BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73471)
(Xem: 62247)
(Xem: 39438)
(Xem: 31182)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Lãnh đạo đảng và chính quyền quận Hà Đông (Hà Nội) sẽ báo cáo những gì trước các đại hội?

05 Tháng Năm 201012:00 SA(Xem: 913)
Lãnh đạo đảng và chính quyền quận Hà Đông (Hà Nội) sẽ báo cáo những gì trước các đại hội?
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Sẽ chẳng là người công bằng khi nói rằng “Phủ Đơ” (Tên gọi xa xưa của Quận Hà Đông – Hà Nội hôm nay) là không có gì thay đổi sau nhiều thập kỉ. Cái đập mạnh nhất vào mắt những lữ khách phương xa về lại phố xưa là đoạn đường 6 đi qua đất này ngày nào chỉ “Đường ta rộng thênh thang 8 thước” (Tố Hữu) thì nay đã là một con lộ thênh thang 48 m với nhiều làn xe qua lại ngược xuôi, là 2 bên dãy phố những nhà cao tầng san sát mọc lên, là những chung cư những khu đô thị mới, những nhà hàng, nhà nghỉ sang trọng vẫy chào, là lối sống thị dân đài các thay thế cho lối sống của một cộng đồng dân cư đầy mặc cảm tỉnh lẻ, là một lớp cán bộ quản lý mới trẻ trung hơn, nhiều bằng cấp hơn, sành điệu hơn, nhưng cũng thực dụng hơn, quá dư thừa vô cảm và cũng tàn nhẫn hơn!



Thử hỏi: Những thay đổi lớn lao này là dành cho ai? Những ai là người chủ thực sự của những thay đổi lớn lao đó? Có ai biết rành rẽ để có được con lộ 48 m chiều ngang kéo dài ngót cả km thì dự án mở rộng đường 6 đã lấy đi bao nhiêu vạn mét vuông đất đai của người dân Văn phú, Văn La, La Khê? Trong khi đó người dân chẳng được hưởng một xu tiền bồi thường nào!

Cũng sẽ bị coi là những người nhẹ dạ và hững hờ thôi khi đi qua con lộ thênh thang đó mà lại không phát hiện ra những tấm biển “Gia đình văn hoá” đính chặt trước những dẫy nhà như một dấu tích lịch sử đã xếp hạng. Nghe nói dự án gắn biển này cũng đã ngốn nhiều tỉ VND tiền thuế của người dân và không biết là nên vui hay nên buồn đây khi không ít gia đình đã chủ động từ chối tham dự cái trò trình diễn hết sức phản cảm này. Cũng nghe nói báo chí lề phải của nhà nước đã thẳng thừng yêu cầu Quận Hà Đông chấm dứt ngay dự án này. Không biết nay mai Hà Đông sẽ lại có dự án khả thi nào để khắc phục cái trò chơi bạc tỉ của mấy ông “Ngộ Chữ” đó!

Sẽ bị coi là thứ Rô Bốt vô hồn mà thôi khi dửng dưng đứng nhìn những hàng cây trên hè đường Quang Trung (Hà Đông) do người dân tự trồng nhiều năm nay để che nắng bất ngờ bị chặt hạ để thay bằng một hàng cây khác, nghe nói cuộc chặt hạ và trồng mới này cũng là một dự án có giá nhiều tỉ VND! Mùa hè năm nay, lữ khách và cư dân 2 bên con lộ 48 m này sẽ biết thế nào là lễ độ trong những ngày hè nắng lửa.

Những ai dửng dưng đứng nhìn hàng cây bị đốn hạ mà không thấy nỗi đau của những sinh linh bị tước đoạt cuộc sống thì cũng sẽ vô cảm mà thôi khi đứng bên lan can Cầu Trắng, cây cầu cửa ngõ Hà Đông. Không còn cảnh: “Trên cầu anh thổi sáo và dưới chân cầu em giặt áo…” nữa đâu. Dưới chân Cầu Trắng nay là một dòng nước chết chóc đen ngòm, là không gian sực nức mùi xú uế. Dòng sông đầy tử khí đó đang làm ô nhiễm trầm trọng, ô nhiễm toàn diện cuộc sống của người dân 2 bờ. Dòng nước đen ngòm đó đang ngày đêm thẩm thấu xuống tầng nước ngầm rồi sẽ hiển hiện lên trên mặt đất là những “Làng ung thư”, “Làng tâm thần”…

Năm xưa bạn tôi, một nhạc sĩ, đã viết về dòng sông này:
Dòng sông xanh êm đềm chẩy mãi, chân trời xa vời,
Sông ơi êm đềm ru mãi khúc tình ca
…”

Bạn tôi nay không còn nữa, còn Nhuệ Giang thì vẫn đang êm đềm ru, nhưng giờ đây là những lời ru của tử thần. Nhiều lúc tôi cứ thẫn thờ khi nghĩ về hơn 40 năm trước, khi dòng Sông Nhuệ vẫn còn: “Nước vẫn trong vẫn sạch mãi một màu…” mà anh bạn tôi lại kết thúc bài hát bằng một hợp âm thứ thật buồn:
Ta yêu sông ngày tháng trông chờ, mong đợi
Buồn - Vui - Thương - Nhớ - cùng Khổ đau!

Và tôi làm sao mà quyên được, thời tôi còn cắp sách đến trường, thầy giáo dạy Địa Lý bảo: “Các trò ngẫm mà xem, sông Tigơrơ, sông Ơ frat là gắn liền với nền văn minh Lưỡng Hà lẫy lừng vùng Tây Á, sông Indu và Sông Hằng là gắn liền với nền văn minh Ấn Độ huy hoàng vùng Nam Á, Sông Nin ở Châu Phi là người mẹ của nền văn minh Ai Cập cổ đại chói ngời từ nhiều ngàn năm, sông Dương Tử là bà mẹ sinh thành ra nền văn minh Trung Hoa rực rỡ. Nếu không có dòng sông Sen thì làm sao mà có được văn minh Gô Loa của người Pháp, không có dòng sông Thêm thì làm sao mà có nền văn minh Anh, không có sông Spre thì sao có được nền văn minh Giec manh. Gần với ta hơn sông Tông Lê Sap một chi lưu của Mê Công đã là bà mẹ sinh thành ra nền văn minh Ăng Co bừng sáng một thời và sông Hồng của chúng ta với nền văn minh sông Hồng còn được gọi là văn minh lúa nước”.

Thử hỏi, nếu một ngày nào đó các dòng sông trên hành tinh này đều có kết cục bi thảm như dòng sông Nhuệ của Quận Hà Đông thì nền văn minh của trái đất sẽ đi về đâu?

Thật mỉa mai thay, trong cả rừng Áp phích dăng dăng ở đầu Cầu Trắng, trong bầu không khí sực nức mùi xú uế lại không ít những khẩu hiệu khẳng định một “Hà Đông xanh - sạch - đẹp”, một “Hà Đông an toàn thực phẩm cho mọi người, mọi nhà”.

*

Thôi! Hãy tạm rút ra khỏi những tự sự não nề về một con đường, về những tấm biển “Gia đình văn hoá”, về những hàng cây bị hành hình, về một dòng sông đã chết tức tưởi trước những ơ hờ của giới chức lãnh đạo Quận Hà Đông để trải lòng ra với những con người của vùng đất cửa ngõ Thủ Đô này. Công bằng mà nói, những người con của những làng “Văn”, làng “La”( Văn La – Văn Phú – Văn Khê, xa hơn là Ba La – La Tinh – La Phù…) ngày nay không còn có nỗi lo cơm áo như ngày xưa nữa. Họ không còn mặc cảm tự ti của những cộng đồng ven đô hiện diện âm thầm trong những thôn làng khép kín đầy e ngại trước lối sống của dân kẻ chợ chốn thị thành. Hố sâu ngăn cách giữa thị thành và làng xã không còn quá nặng nề, nhưng hố sâu phân hoá giầu nghèo giữa giới chức chính quyền với người dân dường như lại là một đe doạ rất tiềm tàng dễ dẫn đến những bùng nổ xã hội rất đáng lo ngại.

Không đáng lo ngại hay sao, khi những người nông dân ở La Khê bị biến thành dân oan khi giá thu hồi đất đến họ chỉ là những giá bọt bèo. Nơi thì chỉ có 250.000Đ/1m2, nơi khá hơn thì cũng chỉ 270.000Đ/1m2 để ngay tại thời điểm 2007, đất được đấu giá với giá 22.500.000Đ/1m2! Đến thời điểm 2009 với 11 suất đất còn lại đã được bán đấu giá với giá 55.000.000Đ/1m2! Thật đáng thương thay, gia đình bà Thuận ở La Khê bị cưỡng chế cực kỳ tàn bạo cả thảy 241,9m2 cùng biết bao tài sản trên mảnh đất đó mà chỉ được đền bồi 80.250.000Đ! Trị giá không bằng 2m2 đất chính địa điểm này!

Không đáng lo ngại gì hay sao khi người ta dám bán cả đất quỹ 2 tại khu vực Đồng Trầm để rồi chia chác vô tội vạ trên lưng người lao động và tất nhiên là không hề giải trình một cách công khai và minh bạch. Cả thảy 11 dự án thu hồi đất ở La Khê thì có tới 9 dự án là có vấn đề (!?). Dưới những khẩu hiệu: “Chính quyền CỦA DÂN - DO DÂN – VÌ DÂN” mà máu và nước mắt người dân La Khê đã đổ trong những chiến dịch cưỡng chế cực kì tàn bạo. Không đáng lo ngại gì hay sao khi ngay cả những sĩ quan cao cấp đã về hưu của Quân Đội NDVN, của Công An NDVN cũng không thể tự bảo vệ được quyền lợi hợp pháp và chính đáng của mình, nói gì tới việc bảo vệ được quyền lợi của người thân của mình trước các quan tham chỉ đáng tuổi em, tuổi con, tuổi cháu của họ. Khi những vị sĩ quan này bỏ nhà, bỏ cửa, bỏ đất đai để ra đi vì sự trường tồn của Tổ Quốc thì các quan hôm nay vẫn ở tuổi đánh đinh đánh đáo. Nay người lính trở về ngơ ngác ngồi nhìn các quan đua nhau sắm xe hơi đắt tiền, vung tiền đi tìm mua đất đai để mở trang trại trên rừng dưới biển, tất nhiên bằng những đồng tiền không sạch vơ vét được qua những phi vụ thu hồi, chuyển nhượng, cưỡng chế đất đai của chính dân làng mình. Vụ cái ngõ đi nhà cựu Đại Tá Nguyễn Gia Lộc ở đội 4 La khê thực sự là một thách thức lương tri với những ai còn muốn sống với những giá trị làm người chân chính.

Có thể gọi đó là một cuộc sống bình yên được hay không? khi 11 hộ dân có đất bờ ao ở HTX Nông nghiệp Văn La, với giấy tờ chứng lý hợp pháp từ xưa, họ liên tục quản lý và sử dụng, thậm chí chính quyền cũng đã từng long trọng công nhận bằng văn bản rằng, đó là đất đai của của tổ tiên gia đình họ để lại. Vậy mà vì sao lại có cuộc cưỡng chế với một lực lượng vô cùng hùng hậu đến thế! Nhà cửa của 11 hộ gia đình ở Văn La phút chốc đổ nhào vì sức mạnh của bạo tàn và mù quáng. Cuộc cưỡng chế đó có phải là một hành vi vừa vô luân vừa vi hiến của chính quyền hay không? Biết đến bao giờ trong lòng những con người bị bức hại tàn bạo như thế mới lấy lại được niềm tin vào những con người vẫn thường tự vỗ ngực là đầy tớ của dân, là do dân và vì dân.

Có thể nào sống thanh thản được khi hàng nghìn mét vuông đất khu Đông La của HTX Văn Phú phút chốc bị bốc hơi vì tấm bản đồ số 17 đã bị sửa chữa tuỳ tiện, cùng với hàng vạn mét vuông đất của HTX Văn Phú nằm dọc đường 6 bị phù phép rồi tan biến cùng dự án mở rộng đoạn đường này. Màn ảo thuật này là một cú qua mặt ngoạn mục với cộng đồng dân cư thôn Văn Phú. Đứng đằng sau phi vụ này chắc chắn phải là những “Ảo thuật Gia” bậc thầy có tài biến báo đổi trắng thay đen để ra đời một con lộ thênh thang 48m chiều ngang, chạy dài 7 – 800m mà cộng đồng dân cư Văn Phú, Văn La chỉ được nhận một số không tròn trĩnh. Thử hỏi “Sống – Làm việc theo Hiến Pháp và Pháp Luật” kiểu gì mà nhóm lãnh đạo chính quyền ở đây lại coi đất đai của bà con nơi đó như là mấy cái bánh quy trong túi áo túi quần của họ và họ mặc sức cho ai thì cho, tước đoạt của ai thì tước đoạt?!

Lãnh đạo Thành Phố, Phường, Quận sẽ chẳng bao giờ có được một tâm thế bình an được đâu, khi mẹ con bà cụ Rối 98 tuổi đời vợ Liệt Sĩ chống Pháp chết trận từ 1952, mẹ đẻ của một Liệt Sĩ chống Mĩ chết trận năm 1974 đang sống lay lắt ở Đường Tô Hiệu, Phường Nguyễn Trãi – Hà Đông vẫn chưa có được một chỗ ở bình thường như những người bình thường khác. Nhiều năm tháng đã qua 2 người đàn bà đau khổ đó đã thành thân tàn ma dại trên cái lộ trình như vô vọng đi tìm lẽ công bằng ở khắp các cơ quan công quyền từ TW xuống đến địa phương, gõ cửa từ ông Tổng bí thư đến bà đại biểu quốc hội quận nhà, lậy lục van xin các ông, các bà chỉ đáng tuổi con tuổi cháu bà cụ mà vẫn chưa thấy ông nào, bà nào mủi lòng mà “Uống nước nhớ nguồn”, mà “Đền ơn đáp nghĩa”.

Có thể vô tư thanh thản được không mỗi lần đi qua cổng nhà máy Liên Hợp Thực Phẩm Hà Đông lại chứng kiến tình cảnh bi thảm của 60 nữ công nhân nhà máy này đã nhiều ngày nay họ lặng lẽ biểu tình đòi quyền được làm việc. Ngày ngày họ bền bỉ ngồi dưới những khẩu hiệu làm nhức nhối lương tri những người còn có thể động lòng trắc ẩn trước nỗi đau của những người đồng bào:

• Công đoàn có còn là tổ chức bênh vực quyền lợi cho người lao động nữa không?
• Hãy bảo vệ người lao động.
• Còn ai bảo vệ người lao động nữa không?
• Hãy trả lại việc làm cho người lao động.
• 11000m2 đất Liên Hợp Thực Phẩm liệu có biến thành… vô chủ?

Điều gì đã đến với những người phụ nữ này mà đến nỗi thông điệp của họ nhức nhối đến như vậy!? Một cuộc sống bình yên, một xã hội ổn định mà lại vẫn có những nhức nhối như vậy hay sao? Các nhà lãnh đạo Hà Nội và Quận Hà Đông nghĩ gì và sẽ phát biểu gì trước những đại hội sắp diễn ra đây?

Ai có thể ngờ được, giới lãnh đạo GD – ĐT Hà Nội lúc này lại đang rất yên tâm với sáng kiến chống tiêu cực, chống làm sai làm trái bằng cách khuyến khích bên “Bị” thoả hiệp với bên “Nguyên” trong các vụ khiếu kiện đòi hỏi sự phán xử phân minh của lãnh đạo. Thời đại “Lương tâm – Lương tri không bằng lương tháng” chắc chắn không có chuyện thoả hiệp bằng nước bọt, còn thoả hiệp bằng cái gì thì chỉ có Trời mới biết được.
“Giáo dục Hà Nội, Giáo dục Hà Đông hiện đang có một vụ tai tiếng rất lạ. Một ông giáo ở một TTGD nọ bị Sếp nơi đó truy cứu về những tội lỗi liên quan đến phẩm hạnh nhà giáo! Lãnh đạo Sở GD - ĐT vội chỉ đạo một đoàn Thanh Tra Sở ập về. Ông giáo bị “Chiếu Tướng” là mất phẩm chất nọ cũng chẳng phải tay vừa, vội tung “Sách Trắng” tứ tung tố cáo Sếp của mình đã phạm những trọng tội khó có thể dung tha! Lãnh đạo Sở GD – ĐT Hà Nội cũng toàn là các tay kì thủ lọc lõi có hạng, họ biết ngay mình bị rơi vào cảnh“… dơ mặt tướng” vội nháy đệ tử chơi nước “Mã Hồi” tức là bằng mọi giá phải thoả hiệp với ông giáo mất phẩm chất nọ. Chẳng biết là “Cuộc Cờ” tay 3 giữa Ông Sếp – Ông giáo mất phẩm chất & Bà lãnh đạo Sở đã diễn ra theo kịch bản nào mà hôm sau ông giáo đó lại ra “Sách Đen” bãi nại cho ông Sếp và dồn tội cho ông Chủ Tịch Công Đoàn. Ông Công Đoàn sau bao năm chỉ “Ngủ Gật” bỗng bừng tỉnh, cười nhạt rồi nhếch mép với“Nhân Dân” đang vô cùng ngao ngán rằng: “Hãy đợi đấy!”. Thật đúng là hoạt cảnh Đèn Cù nó chạy vòng quanh.

Chẳng biết là lãnh đạo GD – ĐT Hà Nội có báo cáo với Quốc Hội, với lãnh đạo Bộ về cái sáng kiến có thể làm giảm áp lực đơn, thư , khiếu, kiện theo kiểu đặc biệt của họ không, để cả nước học tập!”.

Với những Tiểu Phẩm, những Hoạt Cảnh dạng này rất cần phải nói thẳng với nhau rằng, bình yên chưa thể về với cộng đồng dân cư Hà Đông – Hà Nội được đâu. Cái bình yên lúc này chỉ là thứ bình yên giả tạo, là phút tĩnh lặng trước một cơn giông. Bình yên gì mà những bất công và những điều không thể được coi là bình thường không những không hề giảm mà lại có chiều hướng gia tăng tiềm ẩn những bùng nổ rất khó mà kiểm soát được. Bình yên thế nào được khi các cặp xung đối: CHÍNH – TÀ, ĐÚNG – SAI, TỐT - XẤU, THAM – LIÊM, GIẢ - CHÂN…lại được khuyến khích để thoả hiệp với nhau như sáng kiến của lãnh đạo giáo dục đào tạo Hà Nội.

Với 5 trang giấy phơi bày những nhếch nhác trong những góc khuất của một Hà Đông bộn bề thời mất tên trên bản đồ tổ quốc, tôi biết lắm, những người cần phải đọc bài này rồi cũng sẽ: “Mọi phát hiện đều là mầu xám chỉ có diễn văn trước Đại hội là mãi mãi xanh tươi”.

Nếu triết ngôn đó mà xuất hiện thật thì: Tôi không hề bất ngờ, anh không hề bất ngờ, họ không hề bất ngờ, tất cả chúng ta cùng không hề bất ngờ.

Hà Đông những ngày đầu tháng 5/2010
Nguyễn Thượng Long
nguyên Giáo viên dạy Địa Lý GD Hoà Bình và Hà Tây
nguyên Thanh Tra GD kiêm nhiệm Hà Tây
ĐT0953298198
Email: nguyenthuonglong571@gmail.com

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn