BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73502)
(Xem: 62250)
(Xem: 39442)
(Xem: 31185)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Thắp Nén Hương Lòng

09 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 1353)
Thắp Nén Hương Lòng
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51

Tình cờ được đọc laị bài thơ “Khi về thăm tòa soạn” của thi sĩ Trần miên Trường đăng ở nguyệt san Tuổi Hoa số 95 ra ngày 15 tháng 9 năm 1968 được đưa lên ở Website hung-viet.org. Ký ức tôi đi ngược laị quãng đời của thập niên 60.


Thời gian trôi nhanh quá. Nhắm mắt mở mắt mà đã mấy chục năm. Vậy mà những kỷ niệm xưa vẫn còn đầy ắp trong tim càng dạt dào hơn khi tôi nhớ về ngày tháng cũ. Nhớ laị buổi chiều xưa ấy anh tôi đi học về muộn hơn mọi ngày . Cả nhà lo lắng không biết chuyện gì đã xẩy ra cho anh ở dọc đường. Bà Nội cứ đi ra đi vào mong ngóng, chờ đợi.


Cuối cùng, khi ánh nắng chiều còn sót lại trên ngọn cây trứng cá đã tắt hẳn thì anh về cùng với một ông lính trẻ. Mấy chị em tôi nhìn ngắm anh và hỏi nhau ông này là ai thì bà Nội từ nhà dưới đi lên. Anh lính chưa kịp lấy ba lô ra khỏi vai anh vội chạy lại ôm chầm lấy bà Nội và vồn vã nói;


- A! Nội đây rồi. Nội có khỏe không? Nội còn nhớ con không? Thằng Long đây Nội; rồi anh xây qua chào cả nhà.


Thì ra, đây là anh Long một người bạn thân nhất của anh tôi trong trường học cũng như trong đoàn Hướng Đạo sinh. Mọi người vừa vui mừng lẫn ngạc nhiên khi đã nhận ra anh, mới mấy năm không thấy lại anh mà nhìn anh lạ hẳn với mái tóc hớt gọn, da đen sạm dáng dấp vững vàng trong bộ đồ rằn ri và chiếc mũ nâu nằm gọn gàng dưới cầu vai chiếc áo trận nhìn anh già dặn hẳn ra. Bà Nội nheo mắt nhìn anh một lát rồi như chợt nhớ ra bà ôm chầm lấy anh, xoa đầu, nắn tay nắn mặt anh rồi bà từ tốn nói:

- Cha mi, đi mô mấy năm ni không ghé nhà thăm Nội. Đã mấy cái Tết rồi nhà ni vắng mặt con, thì ra con đăng lính từ khi mô mà nội không nghe thằng Thanh nói chi hết.


Bà Nội nói một hơi rồi giục tụi tôi đi ăn cơm. Mâm cơm Nội đã dọn sẵn trên chiếc sập gỗ đặt trước hiên nhà có cái mái che được kéo rộng ra. Cứ mỗi mùa Hè là nội huy động hai ông anh tôi khuân chiếc sập ra tới mùa Đông thì lại khiêng vào.


Không khí trong nhà bỗng dưng nhộn nhịp hẳn lên. Mọi người cùng quây quần bên mâm cơm. Tôi nhớ khuôn mặt anh Long lúc nào cũng vui vẻ, rạng rỡ chiếc miệng rộng với hàm răng đều như hạt bắp lúc nào cũng nở một nụ cười.


Bà nội xới cơm vào chén và ưu tiên đưa cho anh Long rồi bà nói:


- Ăn đi con, tội nghiệp mới bây lớn mà đã đăng lính rồi.


Anh Long cầm lấy chén cơm không quên lên tiếng cảm ơn bà nội rồi bắt qua chuyện khác như muốn tránh điều nội nói. Anh tôi biết ý nên lên tiếng phân trần với nội lý do hai người về trễ chiều nay.


Hồi đó tôi nhớ anh Long khoảng ngoài 18 tuổi, còn tôi thì học vừa xong lớp đệ thất ( lớp 6 bây giờ ). Như vậy là anh Long đi lính sớm so với bạn bè cùng trang lứa vì nghe đâu hoàn cảnh gia đinh anh không được vui vẻ. Anh cũng mồ côi mẹ như anh em chúng tôi, có lẽ vì lý do sao đó mà anh hay đến nhà tôi sinh hoạt với anh em tụi tôi. Tình cảm gia đình tôi gần gũi với anh như anh em một nhà.


Anh Long vừa ăn cơm vừa kể chuyện lính. Chuyện một ông bạn lính của anh đến phiên gác mà sợ ma quá nên khóc hoài. Mâm cơm chiều tuy đạm bạc nhưng ngon miệng nhờ cái duyên nói chuyện của anh có thêm một vaì ông bạn hàng xóm của anh tôi thấy nhà tôi có khách lạ chuyện trò vui vẻ họ cũng kéo nhau đến nghe chuyện nhất là thấy lính rằn ri là khoái lắm.


Bà nội luôn tay xới cơm và giục anh ăn:


- Ăn đi con, cao lương mỹ vị nội không có chứ cơm trắng thì nội còn nhiều. Vô lính mà vừa ăn vừa nói như bây có nước đói rã họng.


Anh Long nhanh miệng nói:


- Dạ đúng đó nội. Mà cơm lính làm gì có cá nục kho tiêu ngon như ri. Lại thêm rau muống luộc với ớt chìa vôi cay xé làm con điếc óc điếc tai còn hơn nghe đạn nổ bên tai nữa đó nội.


Nghe anh nói mọi người cười giòn tan trong cái mát mẻ của cơn gió nồm đầu mùa từ đâu thổi lại, khiến những cánh hoa màu sữa từ trên cây dừa rơi xuống lả tả vương nhẹ trên tóc của tôi khi tôi đang ngồi phía ngoài chiếc sập gỗ cạnh gốc cây dừa. Bấy giờ anh Long mới vươn cánh tay rắn rỏi gỡ lấy những cánh hoa trên tóc tôi và lên tiếng hỏi anh tôi:


- Út đây phải không Thanh? Lúc nãy về tới nhà anh nhìn ai cũng quen chỉ có Út là lạ hẳn nên anh ngỡ ngàng chưa hỏi thăm Út.


Tức thì tôi ngoe nguẩy:

- Anh thì còn nhớ ai nữa ngoài cái cô “Thu Phương, cô bé lắm mộng mơ của anh”.


Nghe tôi nói anh bỗng cười hô hố một cách sảng khoái:


- Cha, Út lại thuộc cả thơ của anh nữa ta.


Lúc đó anh kế tôi thêm vào:


- Ủa anh không biết hả ? Con Út đang tập làm thi sĩ chép đó.


Mặt mày tôi đỏ bừng, mắc cỡ làm tôi ngưng đũa. Thấy tôi vậy anh Long lên tiếng dỗ dành:


- Út giận hả? Lát nữa anh sẽ có quà cho Út.


Lần đó kỳ nghỉ phép của anh Long vừa vào dịp chấm dứt niên học nên anh em chúng tôi có dịp gần gũi nhau để tâm sự, ngoài thời gian hai ông đi bát phố hay đi gặp bạn bè còn lại những lúc anh ở nhà thì tôi cứ quanh quẩn bên cạnh anh, tôi thấy anh ngồi bó gối trên chiếc sập, lưng dựa vào vách tường nhà mắt anh cứ ngước nhìn trời xanh mây trắng, vòm cây dừa nằm bên phải, ngọn cây đào đang độ ra hoa phía bên trái, hoa đào thỉnh thoảng rải nhẹ một lớp mỏng trắng dưới gốc cây khi có làn gió thoảng qua. Tôi thấy ánh mắt anh cứ nhìn xa xăm có lúc lại nhíu mày rồi anh hí hoáy viết chi chit những hàng chữ trên trang giấy học trò. Trong túi ba lô của anh đầy cả xấp giấy trắng cùng với những tờ Tuổi Hoa cũ và mới.


Rồi những ngày phép của anh Long cũng trôi qua nhanh . Hôm giã từ anh lại ôm hôn Nội tôi và cầm chặt lấy tay tôi giật giật và dặn dò:


- Út nhớ học giỏi đừng mơ làm thi sĩ như anh, đa đoan lắm.


Lúc đó tôi còn nhỏ quá nên chẳng nghĩ ngợi gì. Sau này đến tuổi biết suy tư thì đã xa tất cả. Và tôi nhớ buổi sáng chia tay ngày đó anh đã để lại trên bàn học của tôi mấy tờ Tuổi Hoa. Những năm tháng về sau thì thơ anh sáng tác ngày càng nhiều, cứ đến kỳ báo ra là anh chị tôi lại bàn tán về thơ của anh. Phần lớn ý thơ của anh phảng phất buồn.


Tôi còn nhớ như in khi đeo túi hành trang lên vai, anh kí vào đầu tôi rồi hứa hẹn:


- Út nhớ ngoan anh sẽ có qùa cho Út nữa.


Và anh đã giữ đúng lời hứa. Tôi thật vui mừng khi nhận được quyển truyện của anh gởi về từ Sài Gòn trong một chuyến đi phép lần thứ hai của anh. Quyển truyện có tựa đề “Lòng Mẹ”. Loại sách của nhà xuất bản lâu quá nếu tôi nhớ không nhầm là của ông Quyên Di chủ nhiệm, có họa sĩ VyVy và một số tác giả khác mà một thời lứa tuổi niên thiếu của tụi tôi say mê chuyền tay nhau đọc quyển truyện đó và tôi nhớ tôi đã rơi không ít nước mắt khi đọc. Viết tới đây tôi lại thấy tiếc qúa một thời cho nền Văn Học miền Nam.


Kèm với quyển truyện là lá thư anh Long viết. Anh bảo năm tới không có chi thay đổi anh có phép lại sẽ về thăm gia đình tôi. Nhưng rồi sau trận chiến Mậu Thân xẩy ra thì anh tôi đang học ở Đại học sư phạm Huế cũng đành gác sách vở để vào quân trường.


Anh tôi nhập ngũ và do nhu cầu nên được chọn vào binh chủng Hải quân, đơn vị anh là Duyên đoàn 14 đóng ở cửa Đại, Hội an. Anh tôi và anh Long vẫn thường xuyên thư từ cho nhau vì lúc đó tôi còn nhỏ qúa nên cũng không để ý đơn vị anh Long thuộc tiểu đoàn nào, chỉ nghe nói anh là lính Biệt động quân.



Mãi qua tới năm tôi lên lớp 9, tôi mới nhận lại được thư của anh Long gởi về. Anh kể đơn vị anh đang dưỡng quân ở Hòa Cầm ngoại ô Đà nẵng và anh Thanh tôi từ Hội an ra có ghé thăm anh. Bởi vậy anh mới biết rằng lúc này Út “mơ mộng lắm và có sáng tác lem nhem, chờ anh về để anh làm quân sư nghe Út”. Khi đó tôi cũng đã thật sự biết mộng mơ nghe anh nói vậy trong lòng tôi cũng có chút gì xao động nên cứ mong ngóng ngày anh về rồi cứ đọc tới đọc lui lá thư anh gởi cho tôi. Tôi nhớ đoạn cuối bức thư anh tâm sự rằng: ”Anh đã chọn được một bút hiệu mới thay cho tên của anh, một bút hiệu mà anh rất ưng ý Trần Miên Trường mà theo như lời anh giải thích. Miên là cô miên có nghĩa là một mình như cô gái tên Miên một nhân vật nữ trong Khu rừng Lau ở quyển truyện Ba sinh Hương Lửa của nhà văn Doãn Quốc Sỹ mà tôi vẫn giấu giếm được trong đợt truy quét “tàn dư sách báo Mỹ ngụy”. Còn nghĩa của chữ Trường thì anh bảo là “mãi mãi”. Điều anh ước mơ là mong quê hương mình hết chiến tranh để anh trở về tiếp tục lại việc học dang dở mà trong một bài thơ của anh đã viết ”Bạn bè anh những người cùng trang lứa . Vẫn yên vui bên bóng mát học đường.


Đọc xong thư của anh lòng tôi chợt mơ hồ một điều gì đó không được vui. Tôi đem ý nghĩ đó kể cho chị tôi nghe. Chị lớn tôi lúc đó đã đến tuổi cặp bồ nên phần lớn thời gian chị để dành cho việc hẹn hò đưa đón của bạn trai nên khi nghe tôi nói chị chỉ mỉm cười bâng quơ và chọc quê tôi.. "Mi với thằng Long là đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu, suốt ngày cứ lơ thơ lẩn thẩn,r a ngẩn vào ngơ.." Anh Long vẫn miệt mài theo chiến trận mà càng ngày càng gần đến thành phố. Rồi điều tôi linh tính đã thành sự thực . Một chiều mùa Hạ anh tôi từ đơn vị về thăm nhà với nét mặt bơ phờ anh bảo cho cả nhà tôi hay rằng anh Long đã tử trận. Khi hay tin Bà nội tôi cúi gập người và thảng thốt la:


- Trờì ơi! Tội nghiệp thằng Long.


Mọi người ngậm ngùi , mỗi người tìm ngồi một góc bỏ cả bữa ăn chiều chỉ có mình ba tôi là cầm đũa vì ông còn phải đi gác phiên trực đêm. Chập tôí, tôi lặng lẽ đến bên kệ sách tìm lại quyển truyện "Lòng mẹ” mà anh cho tôi ngày trước cùng những lá thư của anh. Tôi lật trang sách với những lá thư ra nhìn mà như thấy khuôn mặt anh hiện ra trước mắt với nụ cười rạng rỡ trên môi. Bất giác tôi nghe môi mình mằn mặn thì ra những giọt lệ đã tuôn ra nơi khóe mắt tôi và tôi nhớ tôi đã âm thầm viết vào trang nhật ký của tôi mấy câu thơ vụng về:

Rồi một buổi chiều muà Xuân sang mùa Hạ.
Ở chiến trường xa Anh đã bỏ mình,
Thì nơi đây có những cánh hoa dừa bay lả tả,
Và những giọt nước mắt rơi thánh thót Miên Trường.


Phải chăng cái bút hiệu Trần Miên Trường đã vận vào số phận của anh.


Và nỗi thương tiếc anh Long chưa nguôi ngoai thì khỏang 3 tháng, sau ngày anh Long mất gia đình tôi sửng sốt khi người lính Hải quân thuộc giang đoàn 32 ở trại Tây Kết bên hữu ngạn sông Hương đến nhà tôi ngập ngừng báo tin anh Thanh tôi tử trận khi đang đi tuần tiễu ở khu vực bờ biển của cửa Đại, Hội An. Lúc đó, tôi đang chuẩn bị chén bát để ăn cơm trưa và mâm chén bát từ tay tôi đã rớt xuống nền nhà vang lên một tiếng xoảng chát tai cùng với tiếng hét thất thanh của chị tôi.


Còn nhớ khi đơn vị đưa xác anh tôi về, tôi thấy có đến hai cái hòm, một của anh và một của nguời lính cùng đi hành quân với anh, cả hai đều tử thương và cùng ở thành phố Huế. Nhắc lại chỉ thêm buồn nhưng tôi vẫn muốn nói lên như là một sự tưởng nhớ đến những người đã xa xăm. Ngày đó ba tôi không thể nào bước ra đến bên cạnh xe GMC để đem hòm anh vào nhà. Ông đã ngã qụy khi thấy chiếc xe dừng trước nhà và ông đã úp mặt vào tường nhà hai tay thì cào cấu vách tường đến độ vôi vữa ra. Bà Nội thì vật vã,quay cuồng than van: ”Con ơi! Lá xanh rụng trước lá vàng”. Chiến tranh, quê hương và nước mắt…Biết bao đầu xanh tuổi trẻ đã nằm xuống mà tôi vẫn không quên.


Tôi nhắm mắt nhớ lại những ngày xưa thân ái, anh Thanh anh Long và những người bạn Hướng đạo sinh đến nhà tôi ôm đàn cùng nhau hát ca khúc “Tình quê hương” của Đan Thọ: "Anh về qua xóm nhỏ. Em chờ dưới bóng dừa. Nắng chiều lên mái tóc. Tình quê hương đơn sơ.


Cuộc chiến càng ngày càng khốc liệt. VC pháo kích vào tới trong thành phố làm chết biết bao nhiêu thường dân vô tội. Nữ sinh chúng tôi còn được dịp cắp sách đến trường chứ bọn bạn nam sinh đều lần lượt nhập ngũ. Cuộc sống của tôi dần mất đi vẻ hồn nhiên, vô tư. Những lá thư của Thảo bạn học cùng nhóm từ đơn vị gởi về với những lời tâm sự của lính xa nhà khiến tôi xót xa. Những đêm về nghe tiếng đại bác từ xa vọng lại hay nhìn những đóm hỏa châu chập chùng rơi ở chân trời phía Tây là tôi lại nghĩ đến những người trai đang chinh chiến miền xa. Rồi thỉnh thỏang hay tin người quen đã bỏ mình khiến tôi đâm ra mê lính trận. Trong lớp tụi bạn cùng nhóm cứ chuyền tay nhau đọc những câu thơ mà tôi thường viết lên đầu trang vở:


Chàng từ đi vào nơi gió cát .
Đêm trăng này nghỉ mát phương nao


Hay là:


Đưa người không đưa sang sông.
Mà sao có sóng trong lòng.
Đường đi không gío lòng sao lạnh.
Bụi vướng ngang đầu mong nhớ mong.


Tôi mong ngày trở về cho những người lính xa nhà và tôi mơ một hình bóng oai hùng. Tôi biết thông cảm cho tâm tư những “Kẻ ở miền xa”. Một buổi chiều đi học về ngang qua cống Vĩnh Lợi tôi gặp một ông rằn ri TQLC mà đơn vị ông tôi đoán có lẽ đóng ở đồn quân cụ gần đó. Người lính xa nhà đi dưới cảnh trời mùa Đông mây mù giăng thấp và cái lạnh se da của xứ Huế bất chợt ông cất lên tiếng hát buồn não nuột: ”Có những chiều mưa buồn giăng bay khắp lối. Có những chiều mưa buồn gía lạnh bờ vai. Tôi đi mang tâm tư anh lính xa nhà mà lòng tôi thấy bơ vơ cầu mong nước Việt thanh bình.” Nghe cảm động qúa tự dưng cả tôi và Tâm cùng nắm chặc tay nhau và buột miệng “nghe buồn qúa mi hí?”.


Vâng ! Tôi biết cảm thông cho đời lính cho nên tôi đã không lên án một số đơn vị mà ngày ấy có người gọi họ là lính “kiêu binh”. Bởi vì cuộc sống của họ như những con thiêu thần lao vào vòng lửa đạn để bảo vệ hạnh phúc và an ninh cho người khác. Bằng chứng là khi cuộc chiến kết thúc thì chúng tôi đã không có được diễm phúc đứng vỗ tay “hoan hô hòa bình” mà ngược lại chúng tôi lại phải ngập ngụa trong một cuộc sống lầm than.


Thời gian vẫn chuyển động. Cuộc sống đã có nhiều đổi thay nhưng lòng tôi vẫn mưng mủ khi nhớ về qúa khứ, nhớ về các anh tôi. Lòng bùi ngùi khi thấy ngày 30 tháng 4 laị sắp trở về . Bài viết này như một nén hương lòng thắp lên để tưởng nhớ thi sĩ Trần Miên Trường tức là anh Đỗ Tư Long một người lính mũ nâu đã tử trận ở chiến trường Hạ Lào năm 1971 trong cuộc hành quân Lam Sơn 719 và những đồng đội khác trong QLVNCH đã hy sinh vì Tổ Quốc.


Mi Sa.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn