BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73241)
(Xem: 62215)
(Xem: 39399)
(Xem: 31151)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Phản biện bài viết “Không trộn bảy sắc cầu vồng lấy đâu ra ánh sáng trắng cho mọi người” của ông André Menras – Hồ Cương Quyết

09 Tháng Chín 201312:00 SA(Xem: 1217)
Phản biện bài viết “Không trộn bảy sắc cầu vồng lấy đâu ra ánh sáng trắng cho mọi người” của ông André Menras – Hồ Cương Quyết
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53


Ông André Menras Hồ Cương Quyết tác giả bộ phim "Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát".


Hôm nay đọc trên trang mạng Bauxite của giáo sư Nguyễn Huệ Chi bài viết của ông André Menras - Hồ Cương Quyết (xin viết tắt là HCQ), thực sự rất cảm kích và biết ơn ông HCQ về tấm lòng của một người Pháp say mê Việt Nam đến độ quyết trở thành người Việt. Điều này còn có cơ sở hơn nữa khi tôi nhớ lại những gì mình đã đọc về ông, về những gì ông đã làm trước năm 1975 ở Miền Nam Việt Nam, trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa…

 

Tuy nhiên, ngoài những câu chữ thẳng thắn vạch trần thực chất những sự dối trá bạo tàn của chế độ Cộng Sản ở Việt Nam, bài viết của ông HCQ cũng có những đoạn mà với tư cách là độc giả, những người như tôi không khỏi có những quan tâm, đó là về những điều (tôi tạm gọi là mâu thuẫn) trong nhãn quan chính trị xã hội của ông về Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), thế giới Tây phương và Mỹ.

 

Trước hết cũng xin được nói ngay rằng tôi không phải là fan của chế độ Việt nam Cộng Hòa. Tôi là kẻ sinh sau đẻ muộn so với cuộc chiến tương tàn 1954 – 1975, nhưng với việc đọc những tài liệu sử, sách báo cũ, gặp những nhân chứng sống trong chiến tranh (nhất là) của phía VNCH thì chắc chắn là chế độ VNCH ngày nào không thể là niềm mơ ước và là đích phấn đấu của toàn thể người dân Việt Nam ngày nay.

 

Tôi không hề thích thú với nền Đệ Nhất Cộng Hòa của VNCH trước năm 1963 vì cái cách nắm quyền theo kiểu gia đình trị của gia đình ông Ngô Đình Diệm, đặc biệt là quan điểm sống nhờ Mỹ, do Mỹ, nhưng lại muốn biến đất nước thành một mô hình chính trị “Cộng Hòa… Phong Kiến” ly khai Mỹ.

 

Chắc chắn tôi cũng không hề có cảm tình với Nền Đệ Nhị Cộng Hòa của VNCH sau năm 1963 vì những rối ren lục đục triền miên của họ. Họ không biết chọn lựa nhân tài, đưa những con người vũ dũng vô mưu nói năng văng mạng, làm việc thiếu chiều sâu như ông Nguyễn Cao Kỳ lên tới chức phó tổng thống. Đặc biệt là vấn đề an ninh kém cỏi đến độ để cho tình báo của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) ngang nhiên “làm tổ” trong cả dinh tổng thống! (xin đọc bài viết từ năm 2009 của tôi về VNCH tại ĐÂY).

 

 Lịch sử cũng phải công nhận rằng VNCH có đàn áp biểu tình, cầm tù hàng ngàn tù nhân (tạm gọi chung là tù chính trị), nhưng thử hỏi rằng so với sự bạo tàn của VNDCCH trong cuộc Cải cách Ruộng đất đầu thập niên 50 và cuộc Thảm sát Mậu Thân năm 1968 thì liệu mức độ dã man tàn bạo phi nhân tính nào hơn? Nhìn lại chế độ VNCH thì rõ ràng họ chưa phải là mô hình xã hội lý tưởng, nhưng họ đã có sinh hoạt đa nguyên thì chắc chắn nếu tồn tại đến hôm nay, họ sẽ tạo dựng được một chế độ dân chủ đúng nghĩa.

 Ông HCQ không sống ở Miền Bắc ngày trước nên không biết gì về mức độ tàn bạo của chính quyền do Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) lãnh đạo là phải. Trong chế độ VNDCCH ngày trước, chỉ cần một người nói ngụ ý không đồng tình với chính quyền và ĐCSVN thôi, nếu câu nói đó lỡ lọt tai một viên cán bộ thì coi như người đó đã lãnh án tử hình, thậm chí cả dòng họ cũng bị ghi sổ đen cả đời không bao giờ ngẩng mặt lên được…

 

Chế độ VNCH có đạo luật khét tiếng “10/59” nhưng vẫn phải có tòa án xử công khai, có luật sư bào chữa nghiêm túc. Còn chế độ VNDCCH thì nó chẳng cần tòa án làm chi cho mất thì giờ, cứ phản động là nó bắn bỏ. Thậm chí cho đến tận những năm 2000 của thế kỷ này, công an an ninh vẫn sử dụng lệnh bắt người lưu không, tức là lệnh đã ký sẵn, khi bắt người công an chỉ việc điền tên bị can là xong!

 

Ông HCQ viết: “Hẳn nhiên là sẽ không trung thực nếu so sánh con số tù chính trị thời đó với thời nay (ở miền Nam là hơn 200.000 trước năm 1975). Cũng sẽ không trung thực nếu so sánh các điều kiện giam cầm (tra tấn đánh đập hàng ngày, chuồng cọp, bắn bỏ và thủ tiêu mất tích…). Những ai coi ngày nay hệt như ngày trước là không trung thực và có ý đồ xấu.”  

 

Những nhận định trên đây của ông HCQ quả là thiếu thực tế. Có lẽ ông ta đã lầm lẫn giữa tù chính trị và tù chiến tranh (thực chất là các tội phạm khủng bố bằng chiến tranh du kích). Tin chắc rằng nếu chỉ đơn thuần là đấu tranh phi bạo lực thì không thể có con số và mức độ đó. Bằng chứng là chính ông HCQ - một nhân vật nổi bật tai tiếng trong mặt trận biểu tình chống chính quyền VNCH - cũng chỉ chịu mức án hơn 2 năm tù. Nên nhớ là điều đó cách nay đã 42 năm, khi mà thế giới còn chưa mấy ai hiểu thực chất thế nào là dân chủ!!!

 

Nếu ông HCQ đem hôm nay ra để so sánh với hơn 40 năm trước và giữa những người đấu tranh ôn hòa với những tội phạm chống chính quyền bằng bạo lực thì quả là một sai lầm quá lớn. Ồng nghĩ gì khi một Trần Huỳnh Duy Thức chỉ mới manh nha thành lập đảng đã chịu mức án 16 năm tù? Một Điếu Cày chỉ vừa lập ra một Hội nhà báo tự do cũng ngồi tù mười mấy năm? Một Đỗ Thị Minh Hạnh (người mà ông HCQ lấy ra làm chứng trong bài viết của mình) đã làm gì nên tội để bị án tù 7 năm? Xin nhắc lại rằng chuyện đó đang xảy ra ngày hôm nay và cách cái thời điểm mà ông so sánh đã là hơn 40 năm – thế giới đã tiến rất xa về mặt nhận thức đối với tự do dân chủ… 

 

Xin hoàn toàn đồng ý với ông HCQ, nếu là ông hay những người như các ông Lê Hiếu Đằng, Hồ Ngọc Nhuận, Trương Thìn vv.., sống trong chế độ VNCH thì có thể tôi cũng sẽ làm như ông và họ, bởi lúc đó ít nhất một nửa thế giới đang mộng mị vì một chủ nghĩa ảo, không có thật nhưng đang sáng lấp lánh thứ ánh sáng lân tinh ma quái, đó là Chủ Nghĩa Cộng Sản. Và người Mỹ khi đem quân đến Việt Nam cũng sẽ dễ dàng bị hiểu là “đem quân xâm lược”…

 

Như vậy ý kiến của ông HCQ về VNCH đã được phản biện. Xin nói tiếp về quan điểm của ông HCQ trong cách nhìn xã hội tư bản trong thế giới Phương Tây và Mỹ:

 

Ông HCQ viết:“về cơ bản, chủ nghĩa Marx là một chủ nghĩa nhân bản” điều đó có thể đúng nhưng nó không có thật, vấn đề là cái chủ nghĩa ấy nó phải “bước đi” bằng mô hình kinh tế tư bản đa thành phần (kinh qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa – Marx). Và nếu cái mô hình xã hội tư bản nó quái dị như ông nói:“Xin đừng bao giờ quên rằng trong các xã hội tật bệnh của một chủ nghĩa tư bản ăn không biết no biết chán này, nếu như tất cả của cải dường như là trong tầm tay của vô số người càng ngày càng nhiều trên đường phố của Hy Lạp, của Tây Ban Nha, của Italia, của Pháp, của Hoa Kỳ…, thì những của cải ấy liền biến mất ngay khi ta chìa tay ra định nhặt…” thì chắc chắn cái xã hội bệnh tật đó không thể là một thứ “quá độ” để đi lên cái chủ nghĩa “nhân bản” như ông nghĩ, vì nó đã bệnh đến thế nếu không chết cũng hết hơi…

 

Chuyện phân hóa giàu nghèo là điều tất yếu ngay cả trong một xã hội có phân chia hợp lý về hưởng thụ, vì công bằng không đồng nghĩa với cào bằng – tư bản là như vậy – nó làm theo năng lực và hưởng theo lao động (chân tay và trí óc). Nếu thế giới tư bản (Phương Tây, Mỹ Úc, Canada…) xấu quá như ông HCQ nghĩ thì xin chỉ cho thế giới xem mô hình chính trị xã hội nào tốt đẹp hơn để loài người phấn đấu? Hiện trạng thế giới ngày nay tạm thời chỉ có duy nhất một mô hình lý tưởng, đó là chế độ đa đảng và phát triển kinh tế đa thành phần (tư bản).

 

Ta hãy so sánh một ông vua vùng Trung Đông hay một vài nhà độc tài như Sadam Husein, Gadafi, Mubarak…các tỉ phú đó giàu lên bằng trục lợi, bằng sức dân đóng góp trực tiếp và bắt buộc (thông qua đủ mọi loại kênh). Và trong thế giới tư bản, với những nhà tư bản như Bill Gates, Amasio Ortega, Sergey Brin, Lary Page… hàng trăm các tỉ phú giàu lên nhờ trí tuệ và may mắn, họ đã tạo ra của cải và thặng dư cho xã hội, họ đã đóng thuế cho quốc gia, họ đã tạo ra việc làm cho hàng triệu người… Vậy ta nên tôn trong loại tỉ phú nào? Và nên tôn trong mô hình xã hội nào?

 

Về tâm lý, có lẽ để phần nào làm dịu những bộc bạch thẳng thắn và có phần khá gay gắt của ông HCQ về chế độ Cộng Sản hiện nay ở Việt nam, ông HCQ đã áp dụng những hình thức so sánh có phần khiên cưỡng trong bài viết của mình. Có lẽ hàng trăm năm nữa người ta cũng chưa thể sáng tạo ra được một mô hình chính trị theo chủ nghĩa nào tiến bộ hơn mô hình nhà nước dân chủ như Tây Phương, Mỹ, Úc, Canada… Và vì không bao giờ có sự công bằng tuyệt đối, ta nên chấp nhận cái tương đối, hoặc giả nếu bắt buộc phải chọn một cái xấu (có thể là như vậy) thì ta sẽ chọn cái ít xấu hơn…

 

Mặc dù ít nhiều có những nhận định (tạm cho là mâu thuẫn) về lịch sử, về cách nhìn nhận chế độ dân chủ tư bản trong bài viết của ông HCQ, nhưng đây là một bài viết đáng ca ngợi hơn là chê trách. Từ những tiếc nuối, đớn đau, dằn vặt của ông HCQ chúng ta rất hiểu cho những người như các ông Lê Hiếu Đằng, Hồ Ngọc Nhuận - họ vừa là nạn nhân vừa là tội đồ trong quá khứ - tất cả đều có nguyên nhân là họ bị lợi dụng lòng yêu nước. Có thể họ sẽ chẳng làm được gì hơn là sự lên tiếng. Nhưng chắc chắn sự lên tiếng của họ sẽ góp phần nâng cao nhận thức chính trị cho toàn xã hội.

Lê Nguyên Hồng - Sydney, Australia
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn