BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76706)
(Xem: 63121)
(Xem: 40518)
(Xem: 32141)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Trận đánh cuối cùng của một Đại úy Bộ binh VNCH

12 Tháng Ba 201512:00 SA(Xem: 2530)
Trận đánh cuối cùng của một Đại úy Bộ binh VNCH
54Vote
40Vote
30Vote
21Vote
10Vote
4.45
Các trận đánh cuối cùng của những người lính thuộc Quân lực VNCH trước khi có lệnh buông súng vào ngày 30/4/1975 luôn ám ảnh những cựu quân nhân trong suốt 40 năm qua. Sau đây là hồi ức về 1 trận đánh ở chiến trường Quận Tân Uyên, phía Nam chiến khu D của cựu Đại úy Bộ binh Nguyễn Văn Thanh mà ông cho rằng sẽ không bao giờ quên cho đến ngày nhắm mắt. Bắt đầu cuộc trò chuyện với Hòa Ái, ông Nguyễn Văn Thanh chia sẻ:

Với tôi là 1 quân nhân đã tham gia nhiều chiến trường nhưng với trận đánh này vẫn nằm trong tâm khảm của tôi suốt 40 năm qua. Khía cạnh tôi muốn nói ngày hôm nay không phải ở phương diện giao tranh với súng đạn mà là sự gắn kết giữa người chỉ huy với những người lính thuộc quyền trong những giờ phút thật là đặc biệt, tức là hơn 10 tiếng đồng hồ nữa là chấm dứt một cuộc chiến tranh tương tàn giữa Nam và Bắc.

Một người lính VNCH dìu một người bị thương ở huyện Trảng Bàng, Tây Ninh hôm 27/1/1973. AFP photo


Hòa Ái: Thưa ông, với cấp bậc Đại úy trong vai trò của người chỉ huy, ông đã nhận lệnh hành quân trong trận đánh mà ông cho là cuối cùng của mình với tâm trạng như thế nào?

Cựu Đại úy Nguyễn Văn Thanh: Vào thời điểm đó, ngày 28/4 là ngày rất đặc biệt. Chiều hôm đó có 1 sự kiện lớn xảy ra, phi công Nguyễn Thành Trung trở về oanh kích Tân Sơn Nhất. Và đêm hôm đó diễn ra bàn giao chức vụ tổng thống giữa Tổng thống 7 ngày là ông Trần Văn Hương với Đại tướng Dương Văn Minh. Sau khi làm lễ bàn giao xong, tôi thất vọng vô cùng, tâm trạng rất nặng nề. Lúc đó bao nhiêu đại đơn vị ở miền Bắc đã tràn về hướng Sài Gòn một cách hỗn loạn. Tâm trạng người lính như tôi trong một đơn vị nhỏ, thật rối bời.

Tôi nhớ vào khoảng 9-10 giờ đêm, tôi được lệnh hành quân khẩn cấp. Lệnh hành quân gồm có 2 đại đội phải đến giải tỏa 1 cái đồn để giúp cho địa phương bị Cộng quân tràn ngập buổi chiều. Tôi cầm lệnh hành quân thấy hơi kỳ lạ vì trong mục tình hình địch và tình hình yểm trợ của bạn một cách rất mơ hồ. Tình hình địch thay đổi từng ngày từng giờ, theo tôi biết ở chiến trường này giống như đẩy đơn vị tôi vào cái nơi mà chính tôi cũng không biết đi đâu.

Sau khi toán quân của tôi được mấy chiếc GMC chuyển tới thì tôi định được điểm đổ quân tốt nhất theo bản đồ là tại 1 ngôi chùa hoang cũ kỹ ở cuối làng. Nhìn trên bản đồ thì điểm chúng tôi sẽ phải đến còn cách khoảng chừng 3 cây số nhưng tôi nhìn trên thế địa hình thì gần như bằng phẳng, không có chỗ nào để ẩn nấp mà nếu tiến quân như vậy thì quá nguy hiểm. Tôi gọi về Bộ Chỉ huy hỏi pháo yểm và không yểm. Phòng 3 chỉ trả lời một cách ỡm ờ để báo cho tôi biết những đơn vị pháo của viện địa và sư đoàn nằm quanh đó và không yểm nằm bên phi trường Biên Hòa. Nhưng tôi biết phi trường Biên Hòa đã bắt đầu dời đi rồi, phi cơ đã bay đi gần hết thì tại sao phải nói với tôi như vậy? Là một quân nhân tôi không có quyền thắc mắc nhiều mà chỉ thi hành trước và khiếu nại sau.

Lúc đó trời tờ mờ sáng, chúng tôi vừa bước ra khỏi ngôi đền làng, có thể nói một loạt đầu tiên khoảng từ 20 đến 25 quả đạn pháo 82 bắn vào phía chúng tôi. Chỉ vài người bị thương nhẹ, còn riêng nằm cách tôi chừng mười mấy thước, 1 anh chàng tân binh, mới vừa trình diện đơn vị 3 ngày bị thương, đang cắn răng chịu và rên ‘em đau quá’. Tôi nhìn thì không thấy vết thương nào trầm trọng, nhiều lắm là trúng miểng vì thân thể vẫn lành lặn. Người bị thương đầu tiên này tôi đến hỏi thăm cũng là người chết đầu tiên. Sau khi tôi trở lại thì em này đã chết khô cứng rồi.

Hòa Ái: Và ông quyết định tiến về phía trước trong khi ông có linh cảm là cả đại đội của mình sẽ phải chiến đấu khi không có sự yểm trợ nào hết hay sao?

Cựu Đại úy Nguyễn Văn Thanh: Khi tới chỗ cần tiến sát mục tiêu, đặt ống dòm lên thì tôi thấy tình hình này quá nguy hiểm. Trong lệnh hành quân không cho tôi biết một tin tức gì, chỉ nói là 1 đơn vị lớn nhưng tôi không biết lớn bao nhiêu. Một cuộc hành quân lạ lùng, có vẻ chắp vá một cái gì đó! Cách tôi chừng 200 thước có 1 cái đồi rất cao. Theo kinh nghiệm tôi biết hễ ai nắm cái đồi đó thì ngự trị hết vùng và tôi biết chắc chắn Cộng quân đang chiếm ngữ trên ngọn đồi cao đó. Hóa ra là họ đã chờ chúng tôi ở đó, bắn ra gồm có đại liên, B40 với cái thế chúng tôi tiến 1 bước cũng là bia sống để bị bắn, không thế nào chúng tôi lên được, coi như chúng tôi bị lọt vào 1 thế trận đã gài sẵn. Tôi gọi về Bộ Chỉ huy nói rằng nếu không có pháo binh và không quân dập mục tiêu thì đừng bao giờ kêu tôi vô vì tôi phải bảo vệ lực lượng của tôi. Ở trên nói yên tâm và nằm tại chổ để gọi các đơn vị pháo xung quanh bắn yểm trợ. Tôi ngồi đợi 30 phút, chỉ nghe tiếng pháo và tiếng súng của địch thôi, không nghe tiếng gì khác hết. Khoảng vào 2 giờ chiều, địch quân bắt đầu mở cuộc tấn công chúng tôi, chúng tôi cầm cự vừa lùi vừa bắn. Trên đường rút chúng tôi bị một loạt nặng nhất vào khỏang 40-50 trái pháo.

Lúc đó tôi chỉ còn nghĩ làm sao bảo vệ đàn em mình. Tôi cũng không thể nào mang được một cái xác nào của những người lính ra khỏi vùng họ đã ngã xuống. Khi ra được tới bờ suối, tôi nhìn đàn quân nhếch nhác còn lại mà buồn không thể tưởng. Nếu tôi nhớ không lầm vào khoảng 5:30 giờ chiều, nhìn mờ mịt xa xa là cái gò mả nơi tôi bỏ lại 7 người nằm tại đó và người đầu tiên tôi đề cập là 8 người. Tôi cho tập hợp tất cả, nói với anh em rằng ‘trận đánh coi như đã kết thúc nên tôi ra lệnh cho anh em tuyên bố tan hàng, chia tay với anh em từ đây’.

Hòa Ái: Sau khi tuyên bố giải tán rồi thì điều gì xảy ra, thưa ông?

Cựu Đại úy Nguyễn Văn Thanh: Câu chuyện không đơn giản chúng tôi giải tán là xong. Điều này chỉ có anh em nào từng ở trong quân đội mới chia sẻ tinh thần và trách nhiệm của người lính VNCH cao lắm. Khi đó tôi không dám nhìn anh em, anh em đứng ngơ ngác giống như bầy gà con đang lạc mẹ.

Tôi khoát tay, lắc đầu, nói ‘ thôi, anh em đi đi. Tại vì bây giờ chúng ta càng đi đông càng nguy hiểm, cứ nên phân tán mỏng ra và làm theo ý của mình’. Thế rồi tôi xách súng đi với 3 người từng chết sống với tôi trong nhiều năm. Tôi cứ nhắm về hướng Nam để đi. Tôi không ngờ được sau khi tuyên bố giải tán, đi khoảng 30 phút thì tôi thấy 5 người chạy theo tôi, lên được 8-9 người. Đi một hồi nữa thì có 5-6 người chạy theo nữa. Khi trời mờ mờ gần tối khi tôi ngoảnh nhìn lại thì có tất cả khoảng 20 người theo tôi.

Người nào người nấy cười không cười, khóc không khóc mà làm như họ sắp mất một cái gì lớn lắm. Tâm trạng của họ giống như những đứa con trong gia đình sắp xa nhau. Tôi cảm động vô cùng với tinh thần này. Đêm đó chúng tôi về đến xóm thì tình hình rất nguy hiểm với đầy du kích. Chúng tôi đã cởi áo lính, chỉ mặc áo thun. Chúng tôi vẫn còn súng đạn như thường và chúng tôi đã quăng súng xuống suối hết, đi tay không. Lúc đó tôi không còn nghĩ đến tôi và anh em nhiều mà tôi chỉ nghĩ đến 8 người bạn của tôi đã nằm ở lại. Tôi mong rằng đừng ai bị thương nặng sẽ đau đớn cho họ, nếu có chết thì được chết một cách nhanh hơn.

Cho đến sáng ngày 30/4 hôm sau, tôi đau đớn vô cùng vào khỏang 11-12 giờ khi biết được tin Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng và buông súng. Tôi ngồi tính lại đã để tổn thất 8 anh em và 3 người bị thương nặng trong hơn 10 tiếng đồng hồ. Tôi mang mặc cảm với tội với gia đình của họ quá lớn. Tôi không hiểu tôi đã làm đúng hay sai và gia đình họ sẽ nói sao khi họ nói rằng tại sao đưa người thân của họ vào sự sống chết trong khi chỉ còn 10 tiếng đồng hồ ngưng bắn.

Hẳn nhiên là mình tự trách mình nhiều hơn chứ tôi nghĩ nếu lịch sử lặp lại thì chưa chắc gì tôi làm khác được. Nhưng có điều tôi rất thương mến tinh thần vào giờ chót anh em vẫn đi chung với nhau. Và tới sau 3 giờ chiều ngày hôm đó, chúng tôi ra đường và anh em chúng tôi bị bắt trọn.

Hòa Ái: Kể từ khi bị bắt và bị đi tù trong các trại tập trung cải tạo và thời gian sau khi được trở lại với xã hội, có bao giờ ông gặp lại những người đồng đội của mình và có ai trách cứ ông điều gì không?

Cựu Đại úy Nguyễn Văn Thanh: Cô hỏi câu này làm cho tôi cảm động hơn vì tôi còn mang mặc cảm tội lỗi rất lớn. Trong những ngày bị tù đày, họ không ở tù chung vì họ không cùng cấp và chức với tôi. Tôi ra tù trong hoàn cảnh phải bỏ xứ ra đi vượt biên tới Mỹ nên tôi không có cơ hội nào để gặp ai hết. Tôi vẫn mơ ước được gặp lại một trong những người đó. Mãi hơn 20 năm sau có dịp trở về, tôi có nói ưu tư của tôi nhưng họ nói ‘anh yên tâm, không ai trách anh một tiếng nào’. Họ chỉ nhắc lại kỷ niệm đẹp trong đời quân ngũ mà thôi. Và họ rất hãnh diện đã từng cầm súng trong danh xưng là chiến sĩ của VNCH.

Hòa Ái: Trong hồi ức cuộc đời binh nghiệp của mình, ông có bao giờ nhớ đến những người lính bên kia chiến tuyến mà ông từng đối đầu hay từng gặp gỡ không?

Cựu Đại úy Nguyễn Văn Thanh: Trong suốt cuộc đời binh nghiệp của tôi, tôi đã gặp rất nhiều tù binh. Một trong những người tù binh mà tôi nhớ nhất là khoảng năm 1970, một anh tù binh khoảng chừng 16 tuổi, trẻ măng, nước da xanh nhợt. Ban đầu anh này không nói chuyện, và khi nói thì nói với giọng như chửi bới ‘tụi bay là quân Mỹ Ngụy’. Sau khi ăn xong, tôi cho anh này hút điều thuốc và ngồi nói chuyện vài ba tiếng đồng hồ sau thì con người thật của họ mới từ từ nói ra. Anh này nói ‘ở ngoài đó nếu chúng tôi không đi bộ đội thì chúng tôi bị cắt phiếu gạo’.

Khi đó, tôi cũng không biết ‘cắt phiếu gạo’ là gì, chế độ tem phiếu tôi đâu có biết. Qua ngày hôm sau thì thái độ của anh này khác hẳn. Hình ảnh đó tạo cho tôi thấy hình ảnh người chiến binh Cộng sản lúc đó họ là em tôi chứ không phải là kẻ thù vì con người thật của họ cũng là con người có tình cảm, có gia đình, có người yêu, có cuộc sống. Với tôi hình ảnh người chiến binh (bên kia chiến tuyến) không phải là hình ảnh dữ dằn nhưng tại sao họ hiện diện trong miền Nam để gây cuộc tương tàn? Câu hỏi đó là câu trả lời cho tất cả mọi người.

Hòa Ái: Và nếu như được có cơ hội được chia sẻ với thế hệ trẻ sau chiến tranh thì ông sẽ nói gì?

Cựu Đại úy Nguyễn Văn Thanh: Với tôi thì cuộc chiến VN nên nhìn một cách nhân bản chút xíu. Sự thật trong Quân lực VNCH họ có lý tưởng rất lớn. Lý tưởng đó là chúng tôi cầm súng để bảo vệ trong một cuộc chiến tranh tự vệ. Tôi biết họ là người xâm lược vì họ đã vượt tuyến qua. Nhưng gần đây tôi có nghe câu nói của ông Điếu Cày rằng ‘trong cuộc chiến này không có kẻ bại và người thắng mà chỉ có một người bại duy nhất là bà mẹ VN’. Tôi nghĩ đó là câu đúng nhất.

Những người anh em bộ đội miền Bắc nói cho cùng cũng là người bị đưa vào chiến trường chứ họ cũng không biết gì hết. Thành ra tôi thấy cuộc chiến tranh gọi là tương tàn Nam Bắc đã tiêu đi gần 5 triệu con người thật là oan uổng. Và hơn nữa, nhìn lại đất nước ngày hôm nay, tôi thất vọng vì bao nhiêu tài vật và sinh mạng đã đổ ra mà hôm nay kết quả của đất nước không ra gì. Tôi mong rằng có một sự chuyển đổi-‘chuyển đổi mềm’ vừa tiết kiệm xương máu mà Nhân dân VN có 1 ngày tươi sáng hơn. Mong ước của tôi là tuổi trẻ phải biết được làm sao hướng về Tổ quốc VN phải có Tự do-Độc lập-Nhân quyền một cách thật sự nhưng không kinh qua một giọt máu và cuộc chiến tranh nào hết.

Hòa Ái: Xin chân thành cảm ơn thời gian chia sẻ của ông Nguyễn Văn Thanh với thính giả của đài ACTD.

Hòa Ái, phóng viên RFA

06-03-2015

Nguồn RFA
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn