mà thoát thân. Nhà thu mua lọn nơi lò gạch, giá tuy có thấp nhưng thuận tiện, được thợ rừng ủng hộ. Người chủ vựa còn bán gạo mắm, kẹo bánh để người thợ rừng có thể mua đem về gia đình.
Gần Thảo, Đăng lần lần nhận chân được sự thật về cái gọi là cách mạng vô sản, bần cùng hoá nhân dân mà từ lâu Đăng cố tình không muốn biết tới.


Thảo nhận lời tìm chặt cây trâm làm cột nhà cho người láng giềng vào mấy ngày cận Tết,
Ầm! Cây trâm thứ sáu ngã nhào sau nhát rìu dứt gáy của Thảo. Những giọt mồ hôi làm cay mắt Thảo dùng tay áo chùi mặt, nổi vui làm vơi đi cơn mệt.
-Thảo à! Thôi mình về. đến giờ đóng cửa rừng rồi.
Giọng Bình Định thân mật của cậu Cam.
Hai người cuối cùng ra khỏi bìa rừng vào buổi chiều 26 tháng chạp . Theo luật "Rừng" không ai đụng những cái gì không phải của mình huống hồ cây đã nằm trên mặt đất.
Từ xế chiều, quốc lộ không còn xe qua lại, người dân đi từng đoàn về ngã ba chợ, kẻ quẹo phải vào chùa hái lộc, người leo dốc đến nhà thờ dự thánh lể cuối năm.

Rời nhà thờ, lòng Thảo buồn man mác, không bạn bè, chiến hữu, người thân thuộc. Bước chân đi như vô định dưới bầu trời lấp lánh ánh sao của đêm tối giao thừa.


Tiếng pháo nổ rền từ trạm Madagui, bên dưới dốc nhà thờ. Pháo lại rộn rã ở trạm Đồng Nai, dốc bà Hai nước mía. Đì đẹt vài viên pháo chuột từ mấy cháu đùa giởn trên quốc lộ. Ánh lửa bùng sáng từ các đóng chà của người dân hai bên lộ Thảo đến bên đống mun nẹp vương vãi của mình sau buổi chiều quét dọn sân. Thảo bật cái quẹt gaz, lửa bắt nhanh và bừng cháy. Tiếng nổ lốc bốc từ những ống mun như tiếng pháo tống cựu nghinh tân của Thảo. Trong ánh sáng nhạt, Thảo thoáng bắt gặp những đôi mắt thân thương của người dân nghèo Madagui. Giọng lơ lớ của Y Brok, tiếng cười dòn tan của Kèo, Cột con ông Chánh cùng đi chặt đòn dông. Tiếng nói êm nhẹ của chị Nga lúc cùng kéo xe đá xuống dốc nhà cô Sáu. Nụ cười của ông Lớn, Địa phương quân Quãng Trị, vợ chồng ông Diễm, ba mẹ Loan, phục vụ pháo binh phòng không của đại úy Mai đã sát cánh cùng đại đội Thảo trấn giữ cổng Nam Ái Tử năm 1972 ,...Ánh mắt hối tiếc của Đăng khi biết rõ thiên đường máu của cộng sản....


- Chú Bốn ơi! Tết rồi.


Tiếng gọi Thảo thật thân thương của các cháu hoà lẫn trong làn sương nhạt.


* * *


Thảo đã vượt biên thành công năm 1986. Ngày tháng dương lịch của năm 1986 trùng hợp với năm 1975. Ngày Thảo bị bắt dần về Căn cứ La Sơn cũng chính là ngày của 11 năm sau Thảo lái ghe cập vào cầu tàu đảo Pulau Bidong. Một chặng đường tiếp nối khác lại bắt đầu. Thảo ao ước chặng đường tiếp nối sau cùng của mình là được chết trên quê hương Việt Nam yêu dấu thực sự Tự Do. Hoài bảo của chặng đường thời trai trẻ còn in đậm mãi trong tâm hồn Thảo : Chiến đâu và chết cho "Quê Hương".
Trích hồi ký "Người lính Tổng trừ bị"
Giang văn Nhân

(1) Cộng Sản dùng chử cải thiện để chỉ việc hái rau, bắt ốc,nấu nướng linh tinh.
Công trình vét "Kinh Mụ Bà" ở Đô Lương và đắp đập nuôi cá của các công trình sư CS đã gây đau thương cho dân chúng. Mùa mưa lũ đến, lòng kinh Mụ Bà dược vét rộng, lưu lượng nước tăng lên nên đẩy trôi xe cộ cùng người qua lại con đường bắt qua kinh với những ống cống bằng xi măng cũ kỹ. Tại sông Mực nước dâng cao, bờ đập đấp bằng đất chận giữa hai triền núi không chịu nổi sức mạnh của nước nên vỡ tung. Tội nghiệp các làng xã bên dưới bị cuốn trôi. Đó là tính siêu việt của người CS.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn