Những nước khác, mình thừa biết khả năng chiến đấu rồi. Du côn như Nga, đại ca như Trung Quốc, đại bàng như Mỹ, du thử du thực như Việt Nam, đầu trọc như Đức, đầu gấu như Ấn Độ, ma đầu như Triều Tiên… Giang hồ như vậy đó. Khả năng đánh đấm kinh lắm.
Như dân Tây Tạng, toàn là tu sĩ không thôi, đâu có biết bắn súng, chỉ biết tự thiêu. Tội nghiệp! Chẳng làm động được mẩy may sợi lông chân của đại ca Trung Quốc.
Dạ, ý của em là nhờ anh viết một bài về tình hình quân đội của các nước Châu Âu thiên đường. Chỉ có vậy thôi.
Chúc anh luôn vui khoẻ.”
Như vậy, thư này gợi ra hai vấn đề, một là khả năng xảy ra chiến tranh trên đất châu Âu, hai là nếu xảy ra chiến tranh thì liệu người Âu có trụ nổi trước sự tấn công của những đội quân hung hãn như quân Nga hay quân Tàu hay không. Ngoài ra, còn một vấn đề liên quan nữa là về tính cách người Âu. Chúng tôi cũng thực sự quan tâm đến những câu hỏi trên nên xin viết bài này để trao đổi suy nghĩ về những đề tài đó.
Trước hết, xin đồng ý với nhận định của tác giả bức thư về người Âu. “Con người hiền hoà, thanh lịch.” Họ hiền hòa, thanh lịch, và tốt bụng. Đại đa số là như vậy. Cũng có những kẻ bài ngoại, khinh dân da màu, nhưng là thiểu số. Người dân Âu, nhất là gốc Âu, rất độ lượng. Có khá nhiều nhóm người nhập cư gây ra nhiều điều phiền nhiễu cho họ, và điều này đã làm sự kiên nhẫn của dân gốc Âu có phần suy suyển trong những năm gần đây. Nhưng nói chung, họ vẫn không chấp nhận chủ trương cưỡng bức những người nhập cư bất hợp pháp phải rời bỏ đất nước họ. Với những người đi theo đường nhập cư hợp pháp, quả là có những trường hợp gặp khó khăn khi làm giấy tờ cư trú, nhưng một khi người nhập cư đã có việc làm ở một nơi nào đó thì họ thực sự được đồng sự người bản xứ đối xử tốt và được khuyến khích, nâng đỡ.
“Trộm nghĩ, lỡ có chiến tranh, người dân có chiến đấu được không? Họ hiền quá mà, họ làm sao nỡ bóp cò trước đối phương?” Điều này cũng có phần đúng. Đây là một điểm yếu của người Âu trong chiến tranh. Đặc biệt, khi chính quyền các nước phương Tây đem quân đi đánh nước khác, họ không bao giờ có được sự đồng thuận của toàn bộ dân chúng. Pháp thua Việt Nam chẳng hạn, một phần vì lý do đó.
Một điểm yếu nữa của người Âu trong chiến tranh chính là những thành tựu vĩ đại của họ trong việc xây dựng đất nước và xã hội. Cuộc sống thanh bình trên một đất nước đẹp như mơ không phải là thứ mà người ta có thể dễ dàng vứt bỏ chỉ để giành thắng lợi trong chiến tranh. Đây là một trong những lý do để trong giai đoạn đầu thế chiến II nước Pháp đã phải để quân đội Đức Quốc Xã tiến vào mà gần như không vấp phải sự kháng cự nào.
Tuy nhiên, khi những cái mà người dân, kể cả dân châu Âu, cố giữ mà vẫn không được thì vấn đề sẽ khác. Kết cục của thế chiến II với thắng lợi thuộc về phe đồng minh là một thí dụ nói lên điều đó.
Chiến tranh trên đất châu Âu, về mức độ nghiêm trọng có thể nói là gần như chiến tranh thế giới, và rất dễ dẫn đến chiến tranh thế giới, vì nếu nó xảy ra thì sẽ có đến 3 cường quốc quan trọng là Anh, Pháp và Đức tham chiến. Ngoài ra, với tư cách là thành viên nòng cốt của NATO, theo tinh thần hiệp ước của khối quân sự này, Hoa Kỳ đương nhiên sẽ phải vào cuộc. Tiếp theo, Nhật với tư cách đồng minh quân sự của Hoa Kỳ, cũng không thể đứng ngoài. Mặt khác, chiến tranh trên đất châu Âu thời nay không thể là do chính các nước châu Âu đánh nhau, mà phải là do một thế lực bên ngoài gây ra. Một thế lực như vậy chỉ có thể là Nga hoặc một vài quốc gia Hồi giáo theo chính sách bài phương Tây. Trung Quốc cũng là một thế lực hung hăng, nhưng mới chỉ giở thói côn đồ với các nước láng giềng, mà chủ yếu để lấn đất, lấn biển, chứ chưa dám gây chiến ở châu Âu (ít nhất trong 10-15 năm tới). Cứ xem, họ đã bao năm muốn nuốt chửng Đài Loan, một hòn đảo vốn thuộc Trung Hoa, mà vẫn chưa dám liều gây chiến để chiếm lại, là đủ thấy cái gan của vua chúa nước này lớn đến mức nào.
Nhưng các quốc gia kể trên có thực sự muốn có chiến tranh với châu Âu hay không?
Trước hết xem nước Nga. Gần đây, nhất là từ sau chính biến ở Ukraina đầu 2014, quan hệ giữa Nga và phương Tây đang hết sức căng thẳng. Những cuộc điều binh đến sát biên giới của nhau và những cuộc tập trận quy mô lớn liên tiếp diễn ra, ở Hắc Hải, biển Bắc, biển Baltic, cũng như trên đất liền. Nga đe phương Tây, kể cả răn đe hạt nhân, và phương Tây cũng tỏ ra không sợ. Thậm chí, Nga còn thường xuyên cho máy bay bay đến sát các nước Tây Âu, kể cả vùng trời gần quốc gia Đại Tây Dương là Anh.
Nhưng ta hãy xem lại, nguyên nhân sâu xa của tình trạng căng thẳng như vậy là gì? Câu hỏi này có liên quan đến một câu hỏi khác: Chính quyền Nga, cụ thể là của Putin và đám cận thần, muốn gì?
Cái mà Putin và nhóm cầm quyền Nga nói chung luôn muốn có trong quan hệ với các nước khác trước hết là quyền lực. Nói cho cùng thì đây là ham muốn của bất kỳ nhóm cầm quyền nào, nhất là ở các nước lạc hậu. Tuy nhiên, sự ham quyền lực của các Sa hoàng từ mấy thế kỷ nay còn bao trùm cả một không gian rộng lớn vượt ra ngoài biên giới nước Nga. Trong trường hợp Putin, nó bao trùm toàn bộ “không gian hậu Soviet”. Người Nga ngay từ thời Soviet vốn coi những miền đất của các nước khác trong Liên Bang Soviet như đất của chính mình. Tâm lý đó thậm chí thấm sâu vào máu của cả những người dân thường. Họ không thể hình dung nổi việc Odessa, Donetsk, Krym,… không còn là của họ. (Thậm chí ngay dân Việt ở Nga từ thời Soviet cũng coi những nơi này đương nhiên là của Nga.) Đối với chính Putin thì việc Ukraina hay Gruzia ngả theo phương Tây là điều không thể chấp nhận. Vì vậy, chính quyền Nga sẵn sàng giở thói hung hăng với các nước “đàn em” này, và tỏ thái độ thù địch với phương Tây.
Nhưng ngoài tham vọng bá chủ, Putin và thuộc hạ còn có cả những tham vọng khác, đó là tiền và cuộc sống xa hoa. Putin thích ở Kreml không chỉ vì đó là nơi ông ta có thể ra những mệnh lệnh ảnh hưởng đến hàng trăm triệu người, mà còn vì đó là khoảnh đất có những lâu đài và dinh thự tráng lệ bậc nhất thế giới, không thua kém Élysée hay Versailles của Pháp và có lẽ hơn hẳn khu Nhà Trắng của Hoa Kỳ. Nhưng ngoài Kreml, Putin còn có mấy dinh thự và trang ấp khác mà Obama hay Hollande không bao giờ dám mơ tới. Ông ta còn cho đệ tử đặt hàng làm cả những chiếc du thuyền sang trọng vô song, dùng để du ngoạn với hàng chục gái đẹp. Theo một vài tờ báo phương Tây, ví dụ The Sunday Times của Anh, Putin còn giàu hơn cả những tỉ phú như Bill Gates hay Carlos Slim. Với một tài sản và cuộc sống xa hoa như vậy, Putin không đời nào muốn để nổ ra một cuộc đại chiến giữa Nga và châu Âu.
Trong thế giới Hồi Giáo, thực sự mâu thuẫn với phương Tây chỉ có Iran và Syria. Iran hiện đang cho thấy những dấu hiệu tích cực trong việc cải thiện quan hệ với phương Tây, và các quốc gia trụ cột của phương Tây cũng đang có những cố gắng theo hướng đó. (Tất nhiên, sự cải thiện quan hệ từ phía Iran mới là mong muốn của chính phủ của tổng thống Rohani, còn lãnh đạo tối cao Khamenei thì vẫn thường xuyên tỏ rõ lập trường thù địch với Mỹ.) Syria thì đang ngập sâu trong nội chiến, và những thứ vũ khí nguy hiểm như chất độc hóa học của họ về cơ bản đã bị phá hủy. Nói chung, khả năng hai quốc gia này gây chiến với châu Âu ngay trên lục địa này là khá thấp.
Một lực lượng khác rất nguy hiểm đối với phương Tây là các nhóm khủng bố mang tư tưởng Hồi Giáo cực đoan. Tuy nhiên, dù nguy hiểm đến đâu thì hoạt động chính của các nhóm này cũng chỉ dừng lại ở những cuộc khủng bố chứ không hoặc chưa thể là những cuộc tấn công kéo dài trên bình diện rộng.
Bây giờ xin đề cập đến yêu cầu chính của tác giả bức thư, là “về tình hình quân đội của các nước Châu Âu thiên đường”. Chúng tôi không dám nói là đáp ứng được yêu cầu này, vì hiểu biết về “quân đội các nước châu Âu” của chúng tôi rất ít. Chỉ xin nêu ra vài nhận định của chúng tôi về sức mạnh quân sự của NATO và một vài quốc gia thành viên, thể hiện qua những sự kiện quốc tế quan trọng trong vài thập niên gần đây.
NATO, bao gồm nhiều quốc gia Âu châu và hai nước Bắc Mỹ là Canada và Hoa Kỳ, hiện là một liên minh quân sự rộng lớn nhất và mạnh nhất trên thế giới hiện nay. Hoạt động quân sự của khối này mang tính hiện đại. Khối này sở hữu những loại vũ khí tối tân nhất. Đúng là Nga cũng là một trong những cường quốc quân sự hàng đầu thế giới, với những loại vũ khí “khủng” có tính răn đe cao như tên lửa vượt đại châu mang đầu đạn hạt nhân. Tuy nhiên, trong các xung đột khu vực, không phải lúc nào cũng có thể đem những thứ đó ra mà dùng. Về tổng thể, Nga không có nhiều những loại vũ khí siêu hiện đại như NATO, vì nền kinh tế chưa đủ mạnh để cho phép Nga đổ tiền vào cuộc chạy đua vũ trang ngang bằng với các quốc gia NATO. Nga vẫn còn phải đặt mua của phương Tây một số loại phương tiến chiến tranh (ví dụ gần đây là mua tàu sân bay Mistral của Pháp).
Trong các cuộc xung đột khu vực gần đây, NATO chú trọng bảo vệ sinh mạng cho binh lính của họ. Hai trong những hình thức tấn công mà NATO chọn dùng là không kích và bắn tên lửa có điều khiển từ xa. Mặc dù chỉ với hai hình thức này thì khó có thể kết thúc được cuộc chiến, nhưng chúng cho phép tiêu diệt sinh lực địch một cách rất hiệu quả, trong khi lực lượng phía tấn công chỉ chịu những hao tổn không lớn. Hiệu quả của lối đánh như vậy được thấy rất rõ trong các cuộc xung đột ở Kosovo và Libya và hai cuộc chiến vùng vịnh. Những loại vũ khí “tìm diệt” đã làm cho đối phương của NATO nhanh chóng mất sức chống cự. Một thế mạnh nữa của NATO là các lực lượng phản ứng nhanh của họ (response forces hay forces de réaction, dịch sát nghĩa là “lực lượng đáp trả” hay “lực lượng phản ứng”). Còn trong trường hợp các nước châu Âu buộc phải dùng đến lực lượng lục quân thì với sự hỗ trợ của các quân chủng khác, họ có thể dễ dàng làm chủ tình hình.
Tuy nhiên, chính sách chủ đạo của các chính phủ phương Tây và khối NATO là phải hạ thấp đến mức tối thiểu khả năng xảy ra chiến tranh ngay trên đất của họ.
Nhận thức được sức mạnh của NATO, các kẻ thù của khối này cũng phải dè chừng, không dám tự biến mình thành kẻ đối đầu trực diện với liên minh quân sự này.
Tóm lại, mặc dù có tính cách hiền hòa và không muốn có chiến tranh, các nước châu Âu không hề là những đối thủ đáng coi thường để những thế lực hung hãn có thể dễ bề ăn hiếp, và việc chiến tranh lớn nổ ra trên đất châu Âu là gần như không có trong vài thập niên tới.
Vì không phải chuyên gia nghiên cứu quân sự, chúng tôi chỉ có thể đáp ứng ý kiến bạn đọc trong chừng mực như vậy. Có thể những điều được nói ở đây cũng đã được bạn đọc nghĩ đến rồi.
NGUYỄN TRẦN SÂM
Nguồn Lề Trái
Gửi ý kiến của bạn