Nhưng hôm qua, vợ hắn bảo:
- Tới đây cái Ly đẻ, em sẽ đi Sài Gòn một thời gian trông con cho vợ chồng nó. Anh phải thay em làm tất cả nên tập lo dần là vừa. Ngày kia, anh đi nộp đơn, em đã chuẩn bị tiền nong đầy đủ.
Hắn ngạc nhiên:
- Đi nộp đơn, lít xăng, chén nước cùng lắm là vài cốc bia, có gì mà phải chuẩn bị.
- Giời ạ. Anh như người trên mây ấy. Bây giờ đi làm cái gì cũng phải có tiền, không thì đừng nghĩ đến chuyện được việc.
Hắn vẫn chưa thông:
- Nhà thằng Manh chiếm đất nhà mình, phạm pháp rõ ràng mà kiện nó vẫn phải mất tiền là sao. Tưởng nó muốn giảm tội thì mới phải đút lót chứ?
- Anh chẳng hiểu gì cả. Thằng bị kiện phải đút, thằng đi kiện cũng phải đút, đứa nào đút nhiều hơn thì mới mong thắng. Đúng sai là ở họ chứ đâu phải ở pháp luật. Người ta coi luật pháp là cái gì đâu.
Hắn tìm cách thoái thác:
- Anh không đi đâu, ngượng lắm. Người ta làm việc đã được trả lương. Mình làm thế, chẳng hóa ra coi thường người ta, xúc phạm đến nhân phẩm của họ, coi uy tín, danh dự cán bộ nhà nước chỉ bằng mấy triệu đồng sao?
Vợ hắn cáu:
- Chúng nó làm quái gì có nhân phẩm mà xúc phạm. Anh mà biết ngượng thì đừng sống ở cái xã hội này nữa.
Độ này vợ hắn ăn nói bừa bãi quá, mở miệng ra là nói đến tiêu cực xã hội. Hắn đi học, người ta dạy hắn rằng đó là tàn dư của chủ nghĩa tư bản. Thế mới phải trải qua thời kỳ quá độ. Vợ hắn suốt ngày lo chạy chợ rồi chúi đầu vào việc hầu hạ chồng con, làm sao hiểu được những điều sâu xa ấy.
Từ trước đến nay, bao nhiêu chuyện rắc rối xảy ra làm thiệt hại cho nhà hắn mà toàn do người khác gây nên cả. Vợ chồng hắn gửi đơn từ đi khắp nơi nhưng cuối cùng không cơ quan nào giải quyết. Hỏi riết thì họ trả lời rằng nội dung đơn kiện của nhà hắn "không có cơ sở" hoặc là chuyển đơn về chính cái cơ quan bị nhà hắn kiện để trả lời hắn. Những ai biết chuyện thì bảo nhà hắn thua bên kia vì tiền.
Lần này, nhà hắn bị hàng xóm phá tường chiếm mất chục mét vuông đất. Vợ chồng hắn lại phải làm đơn kiện. Chẳng lẽ cứ để cho đứa nào muốn làm gì nhà hắn thì làm.
***
Hôm đi nộp đơn, vợ hắn dặn dò thật kỹ, còn lường trước tất cả những tình huống có thể xảy ra. Cô làm sẵn cho hắn mấy cái phong bao mỏng để xử lý ở các cửa.
Hắn tới cổng cơ quan, thấy mở liền dắt xe vào. Một tiếng gọi giật giọng:
- Anh kia! đi đâu?
Hắn giật mình đánh thót:
- Dạ! em vào nộp đơn ...
- Đơn gì?
Nhớ đến lời vợ dặn, hắn vội móc ra chiếc phong bì nhét vào túi anh gác cổng. Anh ta chẳng cần đọc xem đơn gì, trả hắn rồi chỉ cho cho hắn lối vào nơi cần nộp đơn tên người cần gặp một cách cặn kẽ.
Hắn nhận chiếc vé gửi xe làm bằng vỏ bao thuốc lá vinataba, rụt tè hỏi:
- Thế để xe ở đâu anh.
Tay gác cổng nhìn cái dáng vẻ ngờ nghệch của hắn, thương hại:
- Anh mới đến lần đầu à. Cứ đi vào, để ở đâu cũng được.
Thế thì tiện, chứ cơ quan rộng mênh mông thế này, đi bộ có mà chết. Xung quanh lại có tường bao, thật an toàn. Cổng thì đã có bảo vệ kiêm thu tiền. Hắn thấy nhiều người ra vào nhưng không lấy vé, chắc là người trong cơ quan. Hắn nghĩ: vậy là cái vé của hắn là vé vào cổng chứ đâu phải là vé gửi xe. Hắn có tự trông được thì người ta vẫn bắt lấy vé cơ mà. Chẳng lẽ cả cơ quan này là một bãi giữ xe. Nhưng thôi, đấy là việc của họ, mấy nghìn đồng tiền vé chưa ảnh hưởng gì đến bát cơm nhà hắn. Hắn đang lo một việc quan trọng hơn nhiều cơ.
Hắn dựng xe trước phòng tiếp dân rồi ngồi chờ. Lúc này có sáu người ngồi ở hàng ghế kê ngoài hành lang. Cửa phòng tiếp dân bịt bằng kính trong suốt nhưng bên trong lại được che bằng rèm màu xanh lơ dìu dịu, cứ mấy phút lại hé cho một người ra để người tiếp theo vào. Kể cũng nhanh. Chừng 30 phút sau thì đến lượt hắn.
Lúc này thì hắn đã có chút kinh nghiệm. Tránh bị quát phủ đầu, hắn kẹp luôn cái phong bì vào tờ đơn. Cán bộ tiếp dân nhìn đơn đọc tên, địa chỉ của hắn rồi ghi vào giấy biên nhận. Không thấy anh ta hỏi giấy tờ tùy thân. "Chắc cái phong bì đã thay cho chứng minh thư" - tự nhiên hắn có ý nghĩ đen tối thế.
Hắn thăm dò:
- Đơn của em giải quyết có nhanh không ạ?
- Cái đó còn tùy, có thể nhanh, có thể chậm.
Hắn hiểu ý, đặt lên một chiếc phong bì nữa.
Anh ta ra chiều suy nghĩ một lúc:
- Thôi được, đơn của anh tôi sẽ trình ngay. Chắc chỉ trong vòng dăm ngày anh sẽ nhận được giấy mời.
***
Bốn ngày hôm sau thì hắn nhận được giấy mời đến phòng số 21 tầng 2 nhà D3 gặp ông Lưu để giải quyết. Trước khi đi, vợ hắn nhét 300 đô la vào phong bì đưa cho hắn.
Tới nơi, hắn lại bị hỏi y như lần trước. Hắn ranh mãnh:
- Sếp gọi em đến để giải quyết cái đơn hôm trước mà. Chắc anh quên em rồi.
Tay gác cổng nhớ ra, gúi vào tay hắn chiếc vé gửi xe rồi cho hắn vào.
Đến chân cầu thang, hắn gặp thằng Manh, cái thằng đã cướp đất của hắn sáu hôm trước đi xuống. Không biết nó đi đâu. Chẳng lẽ nó cũng đi kiện hắn, vừa ăn cướp, vừa la làng chăng. Nó nhìn hắn, vẻ mặt vênh váo đầy thách thức. Tất nhiên chẳng đứa nào hỏi đứa nào.
Hắn tới cửa phòng làm việc có gắn số 21, gõ nhẹ hai tiếng rồi đứng chờ.
Một tiếng nói lạnh lùng và đanh gọn:
- Mời vào.
Hắn run run đẩy cửa vào:
- Dạ, chào anh ... báo cáo anh, em ...
Rồi khúm núm đưa giấy mời ra, lập bập trình bày nội dung sự việc.
Ông cán bộ tên Lưu hỏi:
- Đất nhà anh có sổ đỏ chưa?
- Dạ chưa, nhưng là đất ở lâu năm. Chúng em vẫn đóng thuế nhà đất hàng năm đầy đủ ...
Ông ta phẩy tay ra hiệu cho hắn ngừng nói:
- Vấn đề là ở chỗ ấy. Anh chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có nghĩa là nhà nước chưa công nhận quyền sử dụng đất cho anh. Thằng kia nó chiếm đất của anh, ai cũng biết. Nhưng về mặt pháp luật, bảo là đất của nhà anh thì không có cơ sở.
"Lại không có cơ sở" - hắn chán nản nghĩ. Vậy là mình dại rồi. Đúng ra hôm ấy, hắn phải đánh nhau với nhà thằng Manh không cho nó chiếm đất. Nó có kiện nhà hắn đánh nhà nó thì dựa trên cơ sở nào. Ai quay phim, chụp ảnh để làm bằng chứng.
Ấy là lúc điên điên lên thì hắn nghĩ thế thôi chứ làm sao mà hắn dám đi đánh nhau với người khác vì hắn là con người được giáo dục tử tế. Và chính cái sự tử tế ấy đã hại hắn, làm hắn khốn khổ bao nhiêu rồi.
Sực nhớ ra, hắn rút cái phong bì khẽ khàng đặt lên bàn.
Ông Lưu mở luôn phong bì ra. Đếm xong, ông ta đặt xuống bàn rồi lấy trong ngăn bàn một cái phong bì khác, rút ra xòe cho hắn xem sáu tờ bạc mệnh giá 100 đô là Mỹ:
- Của thằng kia đấy. Nó sai nhưng cái lý của nó (ông vỗ ba đầu ngón tay vào cái phong bì của thằng kia) gấp đôi anh (vỗ vào phong bì của hắn). Cái chỗ đất ấy anh bảo của anh nhưng nó cũng cãi của nó. Vậy thì tốt nhất là nên hòa giải, hai bên chia đôi. Nếu anh đồng ý thì tôi cho gọi cả hai bên đến. Vậy là mỗi bên được một nửa mà tiền nó lại mất nhiều hơn anh, thế là coi như anh thắng nó. Được cái thuận cho các anh là hai bên đều biết "giá thị trường". Nếu phải quay về lấy thêm thì mất một lần đi lại nữa. Còn nếu anh không nghe, đi kiện đâu thì đơn cũng về đây thôi. Tôi thấy anh có vẻ thật thà nên tôi cũng nói thật.
Trước khi hắn về, ông ta còn cẩn thận sờ hai túi quần của hắn xem có máy ghi âm, máy ảnh gì không rồi đẩy hắn ra, đóng sập cửa lại.
***
Hắn khoe với vợ:
- Thắng rồi em ạ. Mà nó lại phải mất nhiều tiền hơn mình. Tưởng thế nào chứ đút lót cũng dễ. Hết bao nhiêu, người ta nói thẳng, may mà hôm nay vừa đủ. Nếu thừa chắc họ trả lại. Đỡ phải băn khoăn. Thế mà em cứ dạy anh mãi.
Vợ hắn toe toét:
- Em đã bảo mà. Cái gì cũng có giá của nó. Giá cả rõ ràng như vậy lại hóa hay. Những lần trước mình thua chỉ tại vì không biết giá. Hóa ra cơ chế bây giờ cũng thoáng thật. Nói toạc, không úp mở.
Rồi cô bắt hắn kể tỉ mỉ diễn biến đưa đến cái chiến thắng hôm nay như thế nào. Nghe hắn kể xong, cô rít lên:
- Giời ơi! thế mà bảo thắng là sao?
Hắn nhớ đến lời phân tích của ông Lưu, liền giải thích lại cho vợ:
- Thì nó được năm mét vuông, mình cũng được năm mét vuông. Mà tiền nó lại mất gấp đôi mình, chả thắng là gì.
- Nó bịp anh rồi. Sao đầu óc anh tối tăm thế. Cả mười mét vuông ấy là đất của mình. Mình sử dụng ổn định từ trước khi có Luật đất đai. Nó chỉ mất sáu trăm đô mà được năm “mét”. Còn mình mất không năm “mét” cho nó lại còn tiền phong bao mấy hôm nay nữa. Vậy thắng ở đâu?
Ừ nhỉ. Tại lúc ấy hắn sợ quá nên không nghĩ ra. Hắn tức lắm. Chợt nhớ tới lời ông Lưu nói, hắn thách lại vợ:
- Nếu em không nghe thì cứ việc kiện đâu thì kiện. Cuối cùng đơn cũng về tay ông ta thôi.
Sự thật cay đắng đó không phải là vợ hắn không biết vì chính nhà hắn đã từng nhiều lần gặp phải cũng như biết bao dân oan khác. Nhưng việc hắn nhắc lại lời ông Lưu đã làm cho cô nhụt chí.
Vợ chồng hắn ngao ngán nhìn mảnh đất nhà hắn ngày càng bé đi. Liệu rồi hắn có giữ nổi phần đất còn lại không? Ai là người bênh vực hắn?
Hắn chợt nghĩ: hay là bán nhà đi chỗ khác ở. Nhưng hắn vội gạt ngay: đi đâu bây giờ? Tài cán của hắn chỉ cho phép hắn loanh quanh trong biên giới này thôi. Thôi thì đành cố chịu, chờ cho qua cái thời kỳ gọi là quá độ. Nhưng chờ đến bao giờ?
Nguyễn Tường Thụy
Việt Nam Thời Báo
Gửi ý kiến của bạn