BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73502)
(Xem: 62250)
(Xem: 39442)
(Xem: 31185)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Bò sữa gặm cỏ cháy (4) - Khi người ta lên án tuổi trẻ

16 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 1167)
Bò sữa gặm cỏ cháy (4) - Khi người ta lên án tuổi trẻ
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Chưa từng thấy một xã hội nào người ta tung hê tuổi trẻ, để mặc tuổi trẻ cô đơn trên những đại lộ hoàng hôn rồi lên án tuổi trẻ nặng nề như xã hội Việt Nam hiện nay. Tuổi trẻ tự nó, nó đã phản kháng. Bằng nhiệt tình và lòng kiêu hãnh. Không cần tuổi trẻ phải xuống đường hò hét. Chống đối ồn ào như như tuổi trẻ đã chống đối từ mấy năm nay chỉ là chống đối nổi, chống đối cho từng giai đoạn, chống đối cho những âm mưu trục lợi. Chống đối để bị phản bội, lừa gạt. Sóng ngầm mới đáng khiếp sợ. Và biển động giận dữ không hề có sóng nổi. Người tuổi trẻ Việt Nam y hệt một cậu bé buổi chiều mùng một Tết. Dời cổng nhà mình phơi phới mộng ước. Hồn thơm như áo mới. Nhưng ở đầu ngõ có đám bạc còm đầy cò mồi ngụy trang thật giỏi. Cậu bé bị rủ rê vào cuộc chơi. Và cậu không thể lên phố. Cậu trở về nhà. Túi tiền mừng tuổi đã cháy. Áo mới đã ám đê tiện. Nếu cay cú, cậu sẽ ăn cắp tiền của mẹ ra ngõ gỡ gạt. Để mất hết. Bắt đầu cậu phạm tội.

Tôi đã đứng ngoài ngó cuộc chơi phản kháng của tuổi trẻ. Cò mồi của tuổi trẻ là những đàn anh, những bậc thầy ngụy trang bằng lớp áo cách mạng dấn thân. Họ cách mạng, họ dấn thân. Đồng ý và kính phục lắm. Nếu họ quyến rủ tuổi trẻ vào cách mạng, dấn thân để làm đẹp cho quê hương và cuộc đời, tôi càng kính phục họ. Bởi vì họ can đảm và tôi hèn nhát. Nhưng họ đã trở thành những cây chết, những cây lá vàng úa rụng ngập đường, những cây không bao giờ nở hoa cho trái. Họ là những cột gỗ bị mọt đục rỗng, họ dùng tuổi trẻ làm lớp sơn phủ lên họ. Họ có vẻ hào nhoáng. Cò mồi luôn luôn hào hoa, mã thượng. Bề ngoài mà. Cò mồi đã đẩy tuổi trẻ xuống thuyền. Và thuyền chở tuổi trẻ bị sóng đánh đắm. Toi chưa hề thấy một bậc thầy, một đàn anh nào bị đàn áp, bắt bớ, tra tấn. Chỉ có tuổi trẻ. Bậc thầy, đàn anh đứng trong bờ dô ta, hò dô ta. Rồi bỏ chạy.

Người tuổi trẻ Việt Nam đã biến thành trái bóng cho hai đội tuyển xuất sắc giao đấu. Hội Dấn thân sút mạnh. Những cú sút mơn trớn và dìu dắt. Bóng đi. Đi sâu, đi xa trên sân cỏ đời. Bóng lăn. Bóng được đà. Bóng xoáy vẹt cỏ. bóng xé không gian. Đội Anti – Dấn thân không đỡ. Chờ khi bóng hết hơi, Anti – Dấn thân mới dốc tung lực lượng… phản công Dấn thân. Và bóng đã xẹp, bị bồi những cú sấm sét, bóng trông thật thê thảm. Hình ảnh tuổi trẻ Việt Nam những năm tháng gần đây đó. Xuống đường. Phản kháng. Bị đàn áp. Chưa đủ đau thương. Các bậc thầy, đàn anh trong đội Anti – Dấn thân đứng một chỗ cao và xa, chỗ bất khả xâm phạm chẳng hạn, rình đúng con mồi hấp hối, sà xuống kết tội. Nào là tuổi trẻ nổi loạn vô duyên cớ. Tuổi trẻ vừa mới cách mạng, dấn thân, chưa kịp thở đã bị lên án gian dối. Trái banh vô tội vạ được những bàn chân bẩn của hai hội tuyển sút tàn nhẫn.

Tuổi trẻ xuống đường, phản kháng được hoan hô và đả đảo. Tuổi trẻ “lên đường nhập ngũ tòng quân, một lòng vì nước vì dân” được hoan hô và cũng bị mỉa mai. Xã hội chúng ta, thành ra, toàn một lũ kên kên rỉa rói tâm hồn tuổi trẻ. Tôi chỉ nghe rõ những tiếng nịnh bợ tuổi trẻ như tiếng con chồn nịnh bợ con gà trống trong cuốn Quốc văn giáo khoa thư lớp sơ đẳng “Bác gáy hay lắm nhưng cụ nhà ta gáy còn hay hơn vì khi cụ gáy cụ nhắm tít đôi mắt lại” Con gà trống nhắm tít đôi mắt, vỗ cánh định gáy. Vừa mới nhắm mắt, con chồn đã nhảy lên cắn chết con gà dại dột tha về tổ. Tôi chỉ nghe rõ những tiếng trách móc tuổi trẻ nặng nề. Chưa hề, từ bao nhiêu năm nay, ngoài một Nhất Hạnh Nói với tuổi hai mươi, một Mai Tâm Nói với tuổi trẻ, tôi được nghe một giọng đầm ấm, độ lượng thiết tha nói với tuổi trẻ quê hương tôi.

Người ta không làm gì cho tuổi trẻ, không có lý tưởng dâng hiến tuổi trẻ, nhưng người ta sẵn sàng đòi hỏi tuổi trẻ vào mục đích riêng tư, vào giai đoạn nhất thời, vào việc đánh bóng sự nghiệp phù du của người ta. Khi tuổi trẻ không thỏa mãn nổi những đòi hỏi đó, người ta sẵn sàng kết án tuổi trẻ. Hỡi người tuổi trẻ Việt Nam mà tôi chiêm ngưỡng, anh không có tội lỗi gì cả dù anh đã bị chụp hàng trăm thứ tội. Anh chỉ là nạn nhân của bầy cáo và đám đàn anh không đủ vốn liếng một que diêm. Bầy cáo bảo anh nhắm mắt. Đàn anh thiếu diêm không thắp sáng nỗi một một vũng tối nên cam phận ngồi nguyền rủa bóng tối. Anh cũng còn là nạn nhân của xã hội khan hiếm lãnh tụ tuổi trẻ, một xã hội lười biếng soạn thảo chính sách thanh niên, một xã hội nhập cảng đầy rẫy cặn bã văn minh phương Tây hô hào chấn hưng đạo đức. Một xã hội chấp nhận trăm phim chém giết, hãm hiếp, tống tiền đua nở rồi đặt luật trừng trị bọn tống tiền, chém giết và bề hội đồng. Một xã hội tha bọn buôn lậu vàng cục, thuốc phiện rồi làm thơ giáo huấn : Tuổi trẻ là tuổi học hành. Ma túy chớ đụng mà thành phế nhân. Một xã hội như thế, anh vẫn có thể đứng thẳng, nhìn thẳng với nỗi cô đơn của anh. Tôi tưởng, anh nên hãnh diện.

Và những kẻ lên án tuổi trẻ mới chính là bọn phạm tội. Với tuổi trẻ. Với quê hương.

 Duyên Anh
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn