Ngày Xuân, nhớ bài “Chúc Tết” của Cụ Tú Xương, viết vui về:
Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau
Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu!
Phen này ông quyết đi buôn cối,
Thiên hạ bao nhiêu đứa giã trầu!
(Trần Tế Xương)
Chúng tôi gặp lại nhau trong cảnh ngộ cảm thông thân phận những kẻ thua trận giặc 75.
Người cao lêu nghêu, ánh mắt long lanh, giọng nói rành mạch, chững chạc, đó là những ghi nhận của tôi về cố Trung Tá Lê Văn Hóa, nguyên tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 40 Chiến Tranh Chính Trị đồn trú tại Cần Thơ, một trong nhiều bạn rất thân thiết “Nam Kỳ Quắc” của tôi.
Lần đầu chúng tôi quen nhau trong khu vực tòa hành chánh Sa Đéc (cũ), trên đường đi Kiến Phong, nơi đặt bản doanh của Tiểu Đoàn Văn Nghệ Lưu Động (thời kỳ huấn luyện văn nghệ). Anh làm đại đội trưởng Đại Đội 3 Văn Nghệ.
Sau này khi vô “tù,” chúng tôi thường nhắc lại thời gian mà Tiểu Đoàn Văn Nghệ Lưu Động do Đại Úy Vũ Hoài Đức làm tiểu đoàn trưởng, Đại Úy Trần Sĩ Ngọc làm tiểu đoàn phó, hướng dẫn tới Sa Đéc để thụ huấn chuyên môn.
Tôi được Bộ QP biệt phái làm giám học, có bạn Nguyễn Hải Trù tiếp tay đơn vị trưởng về an ninh trật tự khu vực.
Những khuôn mặt văn nghệ hồi đó trong đơn vị này, tôi còn nhớ được:
- Quý cô: Thúy Liễu, Thanh Nhã, Xuân Dung, Thanh Cầm, Kiều Loan, Tê Cô, Phương Lan, Kiều Nhi...
- Quý anh: Anh Hải tức Hoàng Hải (Lưu Duyên), Vân Sơn, Tuấn Đăng (AVT sau này) Lữ Liên, Ba Bé, Ngọc Giao (ca sĩ), Hoài Thanh (kịch sĩ)...
Tiểu Đoàn Văn Nghệ Lưu Động (thụ huấn) được bà con Sa Giang chú tâm theo dõi và nồng nhiệt tán thưởng qua nhiều vở kịch trình diễn, mà vở “Bông Hồng Dại” của Tiền Phong (sau này dịch Kim Dung) là một.
Trong suốt mấy tháng ở Sa Đéc, tôi và Lê Văn Hóa thường... nghêu ngao tản bộ trên lề đường Phan Thanh Giản, dẫn tới quán giải khát của một người đẹp có tên là Nguyệt.
Cứ mỗi buổi tối, quán cô Nguyệt không còn ghế trống. Thường thường Lê Văn Hóa kéo tôi ra quán sớm, để dành chỗ. Thế mà mấy bạn trẻ hơn đã có mặt trước rồi.
“Cô Nguyệt” cũng là đề tài mà tôi và Lê Văn Hóa thường ôn lại trong thời gian “tái ngộ” trong tù CS. Còn nữa, thêm một quán cô Chín, trên đường Phan Đình Phùng Cần Thơ, cũng được chúng tôi ôn lại những chuyện đã qua, trong những đêm lạnh quá ngủ không được trong nhà tù trên miền Bắc Việt Nam.
Nhưng câu chuyện hấp dẫn, dai dẳng nhất, vẫn là chuyện... tự khai.
Các bạn tù CS, trên khắp ba miền Nam Trung Bắc VN đâu ai lạ gì chuyện... tự khai.
Vừa tới một trại “cải tạo,” việc đầu tiên là phải mần “Bản Tự Khai.” Không phải chỉ khai một lần cho trại đầu tiên, mà cứ mỗi khi “được” di chuyển qua một trại khác - mà trong tù kêu bằng... chuyển trại, anh em tù phải khai lại lần nữa. Trong đời tù, anh em cựu chiến sĩ quốc gia mấy ai có thể nhớ mình đã... tự khai bao nhiêu lần!
Các trại tù CS, chẳng biết có bàn giao cho nhau, các bản tự khai, các bản “lý lịch trích ngang” hay không, mà đi tới đâu, anh em ta cũng phải viết bản tự khai như đã từng làm trước đó.
Trong một trại tù chia ra nhiều “K.” Làm bản tự khai ở Trại chính, tức “K” trung ương xong, khi được... biên chế đi một “K” khác, người tù phải viết thêm tờ tự khai nạp cho “K” này.
Trong một “K” có nhiều “đội.” Phải viết bản tự khai nạp cho tên “quản giáo” của “đội.” Tên quản giáo này đi, tên khác tới, lại phải nạp cho y một bản tự khai, vì bản nạp cho tên trước không được chuyển cho tên sau!
Có lần đi “nao động nà vinh quang” trên nương khoai, Lê Văn Hóa lượm được một bản tự khai trao cho tôi:
- Cậu coi! Thằng “chèo” này bắt mình tự khai hoài hoài rồi liệng đi, thằng “chèo” khác bắt mình... khai lại!
Nói thì giản dị, nhưng chuyện tự khai đâu phải... “giản đơn”! Người CS thần thông quảng đại về các trò ma giáo, nên việc họ bắt “tù” khai đi, khai lại là nhắm nhiều... “mục đích, yêu cầu,” đại để:
- Khai nhiều lần sẽ lộ sơ hở, những điều... tiền hậu bất nhất sẽ lộ ra.
- Khai nhiều lần có thể tiết lộ thêm những điều mà “cách mạng” muốn biết!
- Khai nhiều lần có thể tự tố cáo mình chưa thành khẩn ở những lần khai trước....
Cho nên, chuyện dài tự khai luôn là đề tài mà tôi và Lê Văn Hóa thường ôn lại, để cười cho đỡ... đói, đỡ lạnh!
Hôm ấy, Hóa hỏi tôi:
- Giục Lìn (tên Tầu Ngọc Liên mà Hóa đặt cho tôi, nghe không hay chút nào, nhưng tôi đã vui vẻ nhận từ lâu), cậu nhớ câu đầu bài: “Lẳng lặng mà nghe nó... tự khai” không?
Tôi gật đầu:
- Nhớ chứ sao không?
Hóa giục:
- Đọc lại nghe coi!
Tôi lảm nhảm đọc mấy câu đầu trong bài thơ truyền miệng trong tù CSVN. Không nhớ tên tác giả.
...Lẳng lặng mà nghe nó... tự khai,
Khai đi, khai lại vẫn khai hoài
Khai từ cụ cố, qua đời... tía,
Từ trái su su đến... củ khoai!
Lê Văn Hóa không chịu:
- Cậu đọc láo rồi, tôi nhớ: Khai từ cụ nội qua đời bố mới đúng!
Tôi không cãi:
- Ừa. Cũng zậy à!
Hóa giục thêm:
- Tiếp
...Lẳng lặng mà nghe nó khai... ông:
Tên thì không biết, tuổi thì không!
Vì ông đã sớm đi tàu... suốt
Khi cháu còn xài... bi bê rông!
Hóa gật gù:
- Trúng mối! “Đạt”! Tiếp!
...Lẳng lặng mà nghe nó khai... bà,
Mỗi bận về từ phiên chợ xa
Thấy... tôi thơ thần bên đầu ngõ,
Bà giúi cho vài chiếc bánh đa!
Hóa tán thưởng:
- Hay! Hình như cậu có phịa ra, không đúng nguyên tác. Nhưng cũng “chiếu cố,” “được”! Tiếp....
...Lẳng lặng mà nghe nó khai... cha,
Là chồng của mẹ đẻ ra ta...
....
Không nghe tôi đọc thêm, Hóa la:
- Ủa, sao nín thinh zậy?
Tôi ấp úng:
- Tới đây mình quên mất tiêu rồi! Cậu nhớ giùm mình với!
Hóa lắc đầu:
- Thơ là việc của cậu, kịch mới là việc của mình. Bữa nào nói chuyện về kịch, mình sẽ... phát ngon lành. Còn bi giờ, ráng nhớ đi, cha!
Tôi cũng lắc đầu theo:
- Chịu! Đoạn này chỉ nhớ 2 câu!
- Còn đoạn nào khác?
- “Báo cáo anh”! Hết!
Hóa tiếc rẻ:
- Uổng quá. Hổng biết có “trự” nào nhớ trọn bài không? (*)
Tôi cười:
- Hy vọng sẽ có bạn ta nhớ đủ thì hay quá.
Trên đây, Hóa nhắc đến kịch. Xin kể thêm về anh, trong một buổi trình diễn vở kịch mà tôi quên tên, anh đóng vai tướng Tầu, Nguyên Huy tức Nguyễn Huy Tiến đóng vai Đinh Đề Lĩnh, Phan Lạc Phúc đóng vai Tên Giữ Ngựa, do anh Kỳ Văn Nguyên (Nguyễn Văn Thúy) làm đạo diễn ở trại “cải tạo” Yên Hạ,” huyện Phù Yên, Tỉnh Sơn La, chỉ ít tháng sau khi Trung Cộng xua quân lấn chiếm 6 tỉnh biên giới phía Bắc VN. (*)
Với vai Tướng Tầu, Hóa nói giọng Quảng Đông, nghe ngồ ngộ khiến anh em ta nhiệt liệt hoan hô.
Hồi đó, “nhà nước” ta đang căm thù “Bọn Bành Trướng Trung Quốc” nên mới có việc diễn vở kịch lịch sử về việc quân Nguyên thua te tua không còn manh giáp, khi chúng xua quân xâm lược nước ta.
Sau đêm diễn, tôi “bồi dưỡng” cho Hóa 1 gói mì ăn liền. Hóa cảm động:
- Cậu kiếm đâu ra đồ quốc cấm này thế?
(Hồi đó, trại “cải tạo” cấm người tù nhận những loại thực phẩm có thể dùng để trốn trại, nên đã có việc phát muối nước cho tù làm thức ăn, thay vì phát muối hạt. Ghi chú của người viết).
Tôi cười:
- Nhà hào phóng Nguyễn Quốc Quỳnh chuyển qua 2 gói nhờ cụ Việt cho phép nhận đó!
Hóa vui vẻ:
- Chánh giám thị CS hầu như chỉ có một mình cụ Việt trại Yên Hạ này là người còn có lòng nhân đạo, không ác ôn như phần đông bọn cai ngục khác. Tiếc rằng cụ Việt sắp về hưu!
- Nghe đồn, vì cụ có lòng nhân với... kẻ thù giai cấp, nên đảng mời cụ nghỉ hưu sớm. Rồi anh em ta sẽ mệt với tên chánh giám thị sắp từ Nghệ Tĩnh ra thay cụ!
Chúng tôi nấu “chui” lon guigoz nước sôi, hì hụp ăn mì ngon lành vào lúc quá nửa đêm.
Chỉ ít tháng sau, Hóa bị phù thũng nặng không có thuốc điều trị.
Một ngày tang tóc đến với chúng tôi: Lê Văn Hóa nằm xuống, sau khi trả món nợ quốc gia của những người thua trận giặc 1975!
Bữa nay, nhân ôn lại câu chuyện Bản Tự Khai, qua bài thơ của một bạn tù nhái kiểu chúc Tết của cụ Tú Xương, tôi nhớ nhiều về Lê văn Hóa.
Chắc rằng hương linh anh đã về miền cực lạc.
Hoàng Ngọc Liên
--------------------------------------------------------------------------------
(*) Những điều tôi ghi lại chuyện trong tù, theo “Bộ Nhớ” đã quá mòn, hổng “chắc ăn.”
Xin bạn tù nào nhớ đúng, vui lòng cho tôi được nhận thư qua địa chỉ:
Hoàng Ngọc Liên
5414 Sky Pkwy 206, Sacto, CA 95823
ĐT: (916) 427-3049
Email: hoangngoclien@gmail.com
(HNL)
Gửi ý kiến của bạn