BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73503)
(Xem: 62250)
(Xem: 39444)
(Xem: 31185)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Để thay đổi đất nước, cần khai dụng thế công dân

11 Tháng Năm 201512:00 SA(Xem: 1288)
Để thay đổi đất nước, cần khai dụng thế công dân
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Hiện nay đang là thời kỳ "sống mái" cho công cuộc vận động nhân quyền và dân chủ cho Việt Nam vì Việt Nam đang cầu cạnh được tham gia Thương Ước Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Chế độ kỳ vọng sẽ gặt hái cả lợi ích kinh tế và chính trị khi tham gia TPP. Họ hy vọng mức xuất cảng hàng hoá sẽ tăng 38% và tổng thu nhập quốc gia sẽ tăng trên 13%. Quan trọng hơn, có chân trong TPP sẽ tăng uy thế chính trị cho chế độ khi đang bị chèn ép bởi Tàu.

Tương lai của TPP đang bất phân thắng bại. Hành Phái Obama muốn sớm hoàn tất cuộc đàm phán, nhưng không chắc TPP có được Quốc Hội phê chuẩn hay không. Hiện nay số thành viên Quốc Hội ủng hộ và chống đối hiện xấp xỉ nhau. Ở Thượng Viện thì số ủng hộ TPP nhiều hơn số chống một ít, còn ở Hạ Viện thì ngược lại. TPP chỉ hiệu lực khi được cả hai viện thông qua.

Cộng đồng người Mỹ gốc Việt, nếu biết sử dụng tư thế công dân của mình, có thể khai thác tình thế bấp bên này để đặt điều kiện nhân quyền lên chế độ cộng sản ở Việt Nam: Chúng ta càng dốc sức vận động thêm dân biểu và thượng nghị sĩ đòi hỏi điều kiện nhân quyền, thì Hành Pháp Obama càng phải áp lực Việt Nam nhượng bộ nhằm tranh thủ số phiếu đủ để thông qua TPP ở cả Hạ Viện lẫn Thượng Viện.

Tình và Lý

Các vị dân cử Liên Bang là những con người với con tim và khối óc; họ có thể bị lay động bởi lý và tình.

Bà Annette Lantos và Ts. Nguyễn Đình Thắng tại cuộc họp báo ở Quốc Hội, ngày 6 tháng 12, 2013 (ảnh Mạch Sống)


Cách đây đúng 20 năm, chúng tôi vận động cho đạo luật chống cưỡng bách hồi hương thuyền nhân Việt Nam, do Dân Biểu Christopher Smith thuộc Đảng Cộng Hoà đưa ra. Có hai vị dân biểu chủ chốt thuộc Đảng Dân Chủ đều rất quan tâm đến nhân quyền nhưng lại chống dự luật này: DB Howard Berman (vùng Ventura, California) và DB Tom Lantos (vùng San Francisco, California). Họ chống dự luật này vì không muốn ảnh hưởng đến chính sách bình thường hoá quan hệ ngoại giao với Việt Nam của Tổng Thống Clinton lúc bấy giờ.

Tại buổi tranh luận trước khi Uỷ Ban Đối Ngoại của Hạ viện biểu quyết về dự luật này, DB Berman lập luận rằng 80 nghìn thuyền nhân trong các trại Hồng Kông và Đông Nam Á đều đã được Liên Hiệp Quốc xác nhận toàn là di dân kinh tế nên phải hồi hương thôi. Giữa buổi họp DB Berman phải bước ra ngoài để đi bỏ phiếu; khi ông ta quay lại phòng họp, tôi đón chặn ngay tại cửa và trình bày rất nhanh rằng có những người đã tù đày hàng chục năm, có những người bị đi kinh tế mới, có người đã bị tra tấn trong số thuyền nhân ở các trại. DB Berman tỏ ra ngạc nhiên và hỏi, "Điều gì xảy ra nếu họ hồi hương?" Tôi trả lời, "Chắc chắn sẽ tệ hơn trước khi họ ra đi vì mang thêm tội trốn ra khỏi nước." DB Berman gật đầu và bước vào phòng họp. Đến lúc biểu quyết, DB Berman bỏ phiếu ủng hộ cho dự luật trước sự ngạc nhiên của DB Smith.

Và rồi trước khi dự luật ra trước toàn thể Hạ Viện, một toán nhỏ chúng tôi đến gặp DB Tom Lantos ở văn phòng của Ông. Sau phần trình bày của chúng tôi, ông ta giữ nguyên lập trường. Phái đoàn tiu nghỉu đi ra thì gặp bà vợ của Ông Lantos: Annette Lantos. Bà hỏi han chúng tôi là cuộc họp ra sao. Chúng tôi kể về tình cảnh của thuyền nhân ở các trại, về các trại cải tạo, về chính sách lưu đày kinh tế mới của cộng sản Việt Nam... và cho biết là DB Lantos vẫn chống dự luật của DB Smith. Vì cả hai ông bà cùng là người gốc Do Thái và đã sống thoát cuộc diệt chủng của Đức Quốc Xã, bà Annette tỏ ra hết sức xúc động về những gì chúng tôi kể. Bà nói chúng tôi đợi và đi thoăn thoắt vào văn phòng làm việc của chồng. Ít phút sau DB Lantos bước ra và tuyên bố ủng hộ dự luật của DB Smith.

DB Lantos qua đời năm 2008. Đến nay tôi vẫn giữ liên lạc với Bà Annette và cô con gái là Tiến Sĩ Katrina Lantos Swett, hiện là Chủ Tịch Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế.

Đúng cách

Giữ liên lạc bền chặt với các vị dân biểu và thương nghị sĩ đã ủng hộ mình là cần nhưng không đủ. Như hai câu chuyện ở trên cho thấy, ưu tiên của chúng ta là vận động những ai chưa ủng hộ hay chống đối. Chúng ta phải bằng mọi cách đến với họ, ngồi xuống và trình bày vấn đề một cách có lý và có tình. Chúng ta phải tổ chức thành các toán nhỏ, đến từng văn phòng dân biểu và thượng nghị sĩ để trình bày trực tiếp với họ hay nhân viên lập pháp của họ.Không chắc chắn mọi người sẽ đồng ý với chúng ta, nhưng ắt hản sẽ có một số lắng nghe và ủng hộ. Chỉ tới lui với những người đã ủng hộ mình, mời họ đến phát biểu tại các sinh hoạt của mình, không đủ để ảnh hưởng chính sách.

Hàng năm chúng tôi tổ chức ít ra một cuộc tổng vận động với sự tham gia của các phái đoàn đến từ nhiều tiểu bang và nhiều thành phố. Họ tiếp xúc được từ 100 đến 150 vị dân biểu và thượng nghị sĩ. Sau 4 kỳ tổng vận động trong 3 năm, khoảng 300 dân biểu và thượng nghị sĩ hiện ở Quốc Hội đã được các phái đoàn người Việt tiếp xúc và vận động.

 

Đúng nơi

Có người thắc mắc là tại sao không vận động tại chỗ -- nghĩa là tiếp xúc với văn phòng địa phương của các vị dân biểu và thượng nghị sĩ, vừa tiện lợi vừa ít tốn kém? Vận động ở từng địa phương rất cần, nhưng sẽ không hiệu quả nếu thiếu sự tổng hợp ở tại Quốc Hội, vì ba lý do.

Trước hết, Quốc Hội được tổ chức thành các uỷ ban chịu trách nhiệm và có thẩm quyền về những vấn đề khác nhau. Chẳng hạn, vấn đề TPP thuộc Uỷ Ban Tài Chánh, vấn đề di dân thuộc Uỷ Ban Tư Pháp, vấn đề nhân quyền thuộc Uỷ Ban Đối Ngoại. Mỗi uỷ ban lại được phân ra thành nhiều tiểu ban. Chính sách về từng vấn đề được khởi xướng từ uỷ ban và tiểu ban phù hợp. Vị dân biểu và thượng nghị sĩ của mình có thể không nằm trong uỷ ban và tiểu ban phù hợp và do đó không thể đóng vai trò khởi xướng.

Thứ hai, Quốc Hội làm chính sách theo biểu quyết của đa số. Khi có người khởi xướng thì phải có đa số đông viện ủng hộ thì mới nên chính sách.

Lý do thứ ba là, các vị dân biểu và thượng nghị sĩ quyết định về lập trường nhưng mọi công việc đều giao cho các phụ tá lập pháp thực hiện. Nhiều khi ngay cả về lập trường, họ cũng lắng nghe sự cố vấn của phụ tá lập pháp. Các phụ tá lập pháp này chỉ làm việc ở văn phòng trong Quốc Hội.

Các cuộc tổng vận động hàng năm, quy tụ từ 600 đến 850 các cử tri Mỹ gốc Việt từ nhiều thành phố và tiểu bang cùng đổ về Quốc Hội, là cơ hội để chúng ta "gom vốn" nhằm vận động người khởi xướng và cùng lúc vận động các đồng viện ủng hộ chính sách mà chúng ta muốn, và phối hợp trực tiếp với các phụ tá lập pháp của họ. Sau đó, các cuộc tiếp xúc ở địa phương sẽ có tác dung đôn đốc, nhắc nhở thêm.

Vốn ở đây là tư thế công dân -- mỗi công dân Hoa Kỳ đều được đại diện bởi 2 thượng nghị sĩ và 1 dân biểu tại Quốc Hội Liên Bang. Tư thế đặc biệt này là của riêng mỗi người, bất luận tuổi tác, giới tính, tài sản, trình độ học vấn, trình độ Anh ngữ... và chỉ chính người ấy mới có thể sử dụng, không cho ai vay mượn, không uỷ thác cho ai được.

Bằng cách gom vốn vào thời điểm quyết định này, chúng ta có thể cùng nhau xoay đổi cục diện cho quê hương Việt Nam.

Để ghi danh tham gia Ngày Vận Động Cho Việt Nam 18 tháng 6 ở Quốc Hội: https://www.cfdvn.org/?page_id=84

Nguyễn Đình Thắng

09-05-2015

Nguồn Mạch Sống Media
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn