Công sản Việt Nam lâu nay theo đuổi chính sách tránh đối đầu với Trung Quốc, và đã cố gắng uốn mình xây dựng tình hữu nghị bền vững lâu dài với Trung Quốc, bằng những phương châm “đậm đà” tình nghĩa, và trung thành học tập, làm theo như một học trò nhỏ.
Nhưng chủ trương của Đảng Cộng sản Trung Quốc, từ thời Mao đến Đặng, đến Tập đã khẳng định không giấu giếm tham vọng của mình, là muốn phủ bóng cai trị của họ lên toàn vùng Đông Nam Á, mà Việt Nam là một trọng điểm chiến lựợc họ cần phải bước qua.
Nhưng lòng tốt hữu nghị và niềm tin ngây ngô không phải là đối sách với lòng tham bành trướng, nên đã bao phen phải lên bờ xuống ruộng, cũng là chuyện đương nhiên.
Trong tham vọng chiến lược đó, Trung Quốc đã khai thác tối đa “vỏ bọc” ý thức hệ Cộng sản, để điều khiển quá trình kháng chiến và xây dựng “chủ nghĩa xã hội” của Việt Nam, đặc biệt thông qua cấu tạo nhân sự của ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam vào mỗi thời kỳ, từ đó tỏa ra các đường lối chính sách phù hợp, đi kèm với viện trợ để khống chế.
Nhưng không đơn thuần chỉ là tham vọng của Đảng Cộng sản Trung Quốc, mà thấp thoáng một sự đồng tình tự nguyện nào đó từ bên trong bộ máy Đảng Cộng sản Việt Nam. Lịch sử dần dần hé lộ ra những sự kiện bất ngờ đau xé lòng, mỗi sự kiện lộ ra đều làm ứa máu lịch sử.
Không đơn giản mà lá cờ Trung Quốc xuất hiện ở Thủ đô Hà Nội với 6 ngôi sao rạng ngời màu sắc trong dịp các lãnh đạo cấp cao Việt Nam đón tiến Tập CậnBình. Đó là một phép thử để thăm dò phản ứng của nhân dân Việt Nam, hay thăm dò thái độ của từng “đồng chí” trong lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam? Sau phép thử công khai, có lẽ họ đã hài lòng về kết quả, giống như ban lãnh đạo Bắc Triều Tiên ngồi xem lại camera thấy quan chức nào “khóc nhiều, khóc và khóc ít” trong lễ tang của Kim Yong Il để thẩm định những khuôn mặt trung thành. Đã có một số báo chí phản ứng lưa thưa, và họ giải thích rất đơn giản, như chẳng có vấn đề gì: sơ suất kỹ thuật, lá cờ được thực hiện từ sứ quán Trung Quốc mà bộ phận lễ tân Việt Nam “quên” kiểm tra. Lẽ nào lá cờ của họ, mà họ cũng làm sai sao? Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh của hai năm dân chúng biểu tình chống Trung Quốc về đường lưỡi bò, biển đảo, và dịp kỷ niệm trận chiến biên giới 1979 từ lâu bưng bít, đã bị nhà nước Việt Nam đàn áp kiên trì, khốc liệt, thô bạo: đánh chết, nhục mạ, bỏ tù với nhiều sáng tạo rất côn đồ và bẩn thỉu khác.
Từ đó người dân không thể không nghi ngờ phẩm chất của Đảng Cộng sản Việt Nam trong mối quan hệ thầm kín giữa hai đảng mà người dân không thể biết, một thí dụ như cái văn kiện bí mật của hội nghị Thành Đô, sau hơn 20 năm vẫn còn nằm trong bóng tối?
Từ các thế hệ lãnh đạo sau Tổng Bí thư Lê Duẩn, Việt Nam có những biểu hiện ngày càng không rõ ràng về tư cách độc lập bình đẳng quốc gia trong mối quan hệ với nhà nước Trung Quốc. Về mặt nội trị, hàng loạt chính sách, chủ trương có tính chất ngược đãi nhân dân về các lợi ích từ vật chất đến tinh thần, bóp nghẹt quyền tự do dân chủ của người dân, bộ máy công quyền càng trở nên kiêu binh, xem thường và khinh rẻ dân chúng. Xã hội càng bị băng hoại và tầng lớp cầm quyền càng hãnh tiến, tham ô nhũng nhiểu và mua quan bán chức, “quyền lực” hữu nghị càng phát triển keo sơn hào nhoáng trên bề mặt. Cách cai trị đó của Việt Nam tương đồng với cách cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với nhân dân của họ. Người ta nhớ lại thời cải cách ruộng đất ở miền Bắc của nửa thế kỷ trước, một chủ trương từ Đảng Cộng sản Trung Quốc chuyển sang thực hiện ở Việt Nam, đã để lại một dấu ấn kinh hoàng trong lòng dân tộc còn chưa phai, nay các cách hành xử cũng tương tự.
Họ kiềm chế đường lối đối ngoại của Việt Nam với phương Tây, đặc biệt là Mỹ, để cô lập Việt Nam trong vòng tay kiểm soát theo ý mình.
Họ đã đạt được nhiều hiệu quả về định hướng thông qua những nỗ lực làm việc của Đảng Cộng sản Việt Nam, với 30 năm của những phương châm hành động và khẩu hiệu tuyên truyền mà họ nhiệt liệt khuyến khích, để Việt Nam tự thực hiện với 4 đặc điểm sau đây:
- Tự cô lập quân sự: “Không liên minh quân sự với nước khác để chống nước thứ ba”. Họ khen ta có tư tưởng “hòa hiếu” và ta cũng tự hào về điều đó, nhưng có lẽ họ đã cười thầm trong bụng, vì cái mưu cô lập của họ đã được thực hiện. Về phương châm này có người nói: Liên minh quân sự với nước khác để bảo vệ độc lập, chống xâm lược thì có gì sai? Thủ tướng Nhật, ông Abe nói: Trong thời đại hiện nay phải liên minh để phòng vệ.
- Tự cô lập chính trị: Họ vạch giùm và cho ta những phương châm “Thế lực thù địch”, “tự diễn biến”, “diễn biến hòa bình” là định hướng chĩa mũi nhọn đả kích vào phương Tây, thực chất xem dân chúng là đối tượng thù địch để trấn áp, bóc lột và điều khiển như mọi chế độ Cộng sản khác. Đó là cái mũ vô hình của thần chết treo lơ lửng trên đầu nhân dân. Vừa qua, Tổ chức Việt Tân đã ngơ ngác vì được bất ngờ nâng cao vị thế, thành biểu tượng cụ thể cho cái mơ hồ, qua đó để trấn áp mọi phản ứng của người dân, như đợt biểu tình hồi tháng 5. Bộ máy công an, tuyên truyền đã thực thi theo định hướng.
- Tự thực hiện chính sách ngu dân hóa: Ý thức hệ cộng sản chủ nghĩa đã thăng hoa thành một bài tụng ca Thiên Triều: “Tình hữu nghị Việt-Trung”, với công thức đạo đức ngu xuẩn với tâm thế của kẻ tôi đòi “16 chữ vàng + 4 tốt”.
- Ô dù vững chắc: Tiếp tục thực hiện bí mật thỏa ướcThành Đô, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký kết với Hồ Cẩm Đào “Thông cáo chung” năm 2011, là một tấm lưới trời lồng lộng thân ái, đã đúc kết thành 6 chữ quý hơn vàng: “đối tác chiến lược, toàn diện”, bao trùm toàn cõi Việt Nam, trong đó nhiều kế hoạch “cùng nhau” có hình thức bình đẳng, nhưng thực chất là sự tiếp nhận và hợp thức hóa sức mạnh mềm của Trung Quốc đang len lỏi vào xã hội Việt Nam.
Với 4 đặc sắc trên đây, lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam được tinh thần “hữu nghị” dọn đường, chăm sóc nên ngày càng teo tóp lại. Nhân dân Việt Nam được “hữu nghị” bồi dưỡng những tri thức bất lương và kỹ năng dối trá, tàn bạo và cách sống suy đồi, xã hội ngày càng bệnh hoạn. Đất nước càng có nhiều công trình được “hữu nghị” gia công giá rẻ càng kiệt quệ, cán cân thương mại nhập siêu kỷ lục, đưa nền kinh tế đạt đến mức “phụ thuộc”, và cũng hay thay, những người phục vụ cho “hữu nghị” cũng được phục vụ nên vẫn tươi màu béo tốt. Nếu khoảng cách giữa Đảng và Nhân dân càng xa, càng sâu, thì càng thuận lợi cho toan tính của Bắc Kinh.
Điểm “lật” của giờ G đã đến
Có một câu hỏi nêu lên rất chính đáng. Trong bối cảnh anh em ngọt bùi như thế, sao ông anh lại đem cái giàn khoan to khủng mà đập vào mặt ông em một cách kinh hoàng mất cả thể diện, bất ngờ đến không kịp đỡ? Phải chăng, câu hỏi xuất phát từ một niềm tin đạo lý ngây thơ? Mà đạo lý, khốn thay, thường là thế mạnh rất ảo của kẻ yếu. Với mối quan hệ hữu nghị của hai quốc gia phảng phất một thứ đạo học phương Đông với từ “hòa hiếu” thân thiết, như thời kỳ “Nghiêu Thuấn” xa xưa mà ông Khổng tử tưởng tượng ra, được các lãnh đạo dùng thường như dùng trà mỗi sáng. Thương thay, cái ‘hòa hiếu’ đó lại bao trùm lên trên một xã hội khốn cùng về đạo đức, thể hiện sự suy đồi của cái thời tệ hại điển hình: “cướp đêm là trộm, cướp ngày là quan”. Chưa bao giờ mà chân lý “đa kim ngân, phá luật lệ” của Trung Quốc đã được phát triển hoàn hảo như trong thể chế Việt Nam hiện nay.
Bốn mươi năm là thời gian quá đủ cho một đất nước trưởng thành.
Nhưng bốn mươi năm cũng đã chín mùi theo một nghĩa khác.
Cái giàn khoan Hải Dương 981 đã lật ngửa lên “sự thật lớn, sự thật, và sự thật nhỏ”, từ tầng cao ý thức hệ hữu nghị, tầng trung lãnh đạo quốc gia, đến tầng nhỏ mà hệ thống cai trị quốc gia chứa trong nó. Bốn mươi năm chỉ còn là một khoảng trống về quyền lực tinh thần của lòng tự tin dân tộc, một nền kinh tế hoang tàn do tham nhũng và quan liêu, đối diện với cơn đại họa trước họng một con thú dữ đang nhe nanh, mà Mao, Đặng, Tập đều là những biểu tượng không còn ai xứng đáng hơn.
Trung Quốc muốn một Việt Nam như thế. Và Việt Nam cũng đã không khác!
Nhưng cái gì đã thuyết phục con người Việt Nam và Đảng Cộng sản Việt Nam không tiếc sự hy sinh xương máu trong suốt một tiến trình kháng chiến khốc liệt đã qua? Vì độc lập tự do cho đất nước, hay vì một ảo vọng choáng ngợp thay cho ý thức cảnh giác, tự chủ?
Chúng ta không còn nghe vang vọng khẩu hiệu của một thời: Vô sản thế giới hãy đoàn kết lại!
Có lẽ cũng không nên đổ tội hết cho sự ra đời của chủ nghĩa cộng sản quốc tế. Bởi nó là sản phẩm của đứa con đẻ ra từ một cuộc hôn phối bất ngờ của thời đại. Khoa học kỹ thuật phát triển với bước nhảy vọt, cộng với lòng tham cố hữu nơi con người đã sinh ra một thứ chủ nghĩa tư bản man rợ, trên một mặt phẳng đó chủ nghĩa cộng sản được sinh ra. Khởi đầu, khi chủ nghĩa ra đi là tốt đẹp hơn cả bình thường, với cái ảo vọng như lên đồng. Và trên bước chân đi, nó đã trưởng thành bằng máu. Máu đã nuôi dưỡng, và nó trở nên tàn bạo, qua đó lớp lớp con người chân chính đã bị nghiền nát.
Với tinh thần quốc tế vô sản hồn nhiên ban đầu, và nỗi khát khao vươn lên chính đáng của kẻ bị trị và nghèo đói, Đảng Cộng sản Việt Nam đã dấn thân và không nhìn thấy rõ mình.
Việt Nam đã bị bệnh Down bắt đầu từ khi Đảng ra đời. Đến đây, thì không thể không xuất hiện hình ảnh ông Hồ Chí Minh với vai trò công-tội mà lịch sử sẽ xem xét.
Nhiều người Cộng sản, kể cả những nhân vật cao cấp trong phong trào Cộng sản quốc tế, ở Liên Xô và Trung Quốc, mà không chỉ là những nạn nhân, trước khi nằm xuống, hẳn đã hiểu ra một điều gì rất trọng đại về cái lý tưởng mà họ đã tự nguyện xả thân. Và họ đã mang nó theo xuống đáy mồ, nhưng không phải là không ai để lại một di sản nào cho các thế hệ sau. Rất nhiều. Thế giới đã từng có những kết luận nghiêm túc và rõ ràng.
Chỉ tiếc những người Cộng sản hiện đang là “Cộng sản”.
Một tên gọi mà ngày nay rất khó định nghĩa, khó tìm thấy ý nghĩa đẹp nào có trong đó, một từ ngữ mà 3/4 nhân loại ngán ngẩm không còn muốn nghe nhắc tới, 1/4 còn lại thì không nói nên lời.
Việt Nam đã trải qua ba giai đoạn đi theo với tinh thần tự nguyện:
- Ý thức hệ Cộng sản Quốc tế, do Liên Xô cầm đầu.
- Ý thức hệ Cộng sản quốc tế, do Trung Cộng cầm đầu, sau khi họ đủ lớn mạnh để tranh giành với Liên Xô.
- Liên Xô sụp đổ, ý thức hệ Cộng sản hoàn thành chính danh việc phá sản, về mặt lý thuyết cũng như thực tiễn. Đảng Cộng sản Trung Quốc, sau khi nhử được Mỹ vào cái bẫy cải cách chiến thuật “trỗi dậy trong hòa bình” đạt được thành tựu lớn về kinh tế, đã im lặng vứt bỏ chủ thuyết cộng sản vì không còn gì để khai thác, và mang danh ấy lại càng bất lợi với thời đại, đã công khai ngoảnh mặt, ngang ngược đứng lên đòi phân chia lại thế giới, theo cách bạo lực phát xít mà nhân loại tưởng đã vượt qua, như hai cuộc chiến tranh thế giới lần 1 và lần 2.
Trong mỗi giai đoạn diễn tiến trên, Việt Nam vùng vẫy trong tình huống bị động, dù có những lúc trưởng thành ngoạn mục, nhưng không thể bước ra khỏi cái bóng ma của đàn anh nham hiểm, phải chịu sự kiềm chế trong phụ thuộc vào quỹ đạo của họ, thông qua cầu nối giữa hai đảng Cộng Sản.
Với ba thập niên qua, Việt Nam không có đối sách thông minh, chân tay như bị xiềng xích, đầu như bị thít chặt vào các câu thần chú xã hội chủ nghĩa, như con mồi đang bị mắc vào bẫy.
Sau “hội nghị Thành Đô”, là “Đối tác chiến lược và toàn diện” xuất hiện. Chủ nghĩa xã hội dù đã cáo chung, nhưng vẫn hiện hữu như lá bùa hộ mạng cho Đảng Cộng sản Việt Nam tồn tại, bất kể nhân dân. Sự gắn bó với Đảng Cộng sản Trung Quốc dù gượng ép, nhưng lại có tính chất sống còn của đảng. Vì thế, các cuộc biểu tình ôn hòa của nhân dân, dù là để khiếu kiện đất đai hay chống đường lưỡi bò, đều bị đàn áp tận tình, kiên quyết, không khoan nhượng, như từ ngữ mà Đảng thường dùng.
Nay đã đến thời cơ được xem là thuận lợi, Tập Cận Bình thực hiện “điểm lật” quyết chiến chiến lược, mở đầu công khai tiến chiếm Biển Đông, bằng sự kiện giàn khoan Hải Dương 981. Chiến lược “trỗi dậy trong hòa bình” được thay bằng trận thách đấu ngạo mạng, được họ gọi là cuộc “so gươm hoành tráng nhất thế kỷ trên hai bờ đại dương” giữa họ và Mỹ (Giấc Mơ Trung Hoa). Niềm tin dù ảo tới đâu, hay còn gọi là kiên trì thiện chí ngu xuẩn, cũng phá sản nốt, đối với niềm tin của Đảng Cộng sản Việt Nam, đối với sự hoài nghi của nhân dân Việt Nam, và đối với nhận thức của thế giới.
Tuy nhiên, tai họa này không chỉ riêng với Việt Nam, mà đối với cả khu vực rộng lớn Châu Á - Thái Bình Dương.
Sự chuyển động bất ngờ từ vấn đề giàn khoan bắt đầu phát triển theo một chiều hướng khác ngoài dự tính, càng gay gắt càng không thuận lợi cho Bắc Kinh:
1- Thế giới không còn mấy quan tâm đến “chủ nghĩa Cộng sản” bảy màu nữa (tắc kè = con bảy màu), mà gọi đúng bản chất là chủ nghĩa bành trướng phát xít.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã đưa ra câu hỏi chính xác về sự thách thức toàn cảnh khu vực:
“Liệu Trung Quốc sẽ sử dụng sức mạnh đang lên của mình để thống trị một khu vực ảnh hưởng đang bành trướng, hay là khu vực sẽ tái khẳng định rằng các tiêu chuẩn quốc tế cũng phải được áp dụng ngay cả cho các nước mạnh nhất?”
2- Nhân dân Việt Nam đã thức tỉnh, đến hôm nay không còn ai, dù là người muộn màng nhất, là không thấy rõ nguy cơ của chủ nghĩa bành trướng Bắc Kinh, cũng không còn mơ hồ về cái từ “hữu nghị” mà Đảng Cộng sản Việt Nam dày công tuyên truyền, kiên trì bảo vệ một cách gượng gạo. Phong trào nhân dân “thoát Trung” (thoát khỏi sự chi phối của Đảng Cộng sản Trung Quốc) đang là khẩu hiệu hành động để Việt Nam hòa mình vào mặt trận chung, chống bành trướng khu vực, để bảo vệ độc lập tự do cho chính mình, và cũng là nghĩa vụ của một thành viên Liên Hiệp Quốc. Tình thế đang rất thuận lợi cho Việt Nam “xoay trục” như một đòi hỏi khách quan sống còn, một cơ hội quý báu để Việt Nam làm được điều mà nước Nhật gọi là thoát Á, đã làm cách đây cả thế kỷ. Đương nhiên Việt Nam phải vượt qua lực cản từ những di căn của những độc tố mà lâu nay Bắc Kinh đã ươm mầm, bằng các lý luận trá ngụy lan truyền trong Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tuy nhiên Đảng Cộng sản Việt Nam đang chuyển mình trong sự phân hóa. Người dân đang hoài nghi về phái “thân Trung Quốc”, trong Đảng, mà đứng đầu Đảng là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trong cuộc gặp cấp cao vừa qua, Dương Khiết Trì tiếp tục lời dạy trịch thượng kẻ cả, như các tiền nhiệm của họ, và cũng theo cách tường thuật trịch thượng của báo Trung Quốc:
“Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì chỉ rõ, đối với vấn đề trên biển hiện nay, hai bên cần phải xuất phát từ đại cục gìn giữ quan hệ giữa hai Đảng và hai nước, tránh mở rộng, làm phức tạp và quốc tế hoá vấn đề liên quan”.
“Mong Việt Nam xuất phát từ đại cục, cùng với Trung Quốc hành động theo một hướng, thúc đẩy quan hệ Trung-Việt khắc phục khó khăn, tiếp tục phát triển lên phía trước theo quỹ đạo đúng đắn”.
Dương Khiết Trì bám riết lấy chữ “đảng” mà khuyên lơn dạy dỗ!
Và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đáp lại theo cách vo tròn, vô thưởng vô phạt, và cũng vô nghĩa với tư cách là người có quyền lực nhất nước:
“Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị, hợp tác với Trung Quốc; mong muốn giữ gìn, củng cố và không ngừng làm cho quan hệ Việt-Trung phát triển lành mạnh, ổn định vì lợi ích cơ bản và lâu dài của nhân dân hai nước”
Và ông tiếp tục như người mộng du:”đánh giá cao về những bước phát triển tích cực trong quan hệ Việt-Trung trong những năm gần đây” bất chấp những sự kiện đang diễn ra.
Giá mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có thể giải thích minh bạch, cái mà ông “mong muốn” và “đánh giá cao”những phát triển tích cực quan hệ hai nước trong những năm gần đây, là cái gì vậy? Và hiểu đại cục này là đại cục gì? Phát triển lên phía trước là phía nào? Quỹ đạo nào gọi là đúng đắn?
Cách nói mơ màng và không rõ nghĩa của ông Tổng Bí Thư làm người dân nghĩ rằng, ông vẫn còn chìm đắm trong giấc ngủ đông mộng mị, dưới tấm chăn da lừa hữu nghị rất nhiều lỗ thủng.
Nhưng tình thế chung đã rõ. Một Việt Nam thoát Trung trở thành một nước tự do, sẽ là một thất bại xứng đáng cay cú của đảng cầm quyền Trung Quốc. Một Việt Nam ngả theo Trung Quốc là miếng mồi dâng vào miệng chúng để chúng béo tốt hơn. Vì thế chúng càng quyết tâm đưa tấm da lừa “hữu nghị” giữa hai đảng để che phủ âm mưu đen tối.
Nhưng Dương Khiết Trì nói ngược ngạo rằng, y cương quyết “không chịu nuốt quả đắng” đã nhận được trong chuyến du Nam lừa mị lần này. Thật ra, y chưa thành công trong việc ấn quả đắng vào miệng người khác.
Ông Trương Tấn Sang - Chủ tịch nước, trả lời trong một cuộc phỏng vấn, nhắc lại lời của vua Lê Thánh Tông nói với quần thần: “Nếu các ngươi dám đem một thước núi, một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di!”. Lời nhắc này ngụ ý muốn gởi đến ai để có ý nghĩa nhất? Đến nhân dân, đến Dương Khiết Trì, hay đến Đảng? Hay chỉ là sự ứng phó viển vông sau một thời gian im hơi, nín thở?
Thưa ông Chủ tịch,
Không có con đường nào khác. Ông và cả các ông trong Bộ Chính trị hãy xuống đường nắm tay nhân dân, chị bán cháo, anh phu hồ, bác công nhân hải cảng…, cùng nhau chuyển hóa não trạng, chuẩn bị cho một tâm thế mới, để đương đầu và đón nhận thời cơ lịch sử trước ngã rẽ hiểm trở, nguy nan của dân tộc.
Việt Nam “thoát Trung”, trở thành một nước dân chủ, là chuyển đổi thế cờ toàn Đông Nam Á. Biển Đông sẽ là nơi diễn ra cuộc chiến cuối cùng của khu vực để thanh toán triều đại Cộng sản tàn độc tại đất nước Trung Hoa. Việt Nam có vai trò của một định mệnh, dù muốn hay không, vì sự tồn vong của mình. Đáng gì mà không vứt bỏ cái ý thức hệ hết sức vu vơ kia, cùng cái chữ hữu nghị thêu trên tấm da lừa rách nát không thể vá được.
Chỉ lúc đó, Việt Nam, khu vực Asean, và Biển Đông sẽ được thái bình. Lúc đó may ra mới có cái hữu nghị lành mạnh đứng đắn giứa nhân dân các nước trong khu vực./.
Hạ Đình Nguyên
21-06-2014