BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73477)
(Xem: 62247)
(Xem: 39438)
(Xem: 31182)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

30 Tháng 4! Ký ức một người chưa làm lính

03 Tháng Tư 201512:00 SA(Xem: 2500)
30 Tháng 4! Ký ức một người chưa làm lính
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Từ ngày 25 (tháng 4/1975), lính Nhảy Dù đã có mặt nhiều trên các tuyến đường vùng Hố Nai Biên Hòa. Vùng đất mấy tháng trước chỉ có mặt các đơn vị Biệt Động Quân và Sư đoàn 18 Bộ Binh cùng các đơn vị Địa Phương Quân. Hai ngôi làng quê tôi vốn là hai giáo xứ Công giáo. Giáo xứ Lộ Đức còn gọi là Lai Ổn, qui tụ đại đa phần là dân công giáo di cư gốc gác từ tỉnh Hòa Bình, Bắc Phần. Giáo xứ Đông Hải (1970 đặt lại tên mới là Đông Vinh, do ý của linh mục Đặng duy Hòa, một vị linh mục không nằm trong danh sách các vị tiên khởi thành lập hai xứ đạo hẻo lánh này).

Xa lộ Đại Hàn - Biên Hòa 1974, đoạn giữa Trạm 2 về ngã tư Linh Xuân


Tôi là giáo dân xứ Đông Hải, có tên làng từ thủa xa xưa còn giữ lại là Đồng Lách vốn là một ngôi làng gần như đã bỏ hoang từ lâu trưóc khi các giáo dân công giáo từ tình Bắc Ninh, Kiến An Hải Phòng và Kẻ Sặt Hải Dương dắt díu nhau vào lập làng với lũy tre, suối hào và dày đặc hàng rào ấp chiến lược.

Chiến cuộc đã ập đến sát với chúng tôi. Ngoài quốc lộ 1, đoạn cây số 9 tính từ thị xã Biên Hòa ra hướng bắc, các trường học đã đóng cửa, các trại tạm cư mọc lên khắp các sân trường trung tiểu học, bệnh viện Thánh Tâm và các sân các nhà thờ. Đồng bào ngoài miền trung lũ lượt kéo rồng rắn vào Sài Gòn và bị dồn ứ lại bắt đầu từ Tam Hiệp trên xa lộ Biên Hòa.

Giáo xứ Lạc An, một giáo xứ sát viền rừng chiến khu D nhất đã phải tháo chạy ra các xứ ở vùng Hố Nai để tạm trú. Từ chiến khu D đã có đạn pháo cối ùng ục dội vào phi trường Biên Hòa, đường đạn bay qua làng tôi những buổi mờ sáng khét lẹt. Loại đạn cối này cho chúng tôi hiểu là thế thượng phong của lính cộng sản chính qui miền Bắc đã hiện lên rõ rệt, vì thông thường như từ bốn năm năm nay, pháo kích từ viền chiến khu D vào phi trường Biên Hòa hoàn toàn là bằng hỏa tiễn, loại pháo giàn, phóng hàng loạt vài chục quả pháo hỏa tiễn trong chỉ phút đồng hồ. Sau đó là trực thăng từ phi trường Biên Hòa lên quần thảo nhưng đương nhiên là không còn dấu tích gì nơi vách rừng chiến khu D, cách làng tôi chừng 4, 5 km. Nghe tiếng pháo cối dội vào làng, nhìn hàng đoàn lính rằn ri màu xanh trắng đóng các chốt quanh làng và ngay giữa con đường chính, Thầy tôi nói với cả nhà:

- Thu gom gọn nhẹ những thứ cần thiết để chạy loạn.

Mẹ tôi hỏi lại.

- Giờ chạy đi đâu bây giờ? Đây chỉ cách Sài Gòn có hai giờ xe máy. Sau Sài Gòn là bể rồi, đi làm sao được?

- Cứ thu xếp để đi. Đến đâu biết đến đấy. Ra biển cũng đi …

Thầy tôi vừa nói vừa lẩm nhẩm đọc kinh. Tôi dáo dác nhìn mẹ. Mẹ tôi lật đật thu gom mớ quần áo. Bà lọng cọng nhấc cái này bỏ cái kia, cuối cùng cũng xong ba cái bao vải lính của quân đội Pháp mà Thầy tôi còn giữ lại từ 1954.

Ngày 26. Lính Nhảy Dù hai người một hai người một khệ nệ khiêng rất nhiều mìn chống tăng về phía cuối làng, cách nhà tôi chỉ năm phút đi bộ. Mìn được đặt cấp tốc rất nhiều dọc theo những tuyến ruộng mà muốn đi vào làng để ra quốc lộ 1, bắt buộc các xe tăng phải cưỡi lên những cung đường ruộng ấy. Công sự phòng thủ được cật lực đào đắp khắp những địa điểm trọng yếu.

Có tin quân cộng sản sẽ được quyền làm chủ tính từ bên này sông Sài Gòn, tức cầu Sài Gòn sẽ là điểm phân ranh. Thầy tôi thay đổi ý định. Ông bảo chị tôi thuê một xe tải để chở hết thóc gạo chạy loạn. Thuê xe tải lúc này là điều vạn nan nhưng chị tôi có quen biết một gia đình có xe tải và cũng cần chạy loạn vào Sài Gòn nên ý định của Thầy tôi đã được thực hiện ngay sáng 27. Tất cả thóc lúa đã đóng bao sẵn được chất lên chiếc xe vận tải. Đây vốn là thóc lúa mẹ tôi làm hàng sáo, đợt thóc đang chuẩn bị đem đi chà (xay) ở một nhà máy xay thóc gần Biên Hòa có tên là Chợ Đồn.

Chiều 27, các dàn pháo hỏa tiễn và pháo cối của lính chính qui bắc Việt nã đạn vào phi trường Biên Hòa cực kỳ ác liệt. Làng tôi mịt mù khói pháo của hai phía bắn qua bắn lại. Trực thăng đã có vẻ rất e dè, bay thường là hai ba chiếc cặp kè nhưng không còn chúi sát xuống rừng phiá Lạc An, Đại An và Trị An nữa. Hôm 26 một phi cơ đã bị hỏa tiễn Sam bắn cháy, rơi cắm xuống sông Đồng Nai đoạn thượng nguồn, xã Đại An!

Mẹ tôi cùng xe thóc lúa đã ra ngoài quốc lộ, đậu gần nhà thờ Kẻ Sặt và Đại Lộ, đoạn cây số 7 Quốc lộ 1. Ở nhà còn có tôi và Thầy tôi. Hàng xóm đã di tản hết. Thầy tôi quyết định ở lại cố thủ sau khi linh mục Nhật đi một vòng làng từ bên giáo xứ Lai Ổn sang. Ông hỏi từ phía con đường sau nhà tôi.

- Ông Năm còn ở nhà không?

- Ôi, Cha ơi, sao giờ này Cha còn ở đây?

Thầy tôi nói rất lớn mới vọng tiếng ra tới con ngõ bìa làng ấy. Ông có vẻ rất xúc động. Tiếng linh mục Nhật vọng lại.

- Sao lại bỏ đi cả thế này?

- Cha Hòa đi rồi ạ!

Thầy tôi nói về việc linh mục Đặng duy Hòa đã rời giáo xứ đi từ hàng tuần trước. Đồng bào công giáo di cư Bắc Việt thường trông vào vị linh mục chăn dắt mình mà hành động.

- Đi đâu bây giờ! Phải giữ làng chứ. Còn đi đâu được nữa mà đi.

- Thế thì con cũng ở lại.

- Ừ, Cha cũng ở lại đây. Đào xong trăng- xê rồi.

Thế là Thầy tôi quyết định không bỏ đi. Tôi vơ nhanh cái xẻng chạy ra hiên nhà đào cái hố cá nhân hình chữ L, ba con chó lăng xăng cào cào bơí bới khi thấy tôi đào cật lực. Thầy tôi đào một hầm phía sau nhà, có chận nắp bằng những bao cát và gỗ vuông chắc chắn. Hố đào sắp xong thì một ông lính đến bên cạnh sân nhà tôi, hỏi vọng vào.

- Bộ muốn tử thủ hả?

Tôi đáp «dạ», vừa đáp vừa lúi húi đào. Người hạ sĩ quan này chơi đàn guitar rất hay, thường ngồi trước sân nhà tôi mỗi tối vừa đàn vừa hát. Ông hỏi thêm khi thấy thái độ của tôi là thái độ muốn «chơi tơí cùng».

- Súng ống gì không thằng em?

- Dạ, Cạc –bin.

Ông ta phá ra cười ngặt nghẽo rồi hỏi.

- Biết chơi M16 không?

- Dạ biết.

- Vậy để lát tụi anh đưa cho. . . chớ ba cây cạc –bin chơi sao nổi.

Đúng lúc ấy, trên đường có bốn năm người lính Nhảy Dù thúc súng đẩy một bóng người đàn ông bước sâm sấp trên đường cái dẫn về phía cuối làng. Tôi chợt dưng sởn tóc gáy. Năm Trình! Ông Năm Trình tay bị trói giật khuỷu, chiếc áo đen đẫm máu. Chắc chắn kiểu này là ông Năm sẽ bị bắn! Tôi bỏ xẻng bỏ cuốc, lặng lẽ bước theo sau bốn năm người lính và ông Năm Trình.

Ông bước thấp bước cao đi theo hướng mũi súng của mấy người quân nhân mặc đồ rằn ri. Khoảng chừng 500 mét tính từ cổng cuối làng, những người lính Nhảy Dù nơí dây trói rồi bảo ông Năm Trình tự bắn mình sau khi đưa cho ông khẩu súng M16 chỉ có một viên đạn. Ông lắc đầu, qụy hai gối xuống bờ ruộng. Hoàn toàn không thấy ông nói một lời nào, mắt nhìn về hướng ngọn núi Chùa phía gần bờ sông Lạc An Trị an. Mấy ngưới lính lùi lại cách ông chừng 5 mét. Hai ngươì cầm súng cúi gập mình như chào ông Năm Trình. Khi hai cái đầu hất thẳng lên là đồng thời với một tiếng nổ chát chúa. Thân thể ông Năm giật lên rồi té sấp. Hai người lính cúi mình một lần nữa rồi quay lui, không kiểm tra xem ông Năm đã chết hẳn hay chưa. Thấy tôi còn đứng lần khân gần đó, một ngươì bảo.

- Về thôi thằng em. Nó pháo bá thở bây giờ!

Tôi tần ngần, rất muốn đến xem ông Năm đã chết thật chưa. Cái dáng té sấp mặt của ông xuống mặt ruộng làm tôi xao xuyến lạ lùng. Bỗng tiếng quát phía sau như dựng cả hồn vía tôi dậy.

- Nằm xuống! Thằng nhóc!

Tôi còn đang quờ quạng thì một bóng người nhào đến gần tôi, một tay ôm ngang lưng vật tôi xuống bờ ruộng, đúng lúc hàng ngàn tiếng rít đinh tai nhức óc xẹt ngang qua đầu. Chưa bao giờ tôi ngửi thấy mùi thuốc đạn gần và nhiều đến như vậy! Một dàn pháo hỏa tiễn vừa bắn đi sát ngay phía đồi chuối bên bìa làng, tầm đạn bay qua đầu chúng tôi nhắm lên đồi Pháo Binh, sát bên nhà thờ Lai Ổn. Đường đạn đi vun vút muốn rách màng tang.

Người lính vật tôi xuống chính là người hạ sĩ quan ban nãy bảo đưa cho tôi cây M16. Dưới làn khói pháo mù đặc, ông túm áo tôi kéo chạy về đầu làng, vừa chạy vừa gào bên tai tôi.

- Coi chi ba chuyện giết người vậy thằng em!

- Em biết ông ấy!

- Quên đi! Chiến tranh là vậy! Sống nay chết mai. Ta không giết người thì người giết ta!

- Mà sao bắn ông ấy. Sao không nhốt lại?

- Giờ này, đến tụi mình còn không biết sống hay chết đêm nay, nói chi đến ổng. Số chả phải chết trước thôi …

Tôi và người lính Dù về đến nhà, ông bỏ đi về phía nhà thờ, nơi đặt Bộ chỉ huy tiền phương của lính Dù. Trên gờ hố cá nhân một cây M16 bốn băng đạn, ba trái lựu đạn mini móc ở một dây ba chạc. Tôi ráp đạn kéo chốt cho bật ra ba bốn viên rồi lại tháo băng xếp lại đạn, cài chốt an toàn, ngồi vật ra, đầu đầy ắp hình ảnh ông Năm Trình với khuôn mặt úp sấp lên mặt ruộng. Mặt ruộng tháng tư khô nứt nẻ!

Ông bị bắt đâu hồi 11 giờ trưa. Hai cái làng này, ai cũng biết là ông hoạt động cho Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, nôm na gọi là Việt Cộng nằm vùng. Ông không tỏ ra ác ôn bao giờ. Ông dữ hay ông hiền, chẳng ai biết được vì ông không sống trong làng. Ông cất một cái chòi sát chân núi Chùa, nơi được coi là cửa ngõ để giao liên với trong bưng, lâu lâu đi vào làng mua dăm thứ lặt vặt hoặc đi qua làng ra vùng Hố Nai, ông từng bị Cảnh Sát Quốc Gia bắt nhiều lần. Trưa nay, từ vọng canh rất cao của Ấp Chiến Lược, những người lính địa phương đã nghi ngờ khi ông từ lối rừng núi Chùa đi thẳng vào đường làng. Những bước đi mang nhiều sự tần ngần. Từ rừng đi vào làng rồi đi qua khu trung tâm Bộ chỉ huy Tiểu đoàn tiền phương của sư đoàn Dù, hướng ra quốc lộ Một. Có lẽ người ta sẽ để cho ông đi ra phía quốc lộ nếu như ông giữ con đường bình thường ấy. Đàng này ông lại quay trở lại bằng một ngõ xóm khác, sau khi đi qua Bộ chỉ huy Tiểu đoàn chừng 300 mét. Ông bị bắt. Bộ chỉ huy Tiểu đoàn Dù gọi Ban an ninh Ấp, lúc ấy Trưởng ấp tên là Thái vẫn còn bám làng. Ngoài việc hỏi ông Thái, bên bộ chỉ huy Tiểu đoàn còn hỏi bốn năm người khác. Ai cũng nói là ông Năm Trình từng được biết là một cán binh cộng sản nằm vùng. Với kinh nghiệm trận mạc, bên Bộ chỉ huy kết luận dứt khoát ông Năm Trình là một «đề - lô », tức người có nhiệm vụ đặt tọa độ cho đơn vị pháo! Thời cuộc đang nóng lên từng phút! Mặt trận Xuân Lộc thất thủ, tình hình Biên Hòa Sài Gòn nghìn cân treo sợi tóc! Số ông Năm Trình rơi vào tuyệt lộ ngay khi ngày chiến thắng của những người bên phía ông chỉ còn hơn 48h đồng hồ!!!

Tiếng xe Honda cua rất gấp từ mặt đường quặt vào trong sân xi măng. Mùi khét của cao su từ lốp xe bốc lên hòa với khói pháo thật khó chịu. Đó là xe của anh tôi. Tôi chưa thấy ông chạy như thế này bao giờ.

Vừa chống càng xe anh tôi quát ngay.

- Thầy đâu?

- Thầy ở sau nhà - Tôi luống cuống.

- Sau nhà làm gì?

- Đào hầm!

- Đào cái con khỉ gì mà đào!

Quay nhìn tôi, nhìn mớ súng đạn lỉnh kỉnh. Ông gắt.

- Đồ dở hơi! Mặc ngay quần áo vào. Đi!

Bố tôi rất nể anh tôi, nên đang lấm lem là thế, anh tôi yêu cầu tắm rửa để chạy là bố tôi kéo nước giếng tắm ngay. Chừng chưa đến 5 phút, ba Cha con tôi đã trên chiếc xe Honda 67. Anh tôi mặc đồ bay, mũ canô nghiêm chỉnh, cũng là lần đầu tiên ông đeo súng tòn ten bên hông. Chiếc Honda nhấc đầu phóng đi với ba con chó chạy theo sau. Bàu trời kĩu kịt khói pháo. Đàng sau là những đôi vai gồng vác của những người lính Dù đang tất bật với những hố công sự chiến đấu. Đâu đó, những bàn tay giơ lên đầu, có lẽ để chào anh tôi, người phi công lạc lõng nơi chiến địa trong những giờ phút dầu sôi lửa bỏng gần như cuối cùng của một trận chiến đang ở những phút khởi đầu tràn ngập sát khí.

*

Quốc lộ 1 cơ man nào là người! Đủ mọi thứ xe. Từ máy cày máy kéo bám đầy bụi đất đỏ của vùng Gia Tân Gia Kiệm Long Khánh Túc Trưng đến xe lam xa ba gác! Từ người đi bộ đến người thồ xe đạp. Từ ông già bà cả đến em thơ! Từ những khuôn mặt cháy nắng đến những đôi môi nứt nẻ trên những khuôn mặt thiếu nữ xuân thì. Tất cả đều xốc xếch! Tất cả đều thảm thương! Tất cả như một đoàn người ma đi tìm thiên đường nơi xa lắc! Tuyệt không một tiếng cười trong đoàn người mênh mông ấy.

Anh tôi lạng lách, lúc đâm ngang, lúc xiên dọc, lúc leo bờ lúc thúc xe. Tôi nhìn đoàn người chung quanh, chỉ sợ những con chó của tôi bị thất lạc. Nhưng không. Có lẽ chúng cũng đã bị cộng hưởng với hoàn cảnh hoang mang cực độ của hàng triệu con người đang trong giờ cùng quẫn bi thảm. Chúng bám sát bên hông xe, miệng thè lưỡi nhọc mệt vừa chạy vừa nhìn bố con tôi. Ánh mắt chúng như nói lên sự van xin đừng bỏ chúng, lại như khuyến khích bố con tôi đừng sợ hãi. Thấy tôi có vẻ nhì nhằng với mấy con chó, anh tôi bắt đầu bực.

- Mày làm ơn ngồi cho ngay ngắn. Chó nó tự biết theo.

Tôi ngồi trên bình xăng vì Thầy tôi ôm nguyên một cái túi lính tây chứa toàn những ảnh tượng chúa và những bản tưởng niệm mà Giáo Hội đã ân thưởng cho ông. Tôi biết anh tôi rất khó lái vì tôi 15 tuổi nhưng là dạng cao lớn hơn bình thường, ngồi lại quay trước quay sau vơi mấy con chó nên ông quạu cũng là phải. Dù bị ông quát nhưng lòng tôi rất biết ơn ông, vì ông biết tôi rất thương chó nên lúc bắt đầu rời nhà, tôi gọi chó theo mà ông không phản đối. Ông biết tôi rất khó thể xa chúng …

Chỉ có 2km quốc lộ từ nhà thờ giáo xứ Hòa Bình đến nhà thờ giáo xứ Hà Nội mà bố con tôi vật lộn hơn tiếng đồng hồ với rất nhiều lần phải đâm vào những đường ngang ngõ tắt. Đến nhà thờ Đại Lộ là leo lên xe khởi hành nhằm vượt cầu Sài Gòn ngay. Trên xe, ba con chó và tôi nằm gọn ngay góc cửa đóng phía cuối xe. Mẹ tôi và chị tôi bên cạnh thì thào câu được câu chăng.

- Mẹ có vàng thì đưa con giữ cho.

- Mẹ làm gì có vàng.

- Thế tiền buôn bán đâu hết rồi?

- Lời lãi bao nhiêu, Thầy mày biếu các Cha hết cả!

- Đúng là lẩn thẩn. Giờ thiếu thốn thì biết ai cho mình?

- Mà này, mẹ còn có cái này. . .

Mẹ tôi lúi húi gỡ cuộn khăn đen trên đầu, nặn ra hai cái hoa tai xanh xanh vàng vàng đưa cho chị. Chị tôi phát cáu.

- Này thì làm được cái gì! – Nói rồi chị cầm lấy những ngón tay mẹ tôi gập lại, đôi hoa tai tội nghiệp nằm chặt trở lại trong lòng bàn tay bà.

Mẹ tôi hơi chựng người, ánh mắt mẹ như ngỡ ngàng vì đứa con gái lấy chồng đi xa từ sớm. Mắt mẹ long lanh chớp chớp bất chợt gặp ánh mắt tôi đang nhìn bà. Mẹ cúi xuống, bẽn lẽn gói đôi hoa tai cũ kỹ mà mẹ giữ gìn từ ngày bố mẹ cưới nhau gần như không họ không hàng …

*

Anh tôi rồ máy chiếc Honda 67 phóng ngược về phía phi trường Biên Hòa. Dáng áo bay nổi bật lên trong dòng người hỗn độn. Nhìn theo anh, tôi không cầm được nước mắt. Ra là anh đã rời phi trường cấp tốc, áo bay, súng ống còn vắt cả trên người khi nghe bảo rằng bố con tôi tử thủ nơi căn nhà đầy kỷ niệm. Anh tôi vượt ngược dòng người đang như thác lũ, phóng xe vào vùng đất đã báo động chiến sự sắp xảy ra trong gang tấc giữa bầu trời mịt mù khói pháo ven rừng chiến khu D. Giờ này anh lại phóng đi với những chuyến bay bất định, chơi vơi lời ca lãng mạn của đời phi công ra đi không tìm xác rơi. Giá chi anh tôi giống như người anh cả, khí khái ngang tàng coi trời bằng vung … sẽ không làm cho bố mẹ tôi hằng đêm thổn thức, đàng này, anh tôi hiền lành và đơn sơ quá đỗi…

Cực kỳ vất vả chiếc xe tải mới bò đến được cầu Sài Gòn. Xe nhích từng bước một. Lính trên cầu đủ mọi thứ binh chủng, kể cả nhân dân tự vệ với cạc- bin. Không khí sắt máu sát rạt. Anh rể tôi mặc quân phục với giấy chứng thực đặc biệt của Căn cứ Long Bình, xin đường để qua cầu. Một người lính mặc đồ đen đeo khẩu súng rất lạ yêu cầu mở cửa xe tải. Cửa mở, tôi và ba con chó ôm nhau sát ngay cửa, bên cạnh là mẹ và chị tôi. Người lính nhìn vào khoang xe rồi nhìn tôi, cuối cùng là nhìn ba con chó. Ông lấy tay cầm lấy tai của con chó bé nhất. Con chó không hề sợ cũng không hề làm dữ, ngẩng mặt lên liếm láp bàn tay xương xẩu đen đủi đầy mồ hôi của người lính đặc biệt. Tôi im lặng không nói gì, phó mặc số phận đưa đẩy theo gia đình. Bỗng một loạt đạn bắn chiu chíu từ phía mặt sông thốc lên vọt qua sát mí nóc xe. Người lính lạ nhảy xuống hô kéo bửng cửa rồi chạy trước xe nhà tôi tay vẫy vẫy cho xe vượt lên trước hàng trăm xe khác.

Tôi ngạc nhiên đứng hẳn lên nhìn ông và nhìn dòng người hỗn độn kéo dài ngút ngàn tận chân trời. Ai cũng muốn đẩy những hàng rào dã chiến lộn xuống sông để có thể dễ dàng băng ngang cầu Sài Gòn. Lúc này, dưới đường, hầu hết mọi người đều nghĩ nếu ở lại bên này cầu Sài Gòn (phía Vũng Tàu, Biên Hòa) thì sẽ bị thuộc về quân cộng sản. Nếu qua được cầu ở về phía Sài Gòn tức đương nhiên là vùng Quốc Gia, tự do. Ai cũng lăm lăm muốn tràn qua cầu nhưng trước những khuôn mặt thép lạnh không biết đâu là binh chủng, tay lăm lăm những thứ vũ khí chết người, không ai dám liều mạng hất các hàng rào dã chiến. Không khí này là không khí tử chiến, bất kỳ một hành động quá khích nào cũng đều sẽ nhận hậu quả tàn khốc. Tôi thấy nhiều người lính vừa thủ súng vừa cầm cái radio to bằng cỡ hơn bàn tay, để ở một bên tai với chiếc cần enteen kéo cao hết cỡ. Chắc là nghe đài ngoại quốc. Mặt người nào cũng toả ra đầy sát khí.

Xe nhà tôi qua cầu Sài Gòn. Cầu Sài Gòn như một nút thắt cổ chai kinh khủng, chỉ cần qua hết cầu là có thể dễ dàng đi lại. Xe chúng tôi nhắm về phía Hóc Môn, Trung Lương.

Sáng 28. 4 (1975) gia đình tôi vào tới sát căn cứ Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, tá túc tại một xứ đạo qui tụ rất nhiều người cộng giáo gốc Kiến An Hải Phòng. Xứ đạo có tên Chợ Cầu. Đây là một xứ đạo có cấu trúc các khu nhà ở gần giống như các gia đình nơi các khu trại gia binh. Tôi sống quen với không gian rộng từ ngày bé tí nên không thể nào chợp mắt được trong hoàn cảnh này. Ba con chó từng bước không rời cậu chủ nhỏ nên cũng làm phiền cho chủ nhà đã có lòng cho gia đình tôi tạm trú. Mọi chuyện xảy ra quá nhiều ngỡ ngàng. Khung cảnh lạ! Con ngươì lạ! Những người chung đụng chất đống với nhau cũng mỗi người mỗi ý. Đời sống tỵ nạn chiến tranh đây là lần đầu tôi phải chịu đựng. Tuổi 15 nội tâm sớm, vơí tôi, đây là cú sốc rất nặng. Ngay đêm đầu tiên, tôi khóc thầm và trách sao mình đã bỏ nhà bỏ làng mà đi. Nơi ấy, có chết cũng thích hơn là tù túng kiểu này.

28. 4. Buổi trưa nghe nhiều người bàn tán về chuyện ông Trần văn Hương từ chức, trao quyền lại cho ông Dương văn Minh. Bên hàng xóm, tôi nghe nhiều cuộc trò chuyện bảo rằng chắc chắn sẽ mất miền Nam vào tay miền Bắc vì ông Dương văn Minh có anh em ruột cũng là cấp tướng quan trọng phía quân đội miền Bắc. Tôi còn nhỏ quá, chỉ nghe, lo sợ về một ám ảnh Cải Cách Ruộng Đất mà tôi vẫn thường nghe. Lúc này, khái niệm mất nước tôi thực sự chưa hiểu cảm được.

Buổi chiều tối, trên bầu trời xuất hiện những chiếc A37 bay và dội bom xuống một số nơi. Nhiều người tập trung bên các sân rộng ngước mặt xem và bàn cãi. Nhiều ngươì bảo không quân phía Bắc đã tràn vào Sàigòn. Tôi thốt lên “Đây là A37, là phản lực của mình không phải của VC …” Anh rể tôi đứng phía sau mắng át “ Thằng tài lanh, biết gì mà nói leo …”! Tôi im lặng đi ra một bờ ruộng rau muống, ngồi nhìn lên bầu trời có những chiếc A37 đang vần vũ. Lòng hoang mang và lo sợ cho anh tôi. Đời phi công chiến đấu, giờ này không biết anh tôi trôi dạt phương nào, có liên quan gì đến những chuyện nổ bom kia không …

Ngày 29. 4. Một ngày thật khó tả đối với tôi. Khu xóm bình dân không mấy ai biết nhiều để tôi có thể nghe được những câu chuyện mà cảm giác của tôi là rất quan trọng. Nơi đây tôi không có những người lính dạn dày sương gió, vừa đờn ca lại vừa có những lúc nói cho tôi những câu chuyện xa xôi của người lớn. Không có những tiếng đàn khắc khoải và những câu chuyện của Đài Gươm Thiêng Ái Quốc mà tôi bị cuốn hút một cách khó hiểu từ năm 13 tuổi. Không có những buổi sáng tan lễ về, bàn chè thuốc lào bên nhà bác Báu hàng xóm lúc nào cũng có những người lính dân vệ với ông giáo Tân, với ông Chử Cogivina… bàn chuyện thời sự. Đứa bé sớm nghe chuyện can qua ngày càng thấy hụt hẫng và lạc lõng.

Đêm 29. Các đơn vị tăng của quân chính qui cộng sản tiến vào Sài Gòn ngang qua căn cứ huấn luyện. Cơ man nào là các làn đạn bắn ra từ trung tâm huấn luyện, đặc biệt là M72, một lọai hỏa tiễn cầm tay chống tăng. Rất nhiều phát đạn bắn hụt xe tăng và bay sát các nóc nhà ở xứ đạo này. Tôi vốn đã quen với pháo kích từ ngày nhỏ nên không cảm thấy nao núng, nhưng những người chung quanh thì mặt cắt không còn giọt máu.

Tổng thống Dương Văn Minh trên đường tới đài phát thanh ban lệnh buông súng, sáng 30/4/75


30. 4. Ông Dương văn Minh tuyên bố đầu hàng. Người hàng xóm mở radio khá lớn và ra bờ giếng sau nhà ngồi một mình. Tôi từ trong khoảng tối của căn buồng hẹp chăm chú quan sát ông. Mấy hôm nay tôi không thấy ông này, tuổi khoảng 40 mặt rắn rỏi tóc húi cua. Ông ngồi bên gờ bờ giếng, mặt cúi xuống, hai vai gồ cao. Tôi thấy vai ông rung lên.

Chung quanh mọi người không ai hớn hở, vài người thì thào với nhau về mấy anh chàng trốn lính, giờ chạy ra vẫy cờ mừng hòa bình.

Tôi thật sự cô độc. Không có bất cứ sự chia sẻ nghiêm túc nào đến được với tôi.

Sáng mồng 1. 5 tôi đi một mình ra căn cứ Quang Trung. Trên đường vài ba chiếc tăng T54 cháy rụi nằm bổ ngửa. La liệt quần áo lính vứt ngổn ngang. Tôi đến sát cổng quân trường, mấy người bộ đội áo quần xanh lụng thụng dép râu, mình còn cài lá ngụy trang, răng mặt vàng lườm… bắt tôi đứng lại, không đưọc đến sát cổng vì đoàn phim đang quay. Tôi nhìn theo hướng tay chỉ và thấy một đoàn khóa sinh tân binh từ trong Trung Tâm đi ra. Tất cả đều phải đứng lại trước các máy quay phim, khi được lệnh từ phía sau máy thì từng người cúi xuống lột hết giày và quần áo lính, chỉ mặc độc mỗi quần lót. Những đoàn lính bộ đội đứng bảo vệ hai bên đường đa phần là cười cợt khoái chí, một số ít thay vì cười cợt sảng khoái thì quay sang nói chuyện với những người dân hai bên đường (đa phần là phụ nữ đã sồn sồn). Có những câu hỏi và trả lời khắc mãi trong lòng tôi mà sau này nhiều người lấy đó làm chuyện hài hước. Với tôi, ngay lúc bấy giờ, tôi không thể cười được. Có cô hỏi.

- Sao anh trẻ thế?

- Trẻ gì nữa. Mười sáu mà còn trẻ.

Người thiếu phụ đang cầm que kem, hỏi anh bộ đội.

- Anh thích ăn cà -rem không?

- Không?

- Thế Hà Nội có cà -rem không?

- Có. Khối gì. Còn phơi để dành nữa.

- Hà nội có Tivi không?

- Khối gì. Tivi chạy đầy đường.



Những người bộ đội nói âm chữ "l" và "n" lung tung lộn xà ngầu làm nhiều bà nhiều cô rất thích thú nên câu chuyện thường kéo rất dài. Ngay buổi chiều mồng 1. 5, những câu chuyện “cà rem phơi khô”, “Tivi chạy đầy đường” đã được truyền tụng một cách nhanh như tên bắn khắp hang cùng ngõ hẻm của Sàigòn.

Buổi trưa anh tôi chạy xe về nhà tạm trú, vẫn mặc đồ bay, cây ru -lô trái khế đeo lủng lẳng bên đùi. Bà chủ nhà xanh mặt. Ông anh rể tôi mặt như đổ chàm. Tôi vui mừng vì thấy lại được anh mình, hoàn toàn chưa biết lo sợ chuyện tù đày hoặc có thể bị giết của ông. Anh tôi vào nhà tháo giày, thay quần áo, dấu khầu súng ngắn lên máng xối rồi lên xe đi ngay về Biên Hòa. Trong giờ trao đổi ngắn ngủi với chị tôi, tôi nghe anh bảo:

- Chị đã có gia đình, Thành nó còn quá nhỏ mà Thầy Mẹ lại đã già. Thôi em ở lại, chắc cũng không đến nỗi nào đâu.

- Thế mấy đứa nó có đi được không? - Chị tôi hỏi về mấy đứa cháu con ông anh họ, là Dân Biểu.

- Có, em đẩy nó lên được một chuyến bay…

Mẹ tôi không nói gì nhưng thường nhìn lén theo sau lưng anh tôi, ánh mắt bà hoang vắng lạ lùng một cách khó hiểu.

Mãi ba bốn năm sau, tôi mới hiểu được ánh mắt ấy của người Mẹ đã sinh ra mình. Người đàn bà không một con chữ nhưng có cả một bầu trời ca dao vời vợi. Người đàn bà toàn những thằng con trai lao tù hoặc chết thảm cho những lý tưởng cao vời.

Paris
12. 4. 2014
Phạm Văn Thành

Nguồn Blog Phạm Văn Thành
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn