BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73502)
(Xem: 62250)
(Xem: 39442)
(Xem: 31185)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Thục Vũ, cầu vồng thất sắc

29 Tháng Giêng 201512:00 SA(Xem: 1123)
Thục Vũ, cầu vồng thất sắc
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Không phải sự tình cờ mà trong kỳ báo trước, mục Thời Sự Nhân Văn của trang Văn Học Nghệ Thuật Thứ Năm đăng bài “Tháng Tận Năm Cùng Sự Chẳng Cùng.” Thứ nhất, người viết đã chọn thơ của các thi sĩ chết trẻ, thứ hai, bài viết đã dùng tấm tranh họa lại hình ảnh Cầu Vồng khắc trên một trong chín cỗ đỉnh, Huyền Đỉnh, tại Huế. Cầu vồng có bảy sắc, cầu vồng của thi ca mệnh yểu tất cũng phải có ít nhất bảy người, đúng hơn là bảy lớp tuổi.

Chúng ta đã có Quách Thoại mất năm 27 tuổi, Hàn Mặc Tử mất năm 28, Bích Khê mất năm 30, Chế Vũ 30, Vũ Anh Khanh 31, Thâm Tâm 33, và người thứ bảy: Thục Vũ, 43 tuổi. Bài báo ngắn, thơ trích mỗi người một đoạn đều nói đến cái chết, đoạn thứ bảy cũng không khác:

Nếu có khi nào nhớ đến tôi
Thì xin dòng lệ chớ đầy vơi
Hãy đem ánh mắt pha màu tóc
Nhuộm áo thời gian gửi cuối trời.
(Gửi Em)

Rồi một mai anh chết
Sao gửi em bài thơ
Nhờ bạn bè thân thiết
Trao lại người tình xưa.
...

Viết bài thơ sau cuối
Ý nhạc tàn theo mây
Hồn anh về bên Chúa
Xác anh gửi phương này.
(Thục Vũ, Gửi Sài Gòn, mất 1976, 43 tuổi)

 

Thục Vũ (1933-1976).


Nhà thơ, nhạc sĩ Thục Vũ Vũ Văn Sâm sinh năm 1933 tại Nam Lạng, Trực Ninh tỉnh Nam Định, làm thơ soạn nhạc từ đầu thập niên 50 tại Sài Gòn, cộng tác với Đài Phát Thanh Quốc Gia, mạnh nhất trong thập niên 60 khi ông là thành viên trong chương trình Thi Ca Tao Đàn của Đinh Hùng, cùng với Hồ Điệp, Quách Đàm, Hoàng Thư, Thanh Nam, Tô Kiều Ngân, mất trong trại tù tập trung ở Sơn La vào tháng 11, 1976, một tháng sau khi làm bài thơ trên. Cái chết của ông được nhiều người nhắc nhở, bởi được nhiều người chứng kiến, tất cả là các bạn tù tập trung thời sau 30 tháng 4, 1975.

“Tháng 11, 1975 Thục Vũ và tôi bị giam ở trại Tam Hiệp, Biên Hòa. ...Thông thường mỗi buổi tối chúng tôi tụ tập đến chỗ Hà Thượng Nhân để nghe đọc thơ, ngâm thơ, ca hát như một Chương Trình Thi Nhạc Giao Duyên của Đài Sài Gòn mà Thục Vũ từng phụ trách. Trong trại giam này, các anh sáng tác hăng lắm. Nhất là các nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm và Thục Vũ đều có nhiều nhạc phẩm mới. [...] Tháng 6, 1976 xuống tàu thủy di chuyển ra Vinh - rồi từ đó mới đi xe lửa ra Yên Bái...”

“Khoảng 10 giờ sáng ngày 15 tháng 11 năm 1976, nhằm ngày 24 tháng 9 năm Bính Thìn - nếu tôi nhớ không lầm - chúng tôi đang phát quang khu vực con đường trước trại giam 1 thuộc liên trại 2, tỉnh Sơn La, thì ‘đám tang’ cố nhạc sĩ Thục Vũ đi qua. Một anh bạn tù bưng bát nhang đi trước chiếc xe ‘cải tiến’ chở quan tài Thục Vũ. Phía sau là hai người vác cuốc (để đào huyệt). Chúng tôi ngả nón cúi đầu chào người bạn mới đột ngột từ trần, chỉ ít tháng sau khi chúng tôi được đi chuyển từ Nam ra Bắc. Theo tin tức từ bên khu B, thì Thục Vũ mất vì bệnh ung thư. Nhưng hơn một tháng trước đây, tôi còn thường gặp anh trên đường lên núi chặt ‘vầu.’ Lúc đó, nếu anh đã bị nhuốm chứng bệnh nan y đó thì làm sao có thể leo lên ngọn núi khá cao để chặt 40 thứ cây như cây tre loại nhỏ rồi kéo xuống núi, vác về trại qua con đường mòn dài cả 2 km? Nhưng những cái chết trong tù đâu có ai được biết rõ nguyên do, vì ngay cả con đường trước mặt đang đi của chính mình cũng không bao giờ mình được biết. Đám tang khuất dần sau một đồi cây. Tôi thầm cầu nguyện cho Thục Vũ, tự nghĩ chẳng biết đến bao giờ mới có cơ hội đi thăm mộ anh.

Thế mà tôi đã có duyên may, đúng vào buổi trưa ngày mồng hai Tết Đinh Tỵ (9 tháng 2, 1977), trên đường gánh tranh lợp nhà về trại, tôi đã bất ngờ lạc vào nơi Thục Vũ yên nghỉ. Đó là một góc đồi Ban thuộc xã Mường Thải, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. Khắp một vùng đồi núi trùng điệp, hoa Ban trắng nở rộ, nhưng trên miếng đất đã có những ngôi mộ vùi nông này, lại không thấy một cây Ban nào cả. Tôi phải ngắt những bông cây dong tây - miền Nam gọi là cây ngải chuối - màu đỏ chói, đặt trên đầu khoảng chín, mười nấm mộ chỉ được đắp một lớp đất mỏng. Người anh em nào trước đây đã làm dấu trên từng nấm mộ bằng cách viết tên người đã khuất vào miếng giấy nhỏ, bỏ vô chiếc lọ pénicilline trống rồi đậy nắp cao su lại trước khi vùi phân nửa chiếc lọ xuống ngay giữa đầu mộ. Tôi mở nắp chiếc lọ thứ tư đặt trên một nấm mộ chưa mọc cỏ thì đọc được ba chữ Vũ Văn Sâm. Không có thêm một chi tiết nào về người vừa nằm xuống. (Sau này, năm 1988 được thả về Sài Gòn, tôi có nghe tin chị Thục Vũ [Lệ Khánh, tác giả “Em Là Gái Trời Bắt Xấu?] đã ra Mường Thải đem cốt chồng vào Nam). Đặt chiếc lọ vào vị trí cũ, tôi đứng cúi đầu trước mộ Thục Vũ, tưởng niệm người bạn vắn số: ‘Từ nay cậu không còn hệ lụy gì nữa. Chỉ tiếc mấy bản nhạc của cậu đã bị tịch thu và khó có cách nào báo tin cho vợ con cậu biết. Chúc cậu yên nghỉ!’ Sau đó tôi cúi đầu trước mộ các anh em khác rồi gánh hai bó tranh vào trại.” (Hoàng Ngọc Liên, Thục Vũ Vũ Văn Sâm, 1933-1976)

Thục Vũ được biết đến trong hai lãnh vực thơ và nhạc, anh cũng nổi tiếng với chương trình Thơ Nhạc Giao Duyên trên Đài Phát Thanh Quốc Gia. Nhà thơ Huy Trâm, cũng ở tù cộng sản từ Nam ra Bắc, rất gần với Thục Vũ trong cả hai lãnh vực này. Họ thân nhau từ Sài Gòn, ra Bắc thì một người ở Sơn La, một người ở Thái Nguyên. Huy Trâm viết, “Mặc dù trong cảnh tù tội, Thục Vũ vẫn nghêu ngao hát. Lúc còn ở trong Nam, tại [trại tù] Long Giao, anh có sáng tác một bài nhạc rất hay đó là bài Anh Ở Đây. Bài ca này được các anh em đồng trại khen và có nhiều người thuộc. Bài ca hay bao nhiêu tôi thương anh Thục Vũ bấy nhiêu. Nét nhạc vừa bi trầm vừa lãng mạn và lời thì rất truyền cảm.” (Huy Trâm: Mấy Kỷ Niệm Với Nhạc Sĩ Thục Vũ, bản thảo)

Một thời gian ngắn trước khi chết, Thục Vũ đã say sưa hát giữa trời Sơn La mưa gió. Hãy đọc những lời kể sau đây của nhà báo Phan Lạc Phúc, chủ bút nhật báo Tiền Tuyến, qua ngòi bút thuật lại của nhà thơ Huy Trâm, khi hai người tù cộng sản gặp nhau ở Trại Thanh Phong K2 thuộc Thanh Hóa: “Một hôm mưa như trút, cả đội (tù) đang đi lấy nước phải chạy vào trú tạm dưới một mái tranh. Đây là nhà để dụng cụ lao động và cũng là nơi làm việc của đám cán bộ trại. Trong lúc mọi người đang đứng trú mưa thì anh Thục Vũ là người lại trễ nhất, vai còn vác một bó nứa. Thay vì vất bó nứa xuống đất để vào với anh em thì anh lại để nguyên bó nứa trên vai, đứng hát giữa trời. Mưa xối xuống mũ vải, xuống mặt mũi và toàn người anh - Nhưng mặc! Ta cứ hát đã. Thấy vậy, anh Phúc mới nói thật to: ‘Thôi đi Vũ ơi! Rồi lại bệnh ốm cho mà xem!’ Hát xong anh Thục Vũ mới chịu vào hàng hiên trú mưa. Anh đã hát say sưa, hát cho quên sầu, hát với tất cả cõi lòng, ... và cũng là hát một lần cuối đời. Một tuần sau thì anh qua đời, mộ ở chân đèo Ban.” (Huy Trâm, trích bài nói trên)

Trong các thi sĩ mệnh yểu với những đoạn thơ nói về cái chết, hai người thuộc thời tiền chiến là Hàn Mặc Tử, Bích Khê, chết trong bệnh viện; một thi sĩ thời kháng chiến là Thâm Tâm, chết trong một căn nhà sàn vùng Việt Bắc vì sốt rét thiếu thuốc, một thi sĩ thời đất nước chia cắt là Vũ Anh Khanh, chết giữa dòng sông Bến Hải khi đang bơi từ bờ Bắc vô Nam; hai thi sĩ chết thời Cộng Hòa dựng nước là Quách Thoại, Chế Vũ; và một người chết trong trại tù cộng sản thời xã hội chủ nghĩa là Thục Vũ. Khi có dịp, chúng tôi sẽ trích dẫn thêm nhiều thơ của họ, và tìm hiểu thêm về những cuộc đời ngắn ngủi này.

Viên Linh

Nguồn Người Việt
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn