Tải xuống để nghe.
Ông Nguyễn Bắc Truyển trong lần bị bắt trước đây. Photo courtesy of danlentieng.net
Chỉ vì là Quốc khánh
Hôm qua, một số diễn đàn điện tử và blog cho biết, sáng 31 tháng 8, ông Nguyễn Bắc Truyển đã đến UBND xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, TP.HCM theo thư mời do công an xã này phát hành để làm việc, về việc thi hành lệnh quản chế sau khi mãn hạn tù.
Là doanh nhân, chủ một doanh nghiệp tại Sài Gòn, ông Nguyễn Bắc Truyển từng bị Công an Việt Nam bắt giữ hồi tháng 11 năm 2006, rồi bị kết án 40 tháng tù, kèm hai năm quản chế sau khi mãn hạn tù vì “Tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”.
Sau khi mãn hạn tù, ông Truyển là một trong những cựu tù chính trị cung cấp hàng loạt thông tin về số phận của những tù nhân chính trị và tôn giáo đang bị giam giữ tại trại giam Z30A, tọa lạc tại huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Ông Truyển còn là một trong những cựu tù chính trị tham gia việc hỗ trợ cả tinh thần lẫn vật chất cho các cựu tù chính trị, tôn giáo cũng như thân nhân của họ. Do vậy, việc ông bị tạm giữ trở thành một sự kiện đáng quan tâm.
Theo ông Truyển, sáng 31 tháng 8, sau khi phải làm việc với Công an xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, ông phải tiếp tục làm việc với các sĩ quan an ninh Phòng PA38, Công an TP.HCM, Công an quận 1, Công an phường Nguyễn Cư Trinh và đến 11 giờ cùng ngày thì được đưa từ Bình Chánh về quận 1 để làm việc tiếp cho đến cuối buổi chiều. Ông kể thêm:
“Thật ra mà nói thì tôi có thể từ chối cuộc gặp đó, bởi vì mời như vậy là sai. Họ chỉ có thể mời tôi ở khu vực tôi cư ngụ là quận 1 hoặc quận 4 thôi nhưng vì tôi cũng muốn xem coi họ muốn gì thành ra tôi cùng với người anh hai đến đó.
Sau khi làm việc với Trưởng Công an xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh thì Công an của Sở Công an TP.HCM xuống. Họ nói chuyện với tôi xong thì họ áp giải tôi về UBND phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1 và họ làm việc về vấn đề quản chế sau khi thi hành án tù và vấn đề nhập hộ khẩu.
Sau đó thì bắt đầu làm việc về vấn đề tư tưởng. Hỏi han một số vấn đề trước khi đi tù và sau khi đi tù, rồi các mối quan hệ của tôi với anh em, bạn hữu, các mối quan hệ với một số người tranh đấu cho dân chủ trong nước. Đó là cuộc đấu tranh về tư tưởng thôi…
Đến 4 giờ chiều họ hoàn tất công việc của họ thì họ thả mình về.”
Ông Nguyễn Bắc Truyển trong trại giam trước đây. Photo courtesy of ddcvn.info
Quản chế để tiện đi lại?
Trân Văn: Như vậy họ chỉ làm việc với anh trong một ngày 31 tháng 8 thôi?
Nguyễn Bắc Truyển: Dạ đúng! Họ chỉ giữ mình từ 9 giờ sáng cho đến 4 giờ chiều.
Trân Văn: Thái độ của họ thế nào hả anh?
Nguyễn Bắc Truyển: Công an xã Phạm Văn Hai – nơi gửi giấy mời cho tôi thì hết sức nhã nhặn. Họ khuyên mình nên chấp hành vấn đề quản chế để cho nó tiện việc đi lại cũng như cuộc sống của mình không gặp rắc rối.
Công an Sở thì đối xử cũng bình thường, cũng đàng hoàng, nhã nhặn, không làm gì gây bức xúc cho mình hết. Mọi việc diễn ra trong trạng thái bình thường. Mình trầm tĩnh và họ cũng trầm tĩnh.
Họ muốn hiểu biết gì về mình thì mình cũng nói cho họ nghe. Có một số câu hỏi tuy họ yêu cầu trả lời nhưng mình từ chối trả lời bởi vì những điều đó nằm ngoài chuyện thẩm vấn. Giờ đây mình không phải là người bị bắt.
Họ muốn hiểu biết về tư tưởng thì trao đổi về tư tưởng. Nếu họ muốn tranh luận về tư tưởng thì tôi cũng sẽ tranh luận về tư tưởng. Còn những vấn đề cá nhân, quan hệ với người này, người khác thì tôi từ chối không trả lời.
Trân Văn: Trong cuộc trò chuyện đó thì họ có quan tâm nhiều đến việc các cựu tù chính trị gặp gỡ nhau không?
Nguyễn Bắc Truyển: Họ rất quan tâm. Cả về những cá nhân nữa. Tôi có nói với họ là các ông đừng có bận tâm. Chúng tôi gặp nhau là vì nhân đạo và từ thiện thôi. Xin mời các ông bỏ một buổi chủ nhật nào đó đến nghe chúng tôi nói chuyên với nhau thì các ông sẽ rõ thôi nhưng người thẩm vấn tôi từ chối. Họ nói họ không được phép đến những nơi đó. Mình có mời nhưng họ không đến thì tùy họ thôi…
Họ có quyền nghi ngờ, có quyền nghĩ rằng trong dịp lễ 2 tháng 9 này mình sẽ làm sự kiện nào đó nhưng tôi nói với họ là tôi không làm gì hết. Chúng tôi chỉ gặp gỡ nhau để trao đổi về những vấn đề nhân đạo, giúp đỡ nhau. Sự quan tâm nếu có thì chỉ về tình hình Việt Nam, tình hình thế giới thôi, chứ chúng tôi không có sự kiện nào để chống lại các ông trong dịp lễ này hết.
Trân Văn: Họ có yêu cầu không gặp gỡ, không tụ tập?
Nguyễn Bắc Truyển: Họ không cấm nhưng nếu họ quản chế được tôi thì coi như là cấm tôi tụ tập rồi. Qui định về quản chế ban hành năm 2001 thì hết sức ngặt nghèo. Đi ra khỏi phạm vi một phường là phải xin phép. Điều đó có thể coi như là cấm. Vấn đề là mình chấp nhận sự quản chế đó tới đâu. Đó là sự khôn khéo của mình. Tôi nghĩ rằng, sắp tới, tôi phải sử dụng sự khôn ngoan của mình để đi lại bởi vì tôi còn phải đi làm để kiếm sống, để thăm bạn bè. Thăm gia đình mọi người khác.
Nếu theo qui định của họ thì khó lòng mà chấp nhận được.
Từ “không tha” đến “sẽ thả” và thực tế…
Liên quan đến sự kiện, trong vòng một tháng, chính quyền Việt Nam đột ngột thay đổi quan điểm, từ “không xét” đến sẽ thả 30 tù chính trị trong đợt đặc xá được xem là “lớn chưa từng có” nhân dịp kỷ niệm 65 năm Quốc khánh Việt Nam, ông Truyển cung cấp thêm một số thông tin:
“Hiện nay chỉ thấy có một người là linh mục Nguyễn Văn Lý thôi còn những người kia tôi không biết được. Có một người thuộc dạng tù chính trị nhưng bị ghép tội hình sự là anh kỹ sư Trương Minh Nguyệt được đặc xá. Anh Trương Minh Nguyệt bị ghép tội “lợi dụng các quyền tự do, dân chủ”. Tội đó không thuộc nhóm tội “xâm phạm an ninh quốc gia”. Đối với nhà nước Việt Nam thì đó là một tội hìmh sự đơn thuần, không được xem là “xâm phạm an ninh quốc gia” nhưng anh em tù chính trị vẫn coi đó là một người tù chính trị, một người đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam.”
Trân Văn: Anh Nguyệt cư trú ở đâu?
Nguyễn Bắc Truyển: Dưới Long An.
Trân Văn: Như vậy là ngoài trường hợp linh mục Nguyễn Văn Lý và anh Trương Minh Nguyệt thì anh không có thêm thông tin nào về những trường hợp tù chính trị được đặc xá?
Nguyễn Bắc Truyển: Dạ đúng. Tôi rất là buồn về trường hợp của anh Cầu, anh Thiêng nhưng cố gắng đợi thêm vài ngày nữa xem sao. Bởi thường thường thì họ thả tù chính trị sau lễ vài ngày chứ không thả chung thời điểm với tù hình sự.
Không chỉ riêng ông Truyển, hiện có khá nhiều người đang quan sát cách thức chính quyền Việt Nam đối xử với hai người tù chính trị có số phận đặc biệt trong bối cảnh chính quyền Việt Nam đang kêu gọi “hòa hợp, hòa giải”, một là ông Nguyễn Hữu Cầu, đã bị giam giữ 33 năm và người còn lại là ông Trần Văn Thiêng, đang trong tình trạng “thập tử, nhất sinh”. Cả ông Cầu lẫn ông Thiêng cùng là sĩ quan của chính quyền miền Nam Việt Nam.
Trân Văn, thông tín viên RFA
01-09-2010
Gửi ý kiến của bạn