“Khi con thấy có người nghèo khó trong xứ bị áp bức, công lý và lẽ phải bị chà đạp thì đừng ngạc nhiên, vì người có quyền được người có quyền hơn che chở, và các người cầm quyền luôn bênh vực lẫn nhau”.
(Kinh Giáo huấn 4, 5)
Cựu ước
Vào những tháng ngày này, những ai còn sót lại trong mình một chút gọi là ưu thời mẫn thế, một chút thôi cái gọi là lòng trắc ẩn của một công dân trước thời cuộc đều khó mà thờ ơ được trước những gì đang xảy ra trong đời sống thường nhật.
Khi cơn bạo bệnh lạm phát chưa thực sự được đẩy lùi, khi người ta chưa thể thở phào để tháo cởi bớt những lo âu vì vật giá leo thang ảnh hưởng rất xấu tới túi tiền từng gia đình thì mọi người lại ngơ ngác nhìn nhau trước một chiến dịch đàn áp đại quy mô hướng vào những người có tư tưởng dân chủ. Càng đặc biệt hơn, cuộc đàn áp bắt bớ đó diễn ra giữa lúc “Hiệp sĩ nhân quyền” Thứ trưởng Bộ ngoại giao Hoa Kỳ đang có mặt ở Hà Nội. Ngày ngày mọi người thắt lòng nghe tin, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, nhà thơ Trần Đức Thạch cùng với Phạm Văn Trội, Nguyễn Văn Túc, sinh viên Ngô Quỳnh, sinh viên Bùi Văn Toản đã bị tống giam - Phạm Thanh Nghiên và thầy giáo Vũ Hùng sau những ngày bị thẩm vấn liên tục cũng đã bị bắt giam. Nguyễn Phương Anh và tôi (Nguyễn Thượng Long) bị Công an canh gác chặt chẽ trước cửa tư gia với lệnh cấm ra khỏi nhà trong những ngày có thể nổ ra biểu tình chống Trung Quốc. Khát vọng đòi được Tự do – Dân chủ - Nhân quyền sau nhiều chục năm bị làm cho im bặt nay mới chỉ bập bẹ cất lời đã bị đánh dập vùi không một mảy may thương tiếc. Cùng lúc đó ở cả hai lãnh địa tôn giáo là Toà Khâm Sứ cũ 42 Nhà Chung và giáo xứ Thái Hà - 178 Nguyễn Lương Bằng khát vọng đòi lại quyền sở hữu đất đai của các giáo dân ở đây vốn đã âm ỉ từ rất lâu nay bỗng vỡ oà và nhanh chóng trở thành một tâm điểm của thứ xung đột mang dáng dấp đối kháng địch – ta. Việc những giáo dân bền bỉ cầu nguyện trên những diện tích đất đai đang còn tranh chấp đã gây khó chịu tột độ cho chính quyền. Khi những “Đầy tớ”, những “Nô bộc” của nhân dân bị mất bình tĩnh thì việc làm của các ông tu sĩ và các giáo dân ở đây là điều không thể chấp nhận được.
Tôi nghĩ rằng bức xúc về đất đai, nguyện vọng về đất đai là những gì hết sức bình thường. Đây là chuyện thường ngày của thế giới chứ đâu chỉ là chuyện thường ngày của huyện, của xã, càng dễ xảy ra ở những quốc gia đã từng có thời kỳ đi qua những chủ trương tập thể hoá, công hữu hoá. Giữa nước này với nước kia rất dễ đi đến đánh giết nhau cũng chỉ vì chuyện đất đai. Này nhé, Anh quốc và Á can đình (Achentina) cách xa nhau cùng trời cuối biển mà choảng nhau chí mạng vì đảo. Trung Quốc với Ấn Độ, Trung Quốc với Liên Xô cũ cũng vì đất đai mà đe doạ choảng nguyên tử vào nhau. Paletin với Do Thái cũng vì đất đai mà thánh chiến triền miên rồi cuối cùng phải đổi đất lấy hoà bình. Ở gần ta là tranh chấp giữa Nhật Bản với Nga, Nhật với Hàn, Thái Lan với Campuchia cũng chỉ là chuyện đất cát, biển đảo mà thôi. Chẳng đâu xa vừa qua sinh viên và học sinh Việt Nam bất kể bị Công an và các thầy cô giáo cấm cản vẫn kéo đến cổng sứ quán Trung Quốc hô to: “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”. Người Trung Quốc cũng chả vừa, được Công an Việt Nam làm ngơ họ đùng đùng kéo nhau đến cổng sứ quán của họ, đến lãnh sự quán của họ mà hét vang: “Tây Sa và Nam Sa là của Trung Quốc” (Tức là Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc) rồi hung hăng tuyên bố “Tiến công Việt Nam theo kế hoạch A: đánh một trận, thiên hạ sẽ ổn định”.
***
Tôi đã từng nhiều lần chứng kiến rất đông những nông dân từ mọi miền đất nước rầm rộ kéo đến vườn hoa Mai Xuân Thưởng đến các trụ sở của các cơ quan Quốc hội ở đường Ngô Quyền, đường Đinh Tiên Hoàng, Cầu Giấy. Họ khác với những giáo dân ở Toà Khâm Sứ, ở giáo xứ Thái Hà là đa phần họ là phụ nữ và họ tiều tuỵ, đói rách và lếch thếch với hành trang của những người phải li quê lâu ngày. Trong tay họ là những băng rôn, khẩu hiệu cỡ lớn, cỡ nhỏ với những lời lẽ căng thẳng, chát chúa: “Nông dân ở…kêu cứu !”, “UVBCT-Chánh thanh tra…lừa dân dối Đảng !”, “Chủ tịch UBND … cướp đất, cướp nhà của dân”.
700 tờ báo và tạp chí các loại, kể cả báo tiếng, báo hình, báo điện tử đều dành cho những người dân khốn khổ này sự “Thông cảm” đặc biệt bằng cách không hề giám đưa một tin để làm vợi đi nỗi đau khổ của họ.
Cũng là dạng đòi đất nhưng những người đi đòi ở Toà Khâm Sứ cũ và ở giáo xứ Thái Hà lại có cách bày tỏ rất khác. Trong tay họ không một tấc sắt, không một băng rôn, không một khẩu hiệu đối kháng kích động. Họ chỉ lẳng lặng bầy tỏ nguyện vọng của họ trên những mảnh đất mà họ tin rằng là của họ bằng những tiếng đọc kinh nguyện cầu âm u trong những giai điệu du dương của thánh ca bên tượng Chúa và hình ảnh của Chúa.
Vậy nhà cầm quyền giành cho những con người này những gì? Công an vào cuộc, an ninh chính trị vào cuộc, thanh niên tình nguyện thật vào cuộc, thanh niên tình nguyện dởm vào cuộc. Đặc biệt là toàn bộ các binh chủng của truyền thông, báo chí các loại đã đồng loạt xung trận để chuyên chính cách mạng với một nhúm các ông thầy tu và giáo dân ở hai giáo phận. Theo lời cáo giác của các linh mục và giáo dân thì sẩm tối ngày 28/8/2008 dùi cui điện đã được vung lên! Đêm 31/8/2008 lựu đạn cay đã được mở chốt và gương mặt một số giáo dân đã nhoè nhoẹt máu. Thôi cho qua đi những lời chửi bới, mạ lị, báng bổ, nhổ nước bọt vào đầu cha cố, vào mặt giáo dân của những kẻ chí trá, của những người nhẹ dạ. Vậy những gì còn đọng lại sau các biến cố! Là người viết tôi không thể không thấy nhức nhối vì những bất cập và cả những bất công:
- Lặng lẽ đọc kinh được truyền thông mô tả là hành vi tụ tập đông người gây rối trật tự.
- Đi hàng một trên hè được báo chí mô tả là gây cản trở giao thông!
- Để vào được khu đất còn đang tranh chấp, việc buộc phải dỡ bỏ những hàng gạch xây không trát, khi Toà án hiến pháp chưa xét xử thì quan toà báo chí đã kết án là tội phá hoại tài sản XHCN!
Tôi thấy lời kết án này rất cần phải xem lại. Tôi nghĩ rằng hành vi tự ý dỡ bỏ những hàng gạch là hành vi phụ trợ cho hành vi muốn tiến vào khu đất để cầu nguyện. Kết tội phá hoại tài sản XHCN cho hành vi phụ trợ, hành vi thứ phát đó là rất thiếu tính thuyết phục. Nhiều người lắc đầu ngao ngán mà rằng, dỡ vài hàng gạch vỡ mà được coi là phá hoại tài sản XHCN! Thế thì hàng trăm tỷ, hàng nghìn tỷ VNĐ và cả USD đã bị thất thoát vào túi các quan tham trong các vụ siêu tham nhũng rồi được ném vào các cuộc ăn chơi thác loạn, những con bạc triệu đô… thì không là tài sản XNCN hay sao! Mỗi năm chúng ta đã xử được bao nhiêu kẻ phá hoại tài sản XHCN rồi hở trời? hở đất? hở người Việt Nam?
Thấy rằng đánh hội đồng như vậy vẫn chưa đủ, truyền thông chính thống lại đi tiếp bước nữa là lấp lửng đưa ra những tội danh chết người là: Những kẻ xấu nào đứng đằng sau kích động! Về một âm mưu thâm độc! Về việc có một thế lực thù địch giật dây giáo dân! Thế là một tranh chấp rất thuần tính dân sự đã được chính trị hoá, được hình sự hoá. Ai đã làm việc này! Câu trả lời đã có rồi đấy.
***
Có thể nói cuộc đối thoại ngày 20/9/2008 giữa các linh mục của Toà giáo mục Hà Nội với các quan chức chính quyền địa phương là một điển hình của kiểu đối thoại bất bình đẳng. Ở đây không thấy có sự tôn trọng ý kiến của nhau, hiểu biết lẫn nhau, thông cảm cho nhau. Ở đây có quá nhiều những miếng đánh hiểm mang tính điểm huyệt, đánh một đòn là chết tươi. Đối thoại là để xích lại gần nhau, là để bớt đi những khác biệt. Đối thoại kiểu này ắt sẽ xảy ra đối đầu là rất khó tránh khỏi. Nếu không xảy ra đối đầu tức thì thì sự ấm ức của kẻ bị điểm huyệt sẽ khó mà có thể được nuốt trôi. Cha Kiệt nói: “Chúng tôi đòi đất chứ chúng tôi không xin đất”, nói thế có gì là sai trái mà báo chí phải kết tội cho cha Kiệt. Người bình tĩnh sẽ hỏi cha Kiệt: “Ngài đòi lại đất! Thế trong tay ngài có những gì đây? Nếu thực sự mảnh đất ở 42 Nhà Chung là của các ngài thì chúng ta sẽ nói chuyện với nhau theo đúng tinh thần:
Cái gì của Xêza hãy trả lại cho Xêza
Cái gì của Chúa hãy trả lại cho Chúa”
Cha Kiệt cùng các linh mục khác đến những nơi giáo dân tập trung cầu nguyện trong mưa, trong nắng đâu có chỉ mỗi một việc là đến để xúi giục, để kích động giáo dân. Việc một Đức tổng giáo mục đi thăm thú những gia đình có người bị chính quyền bắt giữ chưa xét xử, kể cả sau khi đã kết được tội cho họ thì việc đến thăm có gì là sai trái mà báo chí phải mạ lị. Ngay như đời sống bầy đàn của con vật cũng “Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ !” nói gì ở đây là trách nhiệm của một đấng chăn chiên trước một cộng đồng dân chúa. Ông Kiệt ngoài là một vị chức sắc có giáo phẩm ở bậc cao trọng trong tôn giáo của ông, ông còn là một công dân hoàn toàn tự do, báo chí truyền thông nghe ai mà lại khắt khe với ông như vậy?
Điều mà tôi thất vọng nhất, bất ngờ nhất là báo chí chính thống trong nước những người cũng cầm bút như tôi nhưng họ đã làm một công việc hết sức không nên làm là đưa tin cắt xén câu nói của ông Kiệt: “Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam”. Câu này đã bị cắt dời khỏi toàn bộ văn cảnh, hoàn cảnh, ngữ cảnh mà ông Kiệt đã phát biểu. Người Việt Nam nào, thuộc tôn giáo nào cũng sẽ nổi giận với câu nói đó một khi họ chưa được đọc toàn văn lời phát biểu này. Xin cung cấp cho người đọc toàn văn:
“Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam, đi đâu cũng bị soi xét, chúng tôi buồn lắm chứ. Chúng tôi mong muốn đất nước mình mạnh lên. Làm sao như một anh Nhật, nó cầm cái hộ chiếu là đi qua tất cả mọi nơi, không ai xem xét gì cả. Anh Hàn Quốc bây giờ cũng thế. Còn người Việt Nam chúng ta thì tôi cũng mong đất nước lớn mạnh lắm và làm sao thật sự đoàn kết, thật sự tốt đẹp để cho đất nước chúng ta mạnh đi đâu chúng ta cũng được kính trọng”. (Linh mục Ngô Quang Kiệt – 20/9/2008).
Rất may những nhà báo có lương tâm, có trình độ, có nhân cách, những tờ báo sạch đã dũng cảm và kiên quyết đứng ngoài sự kiện này.
Hôm nay, nếu ông Kiệt không tự bảo vệ được mình, không có những người đồng đạo, những người đồng bào hiểu được ông, ông sẽ phải đối diện với những ngọn lửa của oán thù sẽ thiêu đốt ông. Rất may cho ông Việt Nam hôm nay không phải là Việt Nam của thời kỳ CCRĐ, thời kỳ Nhân văn Giai phẩm, thời kỳ của “Xét lại chống Đảng”, thời của những “Pháp trường trắng – Nơi không có đầu rơi, không có máu chảy nhưng có nhiều người chết” (Nguyễn Tuân).
Thử hỏi có ba anh ngoại quốc cùng đi vào một đất nước nào đó. Anh cầm hộ chiếu Nhật muốn đi đâu thì đi. Anh cầm hộ chiếu Hàn Quốc cũng thế, riêng anh cầm hộ chiếu Việt Nam đi đâu cũng có người theo dõi, có người soi xét. Họ coi mình như một thứ bất hảo, rơi vào cảnh đó mà không cảm thấy buồn, không cảm thấy tủi nhục mà vẫn cứ hơn hớn vỗ ngực tự huyễn là vinh, là tự hào thì hoạ có là người … điên.
Tôi thực sự rất buồn khi những linh mục và giáo dân ở hai giáo xứ đó đã bị chính quyền đặt vào vị trí của những người cần phải chấn áp bằng chuyên chính cách mạng. Dùi cui điện đã được vung lên trong buổi tối 28/8/2008, lựu đạn cay đã được tháo chốt trong đêm 31/8/2008. Theo cáo giác của các giáo dân và linh mục thì một số các mẹ, các chị giáo dân phải toé máu mặt, các cháu bé đã sặc hơi cay. Tôi xin được hỏi người nào đã nhẫn tâm làm những việc đó. Họ có biết không, những nạn nhân của họ có thể lắm cũng là con cái trong những gia đình cách mạng. Những gia đình có ông, có cha, có em, có chồng đã đổ máu thậm chí cũng đã ngã xuống trong các cuộc kháng chiến anh dũng của dân tộc. Những cách hành xử rất không ổn như thế, những chính khách, những nhân viên công lực, đáng trách hơn cả là những người cầm bút, họ đã nghĩ gì khi họ khắc hoạ rất thành công hình ảnh người công giáo ở khu vực này là những người có dung diện quá méo mó và rất cần phải cảnh giác trong con mắt của 90% dân số không theo đạo thiên chúa. Thử hỏi khối đại đoàn kết toàn dân tộc có bị thương tổn gì không khi mà một bộ phận người công giáo đã bị đẩy về phía chống đối lại chính quyền, phía kẻ thù của cách mạng. Xin nhớ cho rằng dân tộc này đã quá nhiều đau khổ, quá nhiều những xót xa không đáng có trong lịch sử đương đại rồi. Một lần nữa xin tất cả đừng đốt lên những ngọn lửa của hận thù và hoài nghi như đã từng được đốt lên trong lịch sử. Có lẽ cũng phải nhiều thập kỷ nữa trong lòng người có đạo hay không có đạo mới có thể nhạt nhoà đi được những đáng tiếc vừa mới xảy ra.
Cũng là rất không thừa để người Việt Nam chúng ta nói với nhau rằng trong bối cảnh truyền thông báo chí trong nước là truyền thông báo chí đơn tuyến, thì nhìn nhận sự việc nào cũng phải nhìn bằng cả hai mắt, nghe một sự kiện nào cũng rất cần phải nghe bằng cả hai tai. Một lời nói vội vàng, một dòng chữ hấp tấp, một khuôn hình lệch lạc… có thể bạn đã làm cho đất nước này mất ổn định hơn, khối đoàn kết dân tộc rạn nứt hơn. Tôi thấy thật khó nghĩ khi chính những người công giáo cũng không hiểu được người công giáo thì tránh sao được những người theo tôn giáo khác và không theo tôn giáo nào hiểu được người công giáo. Qua đời sống mạng tôi hết sức ngạc nhiên khi thấy một vị nữ luật sư họ Phùng ngày nào ở quận Cam (USA) bà này tay cầm cờ vàng, cờ của chế độ Việt Nam cộng hoà mà gào thét, mà khóc lóc, mạ lị chính quyền trong nước trong các cuộc biểu tình chống cộng sản ở Kali. Vậy mà chẳng hiểu thế nào hôm nay ở Hà Nội, bà ta lại vào một vai “Hồng vệ binh” một “Thanh niên tình nguyện” thứ thiệt thật xuất sắc đến không ngờ.
Tôi nghĩ rằng chính sự độc quyền của truyền thông đã dẫn đến những ngộ nhận rất đáng tiếc trong lòng người dân. Sau nhiều thập kỷ chinh chiến, sau nhiều đau khổ vì mất mát, tâm lý chung của mọi người lúc này là mong được an phận. Phần đông người Việt Nam hôm nay rất dễ dị ứng với những gì có thể ảnh hưởng đến nhịp điệu sống bình thường của họ. Ví dụ, anh A, chị B… bị báo chí, bị đài của Đảng chỉ trích nêu tên, bị Công an tới nhà canh giữ quản chế… như bản thân tôi đây là họ không thể chấp nhận được rồi. Tâm lý này không chỉ có ở bộ phận gồm những người đã được thủ lợi nhờ chế độ, tâm lý này còn ở cả những thần dân bị hất bỏ không thương tiếc và đã rơi xuống tầng đáy của xã hội. Đáng buồn thay tâm lý đó cũng thấy rất rõ ở cả những người được gọi là có học hành.
Giờ đây nếu được nêu một đề nghị gì tôi xin đề nghị: Với những biến cố như ở Toà Khâm Sứ, ở giáo xứ Thái Hà khi phía chính quyền cao đàm khoát luận bảy phần thì cũng xin các quý vị cho các linh mục, các giáo dân ở đó được thể tình ba phần thôi. Đến nay trên truyền thông đại chúng chính thức trong nước chúng tôi vẫn chưa hề được đọc một chữ nào, được nghe một lời nào của các linh mục, của các giáo dân bị kết tội ngoài đoạn trích chết người giành cho ông Ngô Quang Kiệt ngày 20/9/2008. Đoạn trích này đã được nhân bản và truyền phát tối đa. Không có một cuộc đối thoại nào là hay ho, là thuyết phục khi người nghe chỉ được nghe một bên nói. Không một cuộc đấu nào là hấp dẫn khi một võ sĩ bị trói gô cả chân tay để võ sĩ kia mặc sức ra đòn !.
Trong những suy tư của tôi về sự kiện Toà Khâm và Thái Hà điều tôi thấy khó chấp nhận và lạ lùng nhất là phía chính quyền thay vì nỗ lực tìm kiếm các cơ may đối thoại để tháo gỡ, họ lại quá sốt sắng để truy tìm “Thế lực xấu nào đứng ra giật dây, xúi giục giáo dân !”. Nỗ lực này tôi nghĩ là hoài công mà thôi. Xin các nhà quản lý lưu ý, người dân chúng tôi hoạ có là củ khoai, củ sắn, có là sỏi đá hay là hạng gà vịt thì mới có thể ngồi im không hề động não gì trước những diễn biến trên màn ảnh nhỏ trong bữa ăn gia đình. Người Thái Lan họ khác gì người Việt Nam mà chỉ trong vài tháng thôi họ đã làm tung hê cả hai ông thủ tướng. Một ông đổ vì tham nhũng còn ông kia đổ vì phạm luật! Người Hàn, người Nhật thì hơn gì người Việt Nam mà chỉ vì chuyện thịt bò họ có thể làm cho ông Thủ tướng này phải từ chức, ông Thủ tướng kia phải truy cứu! Người Campuchia đã được thượng đế ưu ái gì hơn mà họ được bầu cử đa đảng (10 đảng) một cách êm ru như thế ?
Câu hỏi “Ai đứng đằng sau kích động ?” đã có câu trả lời rồi đấy. Xin thưa, chính những phẩm chất mới của thời đại như sự bùng nổ thông tin (Internet) cùng với những tiêu chí của một thế giới hội nhập toàn cầu đã mở mắt cho những người dân thuần phác như chúng tôi. Nhờ sức mạnh của thời đại mới mà những vấn đề thực ra ngay cả giới trí thức cũng còn rất mù mờ như: Thế nào là một thế giới phẳng ? Thế nào là một xã hội dân sự ? Thế nào là độc tài toàn trị ? Thế nào là pháp quyền pháp trị ? Thế nào là tam quyền phân lập ? Thế nào là đa nguyên đa đảng ? Thế nào là nhân quyền với những nội dung mang tính phổ quát ? Tất cả bỗng như vỡ oà trước mắt mọi người. “Vụ nổ Bigban” về nhận thức chính là kẻ kích động để đây đó râm ran những đòi hỏi Tự do – Dân chủ - Nhân quyền, đòi hỏi công bằng xã hội trong sở hữu tài sản đất đai. Cùng với những ào ạt của phong trào dân oan đòi đất đòi nhà, những người giáo dân ở hai giáo xứ kể trên đã đứng lên nguyện cầu để bày tỏ khát vọng của họ. Nếu nhà cầm quyền của chúng ta hiểu được cho nguyên nhân sâu thẳm của những biến cố vừa qua thì cũng rất cần lắm: “Xin đừng đốt lên những ngọn lửa của hận thù và hoài nghi”
***
Tôi bắt đầu viết những trang viết này vào lúc dự án biến vùng đất tranh chấp của giáo dân với chính quyền ở Toà Khâm Sứ cũ thành công viên xanh lúc nó bắt đầu có hiệu lực. Tôi khép lại những trang viết vội vã này vào lúc dự án kể trên sắp hoàn thành. Thật sự là tốc độ phi mã. Vì sao lại phải như thế? Nếu thực sự vì nhân dân thì không cần phải phi mã như thế, không cần phải thi công dưới sự che chắn của CSCĐ, của an ninh chính trị, của 113…Nếu thực sự nghĩ đến nhân dân thì dự án này phải có từ rất lâu, rất lâu rồi. Thôi thì làm nhanh cho bõ tức thì sự kiện này có thể được chọn là sự kiện ấn tượng nhất của 2008, tôi nghĩ là thoả đáng. Nhân chuyện này tôi ao ước Thượng Đế đoái nhận đến chúng tôi để cứu lấy những cánh rừng đại ngàn cuối cùng còn sót lại để giữ được đất đai, làm sống lại những con sông đã chết trên quê hương đất nước chúng tôi. Hãy cứu lấy dòng sông Thị Vải, nó đã phải chết một cách tức tưởi sau 14 năm bị Tư bản Hàn Quốc làm cho nhiễm độc. Hãy cứu lấy sông Kim Ngưu, sông Tô Lịch, sông Nhuệ do sự ngu dốt và vô trách nhiệm của ai đây? Mà đến nay cái thì đã chết, cái thì đang ngắc ngoải. Hãy có những dự án phi mã để cứu lấy những làng ung thư, làng tâm thần, làng người điên, làng bị nhiễm điện cao áp, những bản làng bị đe doạ trượt đất, bị lũ ống, bị lũ quét nhấn chìm và chôn vùi. Hãy có những dự án phi mã để những người phụ nữ Việt Nam, những bé gái Việt Nam khỏi bị buôn bán sang xứ người làm nô lệ tình dục, để người Việt Nam khi ra nước ngoài không phải nhục nhã vì tấm hộ chiếu trên tay mình khi chẳng may họ phải đi cùng với một người Nhật Bản hay một người Hàn Quốc.
Vừa qua có một lương dân đề nghị sẽ đặt tên cho các công viên cây xanh ra đời trên những vùng đất còn đang tranh chấp là công viên Cầu Nguyện. Tôi thấy ý kiến này hay quá. Chính nhờ các giáo dân, nhờ các linh mục và phải nhờ cả những người đã dám dỡ bỏ những hàng gạch ngăn cách một hiện hữu có lý và một hiện hữu phi lý để giờ đây cả lương cả giáo cùng có chung một không gian xanh - sạch - đẹp để mà thư giãn, để mỗi lần đi qua là một lần chạnh lòng nhớ về một thời có những điều cuồng nộ đã tràn qua mảnh đất này.
Rồi bất bình giữa giáo dân ở hai giáo xứ với chính quyền nơi đó cũng sẽ lắng xuống thôi. Tôi nghĩ rằng chẳng có ai thắng, ai thua đâu trong câu chuyện buồn thảm này. Cây xanh rồi cũng sẽ lại xanh tươi lên mà thôi nhưng vẫn còn nguyên đó những thương tổn trên thân mình khối đại đoàn kết dân tộc. Còn nguyên đó những uẩn ức trong lòng những giáo dân, những linh mục chủ trương cầu nguyện để đòi đất chứ không xin đất. Còn nguyên đó những xót xa trong tâm khảm những người nào đã vì ngộ nhận, vì nông nổi mà đã vung dùi cui điện, đã tháo chốt lựu đạn cay đã hành xử thô bạo với người đồng bào của mình ở hai mảnh đất đó.
Cuối cùng sự khôn ngoan cũng đã đến dẫu rằng là quá muộn rồi. Nói ra điều này tôi biết chỉ có người sĩ quan an ninh rất trẻ, người đã xách cặp đến nhà tôi vào tối 13/9/2008 để phỏng vấn tôi là hiểu được rằng: Trước những biến cố ở giáo xứ Thái Hà và Toà Khâm Sứ cũ, nhân tâm tôi hoàn toàn là trong sáng và tôi không có điều gì phải hổ thẹn khi tôi luôn thành thật mà sống với phần trách nhiệm công dân của tôi trước mọi diễn biến vui buồn, hay dở trong những thăng trầm của hiện tình đất nước. (Hết)
Tp. Hà Đông, những ngày tháng 9/2008
Nguyễn Thượng Long
Nguyên giáo viên Địa lý GD&ĐT Hoà Bình và Hà Tây
Nguyên Thanh tra chuyên môn Sở GDĐT
Người đương thời GDĐT 2006
Ứng cử ĐBQH12
ĐC: Thôn Văn La - phường Phú La –Tp. Hà Đông- Hà Nội
ĐT: 0343 521 066 – 0953 298 198
Gửi ý kiến của bạn