BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73476)
(Xem: 62247)
(Xem: 39438)
(Xem: 31182)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Ký ức vụn 30 Tháng Tư

24 Tháng Tư 201512:00 SA(Xem: 2488)
Ký ức vụn 30 Tháng Tư
50Vote
41Vote
30Vote
20Vote
10Vote
41
Thấm thoát đã gần 40 năm kể từ ngày 30 Tháng Tư 1975. Ngày ấy tôi mới 17 tuổi, tuổi đầy ước mơ và hoài bão, nhưng cũng ngổn ngang những mối lo âu. Ước mơ được vào đại học hoặc đi du học và lo biết đâu mình sẽ bị động viên vào quân đội như bố tôi. Chắc chắn ông không muốn tôi theo binh nghiệp như ông.

Vào những ngày giữa Tháng Ba, những tin không hay từ chiến trường đã dồn dập xuất hiện trên báo chí, đài truyền hình, và đài phát thanh. Buôn Mê Thuột mất, rồi đến Huế, Đà Nẵng cũng mất, sau đó Qui Nhơn, Tuy Hòa.








Bên ngoài Tòa Đại Sứ Mỹ ở Sài Gòn vào ngày 28 Tháng Tư, 1975, hai ngày trước khi Sài Gòn thất thủ. (Hình: Getty Images)

Mẹ tôi đã thoát khỏi Tuy Hòa về Sài Gòn trên một chuyến bay dân sự trước khi thành phố này thất thủ. Bố tôi vẫn còn kẹt lại cho đến cuối Tháng Ba mới có mặt ở Sài Gòn. Khi Tuy Hòa mất, ông đã phải di tản bằng đường bộ vào Nha Trang, nhưng lúc đó Nha Trang đã rơi vào tay đối phương. Nhờ người quen giúp, ông lên được chiếc ghe liều lĩnh ra khơi không biết đi về đâu, nhưng may mắn nhóm người trên chiếc ghe đã được chiến hạm Mỹ vớt đưa về Phú Quốc rồi từ đó ông về Sài Gòn.

Sang đầu Tháng Tư, các tỉnh chung quanh Sài Gòn dần dần cũng mất, Dinh Độc Lập bị ném bom bởi một trung úy phi công nằm vùng. Tôi và chúng bạn vẫn đi học bình thường nhưng ai nấy đều lo lắng về số phận chính mình vì linh cảm rằng ngày mất Sài Gòn không xa.

Những ngã Sáu, ngã Bảy dựng đầy những kios tuyển quân với số tiền thưởng đầu quân hậu hĩnh. Rõ ràng tình hình chiến sự ngày càng căng thẳng, người ta rất đang cần lính. Một người bạn trong lớp tôi đã đầu quân. Lớp làm bữa tiệc nhỏ tiễn bạn mình mà cứ giống như tiễn Kinh Kha qua Dịch Thủy. Tiễn “anh” đi, chưa bao giờ buồn thế... (1)

Gia đình tôi đang phân vân việc đi hay ở lại. Bố mẹ tôi đều là dân Bắc di cư vào Nam năm 1954. Mẹ tôi khăng khăng nhất định rời Việt Nam bằng mọi cách. Bà có lẽ đã chứng kiến cảnh ông ngoại tôi bị đấu tố và hành hạ đến khi đưa về nhà thì chết nên rất sợ Cộng Sản. Bác Cả, chị lớn nhất góa chồng và hơn mẹ tôi gần 20 tuổi, đã dắt con trai duy nhất của mình và đưa cả đàn em hơn chục người với gia đình con cái họ chạy khỏi quê Phủ Lý, Hà Nam để xuống chiếc tàu há mồm di cư vào Sài Gòn.

Bố tôi cũng một lần di cư cùng với ông bà nội tôi và các em từ Phúc Yên ra Gia Lâm, Hà Nội để vào Nam. Nhưng bây giờ ông bà nội tôi đã già, bố tôi không nỡ bỏ đi, hơn nữa ông còn khoác áo lính, không muốn mang tiếng đào ngũ. Tâm niệm “Tổ Quốc-Danh Dự-Trách Nhiệm” của người lính đã làm ông băn khoăn.

Giữa Tháng Tư tình hình trở nên nguy kịch. Ngày 21 Tháng Tư, Tổng Thống Thiệu từ chức, cụ Trần Văn Hương chấp chánh. Chính quyền Sài Gòn đã có dấu hiệu suy sụp.

Bố tôi điện thoại cho cô Út tôi đang ở Mỹ tìm cách lo giấy tờ cho gia đình để di tản. Cả nhà hy vọng chồng cô là luật sư Mỹ có thể lo liệu giấy tờ được, nhưng tất cả cần thời gian.

Ngày 28 Tháng Tư, Cụ Trần Văn Hương từ nhiệm giao quyền lại cho ông Dương Văn Minh. Ngày 29 Tháng Tư, phi trường Tân Sơn Nhất bị pháo kích, vòng vây Sài Gòn đang khép chặt, trường ốc đóng cửa, mà có đi học cũng chẳng thể học. Phương án cuối cùng là chạy vào tòa Đại Sứ Mỹ.

Em chồng của dì tôi là nhân viên tòa Đại Sứ Mỹ. Gia đình cô ấy thuộc diện được bốc đi. Thế là những người thân khác có thể hy vọng đi theo với sự giúp đỡ của cô.

Qua đám người đông nghịt, tôi được đẩy vào cổng sau tòa đại sứ trên đường Phan Đình Phùng. Lúc đó khoảng 10 giờ sáng ngày 29 Tháng Tư. Hành trang chỉ là chiếc valise nhỏ Samsonite màu xanh lá cây mà tôi vẫn giữ làm kỷ niệm. Trong túi giấu hai lạng vàng làm vật tùy thân. Vào đến sân sau tòa đại sứ tôi đã thấy một hàng người san sát nối đuôi nhau uốn lượn như rắn bò vào ra một hai căn nhà nhỏ rồi quanh co bên hồ bơi để đến gần nơi trực thăng đáp xuống.

Tôi gặp lại gia đình bác Cả, dì Út tôi, mẹ tôi, và sau đó là cô kế út của tôi. Bố tôi không vào. Mọi người lo lắng, ai cũng từng di cư, ai cũng từng nếm mùi Cộng Sản, ai cũng mong đến phiên mình được bước lên trực thăng càng sớm càng tốt.

Mẹ tôi nhất quyết ra đi dù không có bố tôi và giận tôi vì tôi có vẻ thờ ơ với mọi việc có lẽ vì tôi chưa nếm mùi Cộng Sản mà mãi sau tôi tôi mới hiểu thêm “chuyên chính vô sản” là gì. Tôi vẫn chậm chạp tiến lên trong khi mọi người cố đi nhanh. Tôi và người anh họ tên C, con trai duy nhất của bác Cả tôi dắt theo từ Bắc vào Nam, đã từ từ tách xa những người thân phía trước. Hết đứng rồi lại ngồi nghỉ, mệt mỏi, không ăn trưa, không ăn chiều, chỉ uống nước và chờ đợi. Trời đã tắt lịm, đèn trong sân sau đã thắp sáng. Đoàn người vẫn đi quanh bờ hồ, đường rất ngắn mà xem chừng thật xa, cả tiếng đồng hồ mới có một chiếc trực thăng đáp xuống và bay lên.

Gần 10 giờ tối, nhóm người thân đi trước đã được bốc đi. Trong đó có mẹ tôi, cô tôi, bác Cả tôi và người con dâu với hai đứa cháu nội, một đứa mới sinh và một lẫng cẫng biết đi, và gia đình dì tôi gồm 7 người với cậu em họ bị polio liệt hai chân phải cõng.

Đến nửa đêm trực thăng không đáp xuống sân sau nữa. Chúng tôi được đưa vào bên trong tòa đại sứ để lên sân thượng nơi cuối cùng mà trực thăng có thể đáp xuống, hàng người vẫn nối dài đi qua từng bậc cầu thang của 6 tầng lầu, rất chậm và rất chậm. Qua từng tầng lầu, tôi lén nhìn vào khung cửa kính nhỏ thấy nhân viên Mỹ đang hủy giấy tờ và thấy một người cao ốm đi đi lại lại trong phòng mà tôi đoán đó là ông Đại Sứ Martin vì tôi đã thấy đâu đó trên TV hay báo chí.

Cuối cùng tôi và người anh họ cũng lên đến tầng cuối. Lúc đó khoảng 2 giờ khuya. Trước mặt tôi là cầu thang chót dẫn lên sân thượng. Chỉ mươi bước nữa thôi tôi sẽ xa Sài Gòn để sống một nơi xa lạ, xa người thân, xa bạn bè. Trong lúc suy nghĩ vu vơ thì một người lính Mỹ bắt đầu đếm chúng tôi, họ cho mười người bước sang bên kia chân cầu thang. Tôi là người thứ mười một và kế tiếp là anh họ tôi. Tôi hiểu rằng nhóm bên kia sẽ được lên sân thượng trước, tôi liều nói dối họ bằng tiếng Anh bập bẹ của mình “our relatives are on other side, please let us join them.” Thế là họ cho chúng tôi qua cùng dăm ba người khác.

Độ hơn ba giờ sáng họ bắt đầu lại đếm người và cho lên sân thượng. Nhưng khốn thay, họ cho mười người bên nhóm này rồi mười người bên nhóm kia lên sân thượng. Tôi và anh tôi bị chặn lại và tất cả lại chờ đợi. Đến bốn giờ sáng vẫn không thấy nhúc nhích, nỗi lo lắng và mệt mỏi mỗi lúc mỗi tăng, suốt đêm không ai ngủ, chỉ chờ đợi và chờ đợi. Thế rồi những người lính Mỹ ra dấu và nói với chúng tôi trực thăng bây giờ đáp ở dưới sân và yêu cầu chúng tôi đi xuống. Có lẽ mọi người khác cũng như tôi cảm thấy một điều gì bất thường nhưng không thể cưỡng lại yêu cầu của họ.

Tất cả lục đục đi xuống. Vừa ra khỏi tòa nhà, tôi ngoái đầu nhìn lại thấy độ hai chục lính Mỹ đang chĩa súng về phía đám đông. Khi người Việt cuối cùng vừa ra khỏi tòa nhà thì những người lính Mỹ rút dần vào trong theo hình chữ V và cánh cửa sắt hạ xuống. Tôi biết thế là hết và chợt cảm thấy mắt mũi cay xè. Họ đã tung hơi cay và lựu đạn khói để giải tán đám đông. Mọi người chạy dạt khỏi tấm cửa sắt. Tôi vừa chạy vừa bịt mũi miệng để tránh hít hơi cay. Chỉ mươi phút sau khói và hơi cay cũng tan biến đi.

Cuối Tháng Tư, mới năm giờ, trời le lói sáng, ánh đèn điện vẫn chưa tắt. Trên mặt đất và hồ bơi ngổn ngang giấy rác. Cổng đã bị phá, người bên ngoài ùa vào để hôi của, lấy tất cả những gì mà họ có thể lấy, tủ lạnh, TV, nồi niêu xoong chảo, v.v... Bất chợt tôi thấy một người Mỹ chạy vội vã, tay cầm điện thoại vô tuyến cố gắng liên lạc với bên trong tòa đại sứ. Lẽo đẽo theo ông ta là một phụ nữ người Việt, có lẽ là vợ hay bạn gái. Ông ta cũng bị bỏ rơi như tôi. Ông ta thỉnh thoảng quay lại lớn tiếng với người phụ nữ dường như trách móc vì bà mà ông bị bỏ lại. Tôi cũng không hơn gì, anh họ tôi khóc và trách vì tôi mà anh ấy lạc mẹ và vợ con. Tôi chẳng có gì để phân trần với anh ấy. Thôi thì “lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, tất cả tại tôi mọi đàng” (2) và tôi lẳng lặng ra cổng sau nơi tôi đã chen vào sáng hôm qua để về nhà.

Trời sáng hơn dẫu chưa 6 giờ, đường sá vắng tanh và yên lặng một cách kỳ lạ, giống như một thành phố bỏ hoang. Tôi đi vội vã trên con đường Phan Đình Phùng quen thuộc mà tôi vẫn đạp xe đến Hội Việt Mỹ học Anh văn hàng tuần. Tôi chỉ muốn về nhà thật chóng, thỉnh thoảng bắt gặp một vài người đạp xích lô hỏi tôi muốn đi không, nhưng tôi từ chối khéo rằng tôi sắp đến nhà vì tôi không chắc họ thật lòng đưa mình về nhà hay đi đâu và rất có thể bị cướp. Tôi đang lo đến sự an nguy của ông bà nội và bố tôi. Trong đầu tôi hiện lên lời ông nội tôi nhắn nhủ “ông bà đã già, chỉ cần cho cháu đi thoát được, nếu ‘họ’ vào thì ông bà quyết không để cho ‘họ’ làm nhục ông bà.”

Tôi hiểu ông nói gì. Trong tủ thuốc có sẵn hàng chục viên thuốc ngủ và sẽ được dùng khi cần. Ông tôi, từ một thầy giáo tiểu học thời Pháp thuộc đã đến với Việt Minh qua phong trào “Truyền bá chữ quốc ngữ” do cụ Nguyễn Văn Tố khởi xướng. Nhưng ông tôi cũng sớm rời bỏ kháng chiến để dinh tê (re-entré) về vùng của Pháp. Cụ đã nhận thấy cái ác, cực ác của chủ nghĩa cộng sản, sẵn sàng thanh toán, thủ tiêu bất cứ ai khác chính kiến (3). Họ có thể trả thù, đấu tố, trừng phạt những người đã bỏ hàng ngũ kháng chiến như ông nội tôi. Không ai biết được những gì sẽ xảy ra (4).

Đi ngang chợ Vườn Chuối, rồi chợ Bàn Cờ. Hàng quán thưa thớt lạ lùng mà lẽ ra giờ này phải đông đúc tấp nập. Thoáng trong đầu tôi một sự tưởng tượng ghê sợ: mình sẽ là đứa trẻ mồ côi khi về nhà không còn thấy ai sống. Tôi cố gắng đi càng nhanh càng tốt, dù rất mệt hầu như không còn sức. Đến nhà, nhìn vào không thấy đèn sáng, tôi gõ mạnh liên tục vào tấm cửa kéo rồi nghe tiếng chân bước ra hỏi “ai đấy.” Nỗi lo sợ tan biến đi, tôi vội nói rõ to “cháu đây bà ơi.” Bà tôi vội mở cửa và nói vọng vào trong nhà “cháu nó về, ông à.” Cả nhà vội ra cửa nhìn tôi ngạc nhiên.

Câu nói đầu tiên của tôi là “cháu cần đi ngủ.” Thức trắng cả đêm và không có gì trong bụng suốt ngày hôm qua. Tôi rất mệt và cần ngủ.

Nhưng tôi không ngủ được nhiều. Đầu óc vẫn bàng hoàng. Lúc tôi thức dậy bà đã nấu cho tôi tô cháo đậu xanh như mỗi lần tôi ốm. Vừa ăn tôi kể lại những gì xảy ra trong đêm qua. Không ai nói gì, một yên lặng bi thương.

Chiếc radio vẫn để mở liên lục để theo dõi tin tức. Rồi tin đúng trưa hôm đó là lệnh đầu hàng của Dương Văn Minh. Cuộc chiến Nam Bắc đã chính thức chấm dứt. “Hòa bình” đã đến. Quá trưa tôi đạp xe đến nhà cô P, em kế bố tôi, ở gần cổng xe lửa số 6 đường Trương Minh Giảng mới hay cả nhà đi hết với người em chồng mà sau này mới biết họ đi từ cơ quan DAO (Defense Attaché Office). Và tôi cũng ghé đến gia đình bác T, một người chị khác của mẹ tôi, ở ngã ba Ông Tạ. Cả nhà cũng đi hết. Họ đã xuống Vũng Tàu từ vài ngày trước. Tôi lủi thủi đạp xe về, lòng dạ trống trải kỳ lạ.

Tôi trở lại trường tiếp tục học. Vài thầy cô và bạn bè vắng mặt, trong đó có người bạn gần nhà mà tôi đã đến giã từ trước khi vào tòa đại sứ, nhưng bây giờ chính anh là người đi thoát còn tôi thì kẹt lại. (Sau này tôi biết anh đã cố gắng giúp mẹ tôi tìm tôi bên đảo Guam mà không được. Tôi vẫn tri ân điều đó.)

Mươi ngày sau bố tôi được gọi lên trình diện với chính quyền mới. Ban đầu được sáng đi học “cải tạo,” chiều về. Rồi sau đó được lệnh mang theo lương thực đủ cho bốn năm ngày vì học lâu hơn. Ai cũng ngỡ chỉ một tuần thì “học” xong. Nhưng không, ngày về không có. Đó là bài học đầu tiên cho tôi và người dân miền Nam về sự dối trá của chính quyền mới. Và rồi đây chính tôi sẽ phải biết nói dối, phải biết cảm ơn Bác và Đảng đã giải phóng tôi. Tôi sẽ không còn là tôi nữa. Bằng không, tôi sẽ không tồn tại. Làm sao có thể suy tư là tồn tại theo kiểu của René Descartes, “Je pense, donc je suis”?

Mấy ngày sau sinh hoạt hàng ngày có vẻ bình thường lại, chính quyền mới tổ chức ăn mừng chiến thắng. Học sinh, sinh viên được quy tụ lại mít tinh mừng chiến thắng, mừng lễ Lao Động, mừng sinh nhật “bác Hồ.”

Trong lúc đó người đưa thư quen thuộc đến giao gia đình tôi bức điện tín từ Mỹ. Tin ngắn gọn yêu cầu tòa đại sứ cho gia đình tôi vào. Nhưng tất cả đã muộn. Không còn tòa đại sứ Mỹ nữa.

Rồi ít lâu sau ông bà tôi nhận được thư từ miền Bắc gửi vào, đó là thư của bác ruột, anh cả của bố tôi. Sở dĩ bác biết được địa chỉ gia đình tôi là nhờ cụ HT ở Hà Nội vẫn đôi khi thư từ với người con gái cụ ở Sài Gòn trước năm 75 qua trung gian bên Pháp.

Bác tôi đã mất liên lạc với gia đình khi ông bà tôi di cư vào Nam năm 54, tôi không biết hoàn cảnh của bác có giống tôi ngày nay không? Nhưng qua thư tôi biết thêm anh chị họ tôi và những người thân khác bên kia vĩ tuyến 17. Cũng qua thư bác, tôi mới thấy một nghịch cảnh trong gia đình: hai anh em hai chiến tuyến. Bố tôi 'lính của cụ Ngô,' còn bác tôi 'bộ đội cụ Hồ.' Chỉ có một điều may mắn là hai anh em đã không chĩa súng vào nhau mà bắn. Cả hai đã sống sót qua cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn.

Bác tôi cũng ngạc nhiên khi biết tôi không phải như những gì mà báo chí miền Bắc tuyên truyền: thanh niên miền Nam hư đốn, sa đọa, đồi trụy bị Mỹ đầu độc, v.v...

Ngày bác tôi và tôi đi thăm bố tôi trong trại “cải tạo” Long Giao, bác tôi và bố tôi đã không nói được nhiều dẫu có thể muốn nói rất nhiều, đã không ôm nhau, tay bắt mặt mừng sau hơn 20 năm xa cách.

Phải chăng chiến tranh và các chủ nghĩa ngoại lai đã làm cho hai anh em khác chiến tuyến lãnh đạm, thờ ơ với nhau. Nhưng tôi vẫn tin rằng dẫu có thể khác nhau nhiều về chính kiến nhưng cả hai vẫn có tình anh em, máu mủ ruột thịt, cùng bố cùng mẹ.

Điều mà tôi quí bác là sự thành thật ban đầu. Bác quan tâm việc học của tôi, lo lắng vấn đề lý lịch của tôi sẽ bị ảnh hưởng việc thi vào đại học. Tôi đoán chừng bác tôi cũng bị xem xét lý lịch khi có bố mẹ và các em di cư vào Nam. (Phải chăng bác tôi đã phải trung thành với chế độ để con cái đỡ cơ cực về lý lịch? Phải chăng đó là cách hy sinh đời bố, củng cố đời con?)

Mà đúng như vậy, tôi đã rớt kỳ thi vào Y Khoa sau khi tốt nghiệp trung học năm 76. Chị họ tôi cũng từng nói qua kinh nghiệm của chị: họ chỉ ưu tiên cho những thành phần “cơ bản” vào đại học. “Thành phần cơ bản là gì?” Tôi hỏi. Chị trả lời: Là thành phần ba đời ăn củ chuối. Tôi chẳng biết củ chuối ra sao và có lẽ tổ tiên ông bà tôi cũng chưa bao giờ phải ăn củ chuối.

Bố tôi đã đi “cải tạo”. Cô tôi đã di tản và tiệm cho thuê sách của cô đã đóng. Hơn mười một ngàn cuốn sách bị tịch thu vì bị xem là “văn hóa phẩm phản động và đồi trụy,” kể cả những sách “Học Làm Người” của Nguyễn Hiến Lê. Nhà chỉ còn tôi và ông bà nội. Cuộc sống vẫn bình thường mặc dù thiếu thốn hơn xưa. Không thể nào dễ dàng mua miếng thịt bó rau như trước. Lương thực, thực phẩm, vải vóc được phân phối theo đầu người. Đi lại cũng khó khăn hơn, phải xin phép mới được. Thẻ căn cước được thay bằng chứng minh nhân dân. Sổ gia đình được được thay bằng sổ hộ khẩu để dựa vào đó chính quyền mới sẽ kiểm soát chặt chẽ từng người, thậm chí cả cái dạ dày mỗi người. Đúng là “bắt phanh trần phải phanh trần, cho may ô mới được phần may ô.” (5).

Chuyện đói no tôi không quan tâm lắm, gia đình vẫn còn đủ dự trữ để sinh sống dù kém hơn xưa. Điều tôi lo là mẹ tôi. Tờ báo mới, Sài Gòn Giải Phóng, đưa tin những người Việt ở Guam “đấu tranh đòi trở về nước.” Tôi lo nếu mẹ tôi về thì bà phải đi “kinh tế mới,” nghĩa là phải về vùng quê cày sâu cuốc bẫm. Rất may mẹ tôi rất sợ Cộng Sản và không về, không bao giờ về dẫu cho đến ngày bà qua đời trên đất Mỹ. Tôi không hình dung được cái sợ Cộng Sản của mẹ tôi như thế nào nhưng tôi chắc bà bị ám ảnh ghê gớm bởi ký ức các cuộc đấu tố khủng khiếp, long trời lở đất trên quê hương của bà.

Sau khi rớt đại học tôi hiểu thêm số phận của mình trong chế độ mới. Việc tiếp tục học trở nên diệu vợi.

Một người bạn hàng xóm rủ tôi đi xin việc ở một công ty chất đốt, thực chất là công ty bán than, than bùn được vo lại thành cục mà người ta gọi là than quả bàng.

Đơn xin việc chẳng qua là tờ khai sơ yếu lý lịch với yêu cầu phải thành thực. Ngày tôi đi xin việc cũng là ngày tôi không bao giờ quên. Trong phòng thu đơn xin việc của tôi là một người đàn ông trung niên môi thâm, da sạm như sốt rét ngã nước trong chiếc áo xanh lá mạ của bộ đội. Mặt lạnh như tiền, ông ta xem đơn của tôi rồi gạt sang bên và bảo tôi đi về. Không biết vô tình hay cố ý, ông gạt khá mạnh và tờ đơn rơi xuống đất. Tôi cúi xuống nhặt và nhìn thẳng vào mắt ông ta không nói nhưng ngầm cho ông biết tôi có khả năng làm hơn cái công việc xúc than đem bán.

Bài học thứ hai trong đời tôi là sự phân biệt đối xử, con người đã được xem xét qua chủ nghĩa lý lịch chứ không phải năng lực. Ai đó đã nói: Loài người làm nên lịch sử, thì tôi cũng phải thêm vào: Con người cũng là nạn nhân của lịch sử. Không ai có thể chọn một gia đình hay một xã hội để sinh ra, thì cũng đừng dựa vào đó để đánh giá và phán xét.

Tôi không thể ăn không ngồi rỗi mãi. Con đường còn lại dành cho tôi là “thanh niên xung phong” mà vài người bạn cùng trường cũng chịu số phận như tôi. Ngày ra quân tại sân vận động Cộng Hòa với hơn chục ngàn thanh niên, ông Võ Văn Kiệt phát biểu: “Thanh niên xung phong (TNXP) là trường đại học lớn cho các em.” Tôi không biết đó có phải là đại học hay không, nhưng tôi biết nơi đó không có thầy cô và sách vở, không có bảng đen và phấn trắng, mà chỉ có cuốc xẻng, với hai bộ quần áo, đôi dép râu, và chiếc nón tai bèo. Tôi thầm nghĩ chẳng lẽ đời mình phải ăn củ chuối sao?

Ai đó đã làm hai câu thơ tả Thanh Niên Xung Phong “Đôi dép râu giẫm nát đời son trẻ/ Nón tai bèo che khuất ánh Thái Dương.” Nhưng tôi vẫn lạc quan tin rằng bĩ vận sẽ qua đi. Còn trời, còn đất, còn non nước/ Có lẽ ta đâu mãi thế này (6).

Năm 78, chiến tranh biên giới Tây Nam bùng nổ giữa Việt Nam và Khmer đỏ. Nhiều đơn vị TNXP được chuyển đến chiến trường để hỗ trợ cho bộ đội. Đơn vị tôi cũng rục rịch di chuyển. Trong lao động có nhiều thanh niên xung phong đã chết hay bị thương vì cuốc phải bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. Huống hồ nay chúng tôi sắp sửa bị ném vào nơi bom rơi đạn nổ, khó mà tránh khỏi nguy cơ thương tật hay chết một cách lãng nhách.

Tôi không muốn làm “dân đen bị nướng trên ngọn lửa hung tàn” hay “con đỏ bị vùi dưới hầm tai vạ” (7) nên đã tìm cách xuất ngũ. Ông bà tôi đã xin cho tôi về vì lý do già cả neo đơn. Tôi trở về Sài Gòn làm phụ kế toán của hợp tác xã tiêu thụ phường và tự ôn bài để thi lại Y khoa năm sau. Lần này tôi may mắn được vào đại học, có lẽ do sự nới rộng chính sách tuyển sinh. Đúng ngày nhập học đầu tiên thì anh họ tôi, người bị kẹt lại với tôi trong tòa Đại Sứ Mỹ, tới nhà rủ đi vượt biên với bác Th., anh rể của mẹ tôi, và hai người con trai của bác. Tôi không có ở nhà để theo họ. Tất cả đều mất tích ngoài biển. Bố tôi sau đó được thả. Ông quyết định vượt biên. Ông và tôi đi một lần thất bại. Lần thứ hai tôi không đi, còn bố tôi đi thì bị bắt, lại vào tù. Phải chăng số tôi có lẽ không chết, không bị tù, chỉ khó nhọc thôi? Bây giờ thì chỉ chờ mẹ tôi bảo lãnh đoàn tụ gia đình. Cuối cùng bố tôi và tôi đặt chân đến Mỹ cuối năm 1984 sau gần mười năm sống với chủ nghĩa xã hội và hiểu thực chất nó là gì.

***


Bốn mươi năm trôi qua như chớp mắt, từ cậu thiếu niên 17 tuổi ngày nào nay sắp sửa 60. Da đã đốm mồi, tóc đã nhuốm bạc và thưa. Vật đổi sao dời, số phận tôi thăng trầm theo vận nước nổi trôi. Nhìn lại quãng đời đi qua, tôi cảm thấy mình còn may mắn hơn nhiều người. Không tật nguyền hay chết vì bom đạn, không bỏ xác ngoài biển khơi, không bị tù đày như nhiều người khác. Tôi cũng may mắn tiếp tục học xong đại học, có nghề có nghiệp, không phải tha phương cầu thực ở xứ người. Tôi cũng may mắn được người bạn đời đảm đang, quán xuyến giúp tôi có cuộc sống tươm tất như ngày hôm nay.

Nhưng điều mà tôi mãn nguyện nhất là thế hệ sau của tôi được sinh ra và lớn lên trong môi trường lành mạnh, trong một xã hội nhân bản và tử tế để có cơ hội làm người tử tế, sống ngay thẳng và thành thực với chính mình. Nó được đối xử công bằng, bình đẳng, và không phải đương đầu với những kẻ quyền thế vô lại, không phải xin xỏ sự ban ơn của chế độ toàn trị.

Nước Mỹ đã trở thành quê hương thứ hai của gia đình tôi. Đất nước Việt Nam nơi tôi sinh ra và lớn lên vẫn còn đó, nhưng xã hội Việt Nam đã tha hóa rồi, nó đi đâu về đâu thì tôi không thể nào biết được.

Ẩn Danh

Nguồn Người Việt




Chú thích:

(1) Mượn và đổi lời nhạc “Tiễn Em” của Phạm Duy thành “tiễn anh.”

(2) Lời xưng tội “mea culpa, mea culpa, mea maxima culpa.”

(3) Chuyện ông nội tôi kể lại: Sau khi Việt Minh bắt giết Phạm Quỳnh, họ còn muốn thủ tiêu một trí thức khác và giao cho ông nội tôi đi chặn bắt vị này. Nhưng ông nội tôi đã cố ý bê trễ để vị này đi thoát vì biết đó không những là nhà trí thức có nhân cách muốn khai phóng dân trí mà còn là bạn học đồng môn của bố mình. Đó không ai khác hơn là cụ Tuần Phủ Hoàng Huân Trung, hội trưởng Hội Khai Trí Tiến Đức, đồng sáng lập với Phạm Quỳnh. Có lẽ sau vụ đó ông nội tôi quyết định từ bỏ Việt Minh. Kháng chiến giành độc lập là điều tốt, nhưng sát hại các trí thức có tâm huyết là một việc ác nhân bất nghĩa. Hội Khai Trí Tiến Đức đã bị xóa bỏ sau khi Việt Minh cướp chính quyền.

(4) Khoảng đầu năm 76 có một người trung niên tự nhận là người đồng hương đến thăm ông nội tôi mà ông tôi không biết được gốc gác người này như thế nào. Thực ra người này đến chỉ để hỏi dò ông tôi có tham gia gì cho chính quyền Sài Gòn trước đây hay không. Ông nội tôi từ khi rời bỏ kháng chiến đã không màng đến chính trị nữa và trở lại nghề dạy học rồi làm công chức cho Nha Học Chính đến ngày về hưu năm 1967.

(5) Lời thơ Kim Vân Kiều của Nguyễn Du “Bắt phong trần phải phong trần/ Cho thanh cao mới được phần thanh cao” đã được ai đó sửa lại.

(6) Mượn lời thơ “Than Nghèo” của Nguyễn Công Trứ.

(7) Mượn lời từ “Bình Ngô Đại Cáo” của Nguyễn Trãi.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn