BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73540)
(Xem: 62254)
(Xem: 39451)
(Xem: 31187)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Đà Lạt Tháng Ba, Dòng Kỷ Niệm Buồn

27 Tháng Ba 201512:00 SA(Xem: 1265)
Đà Lạt Tháng Ba, Dòng Kỷ Niệm Buồn
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Tôi không có nhiều kỷ niệm về Đà Lạt, nhưng mỗi khi nghe ai nhắc tới Đà Lạt, tôi lại thấy náo nức, bồn chồn một cách kỳ lạ. Tôi còn nhớ, gia đình tôi dọn lên Đà Lạt vào một ngày tháng 3 năm 1969. Lúc đó, tôi đang học lớp bốn ở trường tiểu học Đồng Tiến, Sàigon.Trong khi cha mẹ tôi tất bật lo toan sắp xếp, di chuyển một đội quân 8 đứa con nhỏ, cùng nhiều đồ đạc cồng kềnh, lỉnh kỉnh, thì chị em tôi rất hào hứng, thích thú với cảm giác được đi máy bay và ở nhà mới. Riêng tôi, lại càng mừng rỡ hơn hết, vì đã thoát được một bà giáo “dì phước” nghiêm khắc, lạnh lùng thường khẻ tay tôi do cái tội nói chuyện nhiều trong lớp…

Đà Lạt quen thuộc của tôi thuở ấy là ngôi nhà rộng hai tầng với lối kiến trúc cổ của Pháp, có những ô cửa sổ hình tròn hình vuông bằng kính. Sau nhà là mảnh vườn nhỏ, hoa dại đủ màu mọc chen lẫn với cỏ xanh cao gần tới đầu gối. Sát bên bờ rào phủ kín những giây hoa bìm bịp tím thẫm, một cây đào rừng cao to, thân cằn cỗi, già nua vươn những cành nâu dài gầy guộc, trổ đầy hoa màu hồng phấn đến tận khung cửa sổ trên lầu. Những buổi sáng, giữa lúc sương còn giăng mờ trên đầu ngọn thông cao, phà hơi lạnh xuống giàn hoa ngũ sắc bao quanh trước sân nhà, để lại nhiều giọt sương bé bỏng trong veo trên những cánh lá tươi xanh, thì một âm thanh thân quen thường đánh thức tôi dậy, là tiếng chim sẻ ríu rít gọi nhau nghe thật vui tai. Đều đặn như chiếc đồng hồ báo hiệu một ngày mới bắt đầu rong chơi kiếm ăn của chúng. Tôi nhớ con đường dốc gồ ghề mình vẫn đi bộ mỗi ngày với đám bạn cùng xóm, từ khu Chi Lăng dẫn đến ngôi trường trung học tư thục Văn Khoa, có cây mimosa đứng nghiêng bên cổng trường, khoe sắc hoa vàng rực trong nắng sáng. Tôi biết, mình đã có một tình cảm đặc biệt với vùng đất đỏ cao nguyên này từ thời niên thiếu, khi trái tim non trẻ của tôi còn biết xúc động trước vẻ đẹp của những đồi thông xanh ngắt, những thung lũng mượt mà, và những vườn rau tươi mát. Trong đôi mắt thơ dại luôn mở to về mọi phía, mọi cảnh vật chung quanh. Tôi luôn giữ lại một vài hình ảnh mà tôi yêu thích vào ngăn trí nhớ. Ấp ủ cẩn thận như ép một cánh hoa trong trang sách, đợi đến lúc nào rảnh rỗi lấy nó ra ngắm nghía, hồi tưởng và… mơ mộng…



Tháng Ba đang đến… như một cuốn phim quay chậm trong đầu tôi những cảnh buồn. Bắt đầu từ lúc gia đình tôi dời khu Chi Lăng để dọn đến vùng Lâm Viên vào năm 1970. Nơi vừa xây cất xong một dãy nhà mới dành cho các gia đình sĩ quan Võ Bị. Vì là khu nhà mới nên chỉ có lác đác vài gia đình đến cư ngụ mà thôi. Ngôi nhà của chúng tôi tọa lạc ngay gần mặt đường dẫn ra hồ Than Thở. Phía trước nhà nhìn ra là những con dốc thấp, xa xa từng mảng vườn rau vuông vắn theo hàng lớp như những tấm thảm xanh có nhiều sọc nằm xen kẽ nhau. Cách đôi ba ngày, lại có vài chiếc xe hàng lớn đến đậu gần con dốc để chất bắp cải. Với động tác nhịp nhàng của người đứng thảy bắp cải từ dưới vườn lên cho người đứng chụp ở trên xe, đã gây sự chú ý cho chị em tôi phải dừng lại để nhìn cảnh chụp, bắt thú vị của họ. Ban ngày ở đây tạm coi như bình yên, nhưng cứ đến tối thì sự hoang vu tạo nên một không khí bất an. Dạo đó, không biết vì sao mà cha tôi phải thường cấm trại. Những đêm cha tôi vắng nhà, mẹ tôi lùa tất cả các con vào chung một phòng. Chúng tôi nằm chen chúc bên nhau trên một tấm nệm rộng, mỗi khi nghe có tiếng súng lạch tạch từ xa, hay tiếng động nào là chị em tôi sợ hãi ôm chặt lấy nhau, dấu mặt vào gối. Thỉnh thoảng, tôi thấy có những bóng đen thấp thoáng lướt qua khung cửa sổ. Những lúc ấy, mẹ hay dặn chúng tôi phải thật im lặng.

Cảm giác bất an đến với gia đình tôi hằng đêm, những bóng đen thấp thoáng ngoài khung cửa sổ hình như càng xuất hiện thường hơn. Rồi vào một đêm tháng 3, nhiều tiếng súng nổ nghe chát chúa, rất gần. Cả đêm chúng tôi không ngủ được trọn giấc vì những tiếng súng và sự lo sợ. Thì ra, VC tấn công vào trường Võ Bị đêm đó. Cha tôi trở về nhà sáng hôm sau trong sự hốt hoảng, thất thần, đầy nước mắt. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi thấy cha tôi khóc. Cha báo tin cho cả nhà về cái chết của bác Thiếu Tá Đào Thiện Yết người bạn rất thân của cha tôi. Mẹ tôi và cả chúng tôi đều bàng hoàng sửng sốt, cũng bật khóc! Bác mới vừa ăn cơm với gia đình tôi hồi chiều hôm qua đây thôi! Theo lời cha tôi kể, bác bị bắn gục ngay bên hông trường bằng một loạt AK, trong tay bác hãy còn giữ khẩu súng lục. Căn phòng của cha tôi bị bắn bể hết một bên cửa sổ sát ngay với chiếc giường sắt nhỏ cha đang nằm ngủ. Nhanh như cắt cha lăn xuống đất để tránh đạn. Cái chết kề cận chỉ trong gang tấc, thật là kinh hoàng! Cha tôi nghẹn ngào kể thêm về hai cái chết của một vị thiếu tá và một anh sinh viên. Vị thiếu tá nằm tắt thở co quắp ngay cạnh bồn nước trong tiền sảnh, đầu bị vỡ. Anh sinh viên thì đang ở trong hầm gác, bị ném lựu đạn vạt mất một phần mặt. Ôi, nghe sao mà dễ sợ quá…

Sau ngày đó, nỗi ám ảnh về tiếng súng và những bóng đen thấp thoáng bên ngoài đêm đêm đã làm cho gia đình tôi sống trong phập phồng lo sợ. Tôi tưởng tượng khu Lâm Viên này không còn an ninh nữa. Cha tôi cũng cảm nhận được điều đó, thế là cứ mỗi tối, cha phải chở cả gia đình đến ngủ nhờ ở nhà một vị sĩ quan trong khu cư xá Lý Thường Kiệt ở Chi Lăng. Đây là khu cư xá của nhà nước dành cho các gia đình sĩ quan Võ Bị. Những ngôi nhà ở đây tuy cũ mà rất đẹp, xây theo lối cổ của Pháp. Có hai bên dãy nhà A và B, nhà bên dãy A khác bên dãy B một chút, hơi nhỏ, lại không có vườn phía sau như nhà ở dãy B. Ngoài cổng ra vào khu cư xá có một trạm kiểm soát do các anh lính canh giữ. Chỉ mới thấy thấp thoáng bóng dáng của những người lính ở đầu đường cư xá thôi, là tôi đã có cảm giác được bảo vệ an toàn rồi! Chẳng bao lâu, cha tôi xin lại được một ngôi nhà trong cư xá để gia đình trở về khu Chi Lăng. Tôi vui hơn bao giờ hết khi biết mình sẽ lại được đi bộ trên con đường dốc gồ ghề ngày trước, và ngắm lại vườn hoa dại um tùm cỏ mọc sau nhà…

Rồi, tôi lớn lên theo thời gian, nhưng tầm nhìn vẫn không lớn hơn vóc dáng của tôi là bao nhiêu. Tôi vẫn quanh quẩn trong một góc trời Đà Lạt nhỏ bé với khung cảnh quen thuộc nhìn hoài không biết chán, và tiếng chim hót ríu rít mỗi sáng đã là một thanh âm nghe thân thiết đến độ phải ghiền. Khoảng sân rộng ở phía trước nhà tôi dần dà đã nở đầy hoaVạn Thọ, hoa Trạng Nguyên do mẹ tôi trồng, thêm hai bụi mía mập mạp vươn cao và một giàn su trĩu nặng trái. Mấy tháng sau, mẹ tôi mua gà về nuôi, gà đẻ trứng, mẹ cho ấp, nở ra một đàn gà con lông vàng mượt xinh xắn. Cứ thế, đàn gà tiếp tục tăng trưởng lên đến cả 100 con. Sân nhà tôi giống như một nông trại nhỏ, ngày nào đi học về tôi cũng bận rộn với việc băm rau trộn bột cho gà ăn, dọn dẹp chuồng gà.Vai trò của một đứa con gái lớn trong gia đình đông con, đã không cho phép tôi có thì giờ rong chơi nhiều như tôi ao ước. Thỉnh thoảng tôi mới được mẹ cho ra khu Hòa Bình chơi, thật ra cũng chẳng phải là đi chơi mà là đi chợ với mẹ để xách giỏ…

Đời sống êm đềm trôi qua bên những ước mơ của cha mẹ tôi về tương lai cho các con, và cầu mong một ngày chiến tranh chấm dứt. Dự định của cha tôi là sẽ định cư luôn ở Đà Lạt sau khi giải ngũ. Cha bàn với mẹ tôi bán căn nhà ở Sàigòn để mua một căn nhà khác có vườn tược, đất đai ở Đà lạt này. Trước là để đầu tư vào trồng trọt mong có huê lợi mà nuôi nấng chúng tôi lên tiếp đại học. Sau là để cha vui thú điền viên. Căn nhà ở Sàigòn của chúng tôi nằm trên đường Lê Đại Hành, trước cửa trường đua Phú Thọ cũng khá rộng, bề ngang 5 thước rưỡi, bề dài 18 thước. Sân trước chiếm 5 thước, hai bên sân cha tôi trồng cây mai tứ quí, một cây ổi rất sai trái. Tôi đã trải qua suốt thời kỳ thơ ấu nơi căn nhà này, và cũng có ít nhiều kỷ niệm với nó. Vậy mà khi rời xa căn nhà đó, tôi đã chẳng có chút gì quyến luyến, nay nghe cha nói chúng tôi sẽ ở luôn trên Đà Lạt tôi rất vui… Nhưng, cũng vẫn chữ nhưng khốn khổ, đã đảo lộn hết dự tính trong cuộc sống của gia đình tôi. Một phần lớn cũng vì những ngày tháng 3 hoảng loạn, tình thế rối ren. Cha tôi vốn hiền lành, chân thật, dễ tin vào mối lái của một người làm vườn khôn ngoan, đã mua lại căn nhà cũ 3 gian với hai mẫu đất vào thời điểm đó. Mua nhà rồi, cha bận rộn hơn với công việc trồng trọt, trăm thứ tiền phải đổ thêm vào đầu tư cho vườn tược, nào mua phân, mua giống cây, mướn người làm… Gia đình tôi phải chia ra ở hai nơi. Mẹ tôi cùng hai đứa em gái lớn ở ngôi nhà mới để coi sóc người làm vườn và cơm nước cho họ. Tôi ở lại căn nhà trong cư xá với bà ngoại và mấy đứa em nhỏ. Chúng tôi chỉ đến căn nhà mới có vài lần sau mấy ngày mưa bão, một vườn bắp gồm 300 cây chết ngập trong nước. Không hiểu được nỗi lo thua lỗ của cha mẹ lúc đó, chúng tôi cứ vô tình hăng háì đi bẻ những trái bắp non từ mấy cây bắp ngả rạp xuống đất, coi đó là một công việc vui thích…

Khi Ban Mê Thuột đã bị CS chiếm vào giữa tháng 3 năm 1975, thì Đà Lạt cũng đắm chìm trong hoang mang, lo sợ. Người người bắt đầu di tản. Giữa lúc tình hình lộn xộn đó, tin bà nội tôi mất ở Sàigon. Cha tôi phải tức tốc bay về chịu tang bà chỉ có 3 ngày, không kịp đưa bà ra nghĩa trang, cha đã phải chạy đôn đáo trở lại Đà Lạt lo mua vé máy bay cho vợ con di tản về Sàigon. Ngày rời xa Đà Lạt, tôi chưa đủ lớn khôn để hiểu hết cuộc chiến tranh trên đất nước mình. Tôi chỉ biết oán hận những người CS sao quá ác tâm, quá hiếu chiến. Nếu họ muốn duy trì chế độ CS thì cứ thực hiện ở miền Bắc của họ đi, còn xâm nhập vào miền Nam làm chi cho khổ dân. Nghe tin họ chiếm đến đâu thì dân chạy đến đó. Gia đình tôi cũng phải chạy để tìm nơi an toàn. Tôi tiếc một góc trời Đà Lạt nhỏ bé của tôi đành đoạn bỏ lại sau lưng. Khu vườn hoa dại, cây đào rừng già cỗi, những sáng sớm có sương mờ cùng tiếng chim hót… Và còn biết bao nhiêu hình ảnh thân yêu chung quanh.Tất cả hầu như đã chết lịm trong tiếng súng tháng 3 rồi!!! Tôi ngậm ngùi nhìn lại căn nhà mới, hai mẫu đất, mà gia đình tôi chưa ở được trọn vẹn một ngày nào. Tôi thương công sức làm lụng cả đời lao khổ của cha tôi, chắt móp, dành dụm với ước vọng cho các con đã xa dần, xa dần và tàn lụi trong khói đạn mờ.

Ôi, những ngày tháng Ba đau xót sao còn chảy mãi trong tôi những dòng kỷ niệm buồn của 38 năm về trước…

Thiên Lý (3/2013)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn