BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76626)
(Xem: 63102)
(Xem: 40493)
(Xem: 32109)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Viết Về Một Số Các Bạn Tôi Ở Delta Ngày Đầu

28 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 2631)
Viết Về Một Số  Các Bạn Tôi Ở Delta Ngày Đầu
52Vote
42Vote
30Vote
20Vote
10Vote
4.54

Mặc-Khách


 Trại Delta được thành lập giữa năm 1964. Nhiệm vụ của trại là huấn luyện và cung cấp cho Khu Cấm các Toán Biệt Kích để hành quân viễn thám trên bắc vĩ tuyến 17 và đường mòn Hồ chí Minh. Doanh trại nằm trong phi trường Nha Trang. Khu Cấm là một bộ phận của trại và các kế hoạch hành quân của khu Cấm trực thuộc Sở Kỹ Thuật Bộ Tổng Tham Mưu. Khu Cấm đã từng có biệt danh là trại Đằng Vân.

  Tháng 9-1964 tôi từ bộ chỉ huy LLĐB Vùng 4 được thuyên chuyển về chỉ huy trại LLĐB/Delta.

  Thời sự nóng bỏng ở đây là 2 toán Biệt Kích vừa bị tổn thất nặng khi đi hành quân. Chúng tôi tức thì đúc kết các lỗi lầm của hai Toán và của ban điều hành trại để phổ biến cho các Toán Hành Quân khác và để sửa lại cách huấn luyện.

  Cuối năm 1964 hoạt động ở Khu Cấm thưa dần. Hàng rào kẽm gai xiêu vẹo, cỏ bắt đầu mọc, cổng ra vô cửa đóng then cài. Cảnh thê lương của khu Cấm khiến tôi chạnh nhớ đến các bạn trong 2 Toán ra đi lần chót ấy. Thiếu úy Đặng ngọc Khiết, thượng sĩ 1 Nguyễn văn Pháo và một số các bạn khác đã không về. Thiếu úy Khiết đến LLĐB thẳng từ trường Võ Bị Quốc Gia cùng với 32 thiếu úy tân khoa. Đại úy Mã sanh Nhơn thuộc Bộ Tư Lệnh LLĐB đến tuyển các anh khi các anh đang chuẩn bị mãn khoá 17 sĩ quan Đà Lạt sau 3 năm học. Vào Delta không lâu, anh có mặt trong Toán hành quân này. Thao trường mồ hôi anh đổ nhiều, nhưng chiến trường kinh nghiệm thực tiễn anh chưa đủ. Anh đi và không về.

  Thượng sĩ Pháo là hạ sĩ quan sáng giá của Liên Đoàn 77. Năm 1962 trong chương trình Lôi Vũ phụ tá cho toán trưởng Cẩm ngọc Huân chuẩn bị xâm nhập Boloven, Hạ Lào. Gần giờ chót, thượng sĩ Lưỡng có điều kiện thích ứng hơn, đã thay thế anh. Khi di chuyển đến gần tỉnh Attopeu Toán gặp một đơn vị Pathet Lào mặc quân phục Hoàng Gia Lào. Khi các cán bộ cố vấn Cộng Sản Bắc Việt, là những người chỉ huy đơn vị Pathet Lào này ra mặt. Toán mới biết là mình đã nhìn bạn lầm. Sau hai ngày bị lọt vào tay địch, Toán dùng mưu mẹo đào thoát được. Toán đã khôn ngoan dụ địch đến bải thả để nhận tái tiếp tế. Địch không ngờ bức điện Toán gửi xin thả tiếp tế đó chính là bản mật mã để máy bay Hoàng Gia Lào đến oanh kích chúng khi chúng đang tập trung gần bãi, tạo cơ hội thuận tiện cho cả cả Toán đào thoát. Khi tháo chạy, một toán viên bị nhiều tên địch vây bắt, đã anh dũng tự sát để khỏi lọt vào tay chúng lần thứ hai. Khi gặp lại thượng sĩ Lưỡng, thượng sĩ Pháo nói:"Tôi có số hên được anh Lưỡng đi hành quân thay thế. Vận hên của tôi lan sang anh Lưỡng, nên anh Lưỡng dù bị địch bắt mà vẫn về được..." Lần này anh Pháo rời Khu Cấm, vận hên không đến với anh. Anh đi và không về.

  Trong số rất ít người về có thượng sĩ 1 Trà văn He và trung sĩ 1 Nguyễn văn Đóa. Hai anh là HSQ lâu năm nhiều kinh nghiệm của Liên Đoàn 77. Sau này hai anh được các Toán Hành Quân nhắc đến như các bậc lão thành của LLĐB về mưu sinh và thoát hiểm.

  Từ năm 1965, các đơn vị bộ binh Hoa Kỳ và đồng minh ào ạt đổ quân vào Việt Nam. Delta hướng các cuộc hành quân viễn thám vào việc yểm trợ các đơn vị bạn. Cuộc hành quân tại Bình Giả và núi Thị Vải vùng Phước Tuy ghi nhận sự thành công ngoạn mục về kỹ thuật bắt tù binh bằng trực thăng của các toán Delta. Trực thăng chở quân bay ở cao độ bình thường, bất thần hạ thấp. Ba anh Delta lao ra vây bắt hai tên địch đang run sợ kinh hoàng, hai tay đang lập cập ôm ghì súng cá nhân. Trong một loạt hành quân kể trên để yểm trợ quân đội Hoàng Gia Úc, chúng tôi chịu cảnh đau thương để trả giá cho kỹ thuật táo bạo này: Hạ sĩ Triệu vĩnh viễn giã từ đồng đội.

  Sau nhiều chiến thắng vẻ vang, tinh thần đồng đội của Delta phát huy mau chóng. Sau này tình cờ tôi đọc được một bài báo của ký giả Phan Nghị trên nhựt báo Chính Luận. Phan Nghị thăm một tiền đồn biên phòng. Tại đây ông được Thượng sĩ Nguyễn văn Liếp thổ lộ tình cảm quyến luyến giữa các đồng đội Delta, đoạn nhờ anh Phan Nghị nhắn tin cho người bạn Delta...đã chết, là hạ sĩ 1 Nam Sách. Cảm động về tình khắn khít trong các Toán Delta, ký giả Phan Nghị đã viết một bài báo đặc biệt.

  Delta có những anh, một khi ta đã gặp, rất khó quên. Điển hình là Nguyễn bỉng Quang, Nguyễn văn Tùng, Hồ văn Nhựt, Phan văn Cảnh, Nguyễn thanh Phong, Tống văn Hầu, Trần khắc Nghiêm, Nguyễn Nghi, Huỳnh thuận Nhã, Nguyễn văn Biên.

  Anh Quang xuất thân khoá 17 Đà Lạt. Về đây anh nổi danh là người bất cần đời. Từ trong Khu Cấm anh đào hào ngầm qua hàng rào kẽm gai, vượt trại ra phố đi giang hồ suốt đêm. Về sau anh trở thành toán trưởng gương mẫu xuất sắc. Năm 1975 anh không đi trình diện ủy ban Quân Quản Việt Cộng. Anh sống lẫn trốn ở Sàigòn cho đến ngày anh có được một thông hành hợp pháp để xuất ngoại. Hiện anh đang ở Pháp.

  Anh Tùng ít ai quên được sự điềm đạm chính chắn của anh. Do đức tính này khi rời Delta anh được chọn làm đại đội trưởng Đại Đội 4 Biệt Cách Dù. Tại Nha Trang hồi Mậu Thân, cùng với tiểu đoàn trưởng 91 BCD thiếu tá Lê như Tú, anh đã dũng cảm nằm xuống để mang lại chiến thắng vẻ vang cho Lực Lượng Đặc Biệt.

  Anh Nhựt, với giọng hát trầm hùng thiên phú, đời sống tình cảm của anh thiệt tràn đầy. Anh là toán trưởng luôn hết mình với anh em. Hết nhiệm kỳ ở Delta anh đi làm trại trưởng Sông Bé. Anh dũng cảm hy sinh tại đấy.

  Anh Cảnh là hạ sĩ quan có biệt tài chỉ huy. Do năng khiếu này anh được chỉ định làm Toán trưởng. Năm 1965 Quân Đội áp dụng triệt để Bảng Cấp Số, theo đó giới chức được mang cấp bậc theo đúng như Bảng Cấp Số ấn định. Trung sĩ 1 Phan văn Cảnh, là Toán trưởng Biệt Kích được mang cấp thiếu úy nhiệm chức. Sau nhiều tháng làm việc và đeo cấp bậc mới này, một ngày đẹp trời thiếu úy Cảnh nhận được nghị định Bộ Quốc Phòng vinh thăng chuẩn úy nhiệm chức!!! Thay vì buồn rầu vì bị bất ngờ xuống cấp, chuẩn úy Cảnh khao anh em một tiệc linh đình, vì từ nay anh đã có lương, không còn đeo lon "chùa" như trước nữa.

  Việc thăng cấp nhiệm chức cũng là đề tài sôi động trong nhóm Không quân thuộc phi đoàn trực thăng đang biệt phái cho trại chúng tôi. Các thiếu úy phi công Trưởng trực thăng dưới quyền thiếu úy Hồ bảo Định, trưởng đoàn biệt phái, được đồng loạt cùng lúc thăng cấp đại úy nhiệm chức. Mọi người vui mừng nhưng đồng thời rất đỗi ngạc nhiên vì tên của thiếu úy Hồ bảo Định không thấy có trong nghị định thăng cấp! Lý do là khi làm đề nghị thăng cấp, bộ Tư Lệnh Không Quân, muốn cho chắc ăn, đã xếp lộn thiếu úy Định vào một chức vụ cao hơn phi công Trưởng trực thăng. Nhưng chức vụ này chưa có trong Bảng Cấp Số. Việc này xảy ra khi Delta đang hành quân tại Bình Giả. Báo hại cho Bộ Chỉ Huy Hành Quân. Chúng tôi phải dời một phi vụ lại đến 45 phút để lấy tàu khác thay thế. Thiếu úy Định dự trù bay với tôi, nhưng ông bị đau đầu vì cú sốc quá mạnh.

  Anh Phong, anh Hầu rời Delta mỗi người một ngã. Phong đi nắm đại đội Biệt kích, Hầu lên trại biên phòng Bù Đốp. Hai anh đều từ biệt bạn bè tại chiến trường. Người thay thế Hầu làm toán trưởng Toán 6 là Phan văn Ninh. Ninh nằm trong số 32 thiếu úy vừa mãn khoá 17 SQ Đalat là đến LLĐB ngay.

  Năm 1977 tôi tình cờ gặp lại Ninh ở trại cải tạo Hoàng Liên Sơn trong trường hợp khá đặc biệt. Tôi làm phụ thợ rèn cho Hồ bảo Định (Phi công trực thăng nói ở trên). Chúng tôi được lệnh làm gấp hai bộ cùm cho nhà giam mới làm ở vách núi. Ráp xong trời đổ mưa. Nhìn ra ngoài tôi thấy mấy tên cán bộ cai tù cầm đèn đi tới . Chúng áp giải vào nhà giam hai người quần áo ướt sũng, hai tay bị trói sau lưng. Dưới ánh đèn mờ mờ tôi nhận ra được một trong hai anh là trung úy Răg thuộc Thiết Đoàn 1 Kỵ Binh, Sư Đoàn 5, bạn đồng tù với tôi ở Quân Quản Bình Dương ngày đầu Cộng sản về. Còn người kia tôi thấy ngờ ngợ rất quen mà không nhận được là ai. Hôm sau đến nhà giam sửa lại cùm, tôi sững sờ nhận ra đó là Phan văn Ninh, bạn cũ ở Delta...

 Chúng dẫn các anh từ trại khác tới. Lý do: các anh trốn trại, khi bị bắt còn "ngoan cố đoạt dao của đồng bào để tấn công các đồng chí công an..." Tháng 2 năm 1988 Ninh được tha, cuối năm 1988 anh vượt biên. Anh hiện định cư tại Canada.

  Các anh Nguyễn văn Biên, Nguyễn Nghi, Huỳnh thuận Nhã là những người rất nhiệt tình. Công việc chính của các anh là ở Ban Điều Hành, nhưng các anh thường có mặt với các Toán. Rất tận tâm, làm việc bền bỉ, trên môi luôn có nụ cười. Tính tình vui nhộn, nơi nào có mặt các anh, không khí bỗng trở nên tưng bừng sinh động. Các anh lần lượt ra khỏi Delta và đã lần lượt qua đời. Biên mất tại trại biên phòng Vùng 4 do một Biệt Kích quân "bắn lạc". Nghi mất tại Nha Trang khi cùng tiểu đoàn 91 BCD tham chiến hồi Mậu Thân. Nhã sang Không Quân cùng với nhóm anh Tòng, anh Xướng hồi tướng Kỳ làm thủ tướng. Nhớ lại các anh những người mà ông đã thả hoặc đã cộng tác với ông hồi ông bay cho Lôi Vũ. Ông gọi các anh sang Không Quân. Năm 1975 Nhã mất khi di tản Ban Mê Thuột.

  Trong Ban Điều Hành, Trần Khắc Nghiêm gây nhiều ấn tượng nhất. Anh ra trường khoá 18 Võ Bị Quốc Gia. Thông minh, lanh trí, năng động, rất tinh nghịch, đặc biệt có nhiều sáng kiến độc đáo. Trong chương trình Lôi Vũ mà anh tham dự ngay từ ngày đầu, anh gợi ý thành lập các Toán Beo Gấm. Liên toán Beo Gấm quy tụ các quân nhân tinh thần kỹ luật không mấy cao, nôm na là các binh sĩ ba gai. Hai chữ Ba Gai viết tắt là B.G. mà B.G. cũng là chữ viết tắt của Beo Gấm. Toán viên nào phạm kỷ luật bị chuyển vào Beo Gấm bỗng cảm thấy hãnh diện được mang danh loài mảnh thú sơn lâm này. Việc này có tác động tâm lý rất thuận lợi. Thực vậy, liên toán Beo Gấm hoàn thành nhiêù công tác một cách xuất sắc. Hồi ở Bộ Chỉ Huy LLĐB Vùng 4 tại Cần Thơ, Nghiêm và tôi làm việc chung rất ăn ý nhau. Tướng Lam Sơn đến thăm Vùng 4 là lúc tôi có lệnh thuyên chuyển về Delta. Tôi đề nghị có anh được về cùng. Một tuần sau tướng Lam Sơn chấp thuận. Sau một thời gian làm việc chung tại Delta, chúng tôi chia tay nhau. Anh đi trại Trảng Sụp (Tây Ninh), tôi về BCH LLĐB Vùng 3, rồi đi Hoa Kỳ. Chỉ đến năm 1981 tôi mới có dịp gặp lại anh. Hồi đó tôi đang ở tù Cộng Sản, tôi được chuyển đến chung trại cải tạo với anh ở Hà Tây. Anh vẫn chì như xưa. Những năm trong tù anh vẫn dùng lý lịch giả. Anh vẫn bình thường nghĩ đến vợ con mà theo anh họ đang yên ổn ở Mỹ sau chuyến vượt biên an toàn. Qua thư từ thân nhân, anh vẫn có tin vợ, có hình nữa. Nhưng thư do chính tay vợ anh viết thì không có, và hình thì đã cũ, chụp trước ngày anh vô tù. Người vợ hiền của anh đã qua đời từ lâu mà anh không biết. Chị đã mất trong chuyến vượt biên. Gia đình anh vẫn dấu anh tin đau thương ấy trong nhiều năm. Ra tù một thời gian anh đến Mỹ, sống lặng lẽ, ít tiếp xúc với ai, râu trắng mọc dài ngang ngực.

Montreal, tháng Bảy, 1996
Mặc Khách
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn