BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73423)
(Xem: 62247)
(Xem: 39435)
(Xem: 31180)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Mẹ ơi, ngày ấy đã qua?

14 Tháng Tư 201512:00 SA(Xem: 1238)
Mẹ ơi, ngày ấy đã qua?
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Cái thời buổi gì mà ai cũng nghèo rớt mồng tơi. Gia đình tôi thì nghèo khỏi bàn. Sau hai lần cố đi vượt bể, vượt không xong mà tài sản thì xong luôn. Chẳng còn gì. Không biết bắt đầu lại từ đâu ở. Cái thời mà mãi mãi là bắt đầu thì từ đâu cũng chỉ từ đầu mà thôi.
Mảnh nương rẫy mưu sinh không còn. Mẹ mượn ngoại, họ hàng chút vốn đi bán buôn. Nói buôn bán chứ chỉ là đem mấy thúng khoai, sắn ở quê lên mấy chợ thành phố bán. Người có vốn thì buôn cà phê, gạo, đậu, bắp. Cái buổi tự cung tự cấp, đặt đâu ngồi đó, đi buôn chục lần bị bắt chín lần. Vậy mà quân ta cứ đi ầm ầm mới hãi. Tự chui đầu vào rọ ông ơi. Không đi thì đói, đi càng đói to.

Vừa đói vừa nợ, dân ghét cay ghét đắng cái thằng cha giữ chốt. Hắn khét tiếng là bắt hàng rồi tịch thu luôn, thu vào đâu thì trời biết. Chịu hết nổi, cả bọn hè nhau lấy xe 67 dí cho hắn gãy cổ rụng càng. Trời, càng hắn rụng thiệt. Ai cũng mở cờ trong bụng. Yên bình được vài tháng thì nghe hắn cầm chốt trở lại. Trả thù xưa, hắn bắt ác chiến hơn. Khám đến tận răng. Bầu giả bầu thiệt gì cũng xem cho tường tận, mấy cái ống quần thắt túm không giấu được vài lạng café , đế giày đế ủng cũng lột tuốt luốt, chả chỗ kín nào còn kín. Khùng lên, đám người kia không buồn làm ăn gì nữa, lo đi căn me hắn, cứ thò đầu ra là bụp. Thế là hắn bị thêm mấy vố. Tởn luôn. Nghe đâu hắn chuyển đi chỗ khác. Tưởng đời yên ấm từ đây thì lại một chả khác về. Chắc trời hết thương người rồi.



Gia đình tôi rơi vào ngõ cụt. Không còn gì ngoài một bầy con nheo nhóc đói meo. Trong buổi khắc nghiệt này làm sao mỗi ngày tìm ra được một ống gạo hơn ký và một quả trứng bác lên ăn cả nhà. Ai cũng nghèo mà. Mẹ làm mọi việc, cả việc nặng nhọc của đàn ông trong lúc mẹ bầu bì. Không còn rẫy mẹ đi làm thuê, nhặt hột cao su, lượm ve chai, mót lúa mót ngô. Làm tới lúc lên bàn sanh, sanh xong tuần hơn xuống làm tiếp. Lo nhất lúc không có cái để làm, mùa màng không còn để mót, không ai thuê, đến ve chai cũng không còn để lượm. Mẹ nhịn cũng qua dầu là bầu bì, mà nhìn lũ con đói quá mẹ cầm lòng không nổi. Mẹ muối mặt gõ cửa xin gạo họ hàng, xóm làng, người quen và rồi tới cả người không quen. Để có được tí gạo mẹ chịu nhục nhiều, cho tí thì chửi mấy tí. Cùng lớn lên ở vùng đất này, biết nhau quá , tự nhiên đi xin ăn thì còn mặt mũi đâu nữa , mà vì lũ con dại mẹ chịu đựng hết.

Đến lúc không cách nào xoay xở nữa, mẹ đánh liều đi ăn cắp mủ cao su nhà nước. thời đó ăn cắp mủ chết dễ như chơi. Đã có nhiều vụ, chắc họ cùng đường như mẹ. Đường nào cũng chết , thì đói cũng chết vậy. Trời chập choạng tối là mẹ bắt đầu run. Đi bộ vào được tới lô cao su thì trời cũng đen như mực, tất cả đều đen thui. Mẹ rờ rẫm, lần mò từng gốc cao su, trút từng tô mủ đặc vào bao. Vừa đi vừa đếm cây để còn biết đường ra, không sẽ lạc chắc. Lấy xong mủ thì cũng đã khuya, mẹ loay hoay tìm cách đưa được bao mủ nặng trịch lên đầu đội bộ suốt quãng đường xa về bán. Nước mủ thối chảy ròng ròng xuống dính bệt vào đầu tóc, mặt, người. Nửa đêm, mấy tên du côn còn đang tụm năm tụm bảy. Mẹ đi qua vội vã sợ bị chúng phát hiện. Bọn nó đang chúm tụm vào nhau, quay ra nói: ‘’mẹ nó, con mụ này thối như cứt’’. Ừ, thối thiệt, như cuộc đời mẹ và như cuộc sống của gia đình tôi vậy.

Đêm đó, mẹ cũng lấy mủ. Cái đèn pha của xe đi tuần sáng lên ở một khoảng xa xa. Mẹ vội núp vào thân cây cao su như mọi lần. Và như thế là bình thường. Bỗng súng nổ tràng tràng xối xả về phía mẹ. Núp sau cây cao su mẹ biết bị phát hiện và nghĩ đã cầm chắc cái chết trong tay. Vì cái xe tuần xoay đầu để tiến về phía mẹ nên cái đèn pha lia bên này bên kia. Đúng lúc nhờ cái đèn lia qua lia lại, mẹ phát hiện có một vườn mì rộng thênh thang um tùm mé cái lô cách chỗ mẹ đứng núp không xa. Sống rồi. Vừa chạy vừa núp, loáng cái mẹ đã lăn ào tới vườn mì. Cúi lườn chạy nhanh vào sâu trong vườn mì. Vừa ngồi xuống, mẹ thấy ngay chỗ mẹ đứng núp lúc nãy, xe tuần đã đến đó pha đèn sáng một vùng, rồi có tiếng người nói. Nín thở, mẹ run cầm cập. Mẹ vừa thoát nạn. Từ đó mẹ không đi lấy mủ nữa. Gia đình tôi nghèo ngày càng có tiếng. Sống ngày nay không biết bữa mai.

Quê tôi cao su thăm thẳm mà chuối cũng bạt ngàn. Hồi đó chưa dùng bọc xốp đựng đồ ăn như bây giờ. Nhìn lá chuối ngút ngàn, mẹ nảy ra ý nghĩ đem ra chợ bán cho họ gói xôi, bánh, bún, cá, thịt. Ai ngờ đó lại là cái nghề nuôi sống gia đình tôi suốt nhiều năm sau này. Với gia đình tôi đó là một nghề chân chính nhưng người ta thì xem đó là một cái nghề mạt hạng, như kiều ăn cắp. Vì lá chuối thì phải vào rẫy người ta để xin, mà cái đó họ không cho thì cũng phải tỉa bỏ đi. Người ta sợ và tránh gia đình tôi như tránh một thứ bệnh truyền nhiễm, khinh bỉ và rẻ rúng. Mẹ cúi mặt không dám nhìn người nhìn đời. Nhà tôi không còn bạn bè, không hàng xóm, thậm chí họ hàng cũng lánh xa. Mẹ tủi hổ vô cùng.

Một gia đình ở nơi xa tới, bần cùng, lam lũ, đói rách và cũng mạt hạng như nhà tôi, cùng làm cái nghề cắt lá chuối. Đó là những người bạn duy nhất. Bạn mà cái đến cái tên nhau cũng không biết. Hai vợ chồng và hai đứa con. Anh tôi đặt cho họ cái tên giống hệt vẻ ngoài của họ: Ông phổng , bà teo, thằng dúm, con beo.Tất cả đều teo tóp, dúm dít và cũng chả dám ngửa mặt dòm đời. Ông chồng không phổng phao theo nghĩa mập mạp mà bủng nhũng phù thủng lên, gọi phổng cho dễ nghe.

Vậy đó, tất cả cùng nhau đi qua những tháng ngày đen tối ở cái thời…

Đồng Nội

Nguồn Quyên Book
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn