Nghĩ lại thì mới nhớ, thì ra đã có lần viết về ông "nghị IQ" Trần Tiến Cảnh, ĐBQH Hà Nam với phát ngôn để đời "Các nước có chỉ số IQ cao đều xây đường sắt cao tốc. Ra nước ngoài tôi đi thử rồi. Tốc độ nhanh, an toàn, trẻ em đi học, bà mẹ đi làm... Việt Nam không phải nước nghèo, với quyết tâm chính trị, tôi đề nghị phải xây". Được biết, ông này là ĐBQH chuyên trách, tức là Đảng bố trí cho ông sống bằng nghề ĐBQH, chứ chả cần dân bầu, vậy mà nửa đường đứt gánh. Không biết bây giờ ông đang làm nghề gì? Điều đó chứng tỏ Đảng cũng sáng suốt lắm, những đứa "ngu lâu, khó đào tạo" như thế thì cũng khó có chỗ là ĐBQH, vì để mấy ông ý ở lại thì mất uy tín quá.
Ông nghị Đương
Gần đây, báo chí nhắc nhiều đến ông nghị Đương, với những phát biểu mà dư luận cho rằng đẫm chất ngu và qua những phát biểu đó thể hiện sự yếu kém trong nhận thức của một ĐBQH về các vấn đề liên quan đến luật pháp. Đó là ĐBQH khóa 13 Đỗ Văn Đương thuộc đoàn đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh. Được biết ông ta còn là Tiến sỹ Luật và là Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.
Lẽ ra ông là ĐBQH, là đại biểu đại diện cho nhân dân ngồi trong Quốc hội thì các phát biểu của ông phải vì lợi ích và quyền lợi của nhân dân. Hơn nữa, ông còn là tiến sĩ luật, là Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, thì tối thiểu những kiến thức liên quan đến luật pháp thì ông phải am tường hơn những người khác. Nhưng thực tế cho thấy ông nghị Đương không như thế.
Vì thế, trên báo chí của nhà nước người ta không gọi đúng tên và chức danh của ông là ĐBQH Đỗ Văn Đương, mà người ta gọi ông là ông nghị Đương. Cho dù cách gọi đó còn hơn ngoài vỉa hè, theo lối gọi khinh miệtvà đàm tiếu, người ta gọi ông Đỗ Văn Đương là ông nghị rau muống. Cũng vì ông đã từng phát biểu ngô nghê về một vấn đề xã hội, khi cho rằng "Tôi đi các nước thấy giá tiêu dùng đắt đỏ, một đĩa rau muống xào ở Thượng Hải tới 200.000 đồng nhưng ở Việt Nam chỉ mấy chục ngàn. Trong nước, tôi đi chợ rau muống ở đô thị có thể 5.000 đồng/mớ, đi xuống vùng nông thôn chỉ 2.000 đồng, xuống nữa có khi rẻ hơn."
Quay trở lại vấn đề luật pháp, theo Wikipedia cho biết, ĐBQH Đỗ Văn Đương không chỉ là Tiến sĩ Luật, mà còn giữ trọng trách là là Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Có lẽ đây là lý do khiến ông nghị Đương cứ nghĩ là mình giỏi, vì thế ông cứ "chém" bậy, chém bạ. Chém đến mức lòi cái ngu của mình ra cho bàn dân thiên hạ biết.
Cụ thể là:
Theo báo Dân Trí, ông nghị Đương cho rằng "Luật sư ở Việt Nam chỉ bào chữa cho những người có tiền". Nguyên văn phát biểu của ông ấy là "Không phải cơ quan điều tra ngại chuyện này mà đây là chuyện kiểu như “vẽ đường cho hươu chạy” để bọn tội phạm lộng hành. Hơn nữa, thực chất luật sư ở Việt Nam chỉ bào chữa cho những người có tiền. Tôi nói là đúng như thế vì thực tế những vụ việc Nguyễn Đức Kiên, Huyền Như… mà lại nói không có tội là rất một chiều."
Nếu chuyện như thế mà xảy ra có một lần, thì người ta có thể bỏ qua và coi là ông nhỡ miệng do thiếu tỉnh táo. Song sau đó ít lâu, phát biểu trên đài truyền hình VTV3, ông nghị Đương xưng xưng khẳng định "Quyền im lặng không phải quyền con người", nguyên văn thế này "Quyền im lặng khác với quyền bào chữa. Quyền im lặng không phải quyền con người mà quyền bào chữa mới là quyền cơ bản của người phạm tội trong tố tụng hình sự. Nó nhằm thực hiện chức năng gỡ tội." người có chút hiểu biết nghe ông "chém" như thế thì không nhịn được cười, vì cái suy nghĩ và lập luận ngô nghê của ông nghị Đương như một gã đàn ông trình độ lớp 4 ở nhà quê thích bàn chuyện luật pháp. Đúng như kiểu các cụ ngày xưa thường bảo "dốt nhưng hay thích nói chữ"
Không chỉ có thế, mới nhất ông nghị Đương còn lớn tiếng khẳng định “Quy định quyền im lặng là diễn biến hòa bình, chống lại nhân dân”. Điều này cho thấy, trình độ nhận thức và viễn kiến chính trị của ông nghị Đương chứng tỏ là ông ta rất kém. Vậy không hiểu Đảng còn bố trí để ông này làm ĐBQH làm gì nữa? Chỉ phí tiền thuế của dân thôi. Được biết, ĐBQH Đỗ Văn Đương sinh năm 1960 do vậy nếu Đảng không đuổi thì dân còn khổ thêm ít nhất là 5 năm nữa.
Quyền im lặng
Đây là vấn đề mấy ngày vừa qua Quốc hội đang bàn thảo rất gay gắt, có nên đưa "quyền im lặng" của bị can, bị cáo vào Bộ luật Tố tụng hình sự (bổ sung) hay không? Đây là một vấn đề được cho là, liên quan đến nhận thức do sự quan niệm khác nhau, nên đã gây rất nhiều tranh cãi. Quan điểm của ngành Công an là “Luật cần phải tạo điều kiện cho cơ quan tư pháp làm việc, nếu không sẽ xảy ra tình trạng chúng ta bó tay trong cuộc đấu tranh chống tội phạm”. Còn các ĐBQH khác thì cho rằng “quyền không khai báo các nước đã làm hết, còn VN nếu không như thế là hạ thấp quyền của người dân Việt Nam xuống.”. Theo ông Nguyễn Hòa Bình Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao khi báo cáo với Thường vụ Quốc hội đã nhận định rằng đây là vấn đề xung đột về quan điểm.
Một người bình thường như tác giả bài viết, chỉ tự tìm hiểu về vấn đề Quyền im lặng trên mạng internet, thì cũng có câu trả lời đơn giản là thế này: "Quyền im lặng là quyền của nghi phạm, của người bị kháng cáo, trong một vụ án có quyền im lặng cho tới khi được tiếp xúc với luật sư hỗ trợ về pháp lý cho mình.". Nghĩa là, nghi can có quyền giữ im lặng và từ chối trả lời câu hỏi của nhân viên thẩm vấn cho đến lúc tiếp xúc được với luật sư để tư vấn cho họ về vấn đề pháp lý. Nghi can có quyền có luật sư trước khi khai báo với cảnh sát và luật sư sẽ hiện diện khi cảnh sát thẩm vấn họ. Trong trường hợp, nếu nghi can không thể tìm được luật sư, thì sẽ được cung cấp một luật sư trước khi trả lời các câu hỏi. Đồng thời nghi can có thể trả lời câu hỏi khi không có luật sư, nhưng vẫn có quyền ngưng trả lời bất cứ lúc nào để chờ sự có mặt của luật sư. Vậy xin hỏi một ông ĐBQH, đồng thời là Tiến sĩ luật sao không biết những điều sơ đẳng như thế?
Được biết, quyền im lặng là một phương tiện quan trọng để hạn chế bức cung, nhục hình - nguyên nhân dẫn đến oan sai trong tố tụng hình sự. Đó chính là lý do vì sao ngành Công an kiên quyết phản bác, bởi 02 lý do sau. Thứ nhất, đó là từ trước đến nay các cơ quan tố tụng quen thói áp đặt, họ không coi trọng sự tranh luận của các luật sư bảo vệ cho quyền lợi của các bị can bị cáo, cho nên bây giờ sửa đổi theo chiều hướng có lợi cho bị can, bị cáo thì họ chưa sẵn sàng trong việc chứng minh tội phạm. Thứ 2, vì chưa quen nên họ lo sợ quyền im lặng trong Bộ Luật tố tụng Hình sự mới sẽ làm khó khăn hơn trong công việc điều tra, nghĩa là các điều tra viên sẽ không còn được sử dụng biện pháp bức cung, dùng nhục hình để buộc bị can nói theo ý họ muốn như từ trước đến nay, theo họ từ đó sẽ dẫn đến việc bỏ lọt tội phạm.
Hiện nay trên thế giới, ở hầu hết tất cả các quốc gia văn minh, tiến bộ và tôn trọng quyền của con người đều áp dụng quyền im lặng của bị can, bị cáo để làm cơ sở chống các hành động bức cung và nhục hình của các nhân viên điều tra. Như theo báo Tuổi trẻ, ĐBQH Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM bày tỏ: “Đừng nghĩ rằng vì trình độ thế này chúng ta không nên cải cách. Chúng ta không kém hơn các nước, vấn đề là có tôn trọng quyền của bị can, bị cáo hay không”.
Theo RFA, LS. Phan Trung Hoài, thành viên Ban sửa đổi Bộ luật TTHS (sửa đổi) thuộc Đoàn LSVN giải thích: “Quyền im lặng này nó xuất phát từ một quyền cơ bản của con người, đó là quyền của người bị tình nghi là tội phạm hay người là bị can, bị cáo phải nhận được sự trợ giúp pháp lý ngay từ đầu. Chính vì thế cái quyền im lặng này sẽ cho phép thể hiện trên thực tế họ có quyền chờ luật sư trước lúc cơ quan điều tra tiến hành thẩm vấn đối với họ.”
Vậy mà, ông nghị Đương khẳng định "Quyền im lặng không phải quyền con người", thậm chí ông còn quá đà khi khẳng định rằng “Quy định quyền im lặng là diễn biến hòa bình, chống lại nhân dân”. Thử hỏi, một vị là ĐBQH đồng thời là một Tiến sĩ luật phát biểu những điều như thế có nghe được không?
Về vấn đề đó, Luật sư Ngô Ngọc Trai nhận thấy đó là điều sai lầm, bởi theo ông đã lý luận như sau: "Thứ nhất, quyền im lặng thực chất chính là một dạng thể hiện của quyền tự do ngôn luận. Nếu bị can không được quyền im lặng, tức là để ngỏ khả năng bị can phải khai báo trái ý muốn, cũng tức là chấp nhận việc bị can có thể bị xâm hại về sức khỏe, danh sự và nhân phẩm. Thứ 2, nếu không quy định quyền im lặng chắc chắn sẽ xảy ra bức cung, việc ép buộc người ta khai báo sẽ xâm hại tới quyền được bảo vệ an toàn tính mạng và sức khỏe công dân. Vậy hy sinh quyền công dân ngay trước mắt để xử lý tội phạm cũng nhằm bảo vệ quyền công dân khác, thế thì việc điều tra xử lý tội phạm đã hoàn toàn mất đi ý nghĩa và là đánh đổi mục đích cho phương tiện".
Thấy gì?
Chuyện những phát ngôn kỳ cục, xuẩn ngốc... không chỉ là độc quyền của các ĐBQH mà còn là chuyện phổ biến ở một số đông các quan chức Việt nam thời nay. Đó là những kẻ, mà theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, ông Nguyễn Đình Quyền đã khẳng định “Mấy năm nay, đi chấm thi chuyên viên cao cấp, tôi thấy dường như trình độ không được nâng lên mà đi xuống. Nhiều bài thi thể hiện cán bộ thậm chí không có lòng tự trọng khi bài dự thi rất yếu kém, sơ sài, mà vẫn đề nghị phúc tra… Mà đây là những vị trí quản lý cấp cao như vụ trưởng, vụ phó. Rất nhiều vụ trưởng khi được hỏi không nắm rõ các vấn đề quản lý nhà nước…”. Đây là một vấn đề cực kỳ nguy hiểm và rất đáng báo động trong công tác tuyển chọn và đề bạt cán bộ hiện nay ở Việt nam. Những kẻ kiến thức lơ mơ như ông nghị Đương, thậm chí có biểu hiện tâm thần như ĐBQH Hoàng Hữu Phước v.v... vẫn dễ dàng lọt vào các vị trí quan trọng, thậm chí còn nắm giữ nhiều trọng trách.
Cái thứ hai là các ĐBQH, mang tiếng là do dân bầu ra và đại diện cho quyền lợi cho cử tri, nhưng trên thực tế ai cũng biết họ do Đảng cử, Đảng chọn rồi cho dân bầu lấy lệ cho ra vẻ là có dân chủ. Chính vì thế những ĐBQH này không đại diện cho nguyện vọng của nhân dân, không vì quyền lợi của cử tri. Mà thực chất, họ trở thành những đại diện của nhà nước và bảo vệ quyền lợi cho những người đã sắp xếp cho họ ngồi những cái ghế quyền lực. Thậm chĩ họ đi ngược lại quyền lợi và lợi ích của nhân dân, như trường hợp ôngnghị Đương là một ví dụ điển hình
Đó là những kẻ vốn là chủ nhân của một cuốn học bạ cá nhân không mấy tử tế, không chỉ là vì học lực kém, song chương trình phổ thông, thường lại được đào tạo hệ bổ túc văn hóa, hệ đại học thì tại chức, chuyên tu. Vậy mà chưa đủ, mấy ông còn bày đặt có bằng tiến sĩ, thậm chí là bằng mua v.v... Cứ nhìn vào các ông bà giữ trọng trách như Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hay Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng... cũng đều học luật hệ tại chức mà ra, như thế thì hỏi họ biết cái gì? Đã vậy, những người này đa số là còn thiếu sự cố gắng học hỏi và cầu thị, như thế thì hỏi làm sao đất nước nó không bát nháo như thời bây giờ?
Với tư duy chọn người kế cận của các nhà lãnh đạo Việt nam hiện nay là "Chọn những đứa ngu hơn mình cho dễ sai bảo" là điều rất nguy hiểm. Cái tư duy rất mất dạy đó, đã và đang tạo nên một thế hệ cán bộ lãnh đạo và kế cận của nền chính trị Việt nam ngày càng kém về phẩm chất, càng tồi về năng lực trong việc quản trị đất nước. Cái này đã và đang trở thành một đại họa trong một tương lai không xa.
Ai không tin xin cứ chờ sẽ thấy.
Ngày 02 tháng 06 năm 2015
Gửi ý kiến của bạn