BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73517)
(Xem: 62250)
(Xem: 39444)
(Xem: 31185)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Bài Thơ Phá Giặc Xâm Lăng

23 Tháng Chín 199712:00 SA(Xem: 945)
Bài Thơ Phá Giặc Xâm Lăng
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Một nhóm bạn trẻ tìm tới gặp tôi và hỏi đôi chuyện có liên quan đến Lịch Sử và Văn Học Việt Nam. Vui chyện tôi hỏi, "Bác có phải là nhà học giả, học thiệt chi đâu mà các cháu lại đem ra hỏi mấy cái chuyện to tát, rộng rãi như vậy ?". Một bạn trẻ trong nhóm lanh miệng, "Tụi cháu biết Bác hay đọc sách, đọc dữ lắm, mà chúng cháu còn biết rõ là mỗi sáng Thứ Bẩy, trước khi đi công việc chi đó, Bác vẫn cố bỏ ra 15, 20 phút, lái xe xẹt qua mấy chỗ "Garage Sale - Moving Sale" của Mỹ để kiếm sách với giá "nhà nghèo" có phải không Bác?" - ?, các cháu đã biết rõ như vậy thì xin "nhận tội" cho khoẻ. Mà các cháu lo chuyện học hành, chuyện... How to get a job! How to make money! How to enjoy... linh tinh, hầm bà làng, thế mà vẫn còn quan tâm đến chuyện Văn Học, Lịch Sử Việt Nam nữa kia à !" - Thưa Bác, mình dù thế nào đi nữa vẫn gốc người Việt Nam mà không biết ít nhiều về Lịch Sử, Văn Học nước mình thì... coi bộ... yếu quá, xệ quá phải không Bác?

- Đúng, các cháu nghĩ như vậy, Bác chịu lắm ! Chẳng gì cũng ít nhiều được coi là... trí thức của Việt Nam, sau này tất nhiên có cơ hội phục vụ Quê Hương, Đất Nước của mình, mà không biết tí gì về những chuyện đó, nhất định là không được rồi, chưa kể đến chuyện người ta coi thường, đánh giá mình ra sao. ?, mà các cháu định hỏi chuyện chi, liệu Bác có biết mấy chuyện đó hay không? Một Cậu khác nói, "Tụi cháu có nghe sơ qua về một số tác phẩm Văn Học cổ điển của Việt Nam mình rất nổi tiếng, được dịch ra nhiều thứ ngôn ngữ trên thế giới, tỉ như các tác phẩm...." Anh bạn trẻ này coi bộ... quáng gà trong việc dùng tiếng Việt để nói lúc này cho nên bèn xoay qua sài tiếng Mỹ cho khoẻ:

- Lament of a wife whose husband has gone to war (Chinh phụ ngâm - Của Đặng Trần Côn & Đoàn Thị Điểm. (*)
- Story of Kim - Vân -Kieu (Truyện Kim Vân Kiều của Nguyễn Du)

- Poem "Mountains and Rivers of The Southern Empire (Bài thơ Nam Quốc Sơn Hà của Lý Thường Kiệt).

- Proclamation of Victory over the Ngo (Bài Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi).

- Appeals to Officers and Troops (Hịch Tướng Sĩ của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn) vv...

Tôi nói "Mấy chuyện này thì Bác có biết, nhưng trước khi nói, cũng phải coi lại sách vở thì mới đàng hoàng, đầy đủ được. Chớ nói ngay bây giờ chắc là chỉ có thể đại khái mà thôi. Mà các cháu muốn biết về chuyện nào truớc thì Bác sẽ nói về chuyện đó tiện hơn." Sau khi suy nghĩ vài giây, một anh bạn trẻ nói, "Bác cho biết trước về cái...

Poem "Mountains and Rivers of The Southern Empire - Sông Núi Nước Nam - của Lý Thường Kiệt" vì nghe đâu bài thơ này ngoài tính cách văn học ra, lại còn đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử chiến tranh giải phóng dân tộc của dân ta, chống ngoại xâm từ phương Bắc, phải vậy không Bác ? - Đúng vậy!

Bưã đó, tôi chỉ có thể nói sơ qua cho mấy anh bạn trẻ biết đại khái thôi. Nay nhân dịp thuận tiện, tôi xin tâm tình với những bạn trẻ nói trên và nếu được phép, thì với tất cả các bạn trẻ Việt Nam, tuy rằng xa Quê Hương, bận rộn học hành, làm việc, sinh hoạt trong các Hội Đoàn vv... mà vẫn không quên Đất Nước, Xứ Sở, Lịch Sử, Văn Học của dân tộc mình. Chỗ nào coi bộ khó hiểu cho các bạn trẻ không rành chữ Việt cho lắm thì tôi xin phép chú thích hay ghi phần chú thích bằng Anh Ngữ theo sách vở để các bạn trẻ dễ nhận biết hơn. Đầu đuôi phải nói đại cương về Lịch Sử như thế này:

Sau gần một ngàn năm bị người Tầu ở phương Bắc đô hộ, dân tộc Việt Nam chúng ta đã giành được một thời kỳ Độc Lập kể từ năm 939, sau trận đánh thắng vô cùng oanh liệt của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng để mở đầu cho một thời kỳ độc lập kéo dài 900 năm.

Nếu vào thư viện của Mỹ mà bấm Computer lên, lục tìm mớ sách vở của các nhà viết sử bằng tiếng Anh-Mỹ thì sẽ thấy họ ghi chú về chỗ này là "Nine hundred years of independance: 939 - Bach Dang Victory over the Chinese by Ngo Quyen - Independent Vietnam..." Từ đó, dân tộc ta được độc lập trải qua các triều đại kể dưới đây:

* 939 - 968 : Nhà Ngô - Ngô Quyền.
* 968 - 960 : Nhà Đinh - Đinh Tiên Hoàng.
* 980 - 1009 : Nhà Lê - Lê Hoàn.
* 1010 - 1225 : Nhà Lý -Lý Thái Tổ... Thành Thăng Long (Hà Nội bây giờ) được chọn làm thủ đô (Ly dynasty - Ly Thai To - Thang Long (Hanoi) became capital of the country).

* 1225 - 1400 : Nhà Trần - Trần Thái Tông... Kháng chiến chống quân Mông Cổ, thắng lợi- Chiến thắng oanh liệt lần thứ 2 trên sông Bạch Đằng - (Trần dynasty - Tran Thai Tong...Victorious resistance against the Sino - Mongolian Yuan - Second Bach Dang victory in 1288).

* 1400 - 1407 : Nhà Hồ - Hồ Qúy Ly.
* 1407 - 1427 : Cuộc xâm lăng và chiếm đóng của quân nhà Minh - Cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc do Lê Lợi lãnh đạo với sự phụ tá của Nguyễn Trãi: 1418 - 1427 (Invasion and occupation by the Chinese Ming - National liberation war led by Le Loi with Nguyen Trai’s assistance).

* Nhà Hậu Lê : với nhiều giai đoạn khủng hoảng chính trị về quyền lực vào cuối thế kỷ 15, rồi thế kỷ 16 Mạc Đăng Dung cướp ngôi Vua 1527 - 1591. Tiếp đến là cuộc phân tranh giữa Chuá Trịnh ở Miền Bắc với Chuá Nguyễn ở Miền Nam giữa thế kỷ 17 và 18. Tới giữa thế kỷ 18 có cuộc nổi dậy và chiến thắng lớn lao của phong trào Tây Sơn do Nguyễn Huệ lãnh đạo, người đã đánh bại quân xâm lăng Xiêm La (1785) và Nhà Thanh bên Tầu (1789) - (Posterior Le dynasty - Mid 15th century: apogee of the monarchy - Crisis by the end of the century. The illegitimate Mac dynasty (Mac Dang Dung) 1527 - 1591. - 17 th - 18th century: Rivalry between the Trinh Lords (North) and the Nguyen Lords (South).-18th century: Great peasant insurrections - Victory of Tay Son movement headed by Nguyen Hue who defeated the Siamese (1785) and the Chinese Ching invaders (1789).

* I802 - 1845 : Nhà Nguyễn - Quân Pháp tấn công Đà Nẵng (1858) - Nam Kỳ thành thuộc địa của Pháp (1867) - Quân Pháp đánh Hà-Nội.- Pháp đặt nền bảo hộ trên tất cả phần còn lại của đất nước Việt Nam năm 1884 (Nguyen dynasty - French attack against Da nang (1858).- Cochinchina annexed by France (1867).- French attack against Hanoi (1875).- French protectorate imposed over the rest of the country (1884). Thế là dân ta trước đây đã thoát được cái ách "Ngàn năm nô lệ giặc Tầu" tới đây lại chui đầu vào cáí ách "Trăm năm nô lệ giặc Tây".

Đó là đại cương vài nét về giai đoạn 900 năm độc lập của dân tộc chúng ta. Còn về bài thơ "Nam Quốc Sơn Hà" thì đầu cuối tóm tắt như thế này:

Năm Bính Thìn (107), nhà Tống bên Tầu cho quân sang xâm chiếm nước ta. Tướng Tầu là Triệu Tiết giữ chức vụ bây giờ ta kêu là "Tư Lệnh chiến truờng - Battle-field Commander", có Quách Qùy phụ tá, kéo đại quân, hợp với quân Chiêm Thành, Chân Lạp, chia làm nhiều mũi, đánh như vũ bão vào nước ta. Trận đánh đầu tiên giữa quân Tầu và quân ta xẩy ra bên bờ sông Như Nguyệt tức là đoạn dưới của sông Cầu, bây giờ thuợc Tỉnh Bắc Ninh. Quân nhà Tống bị thua, thiệt hại nặng. Tướng Quách Qùy của Tầu kéo quân tiến về hướng sông Nhị Hà và sông Khúc Tảo thuộc địa hạt Tỉnh Nam Định ngày nay, nhưng cũng bị quân của Lý Thường Kiệt chặn đánh. Quân nhà Tống dùng súng bắn đá, hồi đó súng này làm bằng gỗ, bắn đá sang quân ta như mưa. Quân ta bị thiệt hại khá nhiều. Có đến mấy ngàn quân bị tử trận. Chiến thuyền của quân ta bị hủy diệt một số lớn. Lúc đó khí thế của quân nhà Tống rất mạnh và hung dữ. Dưới quyền chỉ huy của danh tướng Lý Thường Kiệt, quân ta kháng chiến rất anh dũng dù phải chấp nhận hy sinh. Để thúc đẩy quân sĩ quyết tâm chiến đấu chống giặc, bảo vệ Tổ Quốc, Lý Thường Kiệt đã dùng nghệ thuật "Chiến tranh tâm lý - Psychological warfare" là làm ra bài thơ "Nam Quốc Sơn Hà" theo thể "Thất ngôn tứ tuyệt - Bốn câu 7 chữ" bằng chữ Hán thông dụng thời đó, mang tinh thần yêu nước, quyết tâm chiến thắng quân giặc xâm lăng, rồi cho người lén vào ngôi đền (Temple) có tên là Trương Hát ở bên bờ sông, mà dùng loa thét ra cho quân sĩ của ta nghe thấy, coi như tiếng thúc giục của thần linh:

Nam Quốc Sơn Hà
Nam Quốc Sơn Hà Nam Đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

Tôi xin dựa theo ý trong sách vở mà phỏng dịch ra tiếng Việt mình như sau :

Nước Nam cai trị bởi Vua Nam
Xưa nay Trời định rõ ràng ràng.
Lũ ngươi quân giặc sao xâm chiếm ?
Nhất định bay thua đến bẽ bàng

Bốn câu thơ này quả thật đã có một sức mạnh tinh thần rất to lớn, thúc giục quân ta quyết tâm hy sinh chiến đấu vô cùng dũng cảm, khiến cho quân giặc nhà Tống hung bạo, với sự tiếp sức của quân Chiêm Thành và Chân Lạp, vẫn không sao tiến lên được.

Tạo được thế mạnh rồi, nhưng nước ta nhỏ bé, dân ít, quân không đông so với địch, kéo dài cuộc chiến tất nhiên không lợi. Triều đình nước ta bèn cử phái bộ sang Tầu thương thuyết để ngưng chiến. Nhà Tống tuy biết mình lớn mạnh, nhưng thấy quân binh thiệt hại nhiều vì thủy thổ, địa thế bất lợi, quân lính bị bệnh tật, xuống tinh thần, không thắng nổi cho nên đành phải chấp nhận cái việc, bây giờ ta kêu là "Peace Talk" vậy.

Bốn câu thơ nói trên của danh Tướng Lý Thường Kiệt đã đóng góp một vai trò thật quan trọng vào công cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ Quốc của quân dân ta hồi đó, tránh cho dân ta khỏi cảnh binh đao , máu lửa, giữ vững được nền độc lập cho Quê Huơng Đất Nước. Bởi tính cách đặc biệt đó mà nhiều người Việt Nam chúng ta đã có những cơ hội giới thiệu bài thơ lịch sử đó với những người dân thuộc các quốc gia khác trên thế giới. Đó cũng là một niềm hãnh diện cho chúng ta, những thế hệ con cháu sau này.

Ở đây tôi chỉ xin ghi lại 2 bài dịch ra Anh và Pháp ngữ theo thể văn xuôi (Prose) để nói lên bài thơ "Nam Quốc Sơn Hà" đã nói ở trên, do 2 dịch giả vô danh đã làm công việc đó:

Mountains and Rivers of The Southern Empire
Over mountains and Rivers of the South, reigns the Emperor of the South,
As it stands written forever in the Book of Heaven.
How is it then that you, stranger dare to invade our land?
Your armies, without pity, will be innihilated.
An Anonym

Tiếp theo đây là bản dịch xuôi ra Pháp Ngữ :

Les Monts et Les Fleuves de L’Empire du Sud
Sur les monts et les fleuves du Sud, règne l’Empereur du Sud.
Ainsi en a décidé à jamais le Céleste Livre.
Comment, vous les barbares, osez-vous envahir notre sol ?
Vos hordes, sans pitié, seront anéanties !
Une personne anonyme

Thôi, đến đây kể cũng đã hơi dài dòng. Có dịp nào khác ta lại nói chuyện tiếp với nhau về những câu chuyện tương tự như thế này để cùng nhau ôn lại những trang lịch sử oanh liệt, vẻ vang của dân tộc mình, những áng văn chương tuyệt vời, không những chỉ có giá trị về phương diện văn học mà còn cả trong lãnh vực lịch sử đấu tranh của dân tộc nữa.

San Diego, California
Phan Đức Minh

Ghi chú: (*) Bây giờ, chắc người Mỹ sẽ viết là "Lament of a husband - at - war wife" cho nó ngắn gọn và... khoẻ người hơn.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn