BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73501)
(Xem: 62250)
(Xem: 39442)
(Xem: 31185)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Nhân vài ba chuyện Xưa và Nay

12 Tháng Hai 201512:00 SA(Xem: 3436)
Nhân vài ba chuyện Xưa và Nay
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
1. Tôi có cô cháu gái sinh ra tại Sàigòn sau ngày bố mẹ cháu chạy loạn cộng sản năm 1954 khi họ vào tiếp quản các đô thị ở miền Bắc. Năm 1975, theo… dớp gia đình, cháu tôi theo cha (vì mẹ đã mất) lại chạy sang Úc khi “bên thắng cuộc… tiến về thành đô!” và những người đó đã mang cái thân bé nhỏ của mình gom nên một cộng đồng Việt “vĩ đại” (ấy là cậu cháu tôi nói với nhau như thế) ở năm châu bốn biển. Trước kia, cái thời của tôi – người viết bài này chỉ nghe thấy bên ngoài đất nước mình nơi nơi có “Quartier Chinois", "Chinatown” (khu/phố Tàu)… hoặc như ngay bên hông Sàigòn từ rất lâu đã có hẳn một thành phố cũng không hề nhỏ mang tên Chợ Lớn dung chứa những người Trung Hoa lập nghiệp, sinh sống bên nhau và bên người Việt nói chung khá là thân thiện và, chính quyền mọi thời trước kia cũng chẳng đến nỗi phải quá bận tâm, xua đuổi để gây nên mối hận thù giữa “các đồng chí môi hở răng lạnh” như ta đã biết. Họ - những người Trung Hoa tha hương ấy tuyệt đại đa số là hậu duệ của những người chạy loạn… tam quốc, lục-thất-bát quốc… khi các đấng con trời xâu xé nhau tại chính quốc để đoạt quyền bính. Hóa ra ngày nay, “đảng ta” cũng đã có công lớn lao như “mẫu quốc” của họ là tạo ra ở ngoài nước Việt những dẻo đất… “của” người Việt như Little Saigon trên đất Cờ Hoa chẳng hạn.

Trở lại chuyện cậu cháu tôi: Ngày thì trôi, tháng thì bay như… mây bay! Cháu gái bé bỏng của tôi năm nào nay đã trở thành… một bà lão top U60. Người ta nói Trẻ sau già trước – có nghĩa người trẻ tuổi chỉ hay ước mơ hướng tới tương lai còn người già chỉ thích ôn lại dĩ vãng đẹp đẽ đáng nhớ của đời mình. Cháu tôi cũng không ngoại lệ. “Cậu ơi! Cháu nhớ bố cháu quá. Thương cháu mồ côi mẹ từ nhỏ bố cháu chiều cháu lắm. Ngày cháu còn đi học, thấy bạn có xe máy đến trường cháu về nói chuyện là bố cháu mua ngay cho cháu cái sô-lêch (Solex). Cháu thấy loại xe này chạy trên phố toàn màu đen mà bố cháu kiếm đâu được cái màu trắng đẹp ơi là đẹp cậu à. Quần trắng, áo dài trắng, cưỡi xe trắng đến trường làm các bạn trai cùng lớp, lớp trên, lớp dưới thậm chí vài giáo sư trẻ cũng nhìn như ngưỡng mộ làm cháu ngượng quá và cũng hãnh diện quá!” Lúc khác thì “bà già” lại viết rằng: “Mất mẹ nên trong nhà cô Bích rất thương cháu. Đi đâu cô cũng cho đi. Buồn cười nhất lần đi chợ đầu tiên với cô. Nhà cháu Lê Thánh Tôn, ra chợ Bến Thành cậu biết đó có ba bước lận mà cô cứ bắt cháu mặc áo dài như cô và mắng hoài sao con ngu thế ra đường mà ăn mặc cũn cỡn bộ đồ ở nhà thế kia như dân bụi đời à! Sàigòn của cháu (vì cậu ở lại Hànội cùng ông bà ngoại nên không biết đâu) – Sàigòn đẹp từ cái nhỏ như thế đó. Năm rồi, nhân cho thằng con trai cháu về chơi (Chả lẽ gần 30 tuổi nó không biết Cố hương là gì ư?) cháu thấy Sàigòn hình như… cao hơn lên thì phải (vì nhiều building hơn) khi ngước lên cao, nhưng khi nhìn ngang và xuống đất thì chao ôi sao nó nhem nhuốc và bẩn tệ! Đường phố thì bụi mù và nhiều rác rển, quanh chân mấy tượng đài cũng rác ơi là rác! Ăn mặc thì ôi thôi… nhất là nữ phái trẻ già đều cũn cỡn, sộc xệch, kệch kỡm…”. Cứ thế “lão bà” nhận xét, phê phán, ngán ngẩm với Hòn Ngọc Viễn Đông xưa hết lời rồi quay lại tụng ca, luyến nhớ dĩ vãng. Hòa với dòng… vọng cổ của cháu, tôi cũng nói lên sự mất mát quá lớn của Hànội về mọi mặt cho cháu hiểu và nói với cháu rằng ở Việt Nam bây giờ người ta từng than: Bao giờ cho đến ngày xưa! (Để minh họa chủ đề, tôi gửi cho cháu 2 tấm hình chụp gần như cùng góc độ, ở tại một nơi và vẫn là ngôi nhà ba tầng ấy mà một bạn chí cốt của tôi cho mượn. Một tấm chụp năm 1952, một tấm chụp năm 2011. Thời điểm chụp đều vào một buổi sáng ngày Tết khi đường phố còn thưa vắng, và đố cháu xác định thời gian bấm máy của các tác giả!)


Hình nào chụp năm 1952? Hình nào chụp 59 năm sau?!


(Phố Hàng Thiếc – Hànội)


“Trời ơi! Bao giờ cho đến ngày xưa! Ai nói câu đó mà hay quá trời cậu? Như thơ như mộng vậy. Bao-giờ-cho-đến-ngày-xưa! Ước mơ... về dĩ vãng tươi đẹp có lẽ chỉ dân tộc Việt mình mới có phải không cậu?”. – Cháu tôi viết tiếp trên e-mail sau đó.

Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương… Có lẽ cậu cháu tôi đã hòa đồng trong tâm tưởng Cảnh thì tang thương/ Tình thì hoài cổ cùng Bà huyện Thanh Quan trong Thăng Long hoài cổ và, tôi chợt nghĩ đến đôi ba chuyện liên quan đến chủ đề Xưa và Nay khi đọc sách báo, xin phép được trích đoạn ra sau đây.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam vừa tưng bừng kỷ niệm 85 năm ngày thành lập của họ. Kể nếu họ cứ kỷ niệm trong đảng với nhau thì lại đi một nhẽ và đó là quyền của họ, nhưng… họ cho người đi từng nhà nhắc treo cờ, tức bắt cả 90 triệu dân cũng phải “tưng bừng” như họ mới… tức! Riêng cái ngày lúc thì 6 tháng Giêng, lúc thì 3 tháng Hai cũng đã đủ… tức cười! (Người viết tôi có người anh đã từng được kết nạp lớp đảng viên 6 tháng Giêng nên tôi nhớ chuyện này lắm mà!). Cái ngày… chỉ là chuyện nhỏ. Còn 85 năm qua, có lẽ sự kiện cho tới nay ĐCSVN tự hào nhất (và luôn “ăn mày dĩ vãng”) là cuộc chiến kéo dài suốt 30 năm (1945-1975) làm từ 5 đến 6 triệu con dân Việt chết. Con số này đương nhiên chỉ là ước đoán vì không ai có thể có thống kê chính xác sau những cuộc chiến khốc liệt đã qua, nhiều nhà nghiên cứu còn nói đến con số khủng khiếp hơn là hàng chục triệu[1] (!); hơn nữa, chính ĐCSVN “cũng ăn bớt đi” – như không thừa nhận có “cuộc tàn sát giữa các anh em cùng ý thức hệ” vào năm 1979 ở biên giới phía Bắc và tại Cambodge như lời tuyến bố của ông Trọng Lú – Lú ăn người rằng: “Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã có gần 160.000 đảng viên hy sinh” tại lễ kỷ niệm 85 năm thành lập ĐCSVN.[2] Đúng là không gì trơ trẽn, phải nói là đểu cáng hơn khi trong một đoạn dài ông chỉ nhắc đến những đồng chí của ông hy sinh cho ông lên ngai vàng còn triệu triệu người dân bị các ông lừa đảo lao vào cuộc chém giết ghê rợn thì ông… lờ tịt! “Chiến công” này của họ “tự nó có ý nghĩa, nó là sự thú nhận rằng ngoài cuộc chiến này họ không thể khoe khoang một công lao nào khác”.[3]


Trong hồi ký của mình, cụ Trần Trọng Kim viết: “Lúc bấy giờ người Nhật có đến bảo tôi: "Quân đội Nhật còn trách nhiệm giữ trật tự cho đến khi quân Đồng Minh đến thay. Nếu chính phủ Việt Nam công nhiên có lời mời quân Nhật giúp, quân Nhật còn có thể giữ trật tự". Tôi nghĩ quân Nhật đã đầu hàng, quân Đồng Minh sắp đến, mình nhờ quân Nhật đánh người mình còn nghĩa lý gì nữa, và lại mang tiếng "cõng rắn cắn gà nhà". Tôi từ chối không nhận.”[4]. “quân nhật còn có thể giữ trậy tự” có nghĩa là với 50.000 quân tinh nhuệ [họ] có thể dẹp Việt Minh trong vòng một đêm, Việt Minh có quá lắm là 5.000 người còn súng ống lại càng quá ít.” [5].

Ôi Bao giờ cho đến ngày xưa để dân Việt ta có một cụ Thủ tướng không muốn "cõng rắn cắn gà nhà", không muốn nồi da xáo thịt, không muốn lũ con cháu của Cha Lạc Long Quân và Mẹ Âu Cơ “dũng mãnh” xông vào chém giết lẫn nhau cho cuốn “sổ vàng… khè” của “đảng ta” ghi danh các “liệt sĩ” và “bà mẹ Việt Nam anh hùng” thêm dài cho… đẹp mặt đảng, cho ông Trọng Lú vênh vang!!!

3. Chuyện xảy ra vào tháng đầu năm 1974.

Với mấy cụ U70, U80 hay U90 thì chuyện 1974 như chuyện… hôm qua – còn mới toanh và vẫn mang tính thời sự nóng hổi không dễ quên đi được! Nhưng, một cô bé hay cậu bé ra đời năm tháng đó thì nay đã 41 tuổi – cái tuổi trưởng thành, tràn đầy sức mạnh và khả năng tiềm tàng đối với những con người có ý chí (như Clinton và Obama làm Tổng thống ở tuổi 47, 48) phần đông đã là cha, là mẹ; và cô cậu nào… “phát” sớm có khi đã chuẩn bị lên “hàm”… ông bà nội ngoại thì chuyện năm 1974 đã là chuyện “xưa như Diễm” rồi!


Chuyện rằng: Khi còn trong quân ngũ Không lực Việt Nam Cộng hòa, đại tá anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam Nguyễn Thành Trung đã được dự những buổi bàn định tiêu diệt quân Trung cộng khi chúng xâm chiếm Hoàng Sa. Sau những trận hải chiến ác liệt, hải quân của Việt Nam Cộng hoà không thể đổ bộ chiếm lại đảo được. Ngày 19.1.1974, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu điều năm phi đoàn F5, bốn ở sân bay Biên Hoà, một ở sân bay Đà Nẵng, mỗi phi đoàn có 24 máy bay và 120 phi công ra Đà Nẵng chuẩn bị đánh lấy lại Hoàng Sa. Mọi người rất phấn khởi, tụi tôi đi ra với tư thế là đi lấy lại một phần lãnh thổ đất nước. Sĩ quan cấp tá ở các phi đoàn 520 – Nguyễn Văn Dũng, 536 – Đàm Thượng Vũ, 540 – Nguyễn Văn Thanh, 544 – Đặng Văn Quang, 538 – Nguyễn Văn Giàu đều đã lên kế hoạch tác chiến kỹ lưỡng.150 phi công thuộc sáu phi đoàn F5 của không lực Việt Nam Cộng hoà khi đó đều ký tên chung vào một lá đơn tình nguyện “Xin được chết vì Hoàng Sa”. Còn nữa: “Khí thế phi công lúc đó hừng hực, mấy anh chỉ huy trưởng từ đại tá trở xuống đòi đi đánh trước. Tất cả háo hức chờ đến giờ G là xuất kích.[6] Ông Trung nói có lá đơn có chữ ký của 150 phi công “Xin được chết vì Hoàng Sa” – đọc mấy chữ này tôi gai cả người vì sung sướng, hãnh diện được là đồng tộc của những “sĩ quan ngụy” này! Và tôi lại muốn thốt lên: Bao giờ cho đến ngày xưa để đất nước này có những quân nhân biết nhận chân kẻ thù truyền kiếp như vậy. Bao giờ thì có những người lính như vậy hỡi ông đại tướng Phùng Quang Thanh – người mà khi giàn khoan HD 981 của giặc đang nằm chình ình trên lãnh hải Tổ quốc mà giữa Hội nghị đối thoại Shangri-La về quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 13 (31/5/2014) vẫn mở mồm ra nói rằng: “Quan hệ giữa Việt Nam và nước bạn láng giềng Trung Quốc về tổng thể trên các mặt đang phát triển tốt đẹp”[7] thì không thể hiểu nổi cái óc của ông là óc con gì và dân tộc này còn trông mong gì ở ông Bộ trưởng có chức trách chủ yếu phòng vệ đất nước đây!


(Về ông Nguyễn Thành Trung thì có quá nhiều ý kiến ngược nhau, người viết xin không bàn ở đây và nếu có dịp xin trở lại sau).




Võ Nguyên Giáp chúc mừng Nguyễn Thành Trung

4. Vẫn ông phi công phản loạn Nguyễn Thành Trung năm xưa, khi trả lời câu hỏi sau khi ông làm loạn như thế thì chính quyền VNCH đối xử với vợ con ông ra sao và ông có lo lắng gì không, ông đã nói: thời gian sống trong đội ngũ không lực Sài Gòn cho tôi một niềm tin rằng vợ tôi, một người phụ nữ không liên quan gì đến công việc của tôi, con tôi còn quá nhỏ (đứa lớn mới 5 tuổi, đứa nhỏ chưa tròn năm) sẽ không bị đối xử một cách tàn nhẫn. Thực tế diễn ra đúng như tôi dự đoán. Cánh an ninh không quân đưa xe đến nhà bắt vợ con tôi. Vợ tôi phản đối vì mình không biết gì về công việc của chồng. Họ từ tốn: “Thưa bà, chúng tôi không bắt bà (nếu bắt chúng tôi đã dùng còng số 8, trói bà chẳng hạn), chúng tôi tới đây mời bà vào phòng an ninh sư đoàn, với trách nhiệm bảo vệ sự an toàn tính mạng của bà và các con bà. Nếu bà có tài sản quý giá nào thì bà cứ mang theo”. Một tuần sau vợ và con tôi bị đưa từ Biên Hoà về số 4 Nguyễn Bỉnh Khiêm - Sài Gòn cho đến ngày 30.4.1975. Đương nhiên, họ vẫn điều tra vợ tôi về những gì liên quan đến tôi, nhưng không bị đối xử vô nhân đạo. Có thể đó là những người có học và biết cách ứng xử một cách văn hoá với người thân của kẻ thù. Trong thời gian vợ tôi bị giam ở số 4 Nguyễn Bỉnh Khiêm, trung tướng không quân Trần Văn Minh đến thăm với tư cách người chỉ huy có một người lính phản chiến. Ông ấy hỏi vợ tôi có cần bạn bè, người thân đến chuyện trò gì không hay cần mua sắm gì thì ông sẽ giúp đỡ”.[8] Như vậy thì, ông Trung là một đảng viên… nhưng mà tốt! (như cách nói của người VN ngày nay về số ít đảng viên còn giữ được tư cách làm người). Ông nói rất hay – chính quyền VNCH là những người có học và biết cách ứng xử một cách văn hoá với người thân của kẻ thù”. Còn “đảng ta” đối với chính đồng chí của mình thì ra sao? Chuyện này có quá nhiều dẫn chứng bạn đọc có thể đã hay, nhưng tôi xin nói đến một trường hợp mà tôi biết.




Ông Trương Văn Ẩm chụp tại Hoa Kỳ ngày 26/1/2015. Hình do ông Trương Văn Ẩm gửi RFA


Ông Trương Văn Ẩm, người tổ chức “Cướp máy bay quân sự để vượt biênnăm 1979 trong cuộc phỏng vấn của Hòa Ái, BBC cho biết sự chia sẻ của Thượng úy phi công “chế độ mới” Tiêu Khánh Nha như sau: “Ông nói cái vụ chiến tranh biên giới năm 1978 [1979 thì đúng hơn?], tôi mang họ Tiêu, nó nói tôi gốc Tàu mà tôi có biết ông cố nội tôi có phải Tàu không. Nhưng bây giờ nó muốn hất tôi ra khỏi sân bay, không cho tôi được phép đi tới gần máy bay, chờ nó cho về vườn thôi”.[9] Anh Nha là người chúng tôi quen biết, trong suốt quá trình anh em gần nhau chưa một lần chúng tôi thấy ảnh phàn nàn hay tỏ ra bất mãn gì với chế độ. Phi công – một vị trí trong mơ của tuổi trẻ thì anh còn bất mãn nỗi gì, còn mơ mộng chi nữa? Hơn nữa, theo chúng tôi biết, Tiêu Khánh Nha còn là phi công có rất nhiều thành tích trong những phi vụ bay làm nhiệm vụ hồi Việt cộng đem quân tiến chiếm Cambodge, và hình như (tôi không dám quả đoán) còn có dự kiến phong danh hiệu Anh hùng như ông đại tá Trung ở chuyện trên! Có lẽ “muốn hất tôi ra khỏi sân bay, không cho tôi được phép đi tới gần máy bay, chờ nó cho về vườn thôi” chỉ vì chuyện “tôi mang họ Tiêu, nó nói tôi gốc Tàu mà tôi có biết ông cố nội tôi có phải Tàu không” (tức nghi anh là đồng tộc và có thể làm… nội gián cho “bác Mao không bao giờ sai” – lời Hồ Chí Minh) đã đưa ảnh đến quyết định phải ra đi “làm náo loạn không những Tòa Bạch Ốc, Ngũ Giác Đài, mà náo loạn cả nước Mỹ và thế giới”.[10] Chính chúng tôi, những người có quen biết anh Nha ít nhiều hồi đó cũng vô cùng ngạc nhiên và khâm phục trước hành động phi thường này của ảnh, đồng thời, bao phủ quanh hành động đó là không biết bao giai thoại về Tiêu Khánh Nha, người mang án tử hình khiếm diện được truyền tụng – tuy nhiên đó lại không phải là điều chúng tôi muốn kể ra đây vì rất, rất nhiều, và dài, sợ làm lạc chủ đề bài viết.

Không cứ anh Nha bị nghi vấn “gốc Tầu” mà ngay đến “anh hùng phản chiến” kể trên cũng bị đảng của anh cảnh giác nốt. Ta hãy nghe ông Trung kể ở một đoạn khác: F5 là máy bay chiến đấu hiện đại nhất của Sài Gòn lúc bấy giờ mà Mỹ bỏ lại mấy phi đoàn nhưng không có người bay. Giá trị vậy nhưng bỏ lại quá lâu bị hư hại nhiều, có chiếc bị bắn phá thủng lỗ chỗ. Nhiều chiếc còn bị bộ đội tiếp quản tháo đi những tiện nghi nội thất hay linh kiện quan trọng… Sau khi thành lập bộ phận tiếp quản, tôi nhận nhiệm vụ làm sống lại những chiếc máy bay này. Khi sửa xong, tôi là người bay thử. Phi công bay thử của người ta điều kiện bảo hiểm ngặt nghèo lắm, còn tôi thì như con thiêu thân. Gần 50 lần bay như thế, tôi luôn sẵn sàng tình huống nhảy dù khẩn cấp bởi máy bay có thể hư bất cứ lúc nào. Mỗi lần bay, nhiên liệu chỉ cung cấp đủ phân nửa cơ số. Vốn là người nhạy cảm trong cuộc sống, con ruồi bay qua tôi phân biệt ruồi đực hay ruồi cái, huống chi chuyện nhiên liệu chỉ đủ bay một vòng trong bán kính hẹp. Điều lăn tăn mà tôi kể trên là như vậy đó.” Có lẽ sợ ông Trung quen “bơ thừa sữa cặn” khi nằm vùng, nay về với đảng bị vỡ mộng bởi thực tế hàng ngày nên đảng “cầm đằng chuôi”, đảng liền cho “nhiên liệu chỉ đủ bay một vòng trong bán kính hẹp”, thế là “đảng ta” an tâm rồi: đố mày “bốc” nổi như thằng Nha a!

Chuyện Xưa thì như thế mà Nay thì như vậy. Thật ngán ngẩm với “đảng ta” quá trời!

5. Trong tác phẩm của mình, nhà thơ Trần Đĩnh viết rằng: Bố Vấn (trước kia mở trường ở Lý Quốc Sư thuê cả Trường Chinh dạy nhưng Trường Chinh đốt cổng chào bị bắt, bố Vấn bị mật thám thẩm vấn liên quan) có một biệt thự 400 mét vuông ở số 5 Đinh Công Tráng. Kháng chiến, cả nhà tản cư về quê. Năm 1952, mọi thứ dắt lưng bán hết, đói, hồi cư. Việc đầu tiên cụ vào Sài Gòn đòi tiền gửi Ngân hàng Đông Dương. Không lấy cớ cụ ra kháng chiến là chống Pháp để quịt cụ, ngân hàng vẫn trả cụ vốn lãi sòng phẳng. Còn ngôi biệt thự thì một đại uý hải quân Pháp đang ở. Cụ đòi, viên sĩ quan này trả liền và trước khi trả đã gọi thợ tu sửa lại như mới. Đặc biệt khi gia chủ nhận nhà thì cũng nhận luôn cả một tệp tài khoản gửi ở ngân hàng gọi là tiền “thuê nhà khi vắng chủ”.

Năm 1955, bố Vấn cho hai cán bộ trí thức thuê hai phòng lớn ở tầng trệt biệt thự này làm văn phòng, có hợp đồng với chữ ký, con dấu của chính quyền hẳn hoi. Hai vị chiếm béng. Bố Vấn kiện. Toà án kêu cho cụ ba tháng tù treo. Tội là phản ứng lại cuộc cải tạo công thương nghiệp tư bản.

… Trong thời gian “cải tạo”, cán bộ đến nhà Vấn thường nhận xét nhà gì mà đến những năm sáu chiếc Pơ-giô cơ chứ! Ý là xa hoa sa đoạ! Tặng một thế là yên.” [11]

Mồng một tết Canh Dần (1950) tại tòa soạn báo Sự Thật : Trường Chinh mặc blu-dông Mỹ đứng giữa. Từ Trường Chinh sang phải là Quang Đạm, Xuân Thủy, Lê Quang Đạo, Trần Đĩnh hai tay đút áo blu-dông da, co một chân tựa cầu thang. Trên đỉnh thang là Nam Cao, Thép Mới. Đầu cùng bên phải là Kỳ Vân khoanh hai tay.


Chỉ một đoạn văn ngắn, ông nhà thơ đã cho ta một chuỗi sự việc “đối nhau” chan chát giữa Xưa và Nay, giữa cái Đẹp và cái Tồi tệ để rồi mà giận, mà mơ…

Về “những điều xấu xa” (!) trong chế độ đế quốc phong kiến Nhạc sĩ Phạm Duy cũng cho biết:

“Nay ông bố vợ về Hà Nội và gặp mẹ tôi trước khi mẹ tôi mất. Mẹ tôi đã biết tin tôi lấy vợ. Mẹ tôi nói: "Nó lấy được con gái ông bà là tốt lắm đấy." Trong kháng chiến có biết bao nhiêu gia đình bặt tin nhau, cha mẹ chết đi, vài ba năm sau con cháu mới biết. Con cái thành vợ thành chồng, có cháu đầu lòng mà có khi cha mẹ không biết. Tôi tự an ủi là mình có phúc. Bố vợ còn đem ra cho tôi thêm một niềm an ủi khác nữa: một số bài hát kháng chiến của tôi được ấn hành ở trong thành. Một nhà xuất bản trao tiền tác giả cho mẹ tôi. Tôi coi đó là một sự báo hiếu của tôi, rất nhỏ nhoi nhưng rất cần thiết.

Mừng hơn nữa là bố vợ cũng mang ra cho tôi một số tiền tác giả của một nhà xuất bản khác. Tôi có đủ tiền để chi phí cho việc hộ sinh và việc nuôi đứa con đầu lòng nay mai, khỏi cần phải vay mượn hay nhờ vả chính quyền. Vả tới mãi bây giờ mới có thể sắm một cái nhẫn cưới cho vợ.”[12]

6. Người ta vẫn tự hỏi tại sao dưới chế độ tươi đẹp “hơn triệu lần” chế độ cũ “cần phải đánh đổ” mà xã hội do đảng Cộng sản Việt Nam độc quyền lãnh đạo gần một thế kỷ qua vẫn ngày càng tha hóa một cách toàn diện như vậy? Một người bạn của chúng tôi đã trả lời như sau: Thật dễ hiểu, vì về bản chất nhà nước này vẫn chỉ là một… nhà nước tự xưng như bọn IS mà thôi! Trời ơi! Ông bạn thông thái quá – chúng tôi đùa bạn như vậy vì vừa rồi ông Nguyễn Gia Kiểng cũng nói “Chế độ CSVN thực ra không khác bọn khủng bố Hồi giáo về bản chất”[13]. Nhìn tấm hình anh nhà báo Nhật Bản bị bọn IS hành quyết (mà tôi không dám đưa vào đây): Tấm thân không đầu đổ sập trên bãi đá, tay bị còng quặt ra sau lưng, cái đầu anh được đặt trên lưng… làm tôi rùng mình và chợt hiện về trong tôi cái hình ảnh cũng ghê rợn không kém trong trí nhớ trẻ thơ vào năm 1945: Trên đường cái dẫn ra bến sông quê tôi, người ta đào sẵn mấy cái hố (như hố cá nhân nấp máy bay sau bày), bên miệng hố thi thoảng tôi thấy có người đàn ông quỳ mọp, cái mã tấu loang loáng bay lên và chém xuống là cái đầu người đó rơi vào hố, cái thân có khi rơi theo, có khi được người đàn ông khác đứng gần đó đạp hay gạt xuống rồi lấp đất… Sau này lớn lên tôi được nghe và biết rằng những người bị giết do Việt Minh nghi là Việt gian, hoặc đặc vụ Tưởng Giới Thạch… có khi chỉ là một người đàn ông lạ ăn mặc tuềnh toàng đi qua làng bị xét hỏi giấy tờ sợ quá ú ớ nói không rõ tiếng, hoặc một ông người Mán gánh đôi bồ đi bán thuốc dạo qua làng. Ở cái tuổi “Năm nay tôi lên bảy. Tôi đã lớn. Tôi không chơi đùa lêu lổng như mấy năm còn bé…”[14] thì hình ảnh giết người dã man như vậy làm sao tôi xóa đi được trong bộ nhớ của mình! Cái khác nhau là: bọn IS giết người Nhật Bản, còn Việt Minh giết người đồng chủng! Xin Quý bạn đọc cho biết cảm nghĩ của mình?

Bị chặt đầu, bị đập đầu bằng khúc cây 3 phân vuông cho đến khi xương sọ bị bể ra hay bị bẹp dí, hoặc bị cho đi mò tôm( bị trói cùng với một viên đá tảng và bị đạp xuống sông) là những thảm cảnh mà người dân quê phải gánh chịu thưòng xuyên ở các vùng thôn quê, xa xôi, hẻo lánh, nhất là các vùng xôi đậu (quốc gia và cộng sản lẫn lộn như xôi với đậu, hoặc ban ngày quốc gia ban đêm cộng sản).


Khi nói về nhà nước tự xưng bạn chúng tôi giải thích thêm: Này nhé, năm 1945 khi “bác vô vàn kính yêu của chúng ta” đọc Tuyên ngôn độc lập xong thì những ai công nhận nền độc lập đó? Chẳng ai cả. Đến nỗi tới 1950 lận, “bác” mới phải sang Tàu để định bám Mao sang cầu cứu Đế chế đỏ, nhưng Mao đã tếch trước mà không chờ, “bác” phải lặn lội một mình mà sang Điện Cẩm Linh, tới nơi mãi mới được Staline cho có mặt nhân Ngày 16/2, chính phủ Liên Xô tổ chức chiêu đãi trọng thể Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai và toàn thể đoàn viên đại biểu Trung Quốc tại điện Kremli. Những người phụ trách đảng chính quyền quân đội Liên Xô hầu hết đều tham gia, Hồ Chí Minh và các đồng chí Việt Nam cũng được mời đến dự”. Trong cuộc “hội ngộ” chẳng lấy gì làm thân thiết và vinh dự này, “bác ta” liền nắm lấy thời cơ (cái này thì “bác ta”… hơi bị diệu nghệ!), nín thở, bạo phổi thưa rằng: “Đồng chí còn có chỉ thị gì nữa đối với công tác của Việt Nam chúng tôi không ”. Stalin cười: “Tôi làm sao có thể chỉ thị cho đồng chí, đồng chí là Chủ tịch nước, quan còn to hơn tôi mà!” Hồ Chí Minh lại nói: “Các đồng chí đã ký hiệp ước với Trung Quốc, nhân tôi ở đây, chúng tôi cũng muốn ký một hiệp ước!”. Stalin nói: “Thế người ta hỏi đồng chí từ đâu ra? Chúng tôi giải thích như thế nào!” Hồ Chí Minh nói: “Điều đó rất dễ, đồng chí cho chiếc máy bay chở tôi lượn một vòng trên trời, sau đó cho người ra sân bay đón tôi, đưa một tin trên báo, không được sao?”. Stalin cười lớn nói: “Đó quả là sức tưởng tượng đặc biệt của người phương Đông các anh”. Rất nhiều người dự tiệc cũng đều cười vang lên.” [15] Bị Hoàng đế đỏ “của phe ta” hạ nhục, không thừa nhận, “bác của chúng ta” – chủ tịch một nhà nước tự xưng liền lóp cóp bám Mao leo lên xe lửa về nước như hồi ký của viên cố vấn nọ viết. Chưa hết đâu các bạn yêu quý ạ – bạn chúng tôi nói tiếp: Cho tới tận bây chừ năm 2015 này, cái nhà nước Cộng hòa xấu hổ cả nút (XHCN) này vẫn chỉ là một nhà nước tự xưng không hơn không kém! Nhà nước chân chính phải do Quốc hội chân chính cử ra, mà cái quốc hội này bao năm nay chỉ là một sự lừa đảo, ép buộc nhân dân bầu rặt những thành phần do ĐCS “cơ cấu” qua Mặt trận của họ giới thiệu thì nó đại diện gì cho dân? Rõ ràng là trước kia thì họ cướp chính quyền (chữ của chính họ) hợp pháp của Thủ tướng hợp pháp Trần Trọng Kim, nay thì họ tìm trăm phương nghìn kế tiếm quyền tự do làm chủ của người dân, vậy họ chẳng là Nhà nước tự xưng là gì? Cướp chính quyền của một Chính phủ hợp pháp; Tiếm quyền làm chủ của Nhân dân mà cứ leo lẻo, ra rả nói lấy được, nói không biết ngượng suốt mấy chục năm qua là họ lãnh đạo đất nước này vì nhân dân đã lựa chọn, lịch sử đã lựa chọn! Quả đúng như tướng Trần Độ đã từng có nhận xét: Họ không xấu hổ, họ không biết xấu hổ, họ không cần xấu hổ, họ không thèm xấu hổ![16] Cho nên câu trên kia của ông Nguyễn Gia Kiểng là chí lý lắm, chí lý lắm ru!!!

Thật bất hạnh cho dân tộc tôi! Ôi, Bao giờ cho đến ngày xưa!

Nguyễn Hữu Hànội

Ngày 11/02/2015 – Ngày ông Táo – Tết Ất Mùi







[1] Thời ngục tù, Phạm Đình Trọng, Bán nguyệt san Tổ Quốc, số 197 ngày 1-2-2015, trang 10





[3] Bán nguyệt san Tổ Quốc, số 197 ngày 1-2-2015. Thư tòa soạn, trang 1




[4] Một cơn gió bụi, Trần Trọng Kim, NXB Vĩnh Sơn – 1969, trang 93 or

http://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237nnnmn4n4n31n343tq83a3q3m3237nvn#phandau




[5] Đèn Cù II, Trần Đĩnh, Chương 46



[6] Có một giờ G khác vào năm 1974, Đại tá, anh hùng phi công Nguyễn Thành Trung


http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2013-04-26-co-mot-gio-g-khac-vao-nam-1974




[8] Có một giờ G khác vào năm 1974






[9] Bài vừa dẫn




[10] Bài đang dẫn




[11] Đèn Cù II, Trần Đĩnh, Chương 8





[13] Bán nguyệt san Tổ Quốc, số 197 ngày 1-2-2015, Một thoáng tự do và thân ái, Nguyễn Gia Kiểng, trang 12




[14] Bài Tôi đi học, Quốc văn Giáo khoa thư, lớp Đông Ấu




[15] Hồi ký cố vấn Trung Quốc, Phần 2: Trương Quảng Hoa, http://www.diendan.org/the-gioi/hoi-ki-co-van-trung-quoc-2




[16] Hương Ly – BBC phỏng vấn tướng Trần Độ, tháng 6/2002.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn